Thánh Công Ðồng Chung Vaticanô II

 

Sắc Lệnh

Về Hoạt Ðộng Truyền Giáo

Của Giáo Hội

Ad Gentes

 

Prepared for Internet by Vietnamese Missionaries in Asia


 

Lời Giới Thiệu

 

Sắc Lệnh về hoạt động truyền giáo của Giáo Hội có một lịch sử dài. Trong giai đoạn chuẩn bị Công Ðồng đã có 7 bản thảo liên tiếp, nhưng ít được chấp nhận. Vì thế, Ủy Ban Công Ðồng đặc trách vấn đề truyền giáo đã soạn thảo một lược đồ mới với nội dung rộng rãi và rõ ràng hơn. Ðiều đáng tiếc là tháng 5-1964, một Ủy Ban phối hợp đã đơn giản lược đồ đó vào 13 vấn đề tuy chính yếu nhưng không mấy phong phú. Ðến ngày 6-11-1964 Công Ðồng khởi sự thảo luận, và một sự kiện lạ thường xảy ra: để biểu lộ mối quan tâm đặc biệt đến một vấn đ9ề quan trọng như vậy, Ðức Giáo Hoàng Phaolô VI đã đích thân giới thiệu vấn đề tranh luận qua một huấn từ ngắn. Ngài nói: "Khi quyết định chủ tọa ít là một buổi họp khoáng đại của quý chư huynh, ngày hôm nay Ta muốn hiện diện lúc quý chư huynh đang quan tâm đến lược đồ về việc truyền giáo. Sở dĩ Ta quyết định như vậy, là vì tầm quan trọng đặc biệt của vấn đề hôm nay đang chi phối tâm trí của quý chư huynh". Sau khi thảo luận 13 vấn đề, người ta thấy rằng lược đồ rất ít được quảng diễn. Cuộc bỏ phiếu ngày 9-11-1964 quyết định là Ủy Ban đặc trách các vấn đề truyền giáo phải soạn thảo một lược đồ mới. Dĩ nhiên, Ủy Ban đã thu lượm được tất cả những nhận xét của các Nghị Phụ, nhờ đó, kết quả rất tích cực. Một lược đồ mới ra đời và ai cũng ca tụng: dàn bài rõ ràng và hợp lý, trích dẫn Thánh Kinh, nền tảng thần học vững chắc, giáo lý dồi dào, áp dụng cụ thể, đầy đủ mà không dài dòng chi tiết. Sau một vài tu chỉnh, bản văn cuối cùng đã được nhận ngày 7-12-1965 với 2,394 phiếu thuận, 5 phiếu chống. Ðây là một trong những tỷ số chấp thuận cao nhất cho một văn kiện Công Ðồng. Trước tiên Sắc Lệnh được gọi là "Sắc Lệnh về vấn đề truyền giáo". Tựa đề hiện nay "Về hoạt động truyền giáo của Giáo Hội" lần đầu tiên được xuất hiện trong lược đồ của 13 vấn đề. Lý do chính yếu của việc thay đổi tựa đề hình như là để nhấn mạnh mối tương quan mật thiết giữa hoạt động và Giáo Hội. Hoạt động truyền giáo là việc thiết yếu của Giáo Hội, nó thuộc về sứ mạng của Giáo Hội trong thế giới. Vì thế tựa đề không muốn nói rằng: hoạt động truyền giáo là một hoạt động riêng biệt trong Giáo Hội, bên cạnh những hoạt động khác như hoạt động mục vụ, xã hội v.v...

Sự tương quan của Sắc Lệnh này với Hiến Chế tín lý về Giáo Hội được đánh dấu bằng những chữ đầu tiên của hai văn kiện "Ánh Sáng muôn dân" và "đến muôn dân". Hai câu này ám chỉ đến lời tiên tri Isaia (42,6 và 49,6): đầy tớ của Yahvê được sai đến cho thế giới để soi sáng và cứu rỗi muôn dân. Trước tiên, lời tiên tri áp dụng vào Chúa Kitô, sau đó áp dụng vào Giáo Hội vì Giáo Hội tiếp tục công trình của Người. Giáo Hội đang và luôn luôn sẽ là ánh sáng, là nguồn ơn cứu độ cho thế giới vì chính khi truyền giáo, Giáo Hội sẽ chu toàn vai trò chính yếu này. Hiến chế tín lý về Giáo Hội minh định rằng Giáo Hội là ánh sáng muôn dân, là dấu chỉ thánh thiện (là bí tích) nói lên loài người có cùng một nguồn gốc và một ơn cứu rỗi. Thực vậy, theo Hiến Chế, trung tâm và đời sống Giáo Hội là hoạt động truyền giáo. Như thế, hoạt động truyền giáo là bản chất của sứ mạng Giáo Hội. Sắc Lệnh về hoạt động truyền giáo tiếp tục đề tài đó, không phải chỉ lặp lại suông, nhưng đặt nó vào trong một khung cảnh lịch sử và địa lý của thời đại ngày nay.

Muốn thấu triệt ý nghĩa và tầm quan trọng của Sắc Lệnh, phải đặt nó trong ý hướng căn bản của Công Ðồng Vaticanô II. Người ta đã so sánh Vaticanô II và cho rằng Công Ðồng thích hợp với thế giới hiện đại cũng như Công Ðồng Giêrusalem thích hợp với thời xưa (CvSđ 15). Thời đó, Giáo Hội Hội sơ khai cũng sắp dấn bước rao giảng Phúc Âm cho muôn dân và phải đương đầu với vấn đề truyền giáo nghiêm trọng nhất trong lịch sử: phải đặt điều kiện thế nào để lương dân có thể gia nhập Giáo Hội? Ngày nay mọi người đều biết Giáo Hội, nhưng đa số nhân loại chưa được đem về với Chúa Kitô, và lòng trung thành của chính các Kitô hữu cũng chưa được như ý muốn. Công Ðồng Vaticanô II canh tân nỗ lực truyền giáo của Giáo Hội, cởi mở với thế giới ngày nay và đề nghị một cuộc canh tân theo tinh thần Phúc Âm nhằm phát huy lòng trung thành của Giáo Hội với sứ mạng được Chúa Kitô giao phó đối với thế giới Kitô giáo và lương dân. Chính ý thức sứ mạng cấp bách này làm nền tảng thống nhất các hiến chế, sắc lệnh và tuyên ngôn của Công Ðồng. Do đó, phải đọc sắc lệnh về hoạt động truyền giáo của Giáo Hội trong toàn thể chiều hướng đó.

Sắc Lệnh này khảo luận các vấn đề lý thuyết cũng như thực hành về hoạt động truyền giáo trong thời đại ngày nay. Ðồng thời, Sắc Lệnh cũng có tính cách rất thần học, nghĩa là các chủ đề chính cũng như các vấn đề truyền giáo luôn luôn được đặt trong tương quan với nguồn mạc khải. Những giải quyết và những tiêu chuẩn thực tế đều có nền tảng thần học vững chắc, thường trực tiếp dựa trên những bản văn Thánh Kinh. Mọi hoạt động truyền giáo của Giáo Hội bắt nguồn từ tình yêu giữa Ba Ngôi và là một hiệu quả, hay có thể nói là sự nối tiếp sứ mạng của các Ngài, là sự hoàn thành ý định của Thiên Chúa trong thế giới, Ðấng muốn mọi người được cứu rỗi.

Trước hết, Sắc Lệnh phân biệt rõ ràng việc rao giảng Phúc Âm tiên khởi cho các dân tộc chưa được nghe Phúc Âm. Sau đó Sắc Lệnh đề cập đến sự hỗ trợ mà Giáo Hội phổ quát phải đem lại cho các Giáo Hội vừa được khai sinh để những Giáo Hội này được vun trồng một cách đầy đủ và đâm rể sâu trong lòng dân tộc và văn hóa. Tuy nhiên, không có vấn đề truyền giáo trong các xứ đang xa dần Kitô giáo, những xứ mà trước kia đã được rao giảng Phúc Âm nhưng hiên đang trải qua một sự thoái hóa rõ rệt, hay nói cách khác, những xứ đó không còn đáp ứng với lý tưởng Kitô giáo chân chính. Có người đã trách cứ Sắc Lệnh không đề cập đến hoạt động truyền giáo nhằm phục hưng các xứ này. Dĩ nhiên Giáo Hội cũng có sứ mạng đó. Nhưng đây không phải là sứ mạng "đến với muôn dân" theo ý nghĩa Thánh Kinh. Sắc Lệnh đã có lý khi tự hạn chế vào các việc truyền giáo theo nghĩa thông thường. Việc phục hưng Kitô giáo được thảo luận trong những văn kiện khác dưới nhiều khía cạnh khác nhau, ví dụ như Hiến Chế Mục Vụ về Giáo Hội trong thế giới ngày nay.

Bố cục của Sắc Lệnh dễ nhận thấy; đây là các phần chính:

- Phần mở đầu (số 1).

- Sáu Chương:

1. Những nguyên tắc giáo thuyết (số 2-9).

2. Chính công việc truyền giáo (số 10-18).

3. Các Giáo Hội địa phương (số 19-22).

4. Các nhà truyền giáo (số 23-27).

5. Tổ chức hoạt động truyền giáo (số 28-34).

6. Sự cộng tác (số 35-41).

- Kết luận (số 42).

 


Trở Lại Mục Lục Thánh Công Ðồng Vatican II

Back to Vietnamese Missionaries in Asia Home Page