Thánh Công Ðồng Chung Vaticanô II
Khóa V Ngày 21 tháng 11 Năm 1964
Phaolô Giám Mục
Tôi Tớ Các Tôi Tớ Thiên Chúa
Hiệp Nhất Với Các Nghị Phụ Của Thánh Công Ðồng
Ðể Muôn Ðời Ghi Nhớ
Hiến Chế Tín Lý
Về Giáo Hội
Lumen Gentium
Bản dịch Việt Ngữ của Giáo Hoàng Học Viện Piô X
Prepared for Internet by Vietnamese Missionaries in Asia
Chương I
Mầu Nhiệm Giáo Hội 1*
1. Giáo Hội, bí tích trong Ðức Kitô. Ánh sáng muôn dân chính là Chúa Kitô, nên Thánh Công Ðồng đang nhóm họp trong Chúa Thánh Thần hết lòng mong ước soi dẫn mọi người bằng ánh sáng của Chúa phản chiếu trên dung nhan Giáo Hội, bằng việc rao truyền Phúc Âm cho mọi tạo vật (x. Mc 16,15). Vì Giáo Hội ở trong Chúa Kitô như bí tích hoặc dấu chỉ và khí cụ của sự kết hợp mật thiết với Thiên Chúa và của sự hiệp nhất toàn thể nhân loại, nên, dựa trên giáo huấn của các Công Ðồng trước, Giáo Hội muốn làm sáng tỏ bản tính và sứ mệnh phổ quát của mình cho tín hữu và toàn thế giới. Những hoàn cảnh hiện tại làm cho nhiệm vụ của Giáo Hội thêm khẩn thiết hơn, để ngày nay mọi người liên hệ chặt chẽ hơn bởi nhiều ràng buộc xã hội, kỹ thuật, văn hóa, cũng được hiệp nhất trọn vẹn trong Chúa Kitô. 2*
2. Ý định cứu chuộc phổ quát của Chúa Cha. 3* Bởi ý định khôn ngoan nhân lành, hoàn toàn tự do và mầu nhiệm, Chúa Cha hằng hữu đã tạo dựng vũ trụ; Ngài đã quyết định nâng loài người lên tham dự đời sống thần linh, và Ngài đã không từ bỏ con người sa ngã trong Adam, nhưng luôn ban sự trợ giúp để họ được cứu rỗi, nhờ Chúa Kitô, Ðấng Cứu Thế, "là hình ảnh Thiên Chúa vô hình, Con đầu lòng của tạo vật" (Col 1,15). Thực vậy, từ muôn thuở tất cả mọi người được tuyển chọn, Chúa Cha "đã biết trước và đã tiền định cho họ trở nên giống hình ảnh Con Chúa, hầu người Con đó được trở nên Trưởng Tử trong nhiều anh em" (Rm 8,29). Thế nên Chúa Cha muốn qui tụ những ai tin kính Chúa Kitô vào trong Giáo Hội. Từ nguyên thủy, Giáo Hội được phác thảo bằng hình bóng, được chuẩn bị kỳ diệu trong lịch sử dân Israel và trong giao ước cũ 1, được thành lập trong thời cuối cùng, và được biểu hiện lúc Chúa Thánh Thần ngự xuống, rồi đến ngày tận thế sẽ kết thúc trong vinh quang. Bấy giờ, như chúng ta đọc thấy nơi các Giáo Phụ, mọi người công chính từ Adam, "từ Abel công chính đến người được tuyển chọn cuối cùng" 2 sẽ được tập họp trong Giáo Hội phổ quát bên Chúa Cha.
3. Sứ mạng và công cuộc của Chúa Con. Thế là Chúa Con được phái đến do Chúa Cha, Ðấng đã tuyển chọn chúng ta nơi Người trước khi tạo dựng vũ trụ và tiền định chúng ta làm dưỡng tử, vì Ngài mong ước cải tạo tất cả trong Chúa Con (x. Eph 1,4-5 và 10). Bởi thế, để chu toàn thánh ý Chúa Cha, Chúa Kitô đã khai nguyên nước trời nơi trần gian, mạc khải cho chúng ta mầu nhiệm của Ngài, và thực hiện việc cứu thế bằng việc vâng phục Chúa Cha. Giáo Hội hoặc nước Chúa Kitô đã hiện diện cách mầu nhiệm, nhờ thần lực Thiên Chúa, phát triển trong thế gian cách hiển nhiên. Sự khai nguyên và phát triển đó được biểu thị bằng máu và nước chảy ra từ cạnh sườn Chúa Giêsu chịu đóng đinh (x. Gio 19,34) và được tiên báo qua lời Chúa nói về cái chết của Người trên thập giá: "Và Ta, khi bị treo lên khỏi đất, Ta sẽ kéo mọi người lên cùng Ta" (Gio 12,32, bản Hy lạp). Mỗi lần hy lễ thánh giá được cử hành trên bàn thờ, nhờ đó "Chúa Kitô, chiên vượt qua của chúng ta chịu hiến tế" (1Cor 5,7), thì công trình cứu chuộc chúng ta được thực hiện. Bí tích Thánh Thể cũng biểu thị và thực hiện sự hiệp nhất các tín hữu, là những kẻ hợp thành một thân thể, trong Chúa Kitô (x. 1Cor 10,17). Mọi người đều được mời gọi kết hiệp cùng Chúa Kitô như vậy. Người là ánh sáng thế gian. Chúng ta phát xuất từ Người, sống nhờ Người và hướng về Người.
4. Việc thánh hóa Giáo Hội của Chúa Thánh Thần. Khi công trình Chúa Cha trao phó cho Chúa Con thực hiện trên trần gian đã hoàn tất (x. Gio 17,4) Chúa Thánh Thần được phái đến trong ngày lễ Hiện Xuống để thánh hóa Giáo Hội mãi mãi, và như thế những ai tin sẽ được tới cùng Chúa Cha qua Chúa Kitô trong một Thần Khí duy nhất (x. Eph 2,18). Chính Ngài là Thánh Thần ban sự sống, là mạch nước vọt lên sự sống vĩnh cửu (x. Gio 4,14; 7,38-39), nhờ Ngài, Chúa Cha hồi sinh những kẻ đã chết vì tội lỗi, đợi đến khi phục sinh thân xác hay chết của họ trong Chúa Kitô (x. Rm 8,10-11). Chúa Thánh Thần ngự trị trong Giáo Hội và trong tâm hồn các tín hữu như ngự giữa đền thờ (x. 1Cor 3,16; 6,19). Trong họ, Ngài cầu nguyện và chứng nhận họ là dưỡng tử (x. Gal 4,6; Rm 8,15-16 và 26). Ngài dẫn đưa Giáo Hội trong hiệp thông và phục vụ. Ngài huấn luyện và dẫn dắt Giáo Hội bằng muôn ơn theo phẩm chức và đoàn sủng, trang điểm Giáo Hội bằng hoa quả của Ngài (x. Eph 4,11-12; 1Cor 12,4; Gal 5,22). Nhờ sức mạnh Phúc Âm, Ngài là tươi trẻ, không ngừng canh tân và dẫn đưa Giáo Hội đến kết hợp hoàn toàn với Phu Quân mình 3. Thực vậy, Chúa Thánh Thần và Hiền Thê nói cùng Chúa Giêsu rằng: "Xin hãy đến" (x. Kh 22,17).
Như thế Giáo Hội phổ quát xuất hiện như "một dân tộc hiệp nhất do sự hiệp nhất giữa Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Thần" 4.
5. Nước Thiên Chúa. 4* Mầu nhiệm Giáo Hội thánh thiện được biểu lộ trong chính việc thành lập. Thực thế, Chúa Giêsu đã khai sinh Giáo Hội bằng việc rao giảng Phúc Âm rằng Nước Thiên Chúa đã đến như đã hứa trong Thánh Kinh từ ngàn xưa: "Thời gian đã trọn, Nước Thiên Chúa gần đến" (Mc 1,15; x. Mt 4,17). Nước này chiếu sáng trước mặt mọi người qua lời nói, hành động và sự hiện diện của Chúa Kitô. Lời Chúa ví như hạt giống gieo trong ruộng (x. Mc 4,14): ai tin nghe lời Chúa và gia nhập đàn chiên nhỏ của Chúa Kitô (x. Lc 12,32), thì đã đón nhận chính Nước Ngài; rồi tự sức mình, hạt giống nẩy mầm và lớn lên cho đến mùa gặt (x. Mc 4,26-29). Các phép lạ của Chúa Giêsu cũng chứng minh rằng Nước Ngài đã đến thế gian: "Nếu Ta dùng ngón tay Thiên Chúa để trừ ma quỉ, ắt Nước Thiên Chúa đã đến nơi các ngươi rồi" (Lc 11,20; x. Mt 12,28). Nhưng trước tiên, Nước ấy biểu lộ trong chính con người Chúa Kitô, Con Thiên Chúa và Con loài người, Ðấng đã đến "để hầu hạ và hiến mạng sống mình làm giá chuộc thiên hạ" (Mc 10,45).
Vì sau khi chịu chết trên thập giá cho nhân loại, Chúa Giêsu đã phục sinh, nên Người được phong làm Chúa, làm Ðấng Kitô và làm Linh Mục muôn đời (x. CvTđ 2,36; Dth 5,6; 7,17-21); và Người đổ tràn Thánh Thần mà Chúa Cha đã hứa trên các môn đệ Người (x. CvTđ 2,33). Vì thế, với ân huệ của Ðấng sáng lập, và trong khi trung thành tuân giữ các giới răn bác ái, khiêm nhường và từ bỏ, Giáo Hội đã lãnh nhận sứ mệnh rao truyền và thiết lập Nước Chúa Kitô và Nước Thiên Chúa trong mọi dân tộc; Giáo Hội là mầm mống và khai nguyên Nước ấy trên trần gian. Ðang lúc từ từ phát triển, Giáo Hội vẫn khát mong Nước ấy hoàn tất và thiết tha hy vọng, mong ước kết hợp với Vua mình trong vinh quang. 5*
6. Hình ảnh diễn tả Giáo Hội. Trong Cựu Ước, việc mạc khải Nước Thiên Chúa thường được trình bày bằng hình bóng; cũng thế, ngày nay bản tính thâm sâu của Giáo Hội được diễn tả bằng nhiều hình ảnh lấy từ đời sống du mục, canh nông, kiến trúc, hoặc gia đình và hôn lễ. Sách các tiên tri đã phác họa những hình ảnh đó.
Thực thế, Giáo Hội là chuồng chiên mà Chúa Kitô là cửa vào duy nhất và cần thiết (x. Gio 10,1-10). Giáo Hội cũng là đàn chiên mà chính Thiên Chúa đã tiên báo Ngài là mục tử (x. Is 40,11; Ez 34,11 tt). Tuy được các mục tử phàm nhân chăn dắt, những chiên ấy luôn được chính Chúa Kitô, Mục Tử nhân lành và Thủ Lãnh các mục tử, dẫn dắt và nuôi dưỡng (x. Gio 10,11; 1P 5,4). Người đã hiến mạng sống mình vì đàn chiên (x. Gio 10,11-15).
Giáo Hội cũng là thửa ruộng hay cánh đồng Thiên Chúa (x. 1Cor 3,9). Trong cánh đồng ấy, mọc lên cây dầu cổ thụ mà các Tổ Phụ là gốc rễ thánh. Nơi cây cổ thụ này, sự hòa giải giữa dân Israel và các dân ngoại đã được và sẽ được thực hiện (x. Rm 11,13-26). Người trồng nho thiên quốc vun trồng Giáo Hội như một cây nho được tuyển chọn (x. Mt 21,33-43 song song; x. Is 5,1 tt). Chúa Kitô là cây nho đích thực. Người ban sức sống và hoa trái cho các nhánh là chúng ta. Nhờ Giáo Hội, chúng ta ở trong Người; và không có Người, chúng ta không thể làm gì được (x. Gio 15,1-5).
Giáo Hội cũng thường được gọi là tòa nhà của Thiên Chúa (x. 1Cor 3,9). Chúa Kitô đã tự ví Người như viên đá mà các thợ xây loại bỏ, nhưng đã trở thành viên đá góc (x. Mt 21,42 song song; CvTđ 4,11; 1P 2,7; Tv 117,22). Trên nền móng này, các Tông Ðồ đã xây dựng Giáo Hội (x. 1Cor 3,11), và Giáo Hội được bền vững, liên kết nhờ nền móng đó. Tòa nhà này còn được gọi bằng nhiều tên khác: Nhà Thiên Chúa (x. 1Tm 3,15), nơi gia đình Ngài cư ngụ. Nhà Thiên Chúa trong Chúa Thánh Thần (x. Eph 2,19-22), "Lều Tạm của Thiên Chúa giữa loài người" (Kh 21,3), và nhất là Ðền Thánh, tiêu biểu bằng các cung thánh bằng đá, đã từng được các Thánh Giáo Phụ ca tụng, và được Phụng Vụ sánh ví rất chính xác với Thành thánh, thành Giêrusalem mới 5. Thực vậy, trong Giáo Hội tại thế, chúng ta là những viên đá sống động dùng vào việc xây cất (x. 1P 2,5). Thánh Gioan đã chiêm ngưỡng Thành thánh ấy từ trời nơi Thiên Chúa mà xuống trong ngày cải tạo vũ trụ, "sẵn sàng như hiên thê trang điểm để đón tân lang mình" (Kh 21,1tt).
Giáo Hội còn được gọi là "thành Giêrusalem trên trời" là "mẹ chúng ta" (Gal 4,26; x. Kh 12,17), được mô tả như hiền thê tinh tuyền của Con Chiên không tì ố (x. Kh 19,7; 21,2 và 9; 22,17) được Chúa Kitô yêu mến "và hiến thân để thánh hóa" (Eph 5,25-26), được Người kết hợp bằng một giao ước bất khả phân ly, được "nuôi dưỡng và săn sóc" không ngừng (Eph 5,29). Sau khi thanh tẩy hiền thê, Chúa Kitô muốn hiền thê ấy kết hợp và vâng phục mình trong tình yêu và trung tín (x. Eph 5,24). Sau cùng, Người vĩnh viễn ban cho dư tràn ơn thiêng trên trời để chúng ta hiểu thế nào là tình yêu Thiên Chúa và Chúa Kitô đối với chúng ta, tình yêu ấy vượt trên mọi hiểu biết (x. Eph 3,19). Bao lâu còn là lữ hành trên dương thế xa cách Chúa (x. 2Cor 5,6), Giáo Hội nhận mình bị lưu đày, nên luôn tìm kiếm và nếm hương vị trên trời, nơi Chúa Kitô ngự bên hữu Thiên Chúa; nơi tiềm ẩn sự sống của Giáo Hội cùng Chúa Kitô trong Thiên Chúa, cho đến ngày xuất hiện với Phu Quân mình trong vinh quang (x. Col 3,1-4). 6*
7. Giáo Hội, thân thể Ðức Kitô. Khi Con Thiên Chúa chiến thắng sự chết bă�ng cái chết và phục sinh, trong nhân tính mà Người kết hợp, Người đã cứu chuộc và biến con người thành một tạo vật mới (x. Gal 6,15; 2Cor 5,17). Thực vậy, Người tạo lập cách mầu nhiệm các em Người, tụ họp từ muôn nước thành thân thê� Người, bằng cách thông truyền Thánh Thần cho họ.
Trong thân thể ấy, sự sống Chúa Kitô tràn lan trên các tín hữu. Nhờ các bí tích, các tín hữu được kết hợp thực sự và cách mầu nhiệm với Chúa Kitô đau khổ và vinh hiển 6. Quả thực, nhờ phép thánh tẩy chúng được nên giống Chúa Kitô: "Vì tất cả chúng ta được tẩy rửa trong một Chúa Thánh Thần để nên một thân thể" (1Cor 12,13). Nghi thức thánh thiện ấy diễn tả và thực hiện sự hiệp nhất với cái chết và sự phục sinh của Chúa Kitô: "Nhờ phép thánh tẩy, chúng ta được mai táng cùng Người trong cái chết"; và nếu "chúng ta liên kết với Người trong cuộc tử nạn thế nào thì cũng sẽ được sống lại với Người như vậy" (Rm 6,4-5). Khi bẻ bánh tạ ơn, chúng ta thực sự thông dự vào Thân Thể của Chúa nên chúng ta được nâng lên để hiệp thông với Người và với nhau. "Chúng ta tuy nhiều, nhưng là một tấm bánh, một thân thể, vì hết thảy chúng ta đồng thông hưởng cũng một tấm bánh" (1Cor 10,17). Thế nên tất cả chúng ta trở thành chi thể của Thân Thể ấy (x. 1Cor 12,27), "vì mỗi người là chi thể của nhau" (Rm 12,5).
Thật vậy, tất cả các chi thể tuy nhiều, nhưng chỉ tạo thành một thân thể; cũng thế, các tín hữu hợp thành một thân thể trong Chúa Kitô (x. 1Cor 12,12). Trong việc xây dựng thân thể Chúa Kitô, cần có nhiều chi thể với phận vụ khác nhau. Chỉ có một Chúa Thánh Thần ban những ân sủng khác nhau để làm ích cho Giáo Hội theo sự sung mãn của Ngài và tùy nhu cầu của công việc (x. 1Cor 12,1-11). Trong các ân sủng ấy, ơn ban cho các Tông Ðồ đứng hàng đầu: chính Chúa Thánh Thần đặt dưới quyền các ngài cả những người lãnh nhận những ơn đặc biệt (x. 1Cor 14). Cũng chính Thánh Thần ấy tự mình hợp nhất thân thể bằng thần lực Ngài và bằng sự liên kết tinh thần các chi thể lại với nhau; như thế Ngài làm phát sinh và thúc bách đức ái giữa các tín hữu. Vì thế, nếu một chi thể nào đau đớn thì tất cả các chi thể khác đều bị đau đớn; và nếu một chi thể nào được vinh dự thì tất cả các chi thể khác cùng chung vui (x. 1Cor 12,26).
Chúa Kitô là Ðầu của Thân Thể này. Chính Người là hình ảnh Thiên Chúa vô hình, và trong Người mọi vật được tác thành. Người có trước mọi người và mọi sự được bền vững trong Người. Người là Ðầu của Thân Thể là Giáo Hội. Người là nguyên lý, là anh cả của những kẻ phải chết, hầu nắm quyền thủ lãnh mọi sự (x. Col 1,15-18), Người thống trị mọi vật trên trời dưới đất bằng thần lực lớn lao, và ban dư tràn sự vinh hiển phong phú của Người cho toàn thân thể nhờ sự toàn thiện và hoạt động siêu đẳng của Người (x. Eph 1,18-23) 7.
Mọi chi thể phải nên giống Chúa Kitô cho đến khi Người hình thành trong họ (x. Gal 4,19). Vì thế, chúng ta được kết nạp vào mầu nhiệm sự sống của Người, trở nên giống Người, cùng chết và sống lại với Người, cho đến khi cùng cai trị với Người (x. Ph 3,21; 2Tm 2,11; Eph 2,6; Col 2,12; v.v�). Ðang khi còn là lữ hành trên mặt đất, bước theo vết chân Người trong đau thương và bách hại, chúng ta cùng thông hiệp với những đau khổ của Người như thân thể kết hợp với đầu, hiệp với sự thương khó của Người để được cùng Người vinh hiển (x. Rm 8,17).
Trong Người, "toàn thân tìm được lương thực và sự liên kết nhờ các mối dây ràng buộc cấu kết với nhau, để lớn lên trong Thiên Chúa" (Col 2,19). Trong thân thể Người là Giáo Hội, Người luôn ban ơn huệ là các chức vụ, nhờ đó, với thần lực Người, chúng ta giúp nhau cứu rỗi, hầu khi thực hiện chân lý trong bác ái, chúng ta lớn lên về mọi phương diện trong Người, là Ðầu của chúng ta (x. Eph 4,11-16, bản Hy lạp).
Ðể chúng ta không ngừng canh tân trong Người (x. Eph 4,23), Người đã cho thông dự vào Thánh Thần Người, cũng một Ðấng duy nhất hiện hữu trên Ðầu cũng như trong các chi thể, làm sống động, liên kết và thúc giục toàn thân, đến nỗi các thánh Giáo Phụ đã ví nhiệm vụ của Chúa Thánh Thần với công việc mà nguyên lý sự sống, tức là linh hồn, hoàn thành trong thân xác 8.
Chúa Kitô yêu thương Giáo Hội như hiền thê Người, Người trở thành gương mẫu của người chồng yêu vợ mình như yêu chính bản thân (x. Eph 5,25-28); phần Giáo Hội thì tùng phục Ðầu (n.v.t, 23-24); "Vì tất cả sự sung mãn về bản tính Thiên Chúa ở trong Người cách hữu hình" (Col 2,9), nên Người đổ tràn ơn thiêng trên Giáo Hội, là thân thể, là sự sung mãn của Người (x. Eph 1,22-23) để Giáo Hội cố gắng đạt tới sự viên mãn hoàn toàn của Thiên Chúa (x. Eph 3,19). 7*
8. Giáo Hội, thực tại hữu hình và thiêng liêng. 8* Chúa Kitô, Ðấng Trung Gian duy nhất, đã thiết lập Giáo Hội thánh thiện, một cộng đoàn đức tin, cậy và mến, như một toàn bộ cấu trúc hữu hình trên trần gian mà Người không ngừng bảo vệ 9. Qua Giáo Hội, Người đổ tràn chân lý và ân sủng cho mọi người. Giáo Hội là xã hội có tổ chức qui củ, và Nhiệm Thể Chúa Kitô, đoàn thể hữu hình và cộng đoàn thiêng liêng, Giáo Hội tại thế và Giáo Hội dư tràn của cải trên trời không được quan niệm như hai thực thể nhưng chỉ là một thực thể phức tạp, duy nhất, do yếu tố nhân loại và thần linh kết thành 10. Vì thế, nhờ loại suy xác thực, chúng ta có thể ví Giáo Hội với mầu nhiệm Ngôi Lời nhập thể. Thực vậy, nhân tính mà Ngôi Lời mặc lấy phục vụ Người như cơ quan cứu rỗi sống động và kết hợp với Người cách bất khả phân ly; cũng thế, toàn thể cơ cấu xã hội của Giáo Hội phục vụ Thánh Thần Chúa Kitô, Ðấng làm cho Giáo Hội sống động để tăng triển thân thể (x. Eph 4,16) 11.
Ðó là Giáo Hội duy nhất của Chúa Kitô mà trong Kinh Tin Kính chúng ta tuyên xưng là duy nhất, thánh thiện, công giáo và tông truyền 12. Sau khi phục sinh, Ðấng cứu chuộc chúng ta đã trao phó cho Phêrô chăn dắt Giáo Hội đó (Gio 21,17); Người phó thác cho Phêrô cũng như cho các Tông Ðồ khác truyền bá, cai quản (x. Mt 28,18tt), và thiết lập Giáo Hội nên "rường cột và nền tảng chân lý" đến muôn đời (x. 1Tm 3,15). Như một xã hội được thiết lập qui củ trên trần gian, Giáo Hội ấy tồn tại trong Giáo Hội Công Giáo, do Ðấng kế vị Phêrô và các giám mục hiệp thông với Ngài điều khiển 13, và mặc dù bên ngoài cơ cấu của Giáo Hội còn có nhiều yếu tố thánh hóa và chân lý, nhưng những yếu tố ấy là những ơn riêng của Giáo Hội Chúa Kitô, thúc bách đến sự hiệp nhất công giáo.
Như Chúa Kitô đã hoàn tất công trình cứu chuộc trong khó nghèo và bách hại, Giáo Hội cũng được mời gọi đi cùng đường lối ấy hầu thông ban ơn cứu rỗi cho loài người. Chúa Giêsu Kitô "vốn có hình thể Thiên Chúa... tự hủy mình, tự nhận thân phận tôi tớ" (Ph 2,6-7), và "vốn giàu có, Người đã hóa ra nghèo hèn" vì chúng ta (2Cor 8,9): cũng thế, tuy cần đến những phương tiện nhân loại để chu toàn sứ mệnh mình, Giáo Hội được thiết lập không phải để tìm kiếm vinh quang trần thế, nhưng để truyền bá khiêm nhường và từ bỏ, bằng gương lành của chính mình. Chúa Kitô được Chúa Cha phái đến "rao truyền Phúc Âm cho kẻ bần cùng... cứu chữa các tâm hồn đau khổ" (Lc 4,18), "tìm kiếm và cứu vớt những gì đã hư mất" (Lc 19,10). Cũng thế, Giáo Hội trìu mến và ấp ủ tất cả những ai đau khổ vì sự yếu hèn của con người, nhất là nhận biết nơi những kẻ nghèo khó và đau khổ hình ảnh Ðấng Sáng Lập khó nghèo và khổ đau, ra sức giảm bớt nỗi cơ cực của họ và nhằm phụng sự Chúa Kitô trong họ. Nhưng Chúa Kitô "thánh thiện, vô tội, tinh tuyền" (Dth 7,26), không hề phạm tội (x. 2Cor 5,21), chỉ đến để đền tội lỗi dân chúng (x. Dth 2,17), còn Giáo Hội, vì ôm ấp những kẻ có tội trong lòng, nên vừa thánh thiện vừa phải luôn thanh tẩy mình. Do đó, Giáo Hội luôn thực hiện việc sám hối và canh tân.
"Lữ hành giữa cơn bách hại của thế gian và trong niềm an ủi của Thiên Chúa" 14, Giáo Hội rao truyền cái chết và thánh giá Chúa, cho đến khi Người trở lại (x. 1Cor 11,26). Giáo Hội vững mạnh nhờ thần lực của Chúa phục sinh, để toàn thắng các khó khăn và sầu muộn từ bên trong cũng như bên ngoài bằng yêu thương và kiên trì, và trung thành mạc khải cho thế gian mầu nhiệm của Chúa còn giấu trong bóng tối, cho đến khi được phô bày dưới ánh sáng vẹn toàn trong ngày sau hết.
Chú Thích:
1* Hai chương đầu của Hiến chế tín lý về Giáo Hội nhằm trình bày mầu nhiệm Giáo Hội trong ý định cứu rỗi của Thiên Chúa như Thánh Kinh đã mạc khải, trước khi phân tích cơ cấu phẩm trật (ch. III) và tác động siêu nhiên.
Sau khi đã xác định Giáo Hội khai sinh từ Mầu Nhiệm Ba Ngôi, chương I của Hiến Chế tìm hiểu những danh xưng và những hình ảnh khác nhau mà Thánh Kinh xử dụng để chỉ Giáo Hội, đặc biệt nhấn mạnh tới danh xưng của Thánh Phaolô gọi Giáo Hội là "Thân Thể Chúa Kitô" (các số 5-7), nhưng không tuyệt đối theo cách gọi đó. Sau cùng, chương I còn cắt nghĩa thực tại Giáo Hội trong tình trạng cụ thể (số 8). (Trở lại đầu trang)
2* Số 1: Nhập đề
Ðây là phần nhập đề tổng quát, nói lên chiều hướng riêng biệt của Hiến Chế. Công Ðồng quả quyết sứ mệnh cứu rỗi phổ quát của Giáo Hội đã được Chúa Kitô trao phó, qua ý niệm bí tích phổ quát của ơn cứu rỗi. Ở đây, sự cứu rỗi được quan niệm dưới hình thức hợp thông với Ba Ngôi. (Trở lại đầu trang)
3* Các số 2-4: Giáo Hội từ Mầu Nhiệm Chúa Ba Ngôi.
Các số này có sự thống nhất khá chặt chẽ về đề mục và cơ cấu, nói lên hoạt động của Ba Ngôi trong đời sống Giáo Hội. Giáo Hội khai sinh từ ý định tự do của Chúa Cha hằng hữu (số 2), ý định đó được thực hiện qua sứ mệnh của Chúa Con (số 3), và được bổ túc nhờ sự thánh hóa mà Chúa Thánh Thần đem đến (số 4). Như vậy chúng ta thấy rõ Giáo Lý Công Giáo về Giáo Hội được xây dựng trên tín điều căn bản của Kitô giáo. Công Ðồng nói theo kiểu nói của Thánh Kinh chứ không theo kiểu nói thần học. Và không muốn giải quyết vấn đề: phải hiểu những hoạt động của Ba Ngôi như thế nào. Câu sau cùng của số 4 bao gồm chủ đích và nội dung của số đó. (Trở lại đầu trang)
1 Xem T. Cyprianô, Epist. 64,4: PL 3,1017; CSEL (Hartel), III B, trg 720. T. Hilariô Pict., In Mt. 23,6: PL 9,1047. T. Augustinô, nhiều chỗ khác. T. Cyrillô Alex. Glaph. in Gen. 2, 10: PG 69, 110A. (Trở lại đầu trang)
2 T. Gregoriô Cả. Hom. in Evang. 19,1: PL 76,1154 B. Xem T. Augustinô, Serm. 341, 9,11: PL 39,1499t. T. Gio. Damascenô, Adv. Iconoct. 11: PG 96,1357. (Trở lại đầu trang)
3 Xem T. Ireneô, Adv. Haer. III, 24, 1: PG 7, 966 B; Harvey 2, 131; x. b. Sagnard, Sources Chr., trg 398. (Trở lại đầu trang)
4 T. Cyprianô, De Orat. Dom. 23 : PL 4, 553: Hartel, III A, trg 285. T. Augustinô, Serm. 71, 20, 33: PL 38, 463t. T. Gioan Damascenô, Adv. Iconocl. 12: PG 96, 1358 D. (Trở lại đầu trang)
4* Các số 5-7: Giáo Hội trong lịch sử cứu rỗi.
Các số này trình bày sự hiện diện và hoạt động siêu nhiên của Thiên Chúa qua Giáo Hội trong công cuộc cứu độ. Công Ðồng muốn giải thích ý định cứu rỗi của Ba Ngôi thực hiện qua Giáo Hội (các số 2-4) tiến triển như thế nào trong lịch sử cứu rỗi. Việc đó phải nhờ vào sự phân tích tỉ mỉ những cách diễn tả của mạc khải Thánh Kinh. Như thế trong số 5, Công Ðồng nói về Giáo Hội như một Nước Thiên Chúa ở trần gian; số 6 trình bày những hình ảnh và những hình bóng khác nhau mà Thánh Kinh xử dụng để mô tả Giáo Hội như là việc của Thiên Chúa; và sau cùng, trong số 7, Công Ðồng giải thích sâu xa hơn về Giáo Hội là Thân Thể Chúa Kitô, theo sát với giáo lý của Thánh Phaolô. (Trở lại đầu trang)
5* Số 5: Giáo Hội là Nước Chúa.
Nước phải hiểu theo nghĩa Thánh Kinh chứ không chỉ nguyên nghĩa xã hội, tức là phải hiểu như là một hành động cai trị (chính sự thống trị) hơn là sự nới rộng đất đai (hiệu quả của hành động thống trị). Trong viễn tượng ấy, Công Ðồng quả quyết có hai sự kiện tạo nên Giáo Hội, tức là Nước Thiên Chúa: hoạt động của Chúa Kitô trước Phục Sinh trong đó Nước Thiên Chúa (theo ý nghĩa đã giải thích) đã được biểu lộ, và việc Chúa thiết lập qua Mầu Nhiệm Phục Sinh. Như thế, ngay cả những yếu tố giúp Nước Thiên Chúa thực hiện cũng đã được phác họa:
a/ Yếu tố siêu nhiên: Là những hồng ân mà Vị Sáng Lập Giáo Hội ban cho (tổng kết: là ơn trọng đại của Chúa Thánh Thần);
b/ Yếu tố luân lý: Chấp nhận những đòi hỏi tinh thần về việc Chúa thống trị trên con người, một cách tự do và toàn vẹn;
c/ Yếu tố thừa sai: Giáo Hội lãnh nhận từ Ðấng Sáng Lập sứ mệnh loan báo và tạo lập sự thống trị này của Thiên Chúa trên mọi người;
d/ Yếu tố cánh chung: Việc thống trị ấy còn bất toàn trên trần gian, bởi vậy khuynh hướng cánh chung của toàn thể Giáo Hội hướng tới một Nước hoàn hảo phải được thực hiện trong thời sau hết (x. số 48c). (Trở lại đầu trang)
5 Xem Origenê, In Mat 16,21: PG 13, 1443 C. Tertullianô, Adv. Marc. 3,7: PL 2, 357 C; CSEL 47,3 trg 380. Về tài liệu phụng vụ, xem Sacramentarium Gregorianum: PL 78,160 B. Hoặc C. Mohlberg, Liber Sacramentorum Romanae Ecclesiae, Roma, 1960, trg 111, XC: "Thiên Chúa không bị ràng buộc đã ban cho ngươi nơi cư ngụ vĩnh cửu của các thánh...". Ca ngợi Urbs Jerusalem beata trong sách kinh nhật tụng đan viện, và Coelestis urbs Jerusalem trong sách kinh nhật tụng Roma. (Trở lại đầu trang)
6* Số 6: Những hình ảnh về Giáo Hội theo Thánh Kinh.
Sau đây là những khẳng định của Công Ðồng:
a/ Những hình ảnh và hình bóng ấy là mạc khải thực về Giáo Hội nhờ đó chúng ta hiểu rõ hơn bản tính sâu xa của Giáo Hội. Hơn nữa chúng ta còn bầy tỏ sự thống nhất và tiến triển của một mạc khải được chuẩn bị trong Cựu Ước và được hoàn tất trong Tân Ước.
b/ Giáo thuyết đại cương trong số 5b được giải thích rõ rệt hơn theo tiến trình tiệm tiến và năng động. Những hình ảnh về đời sống du mục bày tỏ sự khởi xướng của Thiên Chúa trong Giáo Hội, luôn tiến triển để đạt tới kết quả sau cùng, những hình ảnh về xây cất chứng tỏ sự kiên cố, và những hình ảnh gia đình nói lên sự kết hợp thân mật giữa Chúa Kitô và Giáo Hội. (Trở lại đầu trang)
6 Xem T. Tôma, Summa Theol. III, q. 62, a.5, ad 1. (Trở lại đầu trang)
7 Xem Piô XII: Tđ. Mystici Corporis, 29-6-1943: AAS 35 (1943), trg 208. (Trở lại đầu trang)
8 Xem Leô XIII, Tđ. Divinum illud, 9-5-1897: AAS 29 (1896-97), trg 650. Piô XII Tđ. Mystici Corporis, n.v.t., trg 219-220; Dz 2288 (3808). T. Augustinô, Serm. 268, 2: PL 38, 1232, và nơi khác. T. Gioan Kim Khẩu, In Eph. bài giảng 9, 3: PG 62. 72. Didymô Alex., Trin, 2, 1: PG 39, 449t. T. Tôma, In Col. 1, 18, lect. 5: x.b. Marietti, II, số 46: Thân thể được tạo thành nên một do sự thống nhất của linh hồn, cũng thế Giáo Hội được tạo thành nên một do sự thống nhất của Thánh Thần..." (Trở lại đầu trang)
7* Số 7: Giáo Hội là thân thể Chúa Kitô.
Người ta có thể nhận thấy rằng, để khai triển ý niệm này, những bản văn của Phaolô đã được lập lại một cách phong phú, chứ không chỉ được sắp xếp theo thứ tự. Những nhà soạn thảo lưu tâm đến việc trưng dẫn cho "hòa hợp" hơn là đến việc khai triển cho hợp lý. Bởi vậy người ta đã đi theo tiến trình lịch sử của tư tưởng Phaolô: các đoạn a-c trích những thư lớn nhiều hơn; các đoạn khác trích các thư thời lưu đày. Nhưng cũng nên lưu ý Công Ðồng không muốn trực tiếp gọi Giáo Hội là "nhiệm thể", nhưng quả quyết rằng Chúa Kitô phục sinh đã tạo cho các anh em mình thành thân thể riêng mình, theo một cách thức bí nhiệm. Có hai lý do:
a) Thánh Phaolô không bao giờ nói về nhiệm thể. Ngài chỉ quả quyết là các tín hữu trở nên cùng một thân, một người, một thân thể của Chúa Kitô.
b) Ý kiến Thần học bất đồng về vấn đề này.
Ðây là tư tưởng chính yếu hướng dẫn tất cả tiến trình: ơn cứu rỗi biến cải con người thành một tạo vật mới. Chính Chúa Kitô là tạo vật mới ấy trong thân xác vinh hiển của Người, trong đó Người triệu tập và nối kết mọi anh em nhờ sức mạnh của Thần Khí Người (7a).
Ý tưởng ấy được khai triển trong hai chủ đề:
a) Chủ đề "thân xác": (7b-c): nhấn mạnh tới hai đặc điểm:
- Một cộng đoàn sinh hoạt thiêng liêng được bí tích nuôi dưỡng (7b).
- Sự khác biệt giữa các chi thể nhưng cùng "hiệp sức" trong sinh hoạt nhờ cùng một Thánh Thần khích động, vì lợi ích toàn thể (7c).
b) Chủ đề "Ðầu" (7d-g). Ðiều khẳng định chính yếu là sự trổi vượt của Chúa Kitô, Ðấng tạo thành và cứu chuộc, theo như đoạn đầu của các thư gửi tín hữu Ephêsô và Colosê, sự trổi vượt được Người trang bị cho toàn thân (7d).
Chúa Kitô là Nguyên Lý, là Thủ Lãnh Giáo Hội được trình bày dưới ba khía cạnh:
- sự hòa hợp các chi thể với Ðầu nhờ tham dự cuộc tử nạn và phục sinh của Người (7c).
- sự tăng triển của toàn thân hướng về Chúa Kitô là Ðầu: như vậy Chúa Kitô là Nguyên Lý hợp nhất và tăng triển có cơ cấu và có hòa hợp (7f).
- sự tăng triển này là công trình của Thánh Thần Chúa Kitô, luôn làm sống động, nối kết và hướng dẫn Giáo Hội (7g).
Vài hàng kết luận nói lên chủ đề Giáo Hội là một Hiền thê (7h). (Trở lại đầu trang)
8* Số 8: Bản tính nhân thần của Giáo Hội.
Trong Giáo Hội, phải phân biệt - nhưng không được phân tán - hai khía cạnh, có thể so sánh với hai bản tính của Ngôi Lời nhập thể: một khía cạnh nhân loại và một khía cạnh thần linh. Giáo Hội như một mầu nhiệm thực sự xuất hiện trên trái đất dưới hình thức cụ thể và hiển nhiên, và Giáo Hội vẫn hiện diện, nếu không chúng ta không thể nói tới mầu nhiệm (Giáo Hội là bí tích cứu rỗi, là dấu hiệu hữu hình của ơn cứu rỗi vô hình và là dụng cụ của quyền năng Thiên Chúa, xem số 1). Mầu nhiệm là chương trình cứu rỗi được Chúa mạc khải ở trần gian này dưới những tấm màn trong suốt (8a).
Vậy Giáo Hội được Thiên Chúa triệu tập và qui tụ, phù hợp với Chúa Kitô, là thân thể của Chúa Kitô và được Chúa Thánh Thần làm cho hoạt động. Tuy nhiên Giáo Hội vẫn là nơi qui tụ mọi người với tất cả những yếu tố mà nơi qui tụ đó bao gồm, không những về tổ chức, cơ cấu, thế lực xã hội, mà cả những yếu đuối và tội lỗi. Thực tế phức tạp của Giáo Hội là như thế, nhưng cũng đừng nên tách biệt hay đối kháng mà phải nhìn với con mắt đức tin như một công trình của lòng nhân hậu Chúa muốn xử dụng mọi yếu tố nhân loại, không khinh chê sự yếu hèn của nó. Sự thống nhất có tính cách nền tảng của Giáo Hội sống động được xác quyết qua ba cách thức khác nhau: không thể có sự đoạn giao giữa từng hai ý niệm đi với nhau:
"Xã hội phẩm trật - Nhiệm thể Chúa Kitô";
"Công hội hữu hình - Cộng đoàn thiêng liêng";
"Giáo Hội trần gian - Giáo Hội tô điểm bằng hồng ân thiên quốc".
Chúng ta đứng trước một thực tại phức tạp không chia cắt, nhưng lại bao gồm một yếu tố nhân loại và một yếu tố thần linh. Trong thực tại phức tạp này, Giáo Hội là dấu hiện có Chúa Thánh Thần hiện diện và chính Ngài sẽ hoàn tất trong Giáo Hội và nhờ Giáo Hội ơn cứu độ của những người được tuyển chọn.
Sự kiện vừa là dấu hiệu vừa là lý do sinh ra ơn thánh cấu tạo nên chính yếu tính của bí tích hay mầu nhiệm: dấu hiệu hữu hình của thần lực vô hình (8b).
Giáo Hội thánh thiện thật, nhưng một trật cũng luôn đòi được thanh tẩy; tội lỗi tồn tại trong Giáo Hội, nhưng Giáo Hội lại được Chúa Thánh Thần thánh hóa sâu xa. Do hai đặc tính này mà công cuộc cứu độ luôn được thực hiện dưới dấu chỉ khó nghèo và bách hại: đó chính là con đường mà Giáo Hội phải dấn thân để theo gương Chúa Giêsu; đường riêng của Chúa luôn là đường Thánh Giá. Giáo Hội là Giáo Hội của tội nhân nên luôn luôn cần được thanh tẩy. Nhưng nếu từ đó mà vội kết luận rằng Giáo Hội như thế không còn thánh thiện là kết luận sai, bởi vì như vậy là chỉ nhìn toàn bộ con số những chi thể chứ không nhìn đến một cái gì khác trong Giáo Hội. Giáo Hội là một xã hội do Chúa Kitô thiết lập và được Chúa Thánh Thần làm cho sống động chỉ với mục đích tranh đấu và chiến thắng tội lỗi. Ðó chính là lý do và là cách thức thánh thiện tinh tuyền của Giáo Hội: Chắc hẳn không phải nơi chi thể hay thủ lãnh, nhưng là trong chính yếu tính. Giáo Hội là Hiền thê không tì ố, không bụi nhơ, nhưng chỉ hiện hữu nơi trần gian này trong tình trạng chuẩn bị (8c).
Giáo Hội sẽ toàn thắng trên chặng đường nguy khó này, nhưng chỉ có thể nhờ sự bác ái và nhẫn nại của Thánh Thần mới có thể lướt thắng được những trở ngại dồn dập. Những yếu đuối, những khó khăn, những thiếu sót của Giáo Hội, của một xã hội trần gian, không phải là những ảo tưởng, nhưng chúng có thực. Cuộc chiến thắng của Giáo Hội Chúa trên tất cả những nghịch cảnh này cũng không phải là giả tưởng, nhưng là cuộc chiến thắng thực sự cho người có lòng tin. Như vậy, Giáo Hội thực sự mạc khải mầu nhiệm Chúa Kitô dù vẫn còn mây đen mờ tối cho tới khi có ánh sáng huy hoàng chiếu soi (8d). (Trở lại đầu trang)
9 Leô XIII, Tđ. Sapientiae christianae. 10-1-1890: AAS 22 (1889-90), trg 392. n.t., Tđ. Satis cognitum 29-6-1896: AAS 28 (1895-96), trg 710 và 724 tt. Piô XII, Tđ. Mystici Corporis, n.v.t., trg 199-200. (Trở lại đầu trang)
10 Xem Piô XII Tđ. Mystici Corporis, n.v.t., trg 221 tt. n.t., Tđ. Humani generis, 12-8-1950: AAS 42 (1950), trg 571. (Trở lại đầu trang)
11 Leô XIII, Tđ. Satis Cognitum, n.v.t., trg 713. (Trở lại đầu trang)
12 Xem Symbolum Apostolicum: Dz. 6-9 (10-13). Symb. Ni.-Const. : Dz. 86 (150). So sánh với Prof. fidei Trid. : Dz. 994 và 999 (1862 và 1868). (Trở lại đầu trang)
13 Ðọc "Giáo Hội Rôma thánh thiện (công giáo và tông truyền)": trong Prof. fidei Trid., n.v.t., và CÐ Vat I, Hiến chế tín lý về đức tin công giáo, Dei Filius : Dz. 1782 (3001). (Trở lại đầu trang)
14 T. Augustinô, De Civ. Dei, XVIII, 51, 2 : PL 41, 614. (Trở lại đầu trang)