Khóc thương

cho những người con của Mẹ Việt Nam

chết oan nghiệt tại Ðài Loan

 

 

Prepared for Internet by Vietnamese Missionaries in Asia

 

Khóc thương cho những người con của Mẹ Việt Nam chết oan nghiệt tại Ðài Loan.

(Ðài Loan 29/04/2005) - Theo báo cáo của Chính Phủ Ðài Loan, hiện nay có khoảng trên 80,000 cô dâu Việt Nam lấy chồng Ðài Loan; trên 40,000 công nhân Việt Nam được xuất khẩu làm việc lao động tại các công ty, cơ xưởng, nhà máy; và trên 60,000 người Việt Nam làm giúp việc trong các gia đình hay trong các viện dưỡng lão tại Ðài Loan.


Bà Nguyễn Thị Vân đứng khóc bên xác của con gái là Nguyễn Thị Nhung bị chết vì té từ ban công cửa sổ lầu 6 ở Ðài Loan.


Trong số hơn 180,000 người Việt Nam, lao động, giúp việc nhà hay làm cô dâu tại Ðài Loan, đã có không ít những trường hợp vì tai nạn này hay tai nạn nọ hoặc bệnh tật, v.v... và đã qua đời. Như những cô dâu Việt Nam vì uất ức, vì chịu hết nổi những nỗi khổ nhục, đã ôm con ngồi bên xe môtô, đổ xăng vào người và châm lửa tự tử; hoặc có những cô dâu cùng với con uống thuốc sâu, hay nhảy lầu tự tử, v.v... Những trường hợp này đã được kể lại từ lâu trong những bài trước đây. Trong bài viết này chỉ xin kể lại một vài trường hợp khác, đáng thương tâm và đầy oan nghiệt.

 

1) Nguyễn Thị Nhung, sinh ngày 4 tháng 11 năm 1980 tại Thái Nguyên, Việt Nam. Cuối năm 2004, qua Ðài Loan làm việc theo hợp đồng lao động xuất khẩu. Làm việc được 2 tháng, vì lương hàng tháng đều bị Môi Giới Ðài Loan và Việt Nam trừ gần hết. Tính đi tính lại, cứ thế này, làm suốt 12 tháng cũng chẳng được bao nhiêu tiền. Hơn nữa, để có được một hợp đồng đi lao động xuất khẩu, cô đã mượn tiền để đóng cho Môi Giới Việt Nam hơn 4,000 Mỹ Kim. Cô đành liều trốn khỏi nơi đang làm việc theo hợp đồng và đi làm việc "chui" tại một công xưởng khác ở Yangmey (tại Ðài Loan, công nhân nước ngoài chỉ được phép làm việc ở trong công xưởng đã ký hợp đồng lao động, làm việc ở những nơi khác ngoài hợp đồng được gọi là làm việc "chui", bất hợp pháp, sẽ bị trục xuất về Việt Nam nếu bị bắt). Chiều ngày 13/03/2005, sau khi đi làm về, tắm rửa, và chuẩn bị ăn cơm. Vừa ngồi vào mâm cơm, chưa kịp cầm đũa, thì nghe tiếng cảnh sát Ðài Loan đập cửa. Vì không muốn bị bắt và bị trục xuất về Việt Nam, Nguyễn Thị Nhung cùng với 12 cô gái Việt Nam khác cùng sống trong căn nhà trọ này, vội vàng trèo ra cửa sổ, và ngồi nấp ở ban công ngoài cửa sổ. Cảnh sát Ðài Loan, bất chấp sự nguy hiểm của 13 cô gái đang ngồi trốn trên một ban công nhỏ ở cửa sổ lầu 6, những cảnh sát này cũng chẳng có một tờ giấy lệnh tòa nào để tới soát nhà cả. Một sự không may đã xảy ra, trong lúc cảnh sát chuẩn bị bắt các cô để trục xuất về Việt Nam, thì Nguyễn Thị Nhung đã bị té từ ban công cửa sổ lầu 6 rơi xuống đất. Tấm thân liễu yếu đào tơ của cô được đưa vào cấp cứu tại nhà thương, nhưng vô ích, cô đã qua đời cách oan nghiệt.


Cô Ðỗ Thị Toan, chết vì ngộp khói trong vụ hỏa hoạn xảy ra trong thời gian cô bị tạm giam ở ty cảnh sát Ðài Loan.


2) Ðỗ Thị Toan, sinh năm 1971, tại Nam Ðịnh, Việt Nam. Ðầu năm 2005, cô được môi giới đưa qua Ðài Loan để làm việc theo hợp đồng lao động xuất khẩu. Vì không muốn hàng tháng cứ bị môi giới trừ hết vào tiền lương, làm việc khổ nhọc mà chẳng lãnh được bao nhiêu tiền. Cô đã trốn ra ngoài và làm việc "chui" ngoài hợp đồng tại một công xưởng khác ở Tân Trúc (Hsinchu). Làm việc được một thời gian, nghe lời khuyên của chồng, ngày 16/12/2004, cô tới ty cảnh sát trình diện để được trục xuất về Việt Nam. Trong lúc chờ giấy thông hành, đóng tiền phạt, và làm thủ tục về Việt Nam, cô được cảnh sát nhốt ở trong phòng tạm giam bên trong ty cảnh sát. Ngày hôm đó ty cảnh sát xảy ra hỏa hoạn. Vì cô bị nhốt trong phòng nên không thể chạy thoát được. Khi ngọn lửa được dập tắt, thì cô đã bị ngất xỉu vì ngộp quá nhiều khói. Cô nằm bất tỉnh ở nhà thương được hơn một tuần thì qua đời.

 

3) Lê Hữu Thắng (hay còn gọi là A. Ðức), sinh ngày 3 tháng 6 năm 1974 tại Hà Tĩnh, Việt Nam. Ðã tốn mất rất nhiều tiền mới qua được làm việc lao động xuất khẩu tại Ðài Loan. Cũng như bao nhiêu trường hợp khác, không chịu nổi với sự khấu trừ tiền lương của các môi giới Việt Nam và Ðài Loan. Thắng (A. Ðức) đã trốn ra ngoài làm việc "chui" ngoài hợp đồng. Công việc làm hằng ngày của Thắng là phụ giúp thợ hồ cho một công trình xây dựng tại Ðài Trung (Taichung). Theo lời khai của các bạn của Thắng, ngày 8/04/2005, Thắng bị té từ lầu 5 tại một tòa nhà đang xây cất. Chủ thầu là người mướn Thắng làm việc bất hợp pháp nên không dám đưa Thắng đi nhà thương. Vì không được cấp cứu đàng hoàng, Thắng đã qua đời. Chủ nhà thầu lại không muốn liên lụy đến mình, bèn mang tử thi của Thắng đặt nằm trên mãnh đất thuộc một công trình xây dựng khác. Khi cảnh sát đến hiện trường, những người trách nhiệm báo cáo rằng có lẽ Thắng uống rượu say và té lầu chết. Nhưng sau cuộc điều tra, Cảnh sát thấy rõ là, nơi phát hiện tử thi của Thắng không phải là hiện trường xảy ra bản án, vì trên cổ của Thắng có vết thương chảy máu, nhưng trên mặt đất không có vết máu. Tìm hiểu thêm nữa, cảnh sát mới biết rõ sự thật là nhà thầu vì muốn trốn trách nhiệm nên di chuyển thi hài của Thắng đến một địa điểm khác để trốn tránh trách nhiệm.


Phạm Ngọc Hưng bị tai nạn và mê man bất tỉnh hơn hai tháng trước khi qua đời.


4) Phạm Ngọc Hưng, sinh năm 1977 tại Thái Bình, Việt Nam. Sau khi hoàn thành nghĩa vụ quân sự, về lại địa phương. Ðứng trước khó khăn về kinh tế, vốn liếng chẳng có, chỉ trông mong vào 1 sào ruộng của gia đình, không đủ để làm ăn. Hưng theo bạn bè tìm đến Môi Giới Việt Nam ở Vũ Hội, đăng ký đi lao động xuất khẩu ở Ðài Loan. Sau 6 tháng học tiếng Trung Hoa và kiểm tra tay nghề, Hưng đóng tiền cọc 3,000 Mỹ Kim cho Môi Giới Việt Nam, nhưng chờ một năm sau vẫn chưa có hợp đồng đi lao động. Mãi đến ngày 31/09/2003, Hưng được thông báo là đã được nhận đi lao động xuất khẩu ở Ðài Loan. Nhưng Môi Giới Việt Nam lại bắt Hưng phải đóng thêm 1,800 Mỹ Kim nữa mới được đi. Ðến Ðài Loan, Hưng được đưa tới làm việc tại một xưởng sẻ đá. Những tảng đá được sẻ ra bán được rất nhiều tiền, nhưng Hưng lãnh tiền lương cũng chẳng được bao nhiêu. Lại còn bị Môi Giới khấu trừ gần hết. Chịu hết nổi với công việc sẻ đá quá vất vã, lại chẳng được bao nhiêu tiền, Hưng đã trốn ra ngoài làm việc "chui" ngoài hợp đồng cho một công xưởng khác ở Hoa Liên (Hualien). Ðiều không may, ngày 25/09/2004, Hưng lại gặp tai nạn lúc làm việc, và bị mê man bất tỉnh. Nằm mê man tại bệnh viện hơn 1 tháng, Cha Nguyễn Văn Hùng giúp gia đình của Hưng làm giấy tờ để qua thăm nuôi Hưng tại Ðài Loan. Thấy không còn hy vọng cứu chữa, gia đình của Hưng đưa Hưng về Việt Nam, và sau đó Hưng đã qua đời ở Việt Nam.


Nguyễn Thị Chiến, Bị 5 vết dao đâm thật sâu, nằm mê man bất tỉnh ở nhà thương Hsinchu, Ðài Loan.


5) Nguyễn Thị Chiến, sinh năm 1980 tại Nghệ An, Việt Nam. Qua Ðài Loan giúp việc nhà cho một gia đình Ðài Loan ở Tân Trúc (Hsinchu). Sự việc gì đã xảy ra, cảnh sát đang trong thời gian điều tra. Ngày 22/04/2005, khi chúng tôi được tin và đến bệnh viện thăm cô, thì thấy rõ, trên thân thể của cô có 5 vết dao đâm thật sâu. Cô đang nằm bất tỉnh, nên chẳng ai biết được sự việc gì đã xảy ra. Chủ nhà, nơi cô đang làm giúp việc, thì khai rằng, cô ta tự đâm vào mình vì cô muốn tự tử. Không biết có ai có thể tin được vào lời khai của chủ nhà không. Một cô gái yếu ớt làm sao đủ sức tự đâm vào mình 5 vết dao thật sâu như thế. Cho đến ngày hôm nay (29/04/2005) cô đang nằm mê man bất tỉnh tại nhà thương.

 

Ðiều oan nghiệt là những công nhân này bị tai nạn và bị chết trong thời gian làm việc "chui" ngoài hợp đồng, bởi vậy họ không có bảo hiểm lao động tại Ðài Loan. Cho đến nay, vấn đề rắc rối là họ vẫn không có được khoản tiền nào để trả những chi phí cấp cứu ở nhà thương, chi phí hỏa táng khi qua đời và nhiều vấn đề khác nữa. Các luật sư của những văn phòng phục vụ cho công nhân Việt Nam của Giáo Hội Công Giáo Ðài Loan đang nhiệt tình tranh đấu giúp đỡ để đòi hỏi. Tuy nhiên, Bộ Lao Ðộng Ðài Loan nói rằng, khi ký hợp đồng với Nhà Nước Việt Nam, Nhà Nước Việt Nam đã ký rằng, Nhà Nước Việt Nam sẽ chịu trách nhiệm cho những chi phí về y tế cho những công nhân Việt Nam đã rời khỏi nơi làm việc theo hợp đồng và bỏ đi làm việc "chui" ở những nơi khác ngoài hợp đồng. Phía Văn Phòng Nhà Nước Việt Nam lại trao trách nhiệm này cho Môi Giới Việt Nam và ra lệnh rằng "các anh phải giải quyết những sự việc này". Nhưng Văn Phòng Môi Giới Việt Nam lại liên lạc với các gia đình cha mẹ của các nạn nhân và ra lệnh rằng, "quý vị phải nhanh chóng trao gấp cho chúng tôi số tiền là... để thanh toán chi phí nhà thương cho con cái của quý vị đang gặp tai nạn. Chúng tôi chỉ giúp cho quý vị theo vấn đề tình cảm. Vì theo nguyên tắc, con cái của quý vị đã rời khỏi nơi làm việc theo hợp đồng, nên chúng tôi không còn trách nhiệm nữa". Ðiển hình như trường hợp của anh Nguyễn Ngọc Hưng, Môi Giới Việt Nam đã đòi hỏi gia đình bố mẹ của anh Hưng phải trả cho Môi Giới một số tiền rất là cao cho những chi phí về y tế, ngay cả khi Nhà Thương Tsu-Chi của Giáo Hội Phật Giáo Ðài Loan đã vì thương tâm không lấy một đồng nào trong việc cấp cứu cho anh Nguyễn Ngọc Hưng cả. Mặc dầu các Công Nhân Việt Nam trước khi đi lao động xuất khẩu đều đã đóng tiền bảo hiểm lao động cho môi giới Việt Nam. Nhưng không biết số tiền này có được dùng để mua bảo hiểm hay không, hay đã thất thoát vào túi của ai rồi.


Lê Văn Duẫn, bị tai nạn, và đang nằm mê man bất tỉnh ở nhà thương ở Taoyuan, Ðài Loan.


Trên đây là một vài hoàn cảnh oan nghiệt của những người con của mẹ Việt Nam đang gặp phải ở Ðài Loan. Còn rất nhiều những trường hợp khác nữa mà không tiện kể hết ra nơi đây. Như những trường hợp của những thuyền nhân Việt Nam làm việc đánh cá theo hợp đồng xuất khẩu trên các thuyền đánh cá của người Ðài Loan. Nhiều lúc giữa trời giá lạnh rét buốt của mùa đông, các chủ thuyền bắt buộc các thuyền nhân Việt Nam phải lặn xuống biển để gỡ lưới khi lưới bị mắc kẹt. Nếu các thuyền nhân sợ lạnh chưa dám xuống thì bị đánh đập và bị xô xuống biển. Ðã có nhiều thuyền nhân lặn xuống gỡ lưới và không thấy trở lên. Mãi cho đến khi xác nổi lên bờ mới biết rằng các anh đã chết vì lạnh cóng dưới lòng biển.

Mẹ Việt Nam ơi, các con cái của mẹ phải chịu những hoàn cảnh oan nghiệt này cho đến bao giờ mới hết. Nguyện xin Trời Cao luôn đổ tràn ơn bình an cho những người con của Mẹ Việt Nam, xin ban cho họ luôn được khỏe mạnh và an toàn đang khi phải làm việc khổ cực ở Ðài Loan để kiếm tiền nuôi cha mẹ và nuôi gia đình con cái ở Việt Nam.

 

Ðài Loan, ngày 29/04/2005

Rev. Joseph Trương

 


Back to Vietnamese Missionaries in Asia Home Page