Thánh Công Ðồng Chung Vaticanô II

 

Sắc Lệnh

Về Nhiệm Vụ Mục Vụ

Của Các Giám Mục Trong Giáo Hội

Christus Dominus

 

Bản dịch Việt Ngữ của Giáo Hoàng Học Viện Piô X

Prepared for Internet by Vietnamese Missionaries in Asia


 

Chương I

Các Giám Mục Với Giáo Hội Phổ Quát

 

I. Vai trò của Giám Mục

với Giáo Hội phổ quát

 

4. Quyền của Giám Mục đoàn. Do bí tích tấn phong và do sự hiệp thông phẩm trật với vị Thủ Lãnh cũng như với các thành phần trong cộng đoàn, các Giám Mục trở nên những Thành Phần của Giám Mục Ðoàn 1. "Giám Mục Ðoàn kế vị cộng đoàn Tông Ðồ trong việc giáo huấn và chăn dắt, chính trong Giám Mục Ðoàn mà cộng đoàn Tông Ðồ được trường tồn. Hiệp nhất với Thủ Lãnh, tức Giáo Hoàng Roma, và không bao giờ tách rời khỏi Thủ Lãnh ấy, Giám Mục Ðoàn có quyền bính trọn vẹn và tối cao trên toàn thể Giáo Hội, nhưng chỉ có thể thi hành quyền này khi có sự ưng thuận của Giáo Hoàng Roma" 2. Thực vậy, quyền bính này "được thi hành cách trọng thể trong Công Ðồng Chung" 3: do đó, Thánh Công Ðồng chế định mọi Giám Mục đều có quyền tham dự Công Ðồng Chung vì là thành phần của Cộng Ðoàn Giám Mục. 2*

"Hiệp nhất với Giáo Hoàng, các Giám Mục trên khắp thế giới còn có thể thực hành quyền cộng đoàn ấy khi vị Thủ Lãnh cộng đoàn mời gọi các Ngài cùng hành động cách cộng đoàn, hay ít ra khi Ngài ưng thuận hoặc tự do chấp nhận hành động hiệp nhất của các Giám Mục rải rác để làm cho nó trở thành một hành động có tính cách cộng đoàn thực sự" 4.

5. Hội nghị Giám Mục hay Thượng Hội Ðồng Giám Mục. Các Giám Mục được tuyển chọn từ các miền khác nhau trên thế giới, theo cách thức và tiêu chuẩn đã hoặc sẽ được Ðức Giáo Hoàng Roma ấn định, giúp đỡ vị Chủ Chăn Tối Cao của Giáo Hội cách đắc lực hơn nơi Hội Ðồng có tên riêng là "Thượng Hội Ðồng Giám Mục" 5; Thượng Hội Ðồng này đóng vai trò của toàn thể hàng Giám Mục Công Giáo, đồng thời nói lên rằng tất cả các Giám Mục, trong sự hiệp thông phẩm trật, cùng chia xẻ nỗi lo âu của toàn thể Giáo Hội 6. 3*

6. Các Giám Mục chia xẻ sự lo lắng cho tất cả Giáo Hội. Các Giám Mục, là những người kế vị hợp pháp các Tông Ðồ và là thành phần của Cộng Ðoàn Giám Mục, phải luôn luôn ý thức mình liên kết với nhau và cùng nhau lo lắng cho tất cả các Giáo Hội, vì được Thiên Chúa thiết lập và do mệnh lệnh của nhiệm vụ tông đồ, mỗi vị, cùng với các Giám Mục khác phải là người bảo đảm cho Giáo Hội 7. Nhất là các ngài phải lo lắng đến những miền trên thế giới chưa được rao giảng Lời Chúa, hay đặc biệt những miền mà chính vì quá ít linh mục, các Kitô hữu đang bị nguy cơ xa lìa chính những huấn giới của đời sống Kitô giáo và cả đến mất đức tin.

Vì thế các ngài phải cố gắng hết sức thế nào để các công cuộc rao giảng Phúc Âm và hoạt động tông đồ được các tín hữu nhiệt liệt nâng đỡ và cổ võ. Ngoài ra các ngài còn phải chú tâm lo lắng chuẩn bị những thừa tác viên thánh vụ thích hợp và cả các phụ tá, tu sĩ cũng như giáo dân, để làm việc tại các xứ truyền giáo và những miền thiếu giáo sĩ. Và tùy sức có thể, các ngài hãy lo gửi một số linh mục của mình đến thi hành thánh vụ tại những xứ truyền giáo và các giáo phận 4* nói trên vĩnh viễn hay ít là trong một thời gian hạn định.

Ngoài ra, trong khi xử dụng tài sản của Giáo Hội, các Giám Mục phải quan tâm đến không những các nhu cầu của giáo phận mình, mà còn của các Giáo Hội địa phương khác vì các Giáo Hội này là thành phần Giáo Hội duy nhất của Chúa Kitô. Sau cùng các ngài cũng phải tùy sức mà quan tâm đến việc cứu trợ những tai ương mà các giáo phận hay các miền khác phải gánh chịu.

7. Ðức Ái tích cực đối với các Giám Mục bị bắt bớ. Nhất là các ngài phải lấy tình anh em mà bao bọc các vị Giám Chức, vì danh Chúa Kitô, đang bị vu khống và gặp khó khăn hay bị ngăn cấm không được thi hành chức vụ; và các ngài hãy lấy tình huynh đệ tích cực mà săn sóc các vị đó để xoa dịu và làm vơi bớt nỗi khổ đau của họ bằng kinh nguyện và hành động của các Anh Em đồng nghiệp.

 

II. Các Giám Mục và Tòa Thánh

 

8. Quyền hạn các Giám Mục trong giáo phận đảm nhiệm.

a) Các Giám Mục vì là những người kế vị các Tông Ðồ, nên trong giáo phận đảm trách, tự mình các ngài có mọi quyền hành thông thường, riêng biệt và trực tiếp theo như nhiệm vụ mục vụ đòi hỏi. 5* Tuy nhiên trong mọi trường hợp, Ðức Giáo Hoàng Roma, vì chức vụ, vẫn luôn có quyền dành lại một số vấn đề cho mình hay cho một Thẩm Quyền khác.

b) Trong trường hợp riêng, mỗi khi xét thấy có lợi ích thiêng liêng cho các con chiên dưới quyền theo luật định, mỗi Giám Mục giáo phận có đặc quyền miễn trừ luật chung của Giáo Hội, trừ trường hợp dành riêng cho Thẩm Quyền Tối Cao của Giáo Hội. 6*

9. Thánh Bộ thuộc Giáo Triều Rôma. Trong khi thi hành quyền tối cao, trọn vẹn và trực tiếp trên toàn thể Giáo Hội, Ðức Giáo Hoàng Roma xử dụng các Thánh Bộ thuộc Giáo Triều Roma; vì thế các Thánh Bộ nhân danh và lấy quyền ngài mà chu toàn chức vụ của mình để mưu ích chung cho các Giáo Hội cũng như giúp đỡ các Chủ Chăn thánh.

Vả lại, các Nghị Phụ tham dự Thánh Công Ðồng mong ước rằng các Thánh Bộ này tuy đã giúp đỡ Ðức Giáo Hoàng Roma và các Chủ Chăn của Giáo Hội một cách đắc lực, nhưng cũng cần cải tổ cho hợp hơn với nhu cầu thời đại, địa phương và các nghi lễ, nhất là những vấn đề có liên quan đến số các bộ, danh hiệu, thẩm quyền, phương pháp làm việc riêng biệt và sự phối trí các công việc với nhau 8. 7* Cũng thế, các ngài ước mong rằng vì nhiệm vụ riêng của các Giám Mục, nên chức vụ các Ðại Sứ của Ðức Giáo Hoàng Roma cần phải được xác định rõ ràng hơn.

10. Nhân viên Thánh Bộ. Ngoài ra, vì các Thánh Bộ được thành lập để mưu ích cho toàn thể Giáo Hội, nên Thánh Công Ðồng ước mong hãy thâu nhận thêm các Thành Phần, các Nhân Viên và các Cố Vấn cũng như các Ðại Sứ của Ðức Giáo Hoàng, từ những miền khác nhau trong Giáo Hội, sao cho các cơ quan hành chánh hay cơ quan trung ương của Giáo Hội Công Giáo tỏ ra có đặc tính phổ quát thực sự.

Công Ðồng còn mong ước trong Thành Phần các Thánh Bộ cũng nên thâu nhận một số Giám Mục, nhất là Giám Mục giáo phận, những vị có thể đem lại cho Ðức Giáo Hoàng một cách đầy đủ hơn những cảm nghĩ, nguyện vọng và nhu cầu của tất cả Giáo Hội. 8*

Sau cùng các Nghị Phụ nhận thấy rằng thật ích lợi nếu chính các Thánh Bộ đó biết nghe nhiều hơn nữa những giáo dân trổi vượt về nhân đức, kiến thức và kinh nghiệm, sao cho chính giáo dân cũng góp phần vào các công việc của Giáo Hội.

 


Chú Thích:

1 Xem CÐ Vat. II, Hiến chế tín lý về Giáo Hội Lumen gentium, ch. 3, số 22: AAS 57 (1965), trg 25-27. (Trở lại đầu trang)

2 CÐ Vat. II, Hiến chế tín lý về Giáo Hội, n.v.t. (Trở lại đầu trang)

3 CÐ Vat. II, Hiến chế tín lý về Giáo Hội, n.v.t. (Trở lại đầu trang)

2* Ðây là một khuynh hướng mới mẻ: từ nay mọi Giám Mục dù không cai quản giáo phận (Giám Mục hiệu tòa), đều có quyền tham dự Công Ðồng Chung. Lúc trước các ngài chỉ có quyền tham dự nếu được mời (Giáo Luật kh. 223, 2).

Khuynh hướng này phát xuất từ một ý tưởng thần học mới mẻ. Quan niệm trước Công Ðồng cho rằng Giám Mục có quyền bính vì hai lý do: a) việc tấn phong ban cho Giám Mục quyền thánh hóa (cử hành thánh lễ, giải tội v.v...).

b) Ðức Giáo Hoàng, người ban cho Giám Mục quyền giáo huấn và cai trị.

Nhưng Công Ðồng (x.GH 21, 28; GM 2, 3; LM 7) quả quyết mọi quyền bính của Giám Mục đều do cuộc tấn phong trong hiệp thông với Tòa Thánh. Ðức Giáo Hoàng chỉ là người chỉ định cho Giám Mục một giáo phận để thực hành quyền bính đó. Chính vì thế điều kiện duy nhất để tham dự Công Ðồng là được tấn phong Giám Mục trong hiệp thông với Tòa Thánh. (Trở lại đầu trang)

4 CÐ Vat. II, Hiến chế tín lý về Giáo Hội, n.v.t. (Trở lại đầu trang)

5 Xem Phaolô VI, Tự sắc Apostolica Sollicitudo, 15-9-1965: AAS 57 (1965), trg 775-780. (Trở lại đầu trang)

6 Xem CÐ Vat. II, Hiến chế tín lý về Giáo Hội, ch. 3, số 23: AAS 57 (1965), trg 27-28. (Trở lại đầu trang)

3* Những người có quyền tối cao trong Giáo Hội là: a) chỉ mình Ðức Giáo Hoàng. b) Ðức Giáo Hoàng và tất cả Giám Mục trên thế giới chung với nhau (hay Giám Mục Ðoàn). Ðức Giáo Hoàng cai trị qua Giáo Triều Roma. Còn Giám Mục Ðoàn cai trị như thế nào? Ðôi khi các Giám Mục trên thế giới họp Công Ðồng Chung. Nhưng vì qui tụ tất cả Giám Mục không phải là chuyện dễ, nên có các cuộc họp thu hẹp giữa một số Giám Mục đại diện cho tất cả, và quyết định nhân danh Giám Mục Ðoàn. Cuộc họp này mệnh danh là Thượng Hội Ðồng Giám Mục, và được tổ chức hai năm một lần tại Roma. (Trở lại đầu trang)

7 Xem Piô XII, Tđ. Fidei donum, 21-4-1957: AAS 49 (1957), trg 237; xem thêm Benedictô XV, Tông thư Maximum illud, 30-11-1919: AAS 11 (1919), trg 440; Piô XI, Tđ. Rerum Ecclesiae, 28-2-1926: AAS 18 (1926), trg 68t. (Trở lại đầu trang)

4* Xem TG 20, 38, 39; LM 10; Ecclesiae sanctae, ch. I, số 1-5 và ch. III, số 6. (Trở lại đầu trang)

5* Nguyên tắc này mới mẻ và tạo thành một trong những nền tảng chính yếu của quyền bính và quan trọng của Giám Mục. Quan niệm trước Công Ðồng cho rằng quyền cai trị của Giám Mục là do Ðức Giáo Hoàng ban cho, nên Ðức Giáo Hoàng phải luôn luôn ban cho các Giám Mục những quyền hành mà các ngài chưa có. Ngày nay thì trái lại: qua việc tấn phong, các Giám Mục nhận mọi quyền bính cần thiết, Ðức Giáo Hoàng chỉ thu hẹp những quyền này khi công ích của Giáo Hội phổ quát đòi hỏi như ta sẽ thấy sau. (Trở lại đầu trang)

6* Ðây cũng là điều mới mẻ. Trước Công Ðồng, Giám Mục không có quyền chuẩn luật Giáo Hội do Ðức Giáo Hoàng thiết lập cho toàn thể Giáo Hội (Giáo Luật kh. 87). Nhờ căn bản này, ngày nay các ngài mới có quyền đó. Nhưng Ðức Giáo Hoàng dành quyền riêng cho Ngài trong một vài trường hợp như sau:

- Cho phép một phó tế hay linh mục lấy vợ;

- Cho phép một linh mục đã chính thức lập gia đình được thi hành nhiệm vụ tông đồ;

- Cho phép linh mục làm thầy thuốc, giải phẫu, làm công chức, thượng nghị sĩ hay dân biểu;

- Cho phép thanh niên thanh nữ quá trẻ lập gia đình, khi còn thiếu hơn một năm mới đến tuổi thành hôn pháp định.

Các quyền dành riêng này nhằm công ích Giáo Hội. Thực vậy, người ta có thể dễ dàng tưởng tượng những bất tiện có thể xảy ra nếu Giám Mục này ban phép cho các linh mục của ngài cưới vợ, còn vị khác lại khước từ. Thật là một hỗn loạn nếu trong một giáo phận, người ta được lập gia đình lúc 13 tuổi, trong lúc giáo phận khác phải đợi đến 14 tuổi. (Trở lại đầu trang)

8 Xem Phaolô VI, Huấn từ cho các Hồng Y, các vị Lãnh Ðạo, các Giám Chức và các Nhân Viên thuộc Giáo Triều Roma, 21-9-1963: AAS 55 (1963), trg 793tt. (Trở lại đầu trang)

7* Giáo Triều Roma là cơ quan cai trị Giáo Hội của Ðức Giáo Hoàng. Giáo Triều này gồm những Thánh Bộ, Tòa Án, Văn Phòng v.v... Tất cả những canh tân mà Công Ðồng mong muốn đã được Ðức Phaolô VI thực hiện qua Tự Sắc Regimini Ecclesiae Universae, ngày 15-8-1967 (x. AAS (1967), trg 885-928; DC 1967, 1441-1473). (Trở lại đầu trang)

8* Ðức Phaolô VI đã thực hiện ý muốn này, Ngài đã chỉ thị cho 7 giám mục được tuyển chọn khắp thế giới, tham dự vào việc điều khiển mỗi Thánh Bộ (x. Tự sắc Pro comperto sane, ngày 6-8-1967: AAS (1967), trg 881-884; DC 1967, 1474-1478). (Trở lại đầu trang)

 


Trở Lại Mục Lục Thánh Công Ðồng Vatican II

Back to Vietnamese Missionaries in Asia Home Page