Thánh Công Ðồng Chung Vaticanô II

 

Hiến Chế Mục Vụ

Về Giáo Hội

Trong Thế Giới Ngày Nay

Gaudium Et Spes

 

Prepared for Internet by Vietnamese Missionaries in Asia


 

Lời Giới Thiệu

 

Hiến Chế Mục Vụ về Giáo Hội trong thế giới ngày nay có mục đích chính là "trình bày sự hiện diện và sinh hoạt của Giáo Hội trong thế giới" (số 2, đoạn I).

Nhờ Hiến Chế tín lý về Giáo Hội, Công Ðồng đã trình bày mầu nhiệm Giáo Hội: giai đoạn khởi đầu, sứ mệnh, cơ cấu, đời sống nội tại... để canh tân Giáo Hội.

Trong Hiến Chế Mục Vụ về Giáo Hội trong thế giới ngày nay "có lẽ chư bao giờ Giáo Hội đã nhận thấy cần phải tìm hiểu xã hội loài người chung quanh như hiện nay để tới gần nó, tôn trọng nó một cách chính đáng, nhập vào nó, phục vụ và trao cho nó sứ điệp Phúc Âm. Hơn nữa, dường như Giáo Hội ưa thích và chiều chuộng nó một phần nào đó, trong khi nó vẫn đang thay đổi mau chóng và không ngừng". 1

Công Ðồng cảm thấy rằng đó là việc khẩn cấp trong thời đại chúng ta.

Chủ đề chính

1. Trước hết Công Ðồng đề cập đến con người dưới mọi khía cạnh (số 3, đoạn I). Con người có phẩm giá rất thiêng liêng nhưng bị tội lỗi làm tổn thương, có cùng đích cao siêu nhưng phải vượt qua nhiều ngăn trở, đã nỗ lực để xây dựng văn minh tốt đẹp nhưng một phần lớn vẫn còn chủ trương vô thần. "Giáo Hội một phần nào đó đã tự xưng là tôi tớ của loài người" 2, bởi vì chúng ta "có thể quả quyết rằng chúng ta phải biết con người nếu muốn biết Thiên Chúa" 3.

2. Hiến Chế nói về thế giới, một thế giới phải được con người xây dựng. Thế giới tức là thực tại thế tục có giá trị và những qui luật riêng biệt của nó. Ðàng khác mọi giá trị và qui luật ấy đều phải phục dịch chính con người toàn diện, do đó phải thích hợp với luân lý và tôn giáo. Chính lịch sử do con người tạo nên, nhưng lịch sử hướng về Chúa Kitô là trung tâm điểm và là cùng đích!

3. Hiến Chế cũng trình bày sinh hoạt thế tục theo quan điểm của Giáo Hội.

A) Về việc làm: a) cắt nghĩa việc làm theo thần học, b) giá trị của nó, c) tính cách nhân phẩm, d) công hiệu của việc làm đối với nền văn minh.

B) Về sinh hoạt xã hội phải theo nguyên tắc riêng của từng lãnh vực một (ví dụ: kinh tế, khoa học, văn hóa...) và phải thích hợp với bản tính con người cũng như với đức tin và đức mến.

4. Sau cùng Hiến Chế dạy về hoạt động của Giáo Hội trong thế giới giúp chúng ta hiểu thêm về sứ mệnh và bản tính của Giáo Hội.

Hiến Chế Mục Vụ

Vì danh từ "Hiến Chế" mang ý nghĩa một mệnh lệnh và có vẻ không thích hợp với ý muốn của Công Ðồng là đối thoại với mọi người bất chấp tín ngưỡng, nên một số Nghị Phụ thích danh từ "Tuyên Ngôn" hơn. Nhưng Công Ðồng đã giữ lại danh từ "Hiến Chế" để nhấn mạnh tính cách quan trọng của văn kiện cả về phương diện giáo lý nữa.

Thêm tĩnh từ "Mục Vụ" để nhắc lại tính cách thực tế của giáo lý đó.

Danh từ "Giáo Hội" phải được hiểu như đã được trình bày trong Hiến Chế tín lý về Giáo Hội với sứ mệnh cứu độ.

Còn "Thế Giới" như vừa nói trên, là toàn thể thực tại do Thiên Chúa tạo nên, trong đó nhân loại là trung tâm điểm và có nhiệm vụ phát triển thế giới.

Vài nét lịch sử

Ngày 25-12-1961, khi triệu tập Công Ðồng, Ðức Gioan XXIII đã nói đến những mối lo lắng của Giáo Hội trước những thắc mắc của nhân loại. Giáo Hội có bổn phận phải bàn về các vấn đề đó, vì nó ảnh hưởng đến phần rỗi siêu nhiên 4.

Ngày 11-10-1962, nhân dịp khai mạc Công Ðồng, Ðức Gioan XXIII đã nói vạch rõ tinh thần mới cho Công Ðồng, tinh thần thương xót và thông cảm hơn là lên án 5. Chín ngày sau đó Công Ðồng gởi cho Thế Giới sứ điệp hòa bình và thương yêu cũng như sự quyết tâm phục vụ nhân loại, đặc biệt là người nghèo 6.

Tuy nhiên, trong số 70 lược đồ do các Ủy Ban đã soạn thảo, chưa có tài liệu nào dành riêng cho các vấn đề thế giới. Ðến cuối kỳ họp thứ nhất của Công Ðồng (12-1962) các lược đồ thu gọn lại thành lược đồ 17, có đầu đề: "Về những nguyên tắc và sinh hoạt của Giáo Hội để xúc tiến hạnh phúc của xã hội".

Vào đầu năm 1963 Ủy Ban hỗn hợp, gồm có chuyên viên của hai Ủy Ban về Tín Lý và Tông Ðồ Giáo Dân được bổ nhiệm soạn thảo lược đồ này. Ðầu đề mới là: "Về sự hiện diện của Giáo Hội trong thế giới ngày nay". Cũng có văn kiện khác do Ðức Hồng Y Suenens (Bỉ) đề nghị. Văn kiện này đã được gọi "Lược đồ Malines hay Louvain". Ủy Ban đã lập ra một tiểu ban do Ðức Cha Guano (Ý) làm chủ tịch và Cha Haering CssR (Ðức) làm thư ký để xét lại những đề nghị ấy.

Vào mùa hè năm 1964, các Nghị Phụ mới chấp nhận văn kiện, bấy giờ được gọi là lược đồ 13, cũng được gọi "Lược đồ Zurich", vì tiểu ban đã họp tại đó. Trong kỳ họp thứ ba (tháng 10-11) các ngài đề nghị phải sửa lại nhiều chỗ. Ủy Ban hỗn hợp soạn thảo một lược đồ mới (lược đồ Ariccia-Roma) theo địa danh làm việc.

Trong giai đoạn cuối cùng các Nghị Phụ bỏ phiếu nhiều lần: trước hết đã chấp nhận lược đồ cách đại cương rồi bỏ phiếu từng đoạn một. Sau nhiều sửa đổi theo những đề nghị của các Nghị Phụ, các ngài lại bỏ phiếu từng 12 đoạn và ngày 6-12-1965, 1,860 Nghị Phụ chấp nhận toàn bộ lược đồ, với 251 phiếu chống và 11 phiếu bất hợp lệ. Ngày hôm sau, trước khi Ðức Giáo Hoàng Phaolô VI công bố Hiến Chế, các Nghị Phụ lại bỏ phiếu một cách long trọng: lúc ấy vẫn còn 75 phiếu chống.

"Không ai có thể quả quyết rằng đạo Công Giáo là vô ích, khi nhận thấy rằng Giáo Hội, nhân dịp tự ý thức về mình nhiều nhất và có hiệu lực lớn nhất, tức là khi tập họp lại trong Công Ðồng, đã biểu thị rõ ràng Giáo Hội chỉ vì con người mà có..." 7.

"Ðối với người Việt Nam chúng ta, nhiều vấn đề có lẽ còn quá mới mẻ. Nhưng hướng đi của Công Ðồng là hướng đi của lịch sử hiện đại. Hiến Chế Mục Vụ nếu được hiểu và áp dụng cho đúng mức sẽ giúp chúng ta tiết kiệm được rất nhiều thì giờ và sức lực" 8.

 


Chú Thích:

1 Phaolô VI, Diễn văn nhân dịp lễ bế mạc Công Ðồng, 8-12-1965: AAS 58 (1966), 54.

2 N.v.t. trg 57.

3 N.v.t. trg 59.

4 Tông hiến Humanae Saluis, 25-12-1961: AAS 54 (1962), 5-13.

5 Diễn văn, AAS 54 (1962), 792.

6 AAS 54 (1962), 822-824.

7 Phaolô VI, Diễn văn nhân dịp lễ bế mạc Công Ðồng, 8-12-1965: AAS 58 (1966), 58.

8 Ðức Hồng Y Phaxicô Xaviê Nguyễn Văn Thuận, Giáo Hội trong Thế Giới hôm nay, Thanh Lao Công 1969, Lời giới thiệu (không mang số trang).

 


Trở Lại Mục Lục Thánh Công Ðồng Vatican II

Back to Vietnamese Missionaries in Asia Home Page