Thánh Công Ðồng Chung Vaticanô II

 

Sắc Lệnh

Về Hiệp Nhất

Unitatis Redintegratio

 

Bản dịch Việt Ngữ của Giáo Hoàng Học Viện Piô X

Prepared for Internet by Vietnamese Missionaries in Asia


 

Chương I

Các Nguyên Tắc Công Giáo

Về Hiệp Nhất 7*

 

2. Giáo Hội hiệp nhất và duy nhất. Tình yêu Thiên Chúa đối với chúng ta đã hiển hiện trong việc Con Một Thiên Chúa đã được Chúa Cha sai đến thế gian, để một khi hóa thân làm người, Người tái sinh toàn thể nhân loại bằng cách cứu chuộc họ và đoàn tụ họ nên một 2. Trước khi tự hiến làm lễ vật tinh tuyền trên thánh giá, Người đã cầu cùng Chúa Cha cho các tín hữu rằng: "Xin cho hết thảy được hiệp nhất như Cha ở trong Con và Con ở trong Cha vậy, để chính họ cũng được nên một trong Ta và cho thế gian tin rằng Cha đã sai Con" (Gio 17,21). Người đã thiết lập trong Giáo Hội của Người nhiệm tích Thánh Thể kỳ diệu, vừa là dấu chỉ vừa thể hiện sự hiệp nhất của Giáo Hội. Người ban cho các môn đệ Người một giới răn mới là tình yêu thương nhau 3, và hứa ban Thánh Thần an ủi 4, Ðấng vừa là Chúa vừa ban sự sống để ở với họ mãi mãi.

Sau khi đã chịu treo trên thập giá và được vinh hiển, Chúa Giêsu ban Thánh Thần Người đã hứa. Nhờ Thánh Thần ấy, Người đã kêu gọi và đoàn tụ dân của Giao Ước Mới, tức là Giáo Hội trong cùng một đức tin, đức cậy và đức mến như Thánh Tông Ðồ dạy: "Chỉ có một thân thể và một Thánh Thần cũng như anh em được kêu gọi bằng một hy vọng của ơn kêu gọi anh em: một Chúa, một Ðức Tin, một phép Rửa" (Eph 4,4-5). "Thực vậy, những ai được rửa tội trong Chúa Kitô, đều mặc lấy Chúa Kitô... Vậy, tất cả đều là một trong Chúa Giêsu Kitô" (Gal 3,27-28), Bản Hy Lạp). Chúa Thánh Thần ngự trong lòng các tín hữu, đổ đầy ơn và cai trị Giáo Hội, Ngài thực hiện sự thông hiệp kỳ diệu ấy nơi các tín hữu, và liên kết tất cả trong Chúa Kitô cách mật thiết đến nỗi Ngài chính là Nguyên Lý Hiệp Nhất Giáo Hội. Ngài phân phát các ân sủng và phận vụ 5 để nhờ có nhiều chức vụ khác nhau mà Giáo Hội Chúa Kitô nên phong phú "hầu cho các thánh được hoàn thiện trong việc thi hành chức vụ và trong việc xây dựng thân thể Chúa Kitô" (Eph 4,12).

Nhưng để thiếp lập Giáo Hội thánh thiện của Người khắp nơi trên mặt đất cho tới tận thế, Chúa Kitô đã ủy thác 6 cho cộng đoàn mười hai Tông Ðồ nhiệm vụ giáo huấn, cai trị và thánh hóa. Trong số ấy Chúa đã chọn Phêrô và đã công bố xây dựng Giáo Hội trên Phêrô sau khi ông tuyên xưng đức tin. Người hứa trao 7 chìa khóa nước trời cho Phêrô và sau khi ông đã tuyên xưng tình yêu đối với Người, Người trao phó 8 toàn thể đoàn chiên cho ông để ông củng cố trong đức tin và chăn dắt 9 trong sự hiệp nhất hoàn toàn, trong khi ấy, Chúa Giêsu Kitô đời đời vẫn là đá góc 10 và chủ chăn linh hồn chúng ta 11.

Nhờ các Tông Ðồ và những người kế vị các ngài, là các Giám Mục cùng với thủ lãnh là đấng kế vị Thánh Phêrô, trung thành rao giảng Phúc Âm và ban phát các bí tích, lại nhờ sự điều khiển yêu thương dưới tác động của Thánh Thần, Chúa Kitô muốn dân Người lớn lên và hoàn thành sự thông hiệp trong hiệp nhất, nghĩa là: cùng tuyên xưng một đức tin, cùng cử hành một nghi lễ phụng tự, cùng hòa hợp trong tình huynh đệ của gia đình Thiên Chúa.

Như thế, Giáo Hội là đoàn chiên duy nhất của Thiên Chúa, như dấu chỉ nêu cao cho muôn dân 12, khi đem Phúc Âm hòa bình phục vụ toàn thể nhân loại 13. Giáo Hội hành trình trong hy vọng tiến về cùng đích 14 là quê trời.

Ðó là mầu nhiệm thánh của sự hiệp nhất Giáo Hội trong Chúa Kitô và nhờ Chúa Kitô, dưới tác động của Thánh Thần trong nhiều phận vụ khác nhau. Mẫu mực tối cao và nguyên lý của mầu nhiệm này là sự hiệp nhất trong Ba Ngôi của một Thiên Chúa duy nhất là Cha và Con trong Thánh Thần.

3. Tương quan giữa anh em ly khai và Giáo Hội Công Giáo. Ngay từ buổi sơ khai, trong Giáo Hội độc nhất và duy nhất của Thiên Chúa đã xuất hiện 15 ít nhiều rạn nứt mà Thánh Tông Ðồ đã nặng lời quở trách như là đáng kết án 16. Nhưng trong các thời đại kế tiếp, phát sinh nhiều phân rẽ trầm trọng hơn và nhiều cộng đoàn đáng kể đã hoàn toàn ly khai khỏi sự hiệp thông với Giáo Hội Công Giáo, mà đôi khi cũng tại lỗi những người ở cả hai bên. Vậy ngày nay, những người sinh trưởng trong các Cộng Ðoàn ấy và thấm nhuần đức tin nơi Chúa Kitô không thể bị kết tội chia rẽ và Giáo Hội Công Giáo kính trọng, yêu thương họ như anh em. Thật vậy những người tin ở Chúa Kitô và đã được rửa tội đúng phép vẫn còn hiệp thông với Giáo Hội Công Giáo một cách nào đó 8* cho dầu không được hoàn hảo. Hiển nhiên là các dị biệt dưới nhiều hình thức giữa họ và Giáo Hội Công Giáo về vấn đề giáo lý, đôi khi về kỷ luật hay cơ cấu Giáo Hội, gây cho việc hiệp thông đầy đủ với Giáo Hội khá nhiều trở ngại và có khi lại là những trở ngại lớn lao mà phong trào hiệp nhất đang cố gắng vượt qua. Tuy nhiên một khi đã được công chính hóa nhờ đức tin khi chịu phép rửa tội, họ đã được tháp nhập 17 vào Chúa Kitô và vì thế có quyền mang danh Kitô hữu 9* và xứng đáng được con cái của Giáo Hội Công Giáo nhìn nhận là anh em trong Chúa 18.

Hơn nữa, trong các yếu tố hoặc tài sản xây dựng và làm sống động Giáo Hội, một số khá nhiều và tuyệt hảo có thể không nằm trong bình diện hữu hình của Giáo Hội Công Giáo như: Lời Chúa ghi chép trong Thánh Kinh, đời sống trong ơn thánh, đức tin, cậy, mến và các ơn nội tâm do Thánh Thần ban, cùng những yếu tố hữu hình: tất cả đã phát sinh từ Chúa Kitô và dẫn đưa về chính Người, thì đương nhiên cũng thuộc về quyền Giáo Hội duy nhất của Người 10*.

Các anh em ly khai với chúng ta cũng cử hành nhiều lễ nghi phụng vụ của Kitô giáo. Những lễ nghi ấy, chắc chắn có thể thực sự phát sinh đời sống ơn thánh và phải được công nhận là đường đưa đến sự thông hiệp vào ơn cứu rỗi, tuy cách thức có khác nhau tùy hoàn cảnh của mỗi Giáo Hội hay Cộng Ðoàn.

Do đó, dù chúng ta tin là họ còn khiếm khuyết, nhưng chính các Giáo Hội 19 và các Cộng Ðoàn tách riêng 11* ấy vẫn chưa trở thành vô nghĩa và vô giá trị trong mầu nhiệm cứu rỗi. Thật vậy, Thánh Thần của Chúa Kitô không khước từ sử dụng họ như những phương tiện cứu rỗi mà năng lực phát xuất từ chính sự sung mãn của ơn thánh và chân lý đã được ủy thác cho Giáo Hội Công Giáo 12*.

Nhưng các anh em tách riêng khỏi chúng ta, cá nhân cũng như Cộng Ðoàn và các Giáo Hội của họ, không được hưởng sự hiệp nhất đã được Chúa Giêsu Kitô rộng ban cho những kẻ Người đã tái sinh và cho sống chung trong một thân thể duy nhất và trong đời sống mới, sự hiệp nhất mà Thánh Kinh và Truyền Thống đáng kính của Giáo Hội đều tuyên xưng. Chỉ nhờ Giáo Hội Công Giáo của Chúa Kitô là "phương thế cứu rỗi chung" 13* ta mới có thể đạt được đầy đủ các phương tiện cứu rỗi. Thật ra chúng tôi tin Chúa đã ủy thác cho Cộng Ðoàn Tông Ðồ được Phêrô lãnh đạo tất cả sản nghiệp Tân Ước để tạo thành một thân thể duy nhất của Chúa Kitô ở trần gian. Tất cả những ai đã thuộc về dân Chúa một cách nào đó đều phải tháp nhập vào thân thể ấy. Trên đường lữ thứ trần gian, mặc dù các chi thể 14* còn có thể phạm tội, dân Chúa vẫn lớn lên trong Chúa Kitô và được Thiên Chúa dịu dàng hướng dẫn theo chương trình nhiệm mầu của Người cho đến khi họ sung sướng đạt tới vinh quang trường cửu và sung mãn trong thành Giêrusalem trên trời.

4. Phong trào hiệp nhất. Vì ngày nay ở nhiều nơi trên thế giới, nhờ ơn Chúa Thánh Thần thúc đẩy, rất nhiều cố gắng nhằm tiến tới hiệp nhất đầy đủ theo ý muốn của Chúa Giêsu Kitô đang được thực hiện bằng kinh nguyện, lời nói, việc làm, nên Thánh Công Ðồng này khuyến khích tất cả mọi người công giáo hãy nhận ra các dấu chỉ thời đại để khéo léo tham gia vào công cuộc hiệp nhất. 15*.

Phải hiểu danh từ "phong trào hiệp nhất" là những hoạt động và sáng kiên được phát động và tổ chức nhằm cổ võ sự hiệp nhất các Kitô hữu, tùy theo những nhu cầu khác nhau của Giáo Hội và những thời cơ thuận tiện. Trước hết như là mọi cố gắng loại bỏ những lời nói, phán đoàn và việc làm không đúng với hoàn cảnh của các anh em ly khai xét theo công bình và chân lý, vì nếu không sẽ gây thêm khó khăn trong việc giao tiếp với họ. Thứ đến là trong các buổi hội thảo với tinh thần tôn giáo giữa các Kitô hữu thuộc nhiều Giáo Hội hay Cộng Ðoàn khác nhau, có sự "đối thoại" giữa các nhà chuyên môn thấu triệt vấn đề, và mỗi người sẽ giải thích cặn kẽ giáo lý của Cộng Ðoàn mình và trình bày minh bạch những nét độc đáo của giáo lý ấy. Có đối thoại như thế mọi người mới hiểu biết đúng hơn và tôn trọng đúng mức giáo lý cũng như đời sống của mỗi Cộng Ðoàn; cũng nhờ đó mà các Cộng Ðoàn dần dần hợp tác được với nhau rộng rãi hơn trong mọi công cuộc mưu ích chung mà lương tâm Kitô hữu nào cũng đòi hỏi; lại cũng nhờ đó, họ hợp nhau cầu nguyện chung mỗi khi có cơ hội thuận tiện. Sau cùng mọi người hãy kiểm điểm coi mình có trung thành với ý muốn của Chúa Kitô về Giáo Hội không, để rồi hăng hái tiến hành việc canh tân và cải tổ đúng như bổn phận đòi hỏi.

Khi các tín hữu của Giáo Hội Công Giáo khôn ngoan và kiên nhẫn thực hiện tất cả các điều ấy 16* dưới sự giám sát của các chủ chăn tức là họ đã đóng góp cho việc thực hiện công bình và chân lý, sự hòa thuận và hợp tác, tình huynh đệ và đoàn kết. Với đường hướng này, khi đã vượt được mọi trở ngại ngăn cản sự hiệp thông hoàn toàn của Giáo Hội, dần dần mọi Kitô hữu sẽ đoàn tụ qua việc cử hành Phép Thánh Thể duy nhất, hiệp nhất trong một Giáo Hội độc nhất; sự hiệp nhất mà Chúa Kitô từ ban đầu đã rộng ban cho Giáo Hội của Người. Chúng tôi tin rằng sự hiệp nhất ấy tồn tại mãi trong Giáo Hội Công Giáo và hy vọng rằng mỗi ngày sẽ bành trướng thêm cho đến tận thế.

Dĩ nhiên, công cuộc chuẩn bị và hòa giải của những cá nhân riêng rẽ 17*, những người ao ước hiệp thông trọn vẹn với Giáo Hội Công Giáo, tự bản tính khác với phong trào hiệp nhất; tuy nhiên, chúng không đối lập nhau vì cả hai đều do sự an bài kỳ diệu của Thiên Chúa.

Trong khi hoạt động cổ võ sự hiệp nhất, chắc chắn các tín hữu công giáo phải tỏ ra ân cần đối với các anh em ly khai, cầu nguyện cho họ, thông đạt cho họ các việc của Giáo Hội, khởi xướng bước đầu đi đến với họ. Trước hết cần thành thực và chú ý cân nhắc những gì phải canh tân và thực hiện trong chính Gia Ðình Công Giáo để đời sống của Giáo Hội làm chứng cách trung thành và rõ rệt hơn về giáo lý và những định chế do Chúa Kitô truyền lại qua các Thánh Tông Ðồ.

Dù Giáo Hội Công Giáo được thừa hưởng toàn thể chân lý do Chúa mạc khải và tất cả những phương tiện ban ân sủng, nhưng các phần tử của Giáo Hội lại chưa nhiệt thành sống các mầu nhiệm ấy cho đủ nên khuôn mặt của Giáo Hội ít chiếu giãi rực rỡ trước mặt các anh em ly khai và toàn thế giới, và nước Chúa cũng chậm bành trướng. Vì thế, tất cả mọi người Công Giáo phải hướng đến sự hoàn thiện Kitô giáo 20, mỗi người phải tùy theo hoàn cảnh của mình cố gắng làm cho Giáo Hội, tuy đang mang trên mình sự khiêm tốn và hy sinh của Chúa Kitô 21, mỗi ngày một thêm trong sạch và mới mẻ cho tới khi Chúa Kitô cho trình diện trước mặt mình Giáo Hội vinh quang không một vết ố, nét nhăn 22.

Khi bảo toàn sự hiệp nhất trong những điều thiết yếu, hết mọi người trong Giáo Hội, tùy theo chức vụ được giao phó, cần giữ sự tự do phải có trong những hình thức khác nhau về đời sống thiêng liêng và kỷ luật trong các lễ nghi phụng tự và ngay cả trong việc khảo cứu thần học 18* về các chân lý mạc khải: nhưng trong mọi việc, hãy thực hành đức bác ái. hành động như thế, chính họ sẽ biểu hiện càng ngày càng đầy đủ hơn tính cách công giáo và tông truyền chính danh của Giáo Hội.

Ðàng khác, người công giáo cần phải vui mừng nhìn nhận và tôn trọng những giá trị thật sự Kitô giáo, xuất phát từ cùng một gia sản chung được tìm thấy nơi các anh em ly khai. Nhìn nhận những kho tàng phong phú của Chúa Kitô và những hoạt động của quyền lực Người trong đời sống của những kẻ đang làm chứng về Người - và có khi phải đổ máu mới nói lên được - quả là chính đáng và có giá trị cứu rỗi: vì Thiên Chúa luôn đáng khâm phục và việc Ngài làm bao giờ cũng kỳ diệu.

Cũng đừng quên rằng những gì do ơn Chúa Thánh Thần thực hiện nơi các anh em ly khai cũng có thể góp phần xây dựng chúng ta. Bất cứ những gì thực sự Kitô giáo đều không bao giờ đối lập với những chân giá trị của đức tin, trái lại còn luôn luôn có thể giúp chúng ta đi sâu hơn vào chính mầu nhiệm của Chúa Kitô và Giáo Hội.

Tuy nhiên, sự chia rẽ giữa các Kitô hữu ngăn trở Giáo Hội thực hiện đầy đủ tính cách công giáo riêng biệt của mình nơi những con cái tuy đã thuộc về Giáo Hội nhờ phép Rửa, nhưng còn xa cách chưa hoàn toàn thông hiệp với Giáo Hội. Hơn nữa, chính Giáo Hội cũng diễn tả khó khăn hơn tính cách công giáo đầy đủ của mình dưới mọi khía cạnh trong đời sống thực tế.

Thánh Công Ðồng sung sướng nhận thấy sự tham gia hoạt động cổ võ việc hiệp nhất của các tín hữu công giáo đang ngày càng phát triển và giao phó công việc ấy cho các Giám Mục ở khắp nơi trên toàn thế giới để các ngài khéo léo cổ võ và khôn ngoan hướng dẫn công cuộc này.

 


Chú Thích:

7* Tựa đề của chương này lúc trước là "Các nguyên tắc về hiệp nhất công giáo". Qua đó, dường như người ta muốn nói rằng có nhiều "kiểu" hiệp nhất (Tin Lành, Công Giáo, v.v...). Thực ra chỉ có một sự hiệp nhất mà mỗi cộng đồng Kitô hữu tham gia vào theo những nguyên tắc riêng của mình. Bởi vậy người ta thay đổi tựa đề lại gọi là: "Các nguyên tắc công giáo về hiệp nhất". Ðoạn đầu của chương này (số 2) là một lời nhắc lại vắn tắt học thuyết Công Giáo về tính cách duy nhất và hiệp nhất của Giáo Hội do Chúa Kitô sáng lập. Phải tôn trọng những chân lý này trong cuộc đối thoại với anh em ly khai. (Trở lại đầu trang)

2 Xem Gio 4,9; Col 1,18-20; Gio 11,52. (Trở lại đầu trang)

3 Xem Gio 13,34. (Trở lại đầu trang)

4 Xem Gio 16,7. (Trở lại đầu trang)

5 Xem 1Cor 12,4-11. (Trở lại đầu trang)

6 Xem Mt 28,18-20, so sánh với Gio 20,21-23. (Trở lại đầu trang)

7 Xem Mt 16,19, so sánh với Mt 18,18. (Trở lại đầu trang)

8 Xem Lc 22,32. (Trở lại đầu trang)

9 Xem Gio 21,15-17. (Trở lại đầu trang)

10 Xem Eph 2,20. (Trở lại đầu trang)

11 Xem 1P 2,25; CÐ Vat. I, Hiến chế Pastor Aetermus; Coll, Lac, 7,482a. (Trở lại đầu trang)

12 Xem Is 11,10-12. (Trở lại đầu trang)

13 Xem Eph 2,17-18, so sánh với Mc 16,15. (Trở lại đầu trang)

14 Xem 1P 1,3-9. (Trở lại đầu trang)

15 Xem 1Cor 11,18-19; Gal 1,6-9; 1Gio 2,18-19. (Trở lại đầu trang)

16 Xem 1Cor 1,11tt; 11,22. (Trở lại đầu trang)

8* Sắc Lệnh này tránh gọi: những Kitô hữu không công giáo là phần tử của Giáo Hội, họ liên kết một cách nào đó với Giáo Hội Công Giáo nhất là nhờ phép Rửa Tội, nhưng họ không được hưởng dụng trọn vẹn sự sung mãn của Giáo Hội. (Trở lại đầu trang)

17 Xem CÐ Firenze, khóa VIII (1439), Sắc Lệnh Exultate Deo: Mansi 31, 1055A. (Trở lại đầu trang)

9* Tất cả những ai kết hiệp với Chúa Kitô qua phép Rửa Tội thành sự đều được gọi là Kitô hữu. (Trở lại đầu trang)

18 Xem T. Augustinô, In Ps. 32, Enarr, II 29: PL 36, 299. (Trở lại đầu trang)

10* Tất cả những tài sản thiêng liêng mà những người không công giáo thừa hưởng đã được Chúa Kitô trao gởi cho Giáo Hội Người là Giáo Hội Công Giáo. (Trở lại đầu trang)

19 Xem CÐ Lateranô IV (1215), Hiến chế IV: Mansi 22, 990. - CÐ Lyon II (1274), tuyên xưng đức tin của Michael Palaeologiô: Mansi 24, 71 E. - CÐ Firenze, khóa VI (1439), Ðịnh tín Laerentur coeli: Mansi 31, 1026 E. (Trở lại đầu trang)

11* Sắc lệnh này dùng tiếng latinh "seiunctae" nghĩa là "tách riêng", tiếng này có vẻ nhẹ hơn là "ly khai". (Trở lại đầu trang)

12* Ðức Giáo Hoàng đã thêm tiếng "Công Giáo"; quả thực Giáo Hội Công Giáo là chính Giáo Hội đã được Chúa Kitô sáng lập. (Trở lại đầu trang)

13* Câu này trích từ một bức thư Tòa Thánh gửi Ðức Hồng Y Cushing ở Boston (ngày 8 tháng 8 năm 1949) nói rằng Giáo Hội Công Giáo là một phương tiện cứu rỗi cần thiết; đồng thời tài liệu ấy cũng cho biết mối liên lạc nào với Giáo Hội Công Giáo đủ để được cứu rỗi. Dẫn chứng câu này, Công Ðồng chuẩn nhận học thuyết ấy làm học thuyết của mình. (Trở lại đầu trang)

14* Theo lời yêu cầu của Ðức Giáo Hoàng, tiếng các "chi thể" đã được thêm vào để nhấn mạnh rằng Giáo Hội "tự bản tính" không thể nhiễm tội (Eph 5,27), song chính các chi thể của Giáo Hội mới chịu trách nhiệm về tội lỗi của họ. (Trở lại đầu trang)

15* Sắc lệnh mời gọi tất cả những người công giáo góp phần tích cực và khôn ngoan vào công cuộc hiệp nhất. (Trở lại đầu trang)

16* Ðoạn này đề nghị vài phương thế có thể hỗ trợ cho nguyên nhân hiệp nhất: tránh tất cả những gì có thể đụng chạm tới các anh em ly khai, đối thoại, cầu nguyện, canh tân đời sống thiêng liêng và cải cách những gì cần thiết. (Trở lại đầu trang)

17* Trước tiên là vấn đề những người đi đến Giáo Hội với tư cách cá nhân. Người ta tránh dùng chữ "trở lại". Những đoạn tiếp, theo sự mô tả các phương thế khác nhau, biểu lộ một tâm thức hiệp nhất đích thực. (Trở lại đầu trang)

20 Xem Giac 1,4; Rm 12,1-2. (Trở lại đầu trang)

21 Xem 2 Cor 4,10; Ph 2,5-8. (Trở lại đầu trang)

22 Xem Eph 5,27. (Trở lại đầu trang)

18* Ðề cập đến các phương pháp và cách thức tìm hiểu, đào sâu và diễn tả những chân lý mạc khải mà ý nghĩa vẫn luôn đồng nhất đối với mọi người. (Trở lại đầu trang)

 


Trở Lại Mục Lục Thánh Công Ðồng Vatican II

Back to Vietnamese Missionaries in Asia Home Page