Lược Sử

Giáo Phận Phú Cường

 

Prepared for Internet by Vietnamese Missionaries in Asia

 

A. Lược Sử Giáo Phận Phú Cường

Giáo phận Phú Cường được Tòa Thánh tách từ giáo phận Saigòn năm 1965, bởi thế có nhiều điểm chung về nguồn gốc và sự trưởng thành.

Ngày 26-11-1744, Ðức Benedictus XIV cử Ðức cha Hilario Costa Hy, giáo phận Ðông Ðàng Ngoài, làm Khâm Sứ Tòa Thánh kinh lý Ðàng Trong, Cambodia và Chăm. Qua 10 phiên họp được tóm lại trong khoảng 260 trang (khổ lớn), cha Adrien Launay ghi lại: "tại Lai-thiu (Lái Thiêu), năm 1747 có 400 giáo hữu". Qua việc phân chia vùng để các thừa sai truyền giáo, ít nhất tại Lái Thiêu có hai nhóm thừa sai truyền giáo: dòng Tên và Phanxicô, Như vậy, có lẽ các Kitô hữu chạy trốn nhà Nguyễn cấm đạo (1617-1665) đã tới đây làm ăn sinh sống để an tâm giữ đạo. Tháng 7-1789, Ðức cha Pigneau de Béhaine (Bá Ða Lộc) chuyển chủng viện ở Chantaburi (Thái Lan) về Lái Thiêu (chừng 40 chủng sinh) và cử thừa sai Boisserand làm giám đốc. Như thế ở vùng đất "Phú Cường" đã có nhiều họ đạo thuộc giáo phận Ðàng Trong.

Năm 1821, cha Jean Louis Taberd (tên Việt là Từ) được bổ nhiệm coi sóc Lái Thiêu. Sáu năm sau (1827), ngài được Tòa Thánh bổ nhiệm làm giám mục giáo phận Tây Ðàng Trong, tháng 6-1630, được tấn phong ở Thái Lan do Ðức cha Bregnieres và trở về đặt tòa giám mục tại Lái Thiêu. Ngày 2-3-1844, Ðức Gregrorius XVI chia đôi giáo phận Ðàng Trong: giáo phận Ðông và Tây. Phần đất thuộc giáo phận Phú Cường ngày nay đã thành lập nhiều cơ sở, giáo xứ như: Lái Thiêu, Búng, Tân Quy, Tha La, Brơ-Lam... thuộc giáo phận Tây Ðàng Trong.

Năm 1850, Tòa Thánh cắt nguyên phần đất Cambodia khỏi giáo phận Tây Ðàng Trong, lập giáo phận mới, gọi tên là giáo phận Nam Vang. Phần đất Phú Cường thuộc giáo phận Tây Ðàng Trong. Ðầu năm 1849, Ðức cha D. Lefèbvre Ngãi tấn phong giám mục cho cha J.C. Miche Mịch tại Lái Thiêu. Tháng 8-1856, Ðức cha Lefèbvre bị trục xuất sang Singapore, nhưng năm 1857, ngài lại có mặt tại Lái Thiêu để coi sóc giáo phận.

Vì vùng đất thuộc giáo phận Phú Cường trước đây rất hiểm trở nên trong cuộc bách hại dưới triều Minh Mạng, Thiệu Trị và Tự Ðức, vùng Lái Thiêu được chọn làm cơ sở đặt Tòa Giám Mục, các thừa sai, linh mục, tu sĩ và giáo dân ít bị bách hại hơn các nơi khác.

Ngày 3-12-1924, Tòa Thánh đổi tên các giáo phận ở Việt Nam theo địa bàn hành chính, nơi đặt tòa giám mục, giáo phận Tây Ðàng Trong được đổi thành giáo phận Saigòn. Theo thống kê năm 1938, trên phần đất của giáo phận Phú Cường hiện nay, số người Công giáo còn thưa thớt ít ỏi với 11 giáo xứ và 13,799 giáo hữu. Năm 1966, con số chính thức được ghi nhận: số giáo dân là 51,488 người trên tổng số 715,000 dân (chiếm 7.2%); 43 linh mục, 6 giáo hạt: Phú Cường, Tây Ninh, Tha La, Lạc An, Bình Long, Phước Thành; 39 họ đạo có cha sở hiện diện và 106 thánh đường lớn nhỏ.

Ngày 14-10-1965, Ðức Phaolô VI ban Sắc chỉ In Animo Nostro, cắt bốn tỉnh: Bình Dương, Tây Ninh, Phước Thành và Bình Long thuộc tổng giáo phận Saigòn lập thành giáo phận Phú Cường và đặt Ðức cha Giuse Phạm Văn Thiên làm giám mục tiên khởi. Về cơ sở vật chất, năm 1967, Ðức cha cho xây dựng tiểu chủng viện ở Gò Cầy, lập Trung Tâm Bác Ái ở Lái Thiêu. Năm 1968, xây dựng trường Thánh Giuse. Năm 1970, tiếp nhận dòng Con Ðức Mẹ từ Cambodia về và thiết lập các cơ sở. Năm 1972, xây tòa giám mục và năm 1974 xây tu viện Lời Chúa cho công cuộc truyền giáo. Về tinh thần, Ðức cha đã tổ chức sinh hoạt giáo phận theo tinh thần và đường hướng của Công đồng Chung Vatican II.

Từ ngày thành lập cho đến năm 1975, giáo phận Phú Cường nằm trong vùng luôn xảy ra những cuộc chiến ác liệt. Tình hình cac xứ đạo và hoạt động tôn giáo bị xáo động. Nhiều giáo dân phải di tản về nhiều miền khác, hoặc ra hải ngoại, làm số giáo dân trong giáo phận cứ giảm dần và có giáo xứ, giáo họ không còn tên trong danh sách.

Năm 1974, giáo phận có 50,494 giáo dân trên tổng số 887,056 người trong 49 giáo xứ và họ đạo với 58 linh mục triều và dòng, 30 đại chủng sinh, 35 nam tu, 171 nữ tu và 50 trường trung tiểu học, 13 cơ sở từ thiện bác ái.

Năm 1976, Ðức cha Giacôbê Huỳnh Văn Của được tấn phong làm giám mục phó giáo phận, nhưng sau đó vì bị bệnh nên đã sớm nghỉ hưu từ năm 1979. Ngài đã sang Pháp điều trị và mất năm 1995 tại Nice (Pháp).

Năm 1982, Ðức cha Louis Hà Kim Danh được Tòa Thánh đặt làm giám mục phó giáo phận Phú Cường. Tháng 6-1993, Ðức cha Giuse Phạm Văn Thiên được nghỉ hưu sau 28 năm cai quản giáo phận và Ðức cha Louis Hà Kim Danh kế vị làm giám mục chính tòa. Với tuổi cao, sức yếu, ngài đã từ trần ngày 22-2-1995 và giáo phận trống tòa gần 4 năm. Trong thời gian này, cha Micae Lê Văn Khâm làm giám quản giáo phận.

Ngày 5-11-1998, cha Phêrô Trần Ðình Tứ được bổ nhiệm làm giám mục giáo phận. Sau khi thụ phong giám mục (6-1-1999) tại Roma do chính Ðức Thánh Cha Gioan Phaolô II tấn phong, ngài về cai quản giáo phận ngày 26-1-1999. Giáo phận lúc này có 94,166 giáo dân trên tổng số dân 1,948,510 người (chiếm 4.8%), 63 linh mục, 10 phó tế, 50 đại chủng sinh, 207 tu sĩ nam nữ, 53 giáo xứ trong 7 giáo hạt.

B. Ðịa Lý và Dân Số

Ranh giới: Giáo phận Phú Cường thuộc vùng Ðông Nam Bộ, gồm các tỉnh: Tây Ninh, Bình Dương, Bình Phước (2 huyện Bình Long và Lộc Ninh) và huyện Củ Chi của Thành Phố Saigòn. Có hình bát giác không đều nhau: Ðông giáp tỉnh Ðồng Nai, Tây giáp tỉnh Long An, Nam giáp thành phố Saigòn, Bắc giáp tỉnh Bình Phước và Cambodia. Diện tích toàn giáo phận là 9,544 km2

Sông núi: tỉnh Bình Dương và Bình Phước có vị trí tiếp giáp giữa đồng bằng và cao nguyên, địa hình có khuynh hướng thấp dần từ Ðông Bắc xuống Tây Nam. Ðất đai phì nhiêu, thảm thực vật phong phú thích hợp cho việc trồng cây công nghiệp: cao su, cà phê, tiêu... Tỉnh tây Ninh nối cao nguyên Nam Trung Bộ với đồng bằng sông Cửu Long, có hai con sông lớn chảy qua, đó là sông Vàm Cỏ Ðông và sông Saigòn; ngọn núi Bà Ðen nằm chơ vơ giữa vùng đồng bằng rộng lớn.

Dân số hiện nay (tính đến năm 2003) là: 2,240,857 người. Dân chúng làm công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, hay nông nghiệp. Tuy nhiên, nông nghiệp vẫn là chủ yếu của đa số dân cư.

Tỉnh Bình Dương và tỉnh Bình Phước có các sắc tộc:

- Xtiêng: 5,207 người, chiếm tỷ lệ 47.7% đồng bào dân tộc.

- Khơ Me: 11,069 người, chiếm tỷ lệ 9.6%.

- Nùng: 9,848 người, chiếm tỷ lệ 8.6%.

- Tày: 9,823 người, chiếm tỷ lệ 8.6%.

Tỉnh Tây Ninh có:

- Chăm: 1,816 người.

- Khơ Me: 5,197 người.

- Và một số ít người Mường, Tày, Nùng, Thái, Xinh Mun, Phù Lá, Ba Na.

C. Một số điểm đặc sắc của giáo phận

1. Tôn giáo:

Nhà thờ họ đạo Lái Thiêu với 250 năm thành lập, nhà thờ Búng, nhà thờ Tha La, trường Câm Ðiếc Lái Thiêu do cha Azémar (1859-1895) thành lập năm 1866.

2. Tôn giáo bạn:

Tòa Thánh Cao Ðài (Tây Ninh), tháp cổ Bình Thạnh (thuộc nền văn hóa Óc Eo, thế kỷ I).

3. Danh lam thắng cảnh:

Giáo phận Phú Cường là nơi có nhiều di tích lịch sử và điểm du lịch.

Bình Dương có những danh lam thắng cảnh và lễ hội truyền thống như: vườn cây Lái Thiêu, hồ Bình An, núi Châu Thới và suối Lồ Ồ, Ðịa Ðạo Tây Nam Bến Cát, lễ hội Rằm Tháng Giêng tại Chùa Bà...

Tây Ninh cũng có nhiều điểm du lịch với những đặc trưng độc đáo, có sức hấp dẫn lớn đối với du khách như: núi Bà Ðen, hồ Dầu Tiếng, khu di tích Trung Ương Cục Miền Nam, Tòa Thánh Tây Ninh...

Huyện Củ Chi có Bến Dược và Ðịa Ðạo Củ Chi là hai khu di tích thu hút rất nhiều khách đến tham quan.

D. Các hoạt động của giáo phận

1. Sinh hoạt mục vụ các giới:

Mỗi năm, Ðức giám mục đề ra đường hướng mục vụ chung cho toàn giáo phận. Hội đồng và các Ban Mục Vụ lên chương trình và triển khai nội dung cho các thành phần Dân Chúa. Ngoài ra, các đoàn thể như: Thiếu Nhi, Giới Trẻ, Gia Trưởng, Hiền Mẫu, Người Cao Tuổi, Legio Mariae, Dòng Ba Ða Minh, Phan Sinh Tại Thế, Dòng Ba Camêlô, Mến Thánh Giá Tại Thế, Gia Ðình Cùng Theo Chúa, Khôi Bình,... vẫn gặp gỡ, sinh hoạt, tĩnh tâm cấp giáo phận, giáo hạt, giáo xứ.

2. Huấn luyện đào tạo:

Phú Cường, ngay từ ngày thành lập được xác định là giáo phận truyền giáo. Ưu tiên hàng đầu vẫn là đào tạo theo tinh thần thừa sai: linh mục, chủng sinh, tu sĩ nhưng nhất là thành phần giáo dân trưởng thành, trong đó nhân viên Hội Ðồng Giáo Xứ, giáo lý viên, các nhân viên chủ chốt trong các giới được đặc biệt quan tâm.

3. Các tổ chức, công tác an sinh xã hội:

Trường Câm Ðiếc Lái Thiêu, Trại Phong Bến Sắn, Trung Tâm chăm sóc những người mắc bệnh AIDS giai đoạn cuối tại Củ Chi, Viện Dưỡng Lão tại xứ Cao Xá Tây Ninh, Nhà nuôi dưỡng người già neo đơn tại giáo xứ Tân Thông và Lai Uyên, Hội Chữ Thập Ðỏ tại nhà thờ Chính Tòa, chương trình Tín Dụng - Tiết Kiệm tại giáo xứ Tân Châu, các điểm mẫu giáo - nhà trẻ, các lớp học tình thương tại nhiều giáo xứ khác.

 

(dựa theo Niêm Giám 2005 của Giáo Hội Công Giáo Việt Nam)

 


Back to Vietnamese Missionaries in Asia Home Page