Công Ðồng Vaticanô II

Một Hành Ðộng Của Lòng Tin

 

Prepared for Internet by Vietnamese Missionaries in Asia

 

Công Ðồng : một biến cố

Công Ðồng Va-ti-ca-nô II đã bế mạc được bốn mươi năm (1965-2005) Những biến động sâu xa Công Ðồng gây ra trên mọi địa hạt vẫn còn vang âm trong Hội thánh. Dù muốn dù không, ai cũng phải công nhận Công Ðồng là một biến cố đặc biệt trong sinh hoat của Hội thánh, là dấu chỉ chứng tỏ bàn tay can thiệp của Chúa Thánh Thần, và là hành động không thể chối cãi của lòng tin.

Thật vậy, khi nghe Ðức Giáo hoàng Gio-an XXIII loan báo Công Ðồng sẽ được nhóm họp, rất ít người tin rằng điều ấy có thể xẩy ra. Nhưng với lòng tin không lay chuyển, Ðức Gio-an XXIII đã làm được điều đó.

Hoạt động của Chúa Thánh Thần

Sự hiện diện cũng như sức mạnh của Chúa Thánh Thần trong Hội thánh là điều chắc chắn, vì chính Chúa Giêsu, trước khi về Trời đã hứa với các môn đệ: "Khi nào Thần Khí sự thật đến, Người sẽ dẫn anh em tới sự thật toàn vẹn". (Ga. 16,13). Sự ra đi của Người là điều tất yếu để các môn đệ và Hội thánh, đạt tới mức trưởng thành, một khi đức tin được tinh luyện, qua mọi gian lao thử thách và những cám dỗ của sự đời.

Cũng như những đoàn thể xã hội khác, Hội thánh sống trong trần gian đã trải qua những giai đoạn hình thành, tăng triển, ngưng đọng rồi tiến hóa theo một diễn biến được qui định bởi những luật tất nhiên của xã hội như lên, xuống, mạnh, yếu, hay, dở v.v... Nhưng có điều khác là qua mọi biến thiên đó, Hội thánh có thể bị suy giảm hay được tăng tiến, mà không bao giờ bị triệt tiêu, như Lịch sử đã chứng minh và chứng kiến bao sự tan vỡ và sụp đỗ của những quốc gia uy hùng, hay những nền văn minh rực rỡ, đi từ những đế quốc cường thịnh tới những nền học thuật tinh vi như đế quốc Ba tư, La mã hay văn minh Ai cập, Hy la v.v... Hội thánh đã đứng vững và còn trường tồn cho tới ngày nay, tuy trải qua nhiều cơn sóng gió do thời cuộc đảo điên gây nên như những cơn bách hại, hay do những biến động nội tại như sự bất đồng ý kiến về các tín điều hay sự bất tòng quyền Tòa Thánh của những nhà cải cách tôn giáo muốn ly khai với Hội thánh Rô-ma.

Một sự kiện ý nghĩa

Ðó phải chăng là một sự kiện lịch sử chứa đầy ý nghĩa và một hiện tượng sáng ngời chứng tỏ tính cách tại thế và siêu thế của Hội thánh. Vì tại thế, Hội thánh đã không tránh được những khủng hoảng, tranh chấp và chịu luật đào thải tự nhiên của thời gian (mòn mỏi, chán nản, đổi thay). Vì siêu thế, Hội thánh đã kịp thời đương đầu nổi với mọi thử thách và tàn phá, bất kỳ bởi đâu tới, để xuất hiện như một cộng đồng rộng lớn, luôn luôn biết thích nghi và đổi mới tùy theo giai đoạn lịch sử và nhu cầu thời đại. Sức trường tồn của Hội thánh quả là một điều đáng ngạc nhiên. Sức trường tồn đó là do Chúa Thánh Thần tiếp vận, vì Người là nguồn sống bất tận của Hội thánh, như Chúa Giê-su nói: "Người sẽ nói lại và loan báo cho anh em biết những điều sẽ xảy đến.". (Ga. 16,13) Hội thánh có thể làm cho mình tươi trẻ lại nhờ các Công Ðồng. Vậy Công Ðồng Va-ti-ca-nô II là một hành động của đức tin theo nghĩa nào?

Thiên Chúa Ba Ngôi : nguyên lý làm cho Hội thánh tươi trẻ lại

Trong hiến chế Lumen Gentium, chương 1 có bàn về mầu nhiệm Hội thánh. Mầu nhiệm này bắt nguồn từ đời sống Ba Ngôi Thiên Chúa. Ngay từ đời đời, Thiên Chúa đã có ý định cho con người được tham dự vào đời sống thần linh của Người và do đấy được hưởng hạnh phúc không cùng: "Người đã định nâng con người lên, cho hiệp thông với đời sống thần linh của Người" (Lumen Gentium số 2).

Vì thế, mầu nhiệm về Hội thánh được tiềm ẩn nơi Thiên Chúa từ đời đời. Nơi Thiên Chúa, thời gian triển diễn không cùng, nên không chia thành quá khứ, tương lai mà chỉ có hiện tại: hiện tại đời đời. Hiện tại đời đời này ở nơi Thiên Chúa là một mùa xuân không cùng vì Thiên Chúa không bao giờ già nua, cằn cỗi. Chính sự trường xuân của Người Chúa là sức mạnh hồi xuân cho Giáo hội: "Thày sẽ cầu xin Chúa Cha và Người sẽ ban cho anh em một Ðấng Bảo Trợ khác đến ở với anh em luôn mãi". (Ga. 14,16)

Lời hứa hiện diện này chính là bảo đảm trường tồn cho Hội thánh

Tuy nhiên, cũng như mọi đoàn thể, cơ cấu, tổ chức trước sau đều đi tới chỗ dần mòn hao hụt, cần được "sửa sai", "xét lại" hay điều chỉnh. Hội thánh đã đi vào con đường đó, để tránh cảnh già nua, tàn tạ. Trong lịch sử Hội thánh, các Công Ðồng đã làm công việc hồi xuân này, cùng với sức hộ giúp của Chúa Thánh Thần, kể từ Công Ðồng Ni-xê, Công-tăng-ti-nốp tới Va-ti-ca-nô ngày nay. Mỗi Công Ðồng phản ánh một thời đại và đáp ứng một nhu cầu. Công Ðồng Tren-tô biểu lộ khuynh hướng tự vệ để "chống lại" phong trào Cải Giáo do Thệ phản khởi xướng và trả lời cho một thiếu sót: giáo sĩ không được huấn luyện đầy đủ, chặt chẽ.

Công Ðồng Va-ti-ca-nô II cũng không đi ngoài con đường chung của các Công Ðồng trước là phản ánh thời đại và đáp ứng nhu cầu. Thời đại ta là thời đại kỹ thuật cơ khí, giàu sang chen lẫn với nghèo khổ, mọi việc đều diễn ra theo tốc độ và óc đấu tranh. Con người ngày nay quá ham mới, chuộng lạ, thích tiến mau đi lẹ trong mọi địa hạt, nhưng cũng dễ bực bội bất mãn, hay chống lại trật tự cổ truyền, muốn vùng lên thoát khỏi mọi ràng buộc với luật lệ uy quyền. Thành ra tâm lý của người thời nay cũng đa đoan, phức tạp. Việc truyền giáo vấp phải nhiều trở ngại lớn lao. Nhiều người mất ý thức về tội lỗi, tự mãn và quá tin vào quyền lực của con người, hoài nghi sự hiện hữu của Thiên Chúa, phủ nhận siêu nhiên, tìm hưởng thụ cuộc đời một cách vô hạn định, bận tâm với những chuyện cụ thể trong đời thường, khiến cho Hội thánh phải đương đầu với một tình trạng khó khăn chán nản dường như tuyệt vọng, nếu xét theo quan điểm loài người. Nhưng vì tin vào sức hoạt động âm thầm, bền bỉ của Chúa Thánh Thần, Hội thánh đã không nản chí. Mà quả thực, nếu chỉ tin ở mình, chắc chắn nhiều lần Hội thánh đã phải thất vọng.

Vì thế, Hội thánh đã lấy Chúa Thánh Thần làm nguyên lý hồi xuân của mình, dựa vào ý định thành lập của Chúa Giê-su cùng với với lời hứa che chở của Người, qua sự hướng dẫn, đổi mới của các nhà lãnh đạo trong Giáo hội như Ðức Gio-an XXIII, Phao-lô VI, Gio-an Phao-lô II và các vị như thánh Biển Ðức, thánh Ða Minh, thánh Phan-xi-cô At-xi-di, thánh Ca-ta-ri-na thành Xi-ê-na, thánh I-nhã, thánh An-Phong, thánh Tê-rê-xa Hài Ðồng Giê-su v.v... và các thánh tử đạo, cũng như những sáng kiến cùng sưu tầm khảo cứu của các nhà thần học, chú giải kinh thánh, tu đức, phụng vụ từ trước tới nay và còn tiếp tục mãi.

Làn gió đổi mới của Công đồng Va-ti-ca-nô II

Khi triệu tập Công đồng, Ðức Cố Giáo Hoàng XXIII đã mong ước được nhìn thấy những kết quả bất ngờ của một mùa xuân mới trong Hội thánh. Lòng ước mong của ngài đã được đáp lại bằng những thành quả, đúc kết trong các hiến chế, sắc lệnh, tuyên ngôn của Công Ðồng về rất nhiều vấn đề liên quan đến sinh hoạt của Hội thánh cùng mối tương giao với thế giới hiện đại mà tiêu biểu là hiến chế về Giáo hội (Lumen Gentium), Giáo hội trong thế giới ngày nay (Gaudium Spes), vấn đề tự do tôn giáo (Dignitatis humanae), Phụng vụ (Sacrosanctum Concilium). Một tinh thần mới đã nổi lên soi sáng tâm trí các vị lãnh đạo cao cấp trong Hội thánh và ảnh hưởng đến cách thế cảm nghĩ của giáo dân cũng như giáo sĩ. Ðó là tinh thần cởi mở, thông cảm, đối thoại, đón nhận, hòa đồng. Hội thánh đã không ngại mở cửa nhìn ra thế giới và để cho thế giới nhìn vào. Những cuộc công du của Ðức Phaolô VI sang Jérusalem, Bombay, Nữu ước, Fatima và những quan sát viên ngoài công giáo được mời tham dự Công đồng và nhất là những chuyến công du của Ðức cố Giáo Hoàng Gio-an Phao-lô II đi khắp thế giới phải chăng đã chứng tỏ khuynh hướng đi tới và đón nhận của Hội thánh? Tinh thần này đã giải thoát một số lớn người công giáo khỏi mặc cảm, sợ hãi và biến họ đang từ thế tự vệ chuyển sang thế chủ động, sáng kiến, dấn thân vào việc xây dựng xã hội trần gian, chọn đất đứng chung với những người khác trong xã hội, dù họ không phải là công giáo, để nhận cuộc một cách lương thiện. Không thể kể hết ra đây một cách cặn kẽ tất cả những nỗ lực áp dụng tinh thần của Công Ðồng diễn ra khắp nơi trên thế giới. Chỉ biết rằng một cơn chuyển mình vĩ đại đã lay động Hội thánh, dưới sức manh của Chúa Thánh Thần, tuy chưa đồng đều ở khắp nơi.

Trở về nguồn

Có người hốt hoảng khi chứng kiến cơn chuyển mình đó. Tất nhiên thế nào cũng có những người đi ra ngoài ý muốn của Công Ðồng, nhưng không phải vì thế mà ta có quyền hoài nghi công lao của các Nghị Phụ và giá trị của những bản văn Công Ðồng, bằng chứng là bộ mặt của Hội thánh đã đổi mới. Hội thánh đã trở về nguồn để tìm lại khởi hứng sâu xa ban đầu và nhờ đó trung thành với sứ mệnh của mình hơn. Thành ra, đổi mới ở đây không phải đoạn tuyệt với dĩ vãng mà chính là nối liền dĩ vãng đã được xây dựng trên truyền thống tốt đẹp của những thế kỷ đầu: "Công đồng đã suy ngẫm truyền thống và học thuyết của Giáo hội, để rút ra cái mới mà vẫn phù hợp với cái cũ" (Dignitatis humanae I).

Trở về nguồn, trung thành với truyền thống tốt đẹp của những thế kỷ đầu: đó là những ý tưởng chỉ đạo trong việc hồi xuân của Hội thánh.

Bởi vậy, trở về nguồn cũng là trở về với Tin Mừng, với các thánh Giáo Phụ. Tin Mừng đã điều khiển và chi phối đời sống của các tín hữu lúc ban đầu: "Tất cả các tín hữu hợp nhất với nhau và để mọi sự làm của chung" (Cv. 2,44). Các thánh Tông Ðồ là những vị đã sống trọn vẹn tinh thần Tin Mừng đó và truyền lại cho các tín hữu từ đời này qua đời khác, tạo thành một truyền thống. Các thánh Giáo Phụ là những vị được thừa hưởng trực tiếp di sản tinh thần của Chúa Kitô do các thánh Tông Ðồ và các thánh soạn sách Tin Mừng viết ra, rồi tiếp tục truyền lại cho con cháu đến mãi đời ta ngày nay. Tất cả đều đã góp phần để xây nên truyền thống cho Giáo hội.

Nước ở gần nguồn bao giờ cũng trong và mạnh hơn. Bởi vậy, càng gần Tin Mừng: nguồn mạch sự sống bởi Chúa Kitô ban ra, đời sống của Hội thánh càng mạnh và càng được bảo đảm về giá trị đích thực của những điều mình giảng dạy bấy nhiêu: "Ai cũng rõ, trong Kinh thánh, dù là Tân ước, Tin Mừng xứng đáng trổi vượt hơn cả vì đó là lời chứng tối hảo về cuộc đời và Giáo huấn của Ngôi lời nhập thể, Ðấng Cứu chuộc ta" (Dei Verbum số 18).

Thật không lạ gì khi thấy thời buổi này, Hội thánh nhiệt liệt cổ võ việc học hỏi và tôn sùng Lời Chúa (Dei Verbum số 25) cũng như khuyến khích việc nghiên cứu tư tưởng và hành động của các thánh Giáo phụ (tủ sách Sources chrétiennes), vì đó chính là con đường chắc chắn bảo đảm cho sự hồi xuân, nối liền dĩ vãng với hiện tại trong mối liên tục sống động. Sự tiếp nối hiện tại với dĩ vãng phong phú và thánh thiện của Hội thánh trong những thế kỷ đầu khiến cho Hội thánh một đàng vừa trung thành với tinh thần cổ truyền, đàng khác lại mạnh mẽ uyển chuyển trong các thích nghi, đổi mới về hình thức bên ngoài cho hợp với thời đại mình sống, để đáp ứng lại những nhu cầu thúc bách đang chờ đợi mình. Vì thế, trong Sắc lệnh Perfectae caritatis bàn về sự đổi mới và thích nghi đời sống tu trì với thế giới hiện tại, Công đồng đã khuyên các tu sĩ: "Sự đổi mới thích hợp cuộc đời tu trì đòi phải luôn luôn trở về nguồn mạch của mọi đời sống Kitô hữu và khởi hứng nguyên thủy của các dòng tu, đồng thời thích ứng cho hợp với những điều kiện sinh hoạt trong xã hội hiện thời" (Perfectae caritatis, 2).

Ðổi mới

Thực ra, Công Ðồng Va-ti-ca-nô II đã đổi mới Hội thánh. Nhưng, sự đổi mới đó không hệ tại việc bày ra những điều mới cho bằng nói lại những điều cũ một cách mới mẻ. Vấn đề cốt yếu là trình bày nội dung đức tin một cách trung thực, với một bộ áo ngôn ngữ "hợp thời trang". Mối bận tâm này đã làm cho Hội thánh chú ý nhiều hơn đến cách cảm nghĩ của người hiện đại, và cố gắng tìm hiểu họ ngay chính trong những khát vọng, phấn khởi cùng băn khoăn xao xuyến của họ, với niềm cảm thông, gần gũi. Vì vậy, Công Ðồng đã thúc đẩy người công giáo phải hòa mình với người khác: "Muốn làm chứng cho Chúa một cách hữu hiệu, tín hữu phải lấy lòng thương yêu trọng kính kết hiệp với mọi người, coi mình là thành phần trong xã hội, tham dự vào đời sống văn hóa, xã hội, nhờ những cuộc trao đổi và hiệp thương với nhau" (Ad Gentes số 11).

Từ bốn mươi năm qua, Công đồng đã ảnh hưởng vào tâm trí nhiều người, tạo ra một mẫu người mới không quá khích, không bảo thủ nhưng sống theo tinh thần mới mẻ của Công Ðồng, biểu lộ qua lối nhìn và sống trung thành với những đòi hỏi của Ðức tin.

Giáo hội cần những mẫu người này để phổ biến sâu rộng làn gió hồi xuân do Công đồng Vatican II khơi động.

Nhưng, nếu "một con én không làm nên mùa xuân" thì một số người, dù thiết tha với tinh thần Công Ðồng đến mấy cũng không tạo nổi mùa xuân cho Giáo hội, đành rằng Công Ðồng đã khai xuân và Chúa Thánh Thần vẫn luôn luôn làm việc hồi xuân cho Giáo hội. Ta vẫn tin có Chúa Ba Ngôi hằng khai diễn mùa xuân cho Giáo hội mỗi khi cần thiết, nhưng nếu chỉ như vậy thì mùa xuân mới được khai diễn mà chưa có phần hưởng ứng. Quả thực, như thánh Âu-tinh nói: "Chúa đã dựng nên ta mà không cần có ta, nhưng để cứu chuộc ta, Người lại cần ta cộng tác và hưởng ứng".

Kết luận

Vì thế, mọi người đều phải đón nhận và hít thở không khí hồi xuân mà Công đồng Va-ti-ca-nô II đã đem lại cho Hội thánh, bằng cách học tập, tìm hiểu những tài liệu Công Ðồng rồi đem ra áp dụng vào đời sống hằng ngày, ngõ hầu tạo nên những mẫu người tín hữu thích hợp cho thời đại chúng ta. Những điều đã nói, những việc đã làm ở Công Ðồng thiết tưởng chưa quan trọng và tối cần cho bằng những điều phải nói, những việc phải làm, sau thời Công đồng chấm dứt như chúng ta đang sống hiện nay.

Vì nhận thấy tầm quan trọng của thời hậu Công đồng, Ðức Phaolô VI đã ra nhiều chỉ thị, đọc nhiều diễn văn hô hào, thúc đẩy và khuyên cáo mọi người phải coi chừng, áp dụng nghiêm chỉnh giáo huấn của Công Ðồng. Hưởng ứng lời kêu gọi đó, một Hội đồng Thượng đỉnh các Giám Mục đã được triệu tập tại Roma (29-9-1967) bàn về nhiều vấn đề cụ thể liên quan đến đức tin. Ngoài ra, theo sáng kiến riêng của từng nước hay miền, các vị giám mục cũng họp thành Hội Ðồng Giám Mục để lo bàn về những vấn đề mục vụ đặt ra cho địa phương mình. Có thể nói Công Ðồng cũng là một hình thức xuất hiện của Chúa ở thời đại ta hay một lễ Hiện Xuống mới. Vì thế, nói được rằng đón nhận Công đồng cũng là đón nhận Chúa.

"Công Ðồng sẽ là một lễ Hiện xuống mới mong đợi từ lâu, làm cho Giáo hội giàu thêm những sinh lực thiêng liêng mới và chiếu giãi hơn nữa tình mẫu tử và ảnh hưởng lành mạnh của Hội thánh trên mọi địa hạt sinh sống của con người. Công Ðồng sẽ là một bước nhảy vọt của Nước Chúa Ki-tô trong trần gian, một lời tuyên dương mới mẻ, sâu xa mạnh mẽ về tin vui giải thoát, là sự minh xác quyền lợi tối cao của Thiên Chúa Vạn Năng, là tình huynh đệ nhân loại trong bác ái, là hòa bình trên dương thế đoan hứa cho những người được Chúa yêu thương" (A.A.S.LVb. 1963 trang 39-40).

Nhưng, đừng quên hồi xuân là trở về cái khí xuân tươi mát thuở ban đầu của Hội thánh, tìm trong chất rượu cũ men vị ngây ngất làm say sưa lòng người đi tìm chân lý. Do đấy, hồi xuân không phải là chạy theo thị hiếu nhất thời mau qua của thời đại như những thứ thời trang; cũng không phải bày ra những điều mới lạ hấp dẫn, kỳ quặc, lố bịch như những nhãn hiệu quảng cáo giật gân mà chính là đốt cháy lên ngọn lửa mến yêu sốt sắng, biết sáng kiến trong sự trung thành với Chúa Kitô là Sự thật muôn đời mới mẻ, là Lời hằng sống nói ra không cùng của Thiên Chúa và Ngọn suối hồi xuân vô tận của lòng người.

Ngoài ra, mọi người còn cần xác tín mạnh mẽ: muốn Giáo hội tiến bộ, ai nấy phải đồng tâm nhất trí với nhau và phải nghe "tiếng Chúa Thánh Thần phán bảo trong Hội thánh" (Ap. 2,7) hơn là nghe tiếng mình hay tiếng người trần gian. Ðó là tiếng của những ai được "ơn chắc chắn rao giảng Chân lý" (St. Irénée, Adv. Haer. IV, 26; P.G. VII, 1058).

 

LM. Ðỗ Xuân Quế

 


Back to Vietnamese Missionaries in Asia Home Page