Việt Triết Luận Tập (Quyển Thượng)

Truy Nguyên Bản Chất Của Việt Triết

Giáo Sư Trần Văn Ðoàn, Taiwan National University

Prepared for Internet by Vietnamese Missionaries in Asia

 


Chương I

Phần Dẫn Nhập

Quá Trình Của Việt Triết

 

Việt Triết Luận Tập (I & II) bao gồm những bài thuyết trình liên quan tới triết học cách chung, và Việt triết cách riêng. Trong hai tập này, chúng tôi sửa chữa viết lại các bài đã từng phát biểu trong nhiều tập san như Dialectics, Philosophical Review, Vietnamologica, Ðịnh Hướng, The Asian Journal of Philosophy, Philosophy and the Future of Humanity, Tập san Khoa học Xã hội, và trong Proceedings của nhiều Hội nghị Quốc tế. Việt Triết Luận Tập, Thượng Tập gồm các tiểu luận, hay luận đề. Trong tất cả các tiểu luận trên, trừ bài "Việt Nam Văn Hóa chi Ðạo" có tính chất tuyên ngôn kêu gọi, nội dung của chúng đều tập trung vào những đề tài chuyên biệt như đạo dân chủ trong tư tưởng đông phương, tương lai của Việt triết, đặc tính của Việt nho, Ðạo đức học Ðông phương. Trong Việt Triết Luận Tập, Hạ Tập, chúng tôi đặc biệt chú trọng tới Việt Nho, bởi vì Việt Nho là bước khởi đầu của tiến trình biến hóa của Việt triết. Thế nên, hầu hết các luận văn tập trung vào sự biến hóa của Nho giáo, từ Hán nho, Tống nho, Minh nho tới Việt nho, và từ Việt nho cho tới Việt triết. Bài "Quan Niệm Sinh Tử trong Khổng Học" từng in trong Thời Ðiểm của Viện Triết Học và Tôn Giáo Việt Nam. Luận văn "Bản Chất Ý Hệ trong Việt Nho" sửa lại từ bài "Tinh Hoa Ý Thức Hệ của Việt Nho" in trong Tập San Khoa Học Xã Hội của Ðại Học Quốc Gia Việt Nam, Sài Gòn; trong khi các tiểu luận "Khổng Học tại Việt Nam," "Kim Ðịnh và Việt Triết," "Sự Khủng Hoảng Ðạo Ðức trong Tiến Trình Hiện Ðại Hóa," vốn phát biểu bằng Anh ngữ, tất cả đều được chuyển qua Việt ngữ.

Chúng tôi tránh không tham luận các nền tư tưởng khác như Phật giáo, Ðạo giáo, Ðạo dân gian (tập tục cúng bái Tổ Tiên), hay có tính cách dân gian (hai đạo Cao Ðài và Hòa Hảo, đạo ông Dừa) trong Việt Triết Luận Tập. Không dám bàn đến bởi lẽ rất đơn giản: chúng tôi không chuyên về những nền tư tưởng trên. Tuy vậy, để tránh ngộ nhận, chúng tôi xin được khẳng định nơi đây là, tất cả các nền tư tưởng trên đều là những bộ phận, hay dữ liệu góp phần giúp Việt triết phát triển cũng như tinh hoa hóa.

Trong phần dẫn nhập này, để độc giả dễ dàng nhận ra quan điểm của người viết, chúng tôi xin được phép trình bày một cách đại cương các điểm sau: (1) tình trạng Việt triết vào thế kỷ thứ 20; (2) những ngộ nhận về triết học nói chung, và về Việt triết cách riêng; (3) bản chất và công năng của Việt triết; và (4) tương lai Việt triết.

 

1. Tình Trạng Việt Triết vào Thế Kỷ thứ 20

Ðối với đa số giới trí thức Việt, Việt triết là một danh từ xa lạ, có tính chất hoang đường của giả sử. Ðối với các cựu nho gia, Việt triết chẳng là gì khác hơn là chính Nho giáo. Và đối với những học giả bị ảnh hưởng của Phật giáo, Ðạo giáo, Việt triết chỉ là một phần của những đạo giáo này. Nói cách chung, Việt triết thường bị giản lược hóa thành một đặc tính của Tam giáo, hay bị đồng hóa với những quan niệm huyền bí trong dân gian, hay tệ hơn, với những quan niệm mê tín dị đoan.

Vào đầu thế kỷ 20, các nho gia như Phan Bội Châu, Phan Chu Trinh, Trần Trọng Kim, Phan Khôi mới bắt đầu làm quen với thuật ngữ của triết học qua các nho gia Trung Hoa như Lương Khải Siêu, Ðàm Tử Ðồng, Nghiêm Phục, vân vân, và gần hơn, với Tài Nguyên Phiệt, Hồ Thích, Trần Ðộc Tú, Lương Thấu Minh. Từ một khía cạnh khác, các nhà trí thức bị ảnh hưởng Tây học cũng bắt đầu làm quen với triết học Pháp, nhất là triết học của René Descartes, Blaise Pascal, Jean-Jacques Rousseau, Montesquieu, và gần hơn, Henri Bergson.

Chính vì triết học còn quá xa lạ, nên các nhà trí thức Việt không thể ý thức được một nền triết học Việt. Ðối với Trần Trọng Kim, triết học là một môn tri thức đặc sản của tây phương. Mặc dù nhận thấy triết học của Bergson rất gần giống tư tưởng nho học, họ Trần vẫn tin tưởng là Việt Nam chưa có triết học, bởi lẽ ngay cả nền nho học Việt cũng chỉ là Hán nho mà thôi. Phan Khôi cũng không đi xa hơn họ Trần bao nhiêu. Trong cuộc tranh luận với họ Trần, họ Phan ra sức biện hộ cho triết học Pháp, và gián tiếp phủ nhận tính chất nghiêm túc của nho học. Ðiểm đáng chú ý là nhị vị tiên sinh không hề đả động đến lối tư duy của người Việt. Trước hai cụ, các nhà chí sỹ Phan Bội Châu và Phan Chu Trinh cũng nghĩ như thế, khi các cụ hướng về Nhật (Y Ðằng Bác Văn) hay Tầu (Lương Khải Siêu) để tìm một lối đi cho Việt Nam. Hai chí sỹ vẫn chưa bỏ được niềm hy vọng vào sự tái sinh cái sức mạnh và uy phong của nho học.

Ngay cả vào những thập niên gần hơn, Việt triết hình như không được để ý tới. Khi Ðại Học Văn Khoa Sài Gòn được chính thức thành lập, khoa triết học giữ một chỗ đứng khiêm tốn với những lớp về triết học Tây phương. Nhờ vào sự cố gắng của nhóm Tân nho, triết học Ðông phương mới len được chân vào giảng đường. Thế nhưng triết học Ðông phương cũng chỉ là triết học Trung Hoa, hay Ấn Ðộ. Một số tập san triết học vào thập niên 1965-1875 như Ðông Phương, Tư Tưởng tuy bàn nhiều tới văn hóa Việt, song chỉ có một số lượng rất ít ỏi về Việt triết. Thê thảm hơn, khóa trình tại đại học không nói chi tới Việt triết. Các vị giáo sư đa số chú dịch Tứ Thư, Ngũ Kinh, Lão, Trương, Hàn Phi Tử, hoặc Vương Dương Minh, Nhị Trình, hay giới thiệu nền triết Ấn như lớp triết học Ấn Ðộ nhập môn, vân vân. Về sau có thêm một vài khóa về Phật giáo Việt Nam. Nói chung, Việt triết gần như hoàn toàn vắng bóng. Tuy bị lơ là, triết học Ðông phương càng ngày càng thu hút được giới trí thức và sinh viên; và Việt triết bắt đầu hấp dẫn giới trẻ yêu nước, muốn tìm về nguồn gốc và niềm tự hào dân tộc. Mặc dù chương trình triết học Ðông phương được đưa vào trong lớp Tú Tài II, song, trừ Nguyễn Ðăng Thục và Lương Kim Ðịnh, các giáo sư triết học tại Ðại Học Văn Khoa vẫn chưa hoàn toàn nhận ra được vai trò của Việt triết. Nó vẫn còn bị quên lãng, nằm vất vưởng ngoài ngưỡng cửa của hàn lâm.

Tại miền Bắc, do hoàn cảnh, và bị ảnh hưởng của học thuyết của Karl Marx và Ivan I. Lenin, Việt triết không được tận lực khai thác, cho tới thập niên 1980, mới bắt đầu một số dự án có quy mô và hệ thống. Trước đó chỉ thấy xuất hiện một cách rải rác một số tác phẩm về Phan Bội Châu, Cao Bá Quát, Nguyễn Ðình Chiểu, như là những thành quả của Viện Triết Học tại Hà Nội. Chúng tôi không rõ có môn triết học Việt Nam tại Ðại Học Hà Nội hay không, song nếu có, thì cũng chỉ vào những năm gần đây mà thôi.

Khúc quanh quan trọng có lẽ xẩy ra vào đầu thập niên 1990, với bộ Lịch Sử Tư Tưởng Việt Nam của Nguyễn Ðăng Thục, và hai bộ Lịch sử Phật Giáo Việt Nam và Lịch Sử Tư Tưởng Việt Nam do Viện Triết Học khởi xướng. Sau đó với loạt sách về tư tưởng Nho giáo của Nguyễn Tài Thư, Phan Ðại Doãn, Vũ Khiêu, Phan Ngọc, Trần Khuê, Nguyễn Khắc Viện; về tư tưởng Việt nói chung của Trần Ngọc Thêm, Ðỗ Thị Hòa Hới, Trần Văn Giàu; và về Phật giáo Việt Nam của Nguyễn Hùng Hậu, Thích Minh Châu, Thích Minh Tuệ, vân vân. Sớm hơm một chút tại hải ngoại, chúng ta cũng thấy xuất hiện những tác phẩm của Vũ Ðình Trác như Triết Lý Chấp Sinh Nguyễn Công Trứ, Triết Lý Nhân Bản Nguyễn Du, và những tác phẩm của Kim Ðịnh về Việt triết. Nói cách chung, đây là một giai đoạn Việt triết bắt đầu được giới trí thức nghiên cứu nhiều hơn, và cũng được lưu ý, hay được chính phủ chấp nhận nồng nhiệt hơn. Trong giai đoạn này, chúng ta thấy ngoại trừ các tác phẩm của Kim Ðịnh, đa số các tác phẩm còn nằm trong phạm trù lịch sử có tính cách giới thiệu. Một nền Việt triết có hệ thống vẫn chưa xuất hiện.

Cũng trong giai đoạn này, ý thức được sự khẩn cấp của công việc hệ thống, và so sánh với các nền triết học khác, chúng tôi mạo hiểm thành lập Ủy Ban Nghiên Cứu Việt Triết với ba mục đích chính: (1) thúc đẩy chương trình nghiên cứu tư tưởng Việt; (2) dịch các kinh điển triết học sang Việt ngữ; và (3) đưa Việt triết vào trong quỹ đạo thế giới. Nói thì dễ, nhưng thực ra vô cùng khó khăn. Phần vì thiếu nhân lực, phần vì tài lực hoàn toàn không có; phần lại ở rải rắc quá xa, và bận bịu với công việc, những người trong Ủy Ban không thể ngồi làm việc chung, hay cộng tác chung trong một chương trình cố định. Tuy thế, họ cũng đã đạt được một số thành quả. Trên lãnh vực xuất bản, ngoài những tác phẩm của Kim Ðịnh và Vũ Ðình Trác, đã thấy xuất hiện những bài viết của Vũ Kim Chính, Trần Văn Ðoàn, Phan Ðình Cho, Trần Cao Tường về triết học, thần học suy tư từ tư tưởng Việt, và của Nguyễn Tự Cường về Phật giáo Việt Nam. Trên phương diện đưa Việt triết vào trong quỹ đạo thế giới, chúng tôi đã tương đối thành công với những cuộc hội thảo về tư tưởng Việt tại Anh, Mỹ, Nhật, Hương Cảng, và Ðài Loan, và đã gây ra được phần nào sự chú ý của học giả thế giới. Trong lãnh vực dịch thuật, chúng tôi cũng đã dịch xong nhiều tác phẩm, và sẽ cho ra mắt độc giả trong tương lai rất gần.

Nói cách chung, sự việc thành lập Ủy Ban Nghiên Cứu Việt Triết, và gần đây, Viện Nghiên Cứu Triết Học và Tôn Giáo Việt Nam với những dự án nghiên cứu về Việt triết, Việt thần, vân vân, là những cố gắng vượt khỏi sức lực của những người quá bận với miếng cơm manh áo, với bao nhiêu chương trình nghiên cứu khác như chúng tôi. Tuy vậy chúng tôi cảm thấy yên ủi khi thấy phong trào nghiên cứu Việt triết được nhiều nhân sỹ đáp ứng một cách rất nồng nhiệt. Tại quê hương, chúng ta đã thấy giới trí thức Hà Nội và Sài Gòn chú trọng nhiều hơn đến công việc khai quật Việt triết. Tại hải ngoại, ngoài Hội An Việt, chúng ta cũng thấy xuất hiện nhiều tập san nghiên cứu như Vietnamologica, tập san Triết Học, Thời Ðiểm, và nửa nghiên cứu, nửa nghị luận thông tin như Ðịnh Hướng, quy tụ các nhân sỹ tha thiết tới văn hóa, tư tưởng dân tộc. Ðây đúng là một dấu chỉ khiến chúng ta có can đảm giám hy vọng về một tương lai sáng sủa của Việt triết.

 

2. Những Ngộ Nhận

Trước hết, phần vì quá bị ảnh hưởng của triết học tây phương, hoặc của triết học đông phương, phần khác có lẽ do tự ti mặc cảm, nên chúng ta hoặc cho là mình không có một nền triết học cá biệt, hoặc nếu có, thì chỉ là vay mượn cóp nhặt: "Lời quê chắp nhặt dông dài," mà mục đích thì thật là khiêm tốn: "Mua vui cũng được một vài trống canh." Lối nhìn và thái độ tiêu cực trên thực ra là do chúng ta chưa hoàn toàn thấu triệt ý nghĩa cũng như công năng của triết học. Về một phương diện khác, lối nhìn này phản ảnh cái nhãn quan lệch lạc của văn hóa đông phương đồng hóa triết học với ý hệ (ideology).

- Thứ nhất, chúng ta nhầm lẫn triết học với tôn giáo, và ý hệ. Chúng ta cho rằng triết học không có chi khác biệt với tôn giáo, và tôn giáo hoàn toàn đồng nghĩa với tông giáo, rồi vào thời đại gần đây, triết học lại phải hiểu theo nghĩa của ý hệ. Thực ra, triết học không đồng nghĩa với tôn giáo, ý hệ. Triết học là một lối suy tư hệ thống, khoa học về những nguyên lý, nguyên tắc, cội nguồn... của những hiện tượng đương xảy ra để có thể đưa ra một tri thức khoa học (tri thức luận, luận lý học.) Triết học cũng là một nỗ lực đi tìm vấn nạn, và những giải đáp có tính chất nguyên tắc để có thể áp dụng giải quyết những vấn đề thực hành trong cụôc sống nhự đạo đức, pháp luật (đạo đức học, triết học xã hội, pháp luật). Ðàng khác, triết học còn là một sự truy tầm nền tảng căn nguyên của hiện tượng, của những quy luật, của cái mà chúng ta gọi là cánh chung, tuyệt đối (siêu hình học). Nói cách chung, triết học không hạn hẹp vào một môn học, một phương pháp, một trường phái. Triết học là một sự suy tư cho tới cội nguồn, tới cùng đích. Thế nên suy tư về mọi tri thức, mọi hành động, mọi tổ chức, vân vân, nói lên những nền triết học có vẻ cá biệt, song thực ra đều phát xuất từ cùng một nguyên lý đó là suy tư thấu triệt tới cùng đích. Triết học xã hội, triết học khoa học, triết lý sử học, đạo đức học, luận lý học, triết học tôn giáo, vân vân, tuy khác biệt về đối tượng, và phương pháp, song cùng một mục đích truy tầm nguyên lý, và cùng một thái độ thấu triệt.

- Thứ đến, chúng ta sai lầm cho rằng chỉ có một nền triết học vĩnh cửu (philosophia perennis), mà chúng ta phải học, bắt chước và tôn thờ, đó là nho giáo, triết học kinh viện, hay gần đây, triết học Tây phương, và chủ thuyết xã hội. Những nền triết học trên không phải thiếu giá trị, nhưng nói đúng hơn, giá trị của chúng bị hạn hẹp vào thời gian và không gian. Gán ghép cho chúng một giá trị tuyệt đối và phổ quát là một lối suy tư ý hệ, thiếu khoa học. Thực ra, như chúng tôi vừa nhắc tới, bất cứ một nền triết học nào, nếu có một mục đích khác, tất phải dùng một phương pháp khác biệt. Mà mỗi một xã hội, tùy theo điều kiện địa lý, lịch sử, nhân sinh, cũng như những vấn nạn xã hội, tất phải có những mục đích mà các xã hội khác. Nói cách khác, quan niệm cho rằng chỉ có một nền triết học duy nhất, một đạo duy tôn, một phương pháp duy uy là một quan niệm sai lầm, phát xuất từ những nguyên nhân phản triết học và khoa học. Hay nói đúng hơn, bất cứ tuyên xưng về một nền triết học vĩnh cửu nào cũng xuất phát từ những nguyên nhân phi triết học như quyền lực, lợi ích của giới lãnh đạo, vân vân. Câu nói "Ðạo khả đạo, phi thường đạo; danh khả danh, phi thường danh" của Lão Tử có lẽ nói lên một cách đứng đắn một phần nào thái độ của triết gia chống bất cứ một nền ý hệ nào.

- Thứ ba, triết học không thể tách rời khỏi thế sinh (Lebenswelt, life-world) của con người. Thế nên, mỗi nền triết học là một kết tinh của một thế giới mà chúng ta đã hay đương và sẽ sống; là một nỗ lực tìm nguyên tắc giải quyết những vấn nạn của thế giới đó; là một cố gắng diễn đạt thế giới đó một cách trung thực; và là một thao thức vượt khỏi chính thế sinh này. Sai lầm của Plato không phải do việc ông thiếu suy tư, hay thiếu lý luận, song trong sự kiện ông tách rời triết học khỏi thế giới sống để xây dựng một nền tri thức khoa học vĩnh cửu vượt khỏi không gian và thời gian. Tương tự, sự thiếu sót của Descartes không phải do việc ông bóp méo siêu hình học, song trong việc ông chủ trương phương pháp độc vị, cho phương pháp phân tích của toán học, và phương pháp trực giác của hình học là phương pháp duy nhất của triết học. Lỗi lầm chung của triết học cận đại không phải thiếu nghiêm chỉnh, song do sự việc nền triết học này tôn thờ chân lý, cho đó là mục đích duy nhất của triết học. Mà nền chân lý này phải mang tính chất "phổ quát" hay phổ biến, và "tất yếu", hay tất nhiên. Ðó có nghĩa là, nền chân lý này không tùy thuộc vào thế sinh của chúng ta. Và tiếp theo đó, chỉ có một phương pháp khoa học duy nhất mới có thể chứng minh được chân lý. Mà phương pháp khoa học này cũng phải hoàn toàn tách biệt khỏi cuộc sống con người. Nói cách khác, triết học cận đại vấp vào hai lỗi lầm: hạn hẹp mục đích và đối tượng của triết học vào chân lý, cũng như tuyệt đối hóa phương pháp của lý tính. Những sai sót này không làm triết học thụt lùi, nhưng ngược lại, khiến triết học tinh vi hơn, nhất là trong những lãnh vực hệ thống và phương pháp. Chính nhờ sự tinh vi, và sự hiệu nghiệm của phương pháp trong công việc hiện đại hóa và lý tính hóa, nền triết học này tiêm chiếm ngôi vị độc tôn. Và khi chiếm được quyền tuyệt đối, triết học biến thành ý hệ. Như thế, tuy tinh vi, triết học tự nó đã đi vào con đường tự sát.

Vào cuối thế kỷ 19 và đầu thế kỷ 20, khi mà đế quốc Âu châu thống trị Á châu, thì các nền triết học khác bị gạt bỏ ra ngoài. Hai nền triết học Trung Hoa và Ấn Ðộ bị hạ cấp biến thành một loại văn hóa man di hay mê tín thiếu khoa học, bởi vì chúng đã không giúp gì cho việc lý tính hóa, và kỹ nghệ hóa nơi các nước này. Giới tân học Trung Hoa như nhóm Hồ Thích, bị quáng gà bởi ánh sáng của khoa học, và nhất là mù quáng tin vào quyền uy tuyệt đối của nền văn minh cơ khí Âu Mỹ, đã từng coi Nho học như thành phần phản động, tôn giáo Á châu như là ung nhọt của xã hội. Giới tân học Việt cũng theo quan thầy Trung Hoa để khinh miệt cái học truyền thống "hủ nho," "phong kiến," "phản động" tại nước nhà. Chúng ta bây giờ có thể hiểu được lý do tại sao phần lớn giới trí thức Việt bị ảnh hưởng của Tây phương không giám nghĩ tới một nền Việt triết, hoặc nếu có nhắc tới, thì cũng chỉ coi nó là một thứ triết lý "rẻ tiền" trong lúc trà dư tửu hậu mà thôi. Bi đát hơn nữa đó là sự thiếu ý thức, và chưa đủ tự trọng của một số trí thức bị tây hay tầu hóa. Họ cho rằng, chỉ có đồ tầu, đồ tây mới đáng giá; chỉ khi nào sì sồ được "cống hỷ, méc xì," thì "ta biết cả," thì mới đáng được gọi là trí thức; chỉ có những ai "được dậy dỗ" trong trường tây trường đầm, được đi "du học" tại Âu, Mỹ, Tầu, mới sáng giá. Chính cái tâm lý nô lệ này có lẽ là một ngăn trở lớn nhất cho công việc đi tìm giá trị của dân Việt. Chính cái nhãn quan lệch lạc "tha hóa" này khiến chúng ta hướng ngoại, và tự quên cái giá trị cao quý của mình.

 

3. Bản Chất và Công Năng của Việt Triết

Nếu hiểu triết học theo đúng nghĩa nguyên thủy, thì chúng ta sẽ thấy là bất cứ một nền tri thức nào cũng đều phát sinh từ một cuộc sống nào đó. Mà cuộc sống nào cũng đều có nhiều mục đích đa tạp và mâu thuẫn, và những phương tiện để đạt tới những mục đích đó. Nói cách khác, nếu triết học xây trên cuộc sống, thì không phải mọi triết học đều có cùng một mục đích, và do đó không nhất thiết phải dùng cùng một phương pháp. Như vậy chúng ta phải chấp nhận rằng, triết học mang tính chất đa diện (nếu không dám nói là đa tạp,) y hệt như văn hóa. Và như vậy, sự hiện diện của Việt triết là lý lẽ tất nhiên. Bởi không lẽ có một thế sinh Việt, mà không có một nền văn hóa Việt; mà nếu có một nền văn hóa Việt, chẳng lẽ lại không có một nền Việt triết? Do đó, muốn thấu triệt Việt triết, chúng ta bắt buộc phải hiểu một cách thấu đáo thế sinh của dân Việt. Mà để có thể hiểu được dân Việt, chúng ta không thể không nghiên cứu mục đích (điều họ đeo đuổi, những vấn nạn mà họ đã gặp, đương gặp và sẽ gặp, những lý tưởng, vân vân), phương tiện mà họ khám phá, áp dụng, hay sửa đổi để giải quyết vấn đề, để truy tìm mục đích (phương pháp luận), cách biểu tả (ngôn ngữ, văn chương, nghệ thuật,) tâm tình cũng như lối suy tư (luận lý học), lối cấu tạo và điều hành xã hội (trật tự, kết cấu) cũng như khát vọng và hy vọng (tôn giáo, của họ). Chỉ khi nào chúng ta nắm vững những khía cạnh của thế sinh Việt, chúng ta mới có thể xác tín về một nền Việt triết.

Hiểu triết học như là một nền triết lý nhân sinh (philosophy of life), chúng ta có thể nói, Việt triết là một kết tinh của những mục đích chung của dân Việt; Việt triết phản tỉnh về những lối giải quyết vấn đề của dân Việt; Việt triết là nguyên lý hay tinh thần hướng dẫn và nối kết họ; Việt triết dùng những biểu tượng, ngôn ngữ và nghệ thuật chung diễn đạt tâm tình chung của dân tộc; và Việt triết là linh hồn của nước Việt. Nói như thế không sai, song có vẻ qúa trệch thượng, và trống rỗng, bởi vì chúng ta sẽ hỏi, vậy thì Việt triết là cái gì? Làm sao chúng ta nhận ra nó? Và có thật là Việt triết bao gồm những công năng trên không?

Trong Việt Triết Luận Tập, chúng tôi cố gắng đi kiếm những giải đáp cho những câu hỏi trên. Và những giải đáp này chỉ có hiệu lực nếu chúng phản ảnh được cái cộng tính của dân Việt; nếu chúng xây trên cộng cảm của người dân; nếu chúng nói lên được tính chất cộng thông và trọng công lợi trong phương thế giải quyết. Nói cách khác, những quan niệm như Việt đạo, Việt linh, Việt hồn, Việt lý... biểu tả những đặc tính chung, khát vọng chung, mộng ước và lý tưởng chung, cũng như cách biểu tả, và phương thế giải quyết vấn đề thường thấy nơi dân Việt. Song, chúng tôi ý thức rằng, bất cứ một câu giải đáp nào cũng chỉ có tính cách giai đoạn, bởi lẽ thế sinh Việt luôn trong một quá trình biến đổi, thăng tiến một cách biện chứng (hay siêu việt biện chứng.) Và như thế, ngay cả nguyên lý sống cũng biến đổi, tuy một cách chậm chạp, và sâu xa nên ít khi nhận ra.

Trong phạm vi của phần dẫn nhập này, tác giả chỉ trình bày một cách giản lược bản chất và công năng của Việt triết như trên. Tuy vậy, nơi đây cần phải làm sáng tỏ một vài vấn đề, để độc giả có thể thấy ngay sự đặc thù của Việt triết. Như chúng tôi đã nói, Việt triết là kết tinh từ thế sinh Việt, là nguyên lý hướng dẫn con người Việt, là tinh thần biểu tả tâm linh Việt, vân vân. Khi nhấn mạnh đến tâm linh, tinh thần, thế sinh Việt, chúng tôi muốn nhấn mạnh đến tính chất cá biệt, và phổ quát tương đối của Việt triết. Khác với triết học Hy lạp, và nhất là nền triết học cận đại từng có tham vọng xây dựng một nền tri thức đơn nhất, duy lý và độc tôn (còn gọi là khoa học thống hợp, unified science,) Việt triết không phải là một nền triết lý đặt trên một nền tảng siêu hình vượt khỏi không gian và thời gian Việt. Do đó, Việt triết không mang tính chất phổ quát và tất yếu cho toàn nhân loại. Nó chỉ mang lại ý nghĩa cho người Việt, và những sắc dân có một thế sinh tương tự. Thứ tới, Việt triết mang tính chất thực dụng, và không hoàn toàn chú trọng tới lý thuyết. Mang tính chất thực dụng bởi vì triết lý trước hết là một công cụ dùng để giải quyết những vấn nạn thực tiễn, liên hệ trực tiếp tới nhân sinh. Ðạo đức, quy luật (phong tục tập quán) là những phương tiện giải quyết những khó khăn xung đột phát xuất từ việc phân chia ruộng đất, gia tài, công lợi; từ những xung kích tình cảm và nhu cầu của đại gia đình, vân vân. Tương tự, tôn giáo dân gian cũng được hiểu theo một nghĩa thực dụng như trên. Sự liên hệ mật thiết giữa thần thánh và con người, y hệt như sự tương quan giữa con người, được xây dựng trên một luận lý thực dụng "có thực mới vực được đạo," và một phạm trù tương quan "gần chùa gọi Bụt bằng ông." Sau nữa, Việt triết, như là một nguyên lý sinh tồn, không thể theo nguyên lý đồng nhất, không mâu thuẫn, hay triệt tam từng được áp dụng trong triết học Tây phương. Việt triết phản ảnh lối sống tổng hợp: bất cứ lý thuyết gì, bất cứ phương thế nào, nếu giúp con người đạt tới mục đích sinh tồn, phát triển và tiến bộ đều có thể được chấp nhận. Ðây là một lý do tại sao tam giáo có thể "đồng nguyên;" đây cũng là một lý do giải thích sự phát sinh của các đạo phái Cao Ðài và Hòa Hảo, và nhiều tôn giáo tương tự.

 

4. Tương Lai Việt Triết

Ðiểm quan trọng mà chúng tôi nhấn mạnh nơi đây, đó là một sự tổng hợp của các phương thế, cũng như những quan điểm về cuộc sống (nhân sinh quan) không trên lý thuyết song chỉ có thể xẩy ra trong thực hành, và được hướng dẫn bởi ba mục đích căn bản của nhân sinh: sinh tồn, phát triển và tiến bộ. Như thế, sự tổng hợp này không theo một nguyên tắc, hay phương pháp cố định. Nó bị ảnh hưởng bởi những điều kiện ngoại tại cũng như nội tại. Những điều kiện ngoại tại như địa lý, thiên tai, kinh tế, ngoại xâm... có thể đã có sẵn tự lâu đời, cũng có thể bất chợt, thường làm đảo lộn lối suy tư, và nhất là cách sống của chúng ta. Tương tự, những điều kiện nội tại như sự biến đổi tình cảm, tri thức (với sự trưởng thành, với sự tiến bộ trong nền giáo dục), sự thay đổi của lối sống, vân vân, cũng ảnh hưởng một cách sâu đậm tới sự tổng hợp này. Nói một cách khác, tuy luôn luôn đặt sự sinh tồn, sự phát triển của cuộc sống, sự tiến bộ của con người làm mục đích, con người Việt hiểu sinh tồn, phát triển và tiến bộ theo nhiều nghĩa khác nhau, cũng như đánh giá vai trò, thứ tự của chúng không theo một nguyên tắc cố định. Trong thời loạn ly, bị xâm lược, chủ thuyết ái quốc được coi như là nền tảng, và phương pháp đấu tranh đuợc coi như là một phương tiện hữu hiệu nhất (trung quân ái quốc). Trong thời hòa bình, tinh thần tương thân tương ái và lối sống hòa đồng (nhân ái, hòa hợp) lại thường được trọng vọng và nâng lên hàng đạo đức. Trong một thời đại hỗn mang, loạn thế, người Việt có thể áp dụng tất cả mọi biện pháp, cho dù đối nghịch, mâu thuẫn; cũng như có thể cùng một lúc theo nhiều lý thuyết hoàn toàn khác biệt. Trong khi thư nhàn, họ lại trọng văn chương, trọng nghệ thuật, trọng lối sống tao nhân mặc khách. Nói tóm lại, chúng ta có thể nói tùy theo những điều kiện ngoại tại và nội tại, người Việt thay đổi hay cấu tạo một thế sinh. Việt triết phản tỉnh, và biểu tả một thế sinh như vậy. Nói cách khác, nếu mỗi một thế sinh là một tổng hợp của một giai đoạn, và nếu mỗi nền triết học là biểu tả của giai đoạn này, thì không thể có một nền triết học vĩnh hằng kiểu toán học, hay thần học trung cổ.

Hiểu như vậy, sứ mạng của Việt triết không chỉ phản tỉnh những nền triết học trước, mà còn truy tìm những khó khăn của các thế sinh trước, và cùng với những khoa học khác, đi tìm những phương thế hữu hiệu, để có thể đưa ra những giải đáp xác đáng, hữu hiệu hơn. Một cách cụ thể, sứ mạng của Việt triết trong giai đoạn hiện đại bao gồm (1) phản tỉnh, truy tầm những vấn nạn của xã hội Việt; (2) phê bình để có thể phát hiện nguyên nhân căn bản của sự khó khăn, tính cách thụ động (inertia) của xã hội, cũng như những hình thái khiến người dân Việt không thể tự phát hiện những nan giải này; và (3) tìm những phương thế hữu hiệu lâu dài và quảng bác để giải quyết những vấn nạn đã, đương và sẽ xảy ra. Nói cách khác, các phương thế mà Việt triết đưa ra phải mang tính chất nguyên lý, chứ không chỉ thuần túy công cụ mà thôi.

Việt triết do đó, để có một chỗ đứng trong lịch sử của dân Việt, và của nhân loại, phải hoàn thành những sứ mạng của dân Việt và của nhân loại. Thứ nhất, Việt triết phải tìm ra những cộng tính (cộng cảm, cộng thông, cộng đồng, công lợi, công ích...) của dân Việt, cũng như những vấn nạn căn bản của dân Việt và nước Việt (sự vong thân, tha hóa, vật hóa trong xã hội hiện đại; sự sống còn trong cuộc tranh đấu cho miếng cơm manh áo, cho sự độc lập của đất nước; sự khủng hoảng đập vỡ những cộng tính cũng như những giá trị của chúng, hư vô chủ nghĩa, vân vân). Thứ đến, Việt triết phải cộng tác với những khoa học khác để tìm ra (1) cách phát hiện và giải đáp vấn nạn; (2) cách thế biểu tả diễn đạt cộng tính, cộng cảm; (3) những bảng giá trị chung để bảo đảm sự sinh tồn, để phát triển, và tiến bộ. Tiếp theo, chỉ khi nào những giải pháp mà Việt triết đưa ra có thể giải quyết một cách thỏa đáng - hay ít nhất, nguyên lý của nó không sai -, thì lúc bấy giờ Việt triết mới có thể được chấp nhận như Việt đạo. Tương tự, chỉ khi nào Việt triết có thể biểu tả được cái cộng tính, cái cộng cảm, và cộng thông, thì lúc bấy giờ mới có thể được chấp nhận như Việt hồn, Việt linh. Và lẽ dĩ nhiên, chỉ khi nào những bảng giá trị Việt triết đề nghị có tác dụng trong công việc bảo tồn và phát huy xã hội Việt, thì lúc ấy mới có thể được coi là căn bản của luân thường đạo lý cũng như pháp luật Việt. Sau cùng, Việt triết chỉ có thể có một chỗ đứng vững chãi trong cộng đồng của triết học thế giới, nếu nó, hay nếu các triết gia Việt có thể cống hiến cho nhân loại những nguyên lý, phương pháp hay những giải đáp hữu hiệu có tính cách phổ quát và lâu dài.

Trong tác phẩm Le Même et l'Autrui, giáo sư Vincent Descombes của Ðại Học Paris đã xác quyết về triết học Pháp như sau: "Triết học Pháp là một nền triết học được diễn đạt bằng Pháp ngữ, dẫu rằng triết học này bàn về tư tưởng Hy Lạp, La-tinh, Anh, hay Ðức." Có lẽ nhiều người không hẳn hài lòng với lối đao to búa lớn, và cười mũi cái tội tham lam của Descombes. Song, chúng ta cũng nên thông cảm với ông, đừng nên "cười người hôm trước, hôm sau người cười". Bởi lẽ, chúng ta cũng đồng bệnh đồng thuyền với họ: cái bệnh tự ti, và tự ngạo. Triết học Pháp hiện đương bị giới triết học Ðức, và giới triết học dùng Anh ngữ chấn áp. Ðiều mà Descombes hẳn ý thức rõ ràng và đau sót, đó là triết học Pháp hiện đại nếu không có những ông tổ người Ðức và Áo như Immanuel Kant, Georg F. W. Hegel, Karl Marx, Friedrich Nietzsche, Edmund Husserl, Martin Heidegger, Sigmund Freud, Ludwig Wittgenstein, sẽ chẳng còn gì ngoài những lời ba hoa rỗng tuếch. Chúng tôi cũng ý thức như thế. Nếu gạt bỏ tất cả mọi tư tưởng "ngoại lai" như Tam Giáo, Kitô giáo, và các nền triết học Âu Mỹ, - như một số trí thức quá khích chủ trương -, thì Việt triết có lẽ chỉ còn là một căn lều hoang mà thôi. Thế nên, chúng tôi chủ trương, chúng ta có lẽ cũng nên tham lam đôi chút, chấp nhận rằng bất cứ người Việt nào, cho dù dùng tiếng nước chi, hay viết về bất cứ nền triết học gì, cũng đương trên con đường xây dựng Việt triết. Và bất cứ ai, dùng ngôn ngữ gì viết về Việt triết, cũng góp công vào tòa nhà Việt triết. Hiểu như vậy, những công trình của Trần Ðức Thảo, Trần Thái Ðỉnh, Lê Tôn Nghiêm, Cao Văn Luận, Trần Văn Hiến Minh, Trần Văn Toàn, Phan Ðình Cho cũng như nhiều học giả tại Viện Triết Học Hà Nội và tại các đại học tại Việt Nam, tức những vị chuyên về triết học hay thần học, tôn giáo Tây phương, cũng có thể được chấp nhận như là những viên gạch đóng góp vào công việc xây dựng tòa nhà Việt triết. Tương tự, những công trình nghiên cứu về các tôn giáo, các ý hệ như Phật học, Ðạo học, Khổng học, Ðạo dân gian, Ðạo Cao Ðài, Ðạo Hòa Hảo cũng như các lý thuyết triết học Âu Mỹ cũng phải được công nhận như là những viên gạch, những mầu sắc tô điểm, làm ngôi nhàViệt triết càng vững chắc, càng hấp dẫn.

 

Ðại học Quốc Gia Ðài Loan, 01. 2000

Thụy Sơn Trần Văn Ðoàn

 


Back to Vietnamese Missionaries in Asia Home Page