Thánh Công Ðồng Chung Vaticanô II

 

Sắc Lệnh

về Hoạt Ðộng Truyền Giáo

Của Giáo Hội

Ad Gentes

 

Bản dịch Việt Ngữ của Giáo Hoàng Học Viện Piô X

Prepared for Internet by Vietnamese Missionaries in Asia


Chương VI

Sự Cộng Tác

 

35. Nhập đề. Vì toàn thể Giáo Hội là truyền giáo và vì công việc rao giảng Phúc Âm là nhiệm vụ căn bản của Dân Chúa, nên Thánh Công Ðồng mời gọi mọi người canh tân tự thâm tâm mình, để khi đã tích cực ý thức trách nhiệm riêng trong việc truyền bá Phúc Âm, mọi người góp phần vào công cuộc truyền giáo nơi Muôn Dân 42*.

36. Nhiệm vụ truyền giáo của toàn Dân Thiên Chúa. Tất cả các Kitô hữu vì là chi thể của Chúa Kitô hằng sống, được sáp nhập và nên giống Người nhờ Bí Tích Rửa Tội, Thêm Sức và Thánh Thể, nên họ 43* có bổn phận phải cộng tác vào việc phát triển và bành trướng Thân Thể Người, để Thân Thể này được sung mãn càng sớm càng hay 1.

Vì thế, tất cả con cái Giáo Hội phải tích cực ý thức trách nhiệm của mình đối với thế giới, phải hun đúc cho mình có tinh thần thực sự công giáo, và phải hy sinh góp sức vào công việc rao giảng Phúc Âm. Tuy nhiên, mọi người phải biết rằng bổn phận đầu tiên và quan trọng nhất đối với việc truyền bá đức tin là sống sâu xa đời sống Kitô hữu. Vì chính khi nhiệt thành phụng sự Thiên Chúa và bác ái đối với tha nhân, họ mang lại cho toàn thể Giáo Hội một cảm hứng tinh thần mới và làm cho Giáo Hội xuất hiện như là một dấu chỉ nổi lên giữa các dân 2, là "ánh sáng thế gian" (Mt 5,14) và là "muối đất" (Mt 5,13). Chứng cứ đời sống này sẽ đem lại kết quả dễ dàng hơn, nếu cùng được thực hiện chung với các nhóm Kitô giáo khác, theo tiêu chuẩn của Sắc Lệnh về sự Hiệp Nhất 3.

Nhờ tinh thần đổi mới này, các kinh nguyện và việc khổ hạnh sẽ được tự phát dâng lên Thiên Chúa, để nhờ ơn thánh Ngài, công việc của các nhà truyền giáo mang lại kết quả, ơn kêu gọi truyền giáo được phát sinh và những tài nguyên mà các xứ truyền giáo đang cần đến sẽ được dồi dào.

Ðể tất cả và mỗi một Kitô hữu biết rõ hoàn cảnh hiện tại của Giáo Hội trong thế giới, và để họ nghe tiếng kêu gào của đám đông: "xin giúp chúng tôi" 4, phải dùng cả những phương tiện truyền thông xã hội hiện đại mà cung cấp những tin tức truyền giáo để khi cảm thấy hoạt động truyền giáo là việc của mình, họ mở rộng tâm hồn đáp ứng những nhu cầu rất bao la và thâm sâu của con người và có thể giúp đỡ những người ấy.

Cũng cần phải phối hợp các tin tức và cộng tác với các cơ quan quốc gia hay quốc tế.

37. Nhiệm vụ truyền giáo của cộng đoàn Kitô giáo. Vì Dân Chúa sống trong các cộng đoàn, 44* nhất là các cộng đoàn giáo phận và giáo xứ và tỏ ra hữu hình một cách nào đó trong các cộng đoàn trên, nên các cộng đoàn đó cũng phải minh chứng về Chúa Kitô trước mặt Muôn Dân.

Ơn canh tân không thể lớn lên trong các cộng đoàn nếu mỗi cộng đoàn không mở rộng phạm vi bác ái đến tận cùng trái đất và không lo lắng cho những kẻ ở xa giống như cho những người thuộc cộng đoàn mình.

Như thế toàn thể cộng đoàn cầu nguyện, cộng tác và hành động giữa muôn dân nhờ những người con đã được Thiên Chúa tuyển chọn vào chức vụ rất cao trọng này.

Cũng sẽ rất hữu ích, nhất là để đừng xao lãng công việc truyền giáo phổ quát, nếu giữ được mối liên lạc với những nhà truyền giáo xuất thân từ chính cộng đoàn, hoặc với một giáo xứ hay giáo phận nào đó trong các xứ truyền giáo, để mối thông hiệp giữa các cộng đoàn trở nên hữu hình và đi đến chỗ xây dựng cho nhau.

38. Nhiệm vụ truyền giáo của Giám Mục. Tất cả các Giám Mục với tư cách là thành phần của Giám Mục Ðoàn kế vị Tông Ðồ Ðoàn, được cung hiến không phải chỉ cho một giáo phận nào đó, mà là cho phần rỗi của toàn thế giới. Mệnh lệnh của Chúa Kitô sai đi rao giảng Phúc Âm cho mọi tạo vật 5 trước hết và trực tiếp nhắm tới các Ngài, cùng với Phêrô và dưới quyền Phêrô. Do đó, giữa các Giáo Hội xuất phát một mối hiệp thông và cộng tác mà ngày nay rất cần thiết để theo đuổi công cuộc rao giảng Phúc Âm. Nhờ sự thông hiệp này mỗi Giáo Hội đều lo lắng cho tất cả các Giáo Hội khác, cho nhau biết những nhu cầu riêng của mình, cùng nhau san sẻ của cải, vì việc bành trướng Thân Thể Chúa Kitô là phần vụ của toàn thể Giám Mục Ðoàn 6.

Khi Giám Mục cổ võ, phát động và điều khiển công cuộc truyền giáo trong giáo phận - mà Giám Mục với giáo phận chỉ là một - chính là Giám Mục làm thể hiện tinh thần và nhiệt tâm truyền giáo của Dân Chúa và có thể nói là thể hiện cách hữu hình, để toàn thể giáo phận trở thành truyền giáo.

Các Giám Mục có nhiệm vụ khuyến khích trong dân mình, nhất là giữa những kẻ đau yếu và khổ tâm, những tâm hồn quảng đại dâng lên Thiên Chúa kinh nguyện và việc khổ hạnh để cầu cho công cuộc rao giảng Phúc Âm trên thế giới; sẵn lòng cổ võ ơn kêu gọi thanh niên và giáo sĩ gia nhập các Tổ Chức truyền giáo, và cảm tạ Thiên Chúa khi Chúa tuyển chọn một số người dấn thân vào hoạt động truyền giáo của Giáo Hội; khuyến khích và giúp đỡ các Hội Dòng giáo phận để họ góp phần riêng vào các xứ truyền giáo; phát động nơi tín hữu mình những công cuộc của các Tổ Chức truyền giáo, và nhất là các Hội Giáo Hoàng truyền giáo. Thực vậy, những hội này phải chiếm chỗ nhất vì chúng là những phương tiện vừa để người công giáo, ngay từ tuổi thơ, được thấm nhiễm cảm thức thực sự phổ quát và truyền giáo, vừa để khuyến khích một cuộc quyên góp hữu hiệu những tiền trợ cấp cho tất cả các xứ truyền giáo tùy theo nhu cầu từng nơi 7.

Vì ngày càng cần nhiều thợ vườn nho Chúa và vì các linh mục giáo phận cũng ước ao ngày càng được góp phần lớn hơn vào việc rao giảng Phúc Âm cho thế giới, nên Thánh Công Ðồng rất ước mong các Giám Mục, trong khi cân nhắc về việc thiếu linh mục rất trầm trọng đang cản trở việc rao giảng Phúc Âm cho nhiều miền, hãy sai đến những giáo phận thiếu giáo sĩ vài linh mục xuất sắc đã tự hiến để làm việc truyền giáo và đã được chuẩn bị đầy đủ, để họ thi hành thừa tác vụ truyền giáo với tinh thần phục vụ ít là trong một thời gian 8.

Ðể hoạt động truyền giáo của các Giám Mục có thể thực thi một cách hữu hiệu hơn cho lợi ích của toàn thể Giáo Hội, các Hội Ðồng Giám Mục nên điều khiển các công việc liên quan đến việc tổ chức sự cộng tác trong miền.

Trong các Hội Ðồng, các Giám Mục phải bàn về các linh mục thuộc hàng giáo sĩ giáo phận đang hiến thân rao giảng Phúc Âm cho muôn dân, về số tiền đóng góp hạn định, tương xứng với những lợi tức riêng, mà mỗi giáo phận hằng năm buộc phải đóng góp cho công trình tại các xứ truyền giáo 9, về việc điều khiển và tổ chức những cách thức và phương tiện trực tiếp nâng đỡ các xứ truyền giáo, về việc giúp đỡ và nếu cần, thiết lập các Tổ Chức truyền giáo và các chủng viện giáo sĩ giáo phận cho các xứ truyền giáo, về việc cổ võ những liên lạc chặt chẽ hơn giữa những Tổ Chức loại này với các giáo phận.

Cũng thế, các Hội Ðồng Giám Mục có nhiệm vụ thiết lập và phát động những công cuộc nhằm tiếp đón trong tình huynh đệ và đem lòng chăm sóc mục vụ thích đáng mà giúp đỡ những người vì lý do công vụ hay học hành, từ các miền truyền giáo đến trú ngụ. Nhờ họ mà những dân tộc xa xôi trở nên gần gũi một cách nào đó, và là dịp rất tốt để các cộng đoàn Kitô giáo lâu đời được đối thoại với những dân tộc chưa nghe nói đến Phúc Âm, cùng tỏ bày cho họ gương mặt đích thực của Chúa Kitô trong nghĩa cử yêu thương và giúp đỡ 10.

39. Nhiệm vụ truyền giáo của Linh Mục. Các linh mục đóng vai trò Chúa Kitô và là cộng sự viên của hàng Giám Mục trong ba phận vụ thánh 45*, mà tự bản tính thuộc về sứ mệnh của Giáo Hội 11. Vậy các ngài phải thấu hiểu sâu xa rằng đời sống các ngài cũng được cung hiến để phục vụ các xứ truyền giáo. Vì nhờ thừa tác vụ riêng của mình, thừa tác vụ này cốt yếu hệ tại Bí Tích Thánh Thể, bí tích kiện toàn Giáo Hội, các ngài thông hiệp với Chúa Kitô là Ðầu và dẫn đưa kẻ khác đến sự thông hiệp này; do đó các ngài không thể không cảm thấy rằng sự viên mãn của Thân Thể đến nay vẫn còn biết bao thiếu sót, và do đó còn biết bao điều phải làm để Thân Thể ngày một lớn hơn. Vậy các ngài phải sắp đặt công việc mục vụ thế nào để mưu ích cho việc bành trướng Phúc Âm nơi những người ngoài Kitô giáo.

Các linh mục, trong việc mục vụ, phải cổ võ và duy trì giữa tín hữu lòng nhiệt thành đối với việc rao giảng Phúc Âm cho thế giới, bằng cách dạy giáo lý và giảng thuyết để giáo huấn họ về nhiệm vụ của Giáo Hội phải loan báo Chúa Kitô cho Muôn Dân, bằng cách dạy các gia đình Kitô hữu về sự cần thiết và vinh dự vun trồng ơn kêu gọi truyền giáo nơi con trai con gái mình; bằng cách cổ võ nhiệt tâm truyền giáo nơi thanh thiếu niên trong các trường và các hội đoàn công giáo để từ nơi họ, xuất phát những nhà rao giảng Phúc Âm tương lai. Các ngài phải dạy tín hữu cầu nguyện cho các xứ truyền giáo và đừng xấu hổ xin họ bố thí và trở nên như những hành khất vì Chúa Kitô và vì phần rỗi các linh hồn 12.

Các giáo sư Chủng Viện và Ðại Học phải dạy cho thanh thiếu niên biết hoàn cảnh đích thực của thế giới và của Giáo Hội, để họ nhìn thấy nhu cầu rất cấp bách của việc rao giảng Phúc Âm cho những người ngoài Kitô giáo và để nuôi dưỡng nhiệt tâm của họ. Trong khi dạy các môn tín lý, Thánh Kinh, luân lý và lịch sử, phải nêu rõ những khía cạnh truyền giáo hàm chứa trong các môn ấy, để nhờ đó đào tạo cho các linh mục tương lai một ý thức truyền giáo.

40. Nhiệm vụ truyền giáo của Hội Dòng. Các Hội Dòng 46* sống đời chiêm niệm hay hoạt động, cho đến nay đã và đang góp phần rất lớn vào việc rao giảng Phúc Âm cho thế giới. Thánh Công Ðồng vui mừng nhìn nhận công lao của họ và cảm tạ Thiên Chúa vì biết bao nỗ lực được thực hiện để làm vinh danh Chúa và phục vụ các linh hồn. Thánh Công Ðồng khuyến khích họ hãy cứ hăng say theo đuổi công việc đã khởi sự, vì họ phải biết rằng sức mạnh của đức ái mà ơn kêu gọi buộc họ phải thực thi một cách hoàn hảo hơn, thúc đẩy và buộc họ phải có tinh thần và việc làm thực sự công giáo 13.

Các Hội Dòng sống đời chiêm niệm góp phần rất lớn vào việc trở lại của các linh hồn nhờ những kinh nguyện, việc khổ hạnh và thử thách, vì Thiên Chúa là Ðấng sai thợ đến gặt lúa của Ngài theo lời ta cầu xin 14, Ðấng mở rộng tâm hồn người ngoài Kitô giáo để họ lắng nghe Phúc Âm 15, và làm cho lời cứu rỗi sinh hoa kết quả trong lòng họ 16. Hơn nữa, xin các Hội Dòng đó lập các nhà dòng trong những xứ truyền giáo, như họ đã làm khá nhiều, để ở đó, nhờ sống thích nghi với các truyền thống tôn giáo đích thực của các dân tộc, họ tỏ cho những người ngoài Kitô giáo thấy một chứng tá cao đẹp về uy quyền và tình yêu của Thiên Chúa cũng như về sự hiệp nhất trong Chúa Kitô.

Còn các Hội Dòng sống đời hoạt động, hoặc theo đuổi mục đích hoàn toàn truyền giáo hoặc không, đều phải thành thật tự vấn trước mặt Chúa xem mình có thể bành trướng hoạt động vào việc mở rộng Nước Chúa nơi Muôn Dân không; xem mình có thể trao một số thừa tác vụ cho những người khác để cống hiến sức lực mình cho các xứ truyền giáo không; xem mình có thể khởi công hoạt động trong các xứ truyền giáo bằng cách thích nghi Hiến Pháp của mình nếu cần, mà vẫn theo tinh thần của Vị Sáng Lập không; xem các tu sĩ của mình có thể tùy sức tham gia vào hoạt động truyền giáo không; xem cách sống thường xuyên của họ có phải là một chứng tá của Phúc Âm được thích nghi với đặc tính và hoàn cảnh của dân chúng không.

Vì nhờ ơn Chúa Thánh Thần thúc đẩy, Giáo Hội ngày càng có thêm nhiều Tu Hội triều, và hoạt động của các tu hội ấy dưới quyền Giám Mục, có thể mang lại nhiều kết quả trong các xứ truyền giáo về nhiều phương diện, như là dấu chỉ của sự tận hiến trọn vẹn cho việc rao giảng Phúc Âm trên thế giới.

41. Nhiệm vụ truyền giáo của giáo dân. Giáo dân 47* cộng tác vào công cuộc rao giảng Phúc Âm của Giáo Hội, đồng thời với tư cách chứng nhân và khí cụ sống động 17 họ tham gia vào sứ mệnh cứu rỗi của Giáo Hội, nhất là khi họ được Thiên Chúa kêu gọi và được Giám Mục thu nhận để làm việc đó.

Trong những địa hạt đã theo Kitô giáo, giáo dân tham gia vào việc rao giảng Phúc Âm bằng cách tự khuyến khích và khích lệ người khác hiểu biết và yêu mến các xứ truyền giáo, cổ võ ơn kêu gọi trong gia đình mình, trong các hội đoàn công giáo và trong các trường học, dâng cúng mọi thứ của cải; như thế họ có thể trao tặng kẻ khác ơn đức tin mà họ đã lãnh nhận nhưng không.

Còn trong những địa hạt thuộc các xứ truyền giáo, giáo dân, hoặc ngoại kiều, hoặc địa phương, phải dạy học trong các trường, phụ trách các việc trần thế, hợp tác vào hoạt động giáo xứ hay giáo phận, thành lập và cổ võ các hình thức làm việc tông đồ giáo dân, để tín hữu của các Giáo Hội trẻ trung được góp phần riêng mình vào đời sống Giáo Hội càng sớm càng hay 18.

Sau cùng giáo dân phải tự ý cộng tác trong lãnh vực kinh tế xã hội với các dân tộc trên đường phát triển. Sự cộng tác này càng đáng khen ngợi nếu càng liên quan đến việc thành lập các tổ chức thuộc những cơ cấu căn bản của đời sống xã hội hay để đào tạo những người có trách nhiệm với quốc gia.

Cũng đáng đặc biệt tán thưởng những giáo dân, trong các Ðại Học hay các Viện Khoa Học, biết dùng những khảo cứu lịch sử hay khoa học tôn giáo mà cổ võ sự hiểu biết về các dân tộc và các tôn giáo: như thế là họ giúp các nhà rao giảng Phúc Âm và chuẩn bị cuộc đối thoại với những người ngoài Kitô giáo.

Họ cũng phải hợp tác trong tình huynh đệ với các Kitô hữu khác, với những người ngoài Kitô giáo và nhất là với các hội viên của những tổ chức quốc tế, nhưng phải luôn nhớ rằng "việc xây dựng xã hội trần thế đặt nền tảng trong Chúa và quy hướng về Người" 19.

Ðể chu toàn tất cả những phận vụ đó, giáo dân cần phải được chuẩn bị về kỹ thuật và đời sống thiêng liêng tại những Học Viện chuyên khoa, để đời sống họ trở thành chứng tá cho Chúa Kitô đối với những người ngoài Kitô giáo, như lời Thánh Tông Ðồ: "Anh em đừng nêu gương xấu cho người Do Thái, cho Muôn Dân và cho Giáo Hội Chúa, như chính tôi, tôi làm vừa lòng mọi người trong mọi sự mà không tìm tư lợi gì cho tôi, chỉ mong giúp ích cho nhiều người để họ được cứu rỗi" (1Cor 10,32-33).

 

Kết Luận

 

42. Lời chào mừng thân ái. Các Nghị Phụ Công Ðồng, hiệp nhất cùng Ðức Giáo Hoàng, ý thức rất sâu xa về bổn phận phải mở rộng Nước Chúa khắp nơi, hết lòng thân ái chào mừng tất cả những người rao giảng Phúc Âm, nhất là những người chịu bách hại vì Danh Chúa Kitô và chia xẻ những đau khổ của họ 20.

Như Chúa Kitô đã cháy lửa yêu mến nhân loại thế nào thì các Ngài cũng nóng nảy yêu mến nhân loại như vậy. Nhưng ý thức rằng chính Thiên Chúa khiến Nước Ngài đến trong thế gian, các Ngài hiệp cùng tất cả các Kitô hữu cầu nguyện để nhờ sự cầu bầu của Trinh Nữ Maria Nữ Vương các Tông Ðồ, cho muôn dân mau được đưa về nhận biết chân lý 21 để vinh quang Thiên Chúa đang chói lọi trên dung nhan Chúa Giêsu Kitô, nhờ Chúa Thánh Thần mà chiếu sáng cho hết mọi người 22.

 

Tất cả và từng điều đã được ban bố trong Sắc Lệnh này đều được các Nghị Phụ Thánh Công Ðồng chấp thuận. Và, dùng quyền Tông Ðồ Chúa Kitô trao ban, hiệp cùng các Nghị Phụ khả kính, trong Chúa Thánh Thần, Chúng Tôi phê chuẩn, chế định và quyết nghị, và những gì đã được Thánh Công Ðồng quyết nghị, Chúng Tôi truyền công bố cho Danh Chúa cả sáng.

 

Roma, tại Ðền Thánh Phêrô, ngày 7 tháng 12 năm 1965.

Tôi, Phaolô Giám Mục Giáo Hội Công Giáo.

Tiếp theo là chữ ký của các Nghị Phụ.

 


Chú Thích:

42* Giáo Hội là Giáo Hội truyền giáo, chính vì thế trong chương này, Sắc Lệnh phân tích những khả năng mà mọi năng lực trong Giáo Hội có thể mang lại cho công việc truyền giáo. (Trở lại đầu trang)

43* Trước tiên ở đây Sắc Lệnh quả quyết mỗi tín hữu có nhiệm vụ truyền giáo, vì họ đã được ghép vào Nhiệm Thể Chúa Kitô qua ba bí tích gia nhập (Thánh Tẩy, Thêm Sức, Thánh Thể). Các phương thế được chỉ định là: ý thức trách nhiệm cá nhân, đời sống Kitô giáo gương mẫu, cầu nguyện, tinh thần sám hối. Tiếp theo Sắc Lệnh đề cập tỉ mỉ đến nhiệm vụ truyền giáo của các cộng đoàn Kitô hữu (số 37), các Giám Mục và Hội Ðồng Giám Mục (số 38), các linh mục (số 39), các tu hội (số 40), và sau cùng giáo dân (số 41). Tất cả các đoạn đó đều đầy đủ chi tiết cụ thể và thực tiễn. (Trở lại đầu trang)

1 Xem Eph 4,13. (Trở lại đầu trang)

2 Xem Is 11,12. (Trở lại đầu trang)

3 Xem CÐ Vat II, Sắc Lệnh về Hiệp Nhất, số 12: AAS 57 (1965), trg 99. (Trở lại đầu trang)

4 Xem CvTđ 16,9. (Trở lại đầu trang)

44* Số 37 khuyến khích cộng đoàn cộng tác vào việc truyền giáo trên lãnh vực giáo phận và giáo xứ. Ở đây Sắc Lệnh khuyến dụ rằng cộng đoàn trong các nước công giáo hãy đảm đương việc truyền giáo hay một phần việc truyền giáo bằng cách đặc biệt giúp đỡ về mọi phương diện. (Trở lại đầu trang)

5 Xem Mc 16,15. (Trở lại đầu trang)

6 Xem CÐ Vat II, Hiến chế tín lý về Giáo Hội, số 23-24: AAS 57 (1965), trg 27-29. (Trở lại đầu trang)

7 Xem Benedictô XV, Tđ. Maxium illud, 30-11-1919: AAS 11 (1919), trg 453-454. - Piô XI, Tđ. Rerum Ecclesiae, 28-2-1926: AAS 18 (1926), trg 71-73. - Piô XII, Tđ. Evangelii Praecones, 2-6-1951: AAS 43 (1951), trg 525-526. - n.t., Tđ. Fidei donum, 15-1-1957: AAS 49 (1957), trg 241. (Trở lại đầu trang)

8 Xem Piô XII, Tđ. Fidei donum, 15-1-1957: AAS 49 (1957), trg 245-246. (Trở lại đầu trang)

9 Xem CÐ Vat II, Sắc Lệnh về nhiệm vụ mục vụ của các Giám Mục, số 6. (Trở lại đầu trang)

10 Xem Piô XII, Tđ. Fidei donum, 15-1-1957: AAS 49 (1957), trg 245. (Trở lại đầu trang)

45* Ba phận vụ là cai trị, thánh hóa và giáo huấn. Sắc Lệnh minh định sự cộng tác vào việc truyền giáo có thể thực hiện được trong những hoàn cảnh khác biệt của đời sống linh mục: linh mục trong giáo xứ, linh mục giáo sư trong một trường học và nhất là trong một chủng viện. Trong phạm vi hoạt động của mình, mỗi linh mục phải là một nhà giáo dục cho các tín hữu có một ý thức truyền giáo. (Trở lại đầu trang)

11 Xem CÐ Vat II, Hiến chế tín lý về Giáo Hội, số 28: AAS 57 (1965), trg 34. (Trở lại đầu trang)

12 Xem Piô XI, Tđ. Rerum Ecclesiae, 28-2-1926: AAS 18 (1926), trg 72. (Trở lại đầu trang)

46* Công Ðồng ủy thác cho các cơ sở tôn giáo nhiệm vụ nới rộng hoạt động truyền giáo, và nếu chưa hoạt động gì, thì phải đảm nhận một công tác. Có kẻ nghĩ rằng các tu sĩ có lẽ ít thích hợp trong việc xây dựng những giáo phận và nhất là đào tạo một hàng giáo sĩ giáo phận, nhưng không có lý do nào biện minh cho một linh mục dòng không thể vun trồng một Giáo Hội địa phương. Nhiều Giáo Hội địa phương trong những nơi ngoại giáo là kết quả hoạt động do một nhóm tu sĩ đảm nhiệm. (Trở lại đầu trang)

13 Xem CÐ Vat. II, Hiến chế tín lý về Giáo Hội, số 44: AAS 57 (1965), trg 50. (Trở lại đầu trang)

14 Xem Mt 9,38. (Trở lại đầu trang)

15 Xem CvTđ 16,14. (Trở lại đầu trang)

16 Xem 1Cor 3,7. (Trở lại đầu trang)

47* Giáo dân là một đoàn viên đúng nghĩa trong cộng đoàn dân Chúa, và vì thế người giáo dân cũng được mời gọi giúp đỡ việc truyền giáo. Họ có thể giúp đỡ cách gián tiếp, nhất là bằng lời cầu nguyện và phương tiện vật chất. Người giáo dân cũng có thể là một nhà truyền giáo hy sinh cả thời giờ và đời sống, không lương bổng, phục vụ một công tác chuyên biệt. Số 41 này quảng diễn những cách thức mà giáo dân có thể cộng tác vào hoạt động truyền giáo của Giáo Hội. (Trở lại đầu trang)

17 Xem CÐ Vat. II, Hiến chế tín lý về Giáo Hội, số 33, 35: AAS 57 (1965), trg 39, 40-41. (Trở lại đầu trang)

18 Xem Piô XII, Tđ. Evangelii Praecones, 2-6-1951: AAS 43 (1951), trg 510-514. - Gioan XXIII, Tđ. Princeps Pastorum, 28-11-1959: AAS 51 (1959), trg 851-852. (Trở lại đầu trang)

19 Xem CÐ Vat. II, Hiến chế tín lý về Giáo Hội, số 46: AAS 57 (1965), trg 52. (Trở lại đầu trang)

20 Xem Piô XII, Tđ. Evangelii Praecones, 2-6-1951: AAS 43 (1951), trg 527. - Gioan XXIII, Tđ. Princeps Pastorum, 28-11-1959: AAS 51 (1959), trg 864. (Trở lại đầu trang)

21 Xem 1Tm 2,4. (Trở lại đầu trang)

22 Xem 2Cor 4,6. (Trở lại đầu trang)

 


Trở Lại Mục Lục Thánh Công Ðồng Vatican II

Back to Vietnamese Missionaries in Asia Home Page