Thánh Công Ðồng Chung Vaticanô II
Hiến Chế Tín Lý
Về Giáo Hội
Lumen Gentium
Bản dịch Việt Ngữ của Giáo Hoàng Học Viện Piô X
Prepared for Internet by Vietnamese Missionaries in Asia
Trích Văn Kiện Công Ðồng Chung Vaticanô II
Thông Tri
Do vị Tổng Thư Ký của Thánh Công Ðồng trong phiên họp khoáng đại lần thứ 123 ngày 16-11-1964.
Có người thắc mắc về phẩm tính thần học của giáo thuyết được trình bày trong Lược Ðồ về Giáo Hội và sẽ được đem ra đầu phiếu.
Ủy ban lo về giáo thuyết, khi xét đến những "Ðề Nghị Tu Chỉnh" về chương III Lược Ðồ về Giáo Hội, đã trả lời rằng:
"Dĩ nhiên, phải luôn luôn giải thích văn kiện Công Ðồng theo những qui tắc chung mà mọi người đều biết".
Nhân dịp này, Ủy Ban Giáo Thuyết đã nhắc lại bản Tuyên Ngôn của mình, ngày 6-3-1964; chúng tôi xin trích lại bản văn đó:
"Xét theo tập tục Công Ðồng và chủ đích mục vụ của Công Ðồng hiện tại, Thánh Công Ðồng nầy xác định rằng Giáo Hội chỉ phải tuân giữ những điều có liên quan đến đức tin và phong hóa được chính Thánh Công Ðồng tuyên bố là như vậy".
"Còn những điểm khác được Thánh Công Ðồng trình bày, vì là giáo thuyết của quyền Giáo Huấn Tối Thượng của Giáo Hội, nên tất cả và mỗi một Kitô hữu phải chấp nhận và hiểu theo ý của chính Thánh Công Ðồng, dựa trên những tiêu chuẩn của phương pháp giải thích thần học: ý Công Ðồng tỏ lộ qua nội dung được trình bày hoặc qua cách diễn tả của Công Ðồng".
Và đây là một chú thích sơ khởi, mà Thượng Quyền gửi đến các Nghị Phụ đối với "những Ðề Nghị Tu Chỉnh" liên quan đến chương III của Lược Ðồ về Giáo Hội; giáo thuyết được trình bày trong chương III này phải được giải thích và hiểu theo tinh thần và thể thức của chú thích này.
Chú Thích Sơ Khởi
"Trước khi xét những "Ðề Nghị Tu Chỉnh", Ủy Ban quyết định trình bày những nhận xét tổng quát sau đây:
1. Cộng Ðoàn (collegium) không hiểu theo nghĩa thuần túy pháp lý, nghĩa là một nhóm người bình đẳng, mà quyền hạn họ đã trao phó cho một vị chủ tịch; nhưng phải hiểu là một nhóm người có tính cách vững bền mà cơ cấu tổ chức và quyền hành phải được rút ra từ Mạc Khải. Cho nên, khi trả lời "Ðề Nghị Tu Chỉnh" số 12, chúng tôi đã nói rõ rằng: Mười Hai Tông Ðồ đã được Chúa thành lập theo thể thức "một cộng đoàn hay một nhóm người có tính cách vững bền" : Cũng xem Ðề Nghị Tu Chỉnh số 53, c. - Cũng vì vậy, chữ "Hàng" (hàng Giám Mục: ordo) hay "Ðoàn" (corpus) cùng được dùng đây đó để chỉ "Cộng Ðoàn Giám Mục". Sự đối chiếu: một bên là Phêrô với các Tông Ðồ khác, một bên là Ðức Giáo Hoàng với các Giám Mục, không có nghĩa là quyền đặc biệt của các Tông Ðồ đã được truyền lại cho các người kế vị và, dĩ nhiên, cũng không có nghĩa là giữa vị Thủ Lãnh và các phần tử của cộng đoàn có sự bình đẳng; nhưng chỉ muốn xác định một sự tương xứng giữa tương quan thứ nhất (Phêrô - Tông Ðồ) và tương quan thứ hai (Ðức Giáo Hoàng - Các Giám Mục). Vì thế trong số 22, Ủy Ban đã quyết định không dùng chữ "cũng vậy", nhưng dùng chữ "tương tự như thế". Xem Ðề Nghị Tu Chỉnh 57.
2. Người được phong chức giám mục và hiệp thông phẩm trật với Thủ Lãnh và với các phần tử trong Cộng Ðoàn thì trở thành phần tử của Giám Mục Ðoàn. Xem số 22, 1 phần cuối.
Trong việc tấn phong, có sự tham dự hữu thể vào các nhiệm vụ thánh, như Truyền Thống và cả tập truyền phụng vụ đã chứng tỏ hiển nhiên. Sau khi thảo luận, Ủy Ban dùng danh từ "nhiệm vụ" (munus) chứ không dùng danh từ "quyền hành" (potestas), vì "quyền hành" có thể hiểu là một quyền hành sẵn sàng để xử dụng. Thật ra, để có một quyền hành như thế thì cần phải có thêm sự chỉ định theo giáo luật hoặc pháp lý của quyền bính phẩm trật. Sự chỉ định này có thể là việc bổ nhiệm vào một chức vụ đặc biệt hay việc ủy thác trông coi một số người và theo những qui luật đã được quyền tối thượng chấp thuận. Do bản chất của sự việc, cần phải có qui luật cuối cùng như thế, bởi vì đó là những nhiệm vụ phải được thực hành do nhiều phụ tá cộng tác theo phẩm trật do ý muốn của Chúa Kitô. Hiển nhiên là trước khi viết thành bộ luật, thì sự "hiệp thông" ấy đã được áp dụng trong đời sống Giáo Hội tùy theo hoàn cảnh của các thời đại.
Chính vì thế mà Ủy Ban minh nhiên nói rằng: cần phải có sự hiệp thông phẩm trật với Thủ Lãnh và với các phần tử của Giáo Hội. Hiệp thông, một ý niệm rất được Giáo Hội thời xưa (cũng như thời nay, nhất là Giáo Hội Ðông Phương) đề cao. Ðó không phải là tâm tình mơ hồ, nhưng là một thực thể hữu cơ. Nó đòi hỏi một hình thức pháp lý, đồng thời được linh động nhờ đức ái. Do đó, sau khi được sự đồng ý của hầu hết mọi người, Ủy Ban quyết định viết như sau: "trong sự hiệp thông phẩm trật". Xem Ðề Nghị Tu Chỉnh số 40, và những chỗ đề cập đến chức vụ bổ nhiệm theo giáo luật, số 24.
Những văn kiện gần đây của các Ðức Giáo Hoàng về quyền tài thẩm của các Giám Mục phải được giải thích theo sự hạn định cần thiết về những quyền hành ấy.
3. Cộng Ðoàn, không thể có Cộng Ðoàn nếu không có Thủ Lãnh, "cũng là chủ thể có quyền bính trọn vẹn và tối cao trên toàn thể Giáo Hội". Cần phải chấp nhận điều đó để quyền bính trọn vẹn của Ðức Giáo Hoàng Roma khỏi bị vi phạm. Nói đến Cộng Ðoàn (Giám Mục), bao giờ người ta cũng phải hiểu là gồm có Thủ Lãnh; và trong Cộng Ðoàn, Thủ Lãnh vẫn nắm giữ nguyên vẹn nhiệm vụ Ðấng Ðại Diện Chúa Kitô và Chủ Chăn của Giáo Hội phổ quát. Nói cách khác, sự phân biệt không phải là giữa Ðức Giáo Hoàng Roma và các Giám Mục hiệp lại, nhưng là giữa cá nhân Ðức Giáo Hoàng Roma và Ðức Giáo Hoàng Roma cùng với các Giám Mục. Vì Ðức Giáo Hoàng là Thủ Lãnh của Cộng Ðoàn nên chính ngài một mình có quyền hành động trong một vài việc mà các Giám Mục không có thẩm quyền: ví dụ triệu tập và điều khiển Cộng Ðoàn Giám Mục, phê chuẩn các quy luật hành động, v. v... Xem Ðề Nghị Tu Chỉnh số 81. Ðức Giáo Hoàng, vì được trao phó nhiệm vụ chăn dắt toàn thể đoàn chiên Chúa Kitô, nên tùy theo nhu cầu của Giáo Hội biến chuyển theo các thời đại, ngài giữ quyền phán định cách thế thích hợp để thể hiện nhiệm vụ chăn dắt trên, hoặc cách cá nhân hoặc cách cộng đoàn. Vì lợi ích của Giáo Hội, Ðức Giáo Hoàng Roma hành động theo sự khôn ngoan của ngài để hướng dẫn, phát huy, phê chuẩn sự thực thi quyền cộng đoàn.
4. Là Ðấng Chăn Dắt Tối Cao của Giáo Hội, Ðức Giáo Hoàng có thể tùy ý thi hành quyền bính của Ngài bất cứ lúc nào, theo sự đòi hỏi của nhiệm vụ Ngài. Còn Cộng Ðoàn, tuy vẫn tồn tại luôn, nhưng không vì thế mà lúc nào cũng hành động với tính cách thuần túy cộng đoàn, như Thánh Truyền Giáo Hội xác nhận. Nói cách khác, không phải bao giờ Cộng Ðoàn cũng hành động "trong hiện thể trọn vẹn", nhưng chỉ thỉnh thoảng mới hành động một cách thuần túy cộng đoàn, và khi đó chỉ vì Thủ Lãnh ưng thuận. Nói "Thủ Lãnh ưng thuận" để khỏi nghĩ đến sự tùy thuộc như tùy thuộc vào một người ngoại cuộc. Trái lại, từ ngữ "ưng thuận" nói lên sự hiệp thông giữa Thủ Lãnh với các phần tử, đồng thời giả thiết sự cần thiết của một hành vi thuộc riêng vị Thủ Lãnh. Ðiểm này được minh nhiên xác định trong số 22, 2 và được giải thích ở phần cuối số ấy. Cách nói "chỉ vì" bao gồm tất cả mọi trường hợp: do đó dĩ nhiên là phải tuân theo các qui luật được giáo quyền tối thượng chấp thuận. Xem Ðề Nghị Tu Chỉnh số 84.
Trong tất cả các điểm trên, chúng ta thấy rõ vấn đề là ở chỗ các Giám Mục hiệp nhất với Thủ Lãnh của mình và không bao giờ hành động cách độc lập đối với Giáo Hoàng. Trong trường hợp sau này, khi không có hành động của Thủ Lãnh, các Giám Mục không thể hành động như một Cộng Ðoàn được, như ý niệm "Cộng Ðoàn" cho thấy. Thánh Truyền luôn minh chứng có sự hiệp thông phẩm trật giữa tất cả các Giám Mục với Ðức Giáo Hoàng.
Chú Ý: Nếu không có hiệp thông phẩm trật, thì các Giám Mục không thể thi hành nhiệm vụ thực thể lãnh nhận do Bí Tích. Nhiệm vụ đó phải được phân biệt với khía cạnh giáo luật - pháp lý. Nhưng Ủy Ban nghĩ là không cần phải bàn đến các vấn đề hợp pháp và thành sự, và để lại cho các nhà thần học thảo luận, cách riêng trong những gì liên can tới việc thi hành quyền bính hiện có nơi anh em ly khai Ðông Phương. Về điểm này, có nhiều giải thích khác nhau.
Pericles Felici
Tổng Giám Mục hiệu tòa Samosate
Tổng Thư Ký Thánh Công Ðồng Vaticanô II