Thánh Công Ðồng Chung Vaticanô II

 

Hiến Chế Tín Lý

Về Mạc Khải Của Thiên Chúa

Dei Verbum

 

Bản dịch Việt Ngữ của Giáo Hoàng Học Viện Piô X

Prepared for Internet by Vietnamese Missionaries in Asia


 

Chương III

Sự Linh Ứng Của Thiên Chúa

Và Việc Chú Giải Thánh Kinh

 

11. Sự linh ứng và chân lý trong Thánh Kinh. Những gì Thiên Chúa đã mạc khải Thánh Kinh chứa đựng và trình bày, đều được viết ra dưới sự linh ứng của Chúa Thánh Thần 29*. Thực vậy, Giáo Hội Mẹ Thánh, nhờ đức tin tông truyền, xác nhận rằng toàn bộ sách Cựu Ước cũng như Tân Ước với tất cả các thành phần đều là sách thánh và được ghi vào bản chính lục Thánh Kinh: bởi lẽ được viết ra dưới sự linh ứng của Chúa Thánh Thần (x. Gio 20,31; 2Tm 3,16; 2P 1,19-21; 3,15-16) nên tác giả của các sách ấy là chính Thiên Chúa và chúng được lưu truyền cho Giáo Hội với tình trạng như vậy 1. Nhưng để viết các sách thánh, Thiên Chúa đã chọn những người và dùng họ trong khả năng và phương tiện của họ 2, để khi chính Ngài hành động trong họ và qua họ 3, họ viết ra như những tác giả đích thực tất cả những gì Chúa muốn, và chỉ viết những điều đó thôi 4.

Vì phải xem mọi lời các tác giả được linh ứng viết ra, tức các thánh sử, là những lời của Chúa Thánh Thần, nên phải công nhận rằng Thánh Kinh dạy ta cách chắc chắn, trung thành và không sai lầm, những chân lý 30* mà Thiên Chúa đã muốn Thánh Kinh ghi lại vì phần rỗi chúng ta 5. Bởi vậy "mọi sự trong Thánh Kinh được Thiên Chúa linh ứng có ích lợi cho việc dạy dỗ, biện luận, sửa trị và rèn luyện trong công chính: để người của Thiên Chúa trở nên trọn hảo và sẵn sàng thực hiện mọi việc lành" (2Tm 1, 16-17 bản Hy lạp).

12. Cách thức giải thích Thánh Kinh. 31* Tuy nhiên vì trong Thánh Kinh, Thiên Chúa đã nhờ loài người và dùng cách nói của loài người mà phán dạy 6, nên để thấy rõ điều chính Ngài muốn truyền đạt cho chúng ta, nhà chú giải Thánh Kinh phải cẩn thận tìm hiểu điều các thánh sử thực sự có ý trình bày và điều Thiên Chúa muốn diễn tả qua lời lẽ của họ.

Ðể tìm ra chủ ý của thánh sử, giữa những phương pháp khác, cũng cần phải xét đến văn loại 32*. Vì chân lý được trình bày và diễn tả qua nhiều thể văn khác nhau, như thể văn lịch sử, tiên tri, thi phú hoặc những thể văn diễn tả khác. Hơn nữa, nhà chú giải còn có bổn phận tìm hiểu ý nghĩa mà trong những trường hợp xác định, thánh sử đã muốn diễn tả và thực sự đã diễn tả trong hoàn cảnh thời đại và văn hóa của họ, qua các lối văn được dùng trong thời đó 7. Thực vậy, để hiểu đúng ý nghĩa tác giả Thánh Kinh muốn quả quyết trong bản văn, chúng ta phải chú tâm đúng mức đến các cách thức cảm nghĩ, diễn tả, tường thuật do bẩm sinh, được thịnh hành trong thời của họ, cũng như phải để ý đến các hình thức mà người thời ấy thường dùng khi giao tế với nhau 8.

Nhưng Thánh Kinh đã được viết ra bởi Chúa Thánh Thần, nên cũng phải được đọc và chú giải trong Chúa Thánh Thần 9. Và để hiểu đúng ý nghĩa của sách Thánh, chúng ta cũng phải ân cần lưu ý đến nội dung và sự thống nhất toàn bộ Thánh Kinh, dựa trên truyền thống sống động của toàn Giáo Hội và trên sự tương hợp toàn bộ đức tin. 33* Theo các qui tắc ấy, nhà chú giải có nhiệm vụ nỗ lực tìm hiểu và trình bày ý nghĩa Thánh Kinh cách sâu rộng hơn, hầu sự học hỏi của họ, như một việc làm chuẩn bị, giúp phán quyết của Giáo Hội được chính chắn. Thực vậy, mọi điều liên hệ đến việc chú giải Thánh Kinh cuối cùng đều phải tùy thuộc vào phán quyết của Giáo Hội, vì Giáo Hội được Thiên Chúa giao cho sứ mệnh và chức vụ gìn giữ và giải thích lời Chúa 10.

13. Sự "hạ mình" của Ðấng Khôn Ngoan. Cho nên, trong Thánh Kinh, vừa luôn được bảo toàn sự chân thật và thánh thiện của Thiên Chúa, vừa diễn tả sự "hạ mình" kỳ diệu của Ðấng khôn ngoan muôn đời, "để chúng ta học biết lượng nhân từ vô biên của Chúa, và trong sự quan phòng săn sóc đến bản tính chúng ta, Ngài đã thích ứng lời nói của Ngài đến mức nào" 11. Vì lời nói của Chúa diễn tả qua ngôn ngữ nhân loại, được đồng hóa với tiếng nói loài người, cũng như xưa Lời Nói của Chúa Cha Hằng Hữu đã trở nên giống loài người, sau khi nhận lấy sự yếu đuối của xác thịt.

 


Chú Thích:

29* Trong chương này Công Ðồng bàn về những điểm gay go nhất của Thánh Kinh: linh ứng, vô ngộ, chú giải.

Trước tiên là vấn đề linh ứng: lược đồ thứ nhất đề cập dài dòng về đề mục này, nhưng theo lối trình bày của các sách thần học nên bị giới hạn vì những tranh luận chưa ổn thỏa. Với lập trường không nghiêng về luận đề này hay luận đề kia, Công Ðồng dạy:

a) Có linh ứng Thánh Kinh, nghĩa là có ảnh hưởng của Chúa Thánh Thần theo hai nghĩa: mạc khải các chân lý (ví dụ cho các tiên tri) và tác động giúp viết thành văn bản để lưu truyền, đồng thời bảo đảm kết quả.

b) Linh ứng ảnh hưởng đến toàn bản chính lục, bởi lẽ một cuốn sách được liệt kê vào bản chính lục là vì nó được linh ứng. Bản văn lập lại giáo thuyết của Vaticanô I, và thêm rằng giáo thuyết về linh ứng Thánh Kinh là di sản của các Tông Ðồ (Ðức tin tông truyền).

c) Liên quan giữa các Thánh sử và Chúa Thánh Thần, Ðấng linh ứng: Chúa là tác giả, còn thánh sử là người viết sách; người ta tránh gọi các thánh sử là "dụng cụ", vì như vậy thì lại quá thụ động. Cũng vậy, người ta sẽ tránh hiểu Thiên Chúa như là tác giả "chính" mà thích nói Ngài là tác giả "siêu việt". Thiên Chúa không là "thánh sử" nhưng Ngài dùng con người dầu vẫn để con người hoàn toàn tự do và tự phát (với lỗi lầm của họ). Ðây là nền tảng của việc phê bình Thánh Kinh. (Trở lại đầu trang)

1 Xem CÐ Vat. I, Hiến chế tín lý về đức tin Công Giáo Dei Filius, ch. 2: Dz 1787 (3006).

- Ủy ban giáo hoàng về Thánh Kinh, Sắc lệnh ngày 18-6-1915: Dz 2180 (3629); EB. 420.

- Thánh Bộ Thánh Vụ, Epist. 22-12-1923: EB. 499. (Trở lại đầu trang)

2 Xem Piô XII, Tđ. Divino afflante Spiritu, 30-9-1943: AAS 35 (1943) trg 313; EB 556. (Trở lại đầu trang)

3 trong và qua họ: xem Dth 1,1 và 4,7 (trong): 2Sm 23,2; Mt 1,22 và nhiều nơi khác (qua); CÐ Vat. I: schema de doctr. Cath., ghi chú số 9: Col. Lac. VII, 522. (Trở lại đầu trang)

4 Leô XIII, Tđ. Providentissimus Deus, 18-11-1893: Dz 1952 (3293); EB. 125. (Trở lại đầu trang)

30* Kết quả của linh ứng là chân lý của Thánh Kinh. Trước kia lược đồ 2 chỉ nói vô ngộ, sau đó bản thảo thứ ba lại thêm: vô ngộ và chân lý; trong bản thảo thứ 4, Ủy Ban thêm tĩnh từ "cứu rỗi" vào danh từ "chân lý". Ðiều này gây nên một cuộc tranh luận rộng lớn và sôi nổi, vì người ta cho rằng như thế sẽ hạn chế tính cách vô ngộ của Thánh Kinh và những điều siêu nhiên và đi ngược lại Giáo Huấn của các Ðức Giáo Hoàng gần đây. Ủy Ban chấp nhận đề nghị sửa đổi của 73 Nghị Phụ: "vì phần rỗi chúng ta" trong khi nhấn mạnh là linh ứng không bị giới hạn vào một phần nào của Thánh Kinh. Nhưng câu này chỉ rõ đặc tính riêng biệt của chân lý Thánh Kinh, nghĩa là chiều hướng để hiểu đúng những xác quyết của Thánh Kinh. Chân lý Thánh Kinh chứa đựng trong những lời xác quyết hay lời giáo huấn của các tác giả chứ không trong những từ ngữ. Những giáo huấn ấy không bị giới hạn trong: "đức tin và luân lý" bởi vì các "chân lý cứu độ" cũng bao gồm cả những sự kiện lịch sử. Nên lưu ý là bản văn không nói: "những chân lý", nhưng nói: "chân lý" theo số ít và chân lý ở đây hiểu theo nghĩa Thánh Kinh, nghĩa là hàm chứa sự biểu lộ của Thiên Chúa chân thật, (chứ không theo nghĩa duy trí). Chân lý lịch sử của Thánh Kinh không nhất thiết hệ tại việc dựng lại các sự kiện theo thời gian và hoàn cảnh xã hội, nhưng hệ tại sự giải thích các sự kiện, nghĩa là dưới phương diện những sự kiện đó diễn tả mối tương quan giữa con người và Thiên Chúa. (Trở lại đầu trang)

5 Xem T. Augustinô De, Gen. a litt. 2, 9,20: PL 270-271; CSEL 28, 1, 46-47 và Epist. 82, 3: PL 33, 277; CSEL 34, 2, 354. - T. Tôma, De Ver. q. 12a. 2,C. - CÐ Tren tô, khóa 4, De canonis scripturis: Dz 783 (1501) - Leô XIII Tđ. Providentissimus Deus: EB. 121, 124, 126-127. Piô XII, Tđ. Divino Afflante: EB. 539. (Trở lại đầu trang)

31* Công Ðồng dạy vấn đề chú giải rất cần thiết để hiểu Thánh Kinh. Khoa chú giải tìm tòi những phương pháp văn chương của thánh sử để khám phá điều thánh sử muốn dạy. Thiên Chúa muốn dạy cũng điều đó và có lẽ còn hơn nữa: đó là vấn đề nghĩa thâm sâu (sensus plenior) mà Ủy Ban không muốn quyết đoán. (Trở lại đầu trang)

6 Thánh Augustinô, De civ. Dei XVII, 6,2: PL 41,537; CSEL. 40,2,228. (Trở lại đầu trang)

32* Ðoạn này bàn về việc phê bình Thánh Kinh nghĩa là nhằm phân tách "khía cạnh nhân loại" của Thánh Kinh: văn thể, phạm trù tri thức, hoàn cảnh lịch sử v.v... như trong bất cứ một tác phẩm văn chương nào. Tầm quan trọng của "văn loại" được đặt lên hàng đầu, dầu không kê khai đầy đủ. Ta nên lưu ý điểm này: phải công nhận sự hiện hữu của nhiều loại lịch sử khác nhau, vì trong các cuốn sách của Thánh Kinh quan niệm lịch sử không có cùng một nghĩa như nhau. Ý tưởng sâu xa được hiểu ngầm ở đây là Lời Thiên Chúa đã trở thành lời thực sự của con người, nghĩa là lời nhập thể, như trình bày ở số 13. (Trở lại đầu trang)

7 T. Aug. De doctr. Christ. III.18,26: PL.34,75-76: CSEL 80,95. (Trở lại đầu trang)

8 Piô XII, n.v.t.: Dz 2294 (3829-3830); EB 557-562. (Trở lại đầu trang)

9 Xem Benedictô XV, Tđ. Spiritus Paraclitus, 15-9-1920: EB 469. - T. Hieronimô, In Gal., 5, 19-21: PL 26, 417A. (Trở lại đầu trang)

33* Khoa học chưa đủ cho việc chú giải của Kitô giáo. Cần phải có đức tin. Nhà chú giải cũng phải được hướng dẫn bởi cùng một Thánh Thần đã linh ứng các thánh sử. Tiếp đến, phải đặt mỗi cuốn sách trong toàn bộ Thánh Kinh vì nó không có cùng một giá trị như nhau. Phải nhớ rằng Mạc Khải còn tiến triển: Tân Ước soi sáng Cựu Ước và Thánh Truyền của Giáo Hội lại sáng soi Tân Ước. Sau cùng, việc chú giải và quyền Giáo Huấn phải cộng tác theo cùng một mục đích là làm phát triển sự hiểu biết Mạc Khải. (Trở lại đầu trang)

10 Xem CÐ. Vat. I, Hiến chế tín lý về đức tin công giáo Dei Filius, ch.: Dz 1788 (3007). (Trở lại đầu trang)

11 T. Gioan Kim Khẩu, In Gen. 3,8 (hom. 17,1): PL 53, 134. - "Thích ứng" tiếng Hy lạp là synkatábasis. (Trở lại đầu trang)

 


Trở Lại Mục Lục Thánh Công Ðồng Vatican II

Back to Vietnamese Missionaries in Asia Home Page