Thánh Công Ðồng Chung Vaticanô II
Sắc Lệnh
Về Ðào Tạo Linh Mục
Optatam Totius
Prepared for Internet by Vietnamese Missionaries in Asia
Lời Giới Thiệu
Ðể đo lường tất cả những gì Sắc Lệnh về Ðào Tạo Linh Mục mang lại, trước tiên, chúng ta hãy nhìn qua chính việc đào tạo các Linh Mục qua các thời đại, từ thời Giáo Hội sơ khai đến thời Công Ðồng Triden - lúc các chủng viện được thành lập - và từ thời đó đến thời Công Ðồng Vaticanô II. Sau đó chúng ta sẽ nêu lên nguồn gốc và sự tiến triển của chính bản Sắc Lệnh; rồi chúng ta sẽ tóm lược nội dung bản văn để rút tỉa những viễn tượng mới mẻ và những lợi ích của Sắc Lệnh. Sau cùng là một vài trang về tài liệu hướng dẫn tham khảo giúp những ai muốn tìm hiểu vấn đề một cách sâu rộng hơn.
I. Quá Trình Lịch Sử Về Việc Ðào Tạo Linh Mục
A. Từ thời thượng cổ đến thời Công Ðồng Triden
Các vị chăn dắt Giáo Hội sơ khai thường được tuyển chọn trong số các giáo hữu trưởng thành sống bên cạnh các Thánh Tông Ðồ và những môn đệ trực tiếp của Chúa. Họ rao giảng Phúc Âm, chủ tọa các buổi họp, "ban phát bánh" như chính Chúa Giêsu đã làm. Những trẻ em Kitô giáo, cũng như các trẻ em khác, đều theo học nền giáo dục cổ điển La Hy do các giáo sư Kitô giáo hay lương dân chỉ dạy. Khi hoàng đế Giulianô cấm các nhà giáo dục Kitô hữu với sắc lệnh ngày 17-6-362, người ta nhận thấy các nhà giáo dục Kitô hữu đã tìm phương thế thiết lập những trường Kitô giáo nhưng lại dạy theo lối cổ điển: đó là hai giáo sư Apollinarios Tiền và Apollinarios Hậu. Họ phỏng tác năm cuốn đầu của Cựu Ước theo thể văn thơ, những sách sử ký của Cựu ước theo văn thể kịch, và những bản văn của Tân Ước dưới nhiều hình thức phỏng theo Plato. Khi sắc lệnh ngăn cấm được bãi bỏ, năm 364 các giáo sư và học sinh Kitô hữu trở lại với các trường cổ điển. Nếu thời ấy không có những trường học Kitô giáo đặc biệt dành riêng cho các lớp tiểu học và trung học, thì lại có những trường cho các lớp cao hơn. Những giáo sư như thánh Giustinô, thánh Clementê thành Alexandria, Origenê đã mở phân khoa triết học Kitô giáo với mục đích chống lại chủ trương muốn hạ vấn đề mạc khải xuống bậc hiểu biết thuần túy tự nhiên.
Những vị giáo sư rất hùng biện này đã đào sâu và trình bày đạo lý Kitô giáo theo đòi hỏi của các nhu cầu thời đại. Dĩ nhiên những trường này hầu hết đều dựa vào việc học hỏi vững chắc về Thánh Kinh và đào tạo cho Giáo Hội những vị Linh Mục và Giám Mục, nhất là ở Rôma và ở Alexandria. Tuy nhiên hầu hết những giáo sĩ được tuyển chọn đều nhờ sự tiếp xúc cá nhân với các Giám Mục hay Linh Mục đứng tuổi tại địa phương. Thánh Augustinô đã thành lập chủng viện theo phương cách đó: Giám Mục đương kim và linh mục cùng chung sống dưới một kỷ luật, và lời giảng dạy với gương sáng của các đấng chăn dắt là yếu tố chính yếu trong việc đào tạo linh mục. Hình thức này đã lan rộng đến một vài nơi ở Ý, ở Pháp, và ở Tây Ban Nha nhưng không kéo dài được bao lâu.
Vào thời Trung Cổ, các nơi tu học được liên kết với các học viện lớn để rồi dần dần trở thành những chủng viện của các dòng này, và đã bảo đảm việc đào tạo các linh mục tương lai của dòng. Vào khoảng năm 826, Ðức Giáo Hoàng Eugeniô II, trong Công Ðồng họp ở Rôma, đã yêu cầu thiết lập trường học bên cạnh mỗi nhà thờ chánh tòa để giáo dục thanh thiếu niên và để chuẩn bị hàng giáo sĩ tương lai.
Chẳng bao lâu, với đà phát triển của các đại học, những trường trung học và nội trú được thành lập bên cạnh các đại học để cho các tu sĩ lui tới tham dự. Nhưng số tu sĩ tham dự lại quá ít, và ngoài số các tu sĩ có trình độ học vấn cao đó, phần lớn các tu sĩ tiếp tục thụ giáo tại nhà để đạt một sự hiểu biết khái quát mà thôi.
Vào năm 1179, Công Ðồng Lateranô III ca ngợi việc thành lập các trường giáo phận trong toàn thể Giáo Hội. Công Ðồng Lateranô IV năm 1215 nhấn mạnh rằng tại mỗi trường như thế cần phải có một giáo sư thần học đầy đủ tư cách để dạy Thánh Kinh và Mục Vụ cho các linh mục tương lai. Ðức Giáo Hoàng Honoriô III (năm 1183) trong sắc lệnh "Super Specula" và Ðức Bonifaciô VIII (năm 1289) trong sắc lệnh "Cum ex Eo" cũng đã đặc biệt chú trọng đến vấn đề đào tạo linh mục.
Vào thời Phục Hưng, người ta cho rằng một trong những khó khăn trầm trọng của Giáo Hội chính là việc thiếu chuẩn bị chu đáo cho công trình đào tạo linh mục. Phong trào ly giáo phát khởi từ Luther lại biến nhu cầu cấp bách đó thành mãnh liệt hơn. Do đó Công Ðồng Triden nhất quyết đương đầu với vấn đề này.
B. Công trình của Công Ðồng Triden đối với việc đào tạo linh mục
Công trình này không đột khởi như một "ngẫu sinh". Cũng nên biết rằng chính các linh mục dòng Tên tiên khởi đã cảm thấy nhu cầu đó. Trong suốt thời giảng đạo ở Ðức, từ năm 1542-1545, một đồ đệ của thánh Inhaxiô thành Loyola đã từng nhấn mạnh về việc cần phải thiết lập những học viện đặc biệt để giúp tu sinh. Ðã có người quan tâm tới ý kiến của ngài: đó là Ðức Hồng Y Giovanni Morone, người đã giúp thánh Inhaxiô thành lập ở Rôma một Học Viện Ðức vào năm 1552 cho những linh mục tương lai sắp được gởi sang Ðức. Họ cư ngụ ở Học Viện Ðức nhưng theo học ở Học Viện Rôma (thánh Inhaxiô thành lập Học Viện này trước đó hai năm để đào tạo các linh mục dòng Tên). Thêm vào số đó còn có rất nhiều tu sĩ ở các nơi khác cũng đến học. Lúc đó Học Viện Rôma có tới 300 sinh viên (trong số có 60 tu sinh) và con số đã lên đến 1,000 vào năm 1567. Các trường giáo phận được canh tân ở một vài nơi: Ðức Giám Mục Gian Matteo Giberti de Verona với "trường trợ sĩ" ở Verona; giảng sư J. Kayserberg đã tích cực góp ý kiến cho Giám Mục Albert de Barrière để bổ khuyết cho trường giáo phận một học viện thần học. Ngay cả những anh em ly khai cũng đã chú ý đến vấn đề này: Tổng Giám Mục Catobury là Thomas Crammer (1489-1556) đã canh tân những trường giáo phận trong năm 1553.
Lược đồ đầu tiên trình bày ở Công Ðồng Triden được gợi hứng một cách trung thực do bản văn của Ðức Hồng Y Reginald Pole: "De Seminariis Erigendis" trong giáo luật số 11 của cuộc họp Thượng Hội Ðồng ở nước Anh năm 1556. Người ta cũng đã thành lập một ủy ban nghiên cứu về sự lạm dụng trong việc ban chức phẩm và tìm kiếm những phương thế để tu sửa lại bằng nỗ lực đào tạo giáo sĩ một cách tốt đẹp. Năm 1563 ủy ban đã thâu góp được nhiều tập kỷ yếu khác nhau: kỷ yếu của Ðức Tổng Giám Mục Ragusa Louis Beccadelli gợi ý thành lập chủng viện, kỷ yếu của Tổng Giám Mục Reins ca ngợi sự canh tân các trường giáo phận. Sau cùng hoàng đế Ferdinand I, em ruột của Carlos Quinto, yêu cầu thiết lập những trường dành riêng cho giáo sĩ bên cạnh các đại học.
Năm 1563, Công Ðồng Triden dành trọn mục 18 của phiên họp thứ 23 cho vấn đề hệ trọng này. Ðây là những nét chính: mỗi giáo phận phải có một tiểu chủng viện bên cạnh nhà thờ chính tòa; nếu không thể được, có thể lập một tiểu chủng viện chung cho những giáo phận lân cận; không nhận những trẻ em dưới 12 tuổi vào tiểu chủng viện vì chúng chưa ý thức đủ và rõ ràng về thiên chức Linh Mục. Nên nhận những trẻ em nghèo; những trẻ em giàu muốn được thu nhận phải đóng lệ phí. Phải có Thánh Lễ mỗi ngày cho mọi người tham dự. Cho hồi tục tức khắc những kẻ bất tuân và những kẻ không có ơn kêu gọi. Phải lựa chọn kỹ lưỡng những linh mục phụ trách công việc hệ trọng này. Lợi tức và tiền quyên trong giáo phận được dùng để giúp đỡ chủng viện. Chính Ðức Giám Mục đích thân điều hành chủng viện, bên cạnh ngài có hai hội đồng phụ tá: một hội đồng kỷ luật và linh hướng, một hội đồng tài chánh.
C. Áp dụng Sắc Lệnh của Công Ðồng Triden
Ðức Giáo Hoàng Piô IV đã nêu gương bằng cách thiết lập tại Rôma một chủng viện vào năm 1565. Rất nhiều Công Ðồng Miền thêm một số quy luật về thành lập chủng viện khắp nơi.
Thánh Carolô Borromeô là một trong những nhà vô địch của vấn đề canh tân theo chiều hướng Công Ðồng: tuy ở Milan chẳng bao lâu, ngài cũng đã mở một chủng viện cho 150 sinh viên học về Giáo Hội. Ngài cũng thiết lập "La Canonisa" cho những người tuy không có năng khiếu về môn học này nhưng có dịp thể hiện niềm hy vọng trở thành linh mục nhân đức và nhiệt thành: có 60 sinh viên được đào tạo với một căn bản vững chắc về Thánh Kinh, thần học tín lý và mục vụ. Sau đó ngài còn thiết lập 3 chủng viện "dự bị": một cho lớp người đứng tuổi, một cho thanh niên và một cho thiếu niên. Ngài mời các cha Dòng Tên cộng tác trong chủng viện và chính ngài cũng hô hào phong trào "góp công góp của" (theo gương Thánh Ambrosiô) để nuôi sống chủng viện. Ngài viết tập "Institutiones ad unversum seminarii regimen pertinentes".
Ở Pháp, Ðức Hồng Y Charles de Lorraine, Tổng Giám Mục Reins là người đầu tiên áp dụng Sắc Lệnh Công Ðồng Triden; dầu chiến tranh tôn giáo đã làm chậm trễ nhiều nhưng ngài cũng đã thành công trong việc thực hiện. Ba vĩ nhân tên tuổi trong việc thực hiện sắc lệnh của Công Ðồng ở Pháp là: Thánh Vincent de Paul, Cha J.J. Olier và Thánh Jean Eudes.
Thánh Vincent de Paul bắt đầu bằng việc mở một cuộc họp suốt mười ngày để huấn đức cho các linh mục tương lai; sau đó việc huấn đức biến thành một giai đoạn học tập trong vòng 2 hoặc 3 năm kể từ khi mãn triết học cho đến lúc thụ phong linh mục. Năm 1635 ngài mở một phân khoa thần học ở Học Viện "Des Bons Enfants", rồi ở St. Lazare cho phân khoa nhân văn. Vào năm 1642 ngài cũng thành lập một chủng viện. Lúc cách mạng 1789 xảy ra, các linh mục của Hội Truyền Giáo (do thánh Vincent de Paul sáng lập) đã điều khiển đến một phần ba những chủng viện ở Pháp: khoàng 53 đại chủng viện và 9 tiểu chủng viện.
Cha Olier thành lập chủng viện quốc gia tại họ đạo St. Sulpice ở Paris, và hai năm sau tức năm 1644, ngài nhận chủng sinh của 20 giáo phận khắp nước Pháp gởi đến. Vào năm 1651 ngài phát hành một bản qui luật mô phỏng theo "các qui luật của chủng viện". Các linh mục của chủng viện này cũng đã đích thân giúp đỡ những chủng viện khác theo sự yêu cầu của các Giám Mục.
Thánh Jean Eudes, nhà giảng thuyết và cũng là sáng lập viên dòng Thánh Tâm, lập một chủng viện ở Caen năm 1663. Sau đó một thế kỷ, các linh mục của chủng viện này trở thành những nhà giáo dục của 40 chủng viện.
Cuộc Cách Mạng Pháp 1789 đã gây ra những hậu quả tai hại cho công trình thiết lập chủng viện ở Âu Châu: hầu hết các chủng viện đều phải đóng cửa hay giải tán. Vào thế kỷ XIX, dần dần các chủng viện lại được tái lập khắp nơi. Vào thời đại này, Ðức Giáo Hoàng Piô X phục hưng Giáo Triều Rôma và đặc biệt nâng đỡ các đại học. Năm 1915, Ðức Beneđictô XV thêm vào Thánh Bộ về đại học một Thánh Bộ về chủng viện. Những khoản luật (1357-1377) của bộ Giáo luật mới năm 1918 tiế tục xác định điều đó.
Tóm lại, các vị Giáo Hoàng đã bận tâm rất nhiều về vấn đề đào tạo hàng Giáo Sĩ. Trong thế kỷ XX này, tất cả những bận tâm ấy đã trở thành một "tài liệu" quí giá cho vấn đề đào tạo các linh mục: chính Công Ðồng Vaticanô II đã ghi rõ điều đó trong "lời mở đầu" của "Sắc Lệnh về Ðào Tạo Linh Mục".
II. Nguồn Gốc Và Sự Phát Triển Của Bản Văn "Sắc Lệnh Về Ðào Tạo Linh Mục"
Ðược triệu tập trong chiều hướng mục vụ hơn là tín lý, Công Ðồng Vaticanô II không thể không đưa lên hàng đầu mối quan tâm về viêc đào tạo các linh mục tương lai. Với truyền thống sống động luôn đổi mới "giống như tế bào của một đại thân thể" (theo lời Ðức Giám Mục Brunon), và với nền tảng kinh nghiệm của hàng chục thế kỷ. Giáo Hội muốn nghiên cứu lại lãnh vực này và canh tân phương pháp để việc chuẩn bị các linh mục được hữu hiệu hơn. Sắc Lệnh đáp ứng lại mối ưu tư của tất cả các nghị Phụ Công Ðồng. Ðược các phiên họp ban đầu sửa soạn chu đáo, bản văn là một thành quả đã được vun tưới và chín mùi do việc học hỏi và đào sâu tất cả những vấn đề khác của Công Ðồng. Bản văn được bỏ phiếu chấp thuận hầu như tuyệt đối ngày 29-10-1965 trong suốt phiên họp cuối cùng.
Chúng ta tuần tự ghi lại những giai đoạn cấu thành Sắc Lệnh quan trọng này:
- 5-6-1960: Tự Sắc "Superno Dei Nutu" thành lập 10 Ủy Ban chuẩn bị Công Ðồng. Ủy Ban thứ Bảy là ủy ban lo về vấn đề giáo dục và chủng viện Chủ Tịch Ủy Ban là Ðức Hồng Y Pizzardo; Ủy Ban có 90 hội viên gồm 19 quốc gia. 32 cố vấn thuộc 8 quốc gia: tất cả đều được chính Ðức Giáo Hoàng triệu tập.
- 24-2-1962: Ðức Hồng Y Pizzardo trình bày ở phiên họp thứ tư của ủy Ban Trung Ương hai bản văn đã được soạn thảo từ năm 1960 và đã được thông tri cho các Giám Mục.
Lược đồ A1: Sắc Lệnh về việc "cổ võ ơn thiên triệu trong Giáo Hội".
Lược đồ A2: Hiến chế về việc đào tạo các chủng sinh có chức thánh".
- 27-2-1965: Kết thúc phiên họp thứ tư của Ủy Ban Trung Ương. Ðức Giáo Hoàng Gioan XXIII đã nói: "Chúng con hãy biết rằng những vấn đề đó (ơn kêu gọi, chủng viện) đã ăn rễ sâu trong tim Cha".
- 12-6-1962: Kết quả cuộc bàn cãi: một lược đồ mới thành hình: lược đồ B, gồm tóm cả hai lược đồ A1 và A2.
- 16-10-1962: Các Nghị Phụ Công Ðồng chọn 16 nhân viên vào tân Ủy Ban; Ðức Giáo Hoàng cho thêm 9 nhân viên nữa: Ủy Ban đại diện cho 16 quốc gia.
- 21-2-1963 đến 2-3-1963: Duyệt kỹ lại lược đồ B; lược đồ C ra đời, sẵn sàng gởi đến các Nghị Phụ Công Ðồng vào tháng 5.
- 4-1964: Sau khi đúc kết ý kiến của các Nghị Phụ và các Hội Ðồng Giám Mục, một bản văn mới lại được đưa ra: lược đồ D.
- 3 đến 11-3-1964: Ủy Ban duyệt lại bản văn D và rút gọn lại, do đó có lược đồ E: "Sacra synodus" được gởi tới tận tay các Nghị Phụ ngày 27-7-1964.
- 9 và 10-1964: Duyệt lại lược đồ E theo những đề nghị nhận được, lược đồ F ra đời và được gởi đến các Nghị Phụ vào tháng 11.
- 12-11-1964: Sau bài thuyết trình của Ðức Cha Carraro, nguyên Viện Trưởng chủng viện Treviso, bản văn được bàn cãi trong Công Ðồng suốt bốn ngày. Có tới 32 lần phát biểu ý kiến (trong đó có bốn lần thuộc các xứ truyền giáo) và 67 lần góp ý bằng thư.
- 17-11-1964: Bản văn hầu như được chấp thuận hoàn toàn nhưng có tới 1,358 đề nghị tu chỉnh.
- 5-1965:Bản văn mới, lược đồ G, hoàn tất sau khi Ủy Ban đã cố gắng đưa vào nhiều đề nghị tu chỉnh.
- 11-10-1965: Kỳ họp IV Công Ðồng: bỏ phiếu chung quyết. Trước tiên là bỏ phiếu các số của Sắc Lệnh.
- 13-10-1965: Sau đó bỏ phiếu chung cho lược đồ G: có 2,196 phiếu thuận trong số 2,212.
- 28-10-1965: Bỏ phiếu công bố chính thức: trong tổng số 2,321 phiếu có tới 2,318 phiếu thuận và chỉ có 3 phiếu chống. Thế là lược đồ H thành bản văn chính thức của Sắc Lệnh.
Trong tất cả những văn kiện của Công Ðồng, chỉ có 2 Sắc Lệnh: tức Sắc Lệnh về Tông Ðồ Giáo Dân (với 2 phiếu chống) và Sắc Lệnh về Nhiệm Vụ Mục Vụ của các Giám Mục (với 2 phiếu chống và một phiếu bất hợp lệ) là đạt được đa số tuyệt đối cao hơn Sắc Lệnh này. Có thể nói rằng bản văn này là kết tinh của bao nỗ lực của Công Ðồng và đã mang lại cho Giáo Hội hôm nay những định hướng quan trọng. Vì vậy, mặc dù những khủng hoảng hiện nay, nó vẫn cho ta thấy trước một cuộc canh tân và một thành quả có thể làm cho tâm hồn các vị chủ chăn tràn đầy tin tưởng.
III Tổng Quát Về Nội Dung Sắc Lệnh
Lời mở đầu: Tầm quan trọng và giá trị phổ quát của vấn đề đối với việc canh tân.
Chương I: Số 1: Phương thức đào tạo phải được áp dụng trong mỗi quốc gia: sự đồng nhất và thích nghi.
Chương II: Số 2: Ân cần cổ võ ơn thiên triệu linh mục là việc chung của mọi người: gia đình, giáo xứ, nhà giáo dục, linh mục, giám mục; chỉnh đốn hành động để đáp ứng với hành động của Chúa Quan Phòng; phương tiện cổ truyền và mới mẻ.
Số 3: Ðối tượng của số này: các Tiểu Chủng Viện; cung ứng một nền giáo dục vững chắc và thích hợp về nhân bản và thiêng liêng; về những thanh thiếu niên thuộc các ngành giáo dục khác và những ơn kêu gọi muộn.
Chương III: Tổ chức các Ðại Chủng Viện.
Số 4: Sự cần thiết và mục đích của mục vụ đòi phải đào tạo chủng sinh dưới mọi khía cạnh.
Số 5: Vấn đề quan trọng: các nhà giáo dục phải được chọn lựa, chuẩn bị, thống nhất chặt chẽ, được Giám Mục và tất cả các linh mục trong giáo phận khuyến khích: tất cả mọi người giúp đỡ chủng viện.
Số 6: Nghiên cứu về ơn thiên triệu: ý ngay lành, tự do, khả năng, sự kiên quyết.
Số 7: Chủng Viện từng vùng: để có một nhóm những nhà giáo dục hoàn hảo. Chú trọng đến phẩm cách những kẻ thụ giáo: nếu nhóm quá đông, nên thành lập những nhóm nhỏ hơn, có người hướng dẫn đàng hoàng.
Chương IV: Huấn luyện tu đức vững chắc.
Số 8: Ðào tạo đời sống mật thiết với Chúa Ba Ngôi, Chúa Kitô, Ðức Mẹ: một đời sống cầu nguyện theo tinh thần Phúc Âm và nhiệt thành.
Số 9: Ðào tạo tinh thần Giáo Hội: cộng tác viên tương lai của các Giám Mục, những cộng sự viên của các Linh Mục khác, trong tinh thần phục vụ khiêm nhượng, vâng lời với trách nhiệm, nghèo khó, tin tưởng vào ơn thiên triệu.
Số 10: Ðào tạo một đời sống độc thân linh mục: một động lực siêu nhiên, cánh chung và tông đồ, một ân huệ do sự kiên tâm cầu nguyện đem lại. Ý thức rõ ràng về hôn nhân. Chấp nhận sự từ bỏ ấy trong tự do và ý thức.
Số 11: Ðào tạo trưởng thành về nhân cách: tính tình, sự bền chí, những đức tính nhân bản, sống kỷ luật với tinh thần siêu nhiên và trong cách sử dụng tự do.
Số 12: Phương thế đặc biệt của việc đào tạo: thời gian đào tạo, thời kỳ tập sự giữa các năm học, tuổi truyền chức được ấn định cao hơn, thực tập chức phó tế.
Chương V: Các môn học của Giáo Hội.
Số 13: Trước hết phải có một nền giáo dục trung đẳng vững chắc về nhân bản và khoa học, phải biết La Ngữ và những cổ ngữ trong Thánh Kinh và Thánh Truyền.
Số 14: Ðịnh hướng tiên quyết; học về mầu nhiệm Chúa Cứu Thế và việc Cứu Chuộc, biết dung hòa môn triết học với thần học.
Số 15: Triết học: Mục đích: tìm hiểu về con người, vũ trụ, Thiên Chúa; trọng trách bảo vệ gia sản có giá trị ngàn đời, những tương quan triết học hiện đại, đào sâu lịch sử, khuyến khích việc học hỏi cá nhân, chứng minh sự liên quan giữa học thuyết với những vấn đề nhân sinh và mầu nhiệm Cứu Chuộc.
Số 16: Thần học: Mục đích: thấu triệt vấn đề mạc khải; sống mạc khải và biết trình bày mạc khải.
Thánh Kinh: linh hồn của môn thần học, học biết chú giải, biết những đề tài quan trọng của mạc khải. Thánh Kinh như món ăn thiêng liêng.
Tín lý: Bắt đầu từ những đề tài trong Thánh Kinh, minh chứng sự đóng góp của các Giáo Phụ, với sự liên quan lịch sử. Suy luận theo chiều hướng của Thánh Tôma.
Luân lý: có tính cách Thánh Kinh hơn và theo chiều hướng bác ái.
Giáo luật và Giáo sử: liên quan với mầu nhiệm Giáo Hội.
Phụng vụ: Theo "Hiến Chế về Phụng Vụ Thánh". Học về hiệp nhất và các tôn giáo khác.
Số 17: Phương pháp sư phạm: Học hỏi kỹ càng, khuyến khích làm việc riêng, làm việc tập thể, nhằm sự hiệp nhất và tinh thần liên đới; tránh những phiền phức gò bó của luật lệ, nên chọn lựa những vấn đề thực tế hơn.
Số 18: Giáo dục nơi đại học: Lựa chọn cẩn thận những người có khả năng thích hợp theo các phân khoa đại học nhưng vẫn tiếp tục hướng dẫn họ về vấn đề tu luyện đạo đức.
Chương VI: Vấn đề đào tạo mục vụ nói riêng.
Số 19: việc đào tạo mục vụ phải chi phối tất cả các việc đào tạo khác; biết nghệ thuật linh hướng, biết phát triển mọi khả năng đối thoại, biết nghe, biết yêu thương.
Số 20: Những môn học bổ túc: Sư phạm, tâm lý xã hội, tông đồ giáo dân, tinh thần tông đồ phổ quát và truyền giáo.
Số 21: Thực hành việc tông đồ: Ðó là vấn đề cần thiết trong kỳ nghỉ và suốt thời gian học tập với một phương pháp được người có thẩm quyền hướng dẫn chu đáo; phải xác tín tầm quan trọng ưu tiên của những phương tiện siêu nhiên đối với việc tông đồ.
Chương VII: Việc huấn luyện bổ túc sau khi mãn trường.
Số 22: Tiếp tục đào luyện thường xuyên cho các giáo sĩ: nhờ các học viện, qua các kỳ hội thảo, bằng những hoạt động định kỳ.
Kết luận: Trong chiều hướng của Công Ðồng Triden nhưng với một tinh thần mới mẻ, Giáo Hội và Công Ðồng Vaticanô II hy vọng nhiều nơi các linh mục tương lai, vì nhờ sự huấn luyện kỹ càng và thích hợp, các linh mục đó sẽ đạt được những kết quả lâu bền.
IV. Viễn Tượng Mới Do Sắc Lệnh Mang Lại
Tuy được cưu mang trước Công Ðồng, nhưng Sắc Lệnh chỉ chào đời vào thời kỳ họp cuối cùng. Có thể nói Sắc Lệnh đã hấp thụ bầu khí của Công Ðồng để chín dần, đã được dinh dưỡng bằng nhựa sống dồi dào và phong phú trong khoảng đất đầy mầu mỡ do những dữ kiện học hỏi giáo lý và mục vụ ở những sắc lệnh khác.
Nơi đây ta còn nhận thấy các quan tâm và định hướng rõ rệt của Công Ðồng Vaticanô II: tính cách ưu tiên của mục vụ trong việc đào tạo, nhấn mạnh việc giáo dục nhân bản, tinh thần hiệp nhất, cởi mở với những trào lưu hiện đại để đưa đến một cuộc đối thoại thực sự, những hoạt động mục vụ trong toàn thể Giáo Hội đối với việc dìu dắt mầm non ơn thiên triệu, tinh thần mới mẻ trong việc học tập rộng rãi các huấn lệnh của Giáo Hội, trách nhiệm tiên phong của những Hội Ðồng Giám Mục đối với những việc liên quan đến phương thức đào tạo các linh mục, nhấn mạnh về vấn đề đào tạo trường kỳ cho giáo sĩ giữa một thế giới luôn luôn đổi mới của thời đại này.
Bởi vậy Sắc Lệnh này phù hợp với tất cả những văn kiện của Công Ðồng Vaticanô II. Tập "Giáo Huấn" ngày 6-1-1970 của Thánh Bộ Giáo Dục Công Giáo đã trình bày những tiêu chuẩn đào tạo linh mục tương lai. Với tài liệu này, các Hội Ðồng Giám Mục có trách nhiệm đã được chỉ dẫn đầy đủ. Các linh mục tương lai có thể vững tâm trông cậy hoàn toàn vào Thánh Thần Thiên Chúa, Ðấng đã linh ứng và hướng dẫn Giáo Hội không ngừng, để dọn mình làm linh mục của Chúa Kitô, linh mục của ngày mai và của hết thảy mọi thời đại.
Với Sắc Lệnh này, chúng ta thấy được biết bao tiến bộ về quan niệm đào tạo linh mục. Chỉ cần đọc lại những mệnh lệnh của giáo luật về vấn đề chủng viện cũng đủ để đi đến kết luận rằng: dù mối bận tâm của Giáo Hội đối với những linh mục tương lai trước sau vẫn là một, nhưng tinh thần những định hướng mới mẻ và những chú trọng đặc biệt trong Sắc Lệnh cho chúng ta thấy có một cái gì rất đặc sắc.
Linh mục theo Công Ðồng Vaticanô II là một linh mục kết hiệp với Thầy Chí Thánh, khao khát một đời sống Phúc Âm thực sự, đi theo đường Chúa Giêsu đã đi, và đồng thời là người lo lắng đem thân mình phục vụ anh em và mọi người trong một cuộc gặp gỡ cởi mở, chân thành và thích nghi. Nhờ đó linh mục có thể đem đến cho mọi người Sứ điệp của Chúa Kitô trong một ngôn ngữ dễ hiểu và linh động, cống hiến cho họ ơn cứu rỗi của Chúa Kitô, Ðấng đã tự hiến qua một Giáo Hội có khuôn mặt trẻ trung, có vòng tay và con tim rộng mở chờ đón hết mọi con người của thời đại chúng ta và tất cả mọi dân tộc. Ðồng ý với một quan sát viên Công Ðồng, chúng ta tin rằng: "Ðó là một trong số những bản văn rất cởi mở và rất mới mẻ của Công Ðồng" (Etudes, tháng 1, 1968).