Thánh Công Ðồng Chung Vaticanô II

 

Sắc Lệnh

Về Canh Tân Thích Nghi

Ðời Sống Dòng Tu

Perfectae Caritatis

 

Prepared for Internet by Vietnamese Missionaries in Asia


 

Lời Giới Thiệu

 

Ðề Tựa

Cái tên mới mẻ và hàm xúc "Canh Tân Thích Nghi" có thể làm cho nhiều người hiểu lầm về ý hướng căn bản của Sắc Lệnh. Giả như trong Sắc Lênh, Công Ðồng đã bàn đến việc cải cách đời tu, chắc lúc đó sẽ ngụ ý nói là đời sống tu trì hiện nay đang có nhiều khuyết điểm tệ hại cần phải được cấp thời sửa chữa; nhưng không, ta nên lưu ý là Công Ðồng không nói đến cải cách, nhưng chỉ đề cập đến việc canh tân thôi. Công Ðồng thực sự muốn ám chỉ đến ý nguyện canh tân hiện đang tiến hành trong toàn thể Giáo Hội 1.

Lược Sử

Một ủy ban chuẩn bị (chủ tịch: Ðức Hồng Y Valeri; thư ký: Cha Rousseau, OMI và 24 ủy viên) đã nghiên cứu và soạn thảo (6/1960 - 6/1961) bản lược đồ chi tiết và nặng tính chất phân tích, mang tựa đề "những lối sống nhằm đạt được sự hoàn thiện" (De Statibus Perfectionis Acquirendae). Nhưng Ủy Ban Trung Ương đã rút gọn bản lược đồ này thành 30 chương. Ðến cuối năm thứ nhất của Công Ðồng, một Ủy Ban đặc biệt do Ðức Cha Philippe làm chủ tịch đã soạn một bản dự thảo khác gồm lời mở đầu với 9 chương.

Từ tháng 9/1963 đến tháng 9/1964 văn kiện được soạn thảo thêm lần nữa và bản văn mới gồm 19 khoản mang tên "Lược đồ những đề án về tu sĩ" (Schema Propositionum de Religiosis).

Nhưng trước khi đưa ra thảo luận lược đồ này lại được đặt một tên mới là "Việc canh tân thích nghi đời sống dòng tu" (De Accommodata Renovatione Vitae Religiosae).

Tuy thế, cuộc bầu phiếu sau đó vẫn mang lại nhiều phiếu chống (882 phiếu chống, 1,152 phiếu thuận). Nhưng bản văn cuối cùng gồm 25 số, trong cuộc bầu phiếu tổng quát của phiên họp khoáng đại ngày 11-10-1965, đã được chấp thuận của 3,126 Nghị Phụ trong số 2,142 vị bỏ phiếu.

Tầm Quan Trọng

Nếu muốn diễn tả tầm quan trọng của từng phần trong Sắc Lệnh bằng một đồ biểu, chúng ta sẽ phải coi những số từ 1 đến 6 như là chóp đỉnh của biểu tuyến; đường này sẽ đi dần xuống mức độ trung bình với những số 7 đến 11: ở quãng này Sắc Lệnh chú tâm đến việc canh tân những hình thức khác nhau của đời tu, hòa hợp những yếu tố thường với những hình thức khác nặng giá trị thần học hơn. Sau đó, với những số từ 12 đến 15 đề cập đến các lời khấn và đời sống cộng đoàn, biểu tuyến lại tiến cao lên, để rồi tụt gấp xuống một dốc đứng ở giữa những số từ 16 đến 24: những số này đề ra những qui tắc hoặc những khuyến cáo ít quan trọng về thần học.

Sự phong phú đích thực của Sắc Lệnh là đề xướng những nguyên tắc hướng dẫn cho công cuộc canh tân đời tu.

Sau đây là vài nguyên tắc trọng yếu nhất:

- Ðẩy mạnh việc canh tân trong Chúa Kitô (số 1, 2a, e, 5,6).

- Về sự tận hiến đặc biệt cho Thiên Chúa (số 5).

- Dành ưu tiên cho đời sống nội tâm trong việc canh tân (số 6).

- Ðòi sự cộng tác của mọi thành phần trong cộng đoàn để kiện toàn việc canh tân (số 4).

- Nhằm phục vụ Giáo Hội (số 2c, 5, 6).

- Nguyên tắc quan trọng và chủ chốt: vừa lo trung thành với đoàn sủng căn bản của Ðấng Sáng Lập Dòng, vừa cố thích nghi với điều kiện hiện đại (số 2).

Sở dĩ Sắc Lệnh này mang một tính chất siêu việt trong lịch sử đời tận hiến, chính là vì nó đã thực hiện được hai mục tiêu sau đây: trên lý thuyết, với ý niệm canh tân đúng nghĩa, Sắc Lệnh đã nhuần thấm những nguyên tắc căn bản của đời tu, một sắc thái quyết định và trường tồn; còn trên bình diện thực hành, Sắc lệnh đã phát động trong khắp mọi gia đình tu sĩ, một niềm hào hứng bao la đưa đến việc tra tay vào công cuộc canh tân thích nghi Qui luật và Hiến chương 2.

Cuối cùng, Sắc Lệnh đã chính thức tuyên bố đời tận hiến vẫn là yếu tố không thể thay thế được trong toàn Nhiệm Thể Chúa Kitô.

 

 


Chú Thích:

1 Không thể nói đến Sắc Lệnh trên đây mà không nhắc đến hai bản văn mật thiết liên hệ: đó là chương VI của Hiến Chế tín lý về Giáo Hội (có tầm quan trọng đặc biệt) và những số từ 32 đến 35 của Sắc Lệnh về Nhiệm Vụ Mục Vụ của các Giám Mục.

2 Tưởng cũng cần nhắc đến hai văn kiện đặc biệt đóng góp vào việc thể hiện công cuộc canh tân đời tu: Tự sắc Ecclesiae Sanctae (6-8-1966) và Huấn thị Renovationis Causam của Thánh Bộ các Tu Sĩ và các Tu Hội Triều (6-1-1969) nói đến việc áp dụng các Sắc Lệnh của Công Ðồng.

 


Trở Lại Mục Lục Thánh Công Ðồng Vatican II

Back to Vietnamese Missionaries in Asia Home Page