Thánh Công Ðồng Chung Vaticanô II

 

Tuyên Ngôn

về liên lạc của Giáo Hội với các

Tôn Giáo ngoài Kitô Giáo

Nostra Aetate

 

Prepared for Internet by Vietnamese Missionaries in Asia


 

Lời Giới Thiệu

 

1. Soạn thảo Tuyên Ngôn

Danh từ "các tôn giáo ngoài Kitô giáo" trước hết bao hàm Do Thái giáo và Hồi giáo. Hai tôn giáo này dù không chấp nhận thiên tính của Chúa Kitô và mầu nhiệm Ba Ngôi, nhưng vẫn tôn thờ Thiên Chúa một cách chân chính. Danh từ trên còn ám chỉ các tôn giáo ở Á Châu và Phi Châu như Phật giáo và Ấn giáo... cũng như tất cả các hình thức tôn giáo khác.

Lúc đầu Công Ðồng chỉ muốn thêm một chương vào Sắc Lệnh về Hiệp Nhất để nói lên lòng ưu ái của Giáo Hội đối với dân Do Thái, nhất là vì những cuộc bách hại bất công trước kia mà họ là nạn nhân. Trong diễn văn khai mạc tháng 9 năm 1963, Ðức Giáo Hoàng Phaolô VI đã minh nhiên biểu lộ mối thiện cảm của Giáo Hội đối với dân Do Thái và được cụ thể hóa bằng chuyến công du của ngài qua Thánh Ðịa vào tháng Giêng năm 1964. Sau đó, mối thiện cảm trên lan rộng đến Hồi giáo và tất cả những hình thức tôn giáo khác: ngày 17-3-1964 Ðức Giáo Hoàng đã thiết lập một văn phòng đặc trách các vấn đề có liên quan đến những tôn giáo ngoài Kitô giáo. Rồi trong Thông điệp Ecclesiam Suam (6-8-1964) Ðức Thánh Cha còn biểu lộ lòng ao ước của Giáo Hội muốn đối thoại với các tôn giáo ngoài Kitô giáo, một cuộc đối thoại không che đậy chân lý. Trong Hiến Chế tín lý về Giáo Hội công bố ngày 21-11-1964, số 16, Công Ðồng đã manh nha một giáo thuyết sẽ được diễn tả cách tỉ mỉ trong Tuyên Ngôn về các tôn giáo ngoài Kitô giáo và được các Nghị Phụ phê bình ngày 15-10-1965 và công bố ngày 28-10-1965 một ít lâu trước khi Công Ðồng bế mạc ngày 8-12-1965.

2. Tầm quan trọng của Tuyên Ngôn

Bản Tuyên Ngôn này là tài liệu ngắn nhất trong các văn kiện Công Ðồng Vaticanô II công bố, nhưng không phải vì thế bản Tuyên Ngôn kém quan trọng. Ngày 18-11-1964, Ðức Hồng Y Bea đã nhấn mạnh đến tầm quan trọng đó như sau: "Ðây là lần đầu tiên trong lịch sử Giáo Hội, một Công Ðồng đã long trọng trình bày các nguyên tắc liên hệ đến các tôn giáo ngoài Kitô giáo... Ðây là vấn đề của hơn một tỷ người chưa biết hay không nhìn nhận Chúa Kitô và công trình cứu rỗi của Người".

Trong thế giới văn minh ngày nay có hai thái cực rất dễ nhận thấy ngay cả nơi các Kitô hữu: có người quan niệm rằng các tôn giáo ngoài Kitô giáo là đối lập với Kitô giáo nên phải bài bác; trái lại có kẻ chủ trương khuynh hướng hỗn hợp tôn giáo quan niệm rằng mọi tôn giáo đều là những con đường cứu rỗi. Qua Tuyên Ngôn này, Giáo Hội minh định rằng tất cả các dân tộc làm thành một cộng đoàn duy nhất (số 1). Giáo Hội công nhận những giá trị luân lý và tôn giáo của các tôn giáo ngoài Kitô giáo. Giáo Hội chắc chắn rằng tất cả những ai không vì lỗi riêng mình đã không tiếp nhận Phúc Âm Chúa Kitô và đang tìm kiếm Chúa với một lòng chân thành đều liên kết với dân duy nhất của Chúa bằng nhiều cách (GH 16).

Quí trọng các tôn giáo ngoài Kitô giáo và ao ước thiết lập những tiếp xúc huynh đệ như thế, không làm suy giảm sứ mạng chính yếu của Giáo Hội là loan báo cho mọi người được biết Chúa Kitô là nguồn cứu rỗi chân thật. "Giáo Hội rao giảng và có bổn phận phải kiên trì rao giảng Chúa Kitô, Ðấng là "đường, sự thật và sự sống" (Gio 14,6), nơi Người con người tìm thấy đời sống tôn giáo sung mãn và nhờ Người Thiên Chúa giao hòa mọi sự với mình" (số 2).

3. Nội dung của Tuyên Ngôn

Bản Tuyên Ngôn này không phải là một bài khảo luận, cũng không nhằm diễn tả các tôn giáo ngoài Kitô giáo, càng không phải là một so sánh Kitô giáo với các tôn giáo. Tuyên Ngôn không phân biệt giữa các hình thức và giáo phái của mỗi tôn giáo, như Phật giáo hay Ấn giáo. Có rất nhiều hình thức tôn giáo khác được quy tụ trong danh từ "các tôn giáo khác". Tuy dù trong thời đại chúng ta có những khuynh hướng vô thần, nhưng giữa lòng các tôn giáo đó Công Ðồng đặt tất cả quan tâm đến một số đông người chân thành tìm kiếm chân lý trong tôn giáo của họ theo ánh sáng họ nhận lãnh.

Tuyên Ngôn chia ra 5 tiết mục: phần mở đầu và đoạn kết nêu lên những nguyên tắc tổng quát; tiết mục 2, 3, và 4 tuần tự đề cập đến các tôn giáo khác.

(1) Phần Mở Ðầu

Giáo Hội muốn cổ võ tinh thần hiệp nhất và tình bác ái giữa loài người. Giáo Hội muốn xét đến không phải những gì chia rẽ nhưng những gì hiệp nhất. Mọi người dều có nguồn gốc nơi Thiên Chúa. Họ tự nêu lên những câu hỏi về nguồn gốc, về những hoàn cảnh sống và mục đích tối hậu của họ. Tiết mục này có thể so sánh với số 3 trong Hiến Chế mục vụ, ở đó Công Ðồng cũng diễn tả nỗi khắc khoải của mọi người và niềm ao ước của Giáo Hội muốn cổ võ tinh thần nhất, tiếp tục công trình của Chúa Kitô Ðấng đã đến để cứu rỗi chứ không phải để kết án, để phục vụ chứ không phải để được phục vụ.

(2) Những Tôn Giáo Ngoài Kitô Giáo

Hai Tôn Giáo lớn, Phật giáo và Ấn giáo, liên quan mật thiết với đà tiến triển văn hóa, bao hàm nhiều yếu tố như những động lực thúc đẩy những người theo hai tôn giáo đó và các tôn giáo khác để họ tìm cách thỏa mãn một tâm tình sâu xa về tôn giáo mà tất cả đều cảm thấy; đôi khi nhờ vậy, họ còn nhận ra có Ðấng Chí Tôn. Giáo Hội không phủ nhận những gì chân thật và thánh thiện nơi các tôn giáo đó, nơi đó đôi khi cũng bao hàm một tia sáng chân lý. Tuy nhiên, Giáo Hội muốn loan báo Chúa Kitô (xem ở trên) và khuyến khích giáo dân thực hiện một cuộc đối thoại với những người ngoài Kitô giáo, đồng thời cộng tác với những người theo tôn giáo khác, nhưng phải biểu dương đức tin chân chính bằng gương sáng đời sống Kitô hữu của mình.

(3) Hồi Giáo

Ðây là lần đầu tiên trong Giáo Hội, qua một vài dòng vắn tắt, Công Ðồng ghi lại tất cả những gì có tính cách tích cực trong Hồi giáo: sự thờ phượng Thiên Chúa Tạo Hóa, thái độ tuân phục ý định Thiên Chúa của các tín hữu, lời cầu nguyện và việc sám hối của họ, lòng tin tưởng vào Abraham. Dù không chấp nhận thiên tính của Chúa Giêsu, người Hồi giáo vẫn tôn kính Người như một vị Ngôn Sứ và tôn sùng mẹ đồng trinh của Người.

"Công Ðồng còn khích lệ người Công giáo cố gắng để mọi người quên đi mối hận thù xưa kia giữa người Công giáo và Hồi giáo, và trong niềm quý trọng lẫn nhau, hãy ý thức nhiệm vụ chung nhằm lợi ích cho mọi người" (Hồng Y Koenig).

(4) Do Thái Giáo

Vấn đề Do Thái giáo được đề cập dồi dào hơn, vì đây là nguồn gốc của Tuyên Ngôn về các tôn giáo ngoài Kitô giáo. Vấn đề được bàn cãi lâu dài trước khi đúc kết thành bản văn hiện nay. Khi suy niệm về mầu nhiệm của mình, Giáo Hội nhìn nhận có một liên kết chặt chẽ với dân Do Thái trong Cựu Ước, với Môisen và các Ngôn Sứ. Dân Do Thái là hình bóng Dân Chúa, đã sinh ra chính Chúa Kitô, các Tông Ðồ và những tín hữu tiên khởi.

Giáo Hội tuyên bố rằng không một lý do nào cho phép xem người Do Thái hiện thời như những người có trách nhiệm giết Chúa Kitô, cũng như không phải tất cả người Do Thái thời đó đều tham dự vào vụ án của Người, Ðấng đã cầu nguyện cho những ai vì không biết mới lên án Người như thế.

Giáo Hội không đứng trên phương diện chính trị, nhưng trên phương diện tôn giáo lên lên án tất cả mọi hình thức bách hại, đàn áp dân Do Thái trong thời đại hiện nay.

Sau cùng, khi nhắc lại rằng Chúa Kitô đã tự ý chấp nhận khổ nạn vì yêu thương: cuộc khổ nạn của Người là nguồn suối phát sinh mọi ân sủng cứu độ cho tất cả mọi người, bản văn kết thúc với niềm mong ước có một cuộc đối thoại thần học giữa người Công giáo và Do Thái.

(5) Tình Huynh Ðệ Phổ Quát

Bản Tuyên Ngôn kết thúc bằng lời kêu gọi bác ái huynh đệ đối với mọi ngươì, vì tất cả được tạo dựng giống hình ảnh thiên Chúa và là con cùng một Cha. Do đó, Giáo Hội bài bác tất cả mọi sự kỳ thị và tranh chấp giữa con người do sự khác biệt về nòi giống, màu da, giai cấp hay tôn giáo, vì như thế là đi ngược với tinh thần Chúa Kitô.

 


Trở Lại Mục Lục Thánh Công Ðồng Vatican II

Back to Vietnamese Missionaries in Asia Home Page