Thánh Công Ðồng Chung Vaticanô II

 

Khóa IX Ngày 07 tháng 12 Năm 1965

 

Phaolô Giám Mục

Tôi Tớ Các Tôi Tớ Thiên Chúa

Hiệp Nhất Với Các Nghị Phụ Của Thánh Công Ðồng

Ðể Muôn Ðời Ghi Nhớ

 

Sắc Lệnh

về Hoạt Ðộng Truyền Giáo

Của Giáo Hội

Ad Gentes

 

Bản dịch Việt Ngữ của Giáo Hoàng Học Viện Piô X

Prepared for Internet by Vietnamese Missionaries in Asia


Lời Mở Ðầu

 

1. Ðược Thiên Chúa sai đến muôn dân để nên "bí tích cứu độ phổ quát" 1, Giáo Hội, vì những đòi hỏi căn bản của công giáo tính và vì mệnh lệnh của Ðấng Sáng Lập 2, 1* nhất quyết loan báo Phúc Âm cho hết mọi người. Thực vậy, chính các Tông Ðồ, nền tảng của Giáo Hội, đã theo chân Chúa Kitô, "rao giảng lời chân lý và khai sinh các giáo đoàn" 3. Do đó, những người kế vị các Tông Ðồ có nhiệm vụ tiếp tục công việc này, để "lời Chúa được lan tràn và sáng tỏ" (2 Th 3,1), nước Chúa được công bố và thiết lập khắp trần gian.

Nhưng tình trạng thế giới hiện nay đặt nhân loại trong một hoàn cảnh 2* mới, vì thế Giáo Hội, là muối đất và ánh sáng trần gian 4, càng được kêu mời khẩn thiết hơn để cứu rỗi và canh tân mọi loài, hầu mọi sự được tái lập trong Chúa Kitô, và nơi Ngài mọi người họp thành một gia đình và một Dân Chúa duy nhất.

Bởi vậy 3*, trong niềm cảm tạ Thiên Chúa vì những kỳ công mà toàn thể Giáo Hội đã nhiệt tâm thực hiện, Thánh Công Ðồng này ao ước vạch ra những nguyên tắc hoạt động truyền giáo và tập trung năng lực mọi tín hữu lại, để Dân Chúa, khi dấn thân bước trên đường chật hẹp của thập giá, mở rộng nước Chúa Kitô, là Chúa và là Ðấng thấu suốt muôn đời 5 đồng thời dọn đường chờ Người đến.

 

Chương I

Những Nguyên Tắc Giáo Thuyết 4*

 

2. Ý định của Chúa Cha. Tự bản tính, Giáo Hội lữ hành phải truyền giáo, vì chính Giáo Hội bắt nguồn từ sứ mạng của Chúa Con và Chúa Thánh Thần theo Ý Ðịnh của Thiên Chúa Cha 6. 5*

Ý định này tuôn trào từ "suối tình yêu" cũng là lòng thương của Thiên Chúa Cha, vì chính Ngài là Nguyên lý vô Nguyên lý, bởi Ngài Chúa Con được sinh ra, và cũng bởi Ngài và nhờ Chúa Con mà phát xuất Chúa Thánh Thần. Vì quá nhân từ thương xót, Người đã tự ý dựng nên chúng ta, và lại nhưng không mời gọi chúng ta tham dự vào sự sống và vinh hiển với Ngài; Ngài còn rộng rãi đổ tràn lòng nhân từ xuống cho chúng ta và còn đổ mãi không ngừng đến nỗi Ngài là Ðấng tác tạo muôn loài lại trở nên "mọi sự trong mọi người" (1Cor 15,28), để đồng thời làm vinh danh Ngài và mưu cầu hạnh phúc cho chúng ta. Thực vậy, Thiên Chúa muốn mời gọi mọi người tham dự vào sự sống của Ngài, không những chỉ từng cá nhân không liên lạc gì với nhau, mà Ngài còn liên kết họ thành một dân duy nhất, trong đó đoàn tụ mọi con cái đã tản mác khắp nơi 7.

3. Sứ mệnh của Chúa Con. Ý định của Thiên Chúa nhằm cứu rỗi toàn thể nhân loại không phải chỉ được thực hiện một cách có thể nói là kín đáo trong tâm trí con người, hoặc bằng những kế hoạch, ngay cả kế hoạch tôn giáo, để nhờ đó con người tìm kiếm Thiên Chúa bằng nhiều cách, "hầu may ra sẽ đến gần Ngài hoặc gặp được Ngài, mặc dù Ngài không ở xa mỗi người chúng ta" (CvTđ 17,27); những kế hoạch đó cần phải được soi dẫn và tu bổ, tuy đôi khi, nhờ ý định nhân lành của Chúa Quan Phòng, có thể được coi như những con đường hướng về Thiên Chúa chân thật hoặc chuẩn bị Phúc Âm 8. 6* Nhưng để củng cố hòa bình hay là mối hiệp thông cùng Thiên Chúa, và để xây dựng một xã hội huynh đệ giữa con người, con người tội lỗi, Ngài đã quyết định đi vào lịch sử loài người một cách mới mẻ và dứt khoát bằng cách sai Chúa Con mặc lấy xác phàm chúng ta, để nhờ Chúa Con, Ngài giải thoát nhân loại khỏi quyền lực tối tăm và Satan 9 và để trong Chúa Con Ngài hòa giải trần gian với chính Ngài 10. Thật vậy, nhờ Chúa Con mà Ngài đã sáng tạo vũ trụ 11 thì Ngài cũng đặt Chúa Con thừa hưởng vũ trụ, để trong Chúa Con mọi sự được tái lập 12.

Bởi vậy, Chúa Giêsu Kitô được sai xuống thế trần làm trung gian đích thực giữa Thiên Chúa và nhân loại. Vì Người là Thiên Chúa, nên "ở trong Người, ngay trong thân xác Người, có tất cả sự sung mãn về thiên tính" (Col 2,9). Còn theo nhân tính, Người là Adam mới 7* được đặt làm đầu nhân loại đã đổi mới: "Người đầy ân sủng và chân lý" (Gio 1,14). Do đó, bằng đường lối nhập thể đích thực, Con Thiên Chúa đã đến để làm cho loài người thông phần vào bản tính Thiên Chúa; dù giàu sang, Người đã trở nên nghèo hèn vì chúng ta, để nhờ sự thiếu thốn đó mà chúng ta được sang giầu 13. Con Người không đến để được phục vụ nhưng là để phục vụ và hiến mạng sống chuộc tội thay cho nhiều người, nghĩa là mọi người 14. Các Thánh Phụ 8* luôn quả quyết rằng sự gì không được Chúa Kitô nhận lấy thì không được cứu thoát 15. Thật vậy, Chúa Kitô đã nhận lấy trọn vẹn nhân tính chúng ta, là những kẻ khốn khổ và nghèo hèn, ngoại trừ tội lỗi 16. Chúa Kitô, "Ðấng được Chúa Cha thánh hóa và sai xuống trần gian" (x. Gio 19,36) đã nói về chính mình rằng: "Thần Linh Chúa ở trên ta, nên Ngài đã xức dầu cho Ta, sai Ta rao giảng Phúc Âm cho người nghèo khó, an ủi kẻ khổ tâm, loan báo sự giải thoát cho kẻ tù đầy và đem sự sáng mắt cho kẻ đui mù" (Lc 4,18); Người còn nói: "Con Người đến tìm kiếm và cứu vớt điều gì bị hư đi" (Lc 19,10).

Những gì Chúa đã một lần rao giảng hay đã hoàn tất trong Người cho phần rỗi nhân loại, phải được công bố và truyền bá tới tận cùng trái đất 17, bắt đầu từ Giêrusalem 18: như thế những gì đã một lần thực hiện cho phần rỗi mọi người, sẽ có hiệu lực qua suốt dòng thời gian, cho hết mọi người.

4. Sứ mệnh của Chúa Thánh Thần. Ðể hoàn thành việc đó, Chúa Kitô đã sai Chúa Thánh Thần từ Chúa Cha đến để Ngài thực hiện công trình cứu chuộc trong các tâm hồn và thúc đẩy Giáo Hội bành trướng thêm mãi. Dĩ nhiên là Chúa Thánh Thần đã hành động nơi trần gian trước khi Chúa Kitô được vinh hiển 19, nhưng trong ngày Hiện Xuống, Ngài đã ngự xuống trên các Tông Ðồ để ở lại với họ muôn đời 20: Giáo Hội công khai ra mắt dân chúng, Phúc Âm bắt đầu được phổ biến giữa muôn dân nhờ lời giảng dạy, và sau hết tiên báo sự hợp nhất các dân tộc trong tính cách công giáo của đức tin, nhờ Giáo Hội Tân Ước 9* nói mọi thứ tiếng, thấu hiểu và bao gồm mọi ngôn ngữ trong tình bác ái, và như thế đã thắng vượt sự phân tán do tháp Babel 21. 10* Thực vậy "công vụ Tông đồ" bắt đầu từ ngày Hiện Xuống, như khi Chúa Thánh Thần đến ngự trên Trinh Nữ Maria thì Chúa Kitô được thụ thai, và như khi Chúa Thánh Thần ngự trên Chúa Kitô lúc Người cầu nguyện thì Người được thúc đẩy bắt đầu thi hành chức vụ 22. Chính Chúa Giêsu trước khi hiến mạng sống mình cho thế gian một cách tự do, đã xếp đặt chức vụ Tông Ðồ và hứa sai Chúa Thánh Thần đến hầu chức vụ và việc sai ban Chúa Thánh Thần liên kết với nhau, để công trình cứu chuộc luôn luôn đem lại kết quả khắp nơi 23. Qua mọi thời đại, Chúa Thánh Thần "hợp nhất toàn thể Giáo Hội trong mối hiệp thông và thừa hành, ban phát các ơn phẩm trật và đặc sủng 11* khác nhau" 24, như là linh hồn làm sống động những Tổ Chức trong Giáo Hội 25 và đổ dần vào lòng các tín hữu cũng một tinh thần truyền giáo đã thúc đẩy chính Chúa Kitô. Ðôi khi Chúa Thánh Thần lại chuẩn bị một cách hữu hình cho hành động truyền giáo 26, cũng như không ngừng dùng những phương thế khác nhau để theo sát và hướng dẫn vậy 27.

5. Sứ mệnh của Giáo Hội. Ngay từ đầu, Chúa Giêsu "đã gọi đến với Người những kẻ chính Người muốn và đặt ra mười hai người để họ ở cùng Người rồi sai họ đi rao giảng" (Mc 3,13) 28. Như thế, các Tông Ðồ là mầm mống của Israel mới, đồng thời cũng là nguồn gốc của hàng Giáo Phẩm. Sau đó, khi Chúa Giêsu, bằng cái chết và sự sống lại, đã một lần hoàn tất nơi Người những mầu nhiệm cứu rỗi chúng ta và canh tân vũ trụ, Người đã chiếm hữu toàn quyền trên trời dưới đất 29 và trước khi về trời 30, đã thiết lập Giáo Hội Người làm bí tích cứu độ, và sai các Tông Ðồ đi khắp thế gian như chính Người đã được Chúa Cha sai 31, khi Người truyền: "Vậy các con hãy đi dạy dỗ muôn dân: rửa tội cho họ nhân danh Cha và Con và Thánh Thần, và dạy họ giữ mọi điều Ta đã truyền cho các con" (Mt 28,19-20). "Hãy đi khắp trần gian rao giảng Phúc Âm cho hết mọi loài thụ tạo. Ai tin và chịu phép Rửa sẽ được cứu rỗi: còn ai không tin sẽ bị luận phạt" (Mc 16,15). Do đó, Giáo Hội có bổn phận truyền bá đức tin và ơn cứu rỗi của Chúa Kitô, phần thì do mệnh lệnh rõ ràng mà các Tông Ðồ đã truyền lại cho hàng Giám Mục 12* với sự tham dự của các linh mục, hợp nhất với Ðấng kế vị Phêrô cũng là Mục Tử Tối Cao của Giáo Hội, phần thì do đời sống mà Chúa Kitô thông ban cho các chi thể, "nhờ Người, toàn thân được khăng khít và liên kết với nhau bằng mọi mối khớp cung dưỡng, tùy theo mức độ hoạt động của mỗi chi thể, làm cho thân thể triển nở mà tự kiến tạo trong đức ái" (Eph 4,16). Vì thế, sứ mệnh của Giáo Hội được hoàn tất do việc Giáo Hội vâng lệnh Chúa Kitô, được ân sủng và tình thương Chúa Thánh Thần thúc đẩy, đã trở nên hoàn toàn thực sự có mặt nơi mọi người hay mọi dân tộc, để nhờ gương mẫu đời sống, lời giảng dạy, các Bí Tích và những phương tiện ân sủng khác, Giáo Hội sẽ dẫn họ đến đức tin, tự do và hòa bình của Chúa Kitô: nhờ đó họ thấy con đường tự do và vững chắc giúp họ tham dự trọn vẹn mầu nhiệm Chúa Kitô.

Vì sứ mệnh này tiếp diễn, và qua dòng lịch sử làm sáng tỏ sứ mệnh của chính Chúa Kitô, Ðấng đã được sai đến rao giảng Phúc Âm cho người nghèo khó, nên Giáo Hội được Thánh Thần Chúa Kitô thúc đẩy, cũng phải tiến bước trên chính con đường mà Chúa Kitô đã đi, là nghèo khó, vâng lời, phục vụ và tự hiến thân cho đến chết, để rồi toàn thắng nhơ sự sống lại 13* của Người. Chính các Tông Ðồ trong niềm hy vọng cũng đã bước đi trên đường lối đó, đã chịu nhiều nghịch cảnh và đau khổ để hoàn tất những gì còn thiếu sót trong cuộc khổ nạn Chúa Kitô đã chịu vì thân thể Người là Giáo Hội 32. Nhiều khi máu các Kitô hữu còn là hạt giống nữa 33.

6. Hoạt động truyền giáo. Hàng Giám Mục, mà đứng đầu là Ðấng Kế Vị Phêrô, phải chu toàn chức vụ đó, nhờ vào lời cầu nguyện và cộng tác của toàn thể Giáo Hội bất cứ ở đâu và bất cứ trong hoàn cảnh nào, chức vụ đó vẫn chỉ là một chức vụ duy nhất, dầu hoàn cảnh không cho phép thi hành một cách như nhau. Vì thế, sự khác biệt phải nhận là có trong hoạt động của Giáo Hội nhưng không phát sinh từ bản tính sâu xa của chính sứ mệnh, mà từ những hoàn cảnh mà sứ mệnh này được thực thi.

Những hoàn cảnh đó hoặc tùy thuộc vào Giáo Hội, hoặc cũng tùy thuộc vào các dân tộc, các nhóm người, hay những ai mà sứ mệnh nhắm tới. Thực vậy, dù do bản tính Giáo Hội nắm giữ toàn thể, nghĩa là đầy đủ mọi phương tiện cứu rỗi, nhưng Giáo Hội không hành động, cũng không thể hành động luôn luôn và tức khắc theo mọi phương tiện đó, mà phải dò dẫm những bước đầu, rồi tùy theo các giai đoạn mà hành động, để cố gắng thực hiện hữu hiệu ý định của Thiên Chúa. Hơn nữa, đôi lúc sau khi có những tiến bộ may mắn ban đầu, Giáo Hội lại phải đau đớn lùi bước, hay ít ra dừng lại trong một trạng thái lưng chừng và thiếu sót. Ðối với con người, đoàn thể hay dân tộc, Giáo Hội chỉ tiếp xúc và thấm nhập dần dần, và như vậy nhận họ vào hưởng sự sung mãn công giáo. Những hành động riêng tư hay những khí cụ thích nghi phải tương xứng với từng hoàn cảnh hay từng trạng thái.

Ðược gọi chung là "việc truyền giáo" tất cả những công cuộc đặc biệt giúp đỡ các nhà rao giảng Phúc Âm của Giáo Hội 14* đang đi khắp thế gian để thực hiện chức vụ rao giảng Phúc Âm, và "trồng" Giáo Hội vào các dân tộc, cũng như những nhóm người chưa tin Chúa Kitô; những công cuộc này được hoàn thành nhờ hoạt động truyền giáo, và phần nhiều được thực hiện trong những địa hạt nhất định mà Tòa Thánh đã công nhận. Mục đích riêng của hoạt động truyền giáo này là rao giảng Phúc Âm và trồng Giáo Hội vào các dân tộc hay những nhóm người mà Giáo Hội còn chưa bén rễ 34. Như thế, do hạt giống lời Chúa, các Giáo Ðoàn địa phương một khi đã được thiết lập đầy đủ khắp nơi trên thế giới, phải lớn lên, và, một khi thực sự tự mình có đủ sức sống và trưởng thành, nghĩa là đã được thiết lập Hàng Giáo Phẩm riêng, phải hiệp nhất với dân trung thành; đồng thời có những phương tiện hầu như tương ứng để sống đầy đủ đời sống Kitô giáo, các Giáo Ðoàn đó phải góp phần vào lợi ích của toàn thể Giáo Hội. Phương tiện chính để gieo trồng các Giáo Ðoàn này là việc rao giảng Phúc Âm của Chúa Giêsu Kitô; chính vì vậy mà Chúa đã sai các môn đệ đi khắp thế gian rao giảng Phúc Âm, để sau khi con người đã được tái sinh do lời Thiên Chúa 35 sẽ nhờ phép Rửa mà gia nhập Giáo Hội, một Giáo Hội, với tư cách là thân xác của Ngôi Lời nhập thể, được nuôi dưỡng và sống động bằng lời Chúa và bánh thánh thể 36.

Trong hoạt động truyền giáo của Giáo Hội, có nhiều thời cảnh đôi khi lẫn lộn với nhau: trước hết là thời khởi công hay gieo trồng, sau đó là thời mới mẻ trẻ trung. Tuy nhiên, khi trải qua các thời cảnh đó rồi, hoạt động truyền giáo của Giáo Hội vẫn không ngừng trệ: các Giáo Ðoàn địa phương đã được thiết lập có nhiệm vụ tiếp tục hoạt động truyền giáo và rao giảng Phúc Âm cho từng người còn ở ngoài 15* Giáo Hội.

Ngoài ra, những nhóm người mà Giáo Hội đang chung sống, thường bị thay đổi tận gốc vì nhiều lý do khác nhau, đến nỗi có thể xuất hiện những hoàn cảnh hoàn toàn mới mẻ. Khi ấy Giáo Hội phải cân nhắc xem những hoàn cảnh đó có còn đòi phải hoạt động truyền giáo nữa không? Ngoài ra đôi khi có những hoàn cảnh làm cho trong một thời gian không thể trực tiếp thi hành ngay sứ mệnh rao giảng Phúc Âm: lúc đó, các nhà truyền giáo có thể và phải làm chứng về Chúa Kitô trong nhẫn nhục, khôn ngoan, đồng thời trong tin tưởng vững vàng, ít nữa là làm chứng bằng bác ái và lòng từ thiện; như thế là dọn đường cho Chúa và làm cho Ngài hiện diện một cách nào đó.

Như thế, rõ ràng là hoạt động truyền giáo bắt nguồn sâu xa từ chính bản tính của Giáo Hội. Nó truyền bá đức tin cứu rỗi của Giáo Hội, hoàn tất sự hiệp nhất công giáo của Giáo Hội bằng cách làm bành trướng sự hiệp nhất này, nó dựa vào tính cách tông truyền của Giáo Hội, nó thể hiện ý nghĩa cộng đoàn của hàng Giáo Phẩm, nó làm chứng, truyền bá và thúc đẩy sự thánh thiện của Giáo Hội. Như thế, hoạt động truyền giáo giữa muôn dân khác với việc thi hành hoạt động mục vụ giúp các tín hữu và với những công cuộc nhằm tái lập sự hiệp nhất Kitô hữu. Tuy nhiên, cả hai việc này đều liên kết rất chặt chẽ với nhiệt tâm truyền giáo của Giáo Hội 37: thực vậy, sự chia rẽ giữa các Kitô hữu gây tai hại cho công việc rất thánh thiện là rao giảng Phúc Âm cho mọi loài thụ tạo 38, và còn khép kín con đường đưa tới đức tin đối với nhiều người. Do đó, vì sứ mệnh truyền giáo đòi hỏi, tất cả những ai đã chịu phép Rửa Tội đều được kêu gọi quy tụ vào một đoàn duy nhất, và như thế họ có thể đồng lòng làm chứng về Chúa Kitô, Chúa của họ, trước mặt muôn dân. Nếu họ chưa có thể làm chứng đầy đủ về một đức tin duy nhất, thì ít ra họ phải sống trong niềm quí trọng và yêu mến nhau.

7. Lý do và sự cần thiết của hoạt động truyền giáo. Lý do hoạt động truyền giáo này bắt nguồn từ ý muốn của Thiên Chúa, Ðấng "muốn mọi người được cứu rỗi và nhận biết chân lý. Thực vậy chỉ có một Thiên Chúa duy nhất, một trung gian duy nhất giữa Thiên Chúa và loài người, là con người Giêsu Kitô, Ðấng đã tự hiến để cứu chuộc mọi người" (1Tm 2,4-6), "và sự cứu rỗi không ở trong một người nào khác" (CvTđ 4,12). Vậy mọi người, nhờ lời giảng dạy của Giáo Hội mà nhận biết Người, phải trở lại với Người và chịu phép Rửa để sáp nhập vào chính Người và vào Giáo Hội, Thân Thể Người. Thực vậy, chính Chúa Kitô "đã minh nhiên công bố sự cần thiết của đức tin và của phép Thánh Tẩy 39, đồng thời, Người đã xác nhận sự cần thiết của Giáo Hội mà mọi người phải bước vào qua cửa phép Thánh Tẩy. Vì thế, những ai biết rằng Giáo Hội Công Giáo, được Thiên Chúa thiết lập nhờ Chúa Giêsu Kitô, như phương tiện cứu rỗi cần thiết, mà vẫn không muốn kiên trì sống trong Giáo Hội thì không thể được cứu rỗi" 40. Cho nên, dù Thiên Chúa có thể dùng những đường lối Ngài biết để đưa những kẻ không vì lỗi mình mà chưa biết Phúc Âm đến với đức tin, vì không có đức tin thì không thêå làm vui lòng Ngài 41, nhưng Giáo Hội có bổn phận và đồng thời có thánh quyền rao giảng Phúc Âm 42; do đó, ngày nay và luôn mãi, hoạt động truyền giáo 16* vẫn còn giữ vẹn hiệu lực và cần thiết.

Nhờ hoạt động truyền giáo, Nhiệm Thể Chúa Kitô không ngừng qui tụ và phối hợp các năng lực vào việc phát triển chính mình 43. Ðể theo đuổi hoạt động truyền giáo, các chi thể của Giáo Hội phải được bác ái thúc đẩy vì nhờ đó họ yêu mến Thiên Chúa và ước ao san sẻ cho mọi người các ân huệ thiêng liêng đời này và đời sau.

Sau cùng, nhờ hoạt động truyền giáo này, Thiên Chúa được hoàn toàn tôn vinh, một khi con người ý thức chấp nhận hoàn toàn công trình cứu chuộc mà Ngài đã hoàn thành trong Chúa Kitô. Do đó, nhờ hoạt động truyền giáo, ý định của Thiên Chúa được hoàn tất: Chúa Kitô đã vâng lời và yêu mến Chúa Cha để làm tôn vinh danh Chúa Cha, Ðấng đã sai Người 44, hầu toàn thể nhân loại hợp thành một Dân Chúa duy nhất, kết thành một thân thể duy nhất của Chúa Kitô, xây dựng thành một đền thờ duy nhất của Chúa Thánh Thần: điều đó nói lên sự đồng tâm huynh đệ, nên chắc chắn sẽ đáp ứng nguyện vọng sâu xa của hết mọi người. Chính vì thế mà sau cùng sẽ thực sự hoàn tất ý định của Ðấng Tạo Hóa, Ðấng đã dựng nên con người theo hình ảnh mình và giống như mình, khi mà tất cả những ai tham dự bản tính nhân loại, một khi đã được tái sinh trong Chúa Kitô nhờ Chúa Thánh Thần và cùng nhau chiêm ngưỡng vinh quang Thiên Chúa, sẽ có thể nói: "lạy Cha chúng tôi" 45.

8. Hoạt động truyền giáo trong đời sống và trong lịch sử của nhân loại. Hoạt động truyền giáo cũng liên kết chặt chẽ với chính bản tính nhân loại và những ước vọng của nhân loại. Thực vậy, khi biểu dương Chúa Kitô, chính là Giáo Hội mạc khải cho con người biết chân lý đích thực về hoàn cảnh và ơn gọi toàn diện của họ, vì Chúa Kitô là nguyên lý và mẫu mực của nhân loại đổi mới, một nhân loại thấm nhuần tình thương huynh đệ, sự thành thật và tinh thần hòa bình mà mọi người đều ước nguyện. Chúa Kitô và Giáo Hội, một Giáo Hội làm chứng về chính Chúa Kitô qua lời rao giảng Phúc Âm, vượt trên mọi dị biệt về nòi giống và dân tộc; như thế, Chúa Kitô và Giáo Hội không có thể bị coi là xa lạ với bất cứ ai hay bất cứ nơi nào 46. Chính Chúa Kitô là sự thật và là đường lối mà việc rao giảng Phúc Âm đã bày tỏ cho mọi người khi vọng đến tai họ những lời của chính Chúa Kitô: "Hãy hối cải và tin vào Phúc Âm" (Lc 1,15). Vì kẻ nào không tin thì đã bị luận phạt rồi 47, nên lời Chúa Kitô vừa là lời luận phạt vừa là lời ân sủng, vừa đem lại sự chết vừa thông ban sự sống. Thực vậy, chỉ có cách hủy diệt cái cũ, chúng ta mới có thể tiến đến một đời sống mới: điều đó tuy trước tiên áp dụng cho con người, nhưng cũng có giá trị cho những của cải khác ở thế gian này; những của cải đó đã bị tội lỗi loài người ghi dấu và đồng thời cũng được Thiên Chúa chúc lành: "vì chưng mọi người đã phạm tội và đã làm mất vinh quang Thiên Chúa" (Rm 3,23). Tự mình và do sức riêng mình, không ai được giải thoát khỏi tội lỗi và thắng vượt chính mình, cũng không ai hoàn toàn thoát ly được yếu đuối, cô đơn hay nô lệ 48, nhưng mọi người đều cần Chúa Kitô làm gương mẫu, làm Thầy dạy, là Ðấng giải thoát, Ðấng cứu độ và Ðấng ban sự sống. Thực ra, trong lịch sử loài người dù là về phương diện trần thế, Phúc Âm đã là men tự do và tiến bộ, lại luôn chứng tỏ là men huynh đệ, hiệp nhất và hòa bình. Vậy không phải là vô lý khi các tín hữu sùng kính Chúa Kitô như là "Ðấng muôn dân trông đợi và là Ðấng cứu chuộc muôn dân" 49.

9. Tính cách cánh chung của hoạt động truyền giáo. Vì thế, thời gian hoạt động truyền giáo là thời gian ở giữa hai lần Chúa đến; và khi Chúa đến lần thứ hai 17*, Giáo Hội ví như mùa gặt được thu góp vào Nước Chúa từ bốn phương trời 50. Thực vậy, trước khi Chúa đến, Phúc Âm phải được rao giảng cho mọi dân tộc 51.

Hoạt động truyền giáo không gì khác hơn, cũng không gì kém hơn là biểu lộ hoặc bày tỏ ý định của Thiên Chúa và hoàn tất ý định đó nơi trần thế và trong lịch sử thế trần, chính trong lịch sử này mà Thiên Chúa hoàn thành lịch sử cứu rỗi một cách rõ rệt nhờ việc truyền giáo. Nhờ lời rao giảng và việc cử hành các bí tích, mà trung tâm và tuyệt đỉnh là phép Thánh Thể, hoạt động truyền giáo làm cho Chúa Kitô, Ðấng tác thành công trình cứu rỗi được hiện diện. Tất cả những gì là chân lý và ân sủng đã được tìm thấy nơi các dân tộc như một sự hiện diện bí ẩn của Thiên Chúa sẽ được hoạt động truyền giáo giải thoát cho khỏi bị nhiễm độc, và hoàn lại cho Chúa Kitô là Ðấng tác thành chúng, Ðấng đã lật đổ nước ma quỷ và chận đứng sự dữ muôn hình của tội lỗi. Bởi vậy, bất cứ điều gì tốt đẹp được nhận biết là đã được gieo vãi trong tâm trí con người, hay trong những lễ chế và văn minh riêng của các dân tộc, sẽ không bị hủy diệt, mà còn được thanh tẩy, thăng tiến và hoàn tất, để Chúa được tôn vinh, ma quỷ bị xấu hổ và con người được hạnh phúc 52. Vì thế, hoạt động truyền giáo hướng về sự viên mãn cánh chung 53: nhờ hoạt động truyền giáo này, Dân Chúa được phát triển tới mức độ và thời gian mà Chúa Cha đã ấn định do quyền riêng của Ngài 54 như lời tiên tri nói với Dân này rằng: "Hãy mở rộng nơi con cắm trại, hãy căng rộng lều vải của con, đừng ngần ngại" (Is 54,2) 55. Cũng nhờ hoạt động truyền giáo, Nhiệm Thể được triển nở đến thời hạn viên mãn của Chúa Kitô 56, và đền thờ thiêng liêng, nơi Thiên Chúa được thờ lạy trong tinh thần và chân lý 57, sẽ lớn lên và được xây dựng "trên nền móng là các Tông đồ và các Tiên tri mà chính Chúa Giêsu Kitô là viên đá góc" (Eph 2,20).

 


Chú Thích:

1 CÐ Vat. II, Hiến chế tín lý về Giáo Hội, số 48 : AAS 57 (1965), trg 53. (Trở lại đầu trang)

2 Xem Mt 16,15. (Trở lại đầu trang)

1* Sắc Lệnh đưa ra hai lý do minh chứng sự truyền giáo là cần thiết: a) Giáo Hội là Công Giáo mở rộng cho mọi người, để tất cả trở nên phần tử của Giáo Hội. b) Chúa Giêsu Kitô đã truyền lệnh rao giảng Phúc Âm cho mọi người. Nguyên hai lý do này đủ để ngăn chận mọi mưu toan nhằm giảm bớt giá trị của công việc truyền giáo, viện cớ rằng người ngoài Kitô giáo tìm được con đường cứu rỗi trong tôn giáo của họ, vì thế không nên đem Phúc Âm đến quấy phá họ. Sắc Lệnh này nhấn mạnh rằng tiếng "cải hóa" người Kitô giáo về với Chúa phải hiểu theo đúng nghĩa của nó. (Trở lại đầu trang)

3 T. Augustinô, Enar. in Ps. 44, 23 : PL 36, 508 ; CChr 38, 510. (Trở lại đầu trang)

2* Hoàn cảnh mới (tiếng la ngữ ở số ít) được tạo nên vì con người hiện đại có khuynh hướng tiến đến một cộng đoàn thế giới và thống nhất nhân loại. Khuynh hướng này làm cho nhiệm vụ truyền giáo của Giáo Hội trở nên cấp bách hơn, vì nhiệm vụ quy tụ mọi người làm thành một Dân duy nhất của Chúa. (Trở lại đầu trang)

4 Xem Mt 5,13-14. (Trở lại đầu trang)

3* Ðoạn này trình bày một cách vắn tắt mục đích của Sắc Lệnh. (Trở lại đầu trang)

5 Xem Hđ 36,19. (Trở lại đầu trang)

4* Theo yêu cầu của nhiều Nghị Phụ, chương này, trên phương diện giáo lý, phải liên kết công việc truyền giáo với ý định của Chúa về nhân loại. Ý định này là chính tình yêu được biểu lộ qua sứ mạng Thần Linh của Chúa Con và Chúa Thánh Thần. Giáo Hội chính là hiệu quả của các sứ mạng đó, và hoạt động truyền giáo là nối dài các sứ mạng đó đến với người ngoài Kitô giáo. Những ý tưởng này đã được phác họa trong Hiến chế tín lý về Giáo Hội, và được quảng diễn thêm ở đây. (Trở lại đầu trang)

6 Xem CÐ Vat. II, Hiến chế tín lý về Giáo Hội, số 2 : AAS 57 (1965), trg 5-6. (Trở lại đầu trang)

5* Câu này quả quyết cơ cấu về sứ mệnh của Ba Ngôi, sứ mệnh dính liền với ý định Ngôi Cha (số 2), với sứ mệnh Ngôi Con (số 3) và Chúa Thánh Thần (số 4). Các đoạn này thuộc phạm vi thần học thuần túy. (Trở lại đầu trang)

7 Xem Gio 11,52. (Trở lại đầu trang)

8 Xem T. Ireneô, Adv. Haer. III, 18,1 :"Ngôi Lời tồn hữu nơi Thiên Chúa, nhờ Người muôn vật được tạo dựng, và Người hằng hiện diện giữa nhân loại": PG 7, 937. - n.t., IV, 6, 7: "Từ nguyên thủy, Chúa Con hiện diện trong công trình tạo dựng, đã mạc khải Chúa Cha cho những ai Người muốn, khi nào Người muốn và như Người muốn": PG 7, 990. - Xem n.t., IV, 20, 6 và 7: PG 7, 1037. - T. Ireneô, Demonstratio số 34: PO XII, 773: Sources Chr. 62, Paris 1958, trg 87. - Clementê Alex., Protrep. 112, 1: GCS, n.t., 485. - Về chính giáo thuyết này: Xem Piô XII, diễn văn truyền thanh 31-12-1952. - CÐ Vat. II, Hiến chế tín lý về Giáo Hội, số 16: AAS 57 (1965), trg 20. (Trở lại đầu trang)

6* Cho đến đây, đoạn này còn đề cập đến những người ngoài Kitô giáo. (Trở lại đầu trang)

9 Xem Col 1,13; CvTđ 10,38. (Trở lại đầu trang)

10 Xem 2Cor 5,19. (Trở lại đầu trang)

11 Xem Dth 1,2 ; Gio 1,3 và 10 ; 1Cor 8,6 ; Col 1,16. (Trở lại đầu trang)

12 Xem Eph 1,10. (Trở lại đầu trang)

7* Adam mới là Chúa Kitô, nguồn ơn cứu độ của chúng ta, còn Adam thứ nhất (Stk 2-3) là nguồn gốc sự sa đọa và thiệt hại thiêng liêng. (Trở lại đầu trang)

13 Xem 2Cor 8,9. (Trở lại đầu trang)

14 Xem Mc 10,45. (Trở lại đầu trang)

8* Các Thánh Phụ, cũng gọi là Giáo Phụ, là những văn sĩ công giáo thời thượng cổ (từ thế kỷ thứ 1 đến thế kỷ thứ 8). (Trở lại đầu trang)

15 Xem T. Athanasiô, Epist. ad Epictetum, 7: PG 26, 1060. - T. Cyrillô Hier., Catech. 4, 9: PG 33, 465. - Mariô Victorinô, Adv. Arium 3, 3 : PL 8, 1101. - T. Basiliô, Epist. 261, 2: PG 32, 969. - T. Gregoriô Naz., Epist. 101: PG 37, 181. - T. Gregoriô Nyss., Antirrheticus, Adv. Apollin., 17 : PG 45, 1116. - T. Ambrosiô, Epist. 48, 5: PL 16, 1153. - T. Augustinô, In Jo., Evang. tr. XXIII, 6: PL 35, 1585; CChr. 36, 236. - Hơn nữa, một điều chứng tỏ Chúa Thánh Thần đã không cứu chuộc chúng ta vì Người đã không nhập thể : De Agone Christ . 22, 24: PL 40, 302. - T. Cyrillô Alex., Adv. Nestor. I, I: PG 76, 20. - T. Fulgentiô, Epist. 17, 3, 5: PL 65, 454 ; Ad Trasimundum III, 21: PL 65, 284: de tristitia et timore. (Trở lại đầu trang)

16 Xem Dth 4,15 ; 9,28. (Trở lại đầu trang)

17 Xem CvTđ 1,8. (Trở lại đầu trang)

18 Xem Lc 24,47. (Trở lại đầu trang)

19 Chính Chúa Thánh Thần đã dùng các tiên tri mà phán dạy: Symb. Constantinopol: DS 150 - T. Leô Cả, Sermo 76: PL 54, trg 405-406: "Trong ngày Hiện Xuống, Chúa Thánh Thần đã đổ tràn ơn xuống cho các môn đệ Chúa Kitô, nhưng đó không phải là khởi đầu ân huệ mà là bổ sung ân phúc: vì các tổ phụ, các tiên tri, các thượng tế, cũng như toàn thể các Thánh sống trong những thời đại xa xưa, cũng đã được chính Chúa Thánh Thần thánh hóa dưỡng nuôi, mặc dầu mức độ ân phúc có khác nhau". Và Sermô 77, 1: PL 54, 412. - Leô XIII, Tđ. Divinum illud, 9-5-1897: ASS 29 (1897) trg 650-651. - T. Gioan Kim Khẩu cũng nói như vậy mặc dù Ngài nhấn mạnh về tính cách mới mẻ của sứ mệnh Chúa Thánh Thần trong ngày Hiện Xuống: In Eph. 4, hom. 10, 1: PG 62, 75. (Trở lại đầu trang)

20 Xem Gio 14,16. (Trở lại đầu trang)

9* Giao ước cũ được ký kết giữa Thiên Chúa và dân Do Thái. Giao ước đó có tính cách quốc gia. Giao ước mới thì phổ quát được ký kết giữa Thiên Chúa và nhân loại, bằng Máu Chúa Giêsu Kitô, đổ ra trên Núi Sọ (x. Mt 26,28). (Trở lại đầu trang)

21 Các Giáo Phụ thường nói về tháp Babel và ngày Hiện Xuống: Origenê, In Genesim, ch. 1: PG 12, 112. - T. Gregoriô Naz. Oratio 41, 16: PG 36, 449. - T. Gioan Kim Khẩu, Hom. 2 in Pentec., 2: PG 50, 467. - n.t., In Act. Apost.: PG 60, 44. - T. Augustinô, En. in Ps. 54, 11: PL 36, 636 ; CChr. 39, 664 tt. - n.t., Sermo 271: PL 38, 1245. - T. Cyrillô Alex., Glaphyra in Genesim II: PG 69, 79. - T. Gregoriô Cả, Hom. in Evang., c. II, hom. 30, 4: PL 76, 1222. - T. Beda, In Hexaem., c. III: PL 91, 125. - Ngoài ra, xem bức họa nơi tiền đường của Vương Cung Thánh Ðường Marcô ở Venezia. - Giáo Hội nói mọi thứ tiếng, và như thế hợp nhất mọi người trong tính cách đại đồng của đức tin: T. Augustinô, Sermones 266, 267, 268, 269: PL 38, 1225-1237. -n.t., Sermo 175, 3: 38, 946. - T. Gioan Kim Khẩu, In Epist. 1 ad Cor., hom. 35 : PG 61, 296. - T. Cyrillô Alex., Fragm. in Act.: PG 74, 758. - T. Fulgentiô, Sermo 8, 2-3: PL 65, 743-744. - về lễ Hiện Xuống như là thánh hiến các Tông Ðồ cho sứ mệnh, xem J.A. Cramer, Catena in Acta SS. Apostolorum, Oxford 1838, trg 24 tt. (Trở lại đầu trang)

10* Cũng như tháp Babel (Stk 11, 8-9) tượng trưng sự chia rẽ và tản mác, thì lễ Hiện Xuống (CvTđ 2, 5-12) tượng trưng sự hiệp nhất và đoàn kết. (Trở lại đầu trang)

22 Xem Lc 3,22 ; 4,1 ; CvTđ 10,38. (Trở lại đầu trang)

23 Xem Gio các đoạn 14-17. - Phaolô VI, Huấn từ đọc tại Công Ðồng, 14-9-1964: AAS 56 (1964), trg 807. (Trở lại đầu trang)

11* Ðặc sủng là những ơn đặc biệt Chúa ban cho một ít người như ơn làm phép lạ, tiên đoán tương lai, biết bí mật tâm hồn. Ơn phẩm trật là quyền thiêng liêng cai trị và thánh hóa giáo dân (tha tội, hiến thánh bánh và rượu thành Mình và Máu Chúa Kitô v.v...). (Trở lại đầu trang)

24 Xem CÐ Vat II, Hiến chế tín lý về Giáo Hội, số 4: AAS 57 (1965), trg 7. (Trở lại đầu trang)

25 T. Augustinô, Sermo 267, 4 : PL 38, 1231: "Linh Hồn làm gì trong tất cả các chi thể của một thân thể, thì Chúa Thánh Thần cũng làm như thế trong toàn thể Giáo Hội". - Xem CÐ Vat II, Hiến chế tín lý về Giáo Hội, số 7, và ghi chú 8: AAS 57 (1965), trg 11. (Trở lại đầu trang)

26 Xem CvTđ 10,44-47; 11,15; 15,8. (Trở lại đầu trang)

27 Xem CvTđ 4,8; 5,32; 8,26.29.39; 9,31; 10; 11,24-28; 13,2.4.9; 16,6-7; 20,22-23; 21,11 v.v... (Trở lại đầu trang)

28 Xem thêm Mt 10,1-42. (Trở lại đầu trang)

29 Xem Mt 28,18. (Trở lại đầu trang)

30 Xem CvTđ 1,4-8. (Trở lại đầu trang)

31 Xem Gio 20,21. (Trở lại đầu trang)

12* "Hàng" Giám Mục là giai cấp, địa vị, quyền bính của những ai được tấn phong Giám Mục. Câu "Hàng Giám Mục" cũng có thể chỉ tất cả những ai có quyền hành đó. Ðó là ý nghĩa của số 6. (Trở lại đầu trang)

13* Ðoạn này nói lên nguyên tắc trọng yếu của tất cả mọi hoạt động truyền giáo: hoạt động này phải xử dụng những phương thế như Chúa Giêsu Kitô đã dùng để hoàn thành sứ mệnh của Người (khó nghèo, vâng lời, phục vụ, hy tế). (Trở lại đầu trang)

32 Xem Col 1,24. (Trở lại đầu trang)

33 Xem Tertullianô, Apologet., 50, 13: PL 1, 534; CChr. 1, 171. (Trở lại đầu trang)

14* Ở đây Sắc Lệnh kể ra hai ý niệm then chốt cho hoạt động truyền giáo. Rao giảng Phúc Âm ở đây hiểu theo nghĩa hẹp và chính xác: nghĩa là tuyên bố Phúc Âm và Chúa Kitô bằng lời giảng dạy. Ðây là bước đầu tiên. Còn phải thêm vào việc trồng Giáo Hội. Ðó là thiết lập cộng đoàn Kitô hữu trong đức tin, trong phụng tự, nhất là phụng vụ thánh thể trong tình bác ái, trong qui luật của Giáo Hội, trong tổ chức Hàng Giáo Phẩm. Vun trồng Giáo Hội chính yếu gồm việc thiết lập Hàng Giám Phẩm; tuy nhiên, phương diện pháp lý, và định chế này không phải là phương tiện duy nhất. Trước hết Giáo Hội là một thực thể thiêng liêng mà Hàng Giáo Phẩm phải phục vụ. Việc vun trồng Giáo Hội phải đi đến kết quả này là giáo thuyết Phúc Âm và quy luật Giáo Hội phải đâm rễ sâu trong tâm hồn những người đón nhận việc truyền giáo. Ðã có người muốn hủy bỏ tiếng "trồng" dùng trong Sắc Lệnh, vì theo họ có tính cách quá vật chất. Nhưng danh từ đó đã được giữ lại, vì lẽ nó rất cổ điển trong khoa truyền giáo. Hơn nữa, đó là một danh từ Thánh Kinh (1Cor 3,6-9) được ám chỉ trong Hiến chế tín lý về Giáo Hội (GH số 6, đoạn 2). Nó diễn tả chính xác khía cạnh đời sống; việc đâm rễ và tăng triển thích hợp với hoạt động truyền giáo. Sắc Lệnh lập lại nhiều lần từ ngữ này. Truyền giáo được định nghĩa bằng việc rao giảng Phúc Âm và vun trồng Giáo Hội trong các dân tộc, hay trong những nhóm người chưa tin Chúa Kitô. Sáp nhập việc truyền giáo vào Thánh Bộ Truyền Bá Ðức Tin tại Roma, thực ra không nằm trong định nghĩa của việc truyền giáo. Ðó chỉ là vấn đề thực tế và pháp lý, nhưng không chạm tới yếu tính của việc truyền giáo. Việc sáp nhập này còn có những lợi ích thực tế, như Sắc Lệnh sẽ cho ta thấy sau này. (Trở lại đầu trang)

34 T. Tôma đã nói về nhiệm vụ tông đồ phải vun trồng Giáo Hội: xem Sent., lib. I, dist. 16, q. 1, a. 2 ad 2 và ad 4; a.3 sol. - n.t., Summa theol. Ia, q. 43, a.7 ad 6; I-II, q. 106, a.4 ad 4. - Xem Benedictô XV, Maximum illud, 30-11-1919: AAS 11 (1919), trg 445 và 453. - Piô XI, Rerum Ecclesiae, 28-2-1926: AAS 18 (1926), trg 74. - Piô XII, 30-4-1939, cùng các vị Giám Ðốc các Hội Giáo Hoàng truyền giáo. - n.t., 24-6-1944, cùng quí vị Giám Ðốc các Hội Giáo Hoàng truyền giáo: AAS 36 (1944), trg 210, đăng lại trong AAS 42 (1950), trg 727, và 43 (1954), trg 508. - n.t., 29-6-1948, cùng giáo sĩ bản xứ: AAS 40 (1948), trg 374. - n.t., Evangelii Praecones, 2-6-1951: AAS 43 (1951), trg 507. - n.t., Fidei donum, 15-1-1957 : AAS 49 (1957), trg 236. - Gioan XXIII, Princeps Pastorum, 28-11-1959 : AAS 51 (1959), trg 835. - Phaolô VI, bài giảng ngày 18-10-1964: AAS 55 (1964), trg 911. - Các Ðức Giáo Hoàng cũng như các Giáo Phụ và các nhà Kinh Viện thường nói đến việc mở rộng Giáo Hội: T. Tôma, Comm. in Mt 16,28. - Leô XIII, Tđ. Sancta Dei Civitas, 3-12-1880: AAS 13 (1880), trg 241. - Benedictô XV, Tđ Maximum illud, 30-11-1919: AAS 11 (1919), trg 442. - Piô XI, Tđ. Rerum Ecclesiae, 28-2-1926: AAS 18 (1926), trg 65. (Trở lại đầu trang)

35 Xem 1P 1,23. (Trở lại đầu trang)

36 Xem CvTđ 2,42. (Trở lại đầu trang)

15* Phải chú ý sự nhấn mạnh của đoạn này: việc truyền giáo không kết thúc với việc thiết lập Giáo Hội địa phương, nhưng phải được tiếp tục cho đến khi mọi người trong địa phương đó đã trở nên Kitô hữu. (Trở lại đầu trang)

37 Về quan niệm hoạt động truyền giáo nói đây như đã rõ, là thực tế cũng gồm các phần Châu Mỹ Latinh, nơi chưa có hàng Giáo phẩm riêng, chưa trưởng thành về đời sống Kitô giáo, cũng như chưa được rao giảng Phúc Âm cho đủ. Còn vấn đề những địa hạt đó thực tế có được Tòa Thánh công nhận là địa hạt truyền giáo hay không, thì Công Ðồng không lưu tâm. Vì thế vấn đề liên hệ giữa quan niệm hoạt động truyền giáo với một vài địa hạt nhất định, thì nói cho đúng, hoạt động truyền giáo này "phần nhiều" được thực hiện trong những địa hạt nhất định mà Tòa Thánh đã công nhận. (Trở lại đầu trang)

38 CÐ Vat. II, Sắc lệnh về Hiệp nhất, số 1: AAS 57 (1965), trg 90. (Trở lại đầu trang)

39 Xem Mc 16,16; Gio 3,5. (Trở lại đầu trang)

40 CÐ Vat. II, Hiến chế tín lý về Giáo Hội, số 14 : AAS 57 (1965), trg 18. (Trở lại đầu trang)

41 Xem Dth 11,6. (Trở lại đầu trang)

42 Xem 1Cor 9,16. (Trở lại đầu trang)

16* Trong số này Công Ðồng nhấn mạnh phải dùng lời rao giảng để đưa người ngoài Kitô giáo trở về với Chúa Kitô. Như thế, hoạt động truyền giáo vẫn giữ nguyên ý nghĩa lúc trước, nghĩa là một hoạt động nhằm đem người ngoài Kitô giáo về với Chúa. Cũng như bất cứ lúc nào, công việc này hiện hãy còn cấp bách. (Trở lại đầu trang)

43 Xem Eph 4,11-16. (Trở lại đầu trang)

44 Xem Gio 7,18; 8,30 và 44; 8,50; 17,1. (Trở lại đầu trang)

45 Về ý tưởng tổng hợp này, xem Thánh Ireneô về giáo thuyết "quy tụ về một Thủ Lãnh". - Cũng xem hyppolytô, De Anti-christo, số 3: "Thương yêu hết mọi người và ước ao cứu vớt mọi người, muốn làm cho mọi người thành con Thiên Chúa và kêu mời tất cả các thánh hợp thành một con người hoàn hảo duy nhất...: PG 10,732; GCS Hyppolyt I,2, trg 16: "Thực vậy chỉ có một hành vi duy nhất để nhận biết Thiên Chúa nơi những người sẽ đạt tới Thiên Chúa dưới sự lãnh đạo của chính Ngôi Lời, Ðấng ở cùng Thiên Chúa: như thế, để tất cả mọi người được giáo huấn cẩn thận hầu nhận biết Chúa Cha cho xứng là con cái Ngài, như hiện giờ chỉ có một mình Chúa Con nhận biết Chúa Cha mà thôi": PG 14,49; GCS Orig IV, 20 - T. Augustinô, De Sermone Domini in monte, I 41: "Chúng ta hãy yêu thương những gì có thể cùng chúng ta được dẫn vào vương quốc, nơi mà không một ai nói với Thiên Chúa duy nhất "Cha tôi" nhưng tất cả đều nói "Cha chúng tôi": PL 34, 1250. - T. Cyrillô Alex, In Joann, I: "Thực vậy, tất cả chúng ta đều ở trong Chúa Kitô và chính nơi Người mà bản tính nhân loại chung của chúng ta được tái sinh. Chính vì thế Người đã được gọi là Ađam mới. Người đã cư ngụ giữa chúng ta; Người là Ðấng tự bản tính là Con và cũng là Thiên Chúa; cho nên, trong Thánh Thần Người, chúng ta được kêu lên: Abba, Cha! Ngôi Lời cư ngụ nơi mọi người chúng ta như trong một đền thờ duy nhất, nghĩa là chính đêà thờ mà Người đã nhận lấy vì chúng ta và từ chúng ta ngõ hầu một khi tất cả chúng ta đã ở trong Người, Người sẽ giao hòa tất cả chúng ta với Chúa Cha trong một thân thể duy nhất, như lời Thánh Phaolô": PG 73, 161-164. (Trở lại đầu trang)

46 Benedictô XV, Tđ. Maximum illud, 30-11-1919: AAS 11 (1919), trg 445: "Vì cũng như Giáo Hội Chúa là công giáo, và không xa lạ gì đối với bất cứ một dân tộc hay một quốc gia nào...". - Xem Gioan XXIII, Tđ. Mater et Magister: "Theo thần quyền, Giáo Hội lan rộng đến mọi quốc gia, vì một khi Giáo Hội đi vào một dân tộc nào như tiêm chích quyền lực của mình vào mạch máu của dân tộc đó, thì Giáo Hội không là, cũng không tự coi mình là một tổ chức đặt ngoài dân tộc này... Hơn nữa, tất cả những gì một dân tộc cho là tốt đẹp, thiện hảo, thì họ (tức là những người đã được tái sinh trong Chúa Kitô" cũng xác nhận như thế, và còn làm cho hoàn hảo hơn nữa". 25-5-1961: AAS 53 (1961), trg 444. (Trở lại đầu trang)

47 Xem Gio 3,18. (Trở lại đầu trang)

48 Xem T. Ireneô, Adv. Haer., III, 15, 3: PG 7, 919: "Họ đã là những nhà rao giảng chân lý và là những tông đồ mang lại tự do". (Trở lại đầu trang)

49 Tiền xướng "O" ngày 23-12 trong Breviarium Romanum. (Trở lại đầu trang)

17* Trong số này Sắc Lệnh đặt hoạt động truyền giáo trong viễn ảnh thế mạt: Giáo Hội phải hướng về sự toàn thiện và viên mãn theo ý định của Chúa cho đến ngày cuối cùng. Muốn cho mức độ viên mãn được thực hiện trong mọi tầng lớp nhân loại, vai trò hoạt động tông đồ không thể thiếu được. Một lần nữa, Sắc Lệnh quả quyết truyền giáo là cần thiết. (Trở lại đầu trang)

50 Xem Mt 24,31. - Didachè 10,5 : Funk I,32. (Trở lại đầu trang)

51 Xem Mc 13,10. (Trở lại đầu trang)

52 CÐ Vat. II, Hiến Chế tín lý về Giáo Hội, số 17: AAS 57 (1965), trg 20-21. - T. Augustinô, De Civ, Dei, 19, 17: PL 41, 646. - Thánh Bộ Truyền Bá Ðức Tin, Bài giáo huấn Collectanea I, số 135, trg 42. (Trở lại đầu trang)

53 Theo Origenê, Phúc Âm phải được rao giảng trước khi tận thế: Hom. in Luc., XXI: GCS, Orig. IX 136, 21tt.; - In Matth. comm. ser., 39: XI 75, 25tt.; - 76, 4tt.; - Hom. in Jerem. III, 2: VIII 308, 29t.; - T. Tôma, Summ. Theol., I-II, q. 106, a. 4, ad 4. (Trở lại đầu trang)

54 Xem CvTđ 1,7. (Trở lại đầu trang)

55 T. Hilariô Piet., In Ps. 14: PL 9, 301. - Eusebiô Caes., In Isaiam, 54, 2-3: PG 24, 426-463. - T. Cyrillô Alex., In Isaiam, ch. V, 54,1-3: PG 70, 1193. (Trở lại đầu trang)

56 Xem Eph 4,13. (Trở lại đầu trang)

57 Xem Gio 4,23. (Trở lại đầu trang)

 


Trở Lại Mục Lục Thánh Công Ðồng Vatican II

Back to Vietnamese Missionaries in Asia Home Page