Thánh Công Ðồng Chung Vaticanô II

 

Sắc Lệnh

về Các Giáo Hội

Công Giáo Ðông Phương

Orientalium Ecclesiarum

 

Prepared for Internet by Vietnamese Missionaries in Asia


 

Lời Giới Thiệu

 

Muốn hiểu rõ mục đích, tầm quan trọng và sự thích hợp của Sắc Lệnh này, thiết tưởng nên biết qua lịch sử của nó. Ủy Ban tiền công đồng đặc trách các vấn đề liên quan đến các Giáo Hội Ðông Phương đã soạn thảo một lược đồ với nhan đề "Ðể tất cả nên một". Các Nghị Phụ đến hội kỳ họp I của Công Ðồng đã quyết định cho một ủy ban hỗn hợp tu chỉnh lại lược đồ trên. Ðức Hồng Y Bea cũng đã soạn thảo một lược đồ về Hiệp Nhất trong đó có đề cập đến các Giáo Hội Ðông Phương ly khai. Ủy ban hỗn hợp đặc trách các Giáo Hội Ðông Phương lúc bấy giờ hạn hẹp lược đồ vào vấn đề các Giáo Hội Ðông còn hiệp thông với Rôma. Lược đồ này mệnh danh là "Về các Giáo Hội Ðông Phương". Như vậy trên nguyên tắc, đã loại bỏ vấn đề Hiệp Nhất giữa các Giáo Hội Ðông Phương ly khai với Giáo Hội Công Giáo. Ðể được rõ hơn, sau này còn thêm vào tiếng Công Giáo. Như thế, tựa đề trở thành "Về các Giáo Hội Công Giáo Ðông Phương". "Các Giáo Hội Công Giáo" ở đây chỉ các Giáo Hội Ðông Phương, thành phần của Giáo Hội phổ quát, còn hiệp thông với Tòa Thánh Rôma. Sau nhiều lần tu chỉnh và sửa đổi. Sắc Lệnh đã được Công Ðồng dứt khoát chấp nhận ngày 21-11-1964. 2,110 nghị phụ bỏ phiếu thuận và 39 phiếu chống.

Vì Sắc Lệnh liên hệ đến các Giáo Hội Ðông Phương hiệp thông với Rôma, nên Công Ðồng quan tâm đến quy luật, cách tổ chức và di sản thiêng liêng của các Giáo Hội đó. Nhiều người dị nghị tại sao một Công Ðồng Chung lại quan tâm đến các Giáo Hội riêng biệt. Ðã hẳn, người Ðông Phương có 120 Nghị Phụ đại diện vào Công Ðồng, nhưng đó là một thiểu số sánh với 2,000 Nghị Phụ Tây Phương, là những vi chưa chắc đã luôn thấu hiểu các vấn đề Ðông Phương. Tuy nhiên, phải nhìn nhận rằng các đại diện Ðông Phương, Nghị Phụ và các nhà chuyên môn, đã góp phần lớn vào việc biên soạn cũng như tu chỉnh Sắc Lệnh này.

Nhiều phần trong Sắc Lệnh này lẽ ra phải được xen vào các tài liệu khác của Công Ðồng, nhất là trong Hiến Chế về Giáo Hội. Nhưng người Ðông Phương lại thích Công Ðồng soạn thảo và công bố một Sắc Lệnh riêng biệt về các Giáo Hội Công Giáo Ðông Phương. Thượng Phụ Giáo Chủ Maximos IV đã nêu ra những lý do sau đây vào mùa thu năm 1964 và đã được Hội Ðồng Giáo Hội của ngài chuẩn y. Hiện nay các Giáo Hội Ðông Phương có những vấn đề riêng biệt, nhưng đối với Giáo Hội Latinh chúng ta không có tính cách khẩn trương. Thà rằng thảo luận các vấn đề chung với nhau, vì nếu tách rời, có thể sẽ bị lãng quên cách dễ dàng hay ít ra không được giải quyết cách thỏa đáng. Hơn thế nữa, một Sắc Lệnh Công Ðồng có thể đoạn tiêu hay thay đổi một vài quy luật mà trước kia Rôma đã đặt ra cho các Giáo Hội Ðông Phương, nhưng qua dòng thời gian, chúng đã lỗi thời hay ít thích hợp với truyền thống Ðông Phương. Sau cùng, nếu có một sắc lệnh riêng cho các Giáo Hội Ðông Phương thì còn hy vọng, sau Công Ðồng người ta sẽ chiếu cố đến các dự kiện của sắc lệnh và tiến hành cùng một hướng. Có thể thêm một lý do khác liên quan đến các tín hữu theo nghi lễ Latinh: một sắc lệnh riêng biệt về các Giáo Hội Công Giáo Ðông Phương sẽ giúp họ hiểu mầu nhiệm Giáo Hội rõ ràng và cụ thể hơn, mầu nhiệm vừa duy nhất vừa đa diện. Một sắc lệnh riêng biệt như thế cũng có thể giúp họ thẩm định một thái độ thích đáng đối với các anh em ly khai của chúng ta.

Sắc Lệnh còn làm sáng tỏ cách tổ chức và đời sống của các Giáo Hội Công Giáo Ðông Phương. Sắc Lệnh giải thích rõ ràng quyền lợi và địa vị của các Cộng Ðoàn Công Giáo Ðông Phương và phục hồi những đặc ân và tập tục bị hủy bỏ trong quá khứ:

Bố cục Sắc Lệnh như sau:

- Lời mở đầu: (số 1).

- Sáu Chương:

1. Các Giáo Hội địa phương hay Lễ Chế (số 2-4).

2. Việc bảo vệ di sản tinh thần nơi các Giáo Hội Ðông Phương (số 5-6).

3. Các Thượng Phụ Ðông Phương (số 7-11).

4. Quy luật về các bí tích (số 12-18).

5. Việc Phụng thờ Thiên Chúa (số 19-23).

6. Liên lạc với các anh em ly khai (số 24-29).

- Kết luận: số 30.

Sắc Lệnh đề cập đến nhiều Giáo Hội Công Giáo Ðông Phương. Có hơn 20 Giáo Hội. Trước tiên có nhiều Lễ chế. Lễ chế ở đây là cách thức cử hành phép Thánh Thể và các Bí Tích (lời nguyện, cử điệu...). Có Lễ chế Copticô, Chaldaeô, Syriacô, Armenô, Maroniticô, Byzantinô và Malabarô. Hơn nữa, có khi cũng một nghi lễ phụng vụ được thi hành ở nhiều xứ với những ngôn ngữ khác nhau; ví dụ: Lễ chế Copticô thịnh hành ở Ai Cập và Ethiopia, và như thế người ta phân biệt hai Giáo Hội riêng biệt theo cùng Lễ chế Copticô: một ở Ai Cập và một ở Ethiopia. Các Lễ chế khác cũng vậy. theo nghĩa rộng hơn, Lễ chế không những là phụng vụ của một Giáo Hội, nhưng còn bao hàm cả quy luật, tổ chức, truyền thống và tập tục riêng biệt của mỗi Giáo Hội khác nhau. Ðó là ý nghĩa tại sao có nhiều Giáo Hội Ðông Phương. Cũng có khi trong cùng một thành phố hay trong một miền có hai hay ba cộng đoàn Công Giáo có Lễ chế khác nhau. Như ở Alep có một Giáo Hội Melchita, một Giáo Hội Maroniticô và một Giáo Hội Ðông Phương Armenô. Mỗi Giáo Hội có một Giám Mục riêng. Dù các Giáo Hội Công Giáo Ðông Phương đa số ở miền Cận Ðông, nhưng cũng có những nhóm rải rác ở Âu Châu, Nam Ấn và Bắc Mỹ, do các cuộc di cư vì đàn áp. Tổng số người Công Giáo Ðông Phương khoảng độ 11 triệu.

 


Trở Lại Mục Lục Thánh Công Ðồng Vatican II

Back to Vietnamese Missionaries in Asia Home Page