Lược Sử
Giáo Phận Phan Thiết
Prepared for Internet by Vietnamese Missionaries in Asia
A. Lược Sử Giáo Phận Phan Thiết
Tuy Giáo phận Phan Thiết là một giáo phận đàn em trong 26 giáo phận Công giáo ở Việt Nam (Giáo phận Phan Thiết được thiết lập năm 1975, Giáo phận Bà Rịa được thiết lập năm 2005), nhưng Giáo phận Phan Thiết có chung dòng lịch sử hình thành và phát triển từ: Giáo phận Ðàng Trong (1659) - Giáo phận Ðông Ðàng Trong (1844) - Giáo phận Tây Ðàng Trong (Saigòn) (1905) - Giáo phận Nha Trang (1957). Sự hình thành này là nhờ ơn Chúa và sự tận tụy hy sinh của các thừa sai, linh mục, tu sĩ và giáo dân.
Khoảng giữa thế kỷ XVII, vùng Phan Thiết (Phan Rí, Lagi) đã được các cha dòng Tên đến tận nơi rao giảng Tin Mừng như: cha Pedro Marques vào đầu năm 1665. Ngày 12-10-1665, cha Hainques thuộc Hội Thừa Sai (MEP) có mặt tại Phan Rí. Như vậy, năm 1659, khi Tòa Thánh thiết lập hai giáo phận đầu tiên ở Việt Nam, vùng đất Phan Thiết đã có giáo hữu nằm trong vương quốc Chăm, trực thuộc giáo phận Malaca.
Ngày 13-1-1665, Tòa Thánh sáp nhập xứ Chăm và Cambodia vào giáo phận tông tòa Ðàng Trong do Ðức cha P. Lambert de la Motte coi sóc. Năm 1685, ở Lagi (Bình Tuy) giáo dân có tới 300, Phan Rí 100 và vùng Phan Thiết 1,500.
Theo cha A. Launay, năm 1747 vùng Phan Thiết do thừa sai Thánh Bộ và Hội Thừa Sai Paris coi sóc, số giáo hữu: Phan-ri (Phan Rí) 100, Soi-luy (Sông Lũy) 130, Phan-tiet (Phan Thiết) 60, Pho-gai (Phú Hài) 160.
Năm 1775, vùng đất từ Bình Thuận trở ra do Ðức cha phó Jean Labartette An cùng 4 thừa sai, 3 linh mục Việt coi sóc. Sau năm 1789, Ðức cha Pigneau de Béhaine (Bá Ða Lộc) thường thăm các họ đạo tại Lagi, Bình Thuận (1,200 giáo dân), Khánh Hòa. Năm 1830, cha Joseph Marchand Du sau thời gian học hỏi phong tục tập quán tại Lái Thiêu và dạy học ở chủng viện, phụ trách 25 họ đạo với khoảng 7,000 tín hữu thuộc tỉnh Bình Thuận.
Ngày 2-3-1844, Ðức Gregorius XVI chia giáo phận Ðông và Tây, vùng đất Bình Thuận (Phan Thiết) trước tiên thuộc về giáo phận Ðông (Quy Nhơn) và sau này thuộc về giáo phận Tây là Saigòn.
Năm 1850, vùng đất Phan Thiết vẫn thuộc giáo phận Quy Nhơn. Thời ba vua nhà Nguyễn và Văn Thân bắt bớ người Công giáo, giáo dân vùng Phan Thiết ít bị hành hạ hơn các giáo phận khác. Vì ở xa các thành phố, lại có nhiều cửa biển và rừng núi, nên giáo dân từ Quảng Nam, Quảng Bình, Bình Ðịnh kéo về đây trú ẩn làm cho số giáo dân ngày một đông thêm.
Từ những năm 1905-1957: Phan Thiết được trả về cho giáo phận Tây Ðàng Trong (Saigòn) vì từ Quy Nhơn vào Phan Thiết, các thừa sai phải đi bằng ghe thuyền, đường rất khó khăn, trong khi từ Saigòn ra Phan Thiết đường gần, an toàn và có xe lửa. Vùng Phan Thiết lúc đó là một giáo hạt gồm 7 giáo xứ: Phan Thiết, Kim Ngọc, Rạng, Tầm Hưng, Ma Ó, Lagi và Di Linh (Lâm Ðồng), với khoảng 7,123 giáo hữu (năm 1938), thuộc giáo phận Saigòn, do cha Cyprien Brugidou (cố Báu) và cha Antôn Nguyễn Văn Nhiệm coi sóc.
Từ năm 1957-1975: Ngày 5-7-1957, Ðức Piô XII ban Sắc chỉ Crescit Laetissimo, lấy hai tỉnh Khánh Hòa, Ninh Thuận của giáo phận tông tòa Quy Nhơn và hai tỉnh Bình Thuận, Bình Tuy của giáo phận tông tòa Sàigòn để thành lập giáo phận tông tòa Nha Trang. Phan Thiết lại được chia về giáo phận mới Nha Trang với hai giáo hạt: giáo hạt Phan Thiết có 18 xứ, 22 linh mục và 30,007 giáo hữu; giáo hạt Thanh Hải có 17 giáo xứ, 21 linh mục và 19,766 giáo hữu.
Ngày 30-1-1975, Ðức Phaolô VI tách phần đất thuộc tỉnh Bình Thuận, Bình Tuy thuộc giáo phận Nha Trang, thành lập giáo phận Phan Thiết, và bổ nhiệm cha Phaolô Nguyễn Văn Hòa làm giám mục chính tòa giáo phận Phan Thiết. Sau đó vì hoàn cảnh đất nước thay đổi, và với văn kiện số 1538/75 của Thánh Bộ Truyền Bá Phúc Âm, đề ngày 19-3-1975, Tòa Thánh đặt Ðức cha Nicola Huỳnh Văn Nghi, giám mục hiệu tòa Selsea, phụ tá giáo phận Saigòn, làm giám quản tông tòa giáo phận Phan Thiết. Khi thành lập, giáo phận Phan Thiết có 50 linh mục (4 vị hưu), 33 đại chủng sinh, 4 lớp tiểu chủng sinh và 69,921 giáo dân.
Ngày 6-12-1979, Ðức Gioan Phaolô II bổ nhiệm Ðức cha Nicôla làm giám mục chính tòa giáo phận Phan Thiết.
Ðức cha Nicola đã tiếp nhận giáo phận trong hoàn cảnh khó khăn và phức tạp, khi chiến tranh đang ở hồi kết thúc và nhiều cơ sở bị tàn phá, dân chúng hoang mang. Ðức cha đã tận tụy xây dựng, phát triển giáo phận về mọi mặt và nhờ ơn Chúa đã đạt được những thành quả tốt đẹp.
Tháng 7-2001, Ðức Thánh Cha bổ nhiệm linh mục Phaolô Nguyễn Thanh Hoan làm giám mục phó giáo phận Phan Thiết. Ngài được thụ phong vào ngày 11-8-2001.
Ngày 1-4-2005, Ðức cha Nicola Huỳnh Văn Nghi chính thức nghỉ hưu và Ðức cha Phaolô Nguyễn Thanh Hoan lên kế vị giám mục chính tòa giáo phận Phan Thiết.
B. Ðịa Lý và Dân Số
1. Ranh giới:
Giáo phận Phan Thiết được trải dài trên dưới 200km, theo tuyến quốc lộ 1A, nằm trong tỉnh Bình Thuận hiện nay, với diện tích là 7,828 km2. Có biển, có rừng, với những tiềm năng kinh tế khá cao đã làm cho đất nước và con người nơi đây thêm vui tươi và thơ mộng.
Người Kinh chiếm đa số. Có một số đồng bào Chăm ở Phan Rí, Ma Lâm, người Nùng ở Sông Mao, người Cơ Ho ở Bắc Bình, Hàm Thuận, Ðức Linh. Còn lại số ít là đồng bào sắc tộc chủ yếu sông trong các vùng đồi núi sâu.
2. Sông núi:
Vùng rừng núi chiếm 70% diện tích toàn tỉnh: Phía tây có núi M'Hai (1,642m), B'Nom Dan Lu (1,339m), Dan Srain (1,300m), Ông Trao (1,222m)... Phía Bắc có núi Tà Zon; Phía Nam có núi Tà Cú.
Vùng biển với chiều dài hơn 100km với những mũi như Kê Gà, Ông Ðịa.
Những con sông ở Bình Thuận đều ngắn nhưng rất cần thiết để cung cấp nước cho ruộng đồng. Ta có thể kể đến sông La Ngà, sông Lũy, sông Quao, sông Cà Ty, sông Pha...
Vùng Bình Thuận tựa sát vào sườn núi nên vào mùa mưa dễ bị lũ quét.
C. Một số điểm đặc sắc của giáo phận
Giáo phận Phan Thiết có những di tích văn hóa đặc sắc:
- Vì là miền đất cuối cùng của vương quốc Champa nên có rất nhiều tháp và đền như: Tháp Vua Pô Kloon Ghul, Pô Nư Gra AK, Pô Yang Thuk, Pô Kbrah (Trà Toàn)...
- Các chùa nổi tiếng: Cổ Thạch Tự (chùa Hang), Chùa Tà Cú, Dinh Thầy Thím...
- Các danh lam thắng cảnh khác: Lầu Ông Hoàng, Mũi Né...
(dựa theo Niêm Giám 2005 của Giáo Hội Công Giáo Việt Nam)