Thánh Công Ðồng Chung Vaticanô II
Sắc Lệnh
Về Chức Vụ Và Ðời Sống
Linh Mục
Presbyterorum Ordinis
Prepared for Internet by Vietnamese Missionaries in Asia
Lời Giới Thiệu
1. Việc soạn thảo
Sắc Lệnh về Chức Vụ và Ðời Sống Linh Mục được công bố ngày 7-12-1965, áp ngày bế mạc Công Ðồng Vaticanô II, đã được hầu hết các Nghị Phụ đồng thanh chấp nhận, vì trong số 2,394 phiếu chỉ có 4 phiếu trắng. Bản văn hiện tại là kết quả của công việc khó khăn lâu dài đã khởi sự trước khi Công Ðồng khai mạc. Ủy Ban soạn thảo được Ðức Giáo Hoàng Gioan XXIII chỉ định, đã soạn thảo tất cả 17 lược đồ về các vấn đề khác nhau liên quan đến các linh mục. Một Ủy Ban mới gồm những nhà chuyên môn do Công Ðồng chỉ định đã cố gắng thu tóm những lược đồ đó thành một lược đồ duy nhất bàn về hàng giáo sĩ. Ðến tháng 12-1963, người ta còn đòi thay đổi lược đồ đó thành một số những đề nghị chính xác và rõ ràng về các linh mục. Nhưng tới tháng 10-1964, những đề nghị này đã bị bác bỏ trong một buổi họp vì còn nhiều thiếu sót. Các Nghị Phụ đòi hỏi một bản văn sâu rộng hơn, thích hợp với chiều hướng mới được khai mở trong Hiến Chế Tín Lý về Giáo Hội để đáp ứng đúng những khát vọng của đa số linh mục đang quan tâm đến việc rao truyền Phúc Âm trong xã hội tân thời.
Ủy Ban soạn thảo lại tra tay vào việc và đệ trình lên các Nghị Phụ một dự thảo mới vào cuối kỳ họp III của Công Ðồng. Nhờ những nhận xét của các Nghị Phụ trong khi thảo luận, bản văn đã được thay đổi khá nhiều. Rồi tới kỳ họp IV của Công Ðồng, bản văn lại được đem ra thảo luận từng đoạn, từng câu và được sửa đổi theo các đề nghị của các Nghị Phụ để đi đến hình thức dứt khoát. Như thế, bản văn đã được sửa lại lần thứ ba và cũng là lần cuối cùng.
Vài hàng lược sử này giúp hiểu rõ tầm quan trọng của Sắc Lệnh về Chức Vụ và Ðời Sống Linh Mục. Trong Hiến Chế Tín Lý về Giáo Hội cũng như trong các Sắc Lệnh về Nhiệm Vụ của các Giám Mục, về việc Ðào Tạo Linh Mục và cả trong Hiến Chế về Phụng Vụ Thánh cũng đã bàn đến chức Linh Mục. Nhưng bằng một Sắc Lệnh đặc biệt, Công Ðồng muốn phác họa rõ ràng chân dung của Linh Mục, người phải đem áp dụng những quyết định của Công Ðồng không những theo sát từng chữ mà còn phải theo đúng tinh thần công đồng nữa. Trách nhiệm của các Linh Mục thật rất khó khăn: các ngài đóng "vai trò chính yếu trong việc canh tân Giáo Hội Chúa Kitô". Nhưng vai trò này càng ngày càng trở nên khó khăn... "giữa những hoàn cảnh mục vụ và tình trạng nhân loại luôn chịu những biến đổi sâu xa" (lời mở đầu).
2. Linh Mục trong sứ mạng của Giáo Hội
Trong chương mở đầu ngắn gọn nhưng rất súc tích, các Nghị Phụ Công Ðồng đã muốn trình bày bản chất của hàng Linh Mục cũng như thân phận của các ngài trong thế giới. Chương giáo thuyết này được đặt ngay đầu Sắc Lệnh có mục đích soi sáng những quảng diễn tiếp theo về Chức Vụ và Ðời Sống Linh Mục.
Danh từ "hàng Linh Mục" đươc chọn với mục đích để chỉ định toàn thể hàng ngũ Linh Mục. Chúa Giêsu đã cho toàn thể Dân Chúa tham dự vào chức linh mục của Người nhưng Người còn muốn thiết lập những "thừa tác viên" của Người, những người này nhớ bí tích Truyền Chức được quyền dâng thánh lễ, quyền tha tội và thực hành chức vụ linh mục nhân danh Chúa Kitô.
Danh từ "Sứ Mệnh" chỉ sứ mệnh mà các tông đồ và các vị thừa kế các ngài là các Giám Mục đã lãnh nhận từ Chúa Kitô. Hàng Linh Mục dĩ nhiên lệ thuộc hàng Giám Mục. Nhưng qua bí tích Truyền Chức, các Linh Mục trở thành cộng sự viên của các Giám Mục trong việc rao truyền Phúc Âm.
Trong khi Công Ðồng thảo luận, các Nghị Phụ đã tự hỏi nhiệm vụ nào là nhiệm vụ chính của Linh Mục giữa hai nhiệm vụ phụng tự và rao truyền Phúc Âm? Câu trả lời được đúc kết theo các ý kiến đã được đưa vào bản văn của Công Ðồng như ta thấy hiện nay là nhiệm vụ rao truyền Phúc Âm và nhiệm vụ phụng tự liên hệ thiết yếu với nhau, vì tất cả năng lực của việc rao truyền Phúc Âm phát xuất từ lễ Hy Sinh của Chúa Kitô và nhiệm vụ này, theo Thánh Augustinô, nhằm đạt tới mục đích là làm cho "xã hội và toàn thể cộng đoàn các Thánh được tiến dâng lên Thiên Chúa lễ Hy Tế phổ quát..."
Ðể chu toàn sứ mệnh trong Giáo Hội, các Linh Mục không thể sống tách biệt khỏi quần chúng mà các ngài rao truyền Phúc Âm. Các ngài cũng không thể sống như người xa lạ với những điều kiện sống của quảng đại quần chúng. Nhưng các ngài phải sống giữa nhân loại theo gương Chúa Giêsu. Và chính khi noi theo gương sống của Chúa Giêsu, các ngài lại không thể rập theo nếp sống thế tục. Ðược đặc trách rao truyền Phúc Âm, các ngài phải làm cho mọi người nghe được tiếng nói của chính Chúa Kitô. Chương này kết thúc bằng lời nhắn nhủ các Linh Mục phải thực hành những đức tính nhân loại cần thiết cho các ngài để việc giao tế của các ngài với người khác trở nên dễ dàng và hữu ích.
3. Thừa tác vụ của Linh Mục
Chương nói về thừa tác vụ của Linh Mục được chia thành 3 đoạn, lần lượt bàn về những chức vụ của Linh Mục, về những tương quan giữa các Linh Mục và Giám Mục, giữa các Linh Mục với giáo dân, và sau hết về việc phân phối các Linh Mục và về ơn thiên triệu Linh Mục.
a) Cũng như với các Giám Mục, đối với Linh Mục, nhiệm vụ quan trọng hàng đầu là nhiệm vụ rao truyền lời Chúa. Thực vậy, chính lời Chúa qui tụ Dân Chúa quanh bàn thờ. Cũng chính nhờ lời giảng dạy mà các Linh Mục thực hiện nhiệm vụ truyền giáo chính yếu của các ngài. Ðàng khác, Công Ðồng còn dự liệu nhiều phương thế để thực hiện việc rao truyền lời Chúa theo những hoàn cảnh cụ thể của những người mà các Linh Mục phải đem lời Chúa đến cho họ. Khi việc rao truyền lời Chúa chưa thể hiện được, thì chính đời sống gương mẫu và gương sáng các ngài giữa lương dân đã là một cách thế rao truyền lời Chúa.
Xét theo giá trị, dâng thánh lễ cũng là một nhiệm vụ chính yếu của các Linh Mục (x. số 13) mà các bí tích khác, các giáo vụ khác và các hoạt động tông đồ đều quy hướng về đó trong mối liên hệ chặt chẽ. Bí tích Thánh Thể do đó là nguồn sống và là tột đỉnh của việc rao truyền Phúc Âm.
Xét theo hoạt động, các Linh Mục được tham dự vào việc điều hành mục vụ của Giám Mục, và theo phạm vi quyền hạn của các ngài mà hành xử nhiệm vụ của chính Chúa Kitô Ðầu Nhiệm Thể và là Ðấng Chủ Chăn. "Chính vì sự tăng trưởng thiêng liêng của Nhiệm Thể mà các ngài hiến dâng toàn lực".
b) Ðoạn 2 cũng có tầm quan trọng đặc biệt: đoạn này chứng tỏ rằng sứ mệnh của Giáo Hội trong thế giới ngày nay không thể thành tựu nếu thiếu sự đoàn kết chặt chẽ giữa các Linh Mục trong một giáo phận với vị Giám Mục của các ngài, giữa hàng Linh Mục với nhau cũng như giữa các giáo dân với các Linh Mục và Giám Mục. Sắc Lệnh luôn luôn nói đến "các Linh Mục". Công Ðồng dùng số nhiều khi nói về Linh Mục, điều đó chứng tỏ không một "Linh Mục nào có thể hoàn thành sứ mệnh của mình cách riêng rẽ, đơn độc".
c) Ðoạn 3 nói về hai vấn đề thực tế: trước hết về việc phân phối các Linh Mục. Các Linh Mục được truyền chức để phục vụ Giáo Hội phổ quát, nên không thể bị ràng buộc quá chặt chẽ vào giáo phận của các ngài đến nỗi không thể được thuyên chuyển đến địa phương khác. Việc tông đồ cần được thể hiện mọi nơi ngay cả những miền thiếu Linh Mục; việc phân phối các Linh Mục vì thế phải tùy theo nhu cầu đòi hỏi. Sau đó, Sắc Lệnh nói về trách nhiệm của các Linh Mục trong việc cộng tác để đào tạo ơn thiên triệu nơi giới trẻ.
4. Ðời sống các Linh Mục
Chương nói về đời sống các Linh Mục cũng được chia làm 3 đoạn:
a) Ðoạn đầu quan trọng hơn cả vì đoạn này nói về ơn gọi đến sự hoàn thiện của Linh Mục. Cũng như tất cả các tín hữu, các Linh Mục được gọi đến bậc sống trọn lành thiêng liêng. Nhưng sự thánh thiện của Linh Mục còn là một đòi hỏi phát sinh từ bí tích Truyền Chức. Qua bí tích Truyền Chức, các ngài được liên kết chặt chẽ với Chúa Kitô Ðầu Nhiệm Thể để kiến tạo và xây dựng toàn Thân. Ðể làm nổi bật đời sống tu đức riêng của Linh Mục, Sắc Lệnh dạy rằng sự thánh thiện của các Linh Mục liên hệ thiết yếu với chức vụ của các ngài. Ðể chức vụ đó thực sự là nguồn mạch đời sống thánh thiện, cần phải thỏa đáng các điều kiện: các ngài phải tỏ ra "dễ dạy" với ơn thánh, biết lắng nghe theo tinh thần của Chúa Kitô, Ðấng đã hiến mang sống mình cho các ngài và còn tiếp tục dìu dắt các ngài. Một khi hoạt động nhiệt thành với tinh thần bác ái mục vụ các ngài sẽ ứng dụng trong chính đời sống của các ngài lời Chúa mà các ngài rao truyền, các ngài cũng tự hiến thân cho Chúa cùng với Thánh Lễ các ngài dâng để rồi hiến thân cho những người các ngài coi sóc như những đấng chăn chiên thật.
Ðời sống Linh Mục vì thế trở nên duy nhất và hòa hợp vì chức vụ của các ngài giúp sống nội tâm, và đời sống nội tâm lại soi dẫn hoạt động tông đồ. Các ngài được mời gọi noi gương Chúa Giêsu, Ðấng coi "của ăn của Người là làm theo Thánh Ý Ðấng đã sai Người và hoàn thành công việc của Ngài".
b) Ðoạn 2 trình bày những nhân đức chính và không thể khiếm khuyết nơi các Linh Mục như đức khiêm nhường, vâng lời, bác ái, giữ luật độc thân, tinh thần khó nghèo giữa những của cải vật chất và nhất là tự chọn đời sống khó nghèo thật.
c) Ðoạn 3 đề xướng những phương thế thánh hóa Linh Mục, cần thiết để củng cố và phát triển đời sống nội tâm. Ðoạn này dạy cho các Linh Mục thấy sự cần thiết phải duy trì và phát huy khoa thần học, đặc biệt là khoa mục vụ. Sau hết nêu lên vài phương thế thực tiễn để nâng đỡ nhu cầu vật chất của các Linh Mục.
5. Ðoạn kết của Sắc Lệnh
Ðoạn kết của Sắc Lệnh là một cái nhìn hiện thực về những điều kiện hiện tại chi phối chức vụ các Linh Mục và về những điều kiện sống của các ngài mà đôi khi rất khó khăn. Thế giới các ngài đang sống phô diễn trước mắt các ngài "bao tội lỗi nặng nề, nhưng đồng thời cũng hứa hẹn nhiều khả năng phong phú".