Thánh Công Ðồng Chung Vaticanô II

 

Hiến Chế Mục Vụ

Về Giáo Hội

Trong Thế Giới Ngày Nay

Gaudium Et Spes

 

Bản dịch Việt Ngữ của Giáo Hoàng Học Viện Piô X

Prepared for Internet by Vietnamese Missionaries in Asia


 

Phần Thứ Hai

Chương III

Ðời Sống Kinh Tế Xã Hội 75*

 

63. Một vài khía cạnh của đời sống kinh tế. Ngay trong đời sống kinh tế xã hội, phẩm giá cũng như ơn gọi toàn diện của con người và lợi ích của toàn thể xã hội cũng phải được tôn trọng và thăng tiến. Vì con người là tác giả, là tâm điểm và là cứu cánh của tất cả đời sống kinh tế xã hội.

Sau đây là một vài đặc điểm của nền kinh tế hiện đại cũng như của các lãnh vực khác trong đời sống xã hội: con người càng ngày càng chế ngự thiên nhiên nhiều hơn, sự liên lạc và nương tựa lẫn nhau giữa các công dân, đoàn thể, quốc gia càng ngày càng nhiều và rộng lớn hơn, và mỗi ngày sự can thiệp của các chính quyền càng trở thành thường xuyên; đồng thời, với đà tiến bộ của các phương pháp sản xuất và trao đổi sản phẩm cũng như dịch vụ, kinh tế đã trở thành một công cụ thích hợp để thỏa mãn cách khả quan những nhu cầu chồng chất của gia đình nhân loại.

Tuy nhiên, không thiếu những lý do gây nên lo ngại. Nhiều người, nhất là trong những miền có nền kinh tế tiến bộ, như bị đời sống kinh tế chi phối hoàn toàn, đến nỗi trong các quốc gia theo kinh tế tập sản cũng như trong các quốc gia khác, hầu như cả đời sống cá nhân cũng như xã hội của họ đều bị thấm nhiễm một thứ chủ nghĩa duy kinh tế. Trong thời đại mà sự phát triển đời sống kinh tế nếu được điều khiển và phối hiệp cách hợp lý và nhân đạo, có thể giảm thiểu những chênh lệch trong xã hội, thì nhiều khi lại làm cho những chênh lệch ấy trở thành trầm trọng hơn, hoặc ở một vài nơi còn trở thành sự thoái hóa địa vị xã hội của những người yếu thế và miệt thị những kẻ nghèo túng. Ngay trong những vùng kém mở mang, giữa lúc đại đa số vẫn còn thiếu những nhu cầu thiết yếu, thì một thiểu số lại sống dư dật, phung phí. Xa hoa và cùng cực kề cận nhau. Trong khi một thiểu số được quyền định đoạt rất lớn, thì đa số lại hầu như không thể hành động theo sáng kiến riêng và không được thể hiện tinh thần trách nhiệm của mình, nhiều khi còn phải chịu đựng trong những hoàn cảnh sinh sống và làm việc bất xứng với phẩm giá con người 76*.

Giữa lãnh vực nông nghiệp, kỹ nghệ, mậu dịch và ngay giữa những miền khác nhau của cùng một quốc gia cũng có những chênh lệch tương tự về kinh tế và xã hội. Sự tương phản giữa các cường quốc kinh tế và các quốc gia khác càng ngày càng trở nên trầm trọng và có thể đe dọa cả nền hòa bình thế giới.

Con người thời đại chúng ta càng ngày càng ý thức mãnh liệt về những chênh lệch ấy, vì họ thâm tín rằng những kỹ thuật tân tiến và những năng lực kinh tế của thế giới ngày nay có thể và phải sửa đổi được những tệ trạng kia. Muốn vậy, cần phải cải tổ đời sống kinh tế, xã hội và mọi người phải đổi mới tâm thức và thái độ của mình. Nhằm mục đích ấy, nên qua bao thế hệ, với ánh sáng Phúc Âm, Giáo Hội đã nỗ lực minh dẫn những nguyên tắc về công bình và quân bình trong đời sống cá nhân, xã hội và quốc tế cho hợp với những đòi hỏi của lương tri nhân loại, nhất là trong những ngày gần đây Giáo Hội càng đưa ra những nguyên tắc ấy hơn. Trong khi đặc biệt nhìn vào những đòi hỏi của sự phát triển kinh tế, Thánh Công Ðồng muốn củng cố lại những nguyên tắc đã nêu trên, đồng thời vạch ra một vài hướng đi phù hợp với hoàn cảnh của thời đại này 1.

Ðoạn 1: Phát Triển Kinh Tế

64. Phát triển kinh tế để phục vụ con người. Ngày nay hơn bao giờ hết, để đối phó với sự gia tăng dân số và thỏa mãn những nguyện vọng mỗi lúc một nhiều của nhân loại, người ta được quyền nghĩ đến việc tăng gia sản xuất nông nghiệp, kỹ nghệ, cũng như các dịch vụ cung ứng. Do đó, cần phải cổ võ việc phát triển kỹ thuật, tinh thần canh tân, cố gắng thiết lập và khuếch trương các xí nghiệp; thích nghi các phương pháp sản xuất và những cố gắng không ngừng của các nhà sản xuất, tóm lại, là cổ võ tất cả những yếu tố dự phần vào việc phát triển này. Tuy nhiên, mục đích căn bản của sự sản xuất không chỉ là gia tăng sản lượng, lợi tức hoặc quyền lực, nhưng chính là phục vụ con người, dĩ nhiên là con người toàn diện. Tuy nhiên, phải duy trì đúng cấp bực giá trị của các nhu cầu vật chất cũng như những đòi hỏi của đời sống tinh thần, luân lý, tu đức và tôn giáo. Phải phục vụ tất cả mọi người, mọi đoàn thể, mọi chủng tộc và mọi miền trên thế giới. Bởi thế, hoạt động kinh tế, mặc dù theo phương pháp và luật lệ riêng, nhưng vẫn phải nằm trong giới hạn của trật tự luân lý 2; Có như thế mới hoàn thành được kế hoạch Thiên Chúa đã sắp đặt cho con người 3.

65. Phát triển kinh tế dưới sự kiểm soát của con người. Con người phải kiểm soát lại sự phát triển kinh tế; không được khoán trắng nó cho sự định đoạt của một thiểu số hoặc của những tập thể nắm trong tay quyền lực kinh tế quá lớn, hoặc của một cộng đoàn chính trị hay một số quốc gia giàu mạnh. Ngược lại, trong những dịch vụ quốc tế, mọi quốc gia đều phải tích cực dự phần vào việc phát triển kinh tế, và càng nhiều người thuộc mọi cấp bậc tham gia càng hay. Cũng vậy, phải phối hợp và điều hòa một cách thích đáng và hợp lý những sáng kiến của cá nhân và của các đoàn thể tự do với nỗ lực của chính quyền.

Không thể chỉ bỏ mặc việc phát triển cho sự diễn tiến gần như máy móc của hoạt động kinh tế cá nhân hay cho một mình chính quyền mà thôi. Do đó, phải tố giác những sai lầm của các học thuyết đang nhân danh một thứ tự do ngụy tạo để ngăn cản những cải tổ cần thiết; cũng phải tố giác những học thuyết đòi hy sinh quyền lợi cá nhân và đoàn thể cho tổ chức sản xuất tập thể 4.

Người công dân nên nhớ rằng, bổn phận và quyền lợi của mình là tùy khả năng đóng góp vào việc phát triển thực sự cộng đoàn mình. Chính quyền cũng phải công nhận bổn phận và quyền lợi này. Nhất là những miền còn kém mở mang, càng phải cấp bách tận dụng mọi tài nguyên; do đó, những người để tài sản của mình không sinh lợi, hoặc không trợ giúp cộng đoàn mình những phương tiện vật chất và tinh thần cần thiết là gây nguy hại trầm trọng cho công ích 77*, dĩ nhiên bao giờ cũng phải tôn trọng quyền di cư của mỗi cá nhân.

66. Phải chấm dứt những chênh lệch lớn lao trên bình diện kinh tế xã hội. Ðể thỏa mãn những đòi hỏi của công bằng và lẽ phải mà vẫn tôn trọng quyền lợi cá nhân và đặc tính của mỗi dân tộc, cần phải hăng hái nỗ lực để sớm chấm dứt những chênh lệch kinh tế lớn lao hiện nay và còn gia tăng mai ngày: những chênh lệch này gắn liền với sự phân hóa cá nhân và xã hội. Cũng vậy, trong nhiều vùng, việc sản xuất và bán nông phẩm đang gặp nhiều trở ngại trầm trọng. Do đó, cần phải nâng đỡ nông dân tăng gia và tiêu thụ được sản phẩm, lại phải thực hiện những cuộc cải tổ và canh tân cần thiết hầu thâu được lợi tức tương ứng. Như thế, họ sẽ không mãi ù lì trong thân phận công dân hạ đẳng, như vẫn thường thấy. Còn các nông dân, nhất là những người thuộc lớp trẻ, phải cố gắng kiện toàn khả năng chuyên nghiệp, nếu không nông nghiệp không thể phát triển 5.

Sự di chuyển là điều cần thiết đối với nền kinh tế đang phát triển, tuy nhiên, sự công bằng và quân bình đòi hỏi phải tổ chức sự di chuyển ấy thế nào để đời sống cá nhân cũng như gia đình không bị xáo trộn và bấp bênh. Những công nhân từ một quốc gia hay một miền khác đến, cũng là những người góp công vào việc phát triển kinh tế của một nước hay một miền, nên cần phải cố gắng tránh mọi dị biệt về điều kiện lương bổng và việc làm. Hơn nữa, mọi người, nhất là chính quyền, phải coi họ như những nhân vị, chứ không phải chỉ như những công cụ sản xuất; phải giúp đỡ để họ có thể đưa gia đình đến và có thể kiếm được một nơi nương thân đàng hoàng; cũng phải cho phép họ dễ dàng gia nhập đời sống xã hội của quốc gia hay miền đất nào đón tiếp họ. Tuy nhiên, nếu có thể, nên tạo cho họ có công ăn việc làm ngay tại nguyên quán của họ.

Trong những trạng huống kinh tế đang biến chuyển cũng như trong những hình thái mới mẻ của xã hội kỹ nghệ chẳng hạn hệ thống tự động đang được phát triển, phải liệu sao cho mỗi người có công việc đầy đủ và thích hợp, đồng thời hấp thụ được một sự huấn luyện thích ứng về kỹ thuật và nghề nghiệp. Cũng cần phải bảo đảm sự sống và nhân phẩm, nhất là của những người vì bệnh tật, tuổi tác, phải sống trong những hoàn cảnh thật khó khăn.

Ðoạn 2: Những Nguyên Tắc Hướng Dẫn Toàn Bộ Ðời Sống Kinh Tế Xã Hội

67. Việc làm, những điều kiện làm việc và giải trí. Việc làm của con người trong công cuộc sản xuất và trao đổi sản phẩm hay cung ứng dịch vụ kinh tế có giá trị hơn các yếu tố khác của đời sống kinh tế, vì các yếu tố đó chỉ có giá trị như dụng cụ.

Thực thế, việc làm này hoặc làm cho chính mình hoặc làm mướn đều trực tiếp phát xuất từ con người. Con người gần như in vào thiên nhiên dấu vết của mình và bắt thiên nhiên phải tùng phục ý muốn của mình. Nhờ việc làm, con người theo lệ thường nuôi sống mình và gia đình, liên kết với anh em và phục vụ họ, có thể thực thi bác ái đích thực và góp công vào việc kiện toàn công cuộc sáng tạo của Thiên Chúa. Hơn nữa chúng tôi cho rằng nhờ việc làm của mình, con người cộng tác vào chính công cuộc cứu rỗi của Chúa Giêsu Kitô, Ðấng đã nâng cao giá trị của việc làm khi Người làm việc với chính hai bàn tay của mình tại Nazareth 78*. Do đó, mỗi người có bổn phận phải trung thành làm việc và cũng có quyền làm việc nữa 79*. Trong những hoàn cảnh cụ thể, chính xã hội cũng có bổn phận góp phần giúp người công dân có thể tìm được công ăn việc làm. Sau cùng, tùy theo phận vụ và năng suất của mỗi người cũng như tình trạng của xí nghiệp và công ích 6, việc làm cần phải được trả lương sao cho con người có đủ khả năng xây dựng cho mình và gia đình một đời sống xứng hợp cả về phương diện vật chất, xã hội, văn hóa cũng như tinh thần 80*.

Hoạt động kinh tế thường là kết quả của việc hợp tác giữa nhiều người. Do đó, nếu tổ chức và điều hành hoạt động này làm thiệt hại cho bất cứ lớp công nhân nào thì đều là bất công và vô nhân đạo. Ngay cả ngày nay, điều thường xảy ra là công nhân trở thành nô lệ cho chính việc làm của mình. Ðiều ấy không thể được biện minh bằng bất cứ luật kinh tế nào. Bởi vậy, mọi phương thức sản xuất cần phải thích nghi với nhu cầu và lối sống của con người: trước hết thích nghi với đời sống gia đình, nhất là đối với người mẹ gia đình, và luôn luôn còn phải lưu tâm đến phái tính và tuổi tác. Hơn nữa, giới lao động cũng phải có cơ hội để phát huy tài năng và nhân cách ngay chính lúc làm việc. Họ phải dành thời giờ và sức lực cho công việc với tinh thần trách nhiệm phải có. Tuy nhiên, mỗi người cần được hưởng đầy đủ sự nghỉ ngơi và thời giờ nhàn rỗi để sống đời sống gia đình, văn hóa, xã hội và tôn giáo. Ngoài ra họ cũng cần phải có cơ hội để tự do thi thố tài nghệ và khả năng mà có lẽ trong công việc của nghề nghiệp họ ít có dịp để trau dồi.

68. Tham gia vào xí nghiệp, tổ chức kinh tế tổng quát, tranh chấp lao động. Hoạt động trong các xí nghiệp kinh tế là việc hợp tác giữa các nhân vị, đó là những con người tự do và tự lập, được tạo dựng giống hình ảnh Thiên Chúa. Bởi thế, khi đã tìm ra những phương thức thích hợp, cần phải cổ võ sự tham gia tích cực của mọi người vào việc quản trị xí nghiệp, tùy theo nhiệm vụ của mỗi người, hoặc họ là chủ nhân, chủ sự, hoặc là đốc công hay công nhân mà vẫn giữ được sự thống nhất cần thiết trong việc điều hành công việc 7. Nhiều khi không phải trong chính phạm vi xí nghiệp, nhưng trong những chương trình đại qui mô hơn, người ta đưa ra những quyết định về các tình trạng kinh tế và xã hội liên quan đến số phận tương lai của công nhân cũng như của con cái họ, nên họ cũng phải được tham dự vào những quyết định này hoặc chính họ hoặc qua những đại diện tự họ chọn lấy.

Giữa những quyền lợi căn bản của con người, đối với công nhân, cần phải kể đến quyền được tự do lập những hiệp hội để có thể thực sự đại diện cho họ và góp phần vào việc tổ chức đời sống kinh tế một cách tốt đẹp. Ngoài ra, cũng cần phải kể đến quyền tự do tham gia 81* vào hoạt động của những hiệp hội này mà không sợ bị trả thù. Nhờ lối tham gia có tổ chức như trên liên kết với việc huấn luyện dần dần về kinh tế và xã hội, mọi người càng ngày càng ý thức hơn về bổn phận và trách nhiệm của mình. Nhờ đó, tùy theo phương tiện và khả năng riêng, chính công nhân tiến tới mức cảm thấy mình được góp phần vào việc phát triển toàn bộ kinh tế và xã hội cũng như vào việc mưu cầu ích chung.

Trường hợp xảy ra những tranh chấp về kinh tế xã hội, cần phải cố gắng đi đến một giải quyết ôn hòa. Nhưng điều phải làm trước tiên là luôn luôn tìm cách tạo một cuộc đối thoại chân thành giữa các phe nhóm liên hệ. Tuy nhiên, trong hoàn cảnh hiện tại, đình công, dầu là một phương tiện cuối cùng, song vẫn là phương tiện cần thiết để bênh vực những quyền lợi riêng và thỏa mãn những đòi hỏi chính đáng của công nhân 82*. Dù sao cũng cần phải tìm cách đưa tới thương thuyết và đối thoại hòa giải càng sớm càng hay.

69. Của cải trần gian là để cho mọi người hưởng dụng 83*. Thiên Chúa đã đặt định trái đất và mọi vật trên trái đất thuộc quyền xử dụng của mọi người và mọi dân tộc. Chính vì thế, của cải được tạo dựng phải được phân phối cho tất cả mọi người một cách hợp lý theo luật công bằng là luật đi liền với bác ái 8. Dù chấp nhận bất cứ hình thức tư hữu nào đã được nhìn nhận bằng các định chế hợp pháp của các dân tộc, tuy nhiên tùy theo hoàn cảnh khác biệt và thay đổi, phải luôn luôn lưu ý đến mục đích chung hưởng của cải. Vì thế, khi xử dụng của cải, con người phải coi của cải vất chất mà mình làm chủ một cách chính đáng không chỉ như của riêng mình, nhưng còn là của chung nữa: nghĩa là, của cải đó có thể sinh ích không những cho riêng mình mà còn cho cả người khác 9. Vả lại, mọi người đều có quyền có một phần của cải đầy đủ cho mình và cho gia đình mình. Các Giáo Phụ và các Tiến Sĩ Giáo Hội đã nghĩ như thế. Các ngài dạy rằng mọi người có bổn phận phải nâng đỡ người nghèo và không phải chỉ giúp đỡ bằng của dư thừa 10. Còn những người sống trong cảnh cùng quẫn cực độ, họ có quyền lấy ở của cải người khác những gì cần thiết cho mình 11. Trước con số quá lớn những người đói khổ trong thế giới, Thánh Công Ðồng thiết tha kêu gọi mọi người hoặc mọi chính quyền hãy nhớ laị lời sau đây của các Giáo Phụ: "hãy cho kẻ sắp chết đói của ăn, vì nếu không cho họ ăn tức là đã giết họ" 12. Tùy theo khả năng, họ nên thực sự san sẻ và dùng của cải của mình đặc biệt để giúp phương tiện cho mỗi người hoặc cả một dân tộc để chính họ có thể tự túc và phát triển.

Trong những xã hội kinh tế kém mở mang, đôi khi sự chung hưởng của cải được thể hiện đầy đủ phần nào là do những tập tục và truyền thống riêng của cộng đoàn xã hội, nhờ đó, mỗi phần tử được hưởng những của cải tối cần. Tuy nhiên điều nên tránh là đừng coi một số tập tục như thể hoàn toàn bất biến, nếu thực sự nó không còn đáp ứng những đòi hỏi mới của thời đại này. Ðàng khác, cũng đừng vì thiếu khôn ngoan mà hành động ngược lại những tập tục tốt đẹp, vì một khi được thích nghi với hoàn cảnh hiện đại, những tập tục này vẫn còn đem lại nhiều lợi ích. Cũng thế, ở những quốc gia kinh tế rất phát triển, một hệ thống gồm những tổ chức xã hội nhằm vào việc bảo hiểm và an ninh có thể góp phần giúp vào việc thực hiện sự chung hưởng của cải. Vả lại, cần phải cổ võ những dịch vụ gia đình và xã hội, nhất là những dịch vụ đóng góp vào văn hóa và giáo dục. Tuy nhiên khi thành lập mọi tổ chức trên cần phải lưu tâm đừng để người công dân có thái độ phần nào thụ động, hoặc trốn tránh trách nhiệm hoặc từ chối phục vụ xã hội.

70. Vấn đề đầu tư và tiền tệ. Công việc đầu tư cũng phải làm sao tạo được công ăn việc làm và đem lợi tức đầy đủ cho dân chúng trong hiện tại cũng như trong tương lai. Bất cứ ai nắm giữ vai trò chủ chốt trong những việc đầu tư này và trong việc tổ chức đời sống kinh tế - hoặc cá nhân, hoặc tập thể, hoặc công quyền - cũng phải chú tâm đến những mục tiêu trên, và phải ý thức bổn phận nặng nề của mình: một mặt phải sẵn sàng tiên liệu những nhu cầu cần thiết cho mỗi cá nhân hoặc cho cả cộng đoàn có một đời sống đàng hoàng; mặt khác họ cũng phải dự liệu cho tương lai và thiết lập quân bình đúng mức giữa những nhu cầu tiêu thụ hiện tại của cá nhân hoặc của đoàn thể và những đòi hỏi phải đầu tư cho thế hệ mai sau. Họ cũng phải luôn quan tâm đến những nhu cầu cấp bách của các quốc gia hay những miền kinh tế kém mở mang. Trong vấn đề tiền tệ cũng phải tránh sao cho khỏi nguy hại tới lợi ích của xứ sở mình cũng như của các quốc gia khác. Vả lại, cũng phải liệu sao cho những ai eo hẹp về kinh tế khỏi bị thiệt thòi một cách bất công vì những vụ thay đổi giá trị tiền tệ.

71. Tiến tới sở hữu và quyền tư hữu. Vấn đề ruộng đất. Quyền sở hữu 84* và những hình thức khác của quyền tư hữu trên của cải vật chất giúp cho con người biểu lộ nhân vị, tạo cho họ cơ hội làm tròn phận sự của mình trong xã hội cũng như trong lãnh vực kinh tế. Do đó, cần cổ võ mọi cá nhân cũng như mỗi đoàn thể tiến tới một chủ quyền nào đó trên của cải vật chất.

Quyền tư hữu cũng như quyền làm chủ của cải bảo đảm cho mỗi người một lãnh vực cần thiết để cá nhân và gia đình được tự trị. Các quyền này cũng phải được coi như nằm trong phạm vi quyền tự do của con người. Sau cùng, những quyền này còn là một điều kiện tạo nên tự do của người công dân, vì khuyến khích họ đảm trách và thi hành phận vụ của mình 13.

Ngày nay chủ quyền hoặc quyền tư hữu mặc nhiều hình thức khác nhau và sự khác biệt này ngày một gia tăng. Tuy nhiên không kể đến những tài sản của xã hội, những quyền lợi và phục dịch mà xã hội dành cho, tất cả những hình thức sở hữu đó làm cho con người được vững tâm hơn. Ðiều vừa nói về quyền tư hữu về của cải vật chất, cũng có giá trị về những của cải tinh thần, chẳng hạn như những khả năng chuyên nghiệp.

Tuy nhiên quyền tư hữu không cản trở những hình thức khác nhau của quyền sở hữu công cộng. Dĩ nhiên chỉ có thẩm quyền hợp pháp mới có thể buộc chuyển nhượng của cải tư nhân vào sở hữu công cộng tùy theo những đòi hỏi và trong giới hạn công ích, nhưng phải bồi thường tương xứng. Ngoài ra, công quyền cũng có bổn phận ngăn ngừa đừng để ai lạm dụng quyền tư hữu mà phạm đến công ích 14.

Chính quyền tư hữu tự nó có một tính cách xã hội. Tính cách xã hội này đặt nền tảng trên luật chung hưởng của cải 15. Nếu tính cách xã hội này không được tôn trọng thì quyền sở hữu thường đem đến cơ hội sinh ra những tham lam và gây xáo trộn trầm trọng. Ðó là một cớ cho những người chống báng đòi hủy bỏ quyền tư hữu.

Trong nhiều miền kinh tế kém mở mang, vẫn còn những đồng ruộng rộng lớn hoặc rất bao la nhưng chỉ được canh tác sơ sài hay bị bỏ hoang vì tự lợi; trong khi đó phần lớn dân chúng hoặc thiếu đất đai hoặc chỉ được hưởng một phần đất quá ít ỏi và đàng khác việc tăng gia sản xuất nông nghiệp lại hiển nhiên là vấn đề cấp bách. Ðôi khi nông dân làm thuê hoặc những tá canh chỉ lãnh được một số lương hoặc một lợi tức không xứng với con người. Họ không có được một chỗ ở xứng đáng mà còn bị bọn trung gian bóc lột. Thiếu mọi bảo đảm an ninh, họ sống trong một tình trạng lệ thuộc hoàn toàn đến nỗi họ hầu như không còn có thể hành động theo sáng kiến và với tinh thần trách nhiệm. Và đối với họ, mọi cuộc phát triển văn hóa và tham gia vào đời sống xã hội, chính trị đều bị cấm chế. Do đó tùy trường hợp, cần phải có những cuộc cải cách nhằm gia tăng lợi tức, cải thiện trạng huống làm việc, đảm bảo cho việc thuê mướn và sau hết khuyến khích sáng kiến khi làm việc. Lại nữa, cần phải phân chia ruộng đất chưa được canh tác đầy đủ cho những ai có khả năng làm cho đất đai đó sinh lợi. Trong trường hợp này, cần phải cung cấp vật dụng và những phương tiện cần thiết cho họ, nhất là hỗ trợ về phương diện giáo dục và giúp tổ chức các hợp tác xã một cách chính đáng. Một khi công ích đòi hỏi phải truất hữu, thì cũng phải bồi thường cân xứng tùy theo hoàn cảnh.

72. Hành động kinh tế xã hội và Nước Chúa Kitô. Là những người hoạt động tích cực cho công cuộc phát triển kinh tế xã hội ngày nay và tranh đấu cho công bình bác ái, người Kitô hữu cần phải xác tín rằng họ có thể đóng góp nhiều cho nền thịnh vượng của nhân loại và cho hòa bình thế giới. Trong những hoạt động này, họ phải nêu gương sáng với tư cách cá nhân hay đoàn thể. Một khi đã đạt được khả năng chuyên môn và kinh nghiệm cần thiết, trung thành với Chúa Kitô và Phúc Âm của Người, họ phải giữ đúng bậc thang giá trị trong các hoạt động trần thế. Nhờ vậy cả cuộc sống của họ, riêng tư cũng như giữa xã hội đều được thấm nhuần tinh thần của các Mối Phúc Thật, đặc biệt là tinh thần nghèo khó.

Bất cứ ai vâng theo Chúa Kitô, tiên vàn phải tìm Nước Thiên Chúa và từ đó tìm được một tình yêu mãnh liệt và tinh khiết hơn để giúp đỡ các anh em mình và thể hiện công bằng dưới sự thúc đẩy của đức ái 16.

 


Chú Thích:

75* Con người là trung tâm điểm và mục đích của sinh hoạt kinh tế xã hội (số 63a). Hiện nay các sinh hoạt này cũng đang phát triển (b), nhưng không thiếu lý do để lo lắng (c), đặc biệt vì nhiều sự bất bình đẳng giữa các nghề nghiệp, các địa phương và các quốc gia (d), đòi hỏi phải được canh tân (e).

1) Sự phát triển kinh tế.

A) Phải phục dịch con người (số 64).

B) Và được con người điều khiển (số 65): càng nhiều người và càng nhiều quốc gia góp phần để tìm kế hoạch kinh tế thì càng tốt (a). Không thể chấp nhận thái độ chống việc cải cách cũng như chế độ tập trung, vì là xâm phạm đến nhân quyền (b). Tất cả có nhiệm vụ góp phần vào sự phát triển (c).

C) Cần phải loại trừ sự bất bình đẳng, bất công: đặc biệt đối với giới nông dân (a), giới lao động di trú (b), phải giúp mọi người tìm việc làm và huấn luyện họ (c).

2) Một vài nguyên tắc chỉ đạo:

A) Giá trị của việc làm (số 67a, b). Do đó mỗi người có nhiệm vụ và có quyền làm việc với lương bổng xứng đáng (b). Qui tắc kinh tế phải tùng phục con người để phát triển nhân phẩm trong việc làm cũng như trong giờ nghỉ ngơi bắt buộc phải có (c).

B) Sự tham gia vào tổ chức kinh tế trong xí nghiệp cũng như trong quốc gia (số 68a). Quyền lập nghiệp đoàn (b). Làm thế nào để giải quyết sự xung đột về công việc: Công Ðồng không loại trừ việc đình công như phương tiện tối hậu (c).

C) Trong bất cứ chế độ nào về quyền sở hữu, nguyên khởi của tài sản cũng đòi hỏi tài sản phải được phân chia một cách công bằng (69a). Trong các quốc gia kém mở mang hay tân tiến nguyên tắc ấy có thể được thực hiện ra sao (b),

D) Chính sách tiền tệ (số 70).

E) Cổ võ quyền tư hữu: giá trị của quyền tư hữu (số 71abc). Quyền lợi của chính quyền (d). Vai trò xã hội của quyền tư hữu (e). Ðất tư quá rộng và sự cải cách điền địa. (f).

3) Kết luận: Sinh hoạt kinh tế xã hội có thể làm thực hiện đức công bằng và đức thương yêu. Các tín hữu phải làm gương: có thẩm quyền và đem tinh thần Phúc Âm vào sinh hoạt đó (số 72). (Trở lại đầu trang)

76* Trong tình trạng nhà ổ chuột, làm việc thiếu vệ sinh, thiếu nghỉ ngơi... không hiếm ở Việt Nam, đã nói lên mức ảnh hưởng của chiến tranh, nhưng chỉ đúng một phần thôi. Ðã lâu rồi, Ðức Piô XI viết rằng đó là trách nhiệm của "nhiều người chỉ có một tư tưởng là làm sao để gia tăng của cải cho mình" (Quadragesimo Anno, AAS 23 (1931), trg 177-228). Kẻ ấy lơ là trước cảnh huống khốn khổ của tha nhân như thái độ kẻ giàu có trong dụ ngôn của Chúa Giêsu đối với Lazarô là kẻ nghèo nàn (Lc 16, 19-22). (Trở lại đầu trang)

1 Xem Piô XII, sứ điệp ngày 23-3-1952: AAS 44 (1952), trg 273. - Gioan XXIII, Huấn từ cho Lao Công Công Giáo Tiến Hành Ý, A.C.L.I., 1-5-1959: AAS 51 (1959) trg 358. (Trở lại đầu trang)

2 Xem Piô XI, Tđ. Quadragesimo anno: AAS 23 (1931), trg 190tt. - Piô XII, Sứ điệp ngày 23-3-1952: AAS 44 (1952), trg 276tt. - Gioan XXIII, Tđ. Mater et Magistra: AAS 53 (1961), trg 450. - CÐ Vat. II, Sắc lệnh về các phương tiện Truyền Thông Xã Hội Inter mirifica, ch. I, số 6: AAS 56 (1964), trg 147. (Trở lại đầu trang)

3 Xem Mt 16, 26; Lc 16, 1-31; Col 3, 17. (Trở lại đầu trang)

4 Xem Leô XIII, Tđ. Libertas praestantissimum, 20-6-1888: AAS 20 (1887-1888), trg 597tt. - Piô XI, Tđ. Quadragesimo anno: AAS 23 (1931) trg 191tt.; - n.t., Divini Redemptoris: AAS 39 (1937), trg 65tt. - Piô XII, Sứ điệp Giáng Sinh 1941: AAS 34 (1942), trg 10tt. - Gioan XXIII, Tđ. Mater et Magistra: AAS 53 (1964), trg 401-464. (Trở lại đầu trang)

77* Công dân phải được giáo dục để ý thức về nhiệm vụ này. Giới bình dân có thể góp phần gì? Dĩ nhiên sẽ có thể làm ít hay nhiều tùy khả năng, địa vị và tài sản. Một người có thể làm ít, nhưng cả nghiệp đoàn (số 68b) sẽ làm được nhiều. Công Ðồng nhắc lại hai điều thiếu sót làm hại cho cộng đoàn quốc gia: một là để tài nguyên vô dụng (ví du tích trử tiền bạc ở nhà; chỉ mua vàng; không đầu tư vào những kế hoạch của cộng đoàn), hai là không cho cộng đoàn hưởng dụng những phương tiện vật chất (ví dụ khi đem tiền gởi ra ngoại quốc) và tinh thần (khi người đi du học không chịu về nước). Công Ðồng nhắc lại quyền di cư của mọi người (quyền lợi này và bổn phận phục vụ quốc gia, bên nào khẩn cấp hơn, mạnh mẽ hơn, thì phải xét theo hoàn cảnh thực tế của từng cá nhân). (Trở lại đầu trang)

5 Về những vấn đề nông nghiệp, đặc biệt xem Gioan XXIII, Tđ. Mater et Magistra: AAS 53 (1961) trg 341tt. (Trở lại đầu trang)

78* Việc làm có giá trị cao hơn tất cả các yếu tố khác của sinh hoạt kinh tế, vì: 1) có tính cách nhân bản (không chỉ là khí cụ của con người), 2) là cần thiết cho cuộc sống, 3) cổ võ tinh thần anh em và tinh thần phục vụ lẫn nhau, 4) do đó giúp ta thực hiện đức thương yêu nhau, 5) để kiện toàn công cuộc tạo dựng, 6) ngoài ra nhờ đó ta có thể cộng tác với Chúa Cứu Thế, 7) không kể việc chúng ta bắt chước chính Người thuở xưa đã làm việc tại Nazareth.

Trước đây (số 35a), Công Ðồng đã nói rằng nhờ việc làm mà con người được hoàn hảo hơn và xây dựng xã hội. Bởi đó việc làm cũng là phương tiện để xây dựng hòa bình! Cho nên việc làm không những chỉ có giá trị tự nhiên về phương diện cá nhân cũng như cho xã hội và cả vũ trụ, mà còn có giá trị siêu nhiên giúp ta đền tội, cầu xin nhiều ơn Chúa cho mình và cho tha nhân, thánh hóa bản thân khi phải thực hành nhiều nhân đức như kiên nhẫn, cần mẫn, mạnh bạo, khiêm tốn... và đặc biệt là đức ái đối với Chúa cũng như đối với anh em. (Trở lại đầu trang)

79* A) Có bổn phận làm việc: Nếu việc làm thực sự có ích lợi cá nhân và xã hội như vừa nói trên, ai không chịu làm việc kẻ ấy phạm đến Chúa bởi vi phạm đến xã hội và anh em, chưa kể đến việc gây thiệt hại cho mình! Trước đây Công Ðồng nhắc lại rằng đức tin khiến tín hữu nhập thế và hoạt động cho thực tại trần thế (số 43a). Ngoài ra còn có những hoàn cảnh cụ thể buộc ta làm việc: ví dụ nghĩa vụ cha mẹ phải nuôi nấng con cái, đức công bằng nếu lập khế ước, đức vâng lời cũng như hiếu thảo của con cái trong gia đình v.v...

B) Có quyền làm việc: vì có bổn phận như vừa nói trên đây. Nhân phẩm cũng đòi hỏi con người có thể hưởng thụ tất cả những giá trị của việc làm. Dĩ nhiên nhân quyền này không có nghĩa là mỗi cá nhân có quyền đòi hỏi nơi cá nhân khác hay xã hội một công việc nào đó, vì hiểu như vậy sẽ không tôn trọng quyền tự do của người khác. Ở đây nhân quyền chỉ có nghĩa là không ai có thể bị ngăn trở hay bị từ chối khi xin làm việc với đầy đủ những điều kiện cần thiết. Hơn nữa chính quyền phải làm sao tổ chức đời sống kinh tế xã hội để có thể giúp đỡ công dân tìm cơ hội làm việc như Công Ðồng nhắc lại trong số này. (Trở lại đầu trang)

6 Xem Leô XIII, Tđ. Rerum Novarum: AAS 23 (1890-91), trg 649-662. - Piô XI, Tđ. Quadragesimo anno: AAS 23 (1931), trg 200-201; - n.t., Tđ. Divini Redemptoris: AAS 29 (1937), trg 92. - Piô XII, Sứ điệp truyền thanh vọng lễ Giáng Sinh 1942: AAS 35 (1943), trg 20; - n.t., Huấn từ 13-6-1943: AAS 35 (1943), trg 172; - n.t., Sứ điệp truyền thanh gửi thợ thuyền Tây Ban Nha, 11-3-1951: AAS 43 (1951), trg 215. - Gioan XXIII, Tđ. Mater et Magistra: AAS 53 (1961), trg 419. (Trở lại đầu trang)

80* Phải được trả lương tương xứng, không phải chỉ trả theo sức mạnh của người làm việc (là việc làm của con người chứ không phải của cái máy) mà còn theo nhu cầu của con người trước đời sống vật chất, xã hội, văn hóa và đạo đức. Hơn nữa, tương xứng với nhu cầu không chỉ của một mình người làm mà cả của gia đình họ nữa. Giáo lý của Giáo Hội từ Ðức Leô XIII đến giờ vẫn nhấn mạnh rằng lương bổng đầy đủ cho gia đình là thuộc nhân quyền của người làm việc. Dĩ nhiên phải làm trọn nhiệm vụ này là trả công đầy đủ cho gia đình tùy từng việc và khả năng sản xuất, tùy hoàn cảnh xí nghiệp, tùy đòi hỏi của công ích, đặc biệt phải làm sao để có thể cho càng nhiều người làm việc càng tốt. (Trở lại đầu trang)

7 Xem Gioan XXIII, Tđ. Mater et Magistra: AAS 53 (1961), trg 408, 424, 427; còn tiếng điều hành (curatione) trích trong bản văn Latinh của Tđ. Quadragesimo anno: AAS 23 (1931), trg 199. Về diễn tiến vấn đề, xem thêm: Piô XII, Huấn từ 3-6-1950: AAS 42 (1950), trg 485-488. - Phaolô VI, Huấn từ 8-6-1964: AAS 56 (1964), trg 574-579. (Trở lại đầu trang)

81* Công Ðồng nhắc lại rằng công nhân có nhân quyền tập đoàn và mục đích của nghiệp đoàn hay những hình thức khác là để đại diện cho công nhân (ví dụ để lập khế ước lao động) cũng như để góp phần vào tổ chức kinh tế. Nếu chỉ chấp nhận nhân quyền này trên nguyên tắc rồi tạo nên hằng ngàn sự đe dọa và áp lực để ngăn cản công nhân hoạt động tự do trong nghiệp đoàn, như thế là xâm phạm quyền lợi công nhân và trái lẽ công bằng. (Trở lại đầu trang)

82* Nhiều khi người ta nói về quyền đình công để giải quyết những tranh chấp lao động như là một trong các nhân quyền căn bản mà chủ nghĩa dân chủ đã đem lại cho công dân. Công Ðồng có lập trường khiêm tốn hơn. Theo Công Ðồng sự đình công 1) có thể là phương thế để bảo vệ quyền lợi cũng như để đòi hỏi những nguyện vọng hợp lý, 2) phương thế cần thiết và tối hậu, nghĩa là phương thế duy nhất sau khi cuộc đối thoại và những biện pháp hòa giải đã thất bại.

Sở dĩ như vậy là vì sự đình công gây nên thiệt thòi cho chính người lao động, cho xí nghiệp và cho công ích nữa. Thực ra cuộc đình công có hiệu lực chính là vì gây nên thiệt thòi đó. Cho nên đức ái cũng như đức công bằng cấm việc làm hại cho tha nhân, ngoại trừ trường hợp đó là vũ khí cần thiết để bảo vệ quyền lợi và đồng thời sự thiệt thòi không quá đáng.

Bởi vậy chính quyền có thể phế trừ sự đình công. Nhưng luật ấy sẽ bất công (cho nên vô giá trị) nếu chính quyền không cung cấp phương pháp hữu hiệu và tôn trọng quyền tự do của giới lao động để giải quyết các cuộc tranh chấp về việc làm.

Cuối cùng Công Ðồng không nói gì về cuộc đình công chính trị. Trường hợp này phức tạp hơn vì lúc ấy cuộc đình công giống như phương tiện bạo động bất hợp pháp. Do đó phải xét theo nguyên tắc khác (x.số 75). (Trở lại đầu trang)

83* Công Ðồng nhắc lại giáo lý truyền thống (các tài liệu trong ghi chú làm chứng). Ta có thể tóm tắt giáo lý của Giáo Hội như sau: 1) Theo ý Ðấng Tạo Hóa của cải phải phục dịch cho mọi người (x. Populorum Progressio, số 23), và phải bất chấp các kỳ thị (ở trên, số 64). 2) Cho nên cùng đích của chính của cải là phục dịch con người (Populorum Progressio, số 22). 3) Tùy theo nhu cầu vật chất, trí tuệ, luân lý, tinh thần và tôn giáo của họ (ở trên, số 64). 4) Của cải phải được đưa tới đầy đủ cho tất cả mọi người nhờ sự phân chia của cải một cách thích hợp hơn (x. Hiến chế tín lý về Giáo Hội, 36). 5) Tức là theo sự đòi hỏi của đức công bằng và với tinh thần yêu thương (Populorum Progressio, 22). 6) Kết luận: mọi người đều có thực quyền về những cái cần thiết (PP.22). 7) Các quyền lợi khác, kể cả quyền tư hữu, đều phụ thuộc quyền căn bản này (PP.26). 8) Do đó quyền tư hữu theo bản tính có mục đích xã hội (sau này, số 71). 9) Cho nên chúng ta phải lên án hình thức tư bản chủ nghĩa chủ trương quyền tư hữu vô hạn và tuyệt đối (PP.26). 10) Tất cả mọi người đều phải góp phần trong việc phân chia của cải cho công bằng hơn (do việc làm, lòng quảng đại) (Hiến chế tín lý về Giáo Hội 36; ở trên, 64; PP 23). 11) Ðặc biệt chính quyền phải can thiệp khi nào cần thiết (PP. 23). 12) Các dân tộc kém mở mang phải được dân tộc khác trợ giúp (sau này, 85-87) (PP. đặc biệt từ số 43 trở đi). 13) Phải giúp phương tiện cho mọi người cũng như các dân tộc để tự mình phát triển (PP.15,65). (Trở lại đầu trang)

8 Xem Piô XII, Tđ. Sertum Laetitia: AAS 31 (1939), trg 642. - Gioan XXIII, Allocutio consistorialis: AAS 52 (1960), trg 5-11; - n.t., Tđ. Mater et Magistra: AAS 53 (1961). trg 411. (Trở lại đầu trang)

9 Xem T. Tôma, Summa theol. II-II, q.32, a.5 ad 2; - n.v.t., q.66, a.2: xem dẫn giải trong Leô XIII, Tđ. Rerum Novarum: AAS 23 (1890-91), trg 651. - xem thêm Piô XII, Huấn từ 1-6-1941: AAS 33 (1941), trg 199; - n.t., Sứ điệp truyền thanh lễ Giáng Sinh 1954: AAS 47 (1955), trg 27. (Trở lại đầu trang)

10 Xem T. Basiliô, Hom. in illud Lucae "Destruam horrea mea", số 2: PG 31, 263. - Lactantiô, Divinarum Institutionum, c. V, về sự công bình: PL 6,565 B. - T. Augustinô, In Joann. Ev. tr. 50, số 6: PL 35, 1760; - n.t., Enarratio in Ps. CXLVII, 12: PL 37, 1922. - T. Gregoriô Cả, Hom. in Ev., bài 20, 12: PL 76, 1165; - n.t., Regulae Pastoralis liber, phần III, ch. 21: PL 77, 87. - T. Bonaventura, In III Sent., d. 33 dub. 1: x.b. Quaracchi III, 728; - n.t., In IV Sent., d. 15, p. II, a. 2, q. 1: n.v.t., IV, 371 b; - Quaest. de superfluo: ms. Assisi, Bibl. comun. 186, ff. 112 a - 113a. - T. Albertô Cả, In III Sent., d. 33, a.3, sol. 1: x. b. Borgnet XXVIII, 611; - n.t., In IV Sent., d. 15,a. 16: n.v.t., XXIX, 494-497. Về việc xác định của dư thừa của thời đại chúng ta: xem Gioan XXIII, Sứ điệp truyền thanh truyền hình 11-9-1962: AAS 54 (1962), trg 682: "Bổn phận của mọi người và là bổn phận cấp bách của Kitô hữu, chính là thẩm định của dư thừa theo mức độ nhu yếu của người khác và ân cần chăm sóc sao cho việc quản trị và phân phối của cải được tạo dựng có lợi cho mọi người." (Trở lại đầu trang)

11 Trong trường hợp này có thể áp dụng được nguyên tắc: "Trong lúc cùng quẫn cực độ, mọi sự là của chung, nghĩa là phải được chia sớt". Ðàng khác, đối với lý do, phạm vi và phương cách áp dụng nguyên tắc phải theo bản văn đề ra; ngoài các tác giả tân thời được công nhận, xem thêm T. Tôma, Summa Theol., II-II, q.66, a. 7. Hiển nhiên, để áp dụng đúng nguyên tắc, phải tôn trọng mọi điều kiện theo "luân lý" đòi hỏi. (Trở lại đầu trang)

12 Xem Gratiani Decretum C. 21, dist. LXXXVI: x.b. Friedberg I, 302. Lời này đã tìm thấy trong PL 56, 491 A và PL 56, 1132 B. - Xem Antonianum 27 (1952) trg 349-366. (Trở lại đầu trang)

84* Công Ðồng nhắc lại những lý do làm cho quyền tư hữu trở thành chính nghĩa: 1) nó phát biểu nhân cách, 2) giúp con người làm tròn nhiệm vụ trong xã hội, 3) là phương tiện cần thiết để bảo đảm quyền tự trị cá nhân và gia đình, 4) và giống như sự nối dài của quyền tự do, 5) nó khuyến khích con người làm việc, 6) và do đó trở thành điều kiện cho quyền tự do dân sự.

Nói cách khác và theo các tài liệu được trích lại trong ghi chú 13, 1) bản tính con người đoán được nhu cầu về tương lai nên đã đòi hỏi quyền tư hữu. Khác với thú vật, con người phải lo cho tương lai ! 2) Quyền tự do để tìm kiếm cùng đích cũng đòi hỏi quyền tư hữu một phần nào đó. 3) Ðặc biệt quyền tư hữu rất cần thiết để bảo đảm quyền tự trị trước mặt chính quyền, 4) Quyền cũng như bổn phận làm việc là những lý do bênh vực cho quyền tư hữu. 5) Cuối cùng chính công ích đòi hỏi quyền tư hữu: vì nó giúp con người làm việc hăng hái.

Như vậy ta phải quả quyết rằng quyền tư hữu ít ra là quyền của đại gia đình theo khía cạnh tinh thần, và phát sinh bởi luật tự nhiên. (x. Haring, La Loi du Christ, 1963, III, 605-606). (Trở lại đầu trang)

13 Xem Leô XIII, Tđ. Rerum Novarum: AAS 23 (1890-91), trg 643-646. - Piô XI, Tđ. Quadragesimo anno: AAS 23 (1931), trg 191. - Piô XII, Sứ điệp truyền thanh 1-6-1941: AAS 33 (1941), trg 199; - n.t., Sứ điệp truyền thanh Lễ Giáng Sinh 1942: AAS 35 (1943), trg 17; - n.t., Sứ điệp truyền thanh 1-9-1944: AAS 36 (1944), trg 253. - Gioan XXIII, Tđ. Mater et Magistra: AAS 53 (1961), trg 428-429. (Trở lại đầu trang)

14 Xem Piô XI, Tđ. Quadragesimo anno: AAS 23 (1931), trg 214. - Gioan XXIII, Tđ. Mater et Magistra: AAS 53 (1961), trg 429. (Trở lại đầu trang)

15 Xem Piô XII, Sứ điệp truyền thanh Lễ Hiện Xuống 1941: AAS 44 (1941), trg 199. - Gioan XXIII, Tđ. Mater et Magistra: AAS 53 (1961) trg 430. (Trở lại đầu trang)

16 Về việc xử dụng đứng đắn những của cải theo giáo lý của Tân Ước, xem Lc 3,11; 10,30tt; 11, 41; 1P 5,3; Mc 8,36; 12,29-31; Giac 5,1-6; 1Tm 6,8; Eph 4,28; 2Cor 8,13tt; 1Gio 3,17-20. (Trở lại đầu trang)

 


Trở Lại Mục Lục Thánh Công Ðồng Vatican II

Back to Vietnamese Missionaries in Asia Home Page