Ðịa phận Hải Phòng,

một thoáng nhìn về mảnh đất và con người

 

Prepared for Internet by Vietnamese Missionaries in Asia

 

Ðịa phận Hải Phòng, một thoáng nhìn về mảnh đất và con người.

Giáo phận Hải Phòng là phần đất đầu tiên mà cũng là mảnh đất sau cùng cuả Ðịa phận Ðông Ðàng Ngoài, nên có một lịch sử trải dài từ khởi nguồn xuất hiện Ánh sáng Tin Mừng nơi xứ Bắc. Bài viết này là một vài tản mạn về mảnh đất và con người cuả Giáo phận lâu đời và truyền thống này.

Theo chứng minh của một số nhà nghiên cứu đã công bố trên cuốn Niên giám Hội Ðồng Giám Mục Việt Nam 2005 và Nguyệt san Công giáo & Dân tộc, thì mảnh đất Ðịa phận Ðông Ðàng Ngoài, nay phần còn lại là Giáo phận Hải Phòng, được đón nhận Tin Mừng từ rất sớm. Năm 1583, một đoàn truyền giáo 7 người gồm 4 linh mục dòng Ða Minh Manila - Phi Luật Tân là: cha Diego Doropesa, cha Bartolomeo Ruiz, cha Pedro Ortiz, cha Francisco de Montilla cùng 3 tu sĩ dòng Thừa sai Phan Sinh đã đến truyền giáo ở An Quảng (nay là thị trấn Quảng Yên - tỉnh Quảng Ninh, thuộc Ðịa phận Hải Phòng). Ðoàn thừa sai đó tiếp tục lên đường và bị bão đánh dạt vào Trung Quốc, bị bắt giam, rồi được tha và trở về lại Manila (X. Ns. Công giáo và Dân tộc, số 49, 1-1999, tr. 117; Niên giám Hội Ðồng Giám Mục Việt Nam 2005, Nxb Tôn giáo, HN 2005, tr. 188; Romanet du Caillaud). Trong thực tế, khu vực Quảng Yên ngày nay hiện có một Giáo xứ toàn tòng khá lâu đời, còn đang lưu giữ một lịch sử truyền giáo với những chi tiết rất đặc biệt có vẻ mang đầy tính truyền thuyết rất cần nghiên cứu.

Thế nhưng nguồn gốc của cái tên Ðịa phận Ðông Ðàng Ngoài lại không phát xuất từ địa điểm đón nhận Tin Mừng xếp vào bậc tiên khởi trong khu vực trên, mà là một trung tâm về mặt hành chính đối ứng với xứ Bắc, xứ Nam và xứ Tây. Ðó chính là xứ Ðông mà sử sách chép lại là Che Dun (Kẻ Ðông) hay Hải Ðông nay là đất Hải Dương ngày nay.

Như nhà sử học H.Maspéro đã nói: "Trong lịch sử, cái gì có truyền thống nhất, sẽ tồn tại lâu dài nhất". Phát biểu này có thể áp dụng đúng với vùng đất Ðịa phận Ðông này. Qua bao thăng trầm và chia cắt, Ðịa phận Ðông vẫn giữ lại tên tuổi của mình trên phần đất mầm mống Che Dun thuở nào. Chỉ sau đó, đến năm 1924 Toà Giám mục mới chuyển từ Hải Dương sang Hải Phòng, là một thành phố mới cũng tách từ chính tỉnh Hải Dương hay Che Dun ngày trước rồi đổi tên thành Giáo phận Hải Phòng. Giáo phận Hải Phòng ngày nay bao gồm địa bàn của toàn thành phố Hải Phòng, toàn tỉnh Quảng Ninh, Hải Dương và một phần tỉnh Hưng Yên. Diện tích xấp xỉ 10,000 km2 với tổng số dân địa phương là 4,854,292 người. Ðức Giám mục Giáo phận đương kim Giuse Vũ Văn Thiên là người con tiên khởi của Giáo phận làm Giám mục. Ðây là niềm tự hào lớn cho bao thế hệ gieo trồng hạt giống Ðức Tin nơi mảnh đất kiên trung này. Với sự kiện truyền chức 6 tân linh mục vào ngày 07/10/2007 vừa qua, Giáo phận hiện có 49 linh mục triều, 4 linh mục dòng (3 linh mục dòng Thánh Thể và 1 linh mục dòng Chúa Cứu Thế), 36 đại chủng sinh, hàng trăm ơn gọi đang chờ nhập học, 80 nữ tu, 750 Giáo lý viên, 78 giáo xứ với 118,583 tín hữu.

Bên cạnh khí thế đang lên của đời sống Ðức Tin, đến Hải Phòng ta có thể trở lại với những địa điểm, những công trình ghi lại dấu ấn lịch sử hay văn hoá, kiến trúc đặc sắc của Giáo phận như: Nhà thờ Chính toà Hải Phòng được Cha chính Masso Tế xây dựng năm 1877; tổng thể Giáo xứ Yên Trì xây dựng quy mô theo thế "ngũ long kính chủ" 5 nhà thờ xóm bọc quanh sườn và chân đồi hướng lên ngôi nhà thờ chính xứ lớn nhất nằm giữa đỉnh với khu nhà Mụ riêng biệt từng một thời là nhà mẹ của dòng Mến Thánh giá Hải Phòng. Từ nhà xứ thông lên đồi Ðức Mẹ (nay đã bị nhà nước chiếm dụng) là điểm có thể quan sát được một nửa tỉnh Quảng Ninh rộng lớn. Theo lịch sử thì đây là một trong những nơi được đón nhận ánh sáng Tin Mừng sớm nhất của Ðịa phận Ðông Ðàng Ngoài cũng như trong cả nước bởi đoàn thừa sai Ðaminh Manila năm 1583; Ta cũng có thể đến với nhà thờ Kẻ Sặt là nơi nhiều thời là cư sở của các Ðức Giám mục Giáo phận, nơi tổ chức Công Ðồng Bắc Kỳ đầu tiên năm 1900. Từ Kẻ Sặt; trở về khoảng 20 km là Ðền thánh Hải Dương, nơi chứng kiến những cái chết anh hùng của hàng trăm vị Tử Ðạo mà trong đó có nhiều vị đã được phong Hiển Thánh. Ðền thánh nay đã bị đổ nát và bị chiếm dụng nhiều nhưng vẫn là điểm hành hương hàng năm của Giáo phận như tỏ một lòng trung kiên của con cháu với mảnh đất linh thiêng và các bậc tổ tiên; Bên đất Hải Phòng, ta cũng có Ðền thánh Ðức Mẹ Mân Côi Nam Am. Thời Ðức Cha thánh Tử Ðạo Hermosilla Liêm, Nam Am từng là Toà Giám mục với một hệ thống cơ sở sinh hoạt tôn giáo sung túc, có Nhà Dòng, Ðại Chủng viện, trường tư thục Công giáo. Ngày nay Ðền thánh Nam Am được xây dựng lại khang trang mỹ miều theo lối kiến trúc cổ Ðông phương và đã được thánh hiến ngày 15/10/2006.

Ðến với Giáo phận Hải Phòng ngày hôm nay, ngoài một khung cảnh về đời sống mục vụ đang đổi sắc, chúng ta còn có thể được đổi mới tâm hồn, nâng cao cảm hứng với những thắng cảnh hùng vĩ, diệu kỳ bậc nhất của non sông đất Việt. Ðó là tổng thể vịnh Hạ Long thuộc địa phận Giáo xứ Hòn Gai - Quảng Ninh. Nơi đây đã được UNESCO xếp vào bậc các kỳ quan thiên nhiên thế giới; là khu danh thắng Yên Tử tỉnh Quảng Ninh, một trung tâm cổ kính của Thiền phái Trúc Lâm Việt Nam; là khu di tích Côn Sơn - Hải Dương có tiếng suối như tiếng cầm, rêu phơi như chiếu nệm... nằm trong hệ thống "Chí Linh bát cổ", nếu mang sánh ví về mặt lịch sử thì có thể trổi vượt cả "Tiêu tương bát cổ" bên Trung Quốc hay "Thăng Long bát cổ" của thủ đô Hà Nội ngày trước; Trở về tỉnh Hải Phòng mọi người cũng không thể không nhắc đến bờ biển Ðồ Sơn, huyện đảo-vườn quốc gia Cát Bà là những khu sinh thái, nghỉ mát làm mê hồn du khách...

Một mảnh đất có truyền thống Ðức Tin lâu đời và kiên trung, một mảnh đất có các cảnh quan thiên nhiên ưu đãi như thế chắc chắn không cần nói nhiều cũng có thể thấy được hình thái con người nơi đây. Lần giở một vài tài liệu có ghi chép về con người thuộc khu vực Ðông Ðàng Ngoài, ta thấy: Sách Lịch triều hiến chương của Phan Huy chú ghi: Khúc Thừa Dụ quê ở Hồng châu (thuộc địa hạt Bình Giang và Ninh Giang - Hải Dương ngày nay), là người khoan hoà, hay thương người, cho nên có nhiều kính phục. Năm Bính Dần (906) được cử làm Tiết độ sứ để cai trị Giao Châu. Ông có ý mưu đồ nghiệp lớn, lập lại quyền tự trị dân tộc nhưng không thành; Trần Trọng Kim trong Việt Nam sử lược thì viết về Hàn Thuyên như sau: "Ông Nguyễn Thuyên là người Thanh Lâm - Hải Dương, có tiếng tài làm văn như ông Hàn Dũ bên Tàu xưa, nên vua cho đổi họ Hàn. Về sau, người mình theo lối ấy mà làm thơ, gọi là Hàn luật". Nói về Trạng Trình Nguyễn Bỉnh Khiêm thì Diên Hương trong Thành ngữ điển tích từ điển viết: Nguyễn Bỉnh Khiêm, hiệu Bạch Vân cư sĩ, tục gọi Trạng Trình, người làng Trung Am, Vĩnh Lại, Hải Dương vốn tình tình trung thực ngay thẳng. Ðời Mạc, ông dâng sớ hạch tất cả 18 kẻ lộng thần. Sau ông về trí sĩ ở Bạch Vân Am. Vua Mạc vẫn kính trọng trong triều có việc gì đều hỏi; Ðức Cha Neez trong cuốn "Hàng giáo sĩ Bắc Kỳ" khi chép về cha Antôn Quế, cha xứ Hải Dương người Việt đầu tiên đã nhận định: "Cha là vị tông đồ hăng say có tiếng, đến nỗi mọi người đều cho rằng Cha đã làm cho nhiều linh hồn được trở lại cùng Chúa nhiều nhất" (Sđd, tr.53-54). Chính vị giám mục này cũng đánh giá rất cao linh mục Gioan Hậu quê Kẻ Châu - Hải Dương như sau: "Cậu Hậu đạt được những thành tích xuất sắc, nhưng nhất là cậu tỏ ra có tâm hồn thánh thiện, đạo đức trổi vượt" (Sđd, tr 176).

Chắc chắn một vài cá nhân xuất sắc trên không thể nói hết khuôn mặt con người Hải Phòng, nhưng một cách tổng quát con người Khu vực Ðịa phận này là như thế: trung kiên, thẳng thắn, cần mẫn tìm tòi, nhất là lòng hăng say dám đi tiên phong trong mọi sứ vụ của xã hội cũng như Giáo Hội. Bên trong là nội lực nhiệt thành như vậy, nhưng bên ngoài, người Hải Phòng lại tỏ lộ một phong thái phóng khoáng, đơn giản. Nổi bật là sự cởi mở mến khách như là đặc trưng của mảnh đất cổ Hải Ðông (Hải Dương) xưa luôn là đất lành cho các bậc hiền nhân, chẳng hạn: Trần Hưng Ðạo, Trần Nguyễn Ðán, Nguyễn Trãi, Chu Văn An... lưu luyến lúc tuổi già và quyết định chọn nơi đây làm quê hương sau cùng của mình./.

 

Khương Vũ

 

 


Back to Vietnamese Missionaries in Asia Home Page