Hoàn Cảnh Công Nhân Việt Nam
tại Ðài Loan

Lm Nguyễn Văn Hùng, SSC, Ðài Loan

Sau khi được anh em tín nhiệm đề cử tại kỳ họp thường niên vào dịp hè của hội Tu Sĩ Việt Nam tại Ðài Loan, tôi và Thầy Nguyễn Linh Ghi đã phối hợp làm việc và giúp đỡ một số công nhân Việt Nam đang làm việc tại công ty Bochang ở Ðỗ Liêu, Ðài Loan.

Công ty Bochang dệt khăn có phân xưởng ở Việt Nam. Công ty của họ đã ký hợp đồng với những công nhân này là qua Ðài Loan để huấn nghệ nâng cao tay nghề, sau đó về Việt Nam làm việc lại trong hảng. Tuy nhiên những ký kết này đã không được công ty giữ đúng như lời hứa. Những công nhân này đã phải làm việc cật lực ngày 12-15 tiếng. Bị nhục mạ và hay bị la mắng. Chỗ ở thiếu điều kiện vệ sinh tối thiểu vv... Khỏng 1/3 trong số 21 công nhân VN là Công Giáo. Họ đã đi lễ và gặp thầy Ghi và yêu cầu thầy giúp đỡ can thiệp. Thầy Ghi đã liên lạc với tôi. Chúng tôi đã hẹn gặp một số công nhân này để tìm hiểu sự tình. Lần đầu tiên tôi gặp là 6 chị công nhân VN. Có người vừa kể vừa rướm nước mắt.

Tôi về lại Ðài Bắc nhờ Văn Phòng Công giáo bảo vệ quyền lợi Công Nhân Ngoại Quốc liên lạc. Tôi viết thư, gởi fax, điện thoại và sau đó cùng với đại diện của Văn Phòng Hy Vọng thuộc Giáo Hội Công Giáo Ðài Loan lấy hẹn với ông giám đốc điều tra thuộc Bộ Lao Ðộng để trình bày sự việc. Sau khi trình bày xong, tôi đề nghị Bộ gởi người xuống điều tra và cho tôi tháp tùng để thông dịch. Ông giám đốc đồng ý và ngày hôm sau tôi đã xuống gặp các công nhân VN tại hảng Bochang trước sự ngỡ ngàng của mọi người vì tôi không thông báo trước.

Khi đến tôi tiếp xúc với ông giám đốc công ty và đặt ngay vấn đề hợp đồng. Ông lấy ra 1 bản viết cẩu thả bằng tay trên 1 tờ giấy nháp và nói đó là bản hợp đồng. Tôi liền lấy ngay ra 1 bản hợp đồng đánh máy dịch từ bản tiếng Việt của các công nhân VN gởi cho tôi. Thế là ông ta chịu phép dối trá. Tôi yêu cầu được đi tham quan chỗ anh chị em ở thì thấy, phía nữ, vệ sinh toilet và phòng tắm thiếu. Nước tại nhà vệ sinh tràn lan ra bên ngoài. Phía nam thì chỗ nhà ở rất tệ, thiếu vệ sinh tối thiểu. Tôi cũng thình lình gặp một số công nhân nữ và hỏi họ về công việc thì họ sợ và đã nói dối. Sau đó biết tôi là linh mục nên đã nói sự thật. Họ vừa nói vừa nhìn chung quanh sợ sệt. Sau đó đại diện Ban Ðiều Tra thuộc Bộ Lao Ðộng, ông Hung Wan Peng, yêu cầu cho họp tất cả các công nhân VN để hỏi ý kiến và cũng là dịp để cho công nhân VN có dịp trinh bày. Ðại khái là họ phải làm việc quá nhiều mà lương bổng lại trả không đúng tiêu chuẩn. Qua đây làm việc chớ không phải học. Hiện nay chưa học được gì cả. Bị ông chủ nhục mạ là "người VN ăn cắp". Hỏi bao nhiêu người đồng ý ở lại làm việc sau 6 tháng thì ai cũng muốn về, chỉ trừ có 1 cô là muốn ở lại làm. trong dịp này có vài nữ công nhân có ý kiến nhiều hơn những công nhân khác thế là ông giám đốc Bochang ra lệnh đuổi 2 người đó về VN. cả nhóm bắt đầu hoang mang và thiếu sự đoàn kết trong nội bộ công nhân được thể hiện rõ nét sau đó. Một số anh chị em đề nghị là nếu đuổi thì về hết, một số bảo họ không làm gì sao lại phải về.

Ông giám đốc công ty sau đó đã cho người dẫn ông Hung Wan Peng ra ngoài, tôi ở lại thông dịch cho công nhân VN. Trong lúc này ông giám đốc đã nhìn nhận là 21 công nhân VN qua đây là đi làm và học. Ông cũng đem trường hợp lương bổng ra so sánh với các công nhân Thái, Phi và nói là công nhân VN có lợi hơn vì được lãnh lương hai đầu: 1 ở VN là 200 USD và ở đây lãnh theo giờ phụ trội (over time). Rõ ràng là bóc lột trắng trợn vì các công nhân nước khác sẽ lãnh khoảng 25,000-30,000 tiền Ðài Loan mỗi tháng nếu họ làm việc như người VN. Thêm vào đó lương căn bản quy định bởi Bộ Lao Ðộng là 14,800 tiền Ðài Loan mỗi tháng thì người Việt Nam chỉ nhận được có 4,500 tiền Ðài Loan mỗi tháng. Tôi đã chỉ cho ông thấy điểm này thì ông ấy giận dữ. Một vài công nhân VN hỏi ông thêm thì ông bỏ ra bên ngoài.

Sau đó ông Hung Wan Peng trở vào và yêu cầu tôi không làm lớn chuyện này. Tôi đồng ý với điều kiện là Bochang phải biết điều, bồi thường cho công nhân VN một cách công bằng. Không được đuổi 2 người mà ông giám đốc đã đe dọa. Nếu không tôi sẽ làm theo lẽ phải. Ông Hung đã hứa sẽ nói riêng với ông giám đốc. trước khi ra về, ông quản trị công ty dẫn tôi đi tham quan một vòng công ty giới thiệu. Có lẽ lấy lòng tôi. Ông ấy đã tặng cho tôi một số khăn, tôi không nhận và ông ấy nhất định dí cho được vào tay tôi tại ga Ðỗ Liêu. Vì lịch sự tôi nhận. Sau đó tôi gặp thầy Ghi và nhờ thầy kiếm ai đó cho mớ khăn này, một phần mồ hôi của công nhân Việt Nam. Thầy không nhận. Tôi mang ra tặng cho mấy người homeless tôi gặp ở ga xe lửa, họ cũng chẳng nhận. Thế là tôi đành mang lên trung tâm homeless ở Ðài Bắc cho họ. Thoát cái nợ.

Sau khi về lại Tân Trúc, tôi được thầy Ghi báo cho hay là 5 công nhân VN tuyệt thực yêu cầu được trả về VN. Lý do là vì công ty đòi đuổi 2 công nhân Việt Nam. Ba người công nhân khác muốn tỏ tinh thần đoàn kết, tương ái nên đã quyết định về chung với hai người kia. Hai người kia cũng tự nguyện trở về VN chứ không muốn ở lại làm việc nữa. Tôi tiếp tục đấu tranh cho các anh chị em. Những người bạn Tàu đề nghị tôi làm lớn chuyện như tổ chức họp báo, mời ký giả báo chí đến phỏng vấn, chụp hình để đăng báo. Nhưng tôi đã hứa không làm lớn chuyện, mặc dầu công ty nay vẫn không nhân nhượng. Mình còn quá compassionate không? Hai tuần sau đó, ngày 26/10/1995 chúng tôi cùng nhau ra phi trường tiển 5 công nhân VN về Việt Nam, sau bao nhiêu ngày tranh đấu để được trở về Việt Nam.

Dù sự giúp đỡ của chúng tôi còn giới hạn. Tuy nhiên lần này công ty Bochang đã phải e dè hơn vì những việc làm sai trái của họ. Bộ Lao Ðộng Ðài Loan đã biết thêm một trường hợp vi phạm luật lao động của một công ty. Ông giám đốc Bộ Lao Ðộng đã hứa với tôi là nếu công ty Bochang làm sai thì sẽ phạt không cho họ được đăng ký xin nhận công nhân VN trong tương lai. Sự hiện diện và dấn thân của anh em Tu Sĩ Việt Nam tại Ðài Loan sẽ nâng đỡ tinh thần và khích lệ công nhân VN đòi hỏi cho những quyền lợi chính đáng của mình. Ông giám đốc Bộ Lao Ðộng Ðài Loan cho biết là sẽ có khoảng 2,000 công nhân VN sắp qua Ðài Loan để làm việc. Họ rất cần sự giúp đỡ của chúng ta trong tương lai. Chúc các cha và các thầy can đảm để làm chứng nhân trong tinh thần phục vụ.

Ðài Loan, ngày 27 tháng 10 năm 1995
Lm. Nguyễn Văn Hùng, SSC


Back to Vietnamese Missionaries in Taiwan Home Page