Lược Sử
Tổng Giáo Phận Huế
Prepared for Internet by Vietnamese Missionaries in Asia
A. Lược Sử Tổng Giáo Phận Huế
Huế là một vùng đất cổ. Vào thế kỷ XIII, vùng đất này hòa nhập vào Ðại Việt vì là quà tặng của vua Chiêm Thành khi cưới công chúa Huyền Trân của nhà Trần. Huế được chúa Tiên Nguyễn Hoàng chọn làm kinh đô của xứ Ðàng Trong (1558) và vua Gia Long chọn làm kinh đô của triều Nguyễn (1802-1945).
Giáo phận Huế được thành lập do Sắc chỉ Postulat Apostolici của Ðức Piô IX ký ngày 27-8-1850 với tên gọi là giáo phận Bắc Ðàng Trong, sau này tách ra từ giáo phận Ðông Ðàng Trong (là giáo phận Quy Nhơn sau này) (từ năm 1844). Năm 1924 được đổi tên là Giáo Phận Huế và được nâng lên thành Tổng Giáo Phận khi Tòa Thánh thiết lập Hàng Giáo Phẩm Việt Nam (1960). Giáo phận Huế đã trải qua những giai đoạn chính sau đây:
1. Nửa thế kỷ dòng Tên đặt nền móng ở Ðàng Trong (1615-1665)
Vào khoảng năm 1596, một vị thừa sai Âu Châu là cha Diego Aduart đến Huế gặp gỡ nhà chức trách địa phương là chúa Nguyễn với tính cách ngoại giao. Cuộc gặp này tuy ngắn ngủi nhưng hai bên đã có thiện cảm ngay từ đầu. Tuy nhiên, công cuộc truyền giáo mới khởi sự do các cha dòng Tên thuộc Bồ Ðào Nha. Trong thời gian này, tòa giám mục đóng tại Malacca. Sau đó từ Macao, một nhượng địa bé nhỏ của Bồ Ðào Nha trong vùng đất phía Nam Trung Quốc, nhiều vị thừa sai người Bồ Ðào Nha đã đến truyền giáo tại Việt Nam. Cha Francesco Buzomi được coi là người đầu tiên đến xứ Ðàng Trong, ngài có mặt tại Hội An vào năm 1615 và giảng đạo tại Quảng Ngãi, Nước Mặn (Quy Nhơn). Trong khoảng thời gian 1615-1665, có 30 linh mục và 5 trợ sĩ dòng Tên hoạt động ở Ðàng Trong, trong số này có cha Francisco de Pina rất thông thạo tiếng Việt và cha Alexandre de Rhodes (Ðắc Lộ), người được xem là có công lớn trong việc sáng lập chữ quốc ngữ với những tác phẩm như: Phép Giảng Tám Ngày và Từ Ðiển Việt-Bồ-La in tại Roma năm 1651. Năm 1625, cha Pina đến Thuận Hóa rửa tội cho bà Minh Ðức Vương Thái Phi, vương phi của chúa Tiên Nguyễn Hoàng.
Công cuộc truyền giáo của các thừa sai dòng Tên ở Ðàng Trong đã có những kết quả rất rõ rệt với khoảng 20,000 tín hữu và tổ chức thầy giảng, câu trùm... Năm 1659, Ðức Alexander VII thiết lập hai giáo phận đầu tiên: Ðàng Ngoài và Ðàng Trong. Huế thuộc giáo phận Ðàng Trong do vị đại diện tông tòa là Ðức cha Pierre Lambert de la Motte cai quản, gồm khu vực từ sông Gianh trở vào của chúa Nguyễn, nước Chiêm Thành và Cao Miên.
2. Huế thuộc giáo phận Ðàng Trong (1659-1844)
Trong gần hai thế kỷ, 16 giám mục đại diện tông tòa đã kế tiếp nhau chịu đựng biết bao gian khổ và làm việc cật lực để xây dựng giáo phận Ðàng Trong được trao phó cho mình. Ðiều đáng tiếc là cuộc tranh chấp giữa các thừa sai dòng Tên và các giám mục đại diện tông tòa và quyền bính và các lễ nghi tôn giáo, khiến cho Tòa Thánh phải sai Ðức cha E.F. de la Baume sang để dàn xếp.
Tuy gặp nhiều khó khăn, nhưng các giám mục vẫn nhiệt tâm xây dựng giáo phận bằng việc đào tạo hàng giáo sĩ bản xứ, thiết lập các chủng viện như: Carolo Thợ Ðúc (1739-1750), Hòa Ninh (1784-1801), An Ninh (1802), Dương Sơn (1829), và Kẻ Sen, Di Loan (1847-1858), lập công đoàn nữ tu Mến Thánh Giá Thợ Ðúc (1719), huấn luyện các chức việc làm thành cơ cấu cho Giáo Hội Việt Nam.
Trong giai đoạn này, có tới 10 lần cấm đạo với 8 vị chứng nhân đã được phong thánh, và đặc biệt có biến cố Ðức Mẹ hiện ra tại La Vang vào năm 1798.
Năm 1844, Tòa Thánh tách giáo phận Ðàng Trong thành hai: Tây Ðàng Trong (Saigòn) và Ðông Ðàng Trong (Quy Nhơn), đồng thời giao cho Ðức cha Etienne Théodore Cuénot Thể coi sóc giáo phận Ðông Ðàng Trong.
3. Thành lập, xây dựng giáo phận Huế (1850-1960)
Năm 1850, Huế trở thành một giáo phận biệt lập gọi là giáo phận Bắc Ðàng Trong với vị giám mục tiên khởi là Ðức cha Francois Marie Pellerin Phan. Ngài đặt tòa giám mục tại Di Loan. Hàng giáo sĩ có hai thừa sai người Pháp, 12 linh mục Việt Nam, với khaỏng 24,000 tín hữu.
Vua Tự Ðức (1848-1883) đã ra nhiều sắc dụ cấm đạo và bách hại các giáo hữu một cách gắt gao vì nghi ngờ các thừa sai. Ðây cũng là một lý do để người Pháp can thiệp vào nội bộ Việt Nam. Năm 1862, triều đình Huế phải ký hòa ước Nhâm Tuất với liên quân Pháp và Tây Ban Nha và buộc phải nhận cho tự do theo đạo Công Giáo ngay ở điều 1 của bản hòa ước.
Ðức cha Joseph Hyacinthe Sohier Bình lợi dụng sắc dụ tha đạo của vua Tự Ðức (1862) đã đặt tòa giám mục tại Kim Long, tổ chức tuần tĩnh tâm cho tất cả các linh mục và phong chức long trọng cho hai linh mục Việt Nam, trong đó có cha Giuse Hồ Ðình Tính, con của Thánh Micae Hồ Ðình Hy.
Trong thời gian Ðức cha Marie Antoine Gaspar Lộc cai quản giáo phận, đã xảy ra các cuộc tàn sát của Văn Thân (1883-1886). Ngài thiết lập Ðại chủng viện Phú Xuân, mời các nữ tu dòng Thánh Phaolô thành Chartres (1889) và các sư huynh Lasan (1904) đến phục vụ giáo phận. Năm 1901, ngài cũng khánh thành Ðền thánh Ðức Mẹ La Vang và tổ chức Ðại Hội hành hương La Vang đầu tiên. Số tín hữu vào cuối đời ngài (1906) lên đến 62,000 người.
Ðức cha Eugène Marie Allys Lý (1908-1931) kế nhiệm Ðức cha Gaspar đã di chuyển tòa giám mục từ Kim Long về Phủ Cam và lấy nhà thờ Phủ Cam làm nhà thờ chính tòa. Ngài cho xây cất tòa giám mục và sở quản lý gần Phủ Cam và xây dựng lại Ðền thánh La Vang (1924), Tòa khâm sứ (1925). Năm 1931, Ðức cha Allys Lý xin từ chức vì bị mù, Ðức cha Alexander Paul Chabanon Giáo (1931-1936) lên thay. Năm 1933, Ðức cha cũng cho xây dựng trường Thiên Hựu (Providence) nổi tiếng ở Huế. Trong thời gian này, Tòa Thánh bắt đầu trao quyền cai quản giáo phận cho hàng giáo sĩ Việt Nam với Ðức cha Gioan Baotixita Nguyễn Bá Tòng (1933) làm giám mục giáo phận Phát Diệm, Ðức cha Ðôminicô Hồ Ngọc Cẩn, làm giám mục giáo phận Bùi Chu (1935).
Ðức cha Francois Arsène Lemasle Lễ (1937-1946), kế nhiệm Ðức cha Chabanon Giáo, phát triển các hoạt động Công Giáo Tiến Hành trong giáo phận với các phong trào như: Thanh Sinh Công, Hướng Ðạo, Nghĩa Binh Thánh Thể, Hội Bác Ái Vinh Sơn, Dòng Ba Phanxicô. Năm 1941, Công đồng Ðông Dương đã họp tại Tòa Khâm Mạng Phủ Cam, và lập dòng Biển Ðức tại Thiên An (1940). Giáo phận Huế lớn mạnh với số giáo dân 74,904 người, 25 thừa sai Paris, 102 linh mục người Việt Nam. Vào năm 1938, Ðức cha Phêrô Martinô Ngô Ðình Thục được chọn làm giám mục Vĩnh Long.
Ðức cha Jean Baptiste Urrutia Thi (1948-1960) cai quản giáo phận vào lúc xảy ra chiến tranh Việt Pháp. Hiệp định Genève năm 1954 chia đôi đất nước, lấy vĩ tuyến 17 (sông Bến Hải) làm ranh giới. Quảng Bình và một phần Quảng Trị thuộc miền Bắc, đa số giáo dân trong các phần đất này di cư vào Nam. Ngài lập thêm nhiều giáo xứ mới, xây nhiều trường trung, tiểu học và lập thêm nhiều đoàn thể Công giáo Tiến hành trong giáo phận. Sau 12 năm làm giám mục, Ðức cha được thăng chức tổng giám mục, hiệu tòa Karpatos và hưu trí ngày 24-11-1960. Giáo phận Huế cùng với tất cả các giáo phận khác ở Việt Nam bắt đầu một giai đoạn mới.
4. Tổng giáo phận Huế
Ðức Thánh Cha Gioan XXIII, trong Tông thư Venerabilium Nostrorum ngày 24-11-1960, đã thiết lập Hàng Giáo Phẩm Việt Nam với ba giáo tỉnh: Hà Nội, Huế, Sàigòn. Giáo tỉnh Huế gồm các giáo phận: Huế, Quy Nhơn, Nha Trang, Kontum (1960), Ðàng Nẵng (1963), Ban Mê Thuột (1967). Ngày 8-12-1960, Ðức Thánh Cha Gioan XXIII lại ban sắc lệnh nâng giáo phận Huế lên cấp tổng giáo phận và trao quyền cai quản cho Ðức Tổng Giám Mục Phêrô Martinô Ngô Ðình Thục (1960-1968). Ngài kiến thiết và tổ chức lại giáo phận, cho xây Tiểu chủng viện Hoan Thiện và lập lại Ðại chủng viện Phú Xuân.
Ngày 13-4-1961, các giám mục miền Nam Việt Nam họp tại Huế, đã quyết định thiết lập Trung Tâm Thánh Mẫu Toàn Quốc tại La Vang và ngày 22-8-1961, đền thờ La Vang được cung hiến trở thành Vương Cung Thánh Ðường do Tông Thư Magno Nos của Ðức Thánh Cha Gioan XXIII.
Tình trạng giáo phận Huế năm 1962 như sau:
Số linh mục: 162 (112 triều, 50 dòng). Số tín hữu: 100,225 người. Giáo xứ có linh mục: 85. Giáo họ không có linh mục: 264. Nhà thờ có sức chứa trên 400 người: 95, và nhà thờ có sức chứa dưới 400 người: 143.
Năm 1962, Ðức Tổng Giám Mục Phêrô Ngô Ðình Thục đã đi dự Công Ðồng Chung Vatican II và ở lại Roma do biến cố lật đổ chính quyền Tổng Thống Ngô Ðình Diệm vào năm 1963. Năm 1968, ngài từ chức, hưu trí và từ trần tại Hoa Kỳ vào năm 1984.
Tòa Thánh đặt Ðức cha Philipphê Nguyễn Kim Ðiền (1968-1988) làm giám quản tông tòa tổng giáo phận Huế năm 1964. Sau khi Ðức tổng giám mục Ngô Ðình Thục từ chức, Ðức cha Nguyễn Kim Ðiền được bổ nhiệm làm tổng giám mục chính tòa của tổng giáo phận (1968). Ngài đã trải qua các biến cố lớn năm 1968, 1972 và 1975. Tình hình chính trị bất ổn tác động lên những tôn giáo ở Huế. Giáo dân Huế nhiều lần ra đi và trở lại. Ngày 7-9-1975, Ðức Tổng Giám Mục Philipphê Nguyễn Kim Ðiền tấn phong linh mục Stêphanô Nguyễn Như Thể làm giám mục phó. Ngài cai quản giáo phận với rất nhiều khó khăn thử thách cho đến khi ngã bệnh trầm trọng. Ngài vào miền Nam chữa bệnh và qua đời tại đây ngày 8-6-1988.
Năm 1988, Tòa Thánh bổ nhiệm Ðức Hồng Y Giuse Maria Trịnh Văn Căn, Tổng giám mục Hà Nội, làm giám quản tông tòa Huế (trong thời gian 1988-1990). Năm 1990, Ðức Hồng Y qua đời đột ngột tại Hà Nội. Tổng giáo phận Huế "trống tòa" trong vòng 4 năm. Cha Giacôbê Lê Văn Mẫn làm giám quản giáo phận cho tới khi Tòa Thánh bổ nhiệm Ðức Tổng Giám Mục Stêphanô Nguyễn Như Thể làm giám quản tông tòa Huế ngày 23-4-1994. Ðại chủng viện liên giáo hận Huế, Ðà Nẵng, Kontum được mở cửa lại và do các linh mục thuộc hội Xuân Bích điều hành. Ngài sắp xếp lại các hạt của giáo phận, đặt các linh mục phụ trách các ngành, bồi dưỡng tu đức và trí thức cho các linh mục, tu sĩ, chủng sinh.
Ngày 9-3-1998, Tòa Thánh bổ nhiệm Ðức Tổng Giám Mục Stêphanô chính thức cai quản giáo phận sau 10 năm "trống tòa". Tháng 8-1998, ngài tổ chức Tam Nhật Ðại Hội kỷ niệm 200 năm Ðức Mẹ hiện ra tại La Vang và tháng 8-1999 kết thúc Năm Thánh kỷ niệm. Cả một rừng người đông đảo từ nhiều miền đất nước và hải ngoại đã tụ họp về La Vang. Năm 2000, Ðức tổng giám mục Stêphanô Nguyễn Như Thể cũng tổ chức lễ kỷ niệm 150 năm ngày thành lập giáo phận Huế.
B. Ðịa Lý và Dân Số
Ranh giới: Tổng giáo phận Huế nằm dọc theo bờ biển miền Trung Việt Nam, từ sông Gianh ở phía Bắc giáp với giáo phận Vinh đến đèo Hải Vân ở phía Nam giáp với giáo phận Ðà Nẵng. Phía Ðông là biển Ðông. Phía Tây là biên giới Việt-Lào. Phần đất tổng giáo phận Huế nằm trên các tỉnh Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên Huế với diện tích 12,227 km2.
Sông: Tính từ Bắc vào Nam có sông Gianh, sông Bến Hải, sông Thạch Hãn, sông Hương và nhiều sông ngắn ở vùng Thừa Thiên Huế.
Núi: dãy Trường Sơn chạy dọc theo sườn phía Tây của giáo phận làm thành biên giới Việt-Lào với một số đèo nổi tiếng: đèo Mụ Già, Lao Bảo, Hải Vân và khu du lịch Bạch Mã.
Dân số: 1,977,300 người, đa số là người Kinh, nhưng cũng có một số ít người dân tộc thiểu số: khoảng 25,500 người Bru Vân Kiều ở Quảng Trị và Bắc Thừa Thiên, khoảng 500 người Kơ Tu ở Tây Nam Thừa Thiên, khoảng 1,000 người Chứt ở Quảng Bình.
C. Một số đặc sắc của Giáo Phận
1. Tòa Khâm Sứ Tòa Thánh tại Huế
Năm 1925, Ðức Giáo Hoàng Piô XI lập Tòa Khâm Sứ Ðông Dương. Vị khâm sứ đầu tiên là Giám Mục Constantino Ajuti, người Ý, được bổ nhiệm ngày 25-5-1925. Quan Thượng Thư Nguyễn Hữu Bài đã đề nghị và giúp đỡ để xây cất Tòa Khâm Sứ tại Huế, cạnh nhà thờ Chính Tòa Phủ Cam và khánh thành năm 1925. Năm 1951, Tòa Khâm Sứ được dời ra Hà Nội. Hiện nay, tòa nhà ở Huế là trụ sở của cộng đoàn Mến Thánh Giá Huế.
2. Ðền Thờ Ðức Mẹ La Vang
Năm 1798, Ðức Mẹ hiện ra tại La Vang an ủi các con khốn khó trong cơn bách hại dưới triều vua Cảnh Thịnh, nhà Tây Sơn. Một ngôi nhà thờ nhỏ lợp lá được dựng lên ở đó, nhưng sau bị đốt cháy. Năm 1886, Ðức cha Gaspar Lộc cho xây cất một nhà thờ bằng gạch và khánh thành ngày 6-8-1901 và ấn định cứ ba năm một lần tổ chức Ðại hội Tam nhật kính Ðức Mẹ. Năm 1923, Ðức cha Allys Lý quyết định xây một ngôi nhà thờ rộng lớn hơn và khánh thành vào tháng 8-1928. Ngôi nhà thờ này đã bị tàn phá, chỉ còn lại phần cuối đổ nát với tháp chuông như ta thấy ngày nay. Trong hai năm 1961-1962, Ðức Tổng Giám Mục Ngô Ðình Thục đã cho xây dựng công trường Mân Côi bằng đá cẩm thạch, hồ Tịnh Tâm và đài Ðức Mẹ với ba cây đa bằng xi măng do kiến trúc sư Ngô Viết Thụ thiết kế. Các pho tượng Mân Côi đã bị bom đạn chiến tranh tàn phá huỷ nay đã trùng tu lại. Ðiều lạ lùng là 3 cây đa cao 20 mét với pho tượng Ðức Mẹ vẫn đứng yên suốt những năm chiến tranh ác liệt, trong khi từng mét vuông đất đều bị bom đạn cày xới. Trong dịp kỷ niệm 200 năm Ðức Mẹ hiện ra tại La Vang, tượng Ðức Mẹ mới mang màu sắc dân tộc, do họa sĩ kiêm điêu khắc gia Văn Nhân thực hiện, đã được làm phép và thay cho tượng cũ. Tượng mới diễn tả Ðức Mẹ La Vang vừa là người Mẹ nhân từ vừ là Nữ Hoàng uy linh.
3. Danh lam thắng cảnh
Huế là kinh thành cổ có rất nhiều dan lam thắng cảnh được tổ chức UNESCO công nhận ngày 2-8-1994 là di sản văn hóa của thế giới. Bên trong kinh thành là Ðại Nội với hàng chục cung điện nguy nga. Bên ngoài kinh thành có bảy khu lăng tẩm: Gia Long, Minh Mạng, Thiệu Trị, Tự Ðức, Dục Ðức, Ðồng Khánh, Khải Ðịnh. Mỗi lăng là một công trình kiến trúc thể hiện quan niệm của mỗi vị vua về cuộc sống và cái chết.
Ngoài ra, Huế với hàng chục ngôi chùa nổi tiếng như Thiên Mụ, Từ Hiếu, Diệu Ðế, Báo Quốc, Từ Ðàm, Tây Thiên, Trà Am, Thuyền Tôn, Diệu Viên, Huyền Không tọa lạc trong những vùng đồi núi u tịch.
Sông Hương, núi Ngự là hai dịa danh nổi tiếng ở Huế. Ngoài ra ngọn núi Bạch Mã cao 1,448, cách kinh đô Huế 40 km về phía Nam, cũng là một điểm du lịch lý tưởng. Thời Pháp thuộc, trên ngọn núi này có nhiều biệt tiếng không kém Sa Pa hay Ðà Lạt. Trong chiến tranh, tất cả đã bị đổ nát và bỏ hoang. Hiện nay khu nghỉ mát này đang được khôi phục lại.
(dựa theo Niêm Giám 2005 của Giáo Hội Công Giáo Việt Nam)