Thánh Công Ðồng Chung Vaticanô II

 

Hiến Chế Tín Lý

Về Mạc Khải Của Thiên Chúa

Dei Verbum

 

Bản dịch Việt Ngữ của Giáo Hoàng Học Viện Piô X

Prepared for Internet by Vietnamese Missionaries in Asia


 

Chương IV

Cựu Ước

 

14. Lịch sử cứu độ trong các sách Cựu Ước. Thiên Chúa chí ái, khi ân cần trù liệu và chuẩn bị việc cứu độ toàn thể nhân loại theo một kế hoạch lạ lùng, Ngài đã tuyển chọn một dân tộc để ủy thác những lời ước hẹn. Thực vậy, sau khi ký giao ước với Abraham (x. Stk 15,18) và với dân Israel qua Môisen (x. Xac 24,8) Ngài đã dùng lời nói, việc làm mạc khải cho dân Ngài đã chọn để họ biết Ngài là Thiên Chúa độc nhất, chân thật và hằng sống, để Israel nghiệm thấy đâu là đường lối Thiên Chúa đối xử với loài người, và để nhờ chính Ngài phán dạy qua miệng các Tiên Tri, ngày qua ngày, họ thấu hiểu các đường lối ấy cách sâu đậm và rõ ràng hơn, để rồi đem phổ biến rộng rãi nơi các dân tộc (x. Tv 21,28-29; 95,1-3; Is 2,1-4; Gier 3,17). Vì vậy chương trình cứu độ được các thánh sử tiên báo, thuật lại và giải thích trong các sách Cựu Ước như là lời nói chân thật của Chúa. Bởi vậy các sách được Thiên Chúa linh ứng này luôn có một giá trị vĩnh viễn: "vì những gì đã được ghi chép là để dạy dỗ chúng ta, hầu chúng ta được hy vọng nhờ sự kiên nhẫn và nhờ sự ủi an của Thánh Kinh." (Rm 15,4) 34*.

15. Tầm quan trọng của Cựu Ước đối với các Kitô hữu. Lý do sự hiện hữu của chương trình cứu rỗi thời Cựu Ước, là để chuẩn bị và tiên báo ngày xuất hiện của Chúa Kitô, Ðấng Cứu Chuộc muôn loài (x. Lc 24,44; Gio 5,39; 1P 1,10) và ngày khai nguyên nước Thiên Sai, đồng thời biểu thị các biến cố ấy dưới nhiều khuôn mẫu khác nhau (x. 1Cor 10,11). Thích ứng với hoàn cảnh nhân loại sống trước thời cứu độ do Chúa Kitô thiết lập, các sách Cựu Ước trình bày cho mọi người biết Thiên Chúa là ai và con người là ai, đồng thời trình bày Thiên Chúa công bình và nhân từ đối xử với loài người như thế nào, tuy có nhiều khuyết điểm và tạm bợ, nhưng các sách ấy minh chứng khoa sư phạm đích thực của Thiên Chúa 1. Do đó, các Kitô hữu phải thành kính đón nhận các sách này, vì chúng diễn tả một cảm thức sâu sắc về Thiên Chúa, tàng trữ những lời giáo huấn cao siêu về Ngài, những tư tưởng khôn ngoan và hữu ích về đời sống con người, những kho tàng kinh nghiệm tuyệt diệu, và sau cùng ẩn chứa mầu nhiệm cứu rỗi chúng ta. 35*

16. Sự thống nhất giữa Cựu và Tân Ước. Bởi thế, Thiên Chúa Ðấng linh ứng và là tác giả các sách Cựu Ước cũng như Tân Ước, đã khôn ngoan sắp xếp cho Tân Ước được tiềm ẩn trong Cựu Ước, và Cựu Ước trở nên sáng tỏ trong Tân Ước 2. Thực vậy, dù Ðức Kitô thiết lập Giao Ước Mới trong máu Ngài (x. Lc 22,20; 1Cor 11,25), nhưng các sách Cựu Ước vẫn được xử dụng trọn vẹn trong sứ điệp Phúc Âm 3, đạt được và bày tỏ đầy đủ ý nghĩa trong Tân Ước (x. Mt 5,17; Lc 24,27; Rm 16,25-26; 2Cor 3,14-16). Ngược lại Tân Ước cũng được sáng tỏ và giải thích nhờ Cựu Ước. 36*

 


Chú Thích:

34* Số này bàn về lịch sử cứu độ trong Cựu Ước, xét như là cuốn sách và như là kế hoạch cứu rỗi. Thiên Chúa đã phán bằng những biến cố trong lịch sử dân Do Thái và do các tiên tri (nghĩa rộng): đã có Lời Chúa trước khi có sách, nhưng bây giờ Lời Chúa được tồn trữ trong sách. Nên lưu ý tới ý hướng của việc tuyển chọn dân Do Thái: phổ quát tính của ơn cứu độ. Cựu Ước gồm nhiều giai đoạn: giai đoạn các tổ phụ đánh dấu bằng lời hứa, giai đoạn Môisen thiết lập dân Chúa trong Giao Ước, giai đoạn tiên tri trong đó Mạc Khải được khai triển. (Trở lại đầu trang)

1 Piô XI, Tđ. Mit brennender Sorge, 14-3-1937: AAS 29 (1937), trg 151. (Trở lại đầu trang)

35* Số này bàn về việc Kitô hữu đọc Cựu Ước. Ba ý tưởng: tương quan giữa Cựu và Tân Ước, bản tính các sách Cựu Ước, giá trị của Cựu Ước đối với các Kitô hữu. Chúa Kitô là ý nghĩa của Cựu Ước: của cả các biến cố cũng như các sách. Tất cả những gì xảy ra trước Chúa Kitô đều có mục đích chuẩn bị. Việc tuyển chọn dân Do Thái, lịch sử, văn hóa của dân này v.v... đều chuẩn bị chính con người, ngôn ngữ và tôn giáo của Chúa Kitô v.v... Bản văn nói đến những "khuôn mẫu": không nên hiểu theo nghĩa kỹ thuật, nhưng như những biến cố quá khứ trở thành những "mẫu", những "hình" của một biến cố tương lai nhờ đó những biến cố kia được trọn nghĩa. Việc liệt kê giá trị của Cựu Ước hơi lộn xộn. Bản văn nhắc đến tính cách tạm thời của Cựu Ước, để đề phòng chống lại nền luân lý tiền Kitô giáo của dân Do Thái. Người ta nói đến "kho tàng kinh nguyện" để bênh vực các thánh vịnh, chống lại những người muốn loại bỏ thánh vịnh ra khỏi phụng vụ. (Trở lại đầu trang)

2 T. Augustinô, Quaest. in Hept. 2,73: PL 34, 623. (Trở lại đầu trang)

3 T. Ireneô, Adv. Haer. III 21,3: PL 7, 950; (25, 1 Harvey, 2 trg 115).

T. Cyrillô Hieros., Catech. 4, 35: PG 33, 497.

Theodorô. Mops., In Soph. 1,4-6: PG 66, 452 D-453A. (Trở lại đầu trang)

36* Sự duy nhất của Cựu Ước và Tân Ước. Ðoạn này bàn cách lẫn lộn về các sách vừa Tân Ước vừa Cựu Ước. Tân Ước đã thu gồm toàn thể Cựu Ước, ngoại trừ tính cách bất toàn và tạm thời. Như thế nghĩa là các sách Cựu Ước được sát nhập vào lời rao giảng Phúc Âm như thành phần của một Mạc Khải duy nhất. Do đó, chúng hiện ở trong một văn mạch mới, chúng đã được biến đổi vì đã đạt được ý nghĩa tối hậu. Nên lưu ý rằng không những Tân Ước soi sáng Cựu Ước, mà Cựu Ước còn giúp cắt nghĩa Tân Ước, chẳng hạn phải hiểu Isaia Ðệ Nhị dưới ánh sáng của thánh Phaolô và ngược lại. (Trở lại đầu trang)

 


Trở Lại Mục Lục Thánh Công Ðồng Vatican II

Back to Vietnamese Missionaries in Asia Home Page