Thánh Công Ðồng Chung Vaticanô II

 

Hiến Chế

Về Phụng Vụ Thánh

Sacrosanctum Concilium

 

Bản dịch Việt Ngữ của Giáo Hoàng Học Viện Piô X

Prepared for Internet by Vietnamese Missionaries in Asia


 

Chương II

Mầu Nhiệm Thánh Của Lễ Tạ Ơn

 

47. Thánh lễ và mầu nhiệm Vượt qua. Trong Bữa Tiệc sau hết, đêm bị nộp, Ðấng Cứu Chuộc chúng ta đã thiết lập Hy Tế Tạ Ơn bằng Mình Máu Người, để nhờ đó Hy Tế Khổ Giá kéo dài qua các thời đại cho tới khi Người lại đến, và cũng để ủy thách cho Hiền Thê yêu quí của Người là Giáo Hội việc tưởng nhớ cái Chết và sự Sống Lại của Người: đây là bí tích tình yêu, dấu chỉ hiệp nhất, mối dây bác ái 1, bữa tiệc ly phục sinh, "trong đó khi lãnh nhận Chúa Kitô, tinh thần ta được tràn đầy ân sủng, và bảo chứng cho ta, một vinh quang tương lai" 2.

48. Giáo dân tham dự thánh lễ cách tích cực. Vì thế, Giáo Hội hằng bận tâm lo cho các Kitô hữu tham dự vào mầu nhiệm đức tin ấy, không như những khách bàng quan, câm lặng, nhưng là những người thấu đáo mầu nhiệm đó nhờ các nghi lễ và kinh nguyện: họ tham dự hoạt động thánh một cách ý thức, thành kính và linh động: họ được đào tạo bởi lời Chúa; được bổ sức nơi bàn tiệc Mình Chúa; họ tạ ơn Chúa; và trong khi dâng lễ vật tinh tuyền, không chỉ nhờ tay linh mục mà còn liên kết với ngài, họ tập dâng chính mình; và ngày qua ngày, nhờ Chúa Kitô Trung Gian 3, họ được tiêu hao trong tình kết liên với Thiên Chúa và với nhau, để cuối cùng Thiên Chúa trở nên mọi sự trong mọi người.

49. Thánh lễ có giáo dân tham dự. Vì vậy, để Hy Lễ, ngay cả nghi thức bên ngoài, thu đạt được một hiệu năng mục vụ trọn vẹn, Thánh Công Ðồng quyết định những điều sau đây, về những Thánh Lễ cử hành có dân chúng tham dự, nhất là những ngày Chúa Nhật và các ngày lễ buộc.

50. Canh tân phần chung của thánh lễ. Phải làm sao tu chỉnh Nghi Thức Thánh Lễ để biểu lộ rõ ràng hơn nữa ý nghĩa riêng biệt của mỗi phần, cũng như mối tương quan của chúng, đồng thời để việc tham dự thành kính và linh động của các tín hữu được dễ dàng hơn.

Do đó, các nghi lễ, dù vẫn hoàn toàn duy trì bản chất của chúng, nhưng phải được đơn giản hơn. Phải loại bỏ những gì, theo dòng thời gian, được gia bội hoặc thêm thắt mà ít lợi ích. Phải tái lập theo qui tắc cổ điển của các Thánh Giáo Phụ, một số những gì xét là chính đáng và cần thiết đã bị oan uổng mai một theo thời gian.

51. Phần Thánh Kinh. Ðể bàn tiệc lời Chúa được bày dọn phong phú hơn cho các tín hữu, phải mở rộng kho tàng Thánh Kinh hơn nữa; muốn thế, trong khoảng một số năm ấn định, phải đọc cho dân chúng phần Thánh Kinh quan trọng hơn.

52. Bài giảng. Bài giảng căn cứ vào Thánh Kinh để trình bày các mầu nhiệm đức tin và những qui tắc cho đời sống Kitô giáo trong suốt chu kỳ năm phụng vụ, rất đáng được coi như một phần của chính Phụng Vụ. Hơn nữa, trong những Thánh Lễ được cử hành những ngày Chúa Nhật và lễ buộc có dân chúng tham dự, không được bỏ giảng, nếu không có lý do hệ trọng.

53. Lời nguyện giáo dân. Phải tái lập "lời nguyện chung" hay "lời nguyện giáo dân", sau Phúc Âm và bài giảng, nhất là những ngày Chúa Nhật và lễ buộc, để khi dân chúng tham dự lời nguyện đó, họ cầu khẩn cho Hội Thánh, cho các nhà cầm quyền, cho những kẻ khốn khổ vì mọi nhu cầu khác nhau, cho tất cả mọi người, và cho phần rỗi của toàn thế giới 4. 4*

54. La ngữ và tiếng bản quốc. Tiếng bản quốc có thể được dùng cách thích đáng trong những Thánh Lễ cử hành có dân chúng tham dự, nhất là trong các bài đọc và "lời nguyện chung", cũng như tùy theo hoàn cảnh địa phương, cả trong những phần dành cho dân chúng, chiếu theo quy tắc khoản 36 của Hiến Chế này.

Tuy nhiên phải dự liệu sao để các Kitô hữu có thể cùng đọc hoặc cùng hát chung, ngay cả bằng La ngữ, các phần thường lễ dành cho họ trong Thánh Lễ.

Nhưng ở bất cứ nơi nào việc dùng tiếng bản quốc rộng rãi hơn trong Thánh Lễ được xem là chính đáng, đều phải tuân giữ những điều đã qui định trong khoản 40 của Hiến Chế này.

55. Rước lễ dưới hai hình. Rất đáng khuyến khích các tín hữu tham dự Thánh Lễ cách toàn hảo hơn, bằng cách, sau khi linh mục rước lễ, họ cũng lãnh nhận Mình Chúa trong cùng một Hy Lễ đó.

Dù vẫn duy trì các nguyên tắc tín lý do Công Ðồng Trentô qui định 5, nhưng có thể cho rước lễ dưới hai hình 5* tùy theo phán đoán của các Giám Mục, chiếu theo những trường hợp được Tông Tòa minh định, không những cho giáo sĩ, tu sĩ mà cả giáo dân nữa, chẳng hạn cho các tiến chức trong Thánh Lễ phong chức, những người tuyên khấn trong Thánh Lễ khấn dòng, và các tân tòng trong Thánh Lễ tiếp diễn sau lễ Rửa Tội của họ.

56. Sự hợp nhất của thánh lễ. Có thể nói Thánh Lễ gồm hai phần, phần Phụng Vụ Lời Chúa và phần Phụng Vụ Thánh Thể. Hai phần này được liên kết chặt chẽ đến nỗi tạo thành một hành vi phụng thờ độc nhất. Do đó, Thánh Công Ðồng tha thiết khuyến dụ những mục tử chắn dắt các linh hồn, trong khi dạy giáo lý, phải nhiệt thành dạy dỗ các tín hữu biết tham dự trọn vẹn Thánh Lễ, nhất là những ngày Chúa Nhật và các ngày lễ buộc.

57. Ðồng tế .

(1) Việc đồng tế biểu lộ chính đáng tính cách duy nhất của chức linh mục. Cho đến nay, việc đồng tế vẫn được dùng trong Giáo Hội, Ðông Phương cũng như Tây Phương. Vì vậy, Thánh Công Ðồng muốn mở rộng quyền đồng tế trong những trường hợp sau đây: 6*

1 - a) ngày Thứ Năm Tuần Thánh, Lễ Dầu cũng như Lễ Chiều;

b) các Thánh Lễ trong các Công Ðồng, các Hội Nghị Giám Mục và các Hội Ðồng;

c) Thánh Lễ tôn chức Ðan Viện Phụ.

2 - Ngoài ra Ðấng Bản Quyền còn phải cứu xét có nên đồng tế hay không mà ban phép cho những trường hợp sau đây:

a) Thánh Lễ tu hội và Thánh Lễ chính trong các nhà thờ, khi lợi ích các Kitô hữu không đòi buộc mọi Linh Mục hiện diện cử hành riêng biệt;

b) các Thánh Lễ trong những cuộc hội họp, thuộc bất cứ loại nào, của các linh mục triều cũng như dòng.

(2) 1- Việc ấn định qui luật đồng tế trong địa phận thuộc quyền các Giám Mục.

2- Tuy nhiên mỗi linh mục vẫn có quyền cử hành lễ riêng trừ khi cùng một lúc trong cùng một nhà thờ, và ngày Thứ Năm Tuần Thánh.

58. Soạn thảo một nghi lễ đồng tế. Phải soạn thảo một nghi lễ mới về đồng tế, và phải sát nhập vào Sách Nghi Lễ Giám Mục và Sách Lễ Roma.

 


Chú Thích:

1 Xem T. Augustinô, In Joannis Evangelium Traetatus XXVI, ch. VI, số 13: PL 35, 1613. (Trở lại đầu trang)

2 Breviarium Romanum, Lễ Mình Thánh Chúa Kitô, Kinh Chiều II, tiền xướng Kinh Magnificat. (Trở lại đầu trang)

3 Xem T. Cyrillô Alex., Commentarium in Joannis Evangelium, cuốn XI, ch. XI-XII: PG 74, 557-565, nhất là 564-565. (Trở lại đầu trang)

4 Xem 1Tm 2,1-2. (Trở lại đầu trang)

4* Việc giáo dân cùng cầu nguyện cho Giáo Hội, cho chính quyền và cho "tất cả mọi người" (1Tm 2,1), là một truyền thống có từ thời các Tông Ðồ và các Giáo Phụ đầu tiên (x. Documentation Catholique số 1445 (4-1965), cột 597). Vào cuối thời Trung Cổ, lời nguyện đó biến mất dần dần, lý do có lẽ vì đã có lời nguyện tương tự trong phần Lễ Quy với những kinh "memento" cầu cho người còn sống và đã qua đời. (Trở lại đầu trang)

5 Khóa XXI, 16-7-1562. Doctrina de Communione sub utraque specie et parvulorum, ch. 1-3, kh. 1-3: Concilium Tridentinum, nhà x.b. đã trích, bộ VIII, 698-699. (Trở lại đầu trang)

5* Việc rước lễ dưới hai hình đã bị bãi bỏ trong nghi lễ Roma vào cuối thế kỷ XII. Từ đó về sau chỉ một mình chủ tế mới được đặc ân rước lễ hai hình thôi. Lý do thay đổi có lẽ như sau: 1) Lý do thực tế là giáo hữu ngày một đông nên việc cho rước lễ hai hình gặp nhiều bất tiện và phiền phức (Công Ðồng Constance có nêu ra một vài "nguy hiểm và gương xấu": DS 1200). 2) Lý do thứ hai là dựa và điều Giáo Hội minh xác về việc Chúa hiện diện thực sự ở một trong hai hình (rước lễ một trong hai hình là rước lấy "Chúa Kitô toàn diện").

Công Ðồng Constance năm 1415 đã lên án Wyclef và các đồ đệ chủ trương sai lầm rằng mọi tín hữu cần phải rước lễ dưới hai hình (DS 1198-1200). Công Ðồng Trentô cũng tái xác nhận lập trường đó nhân dịp chống lại phái Tin Lành (DS 1729 và 1733).

Ở đây Công Ðồng Vaticanô II, với thái độ thận trọng, vừa duy trì giáo lý Công Ðồng Trentô vừa mở ra một lối đi mới, hợp lý và thực tiễn. (Trở lại đầu trang)

6* Ðồng tế với Giám Mục (dưới nhiều cách khác nhau) cũng như giữa các linh mục với nhau đã thịnh hành từ thời các Thánh Giáo Phụ. Lễ nghi này nói lên quan niệm sâu xa về đặt tính hợp nhất giữa chức Linh Mục và phép Thánh Thể. Thánh Inhaxiô thành Antiokia (chết năm 107), đã diễn tả rõ ràng quan niệm này bằng câu nói sau đây: "Chỉ có một Phép Thánh Thể..., một bàn thờ, cũng như chỉ có một Giám Mục với Linh mục đoàn và các thày phó tế của Ngài" (Thư gởi cho giáo dân Philadelphia, 4: PG 5,700).

Giáo Hội Ðông Phương vẫn còn duy trì truyền thống tốt đẹp này. Trong khi đó Giáo Hội Tây Phương chỉ còn thực hành trong Thánh Lễ phong chức Giám Mục và Linh Mục thôi.

Do đó, Công Ðồng Vaticanô II muốn làm sống lại thói quen tốt lành và đầy ý nghĩa tượng trưng này. (Trở lại đầu trang)

 


Trở Lại Mục Lục Thánh Công Ðồng Vatican II

Back to Vietnamese Missionaries in Asia Home Page