Thánh Công Ðồng Chung Vaticanô II
Tuyên Ngôn
về Tự Do Tôn Giáo
Digitatis Humanae
Bản dịch Việt Ngữ của Giáo Hoàng Học Viện Piô X
Prepared for Internet by Vietnamese Missionaries in Asia
I. Quan Ðiểm Tổng Quát Về Tự Do Tôn Giáo
2. Ðối tượng và nền tảng của tự do tôn giáo. Thánh Công Ðồng Vaticanô này tuyên bố con người có quyền tự do tôn giáo 4*. Quyền tự do này hệ tại con người không bị chi phối vì sự cưỡng bách 5* của cá nhân, đoàn thể xã hội hay bất cứ quyền bính trần gian nào khác. Với ý nghĩa đó, trong lãnh vực tôn giáo, không ai bị ép buộc hành động trái với lương tâm, cũng không ai bị ngăn cấm hành động theo lương tâm, dù cho đó là hành động riêng tư hay công khai, một mình hay cùng với người khác, trong những giới hạn chính đáng. Hơn nữa, Thánh Công Ðồng còn tuyên bố rằng tự do tôn giáo thực sự được xây dựng trên phẩm giá con người 6*, một phẩm giá đúng như lời Thiên Chúa mạc khải và chính lý trí cho biết được 2. Quyền tự do tôn giáo của con người trong cơ cấu pháp lý của xã hội phải được chấp nhận là một quyền lợi dân sự.
Xét theo phẩm giá, mọi người, vì là những nhân vị nghĩa là có trí khôn và ý chí tự do, nên phải chịu trách nhiệm về cá nhân mình 7*. Vì thế, do bản tính tự nhiên thúc đẩy, cũng như do bổn phận luân lý đòi buộc, con người phải tìm kiếm chân lý, nhất là chân lý liên quan đến tôn giáo. Họ cũng phải tin theo chân lý đã nhận biết, và hướng dẫn toàn thể đời sống mình theo những đòi hỏi của chân lý. Tuy nhiên, con người không thể chu toàn bổn phận đó một cách thích hợp nếu không được hưởng dụng sự tự do tâm lý đồng thời được đặc miễn đối với sức cưỡng bách bên ngoài 8*. Vậy quyền tự do tôn giáo đặt nền tảng trên chính bản tính con người, chứ không phải trên thái độ chủ quan của con người. Vì ngay cả những người không chu toàn nhiệm vụ tìm kiếm và tuân theo chân lý, vẫn còn quyền đặc miễn này, và không ai được ngăn cản việc hành xử quyền ấy nếu trật tự công cộng chính đáng vẫn được bảo đảm.
3. Tư do tôn giáo và mối tương quan tất yếu giữa con người với Thiên Chúa. Những điều trên đây còn sáng tỏ hơn nữa đối với những ai chấp nhận khuôn mẫu tối thượng của đời sống con người là chính luật vĩnh cửu, khách quan và phổ cập của Thiên Chúa. Qua luật này, Ngài xếp đặt, hướng dẫn và điều khiển cả hoàn vũ cũng như các hướng đi của cộng đoàn nhân loại trong ý định đầy khôn ngoan và thương mến của Ngài 9*. Ngài đã cho con người được tham dự vào lề luật của Ngài, để con người, nhờ sự an bài yêu thương của Thiên Chúa quan phòng, ngày càng có thể nhận biết chân lý không hề đổi thay 3. Vì thế, mỗi người đều có bổn phận, và do đó, có quyền tìm kiếm chân lý trong lãnh vực tôn giáo, để họ dùng những phương tiện thích đáng mà phán đoán đúng đắn và chân thật theo lương tâm một cách khôn ngoan.
Tuy nhiên phải tìm kiếm chân lý theo cách thế xứng hợp với phẩm giá và bản tính xã hội của con người, tức là bằng việc tự do tìm kiếm, bằng lời giảng dạy hay giáo huấn, bằng trao đổi và đối thoại. Nhờ đó, con người bày tỏ cho nhau biết chân lý mà mình tìm được hay nghĩ là đã tìm được, hầu giúp đỡ lẫn nhau trong việc tìm kiếm chân lý. Một khi đã tìm thấy chân lý, mỗi người phải tự mình xác nhận và vững mạnh tin theo.
Thực ra, nhờ lương tâm, con người nhận thức và hiểu biết những mệnh lệnh của lề luật Chúa. Họ phải trung thành tuân theo lương tâm ấy trong mọi hoạt động của mình hầu tiến tới Thiên Chúa là cùng đích. Vì vậy, không ai bị cưỡng bách hành động trái với lương tâm, cũng như không ai bị ngăn cấm hành động theo tiếng lương tâm nhất là trong lãnh vực tôn giáo. Vì việc hành đạo, tự bản chất, trước hết ở tại những hành vi ý chí và tự do bên trong, hướng con người thẳng tới Thiên Chúa. Những hành vi này không thể bị một quyền bính thuần nhân loại nào ép buộc hay ngăn cản 4. Ðàng khác, chính bản tính xã hội của con người đòi hỏi phải diễn tả những hành vi tôn giáo bên trong ra bên ngoài, thông truyền cho nhau trong lãnh vực tôn giáo, tuyên xưng đạo của mình dưới hình thức cộng đoàn.
Vậy chối bỏ quyền tự do hành đạo của con người nơi xã hội, trong trường hợp trật tự công cộng vẫn được bảo đảm, tức là nhục mạ con người và trật tự mà Thiên Chúa đã ấn định cho con người.
Hơn nữa theo bản chất, những hành vi tôn giáo nào còn giúp con người tự ý hướng tới Thiên Chúa một cách riêng tư hay công khai đều vượt trên phạm vi trần thế và thời gian của sự vật. Bởi vậy, quyền bính dân sự, vì mục đích riêng biệt là phục vụ công ích trần thế, nên phải nhìn nhận và nâng đỡ đời sống tôn giáo của người công dân. Nhưng nếu tự ý hướng dẫn hay ngăn cản hành vi tôn giáo, thì quyền bính này phải nói là đã vượt quá những giới hạn của mình.
4. Tự do của cộng đoàn tôn giáo. Quyền tự do hay quyền đặc miễn khỏi mọi cưỡng bách trong lãnh vực tôn giáo được nhìn nhận cho mỗi cá nhân, thì cũng phải được chấp nhận trong khi họ hành động chung với nhau 10* vì bản tính xã hội của con người cũng như bản chất của tôn giáo đều đòi phải có những cộng đoàn tôn giáo.
Vậy, nếu không phương hại đến những đòi hỏi chính đáng của trật tự công cộng, về pháp lý các cộng đoàn này phải được tự do 11* để hoạt động theo những quy luật riêng, công khai phụng thờ Ðấng Tối Cao giúp đỡ các tín hữu trong việc thực thi đời sống tôn giáo, nuôi dưỡng họ bằng giáo lý, phát triển các tu hội, trong đó các phần tử cộng tác với nhau để tổ chức đời sống riêng theo những nguyên tắc tôn giáo của họ.
Các cộng đoàn tôn giáo cũng có quyền đòi các cơ quan lập pháp, hành pháp dân sự không có quyền ngăn cản việc chọn lựa, đào tạo, bổ nhiệm và thuyên chuyển các viên chức riêng của mình, việc liên lạc với giáo quyền và những cộng đoàn tôn giáo ở những nơi khác trên hoàn cầu, việc thiết lập các cơ sở tôn giáo cũng như thu hoạch và quản trị những tài sản thích hợp.
Các cộng đoàn tôn giáo cũng có quyền công khai giảng dạy và minh chứng đức tin của mình bằng lời nói và bằng chữ viết mà không bị cấm cản. Nhưng trong khi truyền bá và đem thực hành đức tin tôn giáo, phải luôn luôn tránh mọi hành động có tính cách ép buộc, thuyết phục bất chính hay kém ngay thẳng, nhất là đối với những người chất phác và nghèo túng. Hành động như thế là lạm dụng quyền lợi của mình và xâm phạm quyền lợi của người khác.
Ngoài ra, tự do tôn giáo còn có nghĩa là các cộng đoàn tôn giáo không bị ngăn cản trong việc tự do biểu lộ các hiệu năng riêng của giáo thuyết mình trong việc tổ chức xã hội và làm cho toàn thể sinh hoạt nhân loại được sống động. Sau hết, theo bản tính xã hội của con người, cũng như theo bản chất của tôn giáo, con người có quyền tự do hội họp hay thành lập những hiệp hội giáo dục, văn hóa, từ thiện và xã hội do cảm thức tôn giáo thúc đẩy.
5. Tự do tôn giáo của gia đình. Mỗi gia đình, với tư cách là xã hội được hưởng quyền lợi riêng biệt và tiên quyết, có quyền tự do tổ chức đời sống tôn giáo trong gia đình mình, dưới sự hướng dẫn của cha mẹ. Cha mẹ cũng có quyền ấn định việc giáo dục cho con cái theo tôn giáo mình tin tưởng. Vì thế, quyền bính dân sự phải chấp nhận quyền tự do thực sự của cha mẹ trong việc lựa chọn trường học và những phương tiện giáo dục khác, và không có quyền vì lẽ được tự do lựa chọn mà bắt họ phải chịu đựng những gánh nặng bất công dù trực tiếp hay gián tiếp. Ngoài ra, quyền lợi của cha mẹ sẽ bị xâm phạm, nếu con cái họ bị cưỡng bách theo học những môn học không đáp ứng với niềm xác tín về tôn giáo của họ, hay bắt phải theo một lề lối giáo dục duy nhất hoàn toàn loại bỏ việc giáo dục tôn giáo.
6. Cần quan tâm đến tự do tôn giáo. Lợi ích chung của xã hội 12* bao gồm tất cả những điều kiện của đời sống xã hội nhằm giúp con người có thể tiến tới sự hoàn bị của chính mình một cách đầy đủ và dễ dàng hơn. Lợi ích ấy hệ tại đặc biệt vào việc bênh vực những quyền lợi và bổn phận của con người 5. Vì thế, tùy cách thế riêng, các công dân, đoàn thể xã hội, quyền bính dân sự cũng như Giáo Hội và các cộng đoàn tôn giáo khác đều có nhiệm vụ lo lắng đến quyền tự do tôn giáo theo như nhiệm vụ của mình đối với công ích.
Nhiệm vụ thiết yếu của quyền bính dân sự là bảo vệ và phát huy những quyền lợi bất khả xâm phạm của con người 6. Do đó, quyền bính dân sự phải bảo vệ cách hữu hiệu quyền tự do tôn giáo của mọi công dân bằng những đạo luật chính đáng và những phương tiện thích hợp khác, phải tạo nên những điều kiện thuận lợi giúp phát triển đời sống tôn giáo. Nhờ đó, các công dân có thể thực sự hưởng dụng những quyền lợi và chu toàn những nhiệm vụ đối với tôn giáo, đồng thời xã hội sẽ được hưởng nhờ những lợi ích của công lý và hòa bình, phát sinh do lòng trung thành con người đối với Thiên Chúa và thánh ý Ngài 7.
Ðối với những dân tộc, vì hoàn cảnh riêng, mà đặc biệt chỉ chấp nhận một cộng đoàn tôn giáo nào đó theo thể chế pháp lý của quốc gia 13*, thì đồng thời cũng phải nhìn nhận và tôn trọng quyền tự do tín ngưỡng đối với tất cả các công dân và cộng đoàn tôn giáo.
Sau hết, quyền bính dân sự phải lo liệu sao cho quyền được bình đẳng trên phương diện pháp lý của các công dân, là quyền liên quan đến công ích xã hội, không bao giờ bị xâm phạm dù cách công khai hay kín đáo vì những lý do tôn giáo, cũng như phải tránh mọi sự chia rẽ giữa các công dân.
Do đó, công quyền không được phép dùng bạo lực, đe dọa hay những phương tiện khác để bắt buộc người dân phải tuyên xưng hay chối bỏ một tôn giáo nào, hoặc ngăn cản không cho họ gia nhập hay rời bỏ một cộng đoàn tôn giáo. Công quyền sẽ đi ngược với ý định của Thiên Chúa và những quyền lợi thiêng liêng của cá nhân cũng như của gia đình các dân tộc, nếu dùng bạo lực dưới bất cứ hình thức nào để tiêu diệt hay cấm đoán một tôn giáo trong toàn thể nhân loại, trong một miền hay một nhóm người nào đó.
7. Những giới hạn của tự do tôn giáo. Vì quyền tự do trong lãnh vực tôn giáo được thi hành trong xã hội loài người, nên việchưởng dụng quyền này cần phải dựa theo một vài quy tắc hướng dẫn 14*.
Trong khi hưởng dụng mọi quyền tự do, nguyên tắc luân lý phải tuân giữ là trách nhiệm cá nhân và đoàn thể: khi hành xử những quyền lợi của mình, cá nhân cũng như đoàn thể, phải tuân giữ luân lý nghĩa là phải quan tâm đến quyền lợi của ngươì khác, cũng như những bổn phận của mình đối với tha nhân và lợi ích chung của mọi người. Phải đối xử với mọi người theo lẽ công bình và tình nhân loại.
Ngoài ra, xã hội dân sự có quyền tự vệ chống lại những lạm dụng có thể nẩy sinh dưới chiêu bài tự do tôn giáo. Ðặc biệt, quyền bính dân sự phải bảo lãnh việc tự vệ này. Tuy nhiên, quyền bính dân sự cũng không được thi hành cách độc đoán hay thiên vị một phe phái nào, nhưng phải dựa theo những quy tắc pháp lý, phù hợp với trật tự luân lý khách quan. Những quy tắc ấy cần phải có, để bảo vệ hữu hiệu và dung hòa được quyền lợi của mọi công dân, bảo đảm đúng mức nền an ninh công cộng đích thực khả dĩ giúp mọi người sống chung trong công bằng chân chính, và bảo vệ được nền luân lý chung. Tất cả những điều đó tạo nên phần chính yếu của lợi ích chung và được gọi là trật tự công cộng 15*. Ngoài ra, cần phải duy trì tập quán về tự do trọn vẹn trong xã hội, theo đó, con người phải được tự do đến mức tối đa và chỉ bị hạn chế trong trường hợp khẩn thiết mà thôi.
8. Huấn luyện con người biết thực thi tự do tôn giáo. Con người thời đại chúng ta thường bị nhiều áp lực khác nhau dồn ép và bị đe dọa mất quyền tự do phán đoán theo quan điểm cá nhân. Ðàng khác, nhiều người dường như có khuynh hướng dựa vào tự do mà chối bỏ mọi sự lệ thuộc và coi nhẹ việc vâng lời phải lẽ.
Vì thế, Thánh Công Ðồng Vaticanô này khuyến khích mọi người, nhất là những ai có sứ mạng giáo dục kẻ khác, hãy cố gắng đào tạo nên những con người biết vâng phục quyền bính hợp pháp và yêu chuộng sự tự do đích thực trong khi tuân giữ trật tự luân lý. Hãy cố gắng đào tạo nên những con người biết tự phán đoán các sự việc dưới ánh sáng chân lý, biết hành động với tinh thần trách nhiệm và cố gắng theo đuổi những điều chân thật và công bằng, bằng cach tự ý cộng tác với người khác.
Vậy tự do tôn giáo cũng phải giúp đỡ và hướng dẫn con người để khi chu toàn nhiệm vụ của mình trong đời sống xã hội, con người sẽ hành động với nhiều ý thức trách nhiệm hơn.
Chú Thích:
4* Ðây là xác quyết quan hệ và long trọng nhất của toàn văn kiện. Ðoạn này tổng hợp những yếu tố nòng cốt của văn kiện. (Trở lại đầu trang)
5* Ðối tượng của quyền tự do tôn giáo không cấu tạo bởi nội dung của những niềm tin tôn giáo; lý do là vì nếu một niềm tin tôn giáo chứa đựng những yếu tố sai lầm, thì như vậy có nghĩa là công nhận quyền tuyên xưng điều lầm lạc và quyền làm điều xấu. Ðối tượng này cũng không thể định nghĩa theo chiều hướng của một khả năng luân lý để làm một điều gì. Bản văn muốn tránh ý nghĩa ấy để khỏi đề cập tới lý thuyết về quyền của lương tâm sai lầm.
Vậy đối tượng của quyền tự do tôn giáo được định nghĩa cách tiêu cực như là một đặc miễn. Sự đặc miễn khỏi áp lực là một đối tượng chính đáng hoàn toàn phù hợp với phẩm giá con người. Từ lâu, giáo thuyết công giáo luôn chấp nhận quyền không bị sự cưỡng bách chi phối. Còn quyền không bị ngăn cản thì mới được chấp nhận ở thời đại hiện tại. (Trở lại đầu trang)
6* Có một số Nghị Phụ quan niệm quyền tự do tôn giáo như một quyền công dân thông thường được phép chấp nhận tùy theo công ích và đặt nền tảng trong một hoàn cảnh lịch sử xác định nào đó. Nếu hoàn cảnh lịch sử đổi thay, quyền tự do này có thể mất theo. (Trở lại đầu trang)
2 Xem Gioan XXIII, Tđ Pacem in terris, 11-4-1963: AAS 55 (1963), trg 260-261. - Piô XII, Nuntius radiophonicus, 24-12-1942, AAS 35 (1943), trg 19. - Piô XI, Tđ, Mit brennender Sorge, 14-3-1937: AAS 29 (1937), trg 160. - Leô XIII, Tđ Libertas praestantissimum, 20-6-1888; Acta Leonis XIII, 8 (1888), trg 237-238. (Trở lại đầu trang)
7* Lý trí, ý chí tự do, trách nhiệm luân lý là những yếu tố cấu tạo của con người: chúng là nền tảng và căn nguyên của tự do tôn giáo. Ðoạn này nhấn mạnh về bản tính con người cách tổng quát ngay trước khi đi tìm chân lý. Theo đó, quyền đặc miễn này tồn tại trong mọi người, ngay cả nơi những người không chu toàn bổn phận tìm kiếm chân lý, vì chưng, họ vẫn giữ nguyên vẹn bản tính có khả năng theo đuổi mục đích này, và là một bản tính được tạo dựng vì mục đích ấy.
Lý chứng này của Thánh Công Ðồng có thể được mọi người chấp nhận, ngay cả những người vô tín ngưỡng. (Trở lại đầu trang)
8* Không những không có mâu thuẫn giữa tự do tôn giáo và bổn phận đi tìm chân lý, mà hơn thế tự do tôn giáo lại đặt nền tảng trên bổn phận đi tìm chân lý. Ðàng khác chính bổn phận này đòi hỏi phải có tự do tôn giáo. (Trở lại đầu trang)
9* Lý chứng của số 7 được Thánh Công Ðồng nhắc lại cách dứt khoát hơn, Ðồng thời, các Nghị Phụ nhấn mạnh tới tương quan giữa con người với Thiên Chúa là Chân Lý hằng hữu. Chúng ta đạt được sự hiểu biết về Thiên Chúa và về lề luật của Ngài nhờ việc tìm kiếm riêng (số 3a), nhờ lời dạy bảo và đối thoại (số 3b), nhất là nhờ mệnh lệnh của lương tâm (số 3c). (Trở lại đầu trang)
3 Xem T. Tôma, Summa theologica, I-II, q. 91, a. 1; q. 93, a. 1-2. (Trở lại đầu trang)
4 Xem Gioan XXIII, Tđ Pacem in terris, 11-4-1963: AAS 55 (1963), trg 270. - Phaolô VI, Nuntius radiophonicus, 22-12-1964: AAS 57 (1965), trg 181-182. - T. Tôma, Summa theologica, I-II, q. 91, a. 4c. (Trở lại đầu trang)
10* Ở đây, Thánh Công Ðồng đề cập tới lãnh vực chủ thể xã hội. Ngoài cá nhân, chủ thể được hưởng quyền tự do này còn là những tập thể tôn giáo, được xem như những chủ thể đích thực và trực tiếp theo luật (số 4). Các gia đình cũng là những chủ thể xã hội hưởng quyền này. (Trở lại đầu trang)
11* Vì thế, nếu không có phương hại đến đòi hỏi chính đáng của trật tự công cộng, quyền tự do tôn giáo phải được bảo vệ nơi các cộng đoàn. Ở những số kế tiếp, các Nghị Phụ ấn định tầm mức rộng rãi của quyền tự do tôn giáo. Quyền này bao gồm: 1) đời sống nội tâm (số 4b,c). - 2) quyền tuyên xưng đức tin cách công khai (số 4d). - 3) quyền điều hành những hoạt động và qui chế thuộc lãnh vực trần thế theo ánh sáng giáo lý riêng. (Trở lại đầu trang)
12* Giữa những quyền lợi của con người mà Quốc gia dân chủ hiện đại có trách nhiệm phải bảo vệ, bằng cách tạo nên những điều kiện xã hội thích hợp cho việc thi hành những quyền lợi đó, phải kể cả quyền tự do tôn giáo hiểu theo ý nghĩa của bản Tuyên Ngôn. Như vậy, Quốc gia tự căn bản, có cùng những nhiệm vụ trong lãnh vực tôn giáo cũng như đã có đối với các quyền lợi khác của con người.
Do đó, Quốc gia phải: 1) công nhận và tôn trọng quyền này (số 6c). - 2) bảo vệ bằng pháp luật (số 6b). - 3) phát huy (số 6b). - 4) hạn chế sự thi hành quyền dó trong trường hợp những yếu tố căn bản của công ích bị xúc phạm (số 7).
Văn kiện phác họa một mẫu Quốc gia; dĩ nhiên Quốc gia ấy không được coi như là quốc gia trung lập hay "ngoại đạo". Ðúng ra đó là một mẫu quốc gia mà người ta gọi là "trần thế", theo nghĩa không có quyền thẩm định về những giá trị tinh thần hay về nội dung các tín ngưỡng. Tuy nhiên, Quốc gia đó có bổn phận phải thừa nhận và tôn trọng các giá trị này; và vì thế cũng phải gắng sức lo liệu cho mọi công dân khỏi thiếu các phương tiện để vun trồng và thấm nhiễm các giá trị ấy. (Trở lại đầu trang)
5 Xem Gioan XXIII, Tđ Mater et Magistra, 15-5-1961: AAS 53 (1961), trg 417; n.t, Tđ Pacem in terris, 11-4-1963: AAS 55 (1963), trg 273. (Trở lại đầu trang)
6 Xem Gioan XXIII, Tđ, Pacem in terris, 11-3-1963: AAS 55 (1963), trg 273-274, Piô XII, Nuntius radiophonicus, 1-6-1941: AAS 33 (1941), trg 200. (Trở lại đầu trang)
7 Xem Leô XIII, Tđ Immortale Dei, 1-11-1885: AAS 18 (1885), trg 161. (Trở lại đầu trang)
13* Ở đây, Thánh Công Ðồng ám chỉ đến những quốc gia theo quốc giáo. Các Nghị Phụ công nhận tính chất bất hợp pháp của các quốc gia như thế.
Tuy nhiên, cách nói "về hoàn cảnh riêng" của Công Ðồng cho chúng ta hiểu rằng quốc giáo chỉ là tình trạng pháp lý do một hoàn cảnh lịch sử xã hội nhất định và cá biệt tạo ra. Vì vậy, các quốc gia đó phải nhận biết những giới hạn cần thiết của mình. (Trở lại đầu trang)
14* Các Nghị Phụ đề cập tới bổn phận và giới hạn của quyền bính ở các quốc gia theo quốc giáo. Ðoạn này rất tế nhị do những lạm dụng có thể xảy ra vì quyền giới hạn này.
Thánh Công Ðồng đưa ra hai qui luật: qui luật luân lý (số 7b) và qui luật pháp lý (số 7c). (Trở lại đầu trang)
15* Do nhiều Hiến pháp của các quốc gia tân tiến, và những văn kiện quốc tế gợi ý, Thánh Công Ðồng nhìn nhận rằng ý niệm "trật tự công cộng" sẽ được xem như là tiêu chuẩn khách quan cho những can thiệp của quyền bính quốc gia. Trật tự công cộng mà hình luật qui chiếu, là phần chính yếu của lợi ích chung, phải được đảm bảo sao cho đời sống xã hội xứng đáng với phẩm giá con người.
Công quyền có quyền và bổn phận bảo vệ trật tự đó bằng cách cấm đoán và ngăn cản mọi hành vi phương hại nhiều đến công ích.
Dĩ nhiên, các Nghị Phụ không muốn nói đến bất cứ một loại trật tự công cộng nào, nhưng là một trật tự xã hội thích hợp với trật tự luân lý khách quan và đặt nền tảng trên sự công bình chân thực.
Như thế, chúng ta nhận thấy rằng, khi nói tới việc đề cao và bảo vệ quyền tự do tôn giáo (số 6), công ích phải được quan niệm rộng rãi hết sức. Thế nhưng, khi phải hạn chế quyền tự do đó, Thánh Công Ðồng lại đắn đo và để ý tới những yếu tố căn bản của lợi ích chung đó. Bởi vì, việc đảm bảo và duy trì những yếu tố ấy rất cần thiết cho đời sống xã hội. Cách cụ thể, chúng ta nhận thấy chính hình luật được soạn thảo dựa theo trật tự công cộng. (Trở lại đầu trang)