Việt Triết Luận Tập (Quyển Thượng)
Truy Nguyên Bản Chất Của Việt Triết
Giáo Sư Trần Văn Ðoàn, Taiwan National University
Prepared for Internet by Vietnamese Missionaries in Asia
Chương II
Việt Nam Văn Hóa Chi Ðạo
Dự Thảo
Chương Trình Nghiên Cứu Việt Triết
"Ta về ta tắm ao ta
Dù trong dù đục ao nhà vẫn hơn"
1. Vong Thân và Quê Hương
Chúng ta từng kiêu hãnh về một nền văn hóa Việt. Thế nhưng, khi được hỏi đến, hoặc khi được yêu cầu trình bày văn hóa của mình cho người ngoại quốc, chúng ta thường lúng ta lúng túng, không thể trả lời; hay nếu có thể, thì cũng chỉ một cách hàm hồ. Phải thực tâm mà xét, chúng ta mới cảm nghiệm, chứ chưa hoàn toàn ý thức, đừng nói là có một nền kiến thức sâu rộng về chính nền văn hóa của mình. Sự nghèo nàn về văn hóa hiển hiện ra khi chúng ta giao tiếp với các nền văn hóa khác: ngoài ngôn ngữ, bộ áo dài "Lemur"(!), chiếc nón Huế, bát bún bò Huế, đĩa chả Sài Gòn, tô phở Hà Nội, hũ nước mắm Phú Quốc, chúng ta còn có chi để "mang trống đi đấm nước người?"
Cái bần cùng bi đát khố rách áo ôm về tư tưởng càng hiển nhiên hơn trong lãnh vực triết lý. Cho đến nay, ngay chính các nhà "trí thức" nước nhà cũng không dám công nhận có một nền Việt triết; đừng nói đến một nền triết lý có tầm mức quốc tế. Trên lãnh vực quốc tế, họ khiêm nhượng coi văn hóa Việt chỉ là sự nhai lại những luồng tư tưởng của Hoa Ấn, mặc dù trong những câu chuyện thường nhật, họ luôn kiêu hãnh về thiên tài ngoại ngữ, nói tiếng Tây "như Tây", nói tiếng Mỹ "hay hơn Mỹ," và nói tiếng Nga, "ngay cả mấy thằng Nga cũng khiếp!" của họ.
Sự tự cao tự đại "cống hỉ méc xì ta biết cả" cũng như tự ti mặc cảm "ông nghè ông cống cũng nằm co" này phản ảnh một sự thực: chúng ta thiếu ý thức, hay vô ý thức về chính mình. Với một não trạng mâu thuẫn như thế, chúng ta có thể hiểu được tình trạng "voi đẻ ra chuột" trong Việt triết. Thử hỏi, nếu thiếu tự thức, nếu không có một nền triết lý chủ đạo, chúng ta có thể tự vỗ ngực dám hát vang lên: "Việt Nam trên đường tương lai, lửa thiêng soi toàn thế giới" hay không? Một khi chúng ta thiếu khả năng không trình bày nổi tinh thần, hồn túy, ngọn gốc, cốt lõi của mình, hỏi rằng chúng ta còn có thể tự cao tự đại nữa không? Hay là chúng ta phải chấp nhận thảm kịch:
"Bốn ngàn năm, ta vẫn là ta!
Từ trong hang đá chui ra.
Vươn vai mấy cái rồi ta chui vào!"
Các bạn cũng như tôi sẽ dễ nhận ra cái hậu quả tất yếu là, như một người "vô sản," "vô gia cư," tuy "đói rã miệng" vậy mà chúng ta vẫn vừa toác miệng bai bải "em chả, em chả" như cậu ấm con mụ phó Ðoan, vừa ngửa tay xin bất cứ một lý thuyết nào một cách rất ư là "chuyên chính." Chúng ta ngấu nghiến bất cứ một ý hệ, hay tôn giáo nào, thường với một cách vô ý thức cũng "một cách rất chính đáng và hợp lý." Dưới thời đô hộ của Tầu, các "đại nho" của chúng ta nhai đi nhai lại kinh, sử, thi... của phương Bắc, như con trâu ngoan ngoãn dễ thương của Trần Tiêu. Trí thức của họ nhét đầy cái học vị chương, những vần thơ trống rỗng, tính chất phong kiến, lối tổ chức chính trị phủ bại của người Hán, người nhà Ðường, người nhà Minh, và người Mãn Thanh. Ðể rồi họ hãnh diện "Văn như Siêu Quát vô tiền Hán; Thi đáo Tùng Thư thất thịnh Ðường." Tới thời Pháp thuộc, giới trí thức của chúng ta chỉ còn ước vọng làm thầy phán, quan đốc, ông tham để "tối sâm banh, sáng sữa bò." Bây giờ trâu đổi ra bò, song vẫn là loại sinh vật nhai lại. Những con bò biết nói nhai lại những vần thơ của Lamartine, Beaudelaire, Rilke; hót như vẹt những câu sáo ngữ của Victor Hugo; và phun ra hàng lọat văn chương, thơ phú "phú lãng sa" đầy mùi bơ sữa. Ðây là điểm cao nhất của trí tuệ của những người "an nam mít" như Nguyễn Văn Vĩnh; đó là "vinh dự tối cao" cho những người ngọng nghệu tiếng Việt như Trần Văn Ðôn cũng như những kẻ từng "hãnh diện" học trường Tây, trường đầm, và "kiêu hãnh" về tài năng "nói tiếng tây hay hơn tiếng Việt" của họ. Và đây đúng là sự tủi nhục cho người trí thức Việt:
"Trên ghế bà đầm ngoi đít vịt,
Dưới sân ông cử ngỏng đầu rồng."
Vào những thế kỷ gần đây, chúng ta cũng không "tiến bộ" được bao, khi giới trí thức ào ạt chay theo văn hóa Hoa Kỳ, hay văn hóa "xã hội chủ nghĩa," coi chúng như là điểm tụ "cao nhất của nhân lọai." Bây giờ chúng ta "giỏi" vì thông thạo tiếng Mỹ, Nga, Tầu... hơn tiếng mẹ đẻ. Bây giờ chúng ta "khôn," vì thuộc lòng lịch sử, địa lý của Mỹ, của Nga, của Tàu, và quên bẵng lịch sử của mình, cũng chẳng biết mảnh đất chữ S nằm ở đâu. Hồi xưa cha ông chúng ta thuộc lòng Tứ Thư, Ngũ Kinh; thì hôm nay chúng ta cũng nằm lòng Hữu Thể và Hư Vô, Tư Bản Luận... Nói tóm lại, cái thước đo lường trí tuệ không còn là chữ nôm, lịch sử Việt, hay văn hóa Việt, mà là những tiếng líu lo, sì sồ khó hiểu, lạ tai; những tư tưởng lạ hoắc, những trang thư mục kê khai hằng hà sa số các sách ngoại ngữ... trong khi viết về những vấn đề của Việt Nam. Những nguồn liệu sử học về Việt học từ Ba Lê, Ðông Kinh, Bắc Kinh, Yale, Harvard, Michigan, hay Thư Viện Quốc Hội Mỹ có giá trị "gấp bội" những bài học sống động của người Việt trong xã hội của mình.
Trong một tâm thức "tha hóa" như vậy, triết lý được "nhập cảng" một cách ồn ào vào Việt Nam. Những làn gió "hiện sinh" của Jean Paul Sartre, Albert Camus, Martin Heidegger, Friedrich Nietzsche; những mốt tư tưởng "tân thời lạ đời" của Francois Sagan, Simone de Beauvoir; những tâm tư "siêu việt" của Sri Aurobindo, Sarvepalli Radhakrishnan, Daisetz Teitaro Suzuki... thấm nhập vào não trạng của giới trí thức Sài Gòn để rồi sản xuất ra hàng loạt "triết gia" với những tác phẩm "sâu thẳm" như Hố Thẳm Tư Tưởng, Mặt Trời Không Bao Giờ Mọc... những "kiệt tác" mà ngay các chuyên gia triết học nặn óc cũng không thể hiểu. Tương tự như các nhà trí thức tại Thượng Hải và Bắc Kinh, chúng ta cũng tôn thờ Mao Trạch-Ðông, Ivan Vladimir Lenin, Josif Stalin như là những tư tưởng "vĩ đại" nhất của nhân loại, mà các "đại thi hào" được lệnh thờ lạy hơn cha hơn mẹ họ. Khi đã khá mệt mỏi với những câu thơ văn trống rỗng, chúng ta lại đổ sô vào những tư tưởng "sâu xa" khác, với những đại luận về các kinh điển Bhagavad-gita, Upanisad, Veda, Sutra, vân vân, với những câu sao lại Phạm ngữ, Pali mà ngay những người viết cũng chép sai vì không hiểu, và không phân biệt nổi. Chúng ta hành hương tân Tây Trúc, song quên rằng chúng ta vẫn còn tha hương cầu thực. Chúng ta vẫn chưa nhận ra được giá trị căn bản của quê, của hương, và chúng ta giống như người dị hương của Camus, tự cảm thấy lạc loài trong chính lòng đất của mình. Ðến bao giờ chúng ta mới thấm nhuần được câu ca dao sâu sắc "Ta về ta tắm ao ta; Dù trong dù đục ao nhà vẫn hơn?" Ðến bao giờ chúng ta mới thấm thía được câu kết luận rất ư là triết lý "Phú ông xin đổi nắm sôi, Bờm cười" mà chúng ta từng thuộc lòng từ thời thơ ấu?
Không cần phải nói, chúng ta đã nhận ra, đây là một tình trạng tha hóa, càng ngày càng vong thân, đánh mất hẳn tự thức của tộc, của dòng, của giống. Y hệt như tai họa rơi vào bãi cát lầy, chúng ta (bao gồm tác giả bài viết này) đương sa lầy lún chìm xuống vực sâu của thất thức (tức mất ý thức, khác với vô thức và vô vi của Lão Trương, và của Thiền đạo), trong khi vẫn ảo tưởng là chúng ta như "con chim phượng hoàng thoát khỏi tro bụi, bay bổng vào trong bầu rời sáng lạn."
2. Bản Chất của Văn Hóa
Chúng ta biết, văn hóa không được "tạo dựng" trong một ngày, hay do một người, hay bởi một triều đại. Chúng ta cũng ý thức được rằng văn hóa không chỉ biểu tượng một thời đại, một lịch sử; càng không chỉ đại diện một thế hệ, một chế độ, hay một ý hệ, hay bất cứ một tôn giáo nào. Văn hóa là sự kết tinh (crystallization), chọn lọc (selection), và tụ thăng (Aufhebung) của các thế sinh, được lưu truyền (tradited) và cải biến (transformed). Do đó, văn hóa tự biểu lộ trong, qua, và bởi tất cả mọi sinh hoạt của con người, từ nghệ thuật tới khoa học, từ kinh tế tới chính trị, từ kỹ thuật tới tư duy. Như là một sự kết tinh, văn hóa nói lên cộng thể của dân tộc. Như là sự chọn lọc, văn hóa tự hình thành qua phương thế sống, qua lối luận lý chung, qua những quy luật đạo đức, qua trật tự được cộng đồng chấp nhận và tuân theo. Như là một tụ thăng, văn hóa phản ảnh sự thăng tiến, tổng hợp và thích hợp của thế sinh hiện tại với những thế sinh ngoại tại, mới mẻ, đương và sẽ tới.
Hiểu theo nghĩa này, văn hóa Việt của chúng ta biểu tả cái cộng thể (common structure) của xã hội Việt; nói lên cộng tính (common nature) của dân Việt; diễn đạt cộng cảm (common sense) của người Việt; và phản ảnh lối cộng lý (common reasoning) tức lối suy tư, luận lý chung của chúng ta, trong khi đi tìm công ích, công lợi (common interests) của dân tộc. Cộng thể, cộng tính, cộng cảm, cộng lý và công lợi này lẽ dĩ nhiên mang tính chất phổ quát nơi người Việt; và như thế tách biệt khỏi đặc tính của các dân tộc khác.
Nhưng nói như thế, chúng ta rất có thể vấp vào cái lỗi "bế môn tỏa cảng" của cha ông chúng ta, với nhãn quan thiển cận và cái tâm hẹp hòi của con ếch ngồi dưới đáy giếng "luận thiên hạ sự." Chúng ta có lẽ chưa nhận ra rằng văn hóa của chúng ta cũng có những tính chất chung của nhân loại, rằng chính nhờ vào sự giao tiếp với các thế sinh khác, mà văn hóa Việt mới viễn việt (transcendence), mới tụ thăng biến thành phong phú. Một cách cụ thể, chính vì giao tiếp với văn hóa Hoa-Ấn, với nền văn minh Âu-Mỹ và với các tôn giáo trên thế giới, đặc biệt là Phật giáo và Ki-tô giáo, mà văn hóa Việt mang một tính chất vừa đa tạp, vừa tổng hợp của giá trị của các nền văn hóa và văn minh trên. Thế nên, chúng ta phải công nhận là văn hóa Việt bao gồm hai phần chính, và một phần phụ: phần chính thứ nhất mang tính chất cá biệt chỉ thấy nơi dân Việt; phần chính thứ hai, chung với mọi dân tộc, mọi văn hóa; trong khi phần phụ là những tổng hợp gần đây về tổ chức, giáo dục, vân vân. Bộ phận cá biệt của văn hóa Việt thấy trong cách sống, trong ngôn ngữ, phong tục, trong nghệ thuật, luân thường đạo lý, và trong tôn giáo. Bộ phận chung cho toàn nhân loại liên quan tới tri thức, phương pháp, kỹ thuật, kinh tế, y học, vân vân. Phần phụ thuộc dễ dàng biến dạng, thay đổi, trong khi phần chính chỉ có thể biến đổi trong một thời gian lâu dài, và không dễ dàng gì. Phần chính bảo tồn Việt tính, song phần phụ tiếp thu đặc tính của các nền văn hóa khác mà nhờ vào Việt tính chúng ta việt hóa.
Trong mạch văn này, chúng ta cũng phải chấp nhận là, bất cứ nền văn hóa nào đều tự hình thành trong một quá trình lâu dài bằng cách tổng hợp một cách biện chứng (dialectical transcendence) các kinh nghiệm đương sống với những kinh nghiệm đã sống (truyền thống). Hành động tổng hợp biện chứng này được hướng dẫn bởi một niềm hy vọng có thể giải quyết được khát vọng và ước vọng của con người trong tương lai. Tổng hợp biện chứng cụ thể trong việc con người sửa kinh nghiệm, làm giầu kinh nghiệm, hệ thống kinh nghiệm, và thăng hóa chúng thành bảng giá trị nhân sinh, để có thể giải quyết hay tránh những vấn nạn đã từng xẩy ra trước, và có thể sẽ phát hiện về sau. Một tiến trình như vậy chính là lịch trình hình thành văn hóa theo đúng nghĩa nhân văn hóa thành. Nói cách khác, chính qua sự sửa đổi tự đời này tới đời khác, mà chúng ta càng ngày càng tốt, càng đẹp, càng thật, và càng nhân hơn. Cái tốt (thiện), cái đẹp (mỹ), cái thật (chân, tri thức) và cái nhân (đạo thánh nhân, quân tử)) của mỗi thế sinh là những biểu tượng của nền văn hóa của thế sinh này. Trong một mạch văn trên, chỉ khi nhận ra được cái chân, thiện, mỹ và đạo thánh nhân trong thế sinh của người Việt, chúng ta mới có thể tự nhận ra giá trị cao qúy của nền văn hóa của mình, cũng như nhìn ra giá trị nơi các nền văn hóa khác. Nói tóm lại, nếu mỗi nền văn hóa là một sự biểu hiện của một thế sinh của một dân tộc, và bất cứ nền văn hóa nào cũng sinh động một cách biện chứng và siêu việt qua những quá trình lịch sử (processes of history), thì lịch trình này luôn được cái đạo, hay con đường chỉ cho chúng ta cội nguồn, hiện thế cũng như tương lai của chúng ta vậy. Ðó chính là cái đạo, hay tinh thần, của lịch sử Việt tộc vậy (the logic of Viet-history).
3. Việt Triết
Cái đạo, hay con đường, hay tinh thần của Việt tộc này chính là Việt triết. Triết học do đó là một môn học suy tầm bản chất của văn hóa; là một hệ thống của những đặc tính của dân tộc; và là phản tỉnh về cả tiến trình hình thành của văn hóa; cũng như một lối tư duy cho tới cội nguồn về những vấn nạn, và những nguyên lý để giải quyết chúng. Hiểu như vậy, Việt triết là một sự đeo đuổi sự khôn ngoan (filo-sofia) của Việt tộc và của nhân loại theo đúng nguyên nghĩa của triết học tự thời Thales. Và hơn thế nữa, Việt triết là sự truy nguyên, cũng như truy tầm những giải đáp tối hậu cho những vấn nạn của người Việt và của nhân loại. Do đó, nó không tách biệt khỏi truyền thống triết lý Ðông phương coi triết lý như sự học quan trọng nhắm đến "tu thân, tề gia, trị quốc và bình thiên hạ" như thấy trong Ðại học.
Việt triết do vậy bao gồm nhiều lãnh vực trực tiếp hay gián tiếp liên quan tới thế sinh Việt, tới cội nguồn của người Việt, tới tinh thần Việt, tới lối tư duy của dân Việt, tới cách biểu hiện chung của họ, tới những cảm sầu, thẩm mỹ, cách sống, cách hưởng thụ... của họ. Lẽ dĩ nhiên, Việt triết đặc biệt chú ý tới những vấn nạn mà chúng ta đã, đang, và sẽ gặp trong tương lai; cũng như sự nỗ lực truy tầm nguyên lý, nguyên tắc và phương thế để giải quyết chúng. Nói một cách khác, Việt triết bao gồm Việt linh (Viet-spirit), Việt đạo (Viet-logos), Việt lý (Viet-logic), Việt thế hay thế sinh Việt (Viet-world, Viet-life-world), Việt hồn (Viet-soul), Việt văn (Viet-literature), Việt kỹ (Viet-technique), Việt cảm (Viet-sense), Việt tính (Viet-nature, hay, the transcendence-force of the Viet), vân vân.
Hiểu Việt triết như thế, chúng ta sẽ nhận ra một cách dễ dàng sự tương quan bất khả phân ly của triết học và văn hóa. Và như vậy, nhiệm vụ của bất cứ nhà văn hóa nào cũng gồm tóm trong những trọng điểm sau: (1) truy nguyên, khai quật, (2) diễn đạt, và (3) phát triển văn hóa. Tiếp theo, chúng tôi xin mạn phép đi sâu hơn một chút vào những lãnh vực trên.
4. Truy Nguyên Văn Hóa
Trong tác phẩm Việt Lý Tố Nguyên, Kim Ðịnh tự đặt ra một chương trình xây dựng Việt triết. Theo tiên sinh, công việc cấp bách nhất vẫn là công việc truy tầm cái đạo lý uyên nguyên của Việt tộc thấy trong văn hóa cổ của chúng ta như nhân thoại, thần thoại. Cái đạo lý uyên nguyên này chính là Việt hồn mà chúng ta "đã đánh mất" từ thời Bắc thuộc, mà cho tới nay vẫn chưa tìm lại được. Không hẳn đồng ý với Lương tiên sinh, chúng tôi thiết nghĩ, Việt hồn cũng như Việt đạo chưa bao giờ mất. Chúng bị biến hóa, biến dạng, và bị dồn ép vào trong chiều sâu tâm linh của con người Việt mà thôi. Một khi chúng ta có thể phá đổ các điều kiện ngoại tại và nội tại khiến Việt linh dị hóa, hay tự khép kín, hay bị đè nén, Việt hồn, Việt đạo sẽ tái hiện. Ðây là một luận đề chúng tôi áp dụng từ triết học của hai đại triết gia Nietzsche và Heidegger. Ðây cũng là một luận đề từng thấy trong tư tưởng của Karl Marx, khi nhà bác học này chủ trương một cuộc cách mạng thực tiễn phá bỏ tất cả mọi điều kiện khiến con người bị tha hóa (objectified), dị hóa (alienated) và vật hóa (reified). Và đây cũng là một luận đề mà nhà phân tâm học Sigmund Freud đề xướng. Theo các nhà bác học trên, bản chất chân thực của con người, tức nhân tính, chỉ có thể tái lập hay tái hiện nếu những điều kiện phi nhân bị loại bỏ. Theo một phương thức như họ, chúng tôi thiết nghĩ, khai quật văn hóa Việt đòi phải truy nguyên Việt linh; nhưng để có thể khai quật Việt linh, chúng ta trước hết phải tìm ra nguyên nhân, các điều kiện cũng như lối suy tư gây trở ngại khiến chúng ta không thể phát hiện Việt linh. Và quan trọng hơn nữa, chúng ta phải đi tìm kiếm những giải đáp cho những vấn nạn, những giải đáp thấy trong thế sinh của chúng ta (Việt thế), qua lối suy tư của người Việt (Việt lý), và phát tự tâm tình của mình (Việt cảm) cũng như tác động bởi chính ý lực của dân Việt (Việt hồn).
- Ôn Cố
Thoạt tiên, công cuộc phát quật Việt linh đã được nhiều nhân sỹ ý thức tới. Phong trào trở về nguồn đương được các học giả tại hải ngoại như Vũ Ðình Trác (Việt Nho), Nguyễn Tự Cường (Việt Phật), các học giả tại Việt Nam tại Viện Hán Nôm, Viện Sử Học, và Viện Triết Học, và một số giáo sư tại hai đại học quốc gia Hà Nội và Sài Gòn (Trần Ðình Hượu, Phan Ðại Doãn, Trần Ngọc Thêm) phát động, xúc tiến một cách rất khả quan. Chỉ có một điều đáng tiếc là chúng ta bắt đầu quá muộn, và chạy lạch bạch theo các học giả ngoại quốc. Sự khám phá trống đồng tại Ðông Sơn, Hòa Bình; sự tìm hiểu nguồn gốc của Việt tộc, cũng như sự truy tầm lịch trình phát hiện của ngữ học Việt, cũng như của các sắc tộc khác; sự việc đi vào chiều sâu của các huyền thoại và nhân thoại, tất cả đều rất quan trọng, đã được các học giả ngoại quốc, nhất là Pháp, nghiên cứu và đi một bước khá xa trước chúng ta. Không ai có thể hoài nghi chúng là những chất liệu rất quan trọng giúp chúng ta truy tìm Việt linh, Việt lý, Việt đạo... Song điểm đáng nói là, những kết quả khảo cổ, nhân chủng trên vẫn chỉ là những giả thuyết, những bước dò dẫm. Do đó, chúng ta bắt buộc phải tiếp tục khuyến khích các nhà khoa học xã hội và nhân văn phát triển và đào sâu vào những lãnh vực như khảo cổ, ngữ học, lịch sử, văn hóa... Bởi vì, nếu thiếu những chất liệu trung thực, công việc suy tư, giải thích sẽ lệch lạc, và chắc chắn sẽ ảnh hương tới sự phát triển của văn hóa Việt.
- Ôn Cố Nhi Tri Tân
Một điểm quan trọng mà chúng ta thường ít chú ý, đó là công việc truy nguyên không phải chỉ là sự hoài cổ, hay hạn hẹp vào việc tăng thêm sự hiểu biết về cái quá khứ của mình. Nếu truy nguyên chỉ có một mục đích duy nhất là biết về mình, một sự hiểu biết như vậy không mang lại lợi ích là bao. Cái lợi nhỏ bé và hạn hẹp trong bốn bức tường của học viện không giúp chúng ta biết được những kiến thức mới lạ, nhất là những kiến thức trực tiếp với cuộc sống hiện đại. Song để có thể biết những điều mới, công cuộc ôn cố bắt buộc phải được tiến hành theo một phương pháp và hệ thống khoa học. Trước hết, chúng ta phải xác định mục đích của công việc ôn cố không phải chỉ hoài cổ, hay để biết cái chi mới lạ. Mục đích quan trọng nhất của ôn cố là tìm ra những vấn nạn "trường cửu" của dân Việt; là để học hỏi cách giải quyết vấn đề của cha ông chúng ta; để sửa đổi kiến thức cũng như phương pháp cũ hầu có thể đáp ứng, giải quyết những vấn nạn đương thời và cả mai sau. Thứ tới, phương pháp ôn cố không chỉ đào bới, nhưng còn phân tích, hệ thống hóa, và nhất là tìm ra luật tương quan giữa tri thức và cuộc sống, giữa những vấn nạn trong quá khứ và những vấn nạn hiện nay, giữa cách thế giải quyết vấn đề của cha ông chúng ta và phương thế hiện đại. Nói cách khác, để có thể giải quyết vấn đề một cách hiệu lực, chúng ta phải biết, cũng như cải tiến phương cách cũ.
- Ôn Cố, Tri Tân, Tri Hành Hiệp Nhất
Nói như vậy, ôn cố không thể tri tân, mà tri tân cũng không thể "tri hành hiệp nhất" nếu chúng ta thiếu mục tiêu và phương thế khoa học. Nói một cách khác, công cuộc truy nguyên chỉ có ý nghĩa chính đáng bởi vì nó là một công việc thiết yếu trong giai đoạn đầu của tiến trình xây dựng và phát triển văn hóa nước nhà. Giai đoạn tiếp theo của ôn cố, tri tân chính là tri hành. Mà để tri hành, chúng ta không thể dừng lại ở công việc ôn cố, mà còn phải xúc tiến nghiên cứu xã hội và con người hiện đại với tất cả những vấn nạn từ kinh tế, tới tôn giáo, từ khoa học tới chính trị, từ triết học tới đạo đức, từ tâm lý tới nghệ thuật, vân vân. Chỉ có như thế, chúng ta mới có thể "ngóc đầu lên" hát bài "quê hương ngạo nghễ;" chúng ta mới hy vọng "Việt Nam quê hương đất nước sáng ngời."
5. Diễn Tả Văn Hóa
Trong phần này, chúng tôi xin được bàn một cách ngắn gọn. Thay vào đi sâu vào nội dung của các lối diễn tả văn hóa, chúng tôi chỉ phớt qua vài điểm của phương pháp diễn đạt, và đưa ra một vài đề nghị cụ thể.
Thứ nhất, diễn đạt văn hóa đòi hỏi một phương pháp giải thích đứng đắn, có tính cách khách quan, cũng như hợp lý. Tiếp đến, chúng ta phải chuyễn nghĩa để những người khác ngôn ngữ, xã hội, tập tục, hay ngay giữa người Việt song khác thời đại... có thể hiểu, thấm nhập; và sau cùng, chúng ta phải quảng diễn vào trong chính thế sinh của chúng ta. Nói một cách khác, diễn tả văn hóa Việt bao gồm ba phần chính: giải thích (bao gồm diễn tả (ars explanandi) và diễn đạt, (ars explicandi), chuyển nghĩa (ars interpretandi) và thông diễn (hermeneutics theo nghĩa của Heidegger và Gadamer). Nơi đây chúng tôi chỉ xin nói tóm tắt phuơng pháp thông diễn theo hai triết gia Heidegger và Hans-Georg Gadamer mà thôi.
Có những văn bản (texte) mà một lối giải thích thông thường dựa theo ngữ học, lịch sử, khảo cổ (exegesis) không thể phát huy công năng được. Thí dụ những đoạn văn mâu thuẫn, tối tăm và thiếu cả lịch sử thực chứng như thấy trong Ðạo Ðức Kinh. Ðể hiểu văn bản này, Gadamer theo Heidegger đề nghị: (1) phát hiện những điều tác giả muốn nói mà không dám nói (tương tự như thuyết phân tâm (psycho-analysis) và tâm bệnh (psycho-pathology) của Sigmund Freud). Ðây là phép thông diễn chiều sâu (deep hermeneutics), khơi quật tiềm thức đưa lên bình diện của ý thức. (2) Dựa vào văn bản để tiến xa hơn, đi tìm ra những ý nghĩa mới. Ðây là phép thông diễn sáng tạo (creative hermeneutics) mà Heidegger đặc biệt phát triển.
Theo lối thông diễn, chúng tôi thiết nghĩ, diễn đạt văn hóa không chỉ theo lối sử học, khảo cổ và ngữ học mà thôi, mà còn phải tiếp tục phát hiện những bí ẩn, cũng như tiếp nối công việc sáng tạo của tiền nhân để lại.
6. Phát Triển Văn Hóa
Như chúng tôi đã nhận mạnh trong phần trên, công việc truy nguyên không được phép dừng lại ở công dụng thông tin, hay ôn cố, hay tri tân, mà còn ở việc khám phá ra những vấn nạn mới, và tìm ra những phương thế để giải quyết chúng. Ðể có thể đạt tới mục đích này, chúng ta có lẽ phải trải qua những giai đoạn, áp dụng những phương pháp cá biệt vào những công việc như sau:
6.1. Công Việc Tổng Hợp
Công việc tổng hợp đòi hỏi những điều kiện căn bản như: (1) một sự am tường về cả hai nền văn hóa Ðông Tây, nhất là về nền văn hóa Việt; (2) một hay những phương pháp khoa học, có thể phát hiện cái đạo (hay luận lý, hay luật, logic) giữa các dữ kiện, giữa những lối suy tư cá biệt của các thời đại, của các đạo giáo, giữa các lối giải quyết khác biệt của các dân tộc; (3) có một viễn tượng sâu xa về vận mệnh của dân tộc và của nhân loại.
Những điều kiện trên là những điều kiện căn bản, nhưng tiếc thay, ít có ai có thể hội đủ chúng. Tuy rằng Khổng Tử, Aristotle, Thomas Aquinas tương đối thành công, song chúng ta đừng quên rằng, một tổng hợp vào thời đại của họ dễ dàng hơn thời chúng ta rất nhiều. Các đại triết gia này không cần am tường các nền văn hóa Ðông Tây, càng không cần phải chú ý đến những lý thuyết khoa học tiến bộ như vào thời đại của chúng ta. Những đại tài như Hegel, Max Weber đã từng thất bại, không phải vì trí óc họ thua kém các tiền nhân, song vì thời đại của họ đòi hỏi quán thông mọi sự, mọi ngôn ngữ, mọi nền văn hóa mà không ai có thể có đủ. Ý thức được những khó khăn của thời đại hiện thời, chúng tôi thiết nghĩ rằng, bất cứ một tổng hợp nào cũng chỉ có thể mang tính chất tạm thời, hay một giả thuyết mà thôi. Song cho dù tạm thời, hay chỉ là một giả thuyết, chúng ta cũng cần phải có sự cộng tác của rất nhiều chuyên gia, học giả trong mọi lãnh vực, đặc biệt sử học, khảo cổ học, tâm lý học, ngữ học, kinh tế học cũng như văn học. Nói cách khác, để có thể tổng hợp, chúng ta cần phải phân công, học hỏi và thảo luận. "Một con én không làm lên mùa xuân" không chỉ là một câu phương ngôn, mà còn là bài học quý báu cho bất cứ ai muốn xây dựng nền văn hóa, nhất là triết học nước nhà. Nhận định như thế, chúng tôi thiết nghĩ, công việc tổng hợp đòi hỏi một cộng hoạt (team work) của các chuyên gia liên quan tới Việt triết.
6.2. Công Việc Quảng Bá
Trong một thế giới bao la, nhất là khi người Việt của chúng ta rải rắc khắp tứ phương thiên hạ, công việc nghiên cứu không thể hạn hẹp hay khép kín. Chúng ta càng không được phép ngơ ngà vai trò của viễn thông. Do đó, cùng một lúc với việc phát động phong trào nghiên cứu, chúng ta cũng nên phát động công việc quảng bá. Làm sao để cho mọi người nhìn ra vai trò quan trọng của văn hóa chiều sâu; làm sao để cho thế giới biết đến con người Việt, tư tưởng Việt, nghệ thuật Việt, vân vân. Làm sao để mỗi người Việt có thể hãnh diện về văn hóa của mình.
Ðể được như vậy, công việc dịch thuật các tác phẩm về văn hóa Việt sang ngoại ngữ cũng quan trọng không kém công việc trước tác bằng ngoại ngữ. Tiếc thay, về phương diện triết học và tôn giáo, chỉ thấy người ngoại quốc, nhưng ít thấy người Việt chúng ta viết. Như chúng tôi đã nhận định, mặc dù sách của họ có vẻ đồ sộ, hàn lâm, song đại đa số viết về Việt Nam từ nhãn quan, hay từ một ý hệ nào đó của họ. Lẽ đương nhiên, không phải chúng ta không có nhân tài, hay chưa hội đủ khả năng viết bằng ngoại ngữ. Chúng ta có khả năng, song chỉ không được khuyến khích mà thôi. Có lẽ, một phần vì cái thói quen ghen tương vặt nơi giới trí thức nhà, một phần vì tự ty mặc cảm, hoặc quá tự tôn, chúng ta không coi trọng người Việt của mình. Bụt nhà không thiêng là vậy.
Thêm vào công việc giới thiệu tư tưởng Việt cho cộng đồng hàn lâm thế giới, chúng ta cũng cần phải kiểm nghiệm (test, verify) những lý thuyết của chúng ta. Ði vào trong quỹ đạo thế giới là một tiến trình bắt buộc nếu muốn có tiến bộ. Tổ chức các hội nghị (conferences), hội thảo (symposia), hội học (seminars) hay hội đối (colloquia) có tính chất quốc tế về Việt học (Việt triết, tôn giáo Việt, nghệ thuật Việt...) với mục đích không chỉ giới thiệu, quảng bá, mà còn học hỏi cũng như kiểm nghiệm những lý thuyết của chúng ta.
7. Những Ðề Nghị Cụ Thể
Ý thức được tính chất bao la của biển học; nhận thức được những khó khăn, cũng như hữu hạn tính của mỗi người, chúng tôi thiết nghĩ, chỉ có thể đạt được mục đích nếu chúng ta biết ngồi chung, góp sức nghiên cứu những lãnh vực liên quan tới văn hóa dân tộc.
Tiến sỹ Vũ Ðình Trác từng nghĩ rằng, khai quật văn hóa Việt phải bắt đầu với công việc đào bới kho tàng Việt nho, bao gồm kinh bộ, tử bộ, thi bộ và văn bộ. Do đó, tiên sinh đề nghị những điểm sau:
- Chuẩn bị cho các luận án triết học Việt Nam ra đời, "bằng cách hướng dẫn cho các thế hệ đang lên trở về với văn hóa dân tộc và dấn thân vào con đường phục hồi, khai thác và phát huy văn hóa đặc trưng của chúng ta".
- "Tìm tòi và thu góp những tài liệu về văn hóa Việt Nam đã bị mất mát" trong quá khứ.
- Thành lập nhóm học giả đủ khả năng hướng dẫn các luận án về Việt Nam, cách riêng Việt triết.
- Dịch thuật, xuất bản các tác phẩm về Việt học từ Việt ngữ sang các ngoại ngữ khác, cũng như các tác phẩm ngoại ngữ có giá trị sang Việt ngữ.
Chúng tôi nhất trí với Hán Chương tiên sinh, và đi xa hơn, đề nghị một cách cụ thể như sau:
Trong một tình trạng khó khăn hiện tại, cả từ phía quốc nội lẫn quốc ngoại, cả về vấn đề nhân lực lẫn tài lực, cả về sự tranh chấp ý hệ lẫn lịch sử hiềm khích chính trị, tôn giáo..., chúng ta khó có thể trông đợi một Viện Nghiên Cứu Việt Nam (Academia Vietnamica) tại hải ngoại giống như Académie Francaise (Hàn Lâm Viện Pháp), hay đại quy mô như Viện Nghiên Cứu Trung Ương Trung Hoa (Academia Sinica), Viện Nghiên Cứu Ðức Quốc (Max-Planck Institut), Trung Tâm Nghiên Cứu Quốc Gia Pháp, Viện Nghiên Cứu Khoa Học, và Viện Nghiên Cứu Khoa Học Xã Hội tại các nước theo hệ thống của Nga và Trung Hoa, vân vân... Thế nên, chúng ta không thể chờ đợi, mà phải bắt tay ngay vào công việc xây dựng Việt học cũng như phát triển nền văn hóa Việt của chúng ta. Ðể hiệu nghiệm hóa công việc nghiên cứu theo tinh thần khách quan và khoa học, không bị các lực lượng chính trị hay tôn giáo chi phối, chúng ta nên thành lập các nhóm, hay tổ nghiên cứu về những lãnh vực mà chúng ta chuyên môn. Trong tương lai, các tổ nghiên cứu có thể cộng tác và tiến hành thiết lập viện nghiên cứu. Như chúng tôi biết, không kể về những lãnh vực khoa học, chúng ta có khá đủ nhân tài. Lẽ dĩ nhiên, trong lãnh vực khoa học xã hội và nhân văn, có lẽ trong nước chúng ta có nhiều nhân tài hơn. Tuy thế, những học giả thuộc các đại học trước 1975 vẫn có thể đóng góp những kiến thức quý báu của họ, bằng cách tham gia các tổ nghiên cứu tại hải ngoại và công bố kết qủa của công trình nghiên cứu mà quý vị đeo đuổi bao năm. Vì không chuyên về khoa học, và ở trong phạm vi cũng như tri thức hạn hẹp của chúng tôi, người viết xin đề nghị thành lập các tổ nghiên cứu và phiên dịch liên quan tới khoa học nhân văn. Về các lãnh vực khoa học xã hội, và khoa học tự nhiên, chúng tôi ước mong được các chuyên gia góp ý kiến.
7.1. Thành lập các Tổ Nghiên Cứu
- Việt Nho
- Tôn Giáo Việt (ngoài các tôn giáo chính, đạo Ông Bà, đạo Dân Gian, đạo Cao Ðài, Hòa Hảo...)
- Ngữ học Việt
- Nghệ thuật Việt
- Khoa học, Kỹ thuật Việt
- Việt sử
- Việt văn (văn chương bác học, văn chương bình dân...)
- Luân lý, Ðạo đức, Luật pháp, vân vân.
7.2. Thành lập các Tổ Phiên Dịch
Công việc phiên dịch rất quan trọng, không những cung cấp cho chúng ta những tri thức, dữ kiện, tài liệu mới, hay cũ (mà chúng ta chưa biết), mà còn như một động lực thúc đẩy ép buộc chúng ta phải cạnh tranh với các dân tộc, quốc gia khác. "Biết người, biết ta" không chỉ để "trăm trận trăm thắng", mà quan trọng hơn, là để quốc gia, dân tộc có thể sống còn. Trong quá khứ, chúng ta không mấy chú ý tới việc phiên dịch vì có lẽ chưa nhận ra tầm quan trọng của nó. Chúng ta chắc không chú ý tới sự kiện nước Nhật, họ đã đánh bại hạm đội của Nga (1905) chỉ sau công cuộc canh tân quãng 50 năm. Họ xâm lược Trung Hoa, chiếm được cả vùng Ðại Á, không phải vì "thiên tài xâm lăng", song vì họ có một kiến thức sâu rộng về các nước khác, qua công việc phiên dịch. Chúng ta có thể nói không quá "ngoa," là chưa thấy một nước nào chú trọng tới phiên dịch hơn Nhật.
Chính vì ít chú trọng đến phiên dịch, chúng ta không có chương trình phiên dịch, hay hệ thống phiên dịch. Thế nên, mỗi người dịch mỗi ngả, mạnh ai ai chạy. Lại nữa, các tác phẩm kinh điển không mấy ai dám dịch, vì khó, và không dễ tiêu thụ. Mà nếu có dịch thì cũng không đến nơi đến chốn. Ða số đổ sô dịch những tập sách "ba xu" dễ làm tiền, hay theo mốt. Nhận thức như thế, chúng tôi đề nghị, chúng ta nên lấy giờ rảnh tập trung vào công việc phiên dịch các kinh điển.
- Kinh Ðiển Việt
Các tác phẩm của các danh sỹ như Trần Nhân Tông, Vạn Hạnh, Nguyễn Trãi, Lê Quý Ðôn, Nguyễn Trường Tộ, Nguyễn Du, Nguyễn Công Trứ, Cao Bá Quát, vân vân, từ Hán, hay Nôm sang Việt ngữ.
- Kinh Ðiển Tây phương (Hy Lạp, Trung cổ, Cận đại, Hiện đại).
Thí dụ: Republics, Timaios... của Plato, Metaphysics, Nichomachean Ethics của Aristotle, De Civitate Dei của Augustin, Summa contra Gentiles, Summa theologica của Thomas Aquinas, cũng như các tác phẩm của Descartes, Locke, Hume, Berkeley, Leibniz, Pascal, Spinoza, Kant, Hegel, Fichte, Schelling, Nietzsche, Kierkegaard... Hiện đại như Heidegger, Wittgenstein, Gadamer, Habermas, Popper, Rawls, Rahner, Foucault, vân vân.
- Kinh Ðiển Ðông phương (Trung Hoa, Ấn Ðộ, Nhật...)
Thí dụ: Các tác phẩm quan trọng của Trung Hoa (một số tác phẩm từ thời Lương Khải Siêu, Khương Hữu Vi tới nay), Ấn Ðộ (Các kinh Gita, Veda...), Nhật, vân vân.
7.3. Thành Lập Nhà Xuất Bản
Công việc thành lập một nhà xuất bản chuyên in các sách nghiên cứu thường rất khó khăn, vì không có tính chất thương mại. Ða số các nhà xuất bản nghiên cứu được các đại học, hay các cơ quan quốc gia, quốc tế tài trợ mới có thể sống. Do đó, nhà xuất bản nghiên cứu cần phải được sự hổ trợ của những Mạnh Thường Quân tha thiết với văn hóa Việt, và được sự cộng tác của các học giả Việt tại cả quốc nội lẫn quốc ngoại.
7.4. Thành Lập Viện Nghiên Cứu
Việc thành lập viện nghiên cứu chỉ có thể khi chúng ta đã có các tổ nghiên cứu. Trong giai đoạn hiện đại, khi mà chúng ta chưa có Hàn Lâm Viện, cũng chưa có Viện Nghiên Cứu Trung Ương, các viện nghiên cứu có thể quy tụ nhiều tổ nghiên cứu, phát huy công năng, cũng như cổ võ nhân tài, và gây dựng một thế hệ trẻ tiếp nối công việc nghiên cứu và giáo dục này. Các viện nghiên cứu có thể do các tôn giáo, các đoàn thể quy tụ, triệu tập và điều hành. Ðiểm quan trọng đáng phải để ý, đó là chúng ta không được phép lơ là nghiên cứu và tinh thần khoa học. Một khi không có tính cách khách quan, thái độ khoa học, nhãn quan khoan rộng và tâm tình khoan dung, cũng như tinh thần hợp tác, các viện nghiên cứu sẽ biến thành các "phe nhóm", hay "công cụ" đi tấn công các nền văn hóa, tôn giáo, ý hệ khác biệt mà thôi.
Tạm Kết
Bài này nguyên là bản dự thảo đệ trình Ủy Ban Nghiên Cứu Việt Triết, không có ý cho xuất bản. Song thể theo lời yêu cầu của Tập san Ðịnh Hướng, chúng tôi cho phát biểu, phần để kêu gọi giới trí thức Việt tại hải ngoại, những người đương thao thức với tiền đồ dân tộc, thành lập các tổ nghiên cứu; phần để nói lên nhu cầu cũng như sự khó khăn của công việc nghiên cứu văn hóa Việt. Hôm nay, khi soạn lại để xuất bản, chúng tôi nhận thấy cần phải viết lại, tuy rằng quan niệm chính không thay đổi bao nhiêu. Ý thức được những thiếu sót hay sai lầm trong bài trước, cũng như sự cần thiết phải bổ túc một số dữ kiện, bài này không còn mang tính chất tuyên ngôn, song như một bản báo cáo khoa học về tình trạng nghiên cứu văn hóa, đặc biệt triết học, tại Việt Nam và tại hải ngoại. Bài này cũng ghi lại chặng đường đi tìm, và xây dựng Việt triết của người viết; mặc dù thành quả chẳng có bao nhiêu, nhưng mỗi một chặng giống như một viên gạch nhỏ bé lót đường in dấu vết bước chân dò dẫm của mình.
Ðại học Stockholm, Thụy Ðiển 10.11.1999
Thụy Sơn Trần Văn Ðoàn