Thánh Công Ðồng Chung Vaticanô II

 

Hiến Chế Mục Vụ

Về Giáo Hội

Trong Thế Giới Ngày Nay

Gaudium Et Spes

 

Bản dịch Việt Ngữ của Giáo Hoàng Học Viện Piô X

Prepared for Internet by Vietnamese Missionaries in Asia


 

Chương IV

Sứ Mệnh Của Giáo Hội

Trong Thế Giới Ngày Nay 44*

 

40. Tương quan giữa Giáo Hội và thế giới. Tất cả những gì chúng ta đã trình bày về phẩm giá con người, về cộng đoàn nhân loại, về ý nghĩa sâu xa của hoạt động nhân loại tạo thành căn bản cho sự tương quan giữa Giáo Hội và thế giới cũng như nền tảng cho cuộc đối thoại giữa đôi bên 1. Bởi vậy, dựa trên tất cả những gì về mầu nhiệm Giáo Hội mà Công Ðồng này đã tuyên bố, trong chương này sẽ phải đề cập đến cũng chính Giáo Hội, xét như thực tại hiện diện ở thế giới này, cùng sống và cùng hoạt động với thế giới ấy.

Phát sinh từ tình yêu Chúa Cha muôn đời 2, do Chúa Kitô là Ðấng Cứu Ðộ thiết lập trong thời gian, được qui tụ trong Chúa Thánh Thần 3, Giáo Hội có mục đích cứu rỗi và cánh chung. Mục đích này chỉ có thể thành tựu trọn vẹn trong thời kỳ sẽ đến. Nhưng giờ đây Giáo Hội đã hiện diện trên trái đất này rồi, được qui tụ gồm những con người là phần tử của xã hội trần gian; họ được kêu gọi để hợp thành gia đình các con cái Thiên Chúa ngay trong lịch sử nhân loại, ngõ hầu tăng trưởng luôn mãi cho tới khi Chúa đến. Hiệp nhất để nhằm đạt những của cải thiêng liêng, trở nên giàu có vì những của cải ấy, gia đình này "như một xã hội được thiết lập qui củ trên trần gian" 4, được trang bị "các phương thế thích hợp để kết hiệp thành một xã hội hữu hình" 5. Như thế, là "một đoàn thể hữu hình và là cộng đoàn thiêng liêng" 6, Giáo Hội đồng tiến với toàn thể nhân loại và cùng chia sẻ một số phận trần thế với thế giới; Giáo Hội như men và hồn của xã hội loài người 7, sẽ được đổi mới trong Chúa Kitô và biến thành gia đình của Thiên Chúa.

Thực ra, sự tương nhập giữa hai xã hội trần thế và thiên đàng chỉ có thể nhận thức được qua đức tin. Hơn nữa, đó còn là một mầu nhiệm của lịch sử nhân loại, một lịch sử bị tội lỗi xáo trộn cho đến khi vinh quang con cái Thiên Chúa được mạc khải đầy đủ. Tuy nhiên trong khi đeo đuổi mục đích cứu rỗi cá biệt của mình, Giáo Hội không phải chỉ truyền thông sự sống Thiên Chúa cho con người, nhưng còn chiếu giãi ánh sáng của đời sống ấy cách nào đó trên toàn thế giới. Giáo Hội làm công việc này, trước hết bằng cách chữa trị và nâng cao phẩm giá nhân vị, củng cố cơ cấu của xã hội nhân loại và thấm nhuần cho hoạt động thường nhật của con người một chiều hướng và một ý nghĩ sâu xa hơn. Như thế, nhờ từng phần tử và tất cả cộng đoàn, Giáo Hội tin tưởng có thể đóng góp nhiều vào việc biến đổi gia đình và lịch sử loài người trở nên nhân đạo hơn.

Ngoài ra, Giáo Hội Công Giáo sẵn sàng tán thưởng những việc mà các Giáo Hội Kitô giáo hay các cộng đoàn giáo hội khác đã và còn đang thực hiện để đóng góp vào việc chu toàn cùng một bổn phận này. Ðồng thời, Giáo Hội xác tín mạnh mẽ rằng thế giới có thể có nhiều cách góp phần lớn lao vào việc dọn đường cho Phúc Âm bằng tài năng và hoạt động cá nhân cũng như của xã hội. Sau đây là một vài nguyên tắc tổng quát để phát triển đúng mức mối tương quan và tương trợ trong những phạm vi mà Giáo Hội và thế giới có phần chung nhau.

41. Sự trợ giúp mà Giáo Hội cố gắng cống hiến mỗi người. Con người hiện đại đang trên đường phát triển trọn vẹn nhân cách của mình và càng ngày càng xác định quyền lợi của mình rõ rệt hơn. Ðược trao phó nhiệm vụ tỏ bày mầu nhiệm của Thiên Chúa, Ðấng làm cùng đích của con người, Giáo Hội cũng đồng thời tỏ cho con người biết ý nghĩa của cuộc đời con người, tức là sự thật thâm sâu về con người. Giáo Hội biết chắc rằng chỉ có Thiên Chúa mà Giáo Hội phụng sự mới đáp ứng được các ước vọng sâu xa nhất của lòng người. Lòng người không bao giờ hoàn toàn thỏa mãn với những của ăn trần thế. Giáo Hội cũng biết rằng con người được Thánh Thần Chúa không ngừng thúc đẩy, sẽ không bao giờ hoàn toàn lãnh đạm trước vấn đề tôn giáo, như kinh nghiệm quá khứ và nhiều chứng tích của thời đại chúng ta minh chứng. Thực vậy, con người luôn khao khát muốn biết, ít là một cách mơ hồ, cuộc sống, hoạt động và cái chết của mình có ý nghĩa gì. Chính sự hiện diện của Giáo Hội nhắc nhở cho con người nhớ đến những vấn đề ấy. Chỉ có Thiên Chúa là Ðấng tạo dựng con người giống hình ảnh Ngài và cứu thoát con người khỏi tội lỗi, mới giải đáp đầy đủ các vấn đề ấy. Ngài giải đáp bằng cách mạc khải trong Con của Ngài là Chúa Kitô, Ðấng đã hóa thân làm người. Ai theo Chúa Kitô, Con Người hoàn hảo, kẻ ấy sẽ được trở nên người hơn.

Dựa trên đức tin ấy Giáo Hội có thể cứu gỡ phẩm giá của bản tính con người khỏi mọi trào lưu tư tưởng di động không ngừng giữa sự khinh dễ và tôn sùng thái quá đối với thân xác con người. Không một luật lệ nào có thể đảm bảo phẩm vị và tự do con người cách thích đáng bằng Phúc Âm Chúa Kitô, đã được trao phó cho Giáo Hội. Thực vậy, Phúc Âm loan báo và công bố sự tự do của con cái Thiên Chúa, phủ nhận mọi hình thức nô lệ vì mọi ách nô lệ rốt cuộc đều bởi tội lỗi mà ra 8. Phúc Âm tôn trọng triệt để phẩm giá và quyết định tự do của lương tâm, lại không ngừng nhắc nhở phát huy mọi tài năng để phụng sự Thiên Chúa và mưu ích cho mọi người. Sau hết, Phúc Âm còn dạy mọi người phải thương yêu nhau 9. Những điều đó phù hợp với luật căn bản trong nhiệm cuộc cứu rỗi của Kitô giáo. Vì, tuy Thiên Chúa vừa là Ðấng Cứu Ðộ, vừa là Ðấng Tạo Dựng, vừa làm Chủ lịch sử nhân loại, vừa làm Chủ lịch sử cứu rỗi, nhưng trong chính chương trình của Thiên Chúa, sự tự trị đúng mức của tạo vật và nhất là của con người không hề bị hủy diệt, trái lại còn được phục hồi và củng cố trong phẩm giá riêng.

Vậy, Giáo Hội dựa vào Phúc Âm đã được ủy thác cho mình mà công bố những quyền lợi của con người, nhìn nhận và tôn trọng năng động của thời hiện đại hiện đang cổ võ những quyền lợi ấy khắp nơi. Tuy nhiên, những trào lưu đó phải được thấm nhuần tinh thần Phúc Âm và phải được bảo vệ cho khỏi nhiễm mọi hình thức tự trị sai lầm. Thực vậy, chúng ta dễ bị cám dỗ nghĩ rằng các quyền lợi của chúng ta chỉ được duy trì trọn vẹn khi trút bỏ mọi Luật Lệ của Thiên Chúa. Nhưng thực ra, đó là đường lối làm cho phẩm giá con người chẳng những không được duy trì mà còn bị tiêu tan đi. 45*

42. Sự trợ giúp mà Giáo Hội cố gắng mang đến cho xã hội nhân loại. Sự thống nhất gia đình nhân loại được củng cố và bổ túc 46* nhiều nhờ sự hiệp nhất của gia đình con cái Chúa đã được thiết lập trong Chúa Kitô 10.

Sứ mệnh riêng biệt mà Chúa Kitô đã ủy thác cho Giáo Hội Người không thuộc phạm vi chính trị, kinh tế hay xã hội: mục đích Người đã ấn định cho Giáo Hội thuộc phạm vi tôn giáo 11. Nhưng, bởi chính sứ mệnh tôn giáo ấy, phát sinh bổn phận, ánh sáng và những sức mạnh có thể giúp thiết lập và củng cố cộng đoàn nhân loại theo Luật Lệ của Thiên Chúa; cũng thế, khi có nơi nào cần, chính Giáo Hội có thể và hơn nữa, phải phát động, tùy theo hoàn cảnh thời gian và nơi chốn, những công cuộc nhằm phục vụ mọi người, nhất là những người cùng khốn, thí dụ như các công cuộc từ thiện hoặc những tổ chức khác tương tự.

Giáo Hội còn nhìn nhận tất cả những gì tốt đẹp trong năng động xã hội hiện tại: nhất là sự tiến tới hiệp nhất, tiến trình xã hội hóa lành mạnh và sự liên đới trong phạm vi công quyền và kinh tế. Thực vậy, việc cổ võ hiệp nhất phù hợp với sứ mệnh sâu xa của Giáo Hội, vì chính Giáo Hội ở "trong Chúa Kitô như bí tích hoặc dấu chỉ và khí cụ của sự kết hợp mật thiết với Thiên Chúa và của sự hiệp nhất toàn thể nhân loại" 12. Như thế, chính Giáo Hội bày tỏ cho thế giới biết rằng sự hiệp nhất bên ngoài trong phạm vi xã hội bắt nguồn từ sự hiệp nhất tâm trí, nghĩa là từ đức tin và đức mến, căn bản hiệp nhất bất khả phân ly của Giáo Hội trong Chúa Thánh Thần. Sinh lực mà Giáo Hội có thể chuyển thông cho xã hội nhân loại ngày nay là đức tin và đức mến ấy, được thể hiện trong cuộc sống, chứ không phải do thế lực bên ngoài nào dựa vào những phương thế hoàn toàn nhân loại.

Hơn nữa, bởi sứ mệnh và bản chất, Giáo Hội không cấu kết với một hình thức văn hóa nhân loại đặc thù nào, hoặc một chế độ chính trị, kinh tế hay xã hội nào. Nhờ tính cách phổ quát ấy, Giáo Hội có thể là một mối dây liên kết hết sức chặt chẽ giữa các cộng đoàn nhân loại và các quốc gia khác nhau, miễn là các quốc gia và cộng đoàn nhân loại ấy tin tưởng vào Giáo Hội và thực sự nhìn nhận Giáo Hội có quyền tự do đích thực để chu toàn sứ mệnh mình. Vì vậy, Giáo Hội khuyến cáo các con cái mình và hết mọi người: hãy vượt qua mọi tranh chấp giữa các quốc gia, chủng tộc trong tinh thần gia đình con cái Thiên Chúa và củng cố các hiệp hội nhân loại chính đáng.

Công Ðồng quí trọng ngưỡng mộ tất cả những gì chân thật, tốt lành và chính đáng trong các tổ chức rất khác biệt mà nhân loại đã và còn đang không ngừng thành lập cho mình. Công Ðồng cũng tuyên bố rằng: Giáo Hội muốn trợ giúp và cổ võ mọi tổ chức ấy trong những gì liên hệ và khả dĩ phù hợp với sứ mệnh của Giáo Hội. Giáo Hội không ao ước gì hơn là được tự do phát triển dưới mọi chế độ để phục vụ lợi ích mọi người, miễn là các chế độ này nhìn nhận những quyền lợi căn bản của con người, của gia đình và những đòi hỏi của công ích.

43. Sự trợ giúp mà Giáo Hội cố gắng nhờ các Kitô hữu mang đến cho hoạt động nhân loại 47*. Công Ðồng khuyến khích các Kitô hữu, công dân của cả hai đô thị, hãy nỗ lực chu toàn cách trung thành những bổn phận trần thế của họ và chu toàn dưới sự hướng dẫn của tinh thần Phúc Âm. Thực sai lầm cho những ai đang khi biết rằng chúng ta không có một quê hương trường tồn ở trần thế và đang phải kiếm tìm một quê hương hậu lai để rồi vì đó tưởng rằng mình có thể xao lãng các bổn phận trần gian 13, như thế là không nhận thấy chính đức tin buộc phải chu toàn các bổn phận đó hoàn hảo hơn, mỗi người tùy theo ơn gọi của mình 14. Ngược lại, cũng sai lầm không kém đối với những ai nghĩ rằng có thể dấn thân hoàn toàn vào công việc trần thế như thể các công việc ấy hoàn toàn xa lạ với đời sống tôn giáo, vì cho rằng đời sống tôn giáo chỉ còn hệ tại những hành vi phượng tự và một vài bổn phận luân lý phải chu toàn. Sự phân ly giữa đức tin mà họ tuyên xưng và cuộc sống thường nhật của nhiều người phải kể vào số những sai lầm trầm trọng nhất của thời đại chúng ta. Và gương mù này ngay trong Cựu Ước các Tiên Tri đã mạnh mẽ tố cáo 15 và trong Tân Ước chính Chúa Giêsu Kitô còn ngăm đe nhiều hơn nữa bằng những hình phạt nặng nề 16. Vậy, không được đem sinh hoạt nghề nghiệp và xã hội mà đối nghịch cách giả tạo với đời sống tôn giáo. Ðối với người Kitô hữu, xao lãng bổn phận trần thế tức là xao lãng bổn phận đối với người lân cận và hơn nữa đối với chính Thiên Chúa, khiến phần rỗi đời đời của mình bị đe dọa. Theo gương Chúa Giêsu đã sống như một người thợ, các Kitô hữu hãy vui mừng vì có thể thi hành mọi hoạt động trần thế mà đồng thời có thể liên kết trong một tổng hợp sống động duy nhất, các cố gắng nhân loại, gia đình, nghề nghiệp, khoa học hay kỹ thuật với các giá trị tôn giáo. Dưới sự điều hướng tối cao của các giá trị tôn giáo này, mọi sự được qui hướng về vinh danh Thiên Chúa.

Những phận vụ và sinh hoạt trần thế thuộc lãnh vực riêng của giáo dân, tuy không độc quyền thuộc về họ. Vì vậy, khi hoạt động, cá nhân hay đoàn thể, với tư cách công dân trần thế, không những họ phải tôn trọng các luật lệ riêng của mỗi ngành nhưng còn phải ra sức tự luyện khả năng chuyên môn thực sự trong các lãnh vực ấy. Họ sẽ sẵn lòng hợp tác với những người cùng theo đuổi những mục đích chung. Nhìn nhận các đòi hỏi và hưởng nhờ sức mạnh của đức tin, khi cần, họ sẽ không do dự đề nghị và thực hiện những sáng kiến mới. Một khi được đào luyện cách thích hợp, lương tâm họ phải đem luật Chúa thấm nhập cuộc sống của xã hội trần gian. Giáo dân hãy mong đợi ánh sáng và sức mạnh tinh thần nơi các linh mục. Tuy nhiên, họ đừng vì thế mà nghĩ rằng: các chủ chăn có đủ thẩm quyền chuyên môn để có thể có ngay một giải pháp cụ thể cho mọi vấn đề xảy ra, kể cả những vấn đề quan trọng. Cũng đừng lầm tưởng các chủ chăn vốn có sứ mạng ấy. Nhưng tốt hơn là chính họ, được đức khôn ngoan Kitô giáo soi dẫn và cẩn thận chú ý các giáo huấn của Giáo Hội 17, hãy nhận lấy trách nhiệm của mình.

Thường thì chính vũ trụ quan Kitô giáo sẽ hướng dẫn họ chọn một giải pháp nhất định nào đó tùy hoàn cảnh. Tuy nhiên, cũng có những tín hữu khác, dầu khá thực tâm, sẽ thẩm định cách khác về cùng một vấn đề, như thường thấy xảy ra; và sự thẩm định đó vẫn được coi là hợp lý như thường. Nhiều người dễ dàng gán ghép với sứ điệp Phúc Âm những giải pháp mà họ đề ra, mặc dầu nhiều khi ngoài ý muốn của họ. Nhưng nên nhớ trong các trường hợp trên, không ai được độc quyền giành lấy thẩm quyền của Giáo Hội để biện minh cho lập trường riêng 48*. Phải luôn luôn nỗ lực soi dẫn nhau bằng đối thoại thành thực, bảo toàn tình tương ái và trước hết mưu cầu công ích.

Người giáo dân có những phận vụ tích cực phải chu toàn trong toàn thể đời sống Giáo Hội. Không những họ phải đem tinh thần Kitô giáo thấm nhuần thế giới nhưng còn được kêu gọi làm chứng cho Chúa Kitô trong mọi hoàn cảnh, ngay giữa lòng cộng đoàn nhân loại.

Còn các Giám Mục đã được ủy thác việc điều hành Giáo Hội Chúa hãy cùng các linh mục của mình rao giảng sứ điệp của Chúa Kitô, sao cho mọi hoạt động trần thế của các tín hữu thấm nhuần ánh sáng Phúc Âm. Hơn nữa, tất cả các chủ chăn hãy nhớ rằng các Ngài sẽ biểu lộ cho thế giới một khuôn mặt của Giáo Hội qua thái độ và ưu tư hằng ngày của mình 18. Qua khuôn mặt ấy, người ta phán đoán về sức mạnh và chân lý của sứ điệp Kitô giáo. Bằng đời sống và lời giảng, hợp cùng các tu sĩ và giáo hữu của mình, các ngài hãy minh chứng rằng Giáo Hội, nguyên bằng sự hiện diện và kho tàng ân huệ của mình, đã là nguồn vô tận của những mãnh lực mà thế giới ngày nay rất cần. Các Ngài hãy trau dồi khả năng bằng cách chuyên cần học hỏi sao cho có thể đóng trọn vai trò trách nhiệm của mình trong khi đối thoại với thế giới và những người thuộc bất cứ lập trường nào. Nhưng, trước hết xin các ngài hãy ghi lòng những lời sau đây của Công Ðồng: "Ngày nay, vì nhân loại ngày càng hiệp nhất về dân sự, kinh tế và xã hội, nên các Linh Mục càng phải loại trừ mọi mầm mống chia rẽ, phải nối kết cố gắng và khả năng mình dưới sự hướng dẫn của các Giám Mục và Giáo Hoàng, để toàn thể nhân loại hiệp nhất trong gia đình Thiên Chúa" 19.

Mặc dù Giáo Hội, với sức mạnh của Chúa Thánh Thần, vẫn là hiền thê trung tín của Chúa mình và không ngừng là dấu chỉ ơn cứu rỗi trong thế giới, tuy nhiên Giáo Hội biết rõ rằng trải qua bao nhiêu thế kỷ vẫn không thiếu những phần tử trong Giáo Hội 20, giáo dân hoặc giáo sĩ, sống bất trung cùng Thánh Thần Chúa. Ngay trong thời đại chúng ta, Giáo Hội không quên sự cách biệt lớn lao giữa sứ điệp do Giáo Hội công bố và sự yếu đuối nhân loại của những người được giao phó rao giảng Phúc Âm. Dầu lịch sử có phê phán thế nào về những khiếm khuyết ấy, chúng ta cũng phải ý thức và mạnh mẽ khử trừ những thiếu sót để khỏi phương hại đến việc rao giảng Phúc Âm. Cũng vậy, trong việc mở rộng tương quan với thế giới, Giáo Hội biết mình phải luôn trưởng thành nhờ kinh nghiệm qua các thế kỷ, Ðược Chúa Thánh Thần hướng dẫn, Mẹ Giáo Hội không ngừng "khuyên giục con cái thanh tẩy và canh tân, để ấn dấu của Chúa Kitô chiếu sáng rạng ngời hơn trên khuôn mặt Giáo Hội" 21.

44. Sự trợ giúp mà Giáo Hội nhận được nơi thế giới ngày nay 49*. Cũng như thế giới cần phải nhìn nhận Giáo Hội như một thực thể xã hội lịch sử và như men của lịch sử, Giáo Hội cũng biết mình đã nhận được rất nhiều nơi lịch sử và sự tiến hóa của nhân loại.

Kinh nghiệm của những thế kỷ đã qua, tiến bộ của khoa học, các kho tàng hàm chứa trong những hình thức văn hóa nhân loại khác nhau, biểu lộ đầy đủ hơn bản tính của chính con người và mở ra những con đường mới dẫn đến chân lý: tất cả những điều ấy đều hữu ích cho Giáo Hội. Thực vậy, chính Giáo Hội ngay từ buổi đầu của lịch sử mình đã ra sức diễn tả sứ điệp của Chúa Kitô bằng những ý niệm và ngôn ngữ của nhiều dân tộc. Hơn nữa, Giáo Hội còn cố gắng dùng sự khôn ngoan của các triết gia để làm sáng tỏ sứ điệp ấy. Làm như thế, nhằm thích nghi Phúc Âm, trong mức độ có thể, với tầm hiểu biết của mọi người cũng như với những đòi hỏi của các nhà hiền triết. Rao giảng lời mạc khải cách thích nghi như vậy còn phải là luật lệ cho mọi công cuộc truyền giáo, bởi vì có như vậy mới khơi dậy trong mọi quốc gia khả năng diễn tả sứ điệp Chúa Kitô theo lối riêng của mình và đồng thời mới cổ võ được sự trao đổi linh động giữa Giáo Hội và những nền văn hóa khác nhau của các dân tộc 22. Ðể xúc tiến những cuộc trao đổi như thế, nhất là trong thời đại chúng ta, thời mà sự vật biến đổi rất nhanh và lối suy tư rất nhiều khác biệt, Giáo Hội đặc biệt cần đến sự đóng góp của những người sống trong thế giới và biết rõ các tổ chức và bộ môn khác nhau, cũng như thấu triệt tinh thần các tổ chức và bộ môn đó, dầu họ có đức tin hay không. Bổn phận của toàn thể Dân Chúa, đặc biệt của các chủ chăn và các nhà thần học là nhờ sự trợ giúp của Chúa Thánh Thần, đón nghe, phân biệt và giải thích các tiếng nói của thời đại, rồi phán đoán dưới ánh sáng lời Chúa để Chân Lý mạc khải luôn được thấu triệt, được hiểu rõ và trình bày cách thích hợp hơn.

Giáo Hội có một cơ cấu xã hội hữu hình, dấu hiệu của sự hiệp nhất trong Chúa Kitô, nên Giáo Hội cũng có thể được giàu có thêm và thực sự đang được giàu có thêm nhờ sự tiến hóa của cuộc sống xã hội nhân loại, không phải vì định chế do Chúa Kitô ban cho Giáo Hội như thiếu một điều gì, nhưng là để định chế đó được hiểu biết sâu xa hơn, được diễn tả trung thực hơn và được thích nghi hoàn hảo hơn với thời đại chúng ta. Với lòng biết ơn, Giáo Hội nhận thấy rằng Giáo Hội đã được nhiều người thuộc mọi giai cấp và hoàn cảnh giúp đỡ nhiều cách cho chính cộng đoàn cũng như cho từng con cái mình. Quả thực, tất cả những ai phát triển cộng đoàn nhân loại trong phạm vi gia đình, văn hóa, kinh tế, xã hội, chính trị và trên bình diện quốc gia, cũng như quốc tế, đều trợ giúp không ít cho cộng đoàn Giáo Hội, theo như ý định của Thiên Chúa, trong mức độ Giáo Hội lệ thuộc những yếu tố bên ngoài. Hơn nữa, Giáo Hội còn nhìn nhận rằng chính sự chống đối của những kẻ công kích hay bách hại Giáo Hội đã và còn đang có thể giúp ích cho Giáo Hội 23.

45. Chúa Kitô, Alpha và Omega. Khi trao đổi với thế giới những sự giúp đỡ hỗ tương, Giáo Hội nhằm một mục đích duy nhất là: làm cho Nước Chúa trị đến và toàn thể nhân loại được cứu rỗi. Mọi lợi ích mà Dân Chúa trong thời gian hành trình tại thế có thể đem lại cho gia đình nhân loại đều phát xuất từ sự kiện này: Giáo Hội là "bí tích phổ quát cứu rỗi" 24, tỏ bày và đồng thời thực hiện mầu nhiệm tình yêu Thiên Chúa đối với con người.

Quả thực, Ngôi Lời Thiên Chúa, nhờ Người mà muôn vật được tạo thành, đã làm người, là Con Người hoàn hảo, Người cứu rỗi mọi người và kết thâu vạn vật nơi Người. Chúa là cùng đích của lịch sử nhân loại, là điểm qui tụ mọi ước vọng của lịch sử và văn minh, là trung tâm của nhân loại, là niềm vui của tâm hồn và đáp ứng mọi niềm khao khát 25. Chính Người là Ðấng Chúa Cha đã phục sinh từ kẻ chết, đã tôn vinh và cho ngự bên hữu, đặt làm thẩm phán kẻ sống và kẻ chết. Ðược sống động và tụ họp trong Thánh Thần Ngài, chúng ta đang hành trình hướng về chung cục lịch sử nhân loại, phù hợp với ý định yêu thương của Ngài: "kết thâu tất cả trong Chúa Kitô: mọi sự trên trời dưới đất" (Eph 1,10).

Chính Chúa đã nói: "Vậy tiền công của ta sẵn đây rồi, này ta đến gấp mà trả cho mỗi người tùy theo công việc họ làm. Ta là Alpha và Omega, thứ nhất và sau chót, nguyên thủy và cứu cánh" (Kh 22,12-13) 50*.

 


Chú Thích:

44* Trong chương này Công Ðồng muốn trình bày vai trò của Giáo Hội ở giữa thế giới (40a): Trước hết, nhắc lại khởi nguyên của Giáo Hội, mục đích, phần tử (40b), sứ mệnh siêu nhiên cũng như tự nhiên (40c), và sự cộng tác cần thiết của mọi người (40d).

1) Vai trò đối với từng cá nhân (tương ứng với chương I trên đây): Giáo Hội soi sáng ý nghĩa ước ao của con người (41a), Giáo Hội cũng bảo vệ nhân phẩm đích thực (tìm thấy ở giữa một số cực đoan) (41b) và công nhận nhân quyền rồi đem tinh thần Phúc Âm vào việc cổ võ quyền lợi ấy (41c).

2) Ðối với xã hội (tương ứng với chương II): Giáo Hội giúp đỡ nhân loại hiệp nhất chặt chẽ hơn (42a) và đem tinh thần mới nhập vào cơ cấu xã hội. Hoạt động xã hội của Giáo Hội như vậy là hợp lý (42b,c,d).

3) Ðối với sinh hoạt xã hội (tương ứng với chương III): Ðức tin đòi phải chu toàn nhiệm vụ sinh hoạt xã hội (43a). Ðó là phận vụ riêng biệt của giáo dân đã được đào tạo và có trách nhiệm (43b). Họ phải cộng tác với người khác và lo cho ích chung (43c), trong khi đem tinh thần Kitô giáo và sinh hoạt đó (43d). Phần giáo sĩ, các ngài phải soi sáng giáo dân và phải làm gương về các đức tính xã hội (43e). Là dấu chứng về sự cứu độ, Giáo Hội phải luôn luôn nỗ lực để tự tinh luyện (43f).

4) Thế giới cũng giúp đỡ Giáo Hội: Khi Giáo Hội tiếp xúc với nhiều nền văn minh khác nhau và tìm cách rao giảng Phúc Âm một cách thích nghi, thì chính Giáo Hội trở nên phong phú hơn (44a,b). Ðàng khác mọi tiến bộ nhân loại cũng giúp ích cho Giáo Hội (44c).

5) Giáo Hội phục vụ thế giới khi làm tròn sứ mệnh riêng là mở rộng nước Thiên Chúa (44a) và rao giảng về Chúa Kitô, Ðấng đã sáng lập mọi sự đồng thời là trung tâm điểm, là cùng đích của mọi sự (44b,c). (Trở lại đầu trang)

1 Xem Phaolô VI, Tđ. Ecclesiam suam, III: AAS 56 (1964), trg 637-659. (Trở lại đầu trang)

2 Xem Tit 3,4: "Philanthropia". (Trở lại đầu trang)

3 Xem Eph 1,3; 13-14; 23. (Trở lại đầu trang)

4 Xem Vat. II, Hiến chế tín lý về Giáo Hội Lumen gentium, ch. I, số 8: AAS 57 (1965), trg 12. (Trở lại đầu trang)

5 N.v.t., ch. II, số 9: AAS 57 (1965), trg 14; - x. số 8: AAS, n.v.t., trg 11. (Trở lại đầu trang)

6 N.v.t., ch. I, số 8: AAS 57 (1965), trg 11. (Trở lại đầu trang)

7 Xem n.v.t., ch. IV, 38: AAS 57 (1965), trg 43 và ghi chú 120. (Trở lại đầu trang)

8 Xem Rm 8,14-17. (Trở lại đầu trang)

9 Xem Mt 22,39. (Trở lại đầu trang)

45* Ðối với con người hiện nay, con người giàu có với mọi hình thức nhân bản, với tất cả những tiến bộ khoa học và xã hội, Giáo Hội có thể đem đến lợi ích gì? Giáo Hội đem lại ánh sáng chính yếu để con người tự biết mình và bảo vệ nhân phẩm. Nếu không biết Thiên Chúa, con người làm sao hiểu biết sự thật thâm sâu về mình được. Không biết mình, con người không thể nào trả lời cho những vấn nạn căn bản về ý nghĩa cuộc sống, sinh hoạt và sự chết. Không biết Chúa Kitô là con người hoàn hảo, con người không thể nào trở nên đầy đủ (41a). Khi nào tự biết mình và phẩm giá đích thực của mình, con người mới có thể lên tiếng đòi cho mình các quyền lợi nhân bản một cách đầy đủ và hợp lý cũng như xứng hợp với đức tin. (Trở lại đầu trang)

46* Công Ðồng đã nhắc lại sự thống nhất của nhân loại (số 29) có nền tảng tự nhiên là sự thống nhất sinh vật, sự thống nhất về bản tính và do đó về các quyền lợi căn bản. Vả lại bản tính xã hội sẽ thúc đẩy con người hiệp nhất một ngày một hơn (số 6,25). Mặt khác sự thống nhất của nhân loại cũng có nền tảng siêu nhiên, vì, như đức tin dạy, tất cả mọi người được Thiên Chúa dựng nên và có cùng một cứu cánh là chính Thiên Chúa. Tất cả đã được Chúa Kitô cứu chuộc, tất cả đã được mời gọi để trở nên con cái Thiên Chúa và anh em với nhau. Luật mới của những con người mới ấy là luật thương yêu lẫn nhau.

Vì là một thân thể, một dân tộc duy nhất, Giáo Hội giúp đỡ nhân loại thực hiện lý tưởng thống nhất. Vì là bí tích, tức là dấu chứng và dụng cụ để giúp đỡ nhân loại kết hiệp mật thiết với Thiên Chúa và hiệp nhất với nhau (42c), Giáo Hội góp phần lớn lao để thống nhất loài người. Ðó chính là sứ mệnh của Giáo Hội vậy (số 92a). (Trở lại đầu trang)

10 Xem CÐ. Vat II, Hiến chế tín lý về Giáo Hội Lumen gentium, ch. II, số 9: AAS 57 (1965), trg 12-14. (Trở lại đầu trang)

11 Xem Piô XII, Allocutio ad Cultores historiae et artis, 9-3-1956: AAS 48 (1956), trg 212: "Trong phạm vi văn hóa, vị Sáng Lập thần linh của Giáo Hội là Chúa Kitô không ban cho Giáo Hội một sứ mệnh nào cũng không ấn định một mục đích nào. Mục đích mà Chúa Kitô nhằm là thuần túy tôn giáo (...) Giáo Hội phải dẫn dắt mọi người đến với Chúa để họ phó thác cho Ngài mà không đắn đo (...) Giáo Hội không khi nào có thể để mục đích thuần túy tôn giáo, siêu nhiên này lọt ra ngoài tầm nhãn giới của mình. Ý nghĩ a mọi hoạt động của Giáo Hội cả đến tận khoản cuối cùng của Bộ Giáo Luật chỉ qui về mục đích đó cách trực tiếp hay gián tiếp". (Trở lại đầu trang)

12 Xem CÐ Vat. II, Hiến chế tín lý về Giáo Hội Lumen gentium, ch. I, số 1: AAS 57 (1965), trg 5. (Trở lại đầu trang)

47* Sống trong thế gian tín hữu phải tránh hai thái độ sai lầm: 1) bỏ sót công việc trần thế để chỉ lo cho việc đạo đức; 2) chìm đắm trong công việc trần thế và coi công việc này như không có liên quan gì đến việc đạo đức.

Qua cả hai sự sai lầm trên, người ta tách biệt đời sống tôn giáo và đời sống nghề nghiệp hay đời sống trần thế nếu nói rộng hơn (cuộc giải trí, văn hóa...) và lại hành động theo luân lý cá nhân (số 30).

Ðức tin phải ảnh hưởng trên cả đời sống và ta phải đem tinh thần Phúc Âm vào công việc trần thế: vào nghề nghiệp, vào giao thiệp với người khác, vào văn hóa, vào cuộc giải trí v.v... "Ðối với người Kitô hữu, xao lãng bổn phận trần thế tức là xao lãng bổn phận đối với những người lân cận và hơn nữa đối với chính Thiên Chúa, khiến phần rỗi đời đời của mình bị đe dọa": vì bổn phận trần thế là phương tiện để thực hành đức mến đối với anh em và đối với Thiên Chúa. Không thực hành đức mến tức là phạm đến toàn thể bộ luật (x. Gal 5,14). Cho nên kẻ nào xao lãng bổn phận trần thế hay là tách rời nó khỏi ảnh hưởng của tinh thần Phúc Âm tức là người không sống đạo, họ không phải là người công giáo. (Trở lại đầu trang)

13 Xem Dth 13,14. (Trở lại đầu trang)

14 Xem 2Th 3,6-13; Eph 4,28. (Trở lại đầu trang)

15 Xem Is 58,1-12. (Trở lại đầu trang)

16 Xem Mt 23,3-33; Mc 7,10-13. (Trở lại đầu trang)

17 Xem Gioan XXIII, Tđ. Mater et Magistra, IV: AAS 53 (1961), trg 456-457 và I :n.v.t., trg 407, 410-411. (Trở lại đầu trang)

48* "3) Sau khi nhắc lại những nguyên tắc tổng quát trên đây, Hàng Giáo Phẩm Công Giáo Việt Nam chiếu theo những sự kiện lịch sử, chính trị, xã hội, tôn giáo hiện tại trong nước, đồng thanh xác định như sau: a) Không cho phép một đảng phái nào lấy tên là "Công Giáo" hay là "Thiên Chúa Giáo", để rồi đảng ấy có thể xuất hiện như là đảng phái của Giáo Hội Công Giáo tại Việt Nam. b) Kêu mời giáo dân Công Giáo phải ý thức rằng: sức mạnh của họ trước hết phải ở trong tinh thần Chúa Giêsu - tức là tinh thần Phúc Âm được mọi người sống động và chiếu dọi chung quanh, như đã trình bày trong những đoạn nói trên. c) Tuy nhiên để áp dụng nguyên tắc số 2 ở trên, hết mọi người Công Giáo - với tư cách là người công dân - đều có thể tự do ghi tên để gia nhập đảng này hay đảng khác tùy ý, bất cứ là đảng ấy đã thành lập rồi, hay sẽ được những công dân đầy đủ khả năng, can đảm thành lập về sau.

Ghi tên vào một đảng phái như thế, đồng bào Công Giáo không cam kết Giáo Hội, nhưng chỉ cam kết cá nhân mình...

Ðồng bào Công Giáo hoạt động trong đảng phái mình đã lựa chọn, tuy nhiên cả trong hoạt động chính trị (cũng như đời sống cá nhân, gia đình, nghề nghiệp) họ phải là một nhân chứng của Chúa Kitô. Họ phải tìm cách để in sâu vào trong các tâm hồn những luật lệ, những qui chế, tinh thần Phúc Âm và học thuyết xã hội của Hội Thánh.

1) Hiện nay không có một tờ báo Công Giáo nào, hay là một tờ báo có xu hướng Công Giáo nào đã được Hàng Giáo Phẩm chỉ định để làm tiếng nói chính thức cho Công Giáo...

2) Có những báo chí đã được thành lập do một số giáo dân Công Giáo nhiệt thành, quảng đại; đó là quyền lợi riêng của họ và chúng tôi thêm rằng: đó là nghĩa vụ của họ. Chúng tôi để lời khen ngợi họ đã có sáng kiến tốt đẹp như thế, và chúng tôi hết sức khuyên họ hãy tiếp tục bền vững".

(Thư luân lưu của H.Ð.G.M.V.N., ngày 22 tháng 1 năm 1964, x. trong báo Sacerdos, số 27, tháng 3 năm 1964, (trg 170-171; 172-173). (Trở lại đầu trang)

18 Xem CÐ Vat II, Hiến chế tín lý về Giáo Hội Lumen gentium, ch. III, số 28: AAS 57 (1965), trg 34-35. (Trở lại đầu trang)

19 N.t., số 28: AAS, n.v.t., trg 35-36. (Trở lại đầu trang)

20 Xem T. Ambrosiô, De Virginitate, ch. VIII, số 48: PL 16, 278. (Trở lại đầu trang)

21 CÐ Vat. II, Hiến chế tín lý về Giáo Hội Lumen gentium, ch. II, số 15: AAS 57 (1965), trg 20. (Trở lại đầu trang)

49* Từ xưa tới nay, thế giới cũng đem lại rất nhiều lợi ích cho Giáo Hội. Quả quyết như vậy là xác nhận một sự kiện lịch sử, nhưng có lẽ chỉ gần đây tín hữu mới ý thức về sự kiện ấy. Giáo Hội lãnh nhận nhiều:

1) Trong lãnh vực tư tưởng nhờ các kho tàng của nhiều nền văn minh khác nhau. Tất cả những gì giúp ta hiểu biết hơn về con người và thế giới đều giúp đỡ Giáo Hội: giáo dục, văn hóa, khoa học...

2) Trong lãnh vực cơ cấu xã hội: từ đầu, Giáo Hội đã chịu ảnh hưởng của nếp sống Do Thái, của pháp lý La Mã và Ðức Quốc, và ít hay nhiều của phong tục các dân tộc khác nữa. Pháp lý các xứ truyền giáo đã ảnh hưởng rất nhiều đến pháp lý chung của Giáo Hội chẳng hạn. Hiện nay ta thấy ảnh hưởng của chế độ dân chủ qua những phong trào phân quyền, nhiều cơ quan mới như Thượng Hội Ðồng Giám Mục, Hội Ðồng Giám Mục, Hội Ðồng Linh Mục, v.v...

3) Trong lãnh vực sinh hoạt: khi các Quốc Gia và các Tổ Chức quốc tế kính trọng sự tự do của Giáo Hội, mời Giáo Hội cộng tác, giúp Giáo Hội hoạt động, hay là mặc dầu không muốn nhờ Giáo Hội, nhưng khi các Tổ Chức ấy cố gắng nâng cao con người nhờ việc giáo dục, nhờ việc bảo đảm nhân quyền, v.v... thực ra họ đã làm những công việc có chung mục đích với Giáo Hội.

Là người Việt Nam hay làm việc ở Việt Nam, ta phải nhấn mạnh câu "Rao giảng lời mạc khải cách thích nghi như vậy còn phải là luật lệ cho mọi công cuộc truyền giáo". Sau hơn ba thế kỷ từ khi Phúc Âm tới Việt Nam, phải chăng Ðạo chúng ta còn thấm nhuần màu sắc ngoại quốc quá đáng? Người ngoại giáo có cảm tưởng đó không? (Trở lại đầu trang)

22 Xem CÐ Vat. II, Hiến chế tín lý về Giáo Hội Lumen gentium, ch. II số 13: AAS (1965), trg 17. (Trở lại đầu trang)

23 Xem Justinô, Dialogus cum Tryphone, ch. 110: PG 6, 729, x.b. Otto, 1897, trg 391-393: ... "nhưng chúng ta càng chịu nhiều khổ nhục ấy, lại càng có nhiều người trở thành tín hữu và đạo đức nhờ danh Chúa Giêsu". - Xem Tertullianô, Apologeticus, ch. L, 13: PL I, 534; Corpus Christ., ser. Lat. I, trg 171: "càng bị các người gặt (bách hại) chúng tôi càng trở nên đông đúc hơn: máu tử đạo là hạt giống nảy sinh Kitô hữu!" - X. Hiến chế tín lý về Giáo Hội Lumen gentium, ch. I I số 9: A AS 57 (1965), trg 14. (Trở lại đầu trang)

24 Xem CÐ Vat. II, Hiến chế tín lý về Giáo Hội Lumen gentium, ch. VII, số 48: AAS 57 (1965), trg 53. (Trở lại đầu trang)

25 Xem Phaolô VI, Huấn từ 3-2-1965: L'Osservatore Romano, 4-2-1965. (Trở lại đầu trang)

50* Alpha và Omega là chữ đầu và chữ cuối của mẫu tự Hy Lạp. Câu nói có nghĩa là khi dùng các chữ trong mẫu tự, ta có thể viết ra tất cả những gì ta muốn. Vậy thì, nói về Chúa (cũng như về Thiên Chúa Cha: Kh 1,8) có nghĩa là Chúa có toàn quyền để phán xét nhân loại. (Trở lại đầu trang)

 


Trở Lại Mục Lục Thánh Công Ðồng Vatican II

Back to Vietnamese Missionaries in Asia Home Page