Thánh Công Ðồng Chung Vaticanô II

 

Sắc Lệnh

Về Tông Ðồ Giáo Dân

Apostolicam Actuositatem

 

Bản dịch Việt Ngữ của Giáo Hoàng Học Viện Piô X

Prepared for Internet by Vietnamese Missionaries in Asia


 

Chương V

Thống Phải Theo 11*

 

23. Nhập đề. Việc tông đồ của giáo dân, cá nhân hay tập thể, phải được đặt vào đúng chỗ trong công cuộc tông đồ của toàn thể Giáo Hội. Hơn nữa, điều cốt yếu của việc tông đồ Kitô giáo là liên kết với những người đã được Chúa Thánh Thần đặt lên cai trị Giáo Hội Chúa (x. CvTđ 20,28). Vả lại, việc cộng tác giữa các tổ chức tông đồ khác nhau cũng cần thiết và phải được Hàng Giáo Phẩm điều hành thích đáng.

Vì muốn cổ võ tinh thần hiệp nhất để bác ái huynh đệ nổi bật lên trong mọi hoạt động tông đồ của Giáo Hội, để đạt được những mục đích chung cũng như để tránh những cạnh tranh nguy hại, cần phải có sự tôn trọng lẫn nhau và sự phối hợp thích đáng giữa các tổ chức tông đồ trong Giáo Hội, miễn là đặc tính riêng của mỗi tổ chức vẫn được duy trì 1.

Ðiều đó rất thích hợp mỗi khi có công tác đặc biệt nào trong Giáo Hội đòi phải có sự hòa hợp và cộng tác vào việc tông đồ giữa hai hàng giáo sĩ dòng triều, giữa tu sĩ và giáo dân.

24. Liên lạc với hàng Giáo phẩm. Bổn phận của Hàng Giáo Phẩm là phải hỗ trợ cho hoạt động tông đồ của giáo dân: đề ra những nguyên tắc và giúp các phương tiện thiêng liêng. Phải phối hợp việc tông đồ của họ để sinh ích chung cho cả Giáo Hội. Hàng Giáo Phẩm cũng phải lo cho giáo thuyết và những chỉ thị của Giáo Hội được tuân hành.

Có nhiều thể thức liên lạc giữa việc tông đồ giáo dân với Hàng Giáo Phẩm tùy theo hình thức và mục tiêu của mỗi hoạt động tông đồ.

Trong Giáo Hội quả thực có nhiều công cuộc tông đồ do giáo dân có sáng kiến thành lập và khôn khéo điều hành. Nhờ những tổ chức tông đồ như thế, trong nhiều hoàn cảnh, Giáo Hội có thể chu toàn sứ mệnh của mình cách tốt đẹp, và do đó Hàng Giáo Phẩm thường ca ngợi và cổ võ các tổ chức đó 2. Nhưng không một sáng kiến nào được lấy danh nghĩa công giáo nếu không có sự ưng thuận của giáo quyền hợp pháp.

Có một số tổ chức tông đồ giáo dân, dưới hình thức này hay hình thức khác, đã được giáo quyền công khai chấp nhận.

Ngoài ra vì nhu cầu ích chung của Giáo Hội, giáo quyền có thể lựa chọn và cổ võ cách đặc biệt một vài tổ chức trong số những tổ chức hay hiệp hội tông đồ có sẵn, trực tiếp nhằm mục đích thiêng liêng và giáo quyền cũng nhận trách nhiệm đốivới những tổ chức đó. Như thế, khi tổ chức công việc tông đồ tùy theo cách thức khác cho hợp với hoàn cảnh, Hàng Giáo Phẩm liên kết chặt chẽ hơn một hình thức tông đồ giáo dân nào đó với phận vụ tông đồ của mình, tuy nhiên vẫn giữ nguyên vẹn bản chất và sự khác biệt giữa hai bên. Giáo dân do đấy vẫn còn khả năng cần thiết để được tự do hành động theo sáng kiến riêng của họ. Trong nhiều văn kiện của Giáo Hội hành động trên đây của Hàng Giáo Phẩm được gọi là ủy nhiệm.

Sau hết, Hàng Giáo Phẩm còn trao phó cho giáo dân một vài phận vụ liên quan mật thiết hơn với nhiệm vụ của chủ chăn như việc dạy giáo lý, thi hành một vài động tác phụng vụ, hay việc chăm sóc các linh hồn. Chính do việc ủy nhiệm này, người giáo dân, khi thi hành nhiệm vụ, phải hoàn toàn tuân phục sự điều khiển của cấp trên trong Giáo Hội.

Về những vấn đề liên hệ tới những công cuộc và những định chế thuộc lãnh vực trần thế, Hàng Giáo Phẩm có nhiệm vụ phải chính thức giảng dạy và giải thích những nguyên tắc luân lý phải theo trong địa hạt này. Một khi đã cân nhắc kỹ lưỡng và bàn hỏi với các nhà chuyên môn, Hàng Giáo Phẩm có quyền thẩm định công cuộc này hay định chế kia là phù hợp hay không phù hợp với các nguyên tắc luân lý và phán quyết những gì phải làm để bảo vệ và cổ võ những lợi ích thuộc lãnh vực siêu nhiên.

25. Hàng giáo sĩ phải giúp đỡ việc tông đồ giáo dân. Các Giám Mục, các cha sở, các linh mục dòng triều phải nhớ rằng quyền và bổn phận làm tông đồ là chung cho tất cả mọi tín hữu không phân biệt giáo sĩ hay giáo dân, và trong việc xây dựng Giáo Hội, giáo dân cũng có phần riêng của họ 3. Vì thế các ngài phải cùng với giáo dân làm việc trong Giáo Hội và cho Giáo Hội với tình huynh đệ, cũng như phải đặc biệt để tâm lo cho giáo dân trong khi họ làm việc tông đồ 4.

Các linh mục được đề cử giúp đỡ các tổ chức tông đồ đặc biệt của giáo dân phải là người có khả năng và được huấn luyện đầy đủ 5. Các linh mục này, vì nhận trách nhiệm do Hàng Giáo Phẩm, nên trong lúc hoạt động, các ngài là đại diện của Hàng Giáo Phẩm trong chính hoạt động mục vụ của mình. Luôn luôn trung thành với tinh thần và giáo lý của Giáo Hội, các ngài phải làm cho giữa giáo dân và Hàng Giáo Phẩm có những liên lạc thích đáng. Các ngài phải ra sức nuôi dưỡng đời sống thiêng liêng và tình thần tông đồ nơi các đoàn thể công giáo đã được trao phó cho các ngài. Các ngài phải hiện diện trong hoạt động tông đồ của các đoàn thể đó bằng ý kiến khôn ngoan và cổ võ những sáng kiến của chúng. Qua những tiếp xúc thường xuyên với giáo dân, các ngài phải chú tâm tìm kiếm xem những hình thức nào đem lại kết quả hơn cho hoạt động tông đồ. Các ngài phải cổ võ tinh thần hiệp nhất ngay trong đoàn thể mình phụ trách cũng như giữa đoàn thể này với các đoàn thể bạn.

Sau hết, các tu sĩ nam nữ phải quý trọng các hoạt động tông đồ của giáo dân. Theo tinh thần và nội qui của mỗi dòng tu, họ cũng nên sẵn sàng giúp phát triển các hoạt động tông đồ giáo dân 6. Họ còn phải ân cần nâng đỡ, trợ lực và bổ túc các công việc của linh mục.

26. Vài hình thức cộng tác. Trong mỗi giáo phận, phải hết sức liệu sao cho có những hội đồng cố vấn gồm các giáo sĩ, tu sĩ cùng cộng tác thích hợp với giáo dân để giúp cho hoạt động tông đồ của Giáo Hội hoặc trong việc rao truyền Phúc Âm và thánh hóa, hoặc trong các công cuộc từ thiện bác ái, xã hội hay các hoạt động khác. Những hội đồng cố vấn này có thể giúp phối hợp hoạt động của các hội đoàn cũng như của các công cuộc tông đồ của giáo dân đang khi vẫn tôn trọng bản chất riêng và quyền tự trị của mỗi hội đoàn 7.

Nếu có thể, cũng nên thiết lập những hội đồng cố vấn như thế ở cấp độ giáo xứ, liên giáo xứ, liên giáo phận và ngay cả trên bình diện quốc gia hay quốc tế 8.

Hơn nữa, phải thiết lập bên cạnh Tòa Thánh một văn phòng đặc trách hỗ trợ và cổ võ hoạt động tông đồ giáo dân 12*. Văn phòng này được coi như Trung Ương có đủ phương tiện thích ứng để thông báo những tin tức về những sáng kiến tông đồ của giáo dân, đồng thời nghiên cứu những vấn đề thời đại trong địa hạt này hầu giúp ý kiến cho Hàng Giáo Phẩm và cho chính các giáo dân đang dấn thân trong hoạt động tông đồ. Các phong trào và các tổ chức tông đồ giáo dân hiện có khắp thế giới phải được coi như những thành phần của văn phòng này, trong đó có cả giáo sĩ, tu sĩ cùng cộng tác với giáo dân.

27. Cộng tác với anh em Kitô giáo và ngoài Kitô giáo. Vì cùng chung một gia sản là Phúc Âm và do đó cùng chung một bổn phận là làm chứng cho Chúa Kitô, người công giáo nên và thường phải cộng tác với các Kitô hữu khác, hoặc cá nhân với cá nhân, hoặc giữa các cộng đoàn Giáo Hội trong các hoạt động cũng như trong các hội đoàn trên bình diện quốc gia hay quốc tế 9.

Vì cùng chung những giá trị nhân bản, nên người Kitô hữu đang theo đuổi mục đích tông đồ cũng thường phải cộng tác với những người tuy không theo Kitô giáo 13*, nhưng cũng nhìn nhận những giá trị nhân bản đó.

Nhờ sự cộng tác năng động và khôn ngoan này 10, sự cộng tác có tầm quan trọng đặc biệt trong các hoạt động thuộc lãnh vực trần thế, người giáo dân làm chứng cho Chúa Kitô, Ðấng Cứu Chuộc thế giới và làm chứng cho tình đoàn kết đại đồng của cả gia đình nhân loại.

 


Chú Thích:

11* Sắc Lệnh đã nói tới nền tảng của nhân vị và cá nhân trong hoạt động tông đồ giáo dân, tới bản tính cộng đoàn và xã hội của Kitô hữu, tới óc sáng kiến và tinh thần tùng phục, tới việc tông đồ cá nhân và có tổ chức. Giờ đây Công Ðồng đưa ra một vài tiêu chuẩn để cho các khía cạnh tông đồ này, dầu bề ngoài có vẻ đối nghịch nhau, vẫn hòa hợp với nhau, dựa theo sự khôn ngoan cao đẹp và thánh thiện. Sắc Lệnh xác định rằng Giáo Hội không thể chấp nhận chủ nghĩa duy giáo sĩ hay duy giáo dân; hoặc duy pháp lý hay tình trạng vô trật tự. Tự do của con người và sáng kiến cá nhân phải hòa hợp nhau trong việc tìm kiếm công ích. Quyền bính là để phục vụ nhưng phục vụ qua việc điều khiển hướng dẫn. Vấn nạn trung ương tập quyền hay phân quyền giải quyết được nhờ sự kiện hàng Giáo Phẩm và giáo dân cùng theo đuổi một mục đích nhưng có chức vụ khác nhau với quyền lợi và bổn phận khác nhau.

Cũng thế, tinh thần đoàn thể không có nghĩa là tình trạng lộn xộn hay vô trật tự, nhưng là hành động có tổ chức nhắm tới ích chung. Về phía hàng Giáo Phẩm, các ngài nên có khuynh hướng tôn trọng sáng kiến giáo dân, nhất là trong những lãnh vực chuyên biệt của họ, làm sao cho tất cả mọi người đều tha thiết và lo lắng cho thành quả của việc tông đồ trong tinh thần hiệp thông và phục vụ. Ðây là những tiêu chuẩn hướng dẫn việc tông đồ giáo dân:

- Tông đồ giáo dân, cá nhân hay có tổ chức phải ăn nhập với hoạt động tông đồ của toàn thể Giáo Hội, để cho sự hiệp nhất với các mục tử trong Giáo Hội trở thành điều kiện cần thiết cho mọi hoạt động tông đồ.

- Sự cộng tác giữa các tổ chức khác nhau là điều cần thiết và cần được hàng Giáo Phẩm hướng dẫn.

- Sự kính trong lẫn nhau và sự phân phối xứng hợp trở nên như những điều kiện cấp bách cho việc cổ võ tinh thần hiệp nhất và bác ái huynh đệ. Công Ðồng nhắn nhủ tín hữu cần tránh mọi tinh thần tranh đua bất chính giữa các hội đoàn. Ðiều kiện này theo Sắc Lệnh, còn cần thiết hơn nếu có những tổ chức tông đồ giữa các linh mục triều và dòng, tu sĩ và giáo dân. (Trở lại đầu trang)

1 Xem Piô XI, Tđ Quamvis Nostra, 30-4-1936: AAS 28 (1936), trg 160-161. (Trở lại đầu trang)

2 Xem S.C. Concilii, Resolutio Corrienten, 13-11-1920: AAS 13 (1921), trg 137-140. (Trở lại đầu trang)

3 Xem Piô XII, Huấn từ ad II Conventum ex Omnibus Gentibus Laicorum apostilatui provehendo, 5-10-1957: AAS 49 (1957), trg 927. (Trở lại đầu trang)

4 Xem CÐ vat. II, Hiến Chế tín lý về Giáo Hội, số 37: AAS 57 (1965), trg 42-43. (Trở lại đầu trang)

5 Xem Piô XII, Tông huấn Menti Nostrae, 23-9-1950: AAS 42 (1950), trg 660. (Trở lại đầu trang)

6 Xem CÐ Vat. II, Sắc Lệnh về Canh tân thích nghi đời sống dòng tu, số 8. (Trở lại đầu trang)

7 Xem Benedictô XIV, De Synodo Diocesana c. I, III, ch. IX, số VII-VIII: Opera omnia in tomos XVII distributa, bộ XI (Prati 1844), trg 76-77. (Trở lại đầu trang)

8 Xem Piô XI, Tđ Quamvis nostra, 30-4-1936: AAS 28 (1936), trg 160-161. (Trở lại đầu trang)

12* Do tự sắc "Catholicam Christi Ecclesiam" ngày 6 tháng Giêng năm 1967, Ðức Phaolô VI chính thức thiết lập Hội Ðồng Giáo Dân và Ủy Ban Giáo Hoàng về Công Lý và Hòa Bình.

Ðây là một thực hiện cụ thể đối với những điều Công Ðồng đã trình bày ở số 26 của Sắc Lệnh về Tông Ðồ Giáo Dân và ở số 90 trong Hiến Chế về Giáo Hội trong thế giới ngày nay. (Trở lại đầu trang)

9 Xem Gioan XXIII, Tđ Mater et Magistra, 15-5-1961: AAS 53 (1961), trg 456-457. - Xem CÐ Vat. II, Sắc lệnh về Hiệp Nhất, số 12: AAS 57 (1965), trg 99-100. (Trở lại đầu trang)

13* Ðiều mà Công Ðồng thiết tha mong muốn là người giáo dân không nên sống riêng rẽ và khép kín với những người không cùng một đức tin như mình. Công Ðồng kêu gọi sự cộng tác "năng động" và "khôn ngoan" của chúng ta với mọi người thiện chí để cùng nhau thăng tiến và cổ võ những gì chân thật, công bằng, thánh thiện và đáng yêu quí (x. Ph 4,8; TÐ 14); và hãy luôn lưu tâm đến "những gì hiệp nhất hơn là chia rẽ". (Trở lại đầu trang)

10 Xem CÐ Vat. II, Sắclệnh về Hiệp Nhất, số 12: AAS 57 (1965), trg 100; x. thêm Hiến Chế tín lý về Giáo Hội, số 5: AAS 57 (1965), trg 19-20. (Trở lại đầu trang)

 


Trở Lại Mục Lục Thánh Công Ðồng Vatican II

Back to Vietnamese Missionaries in Asia Home Page