Giáo Xứ Sa Cát

(Giáo Phận Thái Bình)

 

Prepared for Internet by Vietnamese Missionaries in Asia

 

Nhà Thờ Sa Cát Mới, 1997

 

I. Lược Sử:

Giáo xứ Sa Cát được thành lập từ năm 1670, ban đầu gồm các xứ Tràng Quan, Nam Lỗ, Lương Ðống, Thái Bình, Nghĩa Chính và Cát Ðàm.

Giáo xứ Sa Cát cách trung tâm Thị xã Thái Bình 3 Km về phía Bắc (cách thị xã Thái Bình 3 km theo đường Hải Phòng), thuận tiện giao thông thuỷ - bộ. Ðường Thuỷ áp sông Trà Lý, đường bộ áp quốc lộ số 10. Giáo xứ Sa Cát nằm là một trong những giáo xứ đầu tiên của giáo phận Thái Bình. Năm 1722, đức cha Trí đã ban sắc lệnh nâng Sa Cát lên hàng giáo xứ và nhận Ðức Mẹ Mân Côi làm Ðấng Bảo Trợ. Ngày ấy, cả xứ Thái Bình, Nghĩa Chánh, Nam Lộ, Tràng Quan, Lương Ðống và Cát Ðàm còn là họ lẻ của Sa Cát. Năm 1908, đức cha Trung ban sắc lệnh chia Sa Cát ra làm hai xứ nữa là Thái Bình và Nam Lỗ. Ðến năm 1930, Tràng Quan được nâng lên thành giáo xứ.

Năm 1936, do sắc chỉ của tòa thánh, giáo phận Thái Bình được thành lập tách ra khỏi địa phận Bùi Chu và Sa Cát là trưởng nữ của giáo phận Thái Bình. Ðến năm 1946, Cát Ðàm được trở thành giáo xứ, thoát thai từ giáo xứ Sa Cát.

Qua nhiều lần xây dựng, sửa chữa, năm 1899, thánh đường được xây cất lại, đầu quay về phía quốc lộ số 10. Trước sau thánh đường có hai cái ao lớn. Xung quanh thánh đường có tường hoa và đường kiệu bao quanh. Thánh đường nằm ở giữa làng và bốn bên đều là các gia đình tòng giáo. Riêng phía bên phải quốc lộ thì có cả lương lẫn giáo, nhưng họ sống rất hòa thuận vui vẻ.

Giáo xứ Sa Cát có bề dày lịch sử truyền giáo và là quê ngoại của thánh linh mục Ðôminicô Nguyễn Văn Xuyên (xem Vũ Thành, Dòng Máu Anh Hùng, Tập II, tr. 340), một anh hùng tử đạo đã được đức giáo hoàng Gioan Phaolô II nâng lên bậc hiển thánh ngày 19 tháng 6 năm 1988.

Ngày 20 tháng 4 năm 1996, giáo xứ Sa Cát đã đặt viên đá đầu tiên để xây dựng ngôi nhà thờ mới. Nhà thờ rộng 18m, dài 48m, chỗ cao nhất là 23m với mặt tiền quay ra quốc lộ. Kinh phí toàn bộ lên đến trên 2 tỉ đồng. Lễ khánh thành đã được tổ chức vào đầu tháng 4 năm 1997.

 

II. Các Linh Mục Phụ Trách:

Từ ngày thành lập (1722), giáo xứ đã được chăm sóc bởi các linh mục ngoại quốc và bản xứ như cố Viên (1722), cố Bá và cố Gia (1733), cố Vinh Sơn Liêm (tử đạo, bị bắt trong lúc đang làm mục vụ tại họ Lương Ðống), cha Khuông, cha Niềm, cha Nghi, cha Ðoan, cha Diễn, cha Từ, cha Bằng, cha Lương, cha An, cha Khang, cha Hiến, cha Khoát, cha Tòng, cha Quyền. Sau thời kỳ cấm đạo của vua Tự Ðức thì có cha Cần, cha Trứ, cha Quí, cha Cảnh, cha Bằng, cha Lương, cố Trung, cố An, cố Khang, cha Khoát (1916), cha Tông, cha Quyền và cha Cao Xuân Yến (1926-1940), cha Tư (1940-1945), cha An (1945-1947), cha Lê Quang Oánh (1947-1949), cha Ðinh Ðức Trụ và cha Trần Chấn Chỉnh (1949-1950), cha Trần Minh Tân (1950-1954). Sau năm 1954 và cho đến nay, vì số linh mục quá ít nên mỗi vị phải đảm trách hai, ba giáo xứ một lúc cho nên các cha đã không ở tại nhà xứ nữa. Các linh mục trông coi giáo xứ Sa Cát trong khoảng thời gian này gồm: cha Nguyễn Văn Ðạo, cha Mai Trần Huynh, cha Bùi Văn Cẩm, v.v.

Danh Sách các Giáo Sĩ  đã coi sóc Giáo Xứ Sa Cát:

- Từ năm 1720 - 1727: Cha Viên, Cha Chính Bá.

- Từ năm 1727 - 1737: Cha Thánh Liêm.

(Thời Vua Tự Ðức Cấm Ðạo, có các Giáo Sĩ sau đây coi sóc Giáo Xứ Sa Cát):

- Từ năm 1737 - 1779: Cha Khuông.

- Từ năm 1779 - 1786: Cha Niềm.

- Từ năm 1786 - 1789: Cha Nghi.

- Từ năm 1789 - 1794: Cha Doãn.

- Từ năm 1794 - 1807: Cha Diễm.

- Từ năm 1807 - 1817: Cha Từ.

- Từ năm 1817 - 1838: Cha Lượng.

- Từ năm 1838 - 1850: Cha Ấn.

- Từ năm 1850 - 1861: Cha Hiển.

- Từ năm 1861 - 1863: (Vua Tự Ðức cấm Ðạo gắt gao nên không có Cha coi sóc).

- Từ năm 1863 - 1869: Cha Cần.

- Từ năm 1869 - 1873: Cha Quý.

- Từ năm 1873 - 1877: Cha Trứ.

- Từ năm 1877 - 1886: Cha Cảnh.

- Từ năm 1886 - 1890: Cha Bằng.

- Từ năm 1890 - 1892: Cha Lương.

- Từ năm 1892 - 1898: Cha Trung.

- Từ năm 1898 - 1907: Cha An.

- Từ năm 1907 - 1910: Cha Khang.

- Từ năm 1910 - 1922: Cha Khoát.

- Từ năm 1912 - 1915: Cha Thiên (phó xứ).

- Từ năm 1915 - 1917: Cha Khoan (phó xứ).

- Từ năm 1922 - 1925: Cha Joan Quyền.

- Từ năm 1925 - 1928: Cha Joanchim Tông.

- Từ năm 1928 - 1943: Cha Phêrô Yến.

- Từ năm 1943 - 1945: Cha Ðôminicô Tư.

- Từ năm 1945 - 1946: Cha Ðôminicô An.

- Từ năm 1946 -1949: Cha Jos Lê Quang Oánh.

- Từ năm 1949: Ðức GM Ðôminicô Ðinh Ðức Trụ.

- Từ năm 1949 - 1954: Cha Phêrô Trần Minh Tân.

(Sau biến cố 1954, mọi công việc mục vụ phải phụ thuộc Toà Giám Mục và Chủng Viện Mỹ Ðức).

- Từ năm 1957 - 1960: Cha Jos Trần Trọng Hậu.

- Từ năm 1960 - 1962: Cha Jos Bùi Văn Cẩm.

- Từ năm 1962 - 1970: Cha Joanchim Trần Trọng Uyên.

- Từ năm 1970 - 1989: Ðức GM Jos Ðinh Bỉnh.

- Từ năm 1989 - 1992: Cha Jos Mai Trần Huynh.

- Từ năm 1992 - 1996: Cha Jêrônimô Nguyễn Văn Ðạo.

- Từ năm 1996 đến nay: Cha Jos Bùi Văn Cẩm.

 

III. Ơn Gọi Trong Giáo Xứ Sa Cát:

- Giáo xứ Sa Cát là quê Ngoại của Cha Thánh Ðôminicô Nguyễn Văn Xuyên. Trong 117 vị Hiển Thánh Việt Nam duy có Thánh Linh mục Xuyên được biệt kính tại quê Ngoại. Bởi tương truyền rằng: Ông bà cố sinh được cậu Xuyên thì cố ông mất sớm, cậu Xuyên theo mẹ về quê Ngoại làm ăn sinh sống và dâng mình vào Nhà Chúa rồi làm Linh mục. Cha Xuyên làm quản lý Toà Giám Mục địa phận Trung và được phúc Tử Ðạo ngày 26/11/1839.

- Giáo xứ còn có Linh mục Ðôminicô Vũ Trọng Thư (1912 - 1983). Linh mục Dòng Ðồng Công Ephrem Vũ Khiêm Cung (1940 đang làm mục vụ tại Hoa Kỳ). Linh mục Jos Vũ Ngọc Châu (1952 đang làm mục vụ tại Ðài Loan).

- Gần 30 nam nữ tu đang theo đuổi ơn gọi, phục vụ và học tập trong các Hội Dòng: Ða Minh, Nữ tử bác ái, Thánh Tâm, Lời Chúa, Triều...

 

IV. Hiện Tình Giáo Xứ (Tính đến tháng 12/2003)

Giáo xứ Sa Cát hiện có 5 họ hợp lại:

1- Họ Nhà Xứ:

Có 353 hộ tương đương với 1,373 nhân danh. Quan thầy của họ Nhà xứ là Ðức Mẹ Mân Côi.

Nhà thờ 10 gian xây kiên cố theo công nghệ hiện đại, có độ bền vững theo kiểu Ghotic.

Các đoàn hội:

- Hội Dòng Ba gồm 150 hội viên.

- Hội Gia trưởng gồm 70 hội viên.

- Hội Têrêsa HÐJS gồm 90 hội viên.

- Hội Văn Côi gồm 250 hội viên.

- Ban ca đoàn gồm 50 hội viên.

- Ban kèn đồng gồm 30 hội viên.

- Ban trống gồm 30 hội viên.

- Ban trắc khu 1 gồm 40 hội viên.

- Ban trắc khu 2 gồm 30 hội viên.

- Ban dâng hoa nam gồm 35 hội viên.

- Ban dâng hoa nữ học trò gồm 40 hội viên.

- Ban dâng hoa nữ Nghĩa Binh gồm 35 hội viên.

- Ban chấp kiệu gồm 20 hội viên.

- Hội thiếu nhi Thánh Thể gồm 250 hội viên.

2- Họ Cát Trại:

Thành lập từ năm 1922. Ban đầu có 115 giáo dân nhưng nay đã lên tới 223 giáo dân. Nhà thờ được xây dựng năm 1934, sửa chữa năm 1995.

Gồm 60 hộ, tương đương với 222 nhân danh. Quan thầy giáo họ là Thánh Giuse công nhân.

Nhà thờ xây dựng theo cấu trúc Ghotic.

Các đoàn hội:

- Hội Dòng ba gồm 50 hội viên.

- Hội Gia trưởng gồm 36 hội viên.

- Hội Mân Côi gồm 20 hội viên.

- Ban ca đoàn gồm 20 hội viên.

- Ban trắc gồm 25 hội viên.

- Ban dâng hoa nữ gồm 30 hội viên.

3- Họ Tống Thơ:

Thành lập từ năm 1922. Ban đầu có 25 giáo dân. Hiện nay có 90 giáo dân. Nhà thờ cũ xây dựng năm 1922, sửa chữa năm 1988.

Có 30 hộ gồm 87 nhân danh. Quan thầy: Thánh Gioan Baotixita.

Nhà Thờ lợp ngói 5 gian, cột kèo bằng gỗ lim, tường xây gạch.

Các đoàn hội:

- Hội Dòng ba gồm 20 hội viên.

- Ban ca đoàn gồm 15 hội viên.

- Ban dâng hoa nữ gồm 20 hội viên.

4- Họ Phú Long:

Thành lập từ năm 1926. Ban đầu có 100 giáo dân và nhận thánh Anna làm quan thầy. Nhà thờ cũ xây dựng năm 1926, nhà thờ mới xây dựng năm 1995.

Có 20 hộ gồm 62 nhân danh. Quan Thầy: Thánh Anna.

Nhà thờ 5 gian lợp ngói, dàn gỗ.

Các hội đoàn:

- Hội Dòng ba gồm 8 hội viên.

- Ban ca đoàn gồm 15 hội viên.

- Ban dâng hoa nữ gồm 20 hội viên.

5- Họ Kỳ Bá:

Thành lập từ năm 1816. Ban đầu có 100 giáo dân nhưng nay chỉ còn 26. Nhà thờ được xây dựng từ năm 1816.

Có 6 hộ với 16 nhân danh. Quan thầy: Ðức Mẹ đi thăm viếng.

Nhà thờ do chiến tranh va thiên tai nên đã bị xoá, nay chưa có nơi để cầu nguyện.

- Hội Dòng ba có 3 thành viên.

 

V. Ðền Thánh Ðức Mẹ Mân Côi

Ngôi Thánh đường giáo xứ hiện nay được đã được xây dựng lại từ ngày 28/4/1996 đến ngày 13/11/1997 hoàn thành phần thân nhà thờ. Ngày 1/5/2000 tiếp tục khởi công xây dựng tháp chuông, đến nay (2003)mọi việc đã được hoàn thiện.

Cộng đồng giáo xứ rất vinh dự được đón Ðức Giám mục giáo phận F.X Nguyễn Văn Sang về chủ sự cùng quý Cha trong ngoài giáo phận, quý khách và cộng đồng xa gần về hiệp dâng Thánh lễ Cung hiến Thánh Ðường ngày 6/12/2003. Tước hiệu Ðền Thánh Ðức Mẹ Mân Côi.

Giáo xứ xin dâng lời cảm tạ hồng ân Thiên Chúa, lời chuyển cầu của Ðức Maria, Thánh Tử Ðạo bản hương, các Ðấng bậc. Xin tri ân cha quý hương Ephrem Vũ Khiêm Cung, quý ân nhân, thân nhân xa gần cùng toàn thể cộng đoàn đã góp phần mình vào công cuộc xây dựng giáo xứ được như ngày hôm nay.

Nguyện xin Thiên Chúa ban ơn Bình An nơi các đấng bậc cùng toàn thể quý vị.

Xin cầu nguyện cho cộng đoàn Giáo xứ chúng con luôn noi gương các vị Tiền Nhân mà giữ vững Ðức Tin, giữ Ðạo sốt sáng, xứng đáng với ân huệ trọng đại này.Hầu sau được cùng quý vị hoan ca chúc tụng Chúa đến muôn đời.

 

Linh mục xứ:

Joseph Bùi Văn Cẩm

 

T/M cộng đoàn giáo xứ:

Trưởng ban hành giáo

Simon Vũ Ngọc Biên

 

Nhà Thờ Sa Cát Cũ, 1899

 

 


Back to Vietnamese Missionaries in Asia Home Page