Thánh Công Ðồng Chung Vaticanô II
Hiến Chế Tín Lý
Về Mạc Khải Của Thiên Chúa
Dei Verbum
Prepared for Internet by Vietnamese Missionaries in Asia
Lời Giới Thiệu
I. Lịch Sử Bản Văn:
Hiến chế Dei Verbum là một trong những văn kiện quan trọng nhất của Công Ðồng Vaticano II về phương diện giáo thuyết cũng như về thái độ khác biệt giữa các nghị phụ; Thật vậy, chính trong khi bàn cãi về Lược đồ này, các nghị phụ đã nhận thức về sự phân chia khuynh hướng thần học giữa các ngài. Lược đồ về Mac Khải nằm ở ngoài quyển sách đã được Ủy Ban Trung ương xuất bản năm 1962. Và như vậy người ta tưởng sẽ được bàn cãi trước tiên. Nhưng Ðức Gioan XXIII nhận thấy đã có những bất đồng ý kiến trong bản văn "về Mạc Khải", nên ngài không muốn khởi đầu Công đồng với bản văn gai góc này, và đã quyết định bàn cãi về Phụng vụ trước tiên, vì các nghị phụ dễ đồng ý về vấn đề này hơn.
Bản văn trình bày trong sách trên thật ra là bản văn thứ năm mà Ủy ban và các nghị phụ đã soạn thảo. Ngày 12.7.1962, Ðức Gioan XXIII truyền lệnh gửi cho các nghị phụ bàn cãi loạt Lược đồ lần thứ nhất. Trong số đó, có Lược đồ "Hiến chế Tín lý về các nguồn Mạc khải". Lược đồ này được bàn cãi từ ngày 14 đến 21.11.1962. Chính trong các cuộc bàn cãi này mà Công đồng Vaticano II đã tự chia ra phe "đa số" và "thiểu số" theo luồng tư tưởng và theo lối diễn tả thần học của các nghị phụ. Từ đó các khuynh hướng khác biệt này chi phối tất cả các công việc của Công đồng.
Trong diễn văn khai mạc ngày 11.10.1962 (Khóa I từ 11.10 đến 08.12.1962), Ðức Gioan XXIII đã nói: "Bản chất của giáo thuyết cổ truyền chứa trong kho tàng đức tin là một chuyện, còn việc định thức bản chất lại là chuyện khác, vì việc định thức căn cứ trên những hình thức và sự tương xứng với những nhu cầu giáo huấn, nhất là về mục vụ". Sự phân biệt giữa "bản chất" và "định thức" sẽ giữ một vai trò quan trọng trong cuộc bàn cãi lược đồ này. Lược đồ đã được các Hồng y Ottaviani, Ruffini, Siri... bênh vực, và bị các Hồng y Liénart, Frings... kết án, còn các Hồng y Bea, Léger, Tisserant... thì chỉ trích. Người ta cho rằng cách nói quá kinh viện, lối hành văn phản mục vụ, phản Kinh Thánh và phản hiệp nhất. Chủ tịch đoàn Công đồng quyết định bỏ thăm bản văn (ngày 20.11.1962), và bản văn bị loại bỏ với 1,368 phiếu chống, 822 phiếu thuận, và 18 phiếu bất hợp lệ. Buổi họp trải qua vài giờ lộn xộn vì chưa đủ đa số 2/3 để loại bỏ một lược đồ (cần phải 1,473 phiếu mới đủ 2/3). Nhưng có nên chấp nhận một lược đồ bị một đa số như trên loại bỏ không? Khi ấy, Ðức Giáo Hoàng Gioan XXIII đích thân can thiệp; ngài quyết định trao trả lược đồ cho một Ủy ban Thần học và của Văn phòng Hợp nhất Kitô giáo.
Ủy ban này khởi công bằng việc đồng ý về nhiều điểm quan trọng, như bỏ tựa đề "về hai nguồn..." (vì nó sẽ gây ra nhiều hiểu lầm), đặt lại tựa đề cho chương I: "Về Lời Chúa được Mạc khải..." (như thế, nó tổng quát và dễ dàng chấp nhận hơn). Tuy nhiên vẫn còn những bất đồng, nhất là về tương quan giữa Thánh Kinh và Thánh Truyền. Lược đồ được hoàn thành vào tháng 3.1963 và được gửi cho các nghị phụ vào tháng 5.1963. Bản văn sẽ không được bàn cãi trong kỳ họp thứ hai, nhưng vẫn không thiếu những phê bình được gửi tới. Thật vậy, các vị soạn thảo muốn "cố ý tránh vấn đề Hai nguồn Mạc khải mà không xác nhận hay chối bỏ rằng Thánh Truyền chứa những gì mà Thánh Kinh không có" (Relatio..., tr.5). Ðiều đó làm cho bản văn trở nên nhạt nhẽo, thiếu màu sắc và hàm hồ... Mạc khải được hiểu như là "nội dung" của Mạc khải hơn là "hành động" Chúa Mạc khải. Thánh Truyền duy nhất bị lẫn lộn với các truyền thống, điều này gây nhiều hiểu lầm...
Ðến ngày 31.1.1964, các nghị phụ hết hạn gửi các nhận xét. Như thế, người ta có thể lợi dụng được các ý kiến trong các cuộc bàn cãi đang diễn ra "về Lược đồ Giáo Hội", vì Mạc khải và Giáo Hội không thể tách rời nhau. Những lời than phiền của các nghị phụ hầu như chỉ quy về hai điểm: các bản văn chưa đánh giá đầy đủ tầm quan trọng của Mạc khải và của Thánh Truyền, cũng như chưa được cân nhắc đầy đủ. Ngày 07.3.1964, người ta thành lập một tiểu ban phụ trách tu chỉnh bản văn dưới sự chủ tọa của Ðức Giám Mục Charue với sự cộng tác của nhiều chuyên viên. Ủy ban này chia làm 2 nhóm: Nhóm thứ nhất phụ trách chương I và II (chủ tịch: Ðức Giám Mục Florit và các chuyên viên Congar, Rahner, Moeller, Ramirez...), Nhón thứ hai phụ trách chương III đến chương VI (chủ tịch: Ðức Giám Mục Semmonelroth...). Từ 20 đến 24.4.1964, các ngài bổ túc bản văn mới, và đưa ra bản tối hậu. Sau đó, bản văn được trình lên Văn phòng Hợp nhất để xem có phải sửa đổi gì không. Ngày 30.6.1964, Văn phòng trả lời chấp thuận; Ðức Hồng Y Bea xét rằng không cần phải hợp hai cơ quan để tu chỉnh. Sau đó, Ủy ban Giáo thuyết cứu xét bản văn (từ ngày 3 đến 5.6.64). Chương II tạm được chấp nhận (17 phiếu thuận, 7 chống), vì 7 nghị phụ đòi phải nói: Thánh Truyền khách quan rộng hơn Thánh Kinh (x. Relatio..., tr.6).
Cuộc bàn cãi bản văn bắt đầu từ ngày 30.9.1964 tại đền Thánh Phêrô. Có hai bản phúc trình: một của nhóm đa số trong Ủy ban (Ðức Giám Mục Florit đọc), và một của nhóm thiểu số (Ðức Giám Mục Franic trình bày). Vấn nạn quan trọng nhất do nhóm thiểu số đưa ra là ý tưởng về "Thánh Truyền cấu thành" (Traditio constitutive). Ðó là giảng thuyết và đức tin của toàn thể Giáo Hội tông đồ, dưới sự tác động của Thánh Thần Mạc khải, chứa đựng những chân lý thật ra không có trong Thánh Kinh. Ðó là trường hợp các tín điều về Ðức Mẹ (Ðức Giám Mục Beras). Ngoài ra, nếu hạ giá Thánh Truyền, như Lược đồ đã làm, người ta sẽ rơi vào một thứ Tân Thời thuyết. Tuy thế, đa số chấp nhận và khen ngợi ý tưởng của bản văn. Dầu vậy, những phê bình của nhóm thiểu số cũng rất hữu ích vì nó xác định rõ ràng nhiều ý niệm.
Theo Ủy ban, kết quả cuộc can thiệp của các nghị phụ như sau:
1) Ðiểm tích cực:
a. Ngôn ngữ rõ rang, cẩn thận và có tính cách trình bày.
b. Cơ cấu bản văn được sắp đặt kỹ lưỡng và cân đối.
c. Giáo thuyết chắc chắn phát xuất từ Cổ truyền và Thánh Kinh.
d. Quan niệm Mạc khải quy về Chúa Kitô và con người cũng như cách thức trình bày tương quan giữa Thánh Kinh và Thánh Truyền.
2) Ðiểm tiêu cực:
a. Cách hành văn phức tạp và đôi khi tối nghĩa.
b. Im lặng trước những sai lạc và lạm dụng hiện có.
c. Trình bày khiếm khuyết về Cựu Ước.
d. Thiếu chiều hướng Giáo Hội trong Mạc khải.
e. Phải trình bày vai trò của Chúa Thánh Thần trong hoạt động của Huấn quyền Giáo Hội.
Các tiểu ban bắt tay làm việc để tổng hợp đề nghị của các nghị phụ. Nhờ đó một bản văn thứ tư được thành hình và đã được gửi tới cho các nghị phụ trong phiên họp khoáng đại cuối cùng của kỳ họp thứ ba (20.11.1964). Có thể tóm tắt các thay đổi chính như sau:
a. Nhấn mạnh đến truyền thống "phát nguyên từ các tông đồ" thay vì Thánh Truyền "sống" (có thể phát xuất từ đời sống Giáo Hội).
b. Vấn đề phát triển tín lý, bản văn trước nói rằng kinh nghiệm của các tín hữu là một yếu tố phát triển, nhưng bản văn mới nhắc thêm đến lý trí (số 8b) để tránh chủ quan thuyết hiện tượng luận.
c. Nhắc đến việc nhờ Thánh Thần mà Giáo Hội biết được bản chính lục Thánh Kinh (số 8c).
d. Phân biệt rõ ràng hơn nội dung của Thánh Truyền thời các tông đồ (số 9).
e. Xác định vai trò của Huấn quyền bằng cách bãi bỏ danh từ uy quyền "tối thượng" và không nhắc đến ơn bất khả ngộ, hơn nữa còn nói rằng quyền giáo huấn phải "thành kính lắng nghe" Lời Chúa (số 10). Trong kỳ họp thứ ba, các nghị phụ không bỏ phiếu bản văn này, nên các ngài có thể viết các nhận xét gửi về Ủy ban.
Sau cùng, ngày 21.9.1965, các nghị phụ đã bỏ phiếu Lược đồ này. Các chương đều được chấp thuận với vài sửa đổi. Ủy ban phụ trách kết nạp các tu chỉnh, cố gắng dung hòa ý kiến mọi người bằng cách sửa đổi từng tiểu tiết của bản văn. Chính Ðức Phaolô VI cũng đã đề nghị một vài thay đổi. Sau khi Ủy ban Giáo thuyết xem xét, bản văn được phát cho các nghị phụ ngày 25.10.1965, và bỏ phiếu ngày 29.10.1965. Ở vòng bỏ phiếu chót, trong số 2,115 nghị phụ bỏ phiếu, có 2,081 phiếu thuận, 27 phiếu chống, và 7 phiếu bất hợp lệ. Ngày 18.11.1965 là ngày công bố với 2,344 phiếu thuận, và 06 phiếu chống.
II. Cơ Cấu Hiến Chế:
Những nét chính của bản sơ thảo đầu tiên được giữ lại đến cùng: một phần nói về Mạc khải tổng quát, một phần dành cho Thánh Kinh. Lược đồ thứ nhất được chia như sau: Chương I: Hai nguồn Mạc khải; Chương II: Linh hứng, bất ngộ và cấu tạo văn chương của Thánh Kinh; Chương III: Cựu Ước; Chương IV: Tân Ước; Chương V: Thánh Kinh trong Giáo Hội.
Như trong Lược đồ thứ nhất, Lược đồ thứ hai giữ lại Chương I như một lời mở đầu giới thiệu Thánh Kinh, các Chương khác cũng chứa đựng chất liệu tương tự như Lược đồ thứ nhất. Chính trong lần soạn thảo thứ ba mà giáo thuyết về Mạc khải chiếm vai trò ưu thắng. Như vậy, phần thứ nhất của bản văn trở thành quan trọng nhất, vì chứa đựng giáo thuyết "chi phối" mọi việc khai triển khác. Nội dung của Lược đồ thứ ba là: Chương I: Về chính Mạc Khải; Chương II: Sự lưu truyền Mạc khải; Chương III: Linh hứng của Thiên Chúa và việc chú giải Thánh Kinh; Chương IV: Cựu Ước; Chương V: Tân Ước; Chương VI: Thánh Kinh trong đời sống Giáo Hội.
Như thế, chúng ta có một bản văn chia làm hai phần lớn, được soạn thảo dưới sự hướng dẫn của hai tiểu ban. Phần nhất bàn về Mạc khải tổng quát, gồm chương I bàn về diễn tiến Mạc khải mà Thiên Chúa đã tự biểu lộ cho con người và phó mình cho họ, đến mức độ trọn vẹn trong Chúa Kitô; Chương II trình bày tính cách liên tục trong việc Thiên Chúa tự biểu lộ và phó mình cách trọn vẹn trong Giáo Hội bằng tất cả những gì tạo thành đời sống Giáo Hội, qua tiến trình lịch sử.
Phần hai bàn về Thánh Kinh, một hình thức đặc biệt của sự biểu lộ và phó mình của Thiên Chúa: chương III trình bày những khía cạnh tổng quát của Thánh Kinh: đó là một tác phẩm của Thiên Chúa, Ðấng hạ mình đến với chúng ta, nhưng cũng là một tác phẩm của con người; chương IV bàn về giá trị của Cựu Ước; chương V bàn về Tân Ước; chương VI trình bày ý nghĩa của Thánh Kinh đối với Giáo Hội mọi thời đại và mọi hoàn cảnh.
III. Tầm Quan Trọng:
Hiến chế Mạc khải đã không giải quyết mọi vấn đề, đã không có thái độ rõ ràng về nhiều vấn đề, và không làm thoả mãn mọi người. Hiến chế không thể làm điều đó. Dầu vậy, Hiến chế cũng nói lên một bước tiến rất tích cực trong công cuộc tìm hiểu Mạc khải, cũng sẽ có một tầm ảnh hưởng lớn lao trong nền thần học Công giáo và cuộc đối thoại hợp nhất.
Công đồng tiến hành công việc trong nỗ lực hòa giải. Hiến chế Mạc khải đã phải tổng hợp nhãn quan của nhiều trường phái không luôn luôn phù hợp nhau, phải tóm lược các ý tưởng (dù làm như vậy có vẻ đơn giản hóa vấn đề). Bản văn phải được nghiên cứu cẩn thận chứ không chỉ đọc thoáng qua. Tuy nhiên, không được vì thế mà lãng quên tâm điểm của toàn thể giáo thuyết, tâm điểm đó chính là tác động cứu độ của Thiên Chúa đang diễn tiến trên thế gian và trong lịch sử nhờ Lời của Ngài là Chúa Kitô.
Cũng nên chú ý là bản văn sau cùng đã được đại đa số nghị phụ trong Công đồng chấp thuận, như thế bản văn nói lên đức tin của Giáo Hội về vấn đề này. Dù không đồng tâm về những chi tiết, nhưng phần giáo thuyết căn bản thì không ai có thể bàn cãi được nữa.
Người ta có thể lấy làm tiếc là Thánh Truyền và Huấn quyền lại đứng bên cạnh Thánh Kinh. Nhưng như thế là vì đã có thành kiến luôn đối chiếu ba thực thể trên. Trong khi đó, Công đồng đã quan niệm và thành công trong việc dung hòa: Cả ba đều mang Lời Chúa, tuy mỗi thực thể theo một cách thức riêng và với một tước vị riêng.
Bản văn này phải thúc đẩy các nhà thông thái nghiên cứu Thánh Kinh và giúp tín hữu say mê Thánh Kinh. Theo đường hướng cởi mở của Thông điệp Divino afflante Spiritu, Hiến chế về Mạc khải mở ra những chân trời mới cho công việc chú giải. Người ta được tự do nghiên cứu để khai thác các "văn loại" và các khám phá mà lịch sử và khoa học đem lại, mà không sợ những cấm đoán đè nặng từ bên ngoài như trường hợp các đồng nghiệp của họ thời trước. Nhưng cùng một lúc Hiến chế cũng xác định những điều ta không thể chối bỏ mà không triệt tiêu Mạc khải. Do đó, không được nghi ngờ lịch sử tính của Phúc Âm và nguồn gốc tông đồ của các sách đó. Công đồng đã không kết án phương pháp văn hình sử (formgeschichte) nhưng đã nêu ra những giới hạn của phương pháp ấy; không phải tất cả những ý tưởng "giải huyền thoại" của R. Bultmann là sai, nhưng phải cẩn thận để khỏi rơi vào thuyết duy tín mà phương pháp này đưa đến. Còn về tầm quan trọng thực tế của những lời khuyên mục vụ ở chương VI thì chỉ có tương lai mới có thể trả lời chúng ta.
Việc xác định chân lý Thánh Kinh ở số 11 là một điều rất quan trọng. Người ta không thể tìm thấy trong Thánh Kinh bất cứ loại chân lý nào (khoa học, lịch sử, địa lý, nhân chủng học...) nhưng chỉ có thứ chân lý cứu thoát chúng ta, và ta cũng nên lưu ý Công đồng không nói những chân lý, nhưng nói chân lý ở số ít; chân lý ấy đồng thời cũng là sự sống, là đường dẫn đến sự cứu độ. Ðiều đó muốn nói rằng: chân lý của chúng ta không phải chỉ là một điều ta biết suông, nhưng là một bổn phận phải thực hành: "Thực Hành Chân Lý" (x. Ep 4,15) và phải tiến tới trong chân lý: "Ði Trong Chân Lý". Công đồng muốn giải phóng thần học khỏi quan niệm Hy Lạp về chân lý quá tĩnh để trở về với ý niệm Do Thái linh động hơn, hiện sinh hơn, cởi mở hơn đối với mầu nhiệm Thiên Chúa.
Một số người công kích, số khác lại ca tụng về tầm quan trọng hợp nhất của Hiến chế về Mạc khải. Người ta đã chỉ trích "sự hàm hồ" về mối tương quan giữa Thánh Kinh và Thánh Truyền. Nhưng có người lại thấy ở đó một cánh cửa đưa đến đối thoại, nhất là vào thời đại các Giáo Hội phát sinh sau khi Phong Trào Cải cách đặt lại vấn đề Thánh Truyền. Việc tự do tìm hiểu đã chiếm được một địa vị, nhờ đó sự cộng tác giữa các nhà chú giải Công giáo và Tin lành cùng dễ dàng và đáng khích lệ hơn. Ngoài ra, việc khuyến khích đọc Thánh Kinh đã tạo nên một nền tảng vững chắc đưa các Kitô hữu xích lại gần nhau hơn, vì họ cũng lắng nghe một Lời Chúa. Dù bản chính lục Thánh Kinh vẫn còn đôi chút khác biệt, nhưng sự kiện này không có tầm quan trọng thực tiễn nào.
Ủy Ban Giáo Lý Ðức Tin
Hội Ðồng Giám Mục Việt Nam
Saigon, ngày 2 tháng 11 năm 2005