Thánh Công Ðồng Chung Vaticanô II
Hiến Chế
Về Phụng Vụ Thánh
Sacrosanctum Concilium
Bản dịch Việt Ngữ của Giáo Hoàng Học Viện Piô X
Prepared for Internet by Vietnamese Missionaries in Asia
Chương VII
Nghệ Thuật Thánh
Và Dụng Cụ Thánh
122. Giá trị của nghệ thuật thánh. Trong những hoạt động cao quí nhất của tài năng con người, rất đáng kể đến mỹ thuật, nhất là nghệ thuật tôn giáo mà tột đỉnh của nghệ thuật này chính là nghệ thuật thánh. Tự bản tính, nghệ thuật thánh nhằm diễn tả một cách nào đó vẻ đẹp vô biên của Thiên Chúa qua những tác phẩm nhân loại; nghệ thuật này càng làm cho Thiên Chúa được ca tụng và tôn vinh hơn, một khi những tác phẩm đó không nhằm chủ đích nào khác ngoài sự góp phần tích cực vào việc đạo đức là hướng tâm trí người ta về cùng Chúa.
Vì thế, Giáo Hội Mẹ Cao Sang, luôn luôn là bạn của mỹ thuật và không ngừng tìm đến sứ mạng cao quí của mỹ thuật, nhất là để những vật dùng vào việc phụng tự thánh được thực sự xứng đáng thích hợp và mỹ thuật, đồng thời biểu thị và tượng trưng những thực tại trên trời; Giáo Hội cũng luôn lo huấn luyện các nghệ thuật gia. Hơn nữa, Giáo Hội vẫn tự coi mình như vị thẩm phán về mỹ thuật, xét xem trong những tác phẩm của các nghệ sĩ, tác phẩm nào thích hợp với đức tin, với lòng đạo đức, và với những luật lệ truyền thống trong đạo, cũng như xem xét những tác phẩm nào xứng đáng dùng vào việc thánh.
Giáo Hội hằng đặc biệt lo lắng sao cho vật dụng thánh góp phần trang trọng vào việc phụng tự một cách xứng đáng và mỹ thuật, đồng thời chấp nhận những thay đổi về chất liệu, về hình thức, cũng như về trang trí do tiến triển kỹ thuật trải qua các thời đại đem đến.
Vì thế về điểm này, các Nghị Phụ quyết ấn định những điều sau đây.
123. Các kiểu nghệ thuật. Giáo Hội đã không hề coi một kiểu nghệ thuật nào như là của riêng, nhưng công nhận các kiểu của bất cứ thời đại nào, tùy theo đặc tính và hoàn cảnh của các dân tộc, cũng như tùy theo nhu cầu của các Nghi Lễ khác nhau; những kiểu nghệ thuật này, trải qua các thế kỷ, đã tạo nên một kho tàng nghệ thuật cần thiết hết sức duy trì cẩn thận. Ngay cả những nghệ thuật trong thời đại chúng ta, nghệ thuật của mọi dân tộc và mọi miền, cũng phải được tự do thi thố trong Giáo Hội, miễn là vẫn giữ được vẻ tôn kính trang trọng phải có trong các thánh đường cũng như trong các nghi lễ thánh. Như thế, nghệ thuật đã có thể hòa giọng với bản nhạc vinh quang kỳ diệu mà những bậc vĩ nhân đã từng ca hát qua các thế kỷ để ca tụng đức tin công giáo.
124. Phát động và cổ võ nghệ thuật thánh đích thực. Các Ðấng Bản Quyền trong khi phát động và cổ võ nghệ thuật thánh đích thực, hãy nhắm tới vẻ đẹp cao quí hơn là chỉ nghĩ tới vẻ xa hoa lộng lẫy. Ðiều này cũng nói về phẩm phục và đồ trang trí nữa.
Các Ðức Giám Mục hãy cẩn thận lo loại trừ khỏi thánh đường cũng như những nơi thánh khác những tác phẩm nghệ thuật nào nghịch với đức tin và phong hóa, nghịch với lòng đạo đức Kitô giáo, cũng như những tác phẩm làm tổn thương ý nghĩa tôn giáo đích thực, hoặc vì hình thức tồi bại, hoặc vì thiếu nghệ thuật, tầm thường hay giả tạo.
Còn về việc xây cất thánh đường, cũng phải cẩn thận lo liệu làm sao để xứng hợp với việc chu toàn các hoạt động phụng vụ và giúp các tín hữu có thể tham dự một cách linh động.
125. Ảnh tượng thánh trong các thánh đường. Phải kiên quyết duy trì thói quen đặt ảnh tượng thánh trong các thánh đường cho các tín hữu tôn kính; tuy thế số các ảnh tượng ấy chỉ vừa phải thôi và phải được sắp xếp sao cho thích hợp, đừng làm chia trí cho giáo dân, cũng đừng làm cho giáo dân có lòng tôn sùng thiếu đứng đắn.
126. Ủy Ban giáo phận đặc trách Nghệ Thuật Thánh. Trong việc thẩm xét những tác phẩm nghệ thuật, các Ðấng Bản Quyền địa phương hãy lắng nghe ý kiến của Ủy Ban giáo phận đặc trách Nghệ Thuật Thánh, và trường hợp nào cần thiết, nên nghe những người rất thành thạo khác cũng như những Ủy Ban đã nói trong các khoản 44, 45, 46.
Các Ðấng Bản Quyền phải thận trọng săn sóc kẻo dụng cụ thánh hoặc các nghệ phẩm giá trị, là những vật trăng hoàng nhà Chúa, bị di nhượng hoặc tiêu hủy.
127. Ðào tạo các nghệ sĩ. Các Giám Mục, hoặc phải tự mình hoặc phải nhờ các linh mục đủ khả năng, thông thạo và yêu thích nghệ thuật, lưu tâm đến các nghệ thuật gia sao cho họ thấm nhuần tinh thần Nghệ Thuật Thánh và Phụng Vụ Thánh.
Ngoài ra cũng khuyến khích thành lập những trường học hay những Học Viện về Nghệ Thuật Thánh ở những miền xét ra là nên thành lập để đào tạo các nghệ thuật gia.
Riêng đối với tất cả những nghệ thuật gia, những người sẵn có tài năng muốn phụng sự Thiên Chúa để làm vinh danh Người trong Giáo Hội, phải luôn luôn nhớ rằng họ làm một việc thánh, một phần nào họ giống như Thiên Chúa, Ðấng Sáng Tạo, họ sáng tác những tác phẩm dùng vào việc thờ phượng trong đạo Công Giáo, đồng thời họ cũng cảm hóa các tín hữu, cho họ thêm lòng đạo đức và huấn luyện giáo lý cho họ nữa.
128. Duyệt lại các luật lệ về nghệ thuật thánh. Những khoản luật và qui chế của Giáo Hội nói về việc bài trí những đồ dùng bên ngoài liên quan đến việc thờ phượng, nhất là về việc xây cất thánh đường cho xứng đáng và thích hợp, về hình thức và cách xây dựng bàn thờ, về vẻ trang trọng, lối sắp đặt và tính cách bền chắc của nhà tạm thánh thể, về chỗ thích hợp và danh dự cho giếng rửa tội, cũng như về lối trưng bày ảnh tượng thánh, trần thiết và trang bị sao cho hòa hợp: tất cả những luật lệ về các vấn đề trên phải được duyệt lại càng sớm càng tốt, đồng thời với các sách phụng vụ theo qui tắc khoản 25: những điều nào xem ra ít hợp với phụng vụ canh tân thì hãy tu chỉnh hay loại bỏ; còn những điều nào phù hợp thì phải giữ lại hoặc thêm vào.
Về vấn đề này, nhất là về chất liệu và hình thức vật dụng thánh và phẩm phục, thì Hội Ðồng Giám Mục địa phương có quyền thích nghi với các nhu cầu và phong tục địa phương, chiếu theo qui tắc khoản 22 của Hiến Chế này.
129. Huấn luyện nghệ thuật cho hàng giáo sĩ. Các giáo sĩ, trong thời gian theo học Triết học và Thần học, cũng phải được học hỏi về lịch sử và biến chuyển của nghệ thuật thánh, cũng như về nguyên tắc lành mạnh mà các tác phẩm nghệ thuật thánh phải dựa theo; như thế họ sẽ biết quí trọng và duy trì những công trình đáng kính của Giáo Hội, cũng như có thể đưa ra những ý kiến thích hợp cho các nghệ thuật gia trong khi thực hiện các tác phẩm.
130. Huy hiệu Giám Mục. Nên dành riêng việc xử dụng phẩm phục hay huy hiệu Giám Mục cho những nhân vật trong Giáo Hội có chức Giám Mục hoặc có thẩm quyền đặc biệt nào đó.
Phụ Lục
Tuyên Ngôn
Của Thánh Công Ðồng Chung Vaticanô II
Về Việc Tu Chỉnh Niên Lịch
Thánh Công Ðồng Vaticanô II không phải là ít quan tâm đến nguyện vọng của nhiều người về việc ấn định ngày lễ Phục Sinh vào một ngày Chúa Nhật nhất định, và về việc thiết lập một niên lịch vĩnh viễn. Sau khi đã cẩn thận cân nhắc mọi điều có thể xảy ra do việc đưa ra một niên lịch mới, Thánh Công Ðồng tuyên bố những điều sau đây:
1. Thánh Công Ðồng không phản đối việc ấn định ngày lễ Phục Sinh vào một ngày Chúa Nhật nhất định trong niên lịch Gregorianô, miễn là có sự đồng ý của những người liên hệ, nhất là các anh em ly khai với Tông Tòa.
2. Cũng thế, Thánh Công Ðồng tuyên bố là không phản đối những sáng kiến có liên hệ đến việc đưa vào xã hội dân sự một niên lịch vĩnh viễn.
Tuy nhiên, trong các hệ thống khác nhau được trù tính để thiết lập một niên lịch vĩnh viễn và đưa vào xã hội dân sự, Giáo Hội chỉ không phản đối những hệ thống nào còn duy trì và bảo vệ tuần lễ 7 ngày với ngày Chúa Nhật, không thêm vào một ngày nào khác trong tuần, để sự kế tiếp các tuần lễ vẫn được nguyên vẹn, trừ khi có những lý do hết sức quan trọng mà Tông Tòa sẽ phán quyết.
Tất cả và từng điều đã được ban bố trong Hiến Chế này đều được các Nghị Phụ Thánh Công Ðồng chấp thuận. Và, dùng quyền Tông Ðồ Chúa Kitô trao ban, hiệp cùng các Nghị Phụ khả kính, trong Chúa Thánh Thần, Chúng Tôi phê chuẩn, chế định và quyết nghị, và những gì đã được Thánh Công Ðồng quyết nghị, Chúng Tôi truyền công bố cho Danh Chúa cả sáng.
Roma, tại Ðền Thánh Phêrô, ngày 4 tháng 12 năm 1963.
Tôi, Phaolô Giám Mục Giáo Hội Công Giáo.
Tiếp theo là chữ ký của các Nghị Phụ.
Miễn Thi Hành Luật
Ðối với Hiến Chế về "Phụng Vụ Thánh" vừa được phê chuẩn, Ðức Thánh Cha đã quyết định miễn thi hành luật cho tới ngày Chúa Nhật thứ nhất Mùa Chay 16 tháng 2 năm 1964. Trong thời gian đó, Ðức Thánh Cha sẽ quyết định thời gian và cách thức thi hành các chế định mới của Hiến Chế này. Vì vậy không ai được phép tự mình thi hành các chế định mới này trước thời gian trên.
Pericles Felici
Tổng Giám Mục hiệu tòa Samosate
Tổng Thư Ký Thánh Công Ðồng.