Ngày nay, tuy máy móc và tiện nghi kỹ thuật đã giảm cho con người biết bao nhiêu công việc, nhưng con người chẳng nhàn hạ rãnh rỗi hơn xưa, trái lại còn bận bịu tất bật hơn. Vì văn minh tiến bộ một mặt giảm bớt cho con người biết bao nhiêu việc cũ, mặt khác lại gia tăng gấp bội những công việc mới. Vì thế, trong lịch sử con người, chưa bao giờ con người lại bận bịu công việc như ngày nay. Nước nào càng văn minh, càng kỹ nghệ hóa cao, thì dân nước đó càng phải chạy đua với công việc, tất bật với công việc tới độ căng thẳng. Vì thế, con người càng ngày càng ý thức được sự cần thiết của thời giờ rảnh rỗi, của vui đùa giải trí, của thư giãn...
Trong chiều hướng tái khám phá nhu cầu và giá trị nhân bản của việc vui chơi giải trí của con người, về mặt tôn giáo, người ta cũng tái khám phá chiều kích tâm linh của vui chơi, giải trí, và sự cần thiết của nó đối với tâm linh. Từ đó, trong Giáo Hội, phát sinh ra "Thần Học về nhàn nhã vui chơi", tìm hiểu chiều kích vui chơi của con người, của Giáo Hội, của Thiên Chúa.
Một trong những thần học gia đầu tiên của thần học này là Hugo Rahner (Anh của thần học gia Karl Rahner). Ông đã tái khám phá trong linh đạo của Thánh Tôma Aquinô căn bản của lập trường Kitô giáo về hoạt động vui chơi của con người. Theo ông, sự vui chơi chính là một nguyên lý để giải thích và chú giải mặc khải Kitô Giáo. Ông đi từ Homo Ludens (con người vui chơi) đến Deus ludens (Thiên Chúa cũng vui chơi) và Ecclesia ludens (Giáo Hội cũng vui chơi). Ông cho rằng việc sáng tạo cũng như cứu chuộc là một trò chơi của sự khôn ngoan Thiên Chúa.
Ông lập luận như sau: Thiên Chúa dựng nên vũ trụ cũng như cứu chuộc để làm gì? Tại sao Ngài phải làm như vậy? Chúng ta làm hết việc này đến việc kia là do chúng ta muốn thỏa mãn một nhu cầu hay một thiếu thốn nào đó. Mà đã có nhu cầu, đã thiếu thốn thì có nghĩa là bất toàn. Thiên Chúa là Ðấng hoàn toàn, Ngài không thiếu thốn gì cả. Vì thế, không thể nói Ngài sáng tạo hay cứu chuộc vì một lý do nào khác ngoài tình yêu tự do vượt khỏi mọi tất yếu. Tình yêu đó khác với tình yêu của con người. Con người yêu thương vì có nhu cầu yêu và được yêu, hay vì sự hấp dẫn lôi cuốn (nét đẹp, sự thiện hảo) của đối tượng yêu. Ngài yêu thương không vì một lý do nào cả, không vì nhu cầu yêu thương hay vì vẻ hấp dẫn của đối tượng yêu, cũng không phải vì nhu cầu giải trí do trí tuệ bị mệt mỏi. Ngài yêu vì Ngài muốn yêu, Ngài hoạt động vì Ngài muốn hoạt động. Do đó, tình yêu cũng như hoạt động của Ngài mang tính cách vui chơi, hoàn toàn tự do. Theo các sách khôn ngoan trong Kinh Thánh, theo truyền thống các giáo phụ và các nhà thần bí, việc tạo dựng vũ trụ là một trò chơi, trong đó, Ngôi Lời (Logos) dấn thân vào trong thế giới để làm cho Thiên Chúa Cha vui thú. Vì thế, cuộc sáng tạo la một vũ khúc vũ trụ (danse cosmique), và vũ trụ là một trò chơi đang tiếp diễn của Ngài, một trò chơi vĩ đại, trong đó Thiên Chúa đang vui đùa.
Thánh Kinh không ngần ngại dùng từ "vui đùa", "vui chơi" để mô tả hoạt động sáng tạo của Thiên Chúa. Sách Châm Ngôn mô tả: Sự Khôn Ngoan vốn ở luôn bên cạnh Ðấng Sáng Tạo "hằng ngày làm cho Ngài được vui thú và luôn luôn vui đùa trước nhan Ngài, và nơi trần gian cũng vui chơi và thích thú giữa con cái loài người" (Cn 8,30-31). Trong tinh thần đó, sự cứu chuộc, là cuộc sáng tạo mới, nói theo thuật ngữ của Thánh Kinh, cũng là một trò chơi của sự Khôn Ngoan Thiên Chúa. Trong đó Ðức Kitô, "bài thơ" của Chúa Cha, chính là sự vui chơi tuyệt hảo của Ngài.
Thế giới của chúng ta cũng là một hý trường, trong đó Thiên Chúa đang nô đùa với chúng ta, chúng ta cũng đang nô đùa với Ngài. Hình ảnh một người cha nô đùa với con cái, cảm thấy thích thú khi làm cho chúng cười, là hình ảnh rất đẹp để diễn tả tình yêu vui nhộn giữa Thiên Chúa và con người. Và chỉ trong trò chơi vui nhộn ấy giữa cha con, sự thân tình mới được bộc lộ cao điểm. Thật vậy, người ta dễ gần gũi với nhau nhất khi vui chơi nô đùa với nhau. Khi cùng làm việc, người ta phải tôn trọng tôn ti trật tự trên dưới, nên có sự xa cách nhau do địa vị chức tước quyền hành. Nhưng khi vui đùa với nhau, tất cả mọi khoảng cách đều ngắn lại, sự thân thiện phát sinh khiến mọi người cảm thấy gần gũi nhau. Vì thế, nhìn Thiên Chúa như một người Cha đang nô đùa với chúng ta, ta sẽ cảm thấy Ngài gần gũi thân mật với chúng ta hơn bao giờ hết. Nếu Ngài đang nô đùa với chúng ta thì thái độ thích hợp nhất của chúng ta là cùng nô đùa với Ngài, làm cho Ngài thích thú. Thái độ nghiêm trang quá đáng đối với Thiên Chúa cũng như đối với mọi người không phải là thái độ thích hợp. Ðức Kitô đã không có thái độ như thế.
Thần học gia H. Cox, trong một tiểu luận thần học (La fête des fous, Paris 1971, p.173), đã mô tả Ðức Giêsu như một người hài hước vui tính. Một Ðức Giêsu vui tươi, linh động, hấp dẫn, để đến gần. "Như một người trào phúng, Ðức Kitô coi thường hủ tục, lề thói cũ, coi thường những người vẫn được người đời ca tụng nể vì. Như một thi sĩ lang thang, Ngài không có nơi gối đầu. Như một tay châm biếm chọc cười, Ngài chế giễu những quyền bính được người đời lập ra, bọn này lúc nào cũng sống xa hoa lộng lẫy bên cạnh đám dân nghèo thiếu thốn cùng khổ. Như một nhà thơ hát rong, Ngài tham dự các lễ hội và các buổi tiệc. Cuối cùng, những kẻ thù của Ngài đã dùng chính danh hiệu Vua, tạo thành một bức hoạt kê châm biếm chua chát (để trả thù những châm biếm của Ngài) và đóng đinh Ngài giữa những tiếng cười nhạo báng với bảng hiệu trên đầu Ngài (để trả thù những chế diễu của Ngài)..." Khi gán cho Ðức Kitô những nét đặc trưng của một người vui nhộn trào phúng, H. Cox muốn diễn tả một cái gì rất sâu xa và chính yếu.
Thật vậy, Ðức Kitô là một sự hòa hợp toàn hảo giữa một tâm hồn hết sức nghiêm chỉnh, trong sáng, đúng đắn, với một phong thái hết sức ung dung, tự tại, tự do phóng khoáng, với cách ứng xử luôn vui tươi, thoải mái, hài hước, đùa giỡn, để hòa hợp với mọi người, để gần gũi được mọi người. Phong độ của Ngài khác hẳn với bọn Kinh Sư Do Thái. Bọn này bên ngoài thì nghiêm trang đúng đắn, trịnh trọng lễ nghi khiến người khác phải kính trọng khép nép, nhưng bên trong thì đầy quanh quéo, ẩn khúc, độc ác, kiêu căng, tư tưởng của họ chẳng đúng đắn chút nào. Ðức Kitô thích vui chơi thoải mái, thích tham dự những buổi tiệc, lễ lạc, hòa mình vào nếp sống người bình dân. Ngài không kiêng kị giao du với những người bị xã hội coi là tội lỗi, như bọn gái điếm, những người thu thuế, người Samari... Ngài rất ghét và thường châm biếm vẻ "ta đây", kiêu căng, khoe mẽ, tính câu nệ lề luật mà thiếu tình thương của giai cấp lãnh đạo tôn giáo. Ngài thích vui vẻ đùa giỡn, chơi chữ, thoải mái, đặt nặng tình người, lòng yêu thương bên trong và coi nhẹ những biểu lộ giả tạo bên ngoài của luật lệ, truyền thống, phong tục... Theo H. Cox, chỉ khi nào chúng ta có những cách hành xử chơi đùa (comportemente ludiques) về khía cạnh tôn giáo, chúng ta mới hiểu được ý nghĩa những hành động của Ngài.
Các nhà thần học về nhàn nhã vui chơi cũng áp dụng tinh thần vui chơi đó vào Giáo Hội (Ecclesia ludens). Nhờ cái chết và sự phục sinh của Ðức Kitô, các Kitô hữu được giải phóng khỏi ách tội lỗi, ách của ma quỉ, của thần chết, của lề luật, của các u buồn. Nhờ vậy, Người Kitô hữu luôn sống trong niềm vui, tự do thoải mái, không bị ràng buộc vào những ách đau buồn đó. Ðược giải phóng khỏi những ách đó, tương quan giữa Giáo Hội và Ðức Kitô là tương quan vợ chồng, với tất cả những quan hệ yêu đương, những vui thú của tình yêu. Sách Nhã Ca đã tả chân mối tương quan đầy vui chơi và lạc thú đó. Thoát khỏi ách tội lỗi, ma quỉ, lề luật; tương quan giữa con người với Thiên Chúa là tương quan Con với Cha. Hình ảnh hai cha con vui vẻ đùa giỡn với nhau trong yêu thương chính là hình ảnh lý tưởng chân thực, diễn tả tương quan đúng đắn nhất giữa con người với Thiên Chúa...
Quan niệm như thế, Giáo Hội không phải là một cộng đoàn chỉ biết nghiêm chỉnh làm việc, mà là một Ecclesia ludens (Giáo Hội vui chơi) đầy sức sống, đầy vui tươi hoan lạc. Giáo Hội là bí tích của Nước Trời, mà Nước trời đã được Thánh Kinh mô tả như một yến tiệc linh đình, một hình thức vui chơi thoải mái. Chỉ trong tinh thần vui chơi nhàn nhã này, sứ điệp mà Giáo Hội rao giảng mới đích thực là Tin Mừng, cái tin làm cho mọi người nghe đều vui tươi phấn khởi. Chắc chắn vào thời cánh chung, Ecclesia celesta (Giáo Hội trên trời) phải là Ecclesia ludens một Giáo Hội đầy vui tươi hoan lạc. Viễn ảnh đó vừa là hy vọng, vừa là điều Giáo Hội trần gian phải cố gắng đạt tới ngay ở đời này. Giáo Hội trần gian phải phần nào là một Ecclesia ludens đầy nét tươi vui hấp dẫn để các con cái mình phần nào hưởng nếm trước niềm vui của cái cứu cánh mà cả Giáo Hội đang đi tới.
Con người được Thiên Chúa dựng nên để hưởng hạnh phúc chứ không để chịu đau khổ, để vui chơi hưởng nhàn chứ không để bận rộn làm việc. Nếu có làm việc thì chỉ là để vui chơi: làm việc cũng là một thứ trò chơi. Nhưng từ khi tội lỗi xen vào đời sống con người, đau khổ cũng xen vào như một hậu quả tất yếu, và sự làm việc trở thành khó khăn như một hình phạt, và con người bị bó buộc phải làm việc để sống. Việc làm đã mất đi sự vui thú của nó. Thiên Chúa cũng làm việc, các thiên thần cũng làm việc, nhưng cảm thấy vui thú trong công việc. Làm việc để vui thú, việc làm trở thành một trò vui hơn là một nhu cầu bắt buộc. Nhất là khi động lực để làm việc là tình yêu, làm việc để làm cho người yêu hạnh phúc. Một cô gái thêu một chiếc khăn tay, đan một chiếc áo len để tặng cho chàng trai mình yêu tha thiết, thì công việc đó là một niềm vui, cô cảm thấy hạnh phúc khi làm việc đó. Nhưng nếu cô bị ép buộc phải làm việc đó cho một người cô ghét cay ghét đắng, thì cũng là công việc y như vậy mà cô lại cảm thấy nặng nhọc như một hình phạt. Vấn đề chỉ là có hay không có tình yêu mà thôi. Tội lỗi hay tình trạng thiếu tình yêu chính là nguyên nhân khiến cho con người thấy công việc thành nặng nhọc, không còn là một trò vui thú nữa.
Do đó, củng cố tình yêu nơi bản thân, coi công việc là một cách để làm cho người mình thương yêu, Thiên Chúa, tha nhân, được vinh quang, hạnh phúc, ta sẽ thấy việc làm trở thành một niềm vui, một trò vui chơi. Như vậy, công việc là một điều vui thú hay là một gánh nặng, chủ yếu là do thái độ nội tâm của ta hơn là do chính công việc. Vậy, giải phóng mình khỏi sự nặng nhọc buồn chán của công việc, khỏi ách nô lệ công việc, không gì bằng giải phóng nhãn quan của mình về công việc, nghĩa là phải thay đổi cách nhìn cũng như quan niệm của mình về công việc. Ðừng nhìn nó như một cách quá nghiêm chỉnh, coi công việc là công việc với tất cả tính nghiêm trọng của nó. Cách nhìn đó làm ta mất hết hứng thú thậm chí làm đầu óc ta căng thẳng và làm khả năng ta tê liệt. Hãy coi công việc mình làm như một trò tiêu khiển, và cũng như một đứa trẻ, hễ chơi trò này mệt thì đổi sang trò chơi khác. Một linh mục khi "chơi trò" nghiên cứu kinh thánh hay soạn bài giảng thấy mệt thì chuyển sang "trò" đi thăm giáo dân hay ra nhà nguyện "vui đùa" với Cha mình. Một tu sĩ cảm thấy chán và mệt với "trò" học hành, hãy chuyển sang "trò" viết thư thăm gia đình hoặc bạn bè. Nói chung, lấy trò này để giải trí cho trò kia, dùng việc nhẹ để tiêu khiển sau khi làm một việc nặng.
Nếu tội lỗi khi đi vào thế gian đã biến sự làm việc thành một gánh nặng, một sự buồn chán, thì khuynh hướng đi ngược lại, tức biến công việc thành niềm vui, thành trò chơi, ắt là một khuynh hướng thánh thiện, tốt đẹp. Ðó cũng là một cách thánh hóa công việc, là vui đùa với Thiên Chúa bằng công việc mà mình vốn coi nó là trò chơi.
Tính cách vui chơi và nghỉ ngơi được đặt rất nặng trong Kitô giáo nguyên thủy, thậm chí trong phụng vụ. Thật vậy, không có tôn giáo nào trên thế giới có nhiều ngày mừng lễ như trong Giáo Hội Công Giáo. Ngoài những ngày lễ lớn như Giáng Sinh, Phục Sinh... ngày nào trong tháng hay trong tuần, Giáo Hội cũng mừng lễ để kỷ niệm một biến cố nào đó trong lịch sử cứu độ hay lịch sử Giáo Hội, hoặc để mừng kính một vị thánh nào. Thời xưa, lễ thường đi liền với hội, nên người ta thường gọi là lễ hội. Lễ: có tính cách thờ phượng, phụng vụ; Hội: có tính cách vui chơi giải trí, để cụ thể hóa tinh thần mừng lễ. Hội là hội hè, đình đám, vui chơi. Vì thế, trong ngôn ngữ phụng vụ của Giáo Hội, các ngày trong tuần đều được gọi là FERIA (nguyên thủy có nghĩa là ngày nghỉ lễ): Feria prima hay Dies Dominica (ngày thứ nhất hay Chúa Nhật), Feria secunda (thứ hai)... Chỉ có ngày thứ bảy là vẫn giữ danh từ Cựu Ước tức Sabbat (cũng là ngày nghỉ lễ). Ðiều đó cho thấy quan niệm của Giáo Hội xưa coi ngày nào trong năm phụng vụ cũng là ngày lễ nghỉ cả, đều là ngày để ăn mừng một điều gì đó. Do đó, bầu khí vui chơi ăn mừng có quanh năm suốt tháng. Ðiều đó thật hợp với ý nghĩa của hai chữ Tin Mừng (Tin làm vui mừng). Vì Giáo Hội Công Giáo là Giáo Hội rao giảng Tin Mừng, nên Tin Mừng đó phải làm cho mọi người trong Giáo Hội vui mừng trước đã. Thật vậy, rao giảng Tin Mừng với tâm trạng chẳng vui mừng gì cả, làm sao ta có thể làm người nghe cảm nhận thực sự đó là Tin Mừng? Do đó, Giáo Hội Công Giáo phải là một Giáo Hội lúc nào cũng vui mừng, cũng mừng lễ, cũng vui nhộn, ca hát... để biểu lộ đức tin đáng vui mừng của mình: Vui mừng vì được cứu độ. Còn gì đáng vui bằng điều đó? Chúa Giêsu đã chẳng bảo các môn đệ: "Anh em chớ vui mừng vì quỉ thần phải khuất phục anh em, mà hãy vui mừng vì tên của anh em đã được ghi trên Trời" (Lc 10,20) sao? Ngày nay, do việc kỹ nghệ hóa, đô thị hóa, đời sống của các Kitô hữu cũng như mọi người khác trở nên bận rộn, tính chất hội hè vui chơi mang tính cộng đồng của ngày lễ càng ngày càng suy giảm. Vì thế, Giáo Hội hiện nay có vẻ như chỉ có lễ mà không có hội, phụng tự chỉ còn tính cách trang nghiêm mà mất đi tính cách vui đùa giải trí! Âu cũng là một điều mất hứng thú! Người Cha trong gia đình thường nghe những tiếng cười ròn rã của đàn con nô đùa không kém gì thấy chúng nghiêm chỉnh làm việc. Và chắc hẳn không ưa chúng cứ nô đùa hoài hoặc chỉ biết nghiêm trang làm việc mà thôi. Cha trên Trời chắc hẳn không khác! Mất đi tính vui chơi, việc phụng tự đã mất đi nhiều ý nghĩa quan trọng và nét tươi vui phải có của nó!
(C) Copyright 1995. Tác giả giữ bản quyền.