Thánh Công Ðồng Chung Vaticanô II
Sắc Lệnh
Về Tông Ðồ Giáo Dân
Apostolicam Actuositatem
Prepared for Internet by Vietnamese Missionaries in Asia
Lời Giới Thiệu
Ðôi dòng lịch sử
Năm 1960, Ðức Gioan XXIII thiết lập Ủy Ban Giáo Hoàng về hoạt động tông đồ giáo dân. Và sau 200 lần hội, Ủy Ban đã hoàn tất việc soạn thảo một lược đồ gồm 200 trang.
Ủy Ban gồm tất cả 39 thành phần, trong số có 11 Giám Mục. Bên cạnh Ủy Ban còn có 29 vị cố vấn, mà 14 vị cũng là Giám Mục. Ngoài ra, các đại diện của 26 quốc gia và của nhiều tổ chức quốc tế cũng đến tham dự.
Ngay từ ban đầu, Hồng Y Cento, chủ tịch Ủy Ban, đã đề nghị mời giáo dân tham dự, ít nhất với tư cách cố vấn. Trong kỳ họp đầu tiên, Ðức Gioan XXIII đã chính thức mời Jean Guitton tham dự Công Ðồng với tư cách là dự thính viên giáo dân.
Rồi trong những phiên họp khoáng đại về sau, Ðức Phaolô VI cũng đã đề cử nhiều dự thính viên giáo dân khác, nam giới vào năm 1963 và cả nữ giới vào năm 1964 tham dự. Như vậy Sắc Lệnh về Tông Ðồ Giáo Dân đã được thành phần giáo dân cộng tác hoàn thành.
Trong suốt thời gian tranh luận, bản văn được sửa đổi và soạn thảo lại nhiều lần. Ban đầu lược đồ đề cập hết sức bao quát về vai trò của người giáo dân trên thế giới và trong Giáo Hội. Về sau các Nghị Phụ đã cố gắng thu hẹp lại vào một khía cạnh tiêu biểu nhất: tông đồ giáo dân.
Thực ra lược đồ đã được đem bàn cãi từ những phiên họp ở năm 1963, và Ủy Ban liên hệ đã phải rút ngắn lại còn 48 trang, rồi 15 trang ở năm 1964. Vì các Nghị Phụ nhận thấy rằng lược đồ chưa thỏa mãn đủ cho sự đòi hỏi cần thiết, nên nhiều lần cuộc tranh luận đã gặp những khó khăn đáng kể. Và như vậy, để được chấp thuận lược đồ đã phải trải qua những "cơn sốt" trầm trọng.
Ở đây chúng ta cố gắng đưa ra một vài lý do của những trở ngại đó. Trước hết, chúng ta nhận thấy rằng "Tông Ðồ Giáo Dân" là một đề mục hoàn toàn mới lạ, chưa có một sắc lệnh hay một văn kiện nào trước Công Ðồng Vaticanô II đã đề cập tới. Ðàng khác vấn đề tự bản tính đã là khó khăn, phức tạp; thật vậy, chưa có một quan điểm thần học căn bản Công Giáo nào nói về những thực tại trần thế cũng như về hành động của Kitô hữu trong thế giới.
Sau nữa, muốn tìm một định nghĩa đứng đắn cho "tông đồ giáo dân" thì tự nó không thể cung cấp đủ nhưng người ta còn phải đi tìm những minh chứng và cảm hứng bên ngoài và phải đặt nền tảng ở Giáo Hội cũng như nương tựa vào nhân chủng học (x. René Rémond,Introduction du Décret, Ed. du Centurion).
Tính cách độc đáo
Ðây là lần đầu tiên trong lịch sử, một Công Ðồng Chung đã quan tâm đặc biệt tới vấn đề tông đồ của giáo dân, cũng như đã dành nhiều nỗ lực cho sự xác định lại sứ mệnh của giáo dân trong Giáo Hội và trong thế giới.
Nhưng điều đó không có nghĩa là Giáo Hội chưa bao giờ ý thức sự hiện diện mật thiết của giáo dân trong Giáo Hội. Bởi Giáo Hội được thiết lập vì các tín hữu là con cái mình, và ngay từ ban đầu thời Giáo Hội sơ khai, giáo dân không những là đối tượng cho hoạt động của các Tông Ðồ, mà còn là những cộng tác viên đắc lực của các ngài. Như phần mở đầu của Sắc Lệnh có nhắc đến, những hoạt động tông đồ giáo dân xuất hiện tự nhiên từ giai đoạn đầu của Giáo Hội và đã đem lại những kết quả phong phú. Rồi qua dòng lịch sử, chúng ta thấy rằng có nhiều tu hội và hiệp hội tông đồ phát sinh do cảm hứng của giáo dân hay do họ điều khiển.
Tuy nhiên, phải công nhận rằng cho tới Vaticanô II địa vị của người giáo dân vẫn chỉ được xem như một ngoại lệ do ơn sủng đặc biệt hay riêng tư nào đó; và như vậy sự có mặt của họ chưa bao giờ được nhìn nhận như một hàng riêng biệt. Hơn nữa, với ý niệm hầu như hoàn toàn tiêu cực, hình như Giáo Luật đã không quan tâm tới việc đề cao và công nhận giá trị của người giáo dân.
Ðàng khác, tình trạng của giáo dân lại luôn lệ thuộc vào hàng Giáo Phẩm và Giáo Sĩ. Chúng ta có thể nói rằng quan niệm thế quyền từ nhiều thế kỷ về đây liên lạc giữa chính quyền với công dân được đưa ra áp dụng vào trong Giáo Hội khi qui định mối tương quan giữa Giáo Sĩ và Giáo Dân. Lại nữa trong số các hình ảnh dùng diễn tả bản tính Giáo Hội, hình như người ta vẫn còn giữ lại hình ảnh có chiều hướng Trung Cổ: mục tử và đoàn chiên. Quyền bính và trách nhiệm hướng dẫn là việc của các mục tử; đoàn chiên giáo dân chỉ việc vâng theo những chỉ dẫn của chủ chăn.
Công Ðồng Vaticanô II đã nỗ lực xét lại hoàn toàn quan niệm tổng quát về sự liên lạc giữa Giáo Hội và các tín hữu. Công Ðồng xác nhận rằng người giáo dân phải được đánh giá như cộng tác viên đích thực trong sứ mệnh duy nhất của Giáo Hội là cứu độ mọi người. Ðây là một thành quả tốt đẹp của Công Ðồng trong việc quan niệm địa vị người giáo dân trong Giáo Hội.
Sau đó, Công Ðồng giải quyết một vấn nạn đươc đặt ra từ đầu: đó là việc phân chia hoạt động tông đồ ra "tông đồ trực tiếp và gián tiếp", hoặc, theo nhiều người, phân biệt ra "tông đồ chuyên biệt và không chuyên biệt".
Lúc ấy người ta quan niệm rằng hoạt động tông đồ trực tiếp là tất cả những phương cách truyền bá Phúc Âm và thánh hóa các Kitô hữu hay những người ngoài Kitô hữu bằng sự loan báo Chúa Kitô, loan báo Phúc Âm hay bằng chính đời sống.
Hoạt động tông đồ gián tiếp, trái lại, được cho rằng đó là những hoạt động hệ tại sự bảo đảm và làm hoàn hảo trần thế, cho thấm nhuần tinh thần Phúc Âm và nhờ vậy tạo nên bầu khí thích hợp cho việc rao giảng Phúc Âm và thánh hóa con người.
Như vậy, theo các quan niệm nầy, tất cả những hoạt động tông đồ có tính cách xã hội chỉ được coi như là tông đồ gián tiếp. Rất nhiều Nghị Phụ không đồng ý quan niệm nầy.
Về sau, Ủy Ban liên hệ bàn cãi lại và quyết định không dùng những từ ngữ phân biệt đó ở trong Sắc Lệnh.
Những nét chính
Nhìn vào Sắc Lệnh, chúng ta nhận thấy điều được Sắc Lệnh nhấn mạnh trước hết là xác định lại giáo lý về tông đồ giáo dân đã trình bày trong Hiến Chế Tín Lý về Giáo Hôi: theo đó, Giáo Hội được thành lập với mục đích đem đến cho mọi người ơn cứu chuộc và cứu rỗi.
Sau đó, Sắc Lệnh đề cập tới vấn đề chính là tông đồ giáo dân trong khi vẫn dựa vào những gì đã trình bày ở Hiến Chế về Giáo Hội. Nhưng điều quan trọng là Sắc Lệnh phân biệt "chức linh mục thừa tác" và "chức linh mục cộng đồng". Với "chức linh mục thừa tác", các giám mục và từ đó các linh mục có quyền thi hành những chức vụ tông đồ "nhân danh Chúa Kitô Thủ Lãnh Hiện Thân" (x. Sắc Lệnh về Linh Mục) và do đó các ngài trở nên như Mục Tử chăn dắt. Còn các tín hữu, nhờ "chức linh mục cộng đồng", thi hành những việc tông đồ riêng biệt của họ trong Giáo Hội. Sắc Lệnh đã nhắc lại nhiều lần rằng vì giáo dân tham dự vào chức vụ tư tế, ngôn sứ và vương giả của Chúa Kitô theo cách thế của họ, cũng phải nắm giữ vai trò riêng do phép Rửa Tội, Thêm Sức và nhất là do các đặc sủng riêng biệt của họ.
Thứ đến, Sắc Lệnh nói đến một vấn đề đã gây nên nhiều khó khăn cho việc tông đồ giáo dân: sứ mệnh của Giáo Hội. Sắc Lệnh xác định rằng sứ mệnh của Giáo Hội vẫn là duy nhất, nhưng có thể được diễn tả bằng những hình thức tông đồ khác nhau với những thành quả khác nhau. Như vậy người giáo dân sẽ thi hành việc tông đồ trong các cộng đồng của Giáo Hội mà họ sống trong gia đình, ở môi trường xã hội, môi trường giới trẻ, hay trong lãnh vực quốc gia hoặc quốc tế. Bởi đó, việc tông đồ của người giáo dân cũng có thể đem lại những thành quả phong phú. Nhờ hoạt động tông đồ, họ sẽ loan báo Phúc Âm cho người khác, hoặc thánh hóa họ. Họ cũng có thể nhờ hoạt động mà đem tinh thần Phúc Âm thấm nhuần lãnh vực trần thế.
Ðề cập tới việc thực hiện tông đồ giáo dân, Sắc Lệnh nhắc tới hai phương pháp hoạt động trong Giáo Hội: tông đồ tập thể và tông đồ cá nhân. Cả hai đều là những cách thế hoạt động của giáo dân; tuy nhiên, theo Sắc Lệnh, hoạt động tông đồ có tổ chức qui củ sẽ đáp ứng hữu hiệu hơn cho nhu cầu của con người và của tín hữu. Bởi thế, phương pháp hoạt động tập thể này cần được phát động và khích lệ nhiều hơn trong các lãnh vực hoạt động của giáo dân.
Sắc Lệnh đã đặc biệt lưu ý tới những hội đoàn mới xuất hiện vào quãng mươi năm nay, dưới danh hiệu Công Giáo Tiến Hành.
Sau hết, Sắc Lệnh nhấn mạnh tới việc cần thiết huấn luyện cho những hoạt động tông đồ này cũng như những phương tiện sử dụng.
Chiều hướng nền tảng
Ðể thấu triệt hơn ý nghĩa Sắc Lệnh, ở đây chúng ta cố gắng đưa ra một vài tư tưởng chủ điểm và độc đáo, dựa vào những nét chính vừa nêu trên.
Trước hết, chúng ta nhận thấy rằng ý tưởng "tham dự vào" trước đã có tiếng vang đáng kể trong Thông Ðiệp "Pacem in terris", giờ đây được Sắc Lệnh Tông Ðồ Giáo Dân nhắc lại và nhấn mạnh trong tầm mức ý nghĩa của nó, từ đầu cho đến cuối bản văn. Thật vậy, trước hết và trên hết, Giáo Hội có sứ mệnh giúp mọi người tham dự vào ơn cứu độ và giáo dân là thành phần được tham dự vào chức vị tư tế, ngôn sứ và vương giả của Chúa Kitô. Họ được mời tham dự vào sinh hoạt của Giáo Hội, trong sứ mệnh rao giảng Phúc Âm; cho nên đối tượng của Sắc Lệnh về Tông Ðồ Giáo Dân là xác định những hình thái và điều kiện cho việc tham dự nầy. Thời gian mà các tín hữu chỉ đóng vai trò thụ động đã qua rồi. Ngày nay Giáo Hội đặt niềm tin ở sự can thiệp, ở sáng kiến cũng như nơi sự tuân phục của con cái mình.
Nguồn gốc sự tham dự đó phát sinh từ địa vị, hoàn cảnh khác nhau của mỗi người trong thế giới. Người giáo dân sống trong thế giới và giữa những thực tại trần gian; cho nên ơn gọi của họ là thánh hóa những gì trần tục. Chính ơn gọi này với hoàn cảnh riêng biệt của mỗi người sẽ định hướng cho đời sống tôn giáo của họ.
Bởi thế, đời sống đạo đức cá nhân của người giáo dân sẽ nhận được cảm hứng từ đời sống hoạt động của họ giữa người khác và giữa cuộc đời; như vậy, với những yếu tố của các hoàn cảnh cụ thể của cuộc sống, của đời vợ chồng, gia đình, nghề nghiệp và xã hội, họ sẽ tạo cho mình khoa tu đức hữu hiệu cho bậc sống. Như vậy sự chạm trán với những vấn đề không ngừng đặt ra do cuộc sống hiện tại và theo sự phán đoán trong tầm mức Kitô hữu, là cơ hội quí báu cho người giáo dân để kiểm điểm lại cuộc sống.
Ðịnh nghĩa và quan niệm về ơn gọi của người giáo dân như thế, hàm chứa một cách nào đó, quan niệm thần học về những thực tại trần thế; quan niệm nầy hòa hợp với quan điểm được trình bày ở Hiến Chế nầy, trật tự trần thế có giá trị riêng của nó và người giáo dân sử dụng trật tự đó với trách nhiệm của mình. Thế giới chưa hoàn tất và khuôn mặt của nó tùy thuộc vào hoạt động tự do và ý thức của con người. Như vậy, đứng trước thế giới, người giáo dân có sứ mệnh phải kiến tạo, hoàn hảo hóa sao cho nó trở nên hấp dẫn đối với mọi người và thích hợp với ý định của Thiên Chúa.
Một chiều hướng quan trọng khác của Sắc Lệnh là đặc biệt chú tâm tới thực tại cụ thể của thế giới hiện đại. Bản văn của Sắc Lệnh đã dùng lại ý niệm "dấu chỉ thời đại" mà Thông Ðiệp "Pacem in Terris" đã sử dụng và xem như là một ý niệm quan trọng của Thông Ðiệp. Sắc Lệnh Tông Ðồ Giáo Dân đã đề cập nhiều lần tới tình trạng biến chuyển của thế giới, những điều kiện sống mới mẻ, những đổi thay bất ngờ, tình trạng tăng gia dân số, sự tiến bộ của khoa học và kỹ thuật.
Những phân tích nầy không khác mấy với những điều đã trình bày ở "Hiến Chế Mục Vụ về giáo Hội trong thế giới ngày nay"; nhưng nét đặc biệt của Sắc Lệnh là niềm khát vọng khám phá ra ngôn ngữ của các dấu chỉ thời đại, là sự coi trọng những thực tại trần thế, là nỗi băn khoăn tìm cách thích ứng việc tông đồ giáo dân với hoàn cảnh, nhu cầu và khả năng của thế giới hiện đại.
Trong những đặc điểm chính của thế giới văn minh có lẽ sự liên đới ngày càng gia tăng giữa các dân tộc là một đặc điểm quan trọng nhất. Thật vậy, Thánh Công Ðồng đã đặc biệt chú tâm tới chiều hướng quốc tế đó, và Sắc Lệnh nầy là một trong những bằng chứng của sự chú tâm trên. Hoạt động tông đồ giáo dân phải nhằm tới viễn ảnh quốc tế và thực hiện thế nào để giúp cho các dân tộc gần gũi nhau hơn.
Có lẽ sự quan tâm tới hoạt động tông đồ phổ quát của Sắc Lệnh là một đặc điểm hấp dẫn nhất. theo đó, mọi giáo dân trên thế giới đều được kêu mời tới công việc ấy, và hoạt động tông đồ nầy nhằm đến hết mọi người, làm thế nào để người giáo dân có thể đối thoại với tất cả dù có đức tin hay không.
Như thế, hoạt động tông đồ giáo dân sẽ lan rộng tới mọi khía cạnh của cuộc đời thực tế, tới bất cứ bậc sống nào cũng như nhu cầu nào của nhân loại. Ðứng trên phương diện nầy, Sắc Lệnh về Tông Ðồ Giáo Dân đã trở nên một trong những thành quả cũng như một trong những khát vọng chính yếu của Thánh Công Ðồng Vaticanô II.