Thánh Công Ðồng Chung Vaticanô II
Tuyên Ngôn
về Tự Do Tôn Giáo
Digitatis Humanae
Prepared for Internet by Vietnamese Missionaries in Asia
Lời Giới Thiệu
Tuyên Ngôn về Tự Do Tôn Giáo là một văn kiện đáng kể và quan trọng trong lịch sử Giáo Hội, khai mở một kỷ nguyên mới cho mối liên lạc của Giáo Hội với thế giới hiện đại.
Bản văn hình thành rất phức tạp. Có đến sáu lược đồ được đệ trình cho các Nghị Phụ tranh luận, sửa chữa để đúc kết thành bản văn chính thức. Chủ đề này đã tạo nên cuộc tranh luận sôi nổi trong Công Ðồng và khiến thế giới ngoài Kitô giáo chú trọng đặc biệt để tìm hiểu Giáo Hội thành thực đến mức nào trong nỗ lực cởi mở với thế giới cũng như dành cho lược đồ này tầm quan trọng thế nào.
Khi trình bày lược đồ cho các Nghị Phụ ở Công Ðồng, Ðức Cha De Smedt đã lưu ý đến nhiều lý do cổ võ cho tuyên ngôn này. Trước hết là lý do "chân lý": Giáo Hội phải truyền dạy và bênh vực quyền tự do tôn giáo vì đây là một chân lý Chúa Kitô đã ủy thác cho Giáo Hội gìn giữ. Thứ đến, ngài nói tới lý do "bảo vệ": chúng ta hiện sống trong một thời đại mà phân nửa nhân loại không có Tự Do Tôn Giáo vì sự ngăn cản thiên hình vạn trạng của chủ nghĩa duy vật vô thần, nên Giáo Hội có bổn phận phải bảo vệ quyền Tự Do này. Sau đó, ngài đề cập đến lý do "sống chung hòa bình": trong một thời đại ngập tràn nhiều lý thuyết khác biệt. Giáo Hội phải vạch đường lối hướng đến việc cộng tác với nhau nhiều hơn và rộng lớn hơn. Sau cùng Ðức Cha đưa ra lý do "hiệp nhất": vì nhiều người ngoài Công Giáo nghi ngờ Giáo Hội Công Giáo theo thuyết của Machiavello, nghĩa là chỉ cổ động Tự Do Tôn Giáo nơi nào Công Giáo chỉ là thiểu số, và coi thường hay từ chối quyền Tự Do đó khi ngươì Công Giáo chiếm đa số, bởi thế Giáo Hội cần cố gắng làm sáng tỏ vấn đề.
Thực sự, nếu Công Ðồng chỉ muốn nêu ra vài tiêu chuẩn hành động, chắc chắn bản văn sẽ dễ dàng được tất cả các Nghị Phụ đồng ý. Nhưng công việc quả thật rất khó khăn, vì ở đây Công Ðồng đưa ra vấn đề dựa vào những nền tảng giáo lý vững chắc. Và riêng điểm này cũng đã là nan giải, vì nhiều quan điểm đối nghịch nhau có thể dễ dàng phát khởi tính cách phức tạp của vấn đề; chẳng hạn như những kiểu giải thích các văn kiện thuôc quyền Giáo Huấn ở các thế kỷ vừa qua, cũng như hoàn cảnh văn hóa dị biệt của những cộng đoàn Công Giáo khác nhau mà các Nghị Phụ đại diện. Nhất là còn phải tránh tất cả mọi nguy hiểm thuyết dửng dưng, của chủ trương xu thời, cũng như của thuyết tương đối về vấn đề tôn giáo... Do đó, phải nêu rõ bổn phận đi tìm chân lý của mỗi cá nhân và đồng thời vẫn bảo vệ quyền tự do thiết yếu của họ trong công cuộc đi tìm chân lý ấy trên bình diện xã hội.
Một trong những khó khăn lớn lao nhất là phải tìm ra một khía cạnh thích đáng đề cập vấn đề. Ý niệm cổ truyền về sự "khoan dung" thì quá thiếu sót và tiêu cực. Còn ý niệm về quyền của một lương tâm sai lầm (ý niệm rất thông thường trong thần học luân lý) lại đòi hỏi nhiều tế nhị. Lý luận như thế có thể khiến cho lương dân không thề nào hiểu được, vì nó giả thiết phải chuyển biến từ lãnh vực luân lý sang lãnh vực pháp lý. Cuối cùng, các Nghị Phụ đã tìm gặp ý niệm nhân phẩm; và dưới nhiều khía cạnh phụ thuộc khác nhau, ý niệm này đã trở thành nền tảng căn bản duy nhất cho Tuyên Ngôn về Tự Do Tôn Giáo.
Có thể nói rằng tiến trình soạn thảo chậm chạp của bản Tuyên Ngôn đã đánh dấu một nỗ lực kiên trì của Thánh Công Ðồng nhằm tránh việc đề cập vấn đề một cách quá tín lý. Ðồng thời Tuyên Ngôn cố gắng dựa vào sứ mệnh đặc biệt mà Giáo Hội đã lãnh nhận nơi Chúa Kitô để diễn tả phạm vi này là một phạm vi cần thiết cho hết mọi người cũng như cho tất cả những cộng đoàn tôn giáo trong hành trình đi tìm chân lý, một phạm vi đủ để Giáo Hội chu toàn sứ mệnh Chúa Kitô ủy thác.
Ngày 7 tháng 12 năm 1965, với 2,308 phiếu thuận và 70 phiếu chống, bản văn đã được các nghị Phụ chấp thuận và được Ðức Giáo Hoàng Phaolô VI tuyên bố là văn kiện thuộc Quyền Giáo Huấn.