Thánh Công Ðồng Chung Vaticanô II

 

Hiến Chế Mục Vụ

Về Giáo Hội

Trong Thế Giới Ngày Nay

Gaudium Et Spes

 

Bản dịch Việt Ngữ của Giáo Hoàng Học Viện Piô X

Prepared for Internet by Vietnamese Missionaries in Asia


 

Phần Thứ Hai

Một Số Vấn Ðề Khẩn Thiết

 

46. Lời mở đầu. Sau khi trình bày về phẩm giá nhân vị cũng như về một số bổn phận cá nhân hay xã hội mà con người được gọi để chu toàn trong vũ trụ, nay Công Ðồng, với ánh sáng Phúc Âm và kinh nghiệm nhân loại, lưu ý mọi người về một số nhu cầu khẩn thiết của thời đại này, và là những nhu cầu đang ảnh hưởng rất nhiều đến nhân loại.

Giữa nhiều vấn đề làm cho mọi người ngày nay quan tâm, nên ghi nhận trước hết những điểm sau đây: hôn nhân và gia đình, văn hóa nhân loại, đời sống kinh tế xã hội và chính trị, hòa bình và sự liên đới gia đình các dân tộc. Cần phải dùng những nguyên tắc và ánh sáng bắt nguồn từ Chúa Kitô chiếu giãi từng vấn đề này, để những nguyên tắc và ánh sáng đó hướng dẫn các Kitô hữu và soi sáng mọi người trong công cuộc kiếm tìm giải pháp cho biết bao vấn đề phức tạp nêu trên.

 

Chương I

Phải Ðề Cao Phẩm Giá

Của Hôn Nhân Và Gia Ðình 51*

 

47. Hôn nhân và gia đình trong thế giới ngày nay. Sự lành mạnh của con người cũng như xã hội nhân loại và Kitô giáo liên kết chặt chẽ với tình trạng tốt đẹp của cộng đoàn hôn nhân và gia đình. Do đó, cùng với tất cả những ai tán dương các cộng đoàn hôn nhân và gia đình, người Kitô hữu thành thực vui mừng trước những trợ lực khác nhau giúp con người ngày nay tiến tới trong việc cổ võ cộng đoàn yêu thương ấy cũng như trong sự tôn trọng đời sống; những trợ lực ấy còn giúp đỡ các đôi vợ chồng và các bậc làm cha mẹ trong sứ mệnh cao cả của họ. Người Kitô hữu còn mong đợi và nỗ lực thực hiện những thành quả tốt đẹp hơn.

Nhưng phẩm giá của định chế ấy không phải ở đâu cũng sáng tỏ như nhau, vì đã bị lu mờ bởi chế độ đa thê, nạn ly dị, bởi cái mà người ta gọi là tự do luyến ái, cùng những hình thức lệch lạc khác. Hơn nữa, tình yêu hôn nhân rất thường bị hoen ố vì lòng ích kỷ, khoái lạc chủ nghĩa và những lạm dụng bất hợp pháp cản trở sự sinh sản. Ngoài ra, các hoàn cảnh hiện tại về kinh tế, xã hội, tâm lý và chính trị đang gây cho gia đình những xáo trộn trầm trọng. Sau hết, tại một vài nơi trên thế giới, người ta không khỏi lo lắng nhận thấy những vấn đề được phát hiện do sự gia tăng dân số. Tất cả những điều ấy đang làm khắc khoải lương tâm con người 52*. Tuy nhiên, có một điều chứng tỏ sức mạnh và sự bền vững của định chế hôn nhân và gia đình, đó là các biến đổi sâu xa của xã hội hiện tại, mặc dù gây ra nhiều khó khăn, nhưng vẫn rất thường bộc lộ bản chất đích thực của định chế trên bằng nhiều cách.

Bởi vậy, bằng cách làm sáng tỏ hơn một vài chủ điểm trong giáo lý của Giáo Hội, Công Ðồng muốn soi sáng và khích lệ người Kitô hữu cũng như mọi người đang cố gắng bảo toàn và cổ võ phẩm giá tự nhiên cũng như giá trị thiêng liêng cao cả của đời sống hôn nhân.

48. Sự thánh thiện của hôn nhân và gia đình. Ðấng Tạo Hóa đã thiết lập và ban những định luật riêng cho đời sống chung thân mật và cho cộng đoàn tình yêu vợ chồng. Ðời sống chung này được gầy dựng do giao ước hôn nhân, nghĩa là sự ưng thuận cá nhân không thể rút lại 53*. Như thế, bởi một hành vi nhân linh, trong đó, hai vợ chồng tự hiến cho nhau và đón nhận nhau, nhờ sự an bài của Thiên Chúa, phát sinh một định chế vững chắc có giá trị trước mặt xã hội nữa. Vì lợi ích của lứa đôi, của con cái và của xã hội, nên sợi dây liên kết thánh thiện này không lệ thuộc sở thích của con người. Chính Thiên Chúa là Ðấng tác tạo hôn nhân, phú bẩm những lợi ích và mục tiêu khác nhau 1; những điều ấy hết sức quan trọng đối với sự tiếp nối nhân loại, sự phát triển cá nhân và phần rỗi đời đời của mỗi thành phần trong gia đình, quan trọng đối với phẩm giá, sự vững chãi, an bình và thịnh vượng của chính gia đình và của toàn thể xã hội loài người. Tự bản chất, chính định chế hôn nhân và tình yêu lứa đôi qui hướng về việc sinh sản và giáo dục con cái như chóp đỉnh diễm phúc của hôn nhân. Như thế, bởi giao ước hôn nhân, người nam và người nữ "không còn là hai, nhưng là một xương thịt" (Mt 19,6), phục vụ và giúp đỡ lẫn nhau bằng sự kết hợp mật thiết trong con người và hành động của họ, cảm nghiệm và hiểu được sự hiệp nhất với nhau mỗi ngày mỗi đầy đủ hơn. Sự liên kết mật thiết vẫn là sự tự hiến của hai người cho nhau cũng như lợi ích của con cái buộc hai vợ chồng phải hoàn toàn trung tín và đòi hỏi kết hợp với nhau bất khả phân ly 2.

Chúa Kitô ban dồi dào ơn phúc cho tình yêu muôn hình ấy, một tình yêu phát xuất từ nguồn mạch tình yêu Thiên Chúa và được tác thành theo gương kết hiệp của Chúa Kitô và Giáo Hội. Thực vậy, như xưa kia Thiên Chúa đến gặp gỡ dân Ngài bằng một giao ước yêu thương và trung thành 3, ngày nay Ðấng Cứu Thế, Bạn Trăm Năm của Giáo Hội 4, cũng đến với đôi vợ chồng qua Bí Tích Hôn Phối. Người còn ở lại với họ để hai vợ chồng cũng mãi mãi trung thành yêu thương nhau bằng sự tự hiến cho nhau như Người đã yêu thương Giáo Hội và đã nộp mình vì Giáo Hội 5. Tình yêu vợ chồng đích thực được kết nhập trong tình yêu Thiên Chúa, được hướng dẫn và thêm phong phú nhờ quyền năng cứu chuộc của Chúa Kitô và hoạt động cứu rỗi của Giáo Hội, để hai vợ chồng được dẫn dắt cách hữu hiệu đến cùng Thiên Chúa, cũng như được nâng đỡ và kiện cường trong nhiệm vụ cao cả làm cha mẹ 6. Bởi đó, vợ chồng Kitô hữu được củng cố và như được thánh hiến 7 bằng một bí tích riêng để được lãnh nhận các bổn phận và phẩm giá của bậc sống họ; nhờ sức mạnh của bí tích này, họ được thấm nhuần tinh thần Chúa Kitô mà chu toàn bổn phận hôn nhân và gia đình của họ, nhờ đó tất cả đời sống của họ được thấm nhuần đức tin, cậy, mến, và càng ngày họ càng tiến gần hơn tới sự trọn lành riêng biệt của họ và sự thánh hóa lẫn nhau; và bởi đấy, cùng nhau tôn vinh Thiên Chúa 54*.

Do đó, được cha mẹ hướng dẫn bằng gương sáng và kinh nguyện gia đình, con cái và tất cả những ai sống trong khuôn khổ gia đình sẽ gặp được con đường nhân ái, cứu độ và thánh thiện dễ dàng hơn. Còn vợ chồng đã lãnh nhận phẩm giá và chức vụ làm cha mẹ sẽ chăm lo chu toàn bổn phận giáo dục, nhất là về phương diện tôn giáo vì bổn phận này liên hệ đến họ trước hết.

Con cái là những phần tử sống động trong gia đình nên cũng góp phần riêng vào việc thánh hóa cha mẹ. Thực vậy, con cái sẽ đáp lại công ơn cha mẹ với lòng biết ơn, tâm tình hiếu thảo và tin cậy, và sẽ theo đạo làm con mà phụng dưỡng cha mẹ trong nghịch cảnh cũng như trong tuổi già cô quạnh. Mọi người hãy tôn trọng đời sống góa bụa được can đảm tiếp nhận như một tiếp nối ơn gọi hôn nhân 8. Các gia đình hãy quảng đại san sẻ cho nhau những của cải thiêng liêng. Như thế, mỗi gia đình Kitô hữu xuất phát từ hôn nhân, một hôn nhân như là hình ảnh và nói lên sự tham dự giao ước yêu thương giữa Chúa Kitô và Giáo Hội 9, nên sẽ biểu hiện trước mặt mọi người sự hiện diện sống động của Ðấng Cứu Thế trong thế giới và bản chất đích thực của Giáo Hội qua tình yêu, qua niềm quảng đại chấp nhận sinh sản con cái, qua sự hiệp nhất và trung tín của hai vợ chồng cũng như qua sự hợp tác thân ái của mọi thành phần trong gia đình.

49. Tình yêu vợ chồng. Lời Chúa đã nhiều lần mời gọi những người sắp kết hôn hãy nuôi dưỡng thời kỳ đính hôn bằng một tình yêu trong sạch và những người đã thành vợ chồng hãy nâng đỡ cuộc sống lứa đôi bằng một tình yêu không chia xẻ 10. 55* Nhiều người hiện thời vốn coi trọng tình yêu đích thực giữa vợ chồng, biểu hiện bằng nhiều cách theo những tập tục lành mạnh của mỗi thời đại, mỗi dân tộc. Tình yêu ấy có đặc tính nhân linh cao cả vì từ một nhân vị hướng đến một nhân vị khác bằng một tình cảm tự ý, do đó bao gồm hạnh phúc toàn diện của con người. Nên tình vợ chồng có thể lồng vào những biểu lộ của thể xác và tâm hồn một phẩm giá đặc biệt, và khiến chúng trở nên cao quí như những yếu tố và dấu hiệu đặc thù của tình yêu đôi bạn. Bởi một ơn huệ đặc biệt của ơn sủng và của tình thương, Chúa đã đoái thương chữa trị, cải thiện và nâng cao tình yêu ấy. Một tình yêu kết hợp yếu tố nhân loại với yếu tố thần linh như thế phải thấm nhuần cả đời sống và hướng dẫn đôi vợ chồng biết tự do trao hiến cho nhau, qua những tâm tình và cử chỉ trìu mến 11. Hơn nữa, chính nhờ những hành vi quảng đại của mình mà tình yêu giữa hai người được trọn vẹn và lớn thêm. Tình yêu vợ chồng, do đó vượt xa xu hướng nhục dục thuần túy, và xu hướng này, nếu được tôn thờ một cách ích kỷ, sẽ mau chóng tan biến và kéo theo những hậu quả thảm hại 56*.

Sự âu yếm trên được biểu lộ và hoàn hảo cách đặc biệt qua những động tác riêng của hôn nhân. Bởi vậy, những hành vi thực hiện sự kết hợp thân mật và thanh khiết của đôi vợ chồng đều cao quí và chính đáng. Ðược thi hành cách thực sự nhân linh, những hành vi ấy biểu hiện và khích lệ sự trao hiến hỗ tương, nhờ đó hai người làm cho nhau thêm phong phú trong hoan lạc và biết ơn 57*. Ðược bảo đảm vì tín cẩn nhau và nhất là được chuẩn y bởi bí tích của Chúa Kitô, tình yêu ấy trung thành bất khả phân ly giữa cảnh đời thăng trầm, và do đó loại hẳn mọi hình thức ngoại tình và ly dị. Phải nhìn nhận phẩm giá cá nhân bình đẳng giữa vợ chồng trong tình tương ái trọn vẹn để nhờ đó, biểu hiện rõ ràng tính cách duy nhất của hôn nhân đã được Chúa xác nhận. Ðể kiên trì gánh vác những bổn phận của ơn gọi Kitô giáo này, cần phải có một nhân đức phi thường: vì thế, vợ chồng đã được ơn sủng củng cố để sống thánh thiện sẽ ân cần nuôi dưỡng và cầu xin cho được một tình yêu vững bền, một tâm hồn đại lượng và một tinh thần hy sinh.

Tình yêu vợ chồng chân chính sẽ được quí trọng hơn và người ta sẽ nghĩ tưởng về hôn nhân cách lành mạnh hơn, nếu các vợ chồng Kitô hữu làm chứng rõ ràng về sự trung thành và hòa hợp trong tình yêu cũng như trong niềm âu lo giáo dục con cái, nếu họ góp công hoạt động trong việc chấn hưng văn hóa, tâm lý và xã hội, một sự chấn hưng cần thiết để đề cao hôn nhân và gia đình. Phải biết hợp thời và hợp cách giáo dục thanh thiếu niên về phẩm giá, phận sự và hành vi thể hiện tình vợ chồng, tốt nhất là trong chính khung cảnh gia đình. Nhờ vậy, một khi đã được rèn luyện để giữ đức khiết tịnh, đến tuổi thích hợp, chúng có thể từ thời đính hôn đứng đắn tiến tới hôn nhân.

50. Sự sinh sản trong hôn nhân. Hôn nhân và tình yêu vợ chồng, tự bản tính qui hướng về sự sinh sản và giáo dục con cái 58*. Con cái là ơn huệ cao quí nhất của hôn nhân và là sự đóng góp lớn lao kiến tạo hạnh phúc của cha mẹ. Thiên Chúa đã phán: "Ðàn ông ở một mình không tốt" (Stk 2,18). Ngài là Ðấng "...từ buổi đầu, đã dựng nên một người nam và một người nữ" (Mt 19,4); chính Ngài muốn thông ban cho con người cộng tác một phần đặc biệt vào công việc tạo dựng của Ngài, Ngài đã chúc lành cho người nam và người nữ rồi nói: "Các ngươi hãy tăng gia, sinh sản" (Stk 1,28). Do đó, việc thể hiện đích thực tình yêu vợ chồng cũng như toàn thể tổ chức đời sống gia đình phát sinh từ việc thể hiện ấy, đều nhằm giúp đôi vợ chồng can đảm sẵn sàng cộng tác với tình yêu của Ðấng Tạo Hóa và Cứu Thế, mặc dù không loại bỏ các mục đích khác của hôn nhân. Nhờ đời sống lứa đôi, Ngài làm cho gia đình Ngài ngày càng bành trướng và phong phú hơn 59*.

Bổn phận truyền sinh và giáo dục phải được coi là sứ mệnh riêng biệt của vợ chồng. Trong khi thi hành bổn phận ấy, họ biết rằng mình cộng tác với tình yêu của Thiên Chúa Tạo Hóa và như trở thành những kẻ diễn đạt tình yêu của Ngài. Bởi vậy, họ sẽ chu toàn bổn phận mình với trách nhiệm của con người và của con người Kitô hữu 60*. Tôn trọng, tuân phục Thiên Chúa, đồng tâm hiệp lực với nhau, họ sẽ tạo được cho mình một phán đoán ngay thẳng: biết xét đến lợi ích riêng của họ cũng như của con cái đã sinh hay tiên liệu sẽ có, nhận định về các hoàn cảnh vật chất hay tinh thần của thời đại và bậc sống, sau hết biết nghĩ đến lợi ích của gia đình, của xã hội trần gian và của chính Giáo Hội. Sự phán đoán ấy, sau cùng chính đôi vợ chồng phải chọn lựa lấy trước mặt Thiên Chúa. Trong cách thế hành động, vợ chồng Kitô hữu hãy ý thức là mình không thể làm theo sở thích, nhưng phải luôn luôn tuân theo tiếng nói của một lương tâm phải được khuôn đúc theo luật Chúa, hãy vâng phục Giáo huấn của Giáo Hội, vì Giáo Hội có thẩm quyền giải thích luật Chúa dưới ánh sáng Phúc Âm.

Luật Chúa tỏ rõ ý nghĩa đầy đủ của tình vợ chồng, bảo vệ và khích lệ mối tình ấy đến mức hoàn thiện trên bình diện đích thực nhân loại. Bởi thế mà các vợ chồng Kitô hữu tôn vinh Ðấng Tạo Hóa và tiến tới sự hoàn thiện trong Chúa Kitô, trong khi tin tưởng vào Chúa Quan Phòng và trau dồi tinh thần hy sinh 12, để chu toàn bổn phận sinh sản cách quảng đại trong tinh thần trách nhiệm của con người và của con người Kitô hữu. Trong số những đôi vợ chồng theo phương thức ấy để chu toàn bổn phận Thiên Chúa trao phó, phải đặc biệt kể đến những người, sau khi suy xét khôn ngoan và đồng chấp thuận, đã can đảm nhận lãnh trách nhiệm dưỡng dục con cái cách xứng đáng, dẫu số con cái ấy khá đông 13.

Tuy nhiên, hôn nhân không phải chỉ được thiết lập để mưu sự truyền sinh mà thôi, nhưng chính đặc tính giao ước bất khả phân ly giữa hai người và lợi ích con cái đòi hỏi tình yêu hỗ tương của hai vợ chồng phải được phát biểu, thăng tiến và nẩy nở cách chính đáng. Cho nên, ngay trong trường hợp không có con như hằng tha thiết mong mỏi, hôn nhân vẫn tồn tại như một cuộc sống chung và vẫn giữ được giá trị cùng đặc tính bất khả phân ly của mình.

51. Hòa hợp tình yêu vợ chồng với việc tôn trọng sự sống con người. Công Ðồng biết rằng: muốn tổ chức đời sống vợ chồng cho thuận hòa, đôi bạn thường vấp phải một số tình trạng sinh sống khó khăn hiện đại và có thể lâm vào những hoàn cảnh khiến họ không thể gia tăng số con cái, ít là trong một thời gian; đó là lúc phải khó khăn lắm mới duy trì được tình yêu trung thành và sự chung sống trọn vẹn. Một khi đời sống thân mật vợ chồng bị gián đoạn, sự chung thủy thường bị đe dọa và lợi ích con cái có thể bị sút giảm; vì trong trường hợp này, việc giáo dục cũng như lòng can đảm sinh thêm con cái đều bị thương tổn 61*.

Có những người dám đưa ra những giải pháp bất lương để giải quyết vấn đề trên đây, họ không ngần ngại xử dụng cả những hành động sát nhân. Nhưng Giáo Hội nhắc lại rằng không thể có mâu thuẫn thực sự giữa những lề luật của Thiên Chúa liên quan đến việc truyền sinh và những luật liên quan đến việc phát triển tình yêu vợ chồng đích thực.

Thực vậy, Thiên Chúa là Chúa sự sống, đã trao cho con người nhiệm vụ cao cả là bảo tồn sự sống, và họ phải chu toàn bổn phận ấy cách xứng hợp với con người. Do đó, sự sống ngay từ lúc thụ thai phải được giữ gìn hết sức cẩn thận; phá thai và sát nhi là những tội ác ghê tởm. Dục tính cũng như khả năng sinh sản của con người trổi vượt một cách kỳ diệu hơn những gì thấy được ở những cấp sinh vật thấp hơn. Bởi vậy, chính những hành vi đặc thù của đời sống vợ chồng, được thực hiện đúng theo phẩm giá đích thực của con người, đều phải được kính cẩn tôn trọng. Vì thế, khi cần hòa hợp tình vợ chồng với việc truyền sinh trong một tinh thần trách nhiệm, phải ý thức rằng giá trị luân lý của hành động không chỉ lệ thuộc vào ý muốn thành thực và việc cân nhắc các lý do, nhưng phải được thẩm định theo những tiêu chuẩn khách quan suy diễn từ bản tính của nhân vị và của hành động nơi nhân vị; những tiêu chuẩn ấy sẽ tôn trọng ý nghĩa trọn vẹn của sự trao hiến và sinh sản con cái trong khung cảnh tình yêu đích thực. Ðó là điều không thể thực hiện được nếu không thực tâm vun trồng đức khiết tịnh trong bậc vợ chồng. Trong việc điều hòa sinh sản, con cái của Giáo Hội trung thành với những nguyên tắc vừa viện dẫn, không được dùng những phương pháp mà Giáo Huấn đã bác bỏ khi giải thích luật Thiên Chúa 14. 62*

Ngoài ra, mọi người đều phải ý thức rằng: đời sống nhân loại và bổn phận lưu truyền sự sống ấy không chỉ giới hạn ở đời này cũng như không thể hiểu và đo lường được ở đời này, nhưng luôn qui chiếu về định mệnh vĩnh cửu của con người.

52. Bổn phận của mọi người trong việc thăng tiến hôn nhân và gia đình. Gia đình là một trường học phát triển nhân tính. Nhưng để gia đình có thể sống trọn vẹn và chu toàn sứ mệnh mình, cần phải biết hòa hợp tâm hồn: vợ chồng phải cùng nhau bàn định cũng như cha mẹ phải ân cần cộng tác trong việc giáo dục con cái. Sự hiện diện tích cực của người cha giúp ích rất nhiều cho việc đào tạo con cái, nhưng cũng phải làm sao giữ được cho người mẹ vai trò chăm sóc gia đình, vì con cái, nhất là khi thơ bé, rất cần đến sự chăm sóc ấy; tuy nhiên, vẫn không được coi thường sự thăng tiến hợp lý của người phụ nữ trên bình diện xã hội. Phải giáo dục con cái thế nào để khi đến tuổi trưởng thành chúng có thể chọn bậc sống và theo ơn gọi, ngay cả ơn gọi tu trì, với ý thức trách nhiệm đầy đủ; và nếu kết hôn, chúng có thể lập gia đình riêng trong những điều kiện luân lý, xã hội và kinh tế thuận lợi. Bổn phận của cha mẹ hay người giám hộ là hướng dẫn những người trẻ khi lập gia đình, dùng lời khuyên nhủ khôn ngoan sao cho họ sẵn sàng nghe theo; tuy nhiên, phải cẩn thận, không dùng áp lực trực tiếp hay gián tiếp ép buộc họ kết hôn hay chọn bạn đường 63*.

Như thế, gia đình trở thành nền tảng của xã hội vì là nơi mà nhiều thế hệ gặp gỡ và giúp nhau nên khôn ngoan đầy đủ hơn cũng như giúp nhau hòa hợp những quyền lợi cá nhân với những đòi hỏi khác của cuộc sống xã hội. Bởi đó, tất cả những ai có ảnh hưởng trên các cộng đoàn và tập thể xã hội phải góp công hữu hiệu thăng tiến hôn nhân và gia đình. Chính quyền phải nhìn nhận, bênh vực và phát huy tính chất đích thực của hôn nhân và gia đình, phải bảo vệ nền luân lý chung và giúp cho gia đình được sung túc, vì đó là những bổn phận mà chính quyền phải coi như một sứ mệnh thiêng liêng phải chu toàn. Lại phải bảo đảm cho cha mẹ quyền sinh sản và giáo dục con cái trong khung cảnh gia đình. Phải soạn thảo được những bộ luật biết tiên liệu và đề ra được nhiều sáng kiến để bảo vệ và nâng đỡ cả những người vì rủi ro mà không có gia đình.

Người Kitô hữu biết lợi dụng thời đại 15 và phân biệt những gì trường tồn với những hình thức hay thay đổi, phải nhiệt thành đề cao những giá trị hôn nhân và gia đình bằng chứng tá của chính đời sống mình cũng như bằng hành động hợp tác với những người thiện chí. Như vậy, sau khi vượt qua các trở ngại, họ sẽ thỏa mãn được những nhu cầu của gia đình và cung cấp cho gia đình những tiện nghi hợp với thời đại mới. Muốn đạt được mục đích ấy, rất cần đến ý thức Kitô giáo của các tín hữu, lương tâm luân lý ngay thẳng của mọi người cũng như sự khôn ngoan và khả năng chuyên môn của những ai am tường các môn học đạo.

Các vị thông thạo khoa học, nhất là các khoa sinh vật học, y học, xã hội và tâm lý học, có thể giúp ích rất nhiều cho hôn nhân, gia đình cũng như sự an bình lương tâm, nếu họ hiệp lực nghiên cứu và cố gắng làm sáng tỏ hơn nữa về những điều kiện khác nhau giúp con người điều hòa sinh sản cách lương thiên.

Sau khi được học hỏi đầy đủ về các vấn đề thuộc phạm vi gia đình, các linh mục có bổn phận nâng đỡ ơn gọi của vợ chồng trong đời sống hôn nhân và gia đình bằng những phương tiện mục vụ khác nhau, như rao giảng lời Chúa, lễ nghi phụng vụ hay những trợ lực thiêng liêng khác. Các ngài cũng phải nhân hậu và nhẫn nại nâng đỡ họ trong lúc gặp khó khăn, và khích lệ họ trong tình bác ái để họ tạo nên những gia đình thực gương mẫu rạng ngời 64*.

Các tổ chức hoạt động tông đồ, nhất là những hiệp hội gia đình, phải cố gắng bằng lý thuyết và hành động nâng đỡ các thanh thiếu niên và chính các đôi vợ chồng, nhất là những đôi mới kết hôn, đồng thời huấn luyện cho họ về đời sống gia đình, xã hội và việc tông đồ.

Sau hết chính các đôi vợ chồng, được tạo thành giống hình ảnh Thiên Chúa và được an định trong cấp bực của các nhân vị, hãy kết hợp trong tình tương thân tương ai, đồng tâm hiệp ý và thánh hóa lẫn nhau 16, để trong khi theo Chúa Kitô là nguyên lý sự sống 17, giữa những nỗi vui mừng và hy sinh của ơn gọi và qua tình yêu chung thủy, họ trở nên chứng nhân của mầu nhiệm tình thương mà Chúa đã tỏ ra cho thế giới qua sự chết và sự sống lại của Người 18.

 


Chú Thích:

51* 1) Giới thiệu: Gia đình là nền tảng của xã hội (số 47a), nhưng hiện nay bị nhiều vết nhơ (b), nên Công Ðồng muốn góp phần giáo lý để nâng cao gia đình và hôn nhân (c).

2) Diễn tả gia đình cách đại cương: Bản tính, khởi sự, giá trị và chiều hướng của hôn nhân (số 48a). Tính cách cao siêu của tình yêu hôn nhân (b). Ðời sống gia đình hướng về Chúa (c). Vai trò của mỗi người trong gia đình và việc tông đồ của họ (d).

3) Tình yêu hôn nhân: tính cách (số 49a), phương cách biểu lộ nó (b), phải phổ biến quan niệm đích thực về nó (c).

4) Con cái: Hôn nhân hướng về việc sinh sản con cái (số 50a). Kẻ làm cha mẹ phải có trách nhiệm (b). Sinh sản con cái không phải là mục đích duy nhất (c).

5) Những khó khăn: gặp phải khi duy trì tình yêu đồng thời phải tôn trọng sự sống (số 51a). Những giải pháp không được áp dụng (b). Những tiêu chuẩn để chọn giải pháp (c,d).

6) Mục vụ gia đình: Ở trong gia đình (số 52a), trong đại gia đình và xã hội (b). Việc tông đồ của gia đình (c). Phần đóng góp của khoa học gia chuyên môn (d), của Linh Mục (e), của đôi hôn nhân (f). (Trở lại đầu trang)

52* Hôn nhân và gia đình là tế bào đầu tiên đồng thời là nền tảng của xã hội cũng như của Giáo Hội. Công Ðồng muốn góp phần để bảo vệ hôn nhân vì ở nhiều nơi hôn nhân bị tội lỗi làm hoen ố. Công Ðồng nhắc đến chế độ đa thê, ngược lại với tính cách hợp nhất của hôn nhân (số 48a phần cuối và 49b); ly dị, trái ngược với tính bất khả phân ly; tự do luyến ái tức sống chung mà không chấp nhận liên hệ hôn nhân. Công Ðồng còn nói chung về những hình thức "lệch lạc khác": chẳng hạn hôn nhân thí nghiệm, nghĩa là khi chưa có con thì chưa thành bất khả phân ly; hôn nhân ép buộc của thanh niên thiếu nữ không ưa nhau, v.v... Hôn nhân hợp nhất và duy nhất còn có thể mất ý nghĩa cao đẹp do lòng ích kỷ của đôi bên, do khoái lạc chủ nghĩa, do những tội lỗi liên quan tới việc sinh sản.

Nhưng còn có nhiều hoàn cảnh khác cũng có thể gây nên những khó khăn và dịp tội cho hôn nhân. Công Ðồng nhắc đến hoàn cảnh kinh tế: chẳng hạn tiền lương không đủ để nuôi dưỡng và giáo dục con cái; hoàn cảnh tâm lý và xã hội: như quan niệm mới về địa vị người phụ nữ, hay là môi trường sinh sống quá chú ý đến tình dục; hoàn cảnh dân sự: như lề luật trái ngược nguyên tắc luân lý, ví dụ việc phá thai, giải phẫu để ngăn cản khả năng sinh sản, v.v...; hoàn cảnh nhân khẩu gia tăng tại nhiều nơi cũng có thể đe dọa nền kinh tế của các quốc gia đang mở mang.

Trong thông điệp Humanae Vitae, Ðức Giáo Hoàng Phaolô VI công nhận đó là những lý do đã khiến Giáo Hội xét lại lập trường (số 2-5). (Trở lại đầu trang)

53* Ðây là một định nghĩa của hôn nhân đáng cho ta lưu ý tới: a) cốt yếu là cùng một đời sống và cùng một tình yêu đặc biệt, b) tùy theo luật Chúa là Ðấng đã sáng tạo hôn nhân, c) bắt đầu do sự ưng thuận nhau của hai người nam và nữ. Ðối tượng của sự ưng thuận ấy là chính con người, hai con người tự hiến cho nhau và đón nhận nhau. Hai người: chứ không phải chỉ quyền lợi trên thân xác của mình mà thôi (như, theo Giáo Luật khoản 1081 đoạn 2, Thông điệp Casti Connubii của Ðức Piô XI đã xác nhận: x. AAS 22 (1930), 541; Dz 3701/2225). Hai bên sẽ nên một về mọi phương diện: sinh lý, tâm lý, xã hội và đạo đức. Kết quả là một tổ chức vững chắc không phải tự ý riêng của đôi bên, nhưng theo ý định của Thiên Chúa. Tổ chức này có nhiều mục đích (số 50b) và mưu ích không những cho đôi bên mà còn cho gia đình và xã hội nữa. (Trở lại đầu trang)

1 Xem T. Augustinô, De bono conjugali: PL 40, 375-376 và 394. - T. Tôma, Summa Theol., Suppl. Quaest. 49, art. 3 ad 1. - Decretum pro Armenis: Dz 702 (1327). - Piô XI, Tđ. Casti connubii: AAS 22 (1933), trg 543-555; Dz 2227-2238 (3703-3714). (Trở lại đầu trang)

2 Xem Piô XI, Tđ. Casti Connubii: AAS 22 (1930), trg 546-547; Dz 2231 (3706). (Trở lại đầu trang)

3 Xem Os 2; Gier 3,6-13; Ez 16 và 23; Is 54. (Trở lại đầu trang)

4 Xem Mt 9,15; Mc 2, 19-20; Lc 5,34-35; Gio 3,29; 2Cor 11,2; Eph 5,27; Kh 19,7-8; 21,2 và 9. (Trở lại đầu trang)

5 Xem Eph 5,25. (Trở lại đầu trang)

6 Xem CÐ Vat. II, Hiến chế tín lý về Giáo Hội Lumen gentium: AAS 57 (1965), trg 15-16; 40-41; 47. (Trở lại đầu trang)

7 Xem Piô XI, Tđ. Casti Connubii :AAS 22 (1930), trg 583. (Trở lại đầu trang)

54* Hai đoạn 48ab nhấn mạnh rằng hôn nhân là một trong những ơn kêu gọi của Chúa để con người thánh hóa bản thân. Thiên Chúa đã sáng lập hôn nhân và quyết định bản tính của nó, mục đích, tính cách chính yếu cũng như đã thánh hóa nó và nâng cao nó làm thành một bí tích giúp đôi bên làm tròn nghĩa vụ và sống đức ái (x.Hiến chế tín lý về Giáo Hội 35c; 41e; và sau này: số 52g).

Hai vợ chồng được mời gọi để thánh hóa bản thân :1) bằng cách sống tình yêu riêng biệt (số 49-50a), 2) cũng như nhờ phận vụ làm cha làm mẹ (số 50). (Trở lại đầu trang)

8 Xem 1Tm 5,3. (Trở lại đầu trang)

9 Xem Eph 5,32. (Trở lại đầu trang)

10 Xem Stk 2, 22-24; Cn 5,18-20; 31,10-31; Tob 8,4-8; Dtc 1,1-3; 2,16; 4,16-5,1; 7,8-11; 1Cor 7,3-6; Eph 5,25-33. (Trở lại đầu trang)

55* Sách Sáng Thế Ký thuật lại hai câu chuyện khác nhau về Chúa dựng nên loài người. Từ 1,1 đến 2,4 nhấn mạnh sự khác nhau của hai giống nam và nữ, cốt để hai bên phối hợp và sinh con. Từ 2,5 đến 2,25 Thánh Kinh nói rằng người nữ được dựng nên sau và bởi người nam, giống như người nam, để nhấn mạnh người nam và nữ là để bổ túc cho nhau nhờ sự phối hợp nên "một thân thể" (trong Thánh Kinh danh từ này không chỉ nói về thân xác, nhưng ám chỉ tới toàn thể con người). Nên việc hai giống hướng về nhau, cũng như tình yêu giữa người nam và người nữ và cả tính dục nữa đều do Thiên Chúa dựng nên và là tốt đẹp. Tính dục không phải là kết quả của tội tổ tông. Tội ấy chỉ gây nên sự rối loạn của một thứ tính dục không còn tùng phục lý trí (Stk 3,7-16).

Qua các chuyện về tổ phụ, Thánh Kinh nhấn mạnh phương diện sinh sản: các ngài đã chấp nhận chế độ đa thê (v.d. Stk 16,1; 29,15-30) và việc lấy vợ lẽ (30,3-12). Không sinh đẻ được, là vì Chúa phạt (15,3).

Các sách Khôn Ngoan (đặc biệt là Diễm Tình Ca) ca tụng tình yêu vợ chồng, mà không đề cập đến việc sinh sản một cách rõ ràng. Tình yêu ấy là tình yêu xác thịt (xem vd. Cn 5,15-20).

Phần các tiên tri khi các ngài so sánh giao ước giữa Thiên Chúa và dân Israel với tình yêu vợ chồng, các ngài đã mặc nhiên nêu ra lý tưởng tình yêu đối với hôn nhân. (Trở lại đầu trang)

11 Xem Piô XI, Tđ. Casti Connubii : AAS 22 (1930), trg 547-548; Dz 2232 (3707). (Trở lại đầu trang)

56* Ðức Phaolô VI (Humanae Vitae số 8-9) diễn tả tình yêu vợ chồng như sau: 1) nguồn gốc của nó là Thiên Chúa, 2) nó tốt đẹp vì trong đó hai người tự hiến cho nhau để trở nên một và trau giồi cho nhau, 3) nó tượng trưng sự phối hợp giữa Chúa Kitô và Giáo Hội, 4) nó là tình yêu nhân bản: vừa cảm giác vừa thiêng liêng, phát sinh từ ý chí tự do, chứ không chỉ do tình cảm và bản năng mà thồi, 5) nó trọn vẹn, nghĩa là khiến hai bên chia sẻ mọi sự và tìm mưu ích cho bạn hơn là cho mình, 6) nó chung thủy và duy nhất đến giờ chết, 7) và đưa tới kết quả ngoài ích lợi cho đôi bên, nghĩa là nó hướng về việc sinh sản con cái. (Trở lại đầu trang)

57* Tất cả những cử chỉ âu yếm thân xác, đến chính việc phối hợp mật thiết, đều là phương pháp riêng biệt để biểu lộ, thể hiện và cổ võ tình yêu hôn nhân. Là những hành động của con người, của con Thiên Chúa, để sống ơn gọi của mình, hành động đó không có gì là bất xứng. Không phải hôn nhân cho phép để thực hành những điều đê tiện. Hôn nhân thường thường đòi hỏi những hành động ấy, cốt như phương pháp để thể hiện ơn gọi của Chúa. Việc thú vật cũng có những tác động tương tự bên ngoài, không nên gây ra sự ngộ nhận. Dĩ nhiên đôi vợ chồng phải thực hiện những hành động đó một cách xứng hợp với con người, nghĩa là một cách hợp lý và hợp đức tin, chứ không phải chỉ vì bản năng tính dục, vì ích kỷ và bất chấp hoàn cảnh của bạn mình, của con cái, của gia đình và của xã hội. (Trở lại đầu trang)

58* Hôn nhân là để hai vợ chồng yêu nhau, hiệp nhất với nhau, bổ túc cho nhau, hay là để sinh sản con cái? Trước khi có Công Ðồng, giáo lý công giáo trả lời: mục đích thứ nhất là để sinh sản con cái. Còn việc vợ chồng giúp đỡ nhau và việc kết hiệp tính dục với nhau là mục đích thứ nhì và phụ thuộc. Trong ghi chú 1 (số 48a) Công Ðồng nhắc lại vài tài liệu phân biệt các mục đích như thế. Dĩ nhiên giáo lý đã không coi thường tình yêu vợ chồng, bởi vì ba mục đích ấy đều phải được thực hành trong bầu không khí yêu nhau. Nhưng Công Ðồng đã nhấn mạnh đến tình yêu trong khi không chỉ lưu ý đến khía cạnh pháp lý của hôn nhân, nhưng đã đề cao phương diện nhân vị. Nên, bây giờ ta phải nói rằng hôn nhân là để hai bên yêu nhau và tự hiến cho nhau, nhờ đó mà sinh sản con cái, vì chính tình yêu vợ chồng cũng như hôn nhân đều hướng về việc sinh sản. Giữa tình yêu vợ chồng và việc sinh sản con cái không có sự mâu thuẫn gì cả, trái lại nếu bỏ một trong hai, thì sẽ không thể hiểu điều kia được. Yêu nhau với tình yêu này (hôn nhân) mà lại cố gắng ngăn cản việc sinh sản con cái đấy là điều mâu thuẫn. Trái lại, muốn có con mà không chịu yêu nhau thì không xứng hợp với phẩm giá con người. Tự hiến cho nhau, nhưng cùng một lúc cố ý loại trừ khả năng cao quí nhất của mình là khả năng làm cha làm mẹ, có phải tự hiến mình trọn vẹn không? có phải yêu thật không? (Trở lại đầu trang)

59* Công Ðồng không bằng lòng phân biệt các mục đích như cũ. Chỉ nhắc lại hai mục đích quan trọng nhất là tự hiến cho nhau và sinh sản con cái. Thực ra, hai mục đích này (và nhiều mục đích khác để phát triển nhân phẩm về mọi phương diện...) đều là chính yếu, nghĩa là hôn nhân đòi hỏi quyền lợi để hai bên có thể nhờ nhau mà đạt tới những mục đích ấy. Lập khế ước hôn nhân, nhưng loại trừ quyền lợi để sinh sản con cái thật là vô lý và khế ước không thành. Vậy thì, cố ý loại trừ quyền lợi để yêu nhau và để tự hiến cho nhau, cũng là vô lý, vì khế ước này cốt để trao đổi cho nhau. (Trở lại đầu trang)

60* Ở đây Công Ðồng dạy một giáo lý mới mẻ: lập gia đình để (nhờ tình yêu nhau) làm cha và làm mẹ; nói như thế thì chưa đủ. Phải nói thêm: để làm bậc cha mẹ có trách nhiệm! Như thế có nghĩ a gì? Công Ðồng dạy: 1) sinh sản con cái là sứ mệnh của vợ chồng, 2) phải thực hành như là cộng tác viên của Chúa và là "thông ngôn viên" cho tình yêu của Chúa (nghĩa là: tình yêu Chúa luôn luôn muốn dựng nên con người mới, nhưng hai vợ chồng phải tìm hiểu ý Chúa trong hoàn cảnh thực tế của họ), 3) thực hành với lòng kính trọng Thiên Chúa, 4) và tin cậy Ngài, 5) cũng như với tinh thần hy sinh, 6) để vinh danh Chúa, 7) và thánh hóa bản thân.

Theo các nguyên tắc ấy, vợ chồng nên sinh hạ bao nhiêu con cái? Trước đây những tín hữu đạo đức có lẽ đã trả lời: "Chúa muốn bao nhiêu thì chúng con sẽ sinh ra bấy nhiêu". Nhưng câu đó không hợp với giáo lý như Công Ðồng dạy. Không khác gì với lập trường của người chỉ ham mê khoái lạc và do đó sẽ áp dụng các phương pháp để ngăn cản sự sinh sản, câu ấy có thể tỏ ra ý muốn đề cao nguyên tắc "phải thỏa mãn tính dục" trước đã! Như vậy chưa phải là có trách nhiệm. Bởi đó Công Ðồng ngợi khen những vợ chồng sẵn sàng có đông con, nhưng rồi dạy rằng họ phải quyết định số con cái có thể có theo những nguyên tắc sau đây: 1) ích lợi về mọi phương diện của hai vợ chồng (ví dụ: người mẹ có đủ sức không?) 2) ích lợi của con cái (ví dụ gia đình có đủ phương tiện để giáo dục chúng nó không?) 3) tùy theo thời gian, hoàn cảnh vật chất và tinh thần, 4) tùy theo ích lợi của đại gia đình, của xã hội và của Giáo Hội.

Chính vợ chồng phải quyết định số con, chứ không phải chỉ người chồng hay ông bà. Họ sẽ quyết định theo lương tâm của họ: một lương tâm cố gắng hiểu biết luật Chúa như Giáo Hội trình bày.

Ðức Phaolô VI (Humanae Vitae số 10) nhấn mạnh rằng chính tình yêu hôn nhân đòi hỏi trách nhiệm này. Ngài cũng cắt nghĩa trách nhiệm: 1) theo phương diện sinh lý là tôn trọng lề luật của các tiến triển sinh lý (nó cũng thuộc về nhân vị), 2) theo phương pháp chế ngự các xu hướng bản năng và dục vọng, đó là biết tự chủ theo lý trí, 3) theo phương diện hoàn cảnh vật lý, kinh tế, tâm lý, xã hội, đó là quyết định tùy theo hoàn cảnh cho phép thêm con, hay không, 4) theo phương diện luân lý, có trách nhiệm là quyết định và thực hiện quyết định đó một cách thích hợp với nhiệm vụ đối với Chúa, đối với chính mình, đối với gia đình và xã hội. Lương tâm của hai vợ chồng không tự ý tạo ra con đường tốt đẹp cho mình, nhưng nó phải khám phá ra con đường ấy nơi bản tính hôn nhân và nơi bản tính các hoạt động hôn nhân, theo như Giáo Hội cắt nghĩa.

Về phương pháp cụ thể khi vợ chồng cần hạn chế sinh sản, xin coi số 51. (Trở lại đầu trang)

12 Xem 1Cor 7,5. (Trở lại đầu trang)

13 Xem Piô XII, Huấn từ Tra le Visite, 20-1-1958: AAS 50 (1958), trg 91. (Trở lại đầu trang)

61* Vấn đề hạn chế sinh sản là vấn đề về các phương pháp. Vợ chồng muốn sống hợp với lý tưởng hôn nhân đã được trình bày ở trên, lắm lúc sẽ phải hạn chế số con. Nhưng không gần gũi nhau, hay chỉ theo chu kỳ của người vợ, có thể làm hại cho tình yêu nhau, do đó cũng làm hại cho đời sống hôn nhân và cho con cái nữa. Công Ðồng không giấu kín sự kiện này. Vậy khi cần hạn chế số con, có thể áp dụng phương pháp nào? Công Ðồng chỉ trả lời một cách đại cương mà thôi: phải loại trừ phương pháp xấu xa, như giết người (số 51b), phá thai và giết trẻ em (số 51c). Rồi Công Ðồng dạy nguyên tắc phải áp dụng trong việc chọn lựa phương pháp. Phương pháp bao giờ cũng phải 1) tôn trọng giá trị của sứ mệnh lưu truyền sự sống và tôn trọng phẩm giá con người, 2) nó không thể trái ngược lề luật của Chúa về việc lưu truyền mạng sống, 3) vợ chồng phải có ý ngay lành, nhưng chưa đủ, 4) chính phương pháp phải xứng hợp với các qui tắc khách quan về luân lý, 5) đó là những qui tắc dựa trên bản tính con người và tác động của con người, 6) nên phương pháp phải không được xâm phạm ý nghĩa tình yêu hôn nhân là tự hiến cho nhau, và tính cách nhân bản của việc sinh sản con cái, 7) bởi đó, đức trinh khiết hôn nhân là cần thiết, 8) cũng như lòng trung thành với Giáo Huấn của Giáo Hội. (Trở lại đầu trang)

14 Xem Piô XI, Tđ. Casti Connubii: AAS 22 (1930), trg 559-561 : Dz 2239-2241 (3716-3718). - Piô XII, Huấn từ cho Ðại hội Hiệp hội các Nữ Hộ Sinh Ý, 29-10-1951: AAS 43 (1951), trg 835-854. - Phaolô VI, Huấn từ cho các Nghị Phụ Hồng Y, 23-6-1964: AAS 56 (1964), trg 581-589. Theo lệnh của ÐGH, một số vấn đề cần tìm hiểu sâu xa hơn đã được trao cho một ủy ban đặc trách nghiên cứu về dân số, gia đình, tỉ số sinh sản, để sau khi cộng tác hoàn thành, ÐGH có thể thẩm định. Và với giáo huấn hiện thời của Giáo Hội, Thánh Công Ðồng không có ý cấp thời đề ra những giải pháp cụ thể. (Trở lại đầu trang)

62* Ghi chú 14 trình bày lý do tại sao Công Ðồng không phát biểu ý kiến về phương pháp cụ thể do khoa học đã khám phá ra, như thuốc viên, vòng xoắn, v.v... Ðức Giáo Hoàng Phaolô VI đã nhờ ủy ban do Ðức Gioan XXIII thiết lập nhằm học hỏi về các vấn đề gia đình, để nghiên cứu vấn đề hạn chế sinh sản. Ủy ban gồm có các nhà thần học, xã hội học, bác sĩ, các đôi vợ chồng (trên 70 hội viên) đã làm việc từ năm 1963 đến cuối năm 1967. Theo như chính Ðức Giáo Hoàng xác nhận (Humanae Vitae số 6) đa số các hội viên bênh vực lập trường chấp nhận bất cứ phương pháp nào để hạn chế sinh sản. Không nhắc đến lòng ích kỷ, ham khoái lạc, sợ trách nhiệm nặng nề trong việc sinh sản và giáo dục con cái, kể cả lập trường chống đối Giáo Hội cũng như lập trường kinh tế và chính trị của một số quốc gia, Ấn Ðộ chẳng hạn..., chính Ðức Giáo Hoàng đã chỉ nhắc lại lý do của đa số trong ủy ban: 1) Có lý do ngoại tại, nghĩa là những lý do không trực tiếp quan hệ tới vấn đề, như việc dân số gia tăng quá mau; những hoàn cảnh làm việc, nhà ở, kinh tế; quan niệm mới mẻ về nhân phẩm phụ nữ và vai trò của phụ nữ trong xã hội; việc sinh sản con cái đòi hỏi hy sinh đôi khi tới mức độ anh hùng (Humanae Vitae số 2-3). 2) Cũng có lý do nội tại như quan niệm về giá trị tình yêu hôn nhân và cử chỉ xác thịt; quyền năng của con người trên thiên nhiên và bản thân; nguyên tắc toàn diện, nghĩa là hôn nhân hướng về con cái nhưng không phải từng hoạt động vợ chồng phải trực tiếp hướng về nó; nguyên tắc phải chọn sự xấu nhẹ hơn, nghĩa là thà áp dụng phương pháp nhân tạo để hạn chế sinh sản còn hơn là mất tình yêu vợ chồng và hạnh phúc gia đình (Humanae Vitae số 2-3; 14, 16-17).

Ngày 25-7-1968 Ðức Phaolô VI "nhận sứ mệnh Chúa Kitô đã trao phó" (Humanae Vitae số 6) công bố câu trả lời về vấn đề các phương pháp cụ thể: "Cấm bất cứ hành động nào nhằm ngăn chặn sự sinh sản, dù như một mục đích hay chỉ như phương tiện, dù có hành động như vậy trước việc vợ chồng, hay là khi việc vợ chồng đang tiến tới hậu quả tự nhiên của nó" (Humanae Vitae số 14). Nghĩa là không được phép dùng thuốc viên ngăn cản thụ thai (nó có thể giết tinh trùng, giết trứng, ngăn cản trứng chín rụng, ngăn cản tinh trùng vào trong trứng), cấm dùng thuốc viên phá thai, đặt vòng xoắn vào tử cung, dùng bao cao su của đàn ông hay đồ giữ bộ phận của đàn bà, giải phẫu để cắt hay buộc các ống dẫn tinh dịch hay trứng, hoạt động như Onan (Stk 38,9: cố ý xuất tinh ở ngoài), cấm phá thai... Vì mỗi khi vợ chồng giao hợp với nhau, việc hôn nhân phải được mở ngỏ để "có thể lưu truyền mạng sống" (Humanae Vitae số 11).

Ðức Giáo Hoàng "nhận sứ mệnh Chúa Kitô đã trao phó" mà dạy con cái Giáo Hội phải bỏ ý kiến riêng (Humanae Vitae số 28) và hơn nữa phải vâng lời mặc dù có thể là rất khó (Humanae Vitae số 19-20) bởi vì phải vâng theo luật của Giáo Hội và luật của Chúa (Humanae Vitae số 18).

Ðức Giáo Hoàng đã áp dụng nguyên tắc Công Ðồng Vaticanô II lập ra và đã công nhận rằng nếu cố ý ngăn cản việc thụ thai khi vợ chồng ăn ở với nhau, hành động đó không còn giữ ý nghĩa sâu xa của tình yêu và của hôn nhân, cũng như của tác động hôn nhân như Thiên Chúa đã muốn (Humanae Vitae số 9-13). (Trở lại đầu trang)

63* Các gia đình và đại gia đình (kể cả các linh mục lo cho đôi tân hôn) nên lưu ý tới câu này của Công Ðồng. Vì ép duyên không những là tội bất công đối với thanh niên thiếu nữ có quyền lợi bất khả xâm phạm để lập gia đình và chọn người bạn, mà còn gây nên nhiều khó khăn và nhiều dịp tội lỗi, không kể trường hợp hôn nhân bất thành vì mặc dầu hai bên đã ưng thuận, nhưng chỉ vì sợ hãi quá đáng (Giáo luật, khoản 1087). Lạm dụng lòng hiếu thảo của con mình để ép duyên là điều không thích hợp với giáo lý công giáo. (Trở lại đầu trang)

15 Xem Eph 5,16; Col 4,5. (Trở lại đầu trang)

64* Công Ðồng lập lại hai nhiệm vụ chính của các linh mục lo cho đôi tân hôn là: 1) giáo dục đôi bên về ơn kêu gọi, về lý tưởng, về đời sống gia đình, về những khó khăn, v.v..., 2) nâng đỡ các cặp vợ chồng gặp khó khăn với lòng nhân từ và kiên nhẫn. Do đó việc khảo kinh hai bên sắp lập gia đình và sau đó chỉ lo việc rửa tội cho con cái và dạy giáo lý, ban bí tích cho kẻ liệt... thì chưa đủ.

Các ngài nên đặc biệt lưu ý tới tinh thần mới trong việc mục vụ (khi ngồi tòa chẳng hạn). "Trong việc này (tức việc dạy toàn bộ giáo lý, bất chấp những khó khăn sẽ gặp phải như khi đề cập tới vấn đề nghiêm cấm sự áp dụng các phương pháp hạn chế sinh sản chẳng hạn), cần phải giữ đức nhẫn nại và nhân từ như chính Chúa đã làm gương trong cách đối xử với mọi người. Chúa... đã giữ thái độ quyết liệt đối với tội lỗi, nhưng đồng thời đã tỏ lòng thương xót đối với con người. Khi gặp khó khăn, chớ gì các đôi vợ chồng luôn luôn tìm thấy nơi lời nói và nơi tâm hồn của các linh mục, tiếng vang lời nói và tình yêu của Chúa Cứu Thế" (Humanae Vitae số 29). Chúa không đuổi kẻ sa ngã vì yếu đuối... (Trở lại đầu trang)

16 Xem Sacramentarium Gregorianum : PL 78, 262. (Trở lại đầu trang)

17 Xem Rm 5,15 và 18; 6, 5-11; Gal 2,20. (Trở lại đầu trang)

18 Xem Eph 5,25-27. (Trở lại đầu trang)

 


Trở Lại Mục Lục Thánh Công Ðồng Vatican II

Back to Vietnamese Missionaries in Asia Home Page