Lý thuyết là như thế, ai cũng biết việc nghỉ ngơi giải trí là cần thiết. Nhưng đối với ai phải đảm nhận nhiều trách nhiệm, nhiều khi không có đủ thời giờ để làm cho xong những công việc phải làm, đôi khi rất cấp bách phải hy sinh cả thời giờ nghỉ đêm để thức khuya làm việc, thì đào sâu ra thời giờ để vui chơi giải trí? Ông Trời công bằng một cách bất công ở chỗ: người phải làm nhiều việc hay ít, và dù nhiều hay ít việc tới đâu thì ai cũng được cung cấp đúng 24 giờ một ngày, không ai được thêm hay bị bớt đi phút nào. Vì thế, có người tha hồ mà nghỉ ngơi vui chơi giải trí, có người phải xếp đặt khôn khéo mới có thời giờ đó, và cũng có người tìm được thời giờ để nghỉ ngơi giải trí thì thật là khó khăn. Như đã nói ở trên, những người này cũng phải "can đảm" dứt bỏ công việc để nghỉ ngơi giải trí mỗi khi cảm thấy mệt mỏi vì quá rán sức. Nếu không "dứt" công việc thì công việc cũng sẽ "dứt" mình, nên thà rằng mình "dứt" công việc còn hơn để nó "dứt" mình.
Tuy nhiên cũng có cách để những người này có thể vui chơi giải trí mà không cần phải dành ra thời giờ rõ rệt để làm chuyện đó. Họ nên áp dụng tinh thần vui nhàn của Nguyễn Công Trứ: "Tri nhàn tiện nhàn, đãi nhàn hà thời nhàn?" (Biết nhàn thì đã là nhàn rồi, còn cứ chờ lúc được nhàn thì biết đến bao giờ mới nhàn?). Biết nhàn ở đây nghĩa là biết cách nhàn, có tinh thần nhàn, thì dù có bận bịu công việc vẫn giữ được tâm hồn ung dung thư thái, chứ không bị đảo điên tất bật vì công việc. Cũng như tự do và hạnh phúc, có thứ lệ thuộc vào những điều kiện bên ngoài, có thứ tự tại, không lệ thuộc vào điều kiện nào cả. Nhiều người nói: Tôi phải được thế này thế kia thì tôi mới tự do, mới hạnh phúc. Tự do mà phải tùy thuộc vào điều kiện này điều kiện kia thì đâu có phải là tự do đúng nghĩa! Tự do đích thực là tự do bất chấp điều kiện nên ngoài: cho dù ở tù vẫn cảm thấy tự do. Hồ Chí Minh đã nói đến thứ tự do đó trong câu: "Còn lại trong tù khách tự do" (bài "Vào nhà lao huyện Tĩnh Tây"). Muốn thế thì phải "Thân thể ở trong lao" nhưng "tinh thần ở ngoài lao" (bài "Nhật ký trong tù"). Hạnh phúc cũng vậy, có nhiều người nghĩ rằng phải có tiền mới có hạnh phúc được. hạnh phúc đó quả mỏng manh và tạm bợ, vì khi nào không còn tiền thì cũng không còn hạnh phúc. Nhưng vẫn có những người lúc nào cũng hạnh phúc vì lúc nào cũng thấy "tên mình đã được ghi trên trời" (Lc 10,20). Hạnh phúc như thế thì trong hoàn cảnh nào cũng vẫn hạnh phúc. Ðó là hạnh phúc không điều kiện. Tự do và hạnh phúc không điều kiện như thế là những thái độ nội tâm, biết tự bằng lòng với chính mình, không để nội tâm của mình lệ thuộc vào hoàn cảnh bên ngoài.
Tương tự như vậy, nhàn nhã cũng có hai thứ: thứ có điều kiện và thứ không lệ thuộc điều kiện. Nhiều người chỉ cho mình là nhàn khi không phải làm việc nhiều, không phải bận tâm nhiều việc, khi có nhiều thì giờ rảnh rang. Nhưng vẫn có những người tuy bận rất nhiều việc, gánh trên vai nhiều trách nhiệm, lúc nào cũng thấy làm việc không ngừng, nhưng luôn cảm thấy tâm hồn an nhiên thư thái, thái độ lúc nào cũng ung dung tự tại, nét mặt luôn luôn vui tươi, không khác gì một người lúc nào cũng nhàn nhã. Họ không cần phải dành thì giờ để vui chơi giải trí, vì họ đã vui chơi giải trí cho chính công việc của họ. Ít khi họ cảm thấy mệt nhọc vì công việc, vì đối với họ, họ đâu có làm việc. Công việc chính là trò chơi, là trò giải trí của họ. Cần gì phải giải trí bằng cách khác. Ðối với họ, trách nhiệm cũng chỉ là trò chơi giải trí, là một thách đố gây cho họ nhiều cảm hứng thích thú. Chu toàn trách nhiệm đã lãnh nhận hay thành công trong việc có nghĩa là họ đã thắng trong cuộc chơi. Thất bại hay không làm tròn trách nhiệm, dù đã cố gắng tối đa, thì cũng chỉ là thua cuộc, có gì là nghiêm trọng mà phải buồn phiền hay đặt thành vấn đề? Họ thấy trên đời chẳng có gì là nghiêm trọng khiến họ phải mất bình an trong tâm hồn. Tất cả đều chỉ là trò chơi, và cả cuộc đời là một trò chơi lớn. Nếu họ có phải dồn hết năng lực vào việc gì thì không phải vì họ coi việc đó là nghiêm trọng, mà vì họ cảm thấy "trò chơi" đó đáng cho họ dồn hết năng lực để thắng cuộc.
Tất cả đều chỉ là trò chơi, đều nhắm mục đích đem lại vui thú, hạnh phúc và thoải mái cho con người. Và người đầu tiên sáng tác ra mọi thứ vui chơi ấy chính là Thiên Chúa. Vì tình thương đối với mọi tạo vật, nhất là với các thiên thần và loài người, Ngài đã mời gọi tất cả tham dự vào cuộc chơi vĩ đại ấy, để chính Ngài và tất cả mọi tạo vật đều được một phen vui chơi thỏa thích, làm cho cuộc hiện sinh của mình có ý nghĩa. Còn mục đích nào đúng đắn cho sự hiện hữu của chính Ngài và cho tất cả mọi chúng sinh bằng để tất cả đều được hạnh phúc, đều được vui đùa với nhau trong tình yêu thương lẫn nhau? Và cũng không có gì làm cho mọi người được vui tươi, hạnh phúc và thoải mái bằng nô giỡn với nhau!
Ðối với người coi tất cả mọi sự đều chỉ là trò chơi, thì có điều gì được coi là quan trọng ngoài tương quan thân thiện giữa những người cùng chơi với nhau, trong đó có Thiên Chúa và tất cả mọi loài chúng sinh? Thắng bại trong trò chơi cũng là chuyện khá quan trọng mà ai cũng tự nhiên lưu tâm tới, nhưng đâu quan trọng bằng cái tình thương giữa những người cùng chơi! Luật chơi, tức những luật tự nhiên cũng như những luật thiết định mà Thiên Chúa, nguòi sáng tác ra trò chơi, lập ra để chơi, cũng là chuyện quan trọng thứ yếu. Chính vì muốn trò chơi được đúng đắn và đem lại sự vui tươi tối đa mà mọi người cần tôn trọng luật. Ðương nhiên ai lỗi luật chơi thì cũng cần phải chịu một hình phạt nào đó xứng hợp, giống như trong mọi trò chơi do loài người lập ra.
Quan niệm rằng mọi việc trong cuộc đời, ngay cả cuộc đời, thậm chí cả những chương trình vĩ đại của Thiên Chúa đều chỉ là những trò tiêu khiển, quan niệm đó giúp ta có một thái độ bình tâm, ung dung, nhàn nhã và vui tươi trước cuộc sống. Nó cũng giúp ta có một tinh thần siêu thoát, tâm hồn không bị vướng vào những thực tại trần tục. Vì thế cuộc đời lúc nào cũng thơ thới hân hoan, không có gì đáng phải buồn phiền, luôn luôn thấy mình sướng như tiên, dù hoàn cảnh bên ngoài có khó khăn. Ðã là trò chơi ắt phải có tính thách đố, nghĩa là phải có khó khăn để vượt qua. Nếu không có khó khăn để thách đố, thì đó là thứ trò chơi "lãng nhách" nếu không muốn nói đó không còn là trò chơi nữa. Trò chơi nào cũng phải có cái khó của nó. Chính cái khó đó mới làm cho trò chơi trở nên hấp dẫn. Người ham chơi đích thật càng ngày càng muốn dấn thân vào những trò chơi khó hơn. Và niềm vui của trò chơi chính là thắng vượt được khó khăn. Khó khăn càng lớn thì người thắng cuộc càng vinh quang. Do đó, càng khó khăn thì càng nên hứng chí, lẽ nào buồn phiền chán nản?
Quan niệm mọi sự chỉ là trò chơi và thực sự sống theo quan niệm đó là một thứ linh đạo cao cấp và hết sức đúng đắn, vì quan niệm đó rất chí lý. Ðương nhiên không thể tránh khỏi có những người quá nghiêm trang đến độ không thể coi quan niệm này là đúng đắn được. Họ thích nghiêm trang đạo mạo và hay quan trọng hóa mọi chuyện. Vì thế, trí óc họ bị căng thẳng khiến họ dễ bực bội quạu quọ với người khác, đồng thời làm mồi cho những căn bệnh nan y có nguyên nhân tâm lý. Ðể đề phòng đồng thời chữa trị những chứng bệnh ấy, khoa tâm lý thời nay đề nghị phương thức "hài hước trị liệu" (Humour therapy). Nhưng hài hước và pha trò đối với họ quả là khó vì họ không thích và không quen làm mất đi vẻ nghiêm trang, đạo mạo, "đúng đắn" của họ. Họ có vẻ đạo đức và thánh thiện, thánh thiện cách nghiêm trang hơn là vui vẻ. Các nhà tu đức học nói về họ: "Un saint triste est un triste saint" (Thánh mà buồn là thánh đáng buồn), và "Sanctus videtur sed non est" (Có vẻ là thánh mà không phải), đang khi những vị thánh thật sự thì lại "Sanctus non videtur sed est" (Không có vẻ thánh mà hóa ra là thánh).
"Linh đạo vui chơi nhàn nhã" này được các nhà "thần học vui nhàn" (thần học về nhàn nhã vui chơi) ủng hộ và đặt nền tảng cho nó.
(C) Copyright 1995. Tác giả giữ bản quyền.