Thánh Công Ðồng Chung Vaticanô II

 

Sắc Lệnh

Về Nhiệm Vụ Mục Vụ

Của Các Giám Mục Trong Giáo Hội

Christus Dominus

 

Prepared for Internet by Vietnamese Missionaries in Asia


 

Lời Giới Thiệu

 

Trong giai đoạn chuẩn bị Công Ðồng, Ủy Ban đặc trách vấn đề: "Giám Mục và việc cai quản giáo phận" đã soạn thảo 7 dự án. Tháng 10 năm 1962 sau khi Công Ðồng khai mạc, một Ủy Ban Công Ðồng được bầu lên với nhiệm vụ thu góp vấn đề vào hai văn kiện: hai văn kiện này được kết thúc vào mùa xuân 1963. Văn kiện thứ nhất, có tính cách pháp luật, nói về các mối tương quan giữa Tòa Thánh và các Giám Mục, giữa các Giám Mục Phó và các Giám Mục Phụ Tá, giữa các Hội Ðồng Giám Mục v.v... Văn kiện thứ hai có khuynh hướng mục vụ hơn, đề cập đến những điểm sau đây: nhiệm vụ của Giám Mục, nhiệm vụ mục vụ của cha chính xứ, việc dậy giáo lý cho giáo dân v.v...

Trong kỳ họp II vào mùa thu 1963, chỉ có văn kiện thứ nhất được đưa ra thảo luận. Các Nghị Phụ đưa ra nhiều nhận xét vừa phong phú vừa đích xác. Nhưng vì Công Ðồng có khuynh hướng giản lược danh sách các lược đồ, nên đã quyết định đúc kết hai văn kiện trên thành một, đồng thời chỉ chú trọng đến các nguyên tắc hướng dẫn nhiệm vụ mục vụ. Ủy ban khởi công soạn lại một bản văn hoàn toàn mới. Sau khi đệ trình hội nghị đầu kỳ họp III, lược đồ mới này đã thỏa mãn được các Nghị Phụ.

Tuy nhiên các ngài cũng đưa ra nhiều ý kiến hào hứng. Chính vì thế đến cuối kỳ họp, bản văn vẫn chưa được công bố. Cho đến ngày 28-10-1965, trong kỳ họp IV, khóa VII bản văn mới được chính thức công bố với 2 phiếu nghịch trên 2,322 phiếu thuận.

Sắc Lệnh không có mục đích gợi lên những ý tưởng thần học mới mẻ, nhưng cụ thể hóa trên phương diện mục vụ giáo lý thần học về chức Giám Mục mà chương III của Hiến Chế tín lý về Giáo Hội đã đề cập đến. Sắc Lệnh có đặc điểm này là không ở trên lãnh vực lý thuyết, nhưng đã phác họa ra một thực hành mục vụ, đề nghị áp dụng cụ thể các sắc lệnh khác. Thật vậy Sắc Lệnh này thiết lập nhiều định chế mới: Thượng Hội Ðồng Giám Mục, Hội Ðồng Giám Mục, Hội Ðồng Mục Vụ, v.v... Do đó, trong thực tế Sắc Lệnh có tầm quan trọng đặc biệt: vì Giáo Hội được canh tân một phần lớn là do việc thi hành Sắc Lệnh này. Ðó cũng là lý do tại sao Ðức Giáo Hoàng Phaolô VI đã cho công bố nhiều tài liệu nhằm thực thi Sắc Lệnh. Ðây là những tài liệu chính:

- Apostolica sollicitudo, ngày 15-9-1965, thiết lập Thượng Hội Ðồng Giám Mục (AAS 1965, trg 775-780; DC 1965, 1663-1668).

De episcoporum muneribus, ngày 15-6-1966, thêm nhiều quyền hành cho Giám Mục (AAS 1966, trg 467-472; DC 1966, 1249-1254).

Ecclesiae sanctae, ngày 6-8-1966, đưa ra nhiều tiêu chuẩn thực tế cho nhiều vấn đề (AAS 1966 trg 757-787; DC 1966, 1441-1470).

Regimini Ecclesiae Universae, ngày 15-8-1967, canh tân Giáo Triều Rôma (AAS 1967, trg 885-928; DC 1967, 1441-1473).

Về Nội Dung

Sắc Lệnh về Nhiệm Vụ Mục Vụ của các Giám Mục xoay quanh ba chủ đề chính:

I. Dân Chúa hay đúng hơn, loài người, có tín ngưỡng hay không. Dù bản văn trực tiếp liên hệ đến Giám Mục, nhưng dân chúng luôn luôn đứng hàng đầu vì chính họ là điều kiện đời sống và hoạt động của chủ chăn. Dân chúng được nhìn dưới 3 phương diện.

1) Chung kết hoạt động mục vụ của Giám Mục và hàng Linh Mục. Giáo phận trước tiên là một phần dân Thiên Chúa, chứ không phải chỉ là một lãnh thổ (Số 11 và 22). Con người là đối tượng đối thoại của Giám Mục về ơn cứu rỗi. Giám Mục được kêu gọi làm việc này (số 13). Con người có quyền hiểu biết mầu nhiệm Chúa Kitô (số 12), cũng như những nhu cầu, hoàn cảnh dân sự và xã hội của con người sẽ là những tiêu chuẩn căn bản vạch định biên giới Giáo Hội (số 23 và 39). Nói tóm lại nếu tìm một tiêu chuẩn thì tiêu chuẩn đó phải là dân chúng.

2) Ðề tài của việc giáo huấn. Con người nói chung (MV 3,10-22) hay Kitô hữu nói riêng (GH 9,32...) tất cả đều mang trong mình một mầu nhiệm cần được khai sáng. Chính vì thế, các Giám Mục phải dạy cho họ biết giá trị của con người, của gia đình, của xã hội dân sự (số 12) phải được quí trọng đến mức nào, và phải làm cho giáo dân hiểu họ có bổn phận cộng tác vào việc tông đồ (số 13, 17, 30).

3) Người tông đồ bên cạnh Giám Mục và Linh Mục. Sắc Lệnh nhấn mạnh người giáo dân có quyền và bổn phận cộng tác vào việc tông đồ của Giáo Hội (số 6, 10, 14, 16, 17, 27, 30).

II. Giám Mục. Ðây là chủ đề chính trong Sắc Lệnh cùng với chương III của Hiến Chế Tín Lý về Giáo Hội, Sắc Lệnh này phác họa hình ảnh của vị Giám Mục ngày nay. Sau đây là vài nét chính:

1) Giám Mục không còn là ông hoàng đơn độc, tùy thích cai trị vương quốc bé nhỏ của mình là giáo phận: từ này, danh từ Giám Mục trên phương diện mục vụ phải hiểu là một đa số. Ngài là thành phần trong Giám Mục Ðoàn và như thế ngài phải quan tâm đến Giáo Hội phổ quát (số 3, 4, 6). Ngài là chủ chăn giáo phận nhưng liên kết với các linh mục của ngài (số 11, 16, 27, 28-30, 34). Ngài là thành phần của Hội Ðồng Giám Mục Quốc Gia để phát huy di sản thiêng liêng cho quốc gia (số 38). trong một thời đại được đánh dấu bằng tinh thần khoa học, kỹ thuật và hiệu năng (MV 5-7), họa hiếm lắm Giám Mục mới đơn phương hoàn thành sứ mạng một cách thích hợp (số 37), chính vì thế Sắc Lệnh thiết lập một liên lạc chặt chẽ giữa mục vụ đối thoại (số 13, 16, 28), mục vụ cộng tác và mục vụ phối hợp (số 11, 15, 17, 18, 23, 24, 25, 27), mục vụ hiệp nhất (số 16, 18, 30, 36) và mục vụ công hiệu (số 5, 10, 25, 28, 30, 35, 37, 38, 39, 40, 42).

2) Giám Mục phải là một nhà truyền giáo. Ðiều này có hai ý nghĩa:

a) Cộng tác vào việc truyền bá đức tin giữa những dân tộc chưa biết Phúc Âm (số 3-6, 11, 12, 14, 16, 17, 23, 30). Cũng như các Sắc Lệnh khác, nói chung Sắc Lệnh này quả quyết việc truyền giáo phải được ưu tiên và cấp bách: hãy chú ý đến tiếng nhất là (số 6), đặc biệt (số 15), (xem thêm TG 29). Nên chú ý: Sắc Lệnh này không phân biệt Âu Châu với các Xứ Truyền Giáo. Ngay cả Xứ Truyền Giáo cũng có bổn phận truyền giáo (x. TG 20).

b) Rao giảng Phúc Âm cho mọi người, đã tin hay chưa tin, để kêu gọi họ trở về đức tin hay để phát triển đức tin của họ (số 12, xem thêm số 11, 13, 30). Rao giảng Phúc Âm là bổn phận đầu tiên của Giám Mục (số 6, 12, 13, 17, 30; xem GH 20, 21, 23, 24; MK 132, 139; MV 32, 43; TG 1, 5, 20, 29, 38 v.v...); bổn phận này trổi vượt hơn các bổn phận khác (số 12; x. GH 25; TG 29).

3) Giám Mục phải là chứng nhân của Chúa Kitô. Chứng tích phải là tinh thần làm sống động mọi hoạt động của Giám Mục (số 11, 15, x. GH 21).

III. Công việc Tông Ðồ. Phương diện mục vụ là nét đặc thù của Sắc Lệnh. Ðây là vài nét chính:

1) Việc tông đồ phải đặt trọng tâm nơi Chúa Kitô. Nhiệm vụ của Giáo Hội là mạc khải Chúa Kitô cho thế giới, chứ không phải mạc khải thế giới cho thế giới. Vì Chúa Kitô là vị cứu tinh duy nhất, là trung tâm, là cứu cánh của lịch sử (MV 10, 22, 45; GH 7, 9; TG 8...), Giáo Hội là "dấu chỉ và bí tích cứu rỗi" GH 1, 9, 48; TG 1, 5...), nên Giám Mục và các linh mục của ngài phải rao giảng toàn thể mầu nhiệm Chúa Kitô (số 12; TG 13). Các ngài phải là những chứng nhân của Chúa Kitô (số 11, 15) hướng dẫn giáo dân hiểu biết đầy đủ mầu nhiệm cứu rỗi (số 30), mầu nhiệm phục sinh (số 15; xem thêm MV 22).

2) Thích nghi với nhu cầu thời đại. Giáo Hội ngày nay là cho con người ngày nay. Giáo Hội có nhiệm vụ giải đáp thỏa đáng cho mỗi thế hệ những câu hỏi căn bản của con người (MV 4). Chính vì thế Giáo Triều Rôma (số 9), đời sống của Giám Mục (số 16), những công việc tông đồ (số 17), những ranh giới giáo phận (số 23), giáo phủ (số 27) v.v... phải thích ứng với những nhu cầu và hoàn cảnh không những trên lãnh vực thiêng liêng, mà ngay cả ở lãnh vực xã hội và kinh tế của con người ngày nay. Ðiều này càng đúng cho việc giảng dạy (số 13, 14).

3) Phải sử dụng những phương tiện khoa học, kỹ thuật của thế giới ngày nay để làm việc tông đồ. Những phương tiện phổ thông (số 13), khoa tâm lý, sư phạm (số 14; xem thêm ÐT 2, 3, 5, 11, 20), phương pháp kiểm kê xã hội và tôn giáo (số 16, 17; xem thêm MV 62). Giáo dân hiện diện trong Giáo Triều Rôma và giáo phủ là hai sự kiện minh chứng khả năng hiểu biết của họ (số 10 và 27).

 


Trở Lại Mục Lục Thánh Công Ðồng Vatican II

Back to Vietnamese Missionaries in Asia Home Page