Thánh Công Ðồng Chung Vaticanô II
Hiến Chế Mục Vụ
Về
Giáo Hội
Trong Thế Giới Ngày Nay
Gaudium Et Spes
Bản dịch Việt Ngữ của Giáo Hoàng Học Viện Piô X
Prepared for Internet by Vietnamese Missionaries in Asia
Chương II
Cộng Ðoàn Nhân Loại 26*
23. Mục Ðích Công Ðồng nhắm tới. Trong những khía cạnh chính yếu của thế giới hôm nay phải kể tới sự gia tăng những mối tương quan giữa con người với nhau, mà những tiến bộ kỹ thuật ngày nay đóng góp rất nhiều vào việc phát triển sự gia tăng ấy. Tuy nhiên, cuộc đối thoại huynh đệ giữa con người được hoàn hảo không phải ở trong những tiến bộ ấy, nhưng một cách sâu xa hơn trong cộng đoàn nhân loại. Cộng đoàn này đòi hỏi phải có sự tôn trọng tất cả phẩm giá thiêng liêng của nhau. Mạc khải Kitô giáo giúp nhiều vào việc cổ võ cho sự hiệp thông giữa các nhân vị, đồng thời cũng đưa ta tới chỗ hiểu biết sâu xa hơn về những luật lệ của đời sống xã hội mà Tạo Hóa đã in vào bản tính thiêng liêng và luân lý của con người.
Bởi vì những tài liệu mới đây của Giáo Quyền đã trình bày sâu rộng hơn lý thuyết Kitô giáo về xã hội con người1, nên Công Ðồng chỉ nhắc lại một ít chân lý chính yếu và Công Ðồng trình bày những nét căn bản của các chân lý ấy dưới ánh sáng của Mạc Khải. Tiếp đến, Công Ðồng nhấn mạnh tới một vài hậu quả xét là quan trọng hơn ở thời đại chúng ta.
24. Ðặc tính cộng đoàn của thiên chức con người trong ý định Thiên Chúa. Lấy tình Cha săn sóc mọi người, Thiên Chúa đã muốn rằng tất cả mọi người phải làm thành một gia đình và đối xử với nhau bằng tình huynh đệ. Bởi vì mọi người được tạo dựng giống hình ảnh của Thiên Chúa là Ðấng đã "cho tất cả nhân loại do một nguyên tổ cư ngụ trên khắp mặt đất" (CvTđ 17,26), nên họ đều được gọi tới cùng một cứu cánh duy nhất là chính Thiên Chúa.
Do đó yêu mến Thiên Chúa và anh em là giới răn thứ nhất và trọng nhất. Thánh Kinh dạy ta rằng tình yêu mến Thiên Chúa không thể tách rời với tình yêu anh em: "...nếu có điều răn nào khác đi nữa cũng gồm tóm trong lời này: hãy thương yêu anh em như chính mình... Thương yêu là chu toàn luật pháp vậy" (Rm 13,9-10; x. 1Gio 4,10). Ðiều nói trên cũng được nhận là quan trọng nhất đối với con người mỗi ngày một lệ thuộc nhau hơn cũng như đối với thế giới ngày càng hiệp nhất lại.
Hơn nữa, khi cầu nguyện với Chúa Cha: "xin cho mọi người nên một..., như chúng ta là một" (Gio 17,21-22), Chúa Giêsu mở ra những viễn tượng mà lý trí con người không thể tự đạt tới được. Như vậy Chúa Giêsu đã nói lên một sự tương tự nào đó giữa sự kết hợp của Ba Ngôi Thiên Chúa với sự kết hợp của các con cái Chúa trong chân lý và đức ái. Sự tương tự này cho thấy con người, tạo vật duy nhất ở trần gian được Thiên Chúa dựng nên cho chính họ, chỉ có thể gặp lại chính bản thân mình nhờ thành thực hiến thân 2.
25. Sự lệ thuộc giữa con người và xã hội. Ðặc tính xã hội của con người cho thấy rõ sự thăng tiến của con người và sự phát triển của xã hội lệ thuộc nhau 27*. Thực vậy, nhân vị chính là và phải là nguyên lý, chủ thể và cứu cánh của mọi định chế xã hội, bởi vì tự bản chất nhân vị phải hoàn toàn cần đến đời sống xã hội 3. Cho nên vì đời sống xã hội đối với con người không phải là một cái gì phụ thuộc, do đó nhờ trao đổi với người khác, nhờ phục vụ lẫn nhau và nhờ đối thoại với anh em, con người được tăng triển mọi khả năng của mình và có thể đáp ứng được thiên chức của mình.
Giữa những mối liên hệ xã hội cần thiết để con người được phát triển, có những mối liên hệ đáp ứng được bản tính sâu xa của con người một cách trực tiếp hơn, đó là gia đình và cộng đoàn chính trị; cũng có những mối liên hệ phát sinh do ý muốn tự do của con người. Trong thời đại chúng ta, nhiều nguyên nhân làm cho những mối tương quan và lệ thuộc nhau mỗi ngày một tăng thêm; do đó phát sinh nhiều hiệp hội và những tổ chức khác nhau, công hay tư xét về phương diện pháp lý 28*. Sự kiện này được mệnh danh là xã hội hóa, không phải là không có những nguy hại, tuy nhiên cũng đem lại nhiều lợi ích lớn lao để củng cố cũng như làm gia tăng những đức tính của con người và bảo đảm những quyền lợi của con người 4.
Nhưng nếu đời sống xã hội giúp nhiều cho con người chu toàn sứ mệnh của mình kể cả sứ mệnh tôn giáo nữa, thì ta cũng không thể phủ nhận rằng con người vì những hoàn cảnh xã hội họ đang sống và tiêm nhiễm ngay từ thuở thiếu thời, nên nhiều khi xa lánh không làm điều thiện và bị lôi kéo làm điều ác. Chắc chắn những xáo trộn rất thường xảy ra trong phạm vi xã hội một phần phát sinh từ chính tình trạng căng thẳng giữa những tổ chức kinh tế, chính trị và xã hội. Nhưng sâu xa hơn, những xáo trộn trên phát sinh do ích kỷ và kiêu căng của con người, đó cũng là những nguyên nhân làm cho môi trường xã hội ra vẩn đục. Một khi trật tự xã hội bị đảo lộn do hậu quả của tội lỗi, thì con người, bẩm sinh đã nghiêng chiều về sự xấu, lại gặp phải những cám dỗ mới để phạm tội. Những cám dỗ này nếu không có cố gắng liên lỉ và không có ơn thánh trợ giúp sẽ không thể lướt thắng được.
26. Bổn phận mưu cầu công ích. Sự lệ thuộc nhau mỗi ngày một chặt chẽ hơn và dần dần lan rộng trên toàn thể thế giới, vì thế công ích - tức là toàn bộ những điều kiện của đời sống xã hội cho phép những tập thể hay những phần tử riêng rẽ có thể đạt tới sự hoàn hảo riêng một cách đầy đủ và dễ dàng hơn - ngày nay mỗi lúc một nới rộng tầm phổ quát hơn và do đó bao hàm những quyền lợi và nghĩa vụ của toàn thể nhân loại. Bất cứ tập thể nào cũng phải tôn trọng nhu cầu và nguyện vọng chính đáng của các tập thể khác, hơn thế nữa, phải tôn trọng công ích của toàn thể gia đình nhân loại 5.
Nhưng đồng thời con người càng ngày càng ý thức hơn về phẩm giá cao trọng vốn có của mình, bởi vì con người vượt trên mọi loài và vì những quyền lợi cũng như bổn phận của con người là phổ quát và bất khả xâm phạm. Vậy cần phải cho con người được tất cả những gì thiết yếu mà con người phải có để thực sự sống đời sống con người, như của ăn, áo quần, chỗ ở, quyền tự do chọn lựa bậc sống và quyền lập gia đình, quyền được giáo dục, quyền làm việc, quyền bảo tồn danh thơm tiếng tốt, quyền được kính trọng, quyền thông tin xứng hợp, quyền hành động theo tiêu chuẩn chính thực của lương tâm mình, quyền bảo vệ đời sống tư và quyền tự do chính đáng cả trong phạm vi tôn giáo nữa.
Bởi vậy, trật tự xã hội và tiến bộ của nó phải luôn luôn nhằm ích lợi của các nhân vị, bởi vì trật tự của muôn vật phải lệ thuộc vào trật tự của các nhân vị chứ không ngược lại. Ðiều này chính Chúa đã ám chỉ khi Người nói rằng ngày nghỉ được lập ra vì con người chứ không phải con người được dựng nên vì ngày nghỉ 6. Trật tự này phải phát triển mỗi ngày một hơn, phải đặt nền tảng trên chân lý, xây dựng trong công bình, nuôi sống nhờ tình yêu; phải dần dần tìm được trong tự do sự quân bình mỗi ngày mỗi hợp với nhân bản hơn 7. 29* Ðể chu toàn được những điều trên, phải có sự đổi mới tâm thức và những thay đổi sâu rộng trong xã hội.
Thánh Thần Chúa, Ðấng điều khiển những biến chuyển thời gian và canh tân bộ mặt trái đất với sự quan phòng kỳ diệu, đang hiện diện trong cuộc tiến hóa này. Men Phúc Âm đã và đang làm dậy lên trong lòng con người sự đòi hỏi phải có nhân phẩm, một đòi hỏi không thể cưỡng chế được.
27. Tôn trọng nhân vị. Ðể đi tới những kết luận thực hành và cần thiết hơn, Công Ðồng nhấn mạnh về sự tôn trọng con người. Vậy mỗi người đều phải coi người đồng loại không trừ một ai như "cái tôi thứ hai", cho nên trước hết phải quan tâm đến sự sống của họ và quan tâm đến những phương tiện cần thiết giúp họ sống một đời sống xứng đáng 8, chứ đừng bắt chước người giàu có kia đã không săn sóc gì tới người nghèo Lazarô 9.
Nhất là thời nay, chúng ta có bổn phận khẩn thiết phải trở nên người lân cận của bất cứ người nào và tích cực giúp đỡ khi họ đến với mình, hoặc có thể là một người già lão bị mọi người bỏ rơi, hoặc là một công nhân ngoại quốc bị khinh bỉ một cách bất công, hoặc là một người lưu vong, hay một đứa bé sinh ra do cuộc tình duyên bất hợp pháp chịu đau khổ cách bất công vì tội lỗi mình không phạm, hoặc một người đói ăn đang kêu gọi lương tâm chúng ta, làm vang lại lời của Chúa: "Bao nhiêu lần các ngươi làm những việc đó cho một trong những người hèn mọn là anh em Ta đây, tức là các ngươi làm cho Ta vậy" (Mt 25,40).
Ngoài ra, tất cả những gì đi ngược với chính sự sống, như giết người dưới bất cứ hình thức nào, diệt chủng, phá thai 30*, giết chết cách êm dịu 31*, hoặc tự tử trực tiếp; tất cả những gì xâm phạm sự toàn vẹn của con người, như cắt bỏ một phần thân xác, hành hạ thân xác hoặc tâm trí, làm áp lực tâm lý; tất cả những gì xúc phạm đến nhân phẩm, như những cảnh sống thấp kém dưới mức độ phải có của con người, giam cầm vô cớ, lưu đày, nô lệ, mãi dâm, buôn bán phụ nữ và trẻ con; kể cả những tình trạng làm việc nhục nhã khiến cho công nhân hoàn toàn trở thành dụng cụ cho lợi lộc, chứ không được coi như con người tự do và có trách nhiệm: tất cả những điều nói trên và những điều tương tự đều thực sự ô nhục. Và trong khi làm thối nát nền văn minh nhân loại, thì tất cả những điều trên lại càng bôi nhọ chính những kẻ chủ động hơn là bôi nhọ những kẻ phải chịu sự nhục mạ, đồng thời cũng xúc phạm nặng nề đến danh dự của Ðấng Tạo Hóa.
28. Kính trọng và yêu thương đối thủ. Cũng phải kính trọng và yêu thương những người không cùng một cảm nghĩ hoặc cùng một hành động với chúng ta trong những vấn đề xã hội, chính trị hay cả tôn giáo nữa. Thực vậy, càng lấy sự nhân ái và yêu thương mà tìm hiểu sâu xa hơn những cách cảm nghĩ của họ, chúng ta càng dễ dàng có thể đi tới đối thoại với họ hơn.
Thực ra, đức ái và lòng nhân hậu này không bao giờ cho phép chúng ta trở thành dửng dưng với điều chân và thiện. Hơn thế nữa, chính đức ái thúc bách các môn đệ Chúa Kitô loan báo cho mọi người chân lý cứu rỗi. Nhưng phải phân biệt lầm lỗi, điều luôn luôn phải loại bỏ, với người lầm lỗi 32* vì những người lầm lỗi vẫn còn giữ được nhân phẩm, ngay cả khi họ có những ý niệm sai lầm hoặc hơi lệch lạc về tôn giáo 10. Chỉ có mình Thiên Chúa là quan tòa và là Ðấng thấu suốt mọi tâm hồn: bởi vậy Ngài ngăn cấm chúng ta xét đoán tội lỗi bên trong của bất cứ người nào 11.
Giáo lý của Chúa Kitô cũng đòi chúng ta phải tha thứ những xúc phạm và giáo lý ấy nới rộng giới răn yêu thương đối với tất cả kẻ thù, đó chính là giới răn trong Luật Mới: "Các ngươi có nghe lời truyền dạy hãy thương yêu thân nhân mà ghét thù địch mình. Còn Ta, Ta dạy các ngươi: hãy thương yêu kẻ thù nghịch mình, cứ làm ơn cho kẻ ghét mình, lại cầu nguyện cho những người bắt bớ vu vạ cho ngươi nữa" (Mt 5, 43-44) 12.
29. Bình đẳng căn bản giữa mọi người với nhau và công bình xã hội. Càng ngày càng phải nhận thức sự bình đẳng căn bản giữa mọi người hơn, bởi vì mọi người đều có một tâm linh và được dựng nên giống hình ảnh Thiên Chúa nên có cùng một bản tính và cùng một nguồn gốc, hơn nữa vì được Chúa Kitô cứu chuộc nên họ đều được mời gọi như nhau và cùng hưởng chung một cùng đích nơi Thiên Chúa.
Dĩ nhiên mọi người không bằng nhau vì không có khả năng thể chất như nhau và những năng lực trí tuệ và tinh thần như nhau. Tuy nhiên phải vượt lên trên và loại bỏ mọi hình thức kỳ thị về những quyền lợi căn bản của con người, hoặc trong phạm vi xã hội hoặc trong phạm vi văn hóa, kỳ thị vì phái tính, chủng tộc, màu da, địa vị xã hội, ngôn ngữ hay tôn giáo, vì như vậy là trái với ý định của Thiên Chúa. Do đó thực đáng buồn khi những quyền lợi căn bản của nhân vị cho đến nay vẫn chưa được bảo đảm toàn vẹn ở mọi nơi. Thí dụ người ta không nhìn nhận phụ nữ có quyền tự do chọn lựa người chồng hay quyền tự do chọn bậc sống, hoặc quyền được giáo dục và có văn hóa như nam giới 33*.
Hơn nữa, dù có những khác biệt chính đáng giữa con người với nhau, tuy nhiên nhân phẩm như nhau của mọi người cũng đòi hỏi người ta phải tiến tới mức sống nhân đạo hơn và xứng hợp với con người hơn. Thực vậy, những chênh lệch quá đáng về kinh tế và xã hội giữa những thành phần hay giữa những dân tộc trong cùng một gia đình nhân loại thực là những gương xấu và đi ngược với công bằng xã hội, lẽ phải, 34* nhân phẩm và nền hòa bình xã hội cũng như quốc tế.
Còn các tổ chức của con người hoặc tư hoặc công hãy nỗ lực phục vụ phẩm giá cũng như cứu cánh của con người, đồng thời hãy mạnh mẽ chống lại bất cứ hình thức nô lệ nào trên phương diện xã hội hay chính trị và bảo vệ những quyền lợi căn bản của con người trong trong bất cứ một chính thể nào. Hơn nữa, các tổ chức ấy còn phải dần dần phù hợp với những việc thiêng liêng là những việc cao cả hơn hết, dù đôi khi phải trải qua một thời gian khá lâu để đạt tới mục đích hằng mong mỏi đó.
30. Cần phải vượt ra khỏi thứ luân lý cá nhân chủ nghĩa. Hoàn cảnh biến đổi sâu rộng và nhanh chóng đòi hỏi cấp bách đừng ai chủ trương một thứ luân lý duy cá nhân mà không lưu tâm hoặc không màng chi tới diễn tiến thời cuộc 35*. Bổn phận công bình và bác ái được chu toàn mỗi ngày một hơn là do mỗi người biết, tùy theo những khả năng của mình và nhu cầu của kẻ khác mà mưu ích chung, bằng cách cổ võ và trợ giúp những tổ chức công hay tư nhằm cải thiện những điều kiện sống của con người. Lại có những người ngoài miệng thì chủ trương rộng rãi và đại lượng, mà thực tế họ luôn luôn sống như chẳng quan tâm gì tới những nhu cầu của xã hội. Hơn nữa tại nhiều nơi có nhiều người còn coi thường các luật lệ và những qui định của xã hội. Một số người không ngần ngại dùng những hình thức gian lận và lừa đảo để trốn những thuế vụ chính đáng hoặc trốn tránh những gì xã hội đòi buộc. Có người lại coi nhẹ một số luật lệ trong cuộc sống xã hội, chẳng hạn những luật lệ liên hệ tới việc bảo vệ sức khoẻ, hoặc việc xe cộ lưu thông, bởi vì họ không nhận thức được rằng do bất cẩn như thế sẽ gây nguy hiểm cho tính mạng của họ và của những người khác.
Mỗi người đều phải nhìn nhận và tôn trọng những liên đới xã hội như một trong những nghĩa vụ chính yếu của con người thời nay. Bởi vì thế giới càng hợp nhất thì hiển nhiên những bổn phận của con người càng vượt trên những nhóm riêng rẽ hơn và dần dần sẽ lan rộng tới toàn thế giới. Ðiều ấy chỉ thể hiện được một khi mỗi người và mỗi cộng đoàn trau dồi nơi chính họ những đức tính luân lý và xã hội, đồng thời đem những đức tính ấy gieo rắc ngoài xã hội. Như vậy, với sự trợ giúp cần thiết của ơn thánh Chúa sẽ có những con người thật sự mới và là những người kiến tạo một nhân loại mới.
31. Trách nhiệm và tham gia. Ðể mỗi người chu toàn một cách cẩn thận hơn nghĩa vụ của họ đối với mình hay đối với những cộng đoàn mà họ là thành phần, thì với những phương thế phong phú của nhân loại ngày nay, họ phải được giáo dục chu đáo để có văn hóa sâu rộng hơn. Trước hết cần phải tổ chức việc giáo dục những người trẻ thuộc bất cứ thành phần nào trong xã hội, làm sao để đào tạo được những người nam và nữ không những tài giỏi về văn hóa mà còn có một tâm hồn cao thượng, bởi vì thời đại chúng ta đang khẩn thiết đòi phải có những người như vậy.
Nhưng con người khó mà nắm được ý nghĩa trách nhiệm này nếu những hoàn cảnh sinh sống không cho phép họ ý thức về phẩm giá của mình cũng như không cho phép họ đáp lại sứ mệnh của mình bằng cách hiến thân phục vụ Thiên Chúa và người khác. Ngoài ra, sự tự do của con người nhiều lúc suy giảm đi, một khi con người rơi vào cảnh quá cùng cực, cũng như tự do ấy bị hạ giá một khi buông thả theo những dễ dãi quá mức trong cuộc sống, con người dường như tự khép mình trong thứ lâu đài cô đơn ngà ngọc. Trái lại tự do ấy được củng cố khi con người chấp nhận những ràng buộc không thể tránh được trong cuộc sống xã hội, coi những nhu cầu muôn mặt của tình liên đới nhân loại là của mình và tự buộc mình phải phục vụ cho cộng đoàn nhân loại.
Vì thế, thiện chí muốn góp phần vào những công việc chung cần được cổ võ nơi mọi người. Ngoài ra phải ca tụng đường lối của những quốc gia đang để cho càng đông công dân càng tốt được tham gia việc nước trong sự tự do đích thực. Tuy nhiên cần phải lưu ý tới hoàn cảnh thực tế của mỗi dân tộc cũng như tới uy quyền cần thiết của quyền bính quốc gia. Hơn nữa, để mọi công dân phấn khởi tham dự vào cuộc sống của các đoàn thể tạo nên cơ cấu xã hội, thì họ cần phải tìm được trong những tổ chức ấy, những lợi ích lôi cuốn họ và giúp họ sẵn sàng phục vụ người khác. Chúng ta có thể nghĩ một cách hợp lý rằng số phận mai sau của nhân loại nằm trong tay những người có khả năng trao cho hậu thế những lý do để sống và để hy vọng.
32. Ngôi Lời Nhập Thể và tình liên đới nhân loại. Thiên Chúa đã dựng nên con người không phải để sống riêng rẽ nhưng để tạo nên sự liên kết xã hội. Cũng thế "... Thiên Chúa không muốn thánh hóa và cứu rỗi loài người cách riêng rẽ, thiếu liên kết, nhưng Ngài muốn qui tụ họ thành một dân tộc để họ nhận biết chính Ngài trong chân lý và phụng sự Ngài trong thánh thiện" 13. Ngay từ khởi đầu lịch sử cứu rỗi chính Ngài đã chọn con người, không phải với tính cách như những cá nhân, nhưng như những phần tử của một cộng đoàn. Thực thế, trong khi Thiên Chúa biểu lộ ý định của Ngài, Ngài cũng đã gọi những người được chọn là "dân Ngài" (Xac 3,7-12), hơn nữa còn ký kết giao ước với dân ấy tại Sinai 14.
Tính chất cộng đoàn này nhờ công nghiệp của Chúa Giêsu Kitô được kiện toàn và hoàn tất. Chính Ngôi Lời Nhập Thể đã muốn chia sẻ tình liên đới nhân loại. Người đã hiện diện tại tiệc cưới Cana, đã vào nhà Giakêu, đã ăn uống với những người thu thuế và những người tội lỗi. Người đã mạc khải tình yêu thương của Chúa Cha và sứ mệnh cao cả của con người, khi Người nhắc tới những điều hết sức thông thường trong xã hội và dùng những kiểu nói cũng như những hình ảnh hoàn toàn thuộc cuộc sống thường nhật. Tự ý tuân phục những luật lệ trong quốc gia Người, Người đã thánh hóa những mối liên hệ của con người, nhất là những liên hệ thuộc về gia đình là nguồn gốc phát sinh những liên hệ xã hội. Người đã muốn sống cuộc sống của những thợ thuyền với người đương thời nơi quê hương Người.
Trong khi rao giảng, Người đã truyền dạy rõ ràng cho con cái Thiên Chúa phải cư xử với nhau như anh em. Lúc cầu nguyện, Người đã xin cho tất cả các môn đệ Người được nên "một". Hơn nữa, là Ðấng Cứu Chuộc mọi người, chính Người đã tự hiến thân chết cho mọi người. "Chẳng ai có lòng thương yêu hơn kẻ liều mạng sống mình vì bạn hữu" (Gio 15,13). Người còn ra lệnh cho các Tông Ðồ rao giảng sứ điệp Phúc Âm cho muôn dân để nhân loại trở nên gia đình của Thiên Chúa, trong đó sự sung mãn của lề luật chính là đức ái.
Là trưởng tử của một đoàn anh em đông đúc, sau khi chết và sống lại, Người đã thiết lập nhờ hồng ân của Thánh Thần Người một sự kết hiệp huynh đệ mới giữa tất cả những kẻ đón nhận Người với đức tin và đức ái trong chính Thân Thể của Người tức là Giáo Hội, ở đấy mọi người là chi thể với nhau, tùy theo những ơn đã lãnh nhận mà phục vụ lẫn nhau.
Tình liên đới này cần phải được gia tăng luôn mãi cho tới ngày nó được hoàn tất, và ngày đó nhờ được ơn thánh cứu thoát, loài người như một gia đình được Thiên Chúa và Chúa Kitô là Anh yêu thương, sẽ dâng lên Thiên Chúa lời chúc tụng toàn hảo.
Chú Thích:
26* Chương này bổ túc chương I.
1) Con người có bản tính xã hội, theo ý Ðấng Tạo Hóa: con người đều bởi một Chúa, đều là một loại, đều có chung một cùng đích. Lời Chúa mạc khải: như trong điều răn thứ nhất, trong ý nguyện của Chúa Giêsu cũng như trong tính cách con cái một Thiên Chúa Ba Ngôi cũng xác nhận điều ấy (số 24).
2) Do đó con người cần nhờ xã hội để phát triển. Xã hội là để phục dịch con người. Nhưng nếu con người không sinh hoạt trong xã hội vì công ích thì không có xã hội. Sự nhượng bộ lợi ích riêng cốt để nhờ công ích xã hội mà giúp đỡ từng cá nhân. Ðàng khác nhiều khi lý tưởng đó còn xa vời: do thiếu sót về kinh tế, về chính trị, về xã hội (lắm lúc do tội ích kỷ và kiêu ngạo gây nên). Trong trường hợp ấy xã hội làm thiệt hại cho con người (số 25).
3) Nên phải tôn trọng ích chung của cả thế giới cốt cổ võ quyền lợi căn bản cá nhân. Cần phải canh tân tâm trạng dưới ảnh hưởng của Chúa Thánh Thần và theo tinh thần Phúc Âm (số 26).
4) Phải tôn trọng nhân vị mọi người. Công Ðồng nhắc tới một số người thường vẫn chưa được tôn trọng, và một số tội lỗi của xã hội ngày nay là vết nhơ cho nền văn minh và cho chính kẻ phạm tội đó; những tội lỗi đó quả thực làm ô danh Thiên Chúa (số 27).
5) Không tiêu diệt đối phương: tôn trọng nghĩa là tìm hiểu và đối thoại, là lên án sự sai lầm chứ không xét đoán ý kín đáo của kẻ sai lầm. Hơn nữa, ta phải yêu thương kẻ làm hại ta (số 28).
6) Phải công nhận mọi người đều bình đẳng về quyền lợi căn bản vì cùng một bản tính, một nguyên thủy, một cùng đích và cũng được cứu chuộc như nhau. Nên, phải loại trừ mọi phân biệt về quyền lợi đó trên phạm vi cá nhân, trong sinh hoạt xã hội, văn hóa và chính trị dù có những sự khác biệt phụ thuộc (số 29).
7) Luân lý cá nhân phải nhượng bộ cho luân lý nhấn mạnh về nhiệm vụ xã hội: Công Ðồng vừa diễn tả thái độ theo luân lý xã hội, vừa nêu ra vài thí dụ cụ thể trái ngược với luân lý ấy (số 30).
8) Ðể được như vậy phải giáo dục xã hội và canh tân trạng huống sinh hoạt. Công dân phải lần lần góp phần vào đời sống chính trị (số 31). Hoạt động và lời Chúa mạc khải xác nhận khía cạnh xã hội của con người: đặc biệt khi tập trung loài người như anh em, như chi thể của một thân thể. Tình liên đới ấy sẽ hoàn thiện hóa ở đời sau (số 32). (Trở lại đầu trang)
1 Xem Gioan XXIII, Tđ. Mater et Magistra, 15-5-1961: AAS 53 (1961), trg 401-464; - và Tđ. Pacem in terris, 11-4-1963: AAS 55 (1963), trg 257-304. - Phaolô VI, Tđ. Ecclesiam suam, 6-8-1964: AAS 56 (1964), trg 609-659. (Trở lại đầu trang)
2 Xem Lc 17,33. (Trở lại đầu trang)
27* Ðiều hòa quyền lợi của xã hội (số 26) và quyền lợi cá nhân (số 27) trong thực tế rất khó, chẳng hạn thật là rất nguy hiểm nếu dựa trên tiêu chuẩn về lượng để xét định những đòi hỏi của công ích. Những bảng thống kê về kết quả kinh tế xã hội (sự gia tăng sản xuất, mức độ sinh hoạt, công trình thịnh vượng, trừng phạt tội trạng, v.v...) đã có thể vi phạm nhân vị dù chưa nói gì về phương pháp được xử dụng. Trong trường hợp ấy các kết quả mỹ mãn đó không phục vụ công ích! Làm hại hay tiêu diệt các nhóm thiểu số để đạt tới mục tiêu của đa số cũng là một ví dụ (x. số 59, 73). (Trở lại đầu trang)
3 Xem T. Tôma, 1 Ethic., lect. 1. (Trở lại đầu trang)
28* Gọi là chế độ "công pháp hay tư pháp" tùy theo liên quan đến ích lợi chung hay ích lợi riêng. Ví dụ hệ thống tư pháp cũng có tính cách công pháp vì là cần thiết cho công ích. Hệ thống đó nhằm bảo vệ những quyền lợi riêng của từng cá nhân hay của từng pháp nhân (chính quốc gia cũng có quyền lợi riêng như vậy): những quyền lời ấy thuộc về tư pháp. (Trở lại đầu trang)
4 Xem Gioan XIII, Tđ. Mater et Magistra: AAS 53 (1961), trg 418. - Xem thêm Piô XI, Tđ. Quadragesimo anno, 15-5-1931: AAS 23 (1931), trg 222tt. (Trở lại đầu trang)
5 Xem Gioan XIII, Tđ Mater et Magistra: AAS 53 (1961), trg 417. (Trở lại đầu trang)
6 Xem Mc 2,27. (Trở lại đầu trang)
7 Xem Gioan XIII, Tđ Pacem in terris: AAS 55 (1963), trg 266. (Trở lại đầu trang)
29* Không những sự giao thiệp giữa cá nhân với cá nhân và giữa cá nhân với quốc gia, mà cả những hoạt động của chính quyền và của các quốc gia với nhau cũng phải dựa trên bốn cột trụ này: chân lý, công bình, tình yêu, tự do. Phải chăng Công Ðồng có lý khi đòi hỏi phải canh tân tâm trạng và đổi mới ngay chính xã hội nữa. (Trở lại đầu trang)
8 Xem Giac 2, 15-16. (Trở lại đầu trang)
9 Xem Lc 16, 19-31. (Trở lại đầu trang)
30* Phá thai là tội trọng đi ngược với sự sống (MV 51b). Giết thai nhi khi chưa thành hình (chừng 6 tuần đầu) có lẽ không phải sát nhân (thần học cũng như khoa học chưa chắc chắn về vấn đề thai nhi ấy đã sống do linh hồn nhân loại chưa), nhưng chắc chắn sự phá thai đó là giết mạng sống đã có đặc tính nhân loại. Hơn nữa vì có lẽ đã có linh hồn nhân loại rồi, nên phá thai là liều lĩnh giết người và đó là một tội, và sát hại một kẻ không những hoàn toàn vô tội mà còn là đứa con của chính kẻ sát nhân. Dù trường hợp người mẹ rất nguy, cũng không thể giết thai nhi để cứu mẹ: mạng sống của thai nhi cũng như của chính người mẹ là thuộc quyền của Chúa: không ai có quyền cắt đi. Không bao giờ được phép làm sự dữ, dù với mục đích tốt lành. Chẳng may, vì lý do có nhiều vụ phá thai bất hợp pháp và làm trong những hoàn cảnh thiếu cẩn thận (nhiều khi do người không phải là bác sĩ và thiếu phương tiện), thì có quốc gia lập luật cho phép phá thai với một số điều kiện bảo đảm. Phải hiểu rõ là dù có luật như thế đi chăng nữa, "cho phép" chỉ có thể có nghĩa là luật pháp không coi vụ phá thai đó là tội trạng mà các tòa án phải trừng phạt; chứ không có nghĩa phá thai không phải là tội. "Phá thai... là tội ác đáng ghê tởm" (MV 51c). Giáo Hội phạt tội này với vạ tuyệt thông cho tất cả những ai góp phần hiệu lực cho việc phá thai. (Trở lại đầu trang)
31* Tức là làm cho những người bệnh nặng, tàn tật, già nua, mau chết để khỏi phải kéo dài sự đau đớn. Hành động có vẻ nhân đạo nhưng thực sự là tội sát nhân, và tỏ lòng ích kỷ (bệnh nhân nào lại không quấy rầy kẻ chung quanh) hơn là tỏ lòng bác ái. (Trở lại đầu trang)
32* Sự lầm lạc vẫn đáng ghét vì không hợp với bản tính con người đã có lý trí để hiểu biết sự thật. Sự lầm lạc trong phạm vi luân lý nhất là do tội còn đáng ghét hơn nữa vì nó làm cho con người nên xấu xa và có thể ảnh hưởng trên người khác rất nhiều. Nhưng chính người lầm lạc vẫn còn là con người phải được tôn trọng. "Lầm lẫn thì không có quyền lợi": nghĩa là bản tính con người đòi hỏi rằng phải nỗ lực để loại trừ sự lầmlạc. Dĩ nhiên chỉ con người mới có thể có quyền lợi. Thế thì kẻ lầm lạc không có quyền để lầm lạc, nhưng vẫn có quyền để được kính trọng như con người, mặc dầu đã lầm lạc (về vấn đề này Tuyên Ngôn về Tự Do Tôn Giáo còn nói rõ hơn). (Trở lại đầu trang)
10 Xem Gioan XXIII, Tđ. Pacem in terris: AAS 55 (1963), trg 299-300. (Trở lại đầu trang)
11 Xem Lc 6,37-38; Mt 7,1-2; Rm 2,1-11; 14,10-12. (Trở lại đầu trang)
12 Xem Mt 5,43-47. (Trở lại đầu trang)
33* Ðây chỉ là một thí dụ về việc kỳ thị căn cứ vào giới tính. Trong xã hội thấm nhuần văn minh Nho Giáo và Phật Giáo, sự kỳ thị này có ít hay nhiều, tùy trường hợp (coi sau này: số 60c). (Trở lại đầu trang)
34* Ðức công bằng giúp ta trả cho mọi người của riêng họ. Từ xưa đã có thói quen phân biệt công bằng giao hoán đối với từng phần tử xã hội, giúp mỗi người trao trả cho người khác tất cả những gì mà kẻ ấy có quyền đòi hỏi; công bằng pháp lý đối với chính cộng đoàn xã hội, khiến mọi cá nhân hoạt động theo những đòi hỏi của ích chung; công bằng phân phối của xã hội (nhờ các đại diện của xã hội) đối với mọi phần tử cộng đoàn, thúc đẩy xã hội phân chia nhiệm vụ cũng như quyền lợi giữa phần tử của cộng đoàn một các chính đáng. Theo văn kiên của Tòa Thánh (Ðức Piô XI và XII): công bằng xã hội phải được hiểu như công bằng pháp lý tổng quát, nghĩa là nhân đức khiến mọi phần tử của xã hội thực hiện mọi nhân đức khác mỗi khi ích chung đòi hỏi như vậy (theo như Thánh Tôma dạy, II-II, q. 58, a a. 5-7 (x. Calvez-Perrin, Eglise et Société économique. L’Enseignement social des Papes de Léon XIII à Pie XII, Paris 1959, trg 192-203 và 543-567).
"Aequitas" (lẽ phải) là danh từ có nghĩa gần giống danh từ công bằng, nhưng phong phú hơn: không chỉ dựa trên nguyên tắc pháp lý để giải quyết một vấn đề, mà còn cố gắng cân nhắc các hoàn cảnh chủ quan cũng như khách quan. Sự trọng tài giữa người phá hoại và nạn nhân có lẽ không thỏa mãn đòi hỏi của nguyên tắc công bằng giao hoán, nhưng trong hoàn cảnh thực tế rất có thể là giải pháp tốt nhất: thích hợp cho con người. (Trở lại đầu trang)
35* Phải chăng đây là điều hơi lạ khi Công Ðồng chỉ nêu ra lý do nhất thời của những xu hướng hiện đại? Nếu con người có bản tính xã hội (Công Ðồng đã xác nhận điều này ở trên, số 24-25), phải chăng con người không thể chỉ hoạt động tuân theo một luân lý cá nhân? Ngoài ra, đức tin lại không nhấn mạnh rằng đức bác ái là trên hết hay sao? ... Tố cáo Giáo Hội chỉ mới bắt đầu lưu tâm đến các vấn đề xã hội từ cuối thế kỷ 19, nghĩa là sau cuộc cách mạng kỹ thuật và theo sau các phong trào xã hội chủ nghĩa, tố cáo như thế chỉ là không biết lịch sử mà thôi (ví dụ như từ trong CvTđ 2, 44-45; 4,32-35 đến các nhà Dòng chuyên lo chuộc lại những người bị tù hay chuyên săn sóc bệnh nhân v.v...). Nhưng đàng khác không thể phủ nhận được rằng những triết thuyết từ thời cải cách tin lành trở đi đã ảnh hưởng tới quan niệm tôn giáo rất nhiều đến nỗi có nhiều tín hữu đạo đức trong các bổn phận cá nhân mà lại không biết tôn trọng công bằng và bác ái xã hội chút nào. "Tôi không giết người, không cướp của người" là những câu năng được nghe và chúng đã tỏ lộ thứ quan niệm ấy. Thế thì làm thiệt hại cho tha nhân, không kính trọng quyền lợi của tha nhân không phải là cách giết và cướp của người ta hay sao? Ngoài ra họ có lo gì cho những đòi hỏi của ích chung không?... Vả lại trước đây trong các lớp dạy giáo lý và luân lý thần học cũng gần như chỉ biết nhấn mạnh thái độ cá nhân về các bổn phận luân lý. Dạy về bổn phận cá nhân đối với cá nhân tương đối là dễ; trái lại dạy về bổn phận đối với tha nhân vô danh và đối với ích chung thì khó. Chắc chắn là cần phải nhấn mạnh đến các nguyên tắc và đào tạo lương tâm của mọi giáo dân để họ trưởng thành và biết tự xét đoán mọi hoàn cảnh, hơn là tiếp tục để cho họ chỉ biết hoạt động theo những giải quyết từng chi tiết của các giáo sĩ. Số 31 phác họa một chương trình căn bản về việc giáo dục xã hội. (Trở lại đầu trang)
13 CÐ Vat. I I, Hiến chế tín lý về Giáo Hội Lumen gentium, ch. I I, số 9: A AS 57 (1965), trg 12-13. (Trở lại đầu trang)
14 Xem Xac 24,1-8. (Trở lại đầu trang)