Tự Ðiển Thần Học Tín Lý
Anh Việt

Lời nói đầu

Tự Ðiển Thần Học Tín Lý Anh Việt ra đời đánh dấu một bước hợp tác của anh em Tu Sĩ Việt Nam ở Ðài Loan và nói lên tâm tình khiêm nhượng muốn đóng góp một công việc nhỏ bé đối với Giáo Hội Mẹ, cũng như tỏ tình liên đới đối với anh em Công Giáo Việt Nam ở hải ngoại.

Tình trạng xã hội biến chuyển nhanh chóng, các nền văn hóa tiếp cận với nhau, hình thành những hiện tượng liên văn hóa. Ngôn ngữ cũng theo nhịp đó biến hóa theo nhu cầu thời đại. Ngôn ngữ Việt Nam một đàng hiện đại hóa để diễn đạt các trào lưu tư tưởng mới đang chen chúc nhau hình thành một giai đoạn văn hóa mới, đàng khác cố gắng hút lại nguồn tinh khí truyền thống để vươn cao mà không sợ bật rễ, phát triển mà không bị đồng hóa. Trong mạch sống dân tộc nầy, nhóm phiên dịch chọn cuốn Thần Học Tín Lý Anh Hoa của phân khoa Thần Học Phụ Nhân, Ðài Loan, làm gốc để tham khảo. Như vậy, nhóm phiên dịch ý thức rằng những hạn từ mà thần học Hoa ngữ đang dùng ở Ðài Loan không thể coi là "tiêu chuẩn", nhưng chỉ là để tham khảo, hy vọng có thể làm giàu thêm kho tàng ngữ vựng thần học Việt Nam phần nào chăng. Vì thế, cuốn tự điển nhỏ nầy không có tham vọng thỏa mản nhu cầu của những ai muốn đi tìm "một" hạn từ duy nhất và chính xác nhất để dịch một quan niệm thần học Anh Văn. Chính những ngữ vựng mà thần học Trung Hoa liệt kê ở đây cũng đang được đào thải để tinh tế hóa. Nếu cuốn tự điển nhỏ nầy có thể giúp các sinh viên thần học vượt qua phần nào những khó khăn trong lúc học tập ban đầu và nhất là trong lúc tham khảo thần học Anh Ngữ, thì đó đã đạt đươc nguyện vọng căn bản của nhóm phiên dịch rồi. Như đề sách đã nêu rõ, cuốn tự điển này chủ yếu giới hạn trong phạm vi Thần Học Tín Lý hay có liên quan tới thần học hệ thống, nên những ngữ vựng chuyên dùng của những môn thần học khác như Thánh Kinh, Giáo Luật... không thể liệt kê được. Dầu vậy vạch định giới hạn rõ ràng không phải là việc dễ.

Một số những danh từ thần học như Hermeuneutic, Inculturation, Liberation theology... mới thông dụng trong những năm gần đây, ngay đối với giới thần học trung Hoa, làm sao tìm chữ dịch cho chuẩn, cũng trở thành một vấn đề không dễ khắc phục. Tỉ dụ hạn từ Hermeuneutic sau thời gian tranh cãi dùng chữ giải thích hay chú giải..., bây giờ đa số đều đồng ý dùng một chữ ghép mới (gồm chử "ngôn" và chử "toàn", đọc là "thuyên") để nói nên hành động dùng ngôn lý để giải nghĩa toàn phần. Theo thiển nghĩ chúng tôi, Việt ngữ có thể dùng hai chữ đã có sẵn là "thông ngôn" và "diễn dịch" ghép thành chữ "thông diễn". Thông diễn không những đạt ý "thuyên nghĩa" của Trung Văn, mà còn lột được ý của nguyên tự Hy Lạp Hermeuneutic: nói lên việc Herms đã làm là dùng ngôn từ thích hợp để truyền thông sứ điệp của thần linh cho con người, tức là vừa làm thông ngôn vừa diễn dịch cho thính giả thấu triệt hàm ý sâu xa. Vì vậy, khi dịch chữ Hermeuneutic, sau chữ "giải thích học", "khoa chú giải", chúng tôi còn thêm chữ mới "khoa thông diễn".

Ngoài ra, ngữ vựng dùng trong Trung Văn có tính cách đại kết hơn, lý do dễ hiểu, vì ở Ðài Loan các tôn giáo đua nhau phát triển, vấn đề đối thoại tôn giáo được coi là một trọng trách của Giáo Hội địa phương. Hơn nữa, ngay trong Kitô Giáo, Thiên Chúa Giáo cũng chỉ chiếm một dân số nhỏ. Vì vậy, như chữ anima được nhiều tôn giáo ở đây dùng nên dịch là linh hồn, hồn phách, tinh linh, tinh thần, vong linh, hồn linh. Hoặc chữ God là chữ đã gây bao nhiêu tranh luận trong quá khứ, đã dịch bao gồm những quan niệm mà văn hóa Trung hoa đã dùng để chỉ Ðấng Tối Cao: "Thần", "Thiên Chúa", "Thượng Ðế", "Thiên", "Thiên Ðế". Hay chữ Anglican ngoài nghĩa là tín đồ Anh Giáo, còn được dịch là tín đồ Thánh Công Hội để chỉ tín đồ giáo phái này ở ngoài nước Anh. Hiểu như thế, cuốn tự điển nhỏ này không khỏi bị mạch sống nguyên văn hạn chế phần nào, nhưng cũng chính vì thế giúp chúng ta hiểu thêm tình trạng cụ thể của một giáo hội truyền giáo đang nỗ lực thực hiện tinh thần "đại kết" mà Công Ðồng Vaticanô đã và đang thôi thúc. Cuối cùng, cuốn tự điển nầy được coi như cuốn "thủ bản" cho sinh viên thần học, nên chú thích ghi lại những dự kiện lịch sử căn bản, để giúp các sinh viên có những ý niệm khái quát, nhất là trong trường hợp khó kiếm ra những sách nghiên cứu căn bản như Việt Nam.

Chúng tôi xin ghi ơn ban biên tập phân khoa thần học Phụ Nhân đã tạo điều kiện dễ dãi để chúng tôi phiên dịch cuốn Tự Ðiển Tín Lý Thần Học Anh-Hoa cũng như nhà xuất bản Quang Khải đã đồng ý để chúng tôi xuất bản.

Thay mặt Nhóm Phiên Dịch
L.M. Giuse Vũ Kim Chính, SJ.


Back to Vietnamese Missionaries in Taiwan Home Page