Thánh Công Ðồng Chung Vaticanô II
Khóa VIII Ngày 18 tháng 11 năm 1965
Phaolô Giám Mục
Tôi Tớ Các Tôi Tớ Thiên Chúa
Hiệp Nhất Với Các Nghị Phụ Của Thánh Công Ðồng
Ðể Muôn Ðời Ghi Nhớ
Sắc Lệnh
Về Tông Ðồ Giáo Dân
Apostolicam Actuositatem
Bản dịch Việt Ngữ của Giáo Hoàng Học Viện Piô X
Prepared for Internet by Vietnamese Missionaries in Asia
Lời Mở Ðầu 1*
1. Thánh Công Ðồng muốn phát động mạnh mẽ hơn việc tông đồ của dân Thiên Chúa 1, nên chú tâm hướng về các Kitô hữu giáo dân, những người có phần riêng biệt và cần thiết trong sứ mệnh của Giáo Hội, như đã được nhắc đến trong những văn kiện khác 2. Bởi vì, vốn phát sinh từ ơn gọi làm kitô hữu, việc tông đồ giáo dân không bao giờ có thể khiếm khuyết trong Giáo Hội. Trong những buổi đầu Giáo Hội, việc tông đồ này thật là hăng say và kết quả biết bao! Chính Thánh Kinh chứng minh cách phong phú điều đó (x. CvTđ 11,19-21; 18,26; Rm 16,1-16; Ph 4,3).
Thời đại chúng ta đòi hỏi người giáo dân phải nhiệt thành không kém, nhất là những hoàn cảnh hiện tại càng đòi hỏi việc tông đồ của họ phải hoàn toàn mạnh mẽ và sâu rộng hơn. Quả vậy, càng ngày dân số càng gia tăng, khoa học và kỹ thuật càng tiến triển, những mối tương quan mật thiết hơn giữa con người không những mở rộng môi trường hoạt động tông đồ giáo dân đến vô hạn, môi trường mà phần lớn chỉ dành riêng cho họ, mà còn tạo nên nhiều vấn đề mới đòi họ phải đặc biệt lưu tâm học hỏi. Việc tông đồ này lại càng trở nên khẩn trương hơn, vì sự biệt lập trên nhiều phương diện của cuộc sống con người như thường thấy, càng gia tăng, đôi khi gây nên một sự tách biệt với trật tự luân lý và tôn giáo, cũng như tạo ra một sự nguy hiểm trầm trọng cho đời sống Kitô giáo. Hơn nữa, trong những miền thiếu linh mục hay khi các ngài không được tự do thi hành chức vụ, thì Giáo Hội khó có thể hiện diện và hoạt động hữu hiệu nếu không nhờ giáo dân cộng tác.
Dấu hiệu cho thấy nhu cầu muôn mặt và khẩn trương ấy chính là hoạt động tỏ tường của Chúa Thánh Thần đang làm cho giáo dân hôm nay mỗi ngày một ý thức hơn phần trách nhiệm riêng của mình và thúc bách giáo dân mọi nơi phục vụ Chúa Kitô và Giáo Hội 3.
Trong Sắc Lệnh này, Công Ðồng nhằm làm sáng tỏ bản chất, đặc tính và những cách thế của việc tông đồ giáo dân, nêu lên những nguyên tắc căn bản và ban bố những giáo huấn mục vụ để thi hành việc tông đồ ấy cho hiệu quả hơn. Mọi điều trong Sắc Lệnh này phải được coi như những tiêu chuẩn cho việc xét lại những khoản giáo luật có liên quan đến việc tông đồ giáo dân.
Chú Thích:
1* Công Ðồng trình bày tổng quát những lý do thuộc bình diện lý thuyết và những hoàn cảnh khiến cho hoạt động tông đồ giáo dân cần thiết và cấp bách:
- Sự đòi hỏi của ơn gọi Kitô hữu, như các tín hữu thời Giáo Hội sơ khai đã minh chứng điều đó.
- Sự phát triển dân số, tiến bộ khoa học và sự biệt lập của những thực tại trần thế có thể tạo nguy hiểm cho đời sống Kitô hữu.
- Tình trạng thiếu thợ tông đồ làm cho việc tông đồ giáo dân trở nên khẩn thiết hơn. (Trở lại đầu trang)
1 Xem Gioan XXIII, Tông Hiến Humanae Salutis, 25-12-1961: AAS 54 (1962), trg 7-10. (Trở lại đầu trang)
2 Xem CÐ Vat. II, Hiến Chế tín lý về Giáo Hội, số 33tt: AAS 57 (1965), trg 39tt. - Xem thêm Hiến Chế về Phụng Vụ Thánh, số 26-40: AAS 56 (1964), trg 107-111. - Xem Sắc Lệnh về Các Phương Tiện Truyền Thông Xã Hội: ASS 56 (1964), trg 145-153. - Xem Sắc Lệnh về Hiệp Nhất: AAS 57 (1965), trg 90-107. - Xem Sắc Lệnh về Nhiệm Vụ Mục Vụ của các Giám Mục trong Giáo Hội, số 16, 17, 18. - Xem Tuyên Ngôn về Giáo Dục Kitô Giáo, số 3, 5, 7. (Trở lại đầu trang)
3 Xem Piô XII, Huấn từ ad Cardinales, 18-2-1946: AAS 38 (1946), trg 101-102. - N.t. bài giảng ad Juvenes Operatos Catholicos, 25-8-1957: AAS 49 (1957), trg 834. (Trở lại đầu trang)