Thánh Công Ðồng Chung Vaticanô II
Sắc Lệnh
Về Tông Ðồ Giáo Dân
Apostolicam Actuositatem
Bản dịch Việt Ngữ của Giáo Hoàng Học Viện Piô X
Prepared for Internet by Vietnamese Missionaries in Asia
Chương IV
Các Phương Thức Hoạt Ðộng Tông Ðồ 9*
15. Nhập đề. Giáo dân có thể thực hiện việc tông đồ hoặc từng người hoặc liên kết thành cộng đoàn hay hội đoàn.
16. Tầm quan trọng và những hình thức của việc tông đồ cá nhân. Việc tông đồ mà mỗi người phải thực hiện bắt nguồn từ mạch sống phong phú đích thực Kitô giáo (x. Gio 4,14). Ðó là căn bản và điều kiện của mọi hoạt động tông đồ giáo dân, kể cả việc tông đồ giáo dân tập thể và không gì có thể thay thế việc đó được.
Việc tông đồ cá nhân này rất hiệu quả ở bất cứ nơi nào và thời nào. Hơn nữa, trong một số hoàn cảnh chỉ có hoạt động tông đồ này mới thích hợp và mới có thể thực hiện được. Mọi người giáo dân, dù thuộc thành phần nào đi nữa, dù không có cơ hội hay khả năng để cộng tác trong các hội đoàn đều được kêu gọi và hơn nữa phải làm việc tông đồ cá nhân.
Có nhiều hình thức tông đồ mà người giáo dân dùng để xây dựng Giáo Hội, thánh hóa và làm sống động thế gian trong Chúa Kitô.
Hình thức đặc biệt của hoạt động tông đồ cá nhân là giúp giáo dân làm chứng bằng cả đời sống phát xuất từ đức tin, đức cậy, đức ái. Ðó là dấu chỉ rất thích hợp trong thời đại chúng ta để biểu lộ Chúa Kitô sống động trong các tín hữu của Người. Cùng với việc tông đồ bằng lời nói mà trong một số hoàn cảnh lại rất cần thiết người giáo dân rao giảng Chúa Kitô, cắt nghĩa và phổ biến giáo lý của Người tùy theo hoàn cảnh và tài năng của mỗi người, đồng thời họ cũng trung thành tuyên xưng giáo lý của Người nữa.
Hơn nữa, là những người công dân trong thế giới ngày nay, người công giáo khi cộng tác vào những việc liên quan tới việc xây dựng và quản trị trật tự trần thế, họ phải thấu triệt dưới ánh sáng đức tin những lý do cao cả để hành động trong đời sống gia đình, nghề nghiệp, văn hóa và xã hội và tùy dịp bày tỏ cho người khác nữa. Người giáo dân cũng phải ý thức rằng họ trở nên những người cộng tác với Thiên Chúa là Ðấng tạo dựng, cứu chuộc và thánh hóa và như vậy làm vinh danh Thiên Chúa.
Sau cùng giáo dân làm cho đời mình sống động bằng đức ái và tùy sức biểu lộ đời sống đó bằng chính hoạt động của mình.
Mọi người phải nhớ rằng nhờ việc phụng tự công cộng và cầu nguyện, nhờ sám hối và tự ý chấp nhận công việc cũng như những khổ cực của cuộc đời làm cho họ nên giống Chúa Kitô đau khổ (x. 2Cor 4,10; Col 1,24) họ mới có thể ảnh hưởng tới mọi người và đem ơn cứu độ cho toàn thế giới.
17. Tông đồ cá nhân trong những hoàn cảnh đặc biệt. Việc tông đồ cá nhân này rất cần thiết và cấp bách trong những miền mà tự do của Giáo Hội bị cản trở trầm trọng. Trong những hoàn cảnh khó khăn đó, giáo dân tùy khả năng thay thế linh mục, họ liều mất tự do của mình và đôi khi ngay cả mạng sống mình để dạy giáo lý công giáo cho những người chung quanh, huấn luyện cho những người ấy biết sống đạo và khuyến khích họ năng lãnh nhận các bí tích và đặc biệt tôn sùng phép Thánh Thể 1. Thánh Công Ðồng hết lòng tạ ơn Thiên Chúa đã không ngừng cho xuất hiện ngay cả trong thời đại chúng ta những người giáo dân can đảm phi thường giữa những cơn bách hại. Thánh Công Ðồng lấy tình người cha yêu thương và tri ân họ.
Việc tông đồ cá nhân có môi trường hoạt động đặc biệt trong những miền người công giáo ít oi và tản mác. Ở những nơi đó, giáo dân chỉ hoạt động tông đồ từng người hoặc vì những lý do nói trên hoặc vì những lý do đặc biệt do sinh hoạt nghề nghiệp. Nên để thuận tiện gặp gỡ nhau, họ hợp lại thành từng tổ nhỏ không cần đến hình thức tổ chức hay hệ thống chặt chẽ, miễn sao người khác thấy được dấu hiệu của cộng đoàn Giáo Hội như bằng chứng đích thực của tình thương. Như thế, trong khi giúp nhau trên bình diện thiêng liêng nhờ tình bằng hữu và kinh nghiệm, họ được mạnh sức để thắng vượt những khó khăn của cuộc sống và sự hoạt động quá lẻ loi cũng như để việc tông đồ đạt được kết quả phong phú hơn.
18. Tầm quan trọng của việc tông đồ tập thể. Với tư cách cá nhân, người Kitô hữu được mời gọi hoạt động tông đồ trong những hoàn cảnh khác nhau của cuộc sống. Tuy nhiên họ nên nhớ rằng con người, tự bản chất đã có xã hội tính., và Thiên Chúa đã vui lòng tập hợp, những người tin vào Chúa Kitô thành dân Thiên Chúa (x. 1P 2,5-10) và kết hợp họ thành một thân thể (x. 1Cor 12,12). Vậy hoạt động tông đồ tập thể rất phù hợp với đòi hỏi của các tín hữu dưới khía cạnh con người cũng như dưới khía cạnh Kitô hữu. Ðồng thời nó cũng biểu lộ được dấu chỉ hiệp thông và hiệp nhất của Giáo Hội trong Chúa Kitô, Ðấng đã phán: "Vì đâu có hai, ba người nhân danh Thầy hội họp lại, Thầy sẽ ở giữa họ" (Mt 18,20).
Vì thế người Kitô hữu phải hiệp nhất cùng nhau để làm tông đồ 2. Họ phải làm tông đồ trong cộng đoàn gia đình cũng như trong giáo xứ và giáo phận là những cộng đoàn nói lên tính cách cộng đồng của hoạt động tông đồ. Hơn nữa họ phải làm tông đồ trong những đoàn thể tự do mà họ đã tự ý gia nhập.
Hoạt động tông đồ tập thể rất quan trọng 10* vì trong các cộng đoàn Giáo Hội, cũng như trong các môi trường khác nhau, hoạt động tông đồ thường đòi hỏi phải được chu toàn do một hoạt động chung. Bởi vì các Hội Ðoàn được thành lập nhằm hoạt động tông đồ tập thể, nâng đỡ và huấn luyện các hội viên làm tông đồ, phối hợp và hướng dẫn hoạt động tông đồ của họ để có thể hy vọng nơi họ những kết quả phong phú hơn là nếu từng người hoạt động riêng rẽ.
Vậy trong những hoàn cảnh hiện tại, nơi nào có giáo dân hoạt động thì hoạt động tông đồ nhất thiết phải được củng cố dưới hình thức tập thể và có tổ chức. Vì chỉ có việc liên kết chặt chẽ các nỗ lực mới mong đạt được đầy đủ mọi mục tiêu của hoạt động tông đồ ngày nay và bảo vệ hữu hiệu những kết quả của việc tông đồ đó 3. Do đó điều quan trọng đặc biệt là làm sao cho hoạt động tông đồ tác động vào não trạng quần chúng và những hoàn cảnh xã hội của những người mà hoạt động tông đồ nhằm tới. Nếu không, họ thường sẽ không đủ sức chống lại áp lực của dư luận quần chúng hay của các định chế.
19. Nhiều hình thức của việc tông dồ tập thể. Có nhiều hội đoàn tông đồ khác nhau 4. Có những hội đoàn nhằm mục đích tông đồ tổng quát của Giáo Hội. Có những hội đoàn nhằm mục đích loan báo Phúc Âm và thánh hóa bằng phương thức chuyên biệt. Có những hội đoàn nhằm mục đích Kitô hóa trật tự trần thế. Có những hội đoàn nhằm làm chứng cho Chúa Kitô đặc biệt bằng từ thiện và bác ái.
Trong số những hội đoàn đó, cần phải đặc biệt chú trọng đến những hội đoàn cổ võ và đề cao sự phối hợp chặt chẽ giữa đời sống thực tế của hội viên với đức tin của họ. Các hội đoàn tự nó không phải là cứu cánh, nhưng phải nhằm giúp Giáo Hội chu toàn sứ mệnh đối với trần gian. Các hội đoàn chỉ có giá trị tông đồ nhờ ở chỗ phù hợp với các mục tiêu của Giáo Hội, ở từng hội viên hay cả hội đoàn có tinh thần Phúc Âm và làm chứng cho Chúa Kitô.
Trước sự tiến triển của các tổ chức cũng như đà tiến hóa của xã hội hiện đại, sứ mệnh phổ quát của Giáo Hội đòi hỏi các công cuộc tông đồ của người công giáo phải càng ngày càng được tổ chức quy củ trên lãnh vực quốc tế. Các Tổ Chức Công Giáo Quốc Tế sẽ đạt được mục đích cách tốt đẹp nếu các đoàn thể hội viên và các hội viên của các đoàn thể đó liên kết chặt chẽ với các tổ chức trên.
Giáo dân có quyền lập hội đoàn 5, điều khiển hội đoàn và ghi tên vào các hội đoàn đã có sẵn, miễn là phải giữ mối liên lạc cần thiết với giáo quyền 6. Nhưng cần phải tránh phân tán lực lượng do việc lập thêm những hội đoàn và những công cuộc mới khi không đủ lý do, hoặc cố giữ lại những hội đoàn không còn ích lợi hoặc giữ lại những phương thế đã lỗi thời. Cũng không phải luôn luôn thích hợp khi du nhập một cách bừa bãi những hình thức hội đoàn của các nước khác 7.
20. Công giáo tiến hành. Từ vài chục năm nay, trong nhiều quốc gia, giáo dân càng ngày càng dấn thân vào hoạt động tông đồ. Họ qui tụ lại với nhau dưới nhiều hình thức hoạt động cũng như lập thành các hội đoàn. Những tổ chức này đã và đang theo đuổi những mục đích thuần túy tông đồ mà vẫn liên kết chặt chẽ với Hàng Giáo Phẩm. Trong số những tổ chức ấy cũng như cả các tổ chức tương tự đã có từ trước, đặc biệt phải nhắc đến những tổ chức dầu theo những tiêu chuẩn hoạt động khác nhau nhưng đã đem lại nhiều kết quả phong phú cho nước Chúa Kitô. Các Ðức Giáo Hoàng và một số đông các Giám Mục đã có lý khi tín nhiệm và cổ võ những tổ chức này và đặt cho danh hiệu Công Giáo Tiến Hành. Do đó những hoạt động ấy thường được diễn tả như một sự cộng tác của giáo dân vào việc tông đồ của Hàng Giáo Phẩm 8.
Những hình thức tông đồ này, dù mang danh hiệu Công Giáo Tiến Hành hay một danh hiệu nào khác, vẫn đang thực hiện một việc tông đồ quí giá ở thời đại chúng ta. Những tổ chức ấy phải hội đủ những yếu tố sau đây:
a) Mục đích trực tiếp của tổ chức này phải là mục đích tông đồ của Giáo Hội, nghĩa là rao truyền Phúc Âm và thánh hóa nhân loại, và đào tạo cho con người một lương tâm Kitô giáo đích thực để họ có thể đem tinh thần Phúc Âm thấm nhập vào mọi cộng đoàn cũng như mọi lãnh vực của đời sống.
b) Trong khi cộng tác với Hàng Giáo Phẩm theo thể thức riêng của mình, người giáo dân đảm nhận trách nhiệm và đem kinh nghiệm riêng để điều hành các tổ chức này, tìm những điều kiện thích hợp cho hoạt động mục vụ của Giáo Hội cũng như để soạn thảo và theo đuổi một chương trình hành động.
c) Người giáo dân hoạt động liên kết với nhau như các cơ quan trong thân thể, điều đó dễ nói lên ý nghĩa cộng đoàn của Giáo Hội và làm cho việc tông đồ được hữu hiệu hơn.
d) Người giáo dân hoạt động dưới sự điều khiển của chính Hàng Giáo Phẩm, dù họ tự nguyện dấn thân, hoặc được mời hoạt động và cộng tác trực tiếp vào việc tông đồ của Hàng Giáo Phẩm. Hàng Giáo Phẩm có thể thừa nhận sự cộng tác này bằng sự "ủy nhiệm" minh nhiên.
Những đoàn thể nào mà giáo quyền xét thấy hội đủ những yếu tố vừa kể đều được coi là Công Giáo Tiến Hành, mặc dù những tổ chức đó mang những hình thức và danh hiệu khác nhau tùy theo đòi hỏi của từng địa phương và của mỗi dân tộc.
Thánh Công Ðồng ân cần giới thiệu những định chế này vì chắc chắn chúng đáp ứng đúng những đòi hỏi của việc tông đồ của Giáo Hội trong nhiều quốc gia. Thánh Công Ðồng cũng kêu mời các linh mục hoặc giáo dân đang tham gia các hoạt động trên hãy thể hiện những tiêu chuẩn vừa kể mỗi ngày một hơn, và hãy luôn luôn lấy tình huynh đệ mà cộng tác với các hình thức tông đồ khác trong Giáo Hội.
21. Tôn trọng các đoàn thể tông đồ. Mọi đoàn thể tông đồ phải được đánh giá đúng mức. Tuy nhiên, những đoàn thể tông đồ mà Hàng Giáo Phẩm, tùy theo đòi hỏi của từng địa phương và từng thời đại đã khen ngợi, giới thiệu và truyền lệnh thành lập như những đòi hỏi cấp bách hơn, những đoàn thể đó phải được các linh mục, các tu sĩ và các giáo dân coi là rất quan trọng và mỗi người phải cổ võ những đoàn thể đó tùy theo cách thế riêng của mình. Trong số những đoàn thể đó ngày nay đặc biệt phải kể đến những đoàn thể hay hiệp hội công giáo có tính cách quốc tế.
22. Giáo dân dấn thân phục vụ Giáo Hội với tước hiệu đặc biệt. Thật đáng kính trọng và đặc biệt đề cao trong Giáo Hội những giáo dân, hoặc độc thân hoặc đã có gia đình, đang dấn thân và đem khả năng chuyên môn của mình phục vụ suốt đời hoặc một thời gian trong các tổ chức và hoạt động của các tổ chức ấy. Giáo Hội cũng rất vui mừng vì thấy càng ngày càng tăng số giáo dân phục vụ trong các đoàn thể hoặc trong các công cuộc tông đồ ở lãnh vực quốc gia mình cũng như trên địa hạt quốc tế và nhất là trong các cộng đoàn công giáo nơi các xứ truyền giáo và ở những Giáo Hội mới thành hình.
Các vị Chủ Chăn của Giáo Hội hãy sẵn sàng đón nhận và biết ơn những giáo dân này và phải lo cho họ có thật đầy đủ điều kiện do đức công bình, liêm chính và đức bác ái đòi hỏi, nhất là lo trợ cấp cho họ và cả gia đình họ để họ có được một đời sống xứng đáng. Ngoài ra còn phải lo cho họ được huấn luyện đầy đủ cũng như được trợ giúp và khích lệ về mặt thiêng liêng.
Chú Thích:
9* Tới đây, Sắc Lệnh tổng hợp hai hình thức hoạt động tông đồ giáo dân: cá nhân và tập thể. Các Nghị Phụ đã bàn cãi nhiều khi nói về Công Giáo Tiến Hành. Nhiều vị không muốn đề cập rõ về "Công Giáo Tiến Hành" hay một hình thức hội đoàn đặc thù nào khác, nhưng chỉ nói một cách tổng quát về các "hiệp đoàn". Trái lại có nhiều Nghị Phụ khác muốn dành một chương đặc biệt về Công Giáo Tiến Hành vì tầm quan trọng, sự cần thiết, bản tính, cơ cấu, sự điều hành của nó v.v... Cuối cùng, Thánh Công Ðồng chấp thuận một cách diễn tả dung hòa như chúng ta thấy ở Sắc Lệnh.
Trước hết Sắc Lệnh nói tới việc tông đồ cá nhân, kết quả tự nhiên của cuộc sống Kitô hữu thực sự thấm nhuần đức tin, cậy, mến. Việc tông đồ cá nhân này thực thi:
- bằng chứng tích đời sống Kitô giáo.
- bằng sự cộng tác như công dân của trần gian vào việc kiến tạo và điều hành trật tự trần gian: đời sống gia đình, nghề nghiệp, văn hóa và xã hội.
- bằng lời cầu nguyện riêng tư, việc đền tội, chấp nhận làm việc và chịu vất vả do cuộc sống để nên giống Chúa Kitô Ðau Khổ. Tất cả những nhân đức này giúp họ có khả năng đạt tới mọi người trong tinh thần tông đồ. (Trở lại đầu trang)
1 Xem Piô XII, Huấn từ ad Conventum ex Omnibus Gentibus Laicorum apostolatui provehendo, 14-10-1951: AAS 43 (1951), trg 788. (Trở lại đầu trang)
2 Xem Piô XII, Huấn từ ad I Conventum ex Gentibus Laicorum apostolatui provehendo, 14-10-1951: AAS 43 (1951), trg 787-788. (Trở lại đầu trang)
10* Tầm quan trọng của việc tông đồ tập thể. Việc tông đồ có tổ chưc rất thích hợp với bản tính xã hội của con người và với niềm tha thiết của Chúa là muốn thu thập mọi người tin vào Chúa Kitô thành Dân Thiên Chúa (x. 1P 2,5-10). Theo Sắc Lệnh các hội đoàn làm việc tông đồ cần phải có bốn đặc tính:
- Mục đích phải là rao giảng Phúc Âm và thánh hóa mọi người.
- Các hội đoàn phải cộng tác với hàng Giáo Phẩm, nhưng vẫn chịu trách nhiệm riêng.
- Hoạt động của các hội đoàn này phải có tính cách cộng đoàn.
- Hoạt động của giáo dân phải tùy thuộc vào sự hướng dẫn của hàng Giáo Phẩm. (Trở lại đầu trang)
3 Xem Piô XII, Tđ. Le Pèlerimage de Lourdes, 2-7-1957: AAS 49 (1957), trg 615. (Trở lại đầu trang)
4 Xem Piô XII, Huấn từ ad consilium Foederationals internationalis virorum catholicorum, 8-12-1956: AAS 49 (1957), trg 26-27. (Trở lại đầu trang)
5 Xem S.C. Concilii, Resolutio Corrienten, 13-11-1920: AAS 13 (1921), trg 139. (Trở lại đầu trang)
6 Xem đoạn sau, ch V, số 24. (Trở lại đầu trang)
7 Gioan XXIII, Tđ. Princeps Pastorum, 10-12-1959: AAS 51 (1959), trg 856. (Trở lại đầu trang)
8 Xem Piô XI, thư gởi cho Ðức Hồng Y Bestram, 13-11-1928: AAS 20 (1928), trg 385. - x. thêm Piô XII, Huấn từ ad A.C. Italicam, 4-9-1940: AAS 32 (1940), trg 362. (Trở lại đầu trang)