Thân phận cô dâu Việt Nam
lấy chồng xứ người

Prepared for Internet by Vietnamese Missionaries in Taiwan

LẤY CHỒNG XỨ NGƯỜI

 Mẹ tôi tham thúng xôi rền,
Tham con lợn béo, tham tiền Cảnh Hưng.
Tôi đã bảo mẹ rằng đừng,
Mẹ hấm mẹ hứ, mẹ bưng ngay vào.
Bây giờ chồng thấp vợ cao,
Như đôi đũa lệnh so sao cho bằng!
(Tục ngữ Ca dao Việt Nam)

 Mỗi lần đọc báo thấy điều chi không đúng ý mình, người ta thường bảo nhau: "Tin vào mấy tờ báo làm gì" hay "nhà báo nói láo ăn tiền." Tôi không phải là nhà báo nên chẳng có lý do gì để nói láo kiếm tiền nuôi thân hay gia đình vợ con. Không biết do tình cờ hay số mạng nào dun dủi mà tôi hiện đang sống và làm việc tại Ðài Loan nên nhìn thấy nhiều điều chướng tai gai mắt nay xin được thành thật chia sẻ với mọi người những gì mắt thấy tai nghe cùng với những suy tư từ những gì tôi cảm nghiệm được trong cuộc sống ở Ðài Loan này.

 Báo chí hẳn đã nói nhiều viết nhiều về chuyện con gái Việt Nam ồ ạt đổ dồn nhau đi lấy chồng Ðài Loan với những oan khiên oái oăm cười ra nước mắt của nó. Nhưng hình như chẳng ai tin chẳng ai để tâm vì ai cũng nghĩ "chuyện xấu xẩy dến cho người khác chứ không thể xẩy ra cho tôi đâu?" Hay lý luận rằng: "Chẳng lẽ ai sang lấy chồng Ðài Loan cũng gặp đau khổ cả à!" Thế là chuyện lấy chồng Ðài Loan bỗng trở thành phong trào?chả khác chi phong trào tìm vàng ở tiểu bang California ở Mỹ trước đây. Xin quí độc giả nhớ kỹ trong đầu là tôi hiện đang sống và làm việc thiện nguyện tại Ðài Loan này chứ không phải tôi đang ngồi ở Việt Nam tưởng tượng mà viết ra những điều đau lòng dưới đây.

 Theo lời một anh bạn thân của tôi chuyên lo giúp cho các cô dâu Việt Nam ở Ðài Loan này cho biết hiện tại đã có khoảng trên dưới 50 ngàn cô dâu Việt Nam lấy chồng Ðài Loan. Anh còn bào tôi là hàng tháng có khoảng một ngàn cô sang đây theo diện lấy chồng. Làm một con tính nhẩm trong đầu ta sẽ thấy con số ấy nếu nhân cho 12 tháng thì một năm sẽ có khoảng 12 ngàn cô hân hoan tươi rói như bắt được vàng giã từ gia đình sang làm dâu xứ người trong lòng ôm giấc mộng làm giầu để giúp dỡ gia đình bên Việt Nam. Nếu quí vị có dịp sang Ðài Loan du lịch, nếu biết chữ Tầu và để ý một chút quí vị sẽ thấy các bảng quảng cáo mọc đầy trên các đường phố và ngay cả bên cạnh các đường siêu tốc. Nội dung của các bảng quảng cáo này thật đơn giản trắng trợn với hàng trắng tít lớn: "VIỆT NAM TÂN NƯƠNG". Bên dưới là số điện thoại, số fax và cả email nữa? Mỗi lần nhìn thấy các bảng quảng cáo này (tôi nghĩ nên gọi nó là bảng cảnh cáo thì đúng hơn với cái thực tế của nó!) lòng tôi lại chùng xuống một cung trầm buồn lạ lùng? Dĩ nhiên nỗi buồn của tôi có lý do của nó.

 Tôi quen khá nhiều cô dâu Việt Nam sống quanh thành phố nơi tôi đang ở và làm việc. Nhờ đó tôi biết rất rõ hoàn cảnh bi đát của họ. Các cô hy sinh cuộc đời của mình với hy vọng sang Ðài Loan kiếm tiền gửi về giúp gia đình bên Việt Nam. Nhưng thực tế bao giờ cũng phũ phàng không giống như mình mơ mình tưởng. Xin được đưa ra vài ví dụ cụ thể. Ở ngay cái chợ "chồm hổm" đối diện với nhà tôi ở có một cô dâu Việt Nam đứng bán ở một cái sạp bán rau cỏ. Cái sạp ấy là của bố mẹ chồng của cô nên cô chỉ làm như một người làm mướn. Nghe mấy cô dâu khác bảo tôi là chồng cô thỉnh thoảng vẫn đánh đập cô. Mỗi lần đi chợ mua thức ăn tiện đường tôi cũng hay ghé nói dăm câu chuyện thăm hỏi với cô. Một ngày kia khi đang nói chuyện với cô tôi thấy da mặt cô bỗng biến sắc. Cô lí nhí bảo tôi: "Anh đi về nhanh đi, thằng chồng em nó đang đến." Tôi vội vã bỏ đi trong lòng thắc mắc mình đứng nói chuyện với cô thì có gì mà làm cô phải sợ đến thế. Không cưỡng được tính tò mò, tôi ngoái đầu nhìn lại xem tướng tá anh chàng ta thế nào. Thì ra anh ta là một chàng gù lưng mà tuổi đời gấp đôi tuổi của cô. Khi anh ta bước ra khỏi chiếc xe honda tôi thấy anh ta đứng cao chưa đến vai vợ mình. Bây giờ thì tôi hiểu tại sao cô sợ. Bây giờ thì tôi hiểu tại sao cô hay bị đánh đập. Người chồng với mặc cảm tật nguyền như thế thì làm sao không nổi cơn ghen khi thấy cô tiếp chuyện tươi cười với những chàng trai khác nhất là người đó lại là người Việt Nam như tôi. Buồn!

 Còn một cô khác sống ở vùng quê. Tôi không được tận mắt nhìn thấy cô. Tuy nhiên nghe các cô dâu khác kể cho tôi nghe rằng chồng cô là một chàng câm. Tuổi đời, dĩ nhiên, cũng đã cao. Chuyện anh ta câm thì thực ra chẳng có gì quan trọng lắm. Nhưng khổ cái là cách đối xử của anh ta với vợ như là một con nô lệ. Hàng ngày cô phải vác bình đi xịt thuốc sâu cho lúa. Còn anh chồng thì rủng rỉnh đạp chiếc xe đạp theo sau. Hễ thấy cô nói chuyện với bất cứ ai là ai ta đánh ngay tai chỗ. Ra đến cánh đồng anh ta ngồi trên bờ nhìn vợ mình xịt thuốc sâu như ông chủ nhìn người làm công hay tên nô lệ. Buồn!

 Ngay chính tôi tình cờ một hôm phải can một anh chồng khi anh ta đánh vợ tại một quán ăn nơi vợ anh ta làm công ở đó. Quán ăn ngay cạnh nhà tôi ở nên tôi không thể làm ngơ để anh đánh cô ta được. Là người Việt Nam tôi có cái đau khi thấy người dân mình bị hà hiếp bóc lột đánh đập nơi xứ người. Nhưng tôi không thể làm chi hơn ngoài cách ôm anh chồng lôi ra ngoài. Nhìn mặt mũi cô thâm tím và một mắt bị sưng húp lên, bầm đen. Tôi gọi điện thoại cho một người bạn thân đến để cùng tôi đưa cô đi nhà thương và sau đó dẫn cô đi báo cáo cho cảnh sát. Phải đi đúng ba trạm cảnh sát mới xong. Nhưng cảnh sát cũng chẳng làm gì hơn ngoài việc gọi điện thoại về nhà cảnh cáo anh chồng rồi thôi. Tôi ra về mà lòng ngán ngẩm lòng trĩu nặng u buồn. Cô ta ở nhà tôi cho đến 11 giờ đêm thì tôi bảo cô về và dặn hễ có chuyện gì thì gọi điện thoại cho tôi. Buồn!

 Dịp hè vừa qua tôi về Việt Nam thăm gia đình bạn bè. Nhân ngồi đợi chuyến bay tôi bắt chuyện với một cô Việt Nam lấy chồng Ðài Loan. Sau phần giới thiệu tên tuổi quê quán. Tôi hỏi nhà chồng cô ở đâu. Nghe tên thì tôi biết là ở một quê hẻo lánh phía nam của Ðài Loan. Cô bảo tôi: "Nó ba sạo với em. Nó nói sẽ cho gia đình em hai ngàn đô. Nhưng thực ra má em chỉ nhận được có hai trăm đô qua bà làm mai mối." Nghe chuyện của cô tôi bỗng nhớ vài câu ca dao giễu cợt cái cảnh chồng già và chuyện tham tiền mà gả con cho anh chồng già vào thời phong kiến xa xưa. Nhưng chuyện đó không ngờ vẫn xẩy ra ở thời đại văn minh của thế kỷ 21 này:

 Gà tơ xào với mướp già,
Vợ hai mươi mốt, chồng đà sáu mươi.
Ra đường, chị giễu, em cười.
Rằng hai ông cháu kết đôi vợ chồng.
Ðêm nằm, tưởng cái gối bông.
Giật mình gối phải râu chồng nằm bên.
Sụt sùi tủi phận hờn duyên,
Oán cha, trách mẹ tham tiền bán con.

 Còn nhiều lắm những chuyện thương tâm như thế. Nhưng kể sao cho hết trong một bài báo ngắn ngủi này. Tôi không bi quan đâu. Tôi không tiêu cực đâu. Cái nhìn của tôi thẳng thắn và thực tế. Và thực thế là như vậy đó. Nhiều khi ch1nh cha mẹ, ông bà đã bán con cháu mình chỉ vì tham vài ngàn đồng đô la. Có một cô than thở với tôi: "Em sang đây chỉ vì ngoại em nói nếu em không chịu lấy ông Ðài Loan đó thì ngoại em sẽ chết. Thế là em đành phải lấy ông ta cho ngoại vừa lòng." Chính chúng ta, ông bà hay cha mẹ đã đẩy con cháu mình vào chỗ đau khổ tủi nhục mà không biết, vào chỗ khổ cực nhọc nhằn mà không hay. Rồi ở Việt Nam đôi khi lại còn hãnh diện huyênh hoang với bà con làng xóm là con mình cũng là Việt Kiều như ai! Bởi không có cô nào dám nói lên sự thật về cuộc sống cay cực tủi nhục ở bên Ðài Loan này cho gia đình bên Việt Nam biết. Nếu nói ra thì cũng chẳng ai tin. Trái lại còn viện cớ là nó không muốn giúp đỡ gia đình nên bày chuyện nói vậy. Vì thấy con người ta cũng lấy Ðài Loan sao lâu lâu lại gửi tiền về cho gia đình hoài còn con mình thì không có gì cả. Nhưng nếu cha mẹ tin lời nói của các cô thì còn cha mẹ nào dám nhận những đồng tiền dành dụm bằng mồ hôi và nước mắt thống khổ của con cái mình gửi về. Nên cách hay nhất là im lặng cắn răng chịu đựng khổ đau cay đắng một mình và niềm vui là những lần dành dụm được ít tiền gửi về cho gia đình. Ngay tối hôm qua có cô gọi điện thoại xin mượn tiền của tôi để gửi về cho gia đình bên Việt Nam vì bên nhà gọi điện thoại sang nói là cần tiền gấp. Tôi làm sao dám từ chối đây!

 Nói thế không có nghĩa là không có những cô gặp được những người chồng đàng hoàng tử tế. Nhưng con số ấy rất nhỏ chỉ như hạt cát trong sa mạc mênh mông. Nói chung đời sống của họ không khác gì một thứ tù lỏng. Mới đây khoảng hơn một tuần tôi có hỏi một cô là năm nay cô có về ăn tết với gia đình bên Việt Nam không. Cô nghẹn ngào trả lời tôi là em muốn về cũng không được vì giấy tờ tùy thân của em bị chồng nó giữ hết rồi. Quay sang tôi hỏi cô khác thì cô cũng trả lời như vậy. Làm sao tôi không buồn khi thấy tuổi xuân của các cô bị vùi dập như vậy. Nhưng thật ra các cô chưa từng có tuổi xuân để mà bị vùi dập?

 Tôi rất đau lòng mà nói thật và thẳng những chuyện này. Là bên Việt Nam thì cứ luôn nghĩ dẫu sao gả con sang bên Ðài Loan cũng vẫn sung sướng hơn là bên Việt Nam. Cái lối suy nghĩ như thế đã ăn vào xương vào tủy nên không có cách chi thay đổi được. Mặc dù tôi biết báo chí tin tức đã nói rất nhiều nhưng vẫn không có hiệu quả gì. Người ta cứ bịt tai che mắt không dám nhìn hay không muốn nhìn sự thật. Ðồng tiền làm con người ra mụ mẫm mù quáng không còn biết đâu là thật đâu là giả.

 Các bậc phụ huynh hãy nghĩ kỹ xem đồng tiền mình đang ăn đang xử dụng có đáng với cái giá mà con mình đang trả không? Ðó là máu, là xương, là mồ hôi, là nước mắt là đau khổ của những đêm dài tủi hờn nhục nhằn âm thầm nằm bên người chồng mà mình không hề yêu không hề thương. Một tháng trước đây tôi có lo chuyện hậu sự cho một cô dâu Việt Nam chết vì tai nạn xe. Khi gọi điện thoại về cho gia đình của cô bên Việt Nam, mẹ cô bảo tôi rằng thôi thì con tôi, tôi đã gả bán cho người ta rồi. Vì thế xin anh thương lượng sao cho tốt đẹp bên họ đàng chồng của nó. Bà còn bảo tôi rằng thật tội nghiệp cho thằng chồng của nó bây giờ mất vợ. Tôi ngẩn người cứng họng không biết trả lời sao? Bởi bà có biết đâu là chàng con rể Ðài Loan yêu quí của bà là một thằng khùng. Ðã có một thời gian cả tháng trời con bà không ngủ được vì không biết lúc nào thằng chồng nó đánh mình. Không lẽ tôi bảo bà là với số tiền bảo hiểm bồi thường cho cái chết của con bà, khi lãnh được nó sẽ lại sang Việt Nam và lấy cô khác bây giờ chứ nó thương xót gì con bà. Nhưng cổ tôi đắng ngắt. Tôi lặng câm?

 Bỏ điện thoại xuống tôi suy nghĩ mông lung và chợt nhận ra bà nói đúng một điểm: Là bà đã bán con bà.

 Nói sao cho hết chuyện buồn này. Tôi xin kết luận rằng, dù rất đau lòng mà nói lên sự thật này, là đa số các cô lấy phải những tên vô lại, cờ bạc, rược chè, nghiện ngập, thất nghiệp, v.v? Có thể nói các cô dâu Việt Nam ở Ðài Loan trở thành một thứ nô lệ mới của thời đại văn minh này. Thứ nhất là họ trở nên kẻ hầu người hạ, con sen cái ở trong nhà mà không được trả tiền lương. Thứ hai là họ giúp thằng chồng vô lại có con nối dõi. Thứ ba là họ trở thành một công cụ để thỏa mãn sinh lý cho chồng.

 Viết bài này tôi chỉ có một mục đích duy nhất là muốn thức tỉnh lương tâm của những bậc làm cha mẹ có trách nhiệm hơn trong vấn đề dựng vợ gả chồng cho con cái mình. Con cái mình là con người có nhân phẩm cao quí chứ không phải là một vật để mình đổi chác rao bán để mong có vài ngàn đô la để đời mình có tí sung sướng. Một thứ sung sướng giả tạo, chóng qua và bất nhẫn. Ðừng nhẹ dạ nghe những lời dụ ngọt của bọn mai mối. Họ sống trên sự đau khổ tủi nhục của con cái mình. Họ chỉ biết có đồng tiền còn thì sống chết mặc bay. Cuộc đời vốn vẫn thế! Hãy nhớ rằng không một nơi nào ở trên trần gian này là thiên đàng cả. Thiên đàng là chính nơi mình đang ở và nếu nó chưa là thiên đàng thì mình phải có bổn phận biến nó thành thiên đàng.

 Taiwan tháng 12 năm 2000
Nguyễn Hoài Hương
 
 


Back to Vietnamese Missionaries in Taiwan Home Page