Dẫn vào
Thần Học Vui Nhàn
(Théologie des loisirs)

Nguyễn Chính kết, Việt Nam

Prepared for internet by Vietnamese Missionaries in Taiwan


4. Kết Luận

Vui chơi, giải trí, nhàn nhã là điều kiện cần thiết để có thể làm việc được lâu dài và hiệu quả, điều đó ai cũng phải công nhận. Và để có điều kiện vui chơi giải trí và nhàn nhã một cách thoải mái, thì người ta phải làm việc. Thật vậy, muốn đi Vũng Tàu nghỉ mát và tắm biển, hay muốn tổ chức đi picnic với nhau ở một nơi nào đó, phải có phương tiện, tiền bạc. Ðiều đó giả thiết phải làm việc trước mới có. Như vậy, làm việc và vui chơi, làm việc và nghỉ ngơi là điều kiện lẫn cho nhau. Nhưng có hai thái độ: một số người coi vui chơi và nghỉ ngơi là để phục vụ cho làm việc, coi làm việc là mục đích, vui chơi hay nghỉ ngơi là phương tiện; một số người khác coi làm việc là để sau này có thể vui chơi và nghỉ ngơi, nghĩa là coi vui chơi, nghỉ ngơi là mục đích, còn làm việc là phương tiện. Lập trường nào cũng có lý của nó.

Chắc chắn cứu cánh của con người không phải là làm việc, mà là vui chơi, nghỉ ngơi, nhàn nhã. Thời xưa, trong nhiều sách giáo lý, câu hỏi đầu tiên là: "Phải làm gì cho được thanh nhàn vui vẻ vô cùng? và câu trả lời là: Phải giữ đạo thánh Ðức Chúa Trời". Như vậy rõ ràng theo các sách giáo lý đó, việc vui chơi, nhàn nhã là cứu cánh của việc giữ đạo Ðức Chúa Trời, huống gì làm việc. Và để dịch SALUS (Salut), có nguyên nghĩa là cứu, hay ơn cứu độ, tổ tiên ta đã dùng một từ dễ hiểu hơn, là phần rỗi, hay việc rỗi linh hồn. Từ rỗi ở đây chỉ có thể là rảnh rang, thong thả, nhàn nhã. Phần rỗi đó chính là cứu cánh của việc giữ đạo Thiên Chúa. Tinh thần của sách giáo lý cũ và cách dịch chữ SALUS của tổ tiên ta chứng tỏ tổ tiên ta đã có trước những ý niệm mà sau này các nhà thần học vui nhàn chủ trương, tức coi sự vui chơi nhàn nhã là cứu cánh tối hậu của hiện hữu không thể là gì khác hơn là sự nhàn nhã vui chơi, và cứu cánh tối hậu ấy cũng chính là Thiên Chúa. Sự nhàn nhã, vui chơi, thoải mái, hạnh phúc, tự do đều nằm trong bản tính của Thiên Chúa.

Nếu cứu cánh cuối cùng của con người là nhàn nhã vui chơi, và nếu để được nhàn nhã vui chơi phải làm việc, thì đương nhiên giai đoạn hiện tại, tức cuộc sống đời này, chúng ta phải làm việc, phải giữ đạo thánh Ðức Chúa Trời cho nghiêm chỉnh như một phương tiện cần thiết để đạt được cứu cánh tối hậu kia. Và vì cứu cánh tối hậu của công việc, của việc giữ đạo là vui chơi nhàn nhã, nên chúng ta cần phải làm việc và giữ đạo trong tinh thần nhàn nhã vui chơi đó, để công việc, sự giữ đạo của chúng ta trở nên nhẹ nhàng thoải mái vui tươi hơn. Nghĩa là chúng ta có thể coi cuộc sống đời này, với các bổn phận, trách nhiệm, công việc phải làm, như một trò chơi lớn mà người thắng cuộc sẽ được vinh thưởng sau khi trò chơi kết thúc.


Ðể Vui Cười

Tôi không muốn nên trọn lành theo kiểu trọn lành của con người. Tôi không muốn tạo ra trong tôi một lương tâm hành xử như một cảnh sát đứng ở mọi ngã đường để rình bắt những tên tội phạm đi ngang qua. Tôi không muốn mệt mỏi một cách thảm sầu vì ngày đêm cứ phải đo đạc, tính toán, cưa, đẽo, bào đục, để biến khúc cây sần sùi, lắm mắt thành một cỗ quan tài chôn xác chết.

Tôi muốn nên toàn thiện theo kiểu toàn thiện của Cha trên Trời. Ngài có luật lệ mà cũng có vui chơi thoải mái. Tác phẩm của Ngài đâu phải chỉ là các thiên thần sáng láng mà còn là những con bướm; không chỉ là trời, sao, cùng muôn vì tinh tú lúc nào cũng sẵn sàng vâng phục, mà còn là lửa, là gió, là những đám mây bất định thất thường.

Ngài vui đùa với những bông hoa. Những đuôi con sóc, lông con công, chân con cò, vòi con voi, bướu lạc đà; Ngài sáng tạo ra là để vui cười, nếu không phải để vui cười thì để làm gì? Và nếu Ngài tìm thấy vui thú, có thể như vậy, nơi một tu sĩ thánh thiện đang ngày đêm hy sinh, cố gắng tuân giữ kỷ luật, thì chắc chắn Ngài cũng sẽ chúc lành bằng một nụ cười cho con dê đang nhảy múa, cho con gà đang ấp, cho con dê đực râu dài đang chồm lên con dê cái bạn nó.

Tôi muốn tâm hồn mình, cũng như tất cả các công trình của tôi, vừa có trật tự mà cũng vừa mang tính lãng mạn ngông cuồng (fantaisie).

(C) Copyright 1995. Tác giả giữ bản quyền.


Back to Vietnamese Missionaries in Taiwan Home Page