Một Cuộc Hành Trình Thiêng Liêng

Tìm hiểu khóa linh thao theo thánh I-nhã

Linh Mục Ðinh Văn Trung, SJ, Việt Nam

Prepared for internet by Vietnamese Missionaries in Taiwan


Lời Nói Ðầu

Trong truyền thống công giáo có nhiều hình thức tĩnh tâm. Nhưng nói đến tĩnh tâm thì không thể không nói đến lối tĩnh tâm theo thánh I-nhã Loyola được trình bày trong một cuốn sách nhỏ của ngài. Sách này được Tòa Thánh phê chuẩn vào tháng bảy năm 1547 và, đặc biệt hơn nữa, một năm sau, tức 31-7-1548, sách được chính Ðức Giáo Hoàng Phaolô III phê chuẩn qua Ðoản Sắc Nhiệm Vụ Mục Vụ (Postoralis officii). Sách mang nhản đề Những bài tập thiêng liêng mà trong tiếng Việt Nam người ta gọi tắt là Linh Thao (hoặc Thần Thao). Gọi là những bài tập thiêng liêng, vì đây là một cuộc thao luyện tương phản với thể dục; nó là một phương pháp "chuẩn bị linh hồn để cởi bỏ mọi ưa thích lệch lạc và, sau khi đã cởi bỏ chúng, đi tìm và tìm thấy ý muốn của Thiên Chúa trong việc xếp đặt cuộc đời mình nhằm cứu rỗi linh hồn" (s.1,3-4).

Tuyệt đối hóa giá trị của sách Linh Thao của thánh I-nhã là điều không thích đáng. Coi sách Linh Thao của ngài như phương pháp tốt nhất, là điều hàm hồ. Chờ đợi ở việc làm Linh Thao như một "phép thần" có khả năng khiến người làm xong một khóa Linh Thao như được lột xác và trở thành con người mới, nói chung, đó chỉ là ảo vọng vì, trừ một ít trường hợp dặc biệt do đặc ân của Thiên Chúa, ơn Thiên Chúa thường tác động vào tâm hồn cách âm thầm và từ từ chứ không phải một cách chấn động và đột ngột như trường hợp thánh Phaolô được ơn cải hóa trên đường đi Ðama. Nhưng điều không ai chối cãi là Linh Thao của thánh I-nhã có một sắc thái và giá trị đặc biệt, đến nỗi ngay năm 1548, tức trong lúc sinh thời của ngài, nó đã được Ðức Giáo Hoàng Phaolô III, trong Ðoản Sắc Nhiệm Vụ Mục vụ (Pastoralis offcii) nói trên, công nhận là tuyệt hảo. Tiếp sau đó, nó còn được nhiều Giáo Hoàng khác ca tụng. Các Giáo Hoàng Alexanđe VII, Bênêđíchtô XIV, Grêgôriô XVI đã ban ơn đại xá cho những ai làm Linh Thao theo thánh I-nhã trong tám ngày hay ít nhất là năm ngày, dưới sự hướng dẫn của một linh mục Dòng Tên.

Ngày 25 tháng bảy năm 1922, Ðức piô XI, trong Tông Hiến Các Giáo Hoàng (Summorum Pontificum), đã đặt thánh I-nhã là quan thầy các cuộc tĩnh tâm và các nhà tĩnh tâm; và trong Thông Ðiệp Năm Thứ Bốn Mươi (Quadragesimo anno), ngài tuyên bố Linh Thao của thánh I-nhã là "phương thế rất quý giá cho việc cải tổ bản thân và xã hội". Ðức Piô XII, nhân dịp kỷ niệm bốn trăm năm ngày phê chuẩn sách Linh Thao, đã nói: "Linh Thao của thánh I-nhã sẽ mãi mãi là một trong những phương thế hữu hiệu nhất để thế giới được tái sinh thiêng liêng, nhưng với điều kiện là Linh Thao phải tiếp tục là Linh Thao đích thực theo thánh I-nhã". Ngài còn gọi sách Linh Thao là một "quyển sách nhỏ mọn nhưng bao la" (miuscule mais immense livre).

Thực vậy, hơn bốn thế kỷ qua, nhiều Giáo Hoàng, giám mục, linh mục, và vô số tu sĩ nam nữ và cả những tín hữu giáo dân, đã được thừa hưởng Linh Thao của thánh I-nhã. Thánh Phanxicô đệ Xan nói rằng sách Linh Thao đã đào tạo nên nhiều vị thánh hơn cả số chữ có trong sách đó. Và không kể thánh Phanxicô đệ Xan, tưởng nên nhắc tới những vị thánh như Sác Bôrômê, Lêona đệ Po Môrích (Léonard de Port - Maurice), Anphong đệ Ligori, Antôn Maria Clarét, v.v...., là những vị đã làm Linh Thao và nhiệt liệt tán thưởng Linh Thao. Riêng trong Dòng Tên, thánh I-nhã là người đầu tiên gặt hái được kết quả đặc biệt của Linh Thao, công trình khám phá của chính ngài: Linh Thao đã đánh dấu một giai đoạn mới trong hành trình thiêng liêng của ngài. Rồi tất cả các tu sĩ trong dòng, kể cả những vị đã được phong thánh, như thánh Phanxicô Xaviê, Lu-y Gonzaga, v.v..., đều được tiếp thụ sự huấn luyện thiêng liêng bằng Linh Thao của vị sáng lập dòng, và được nuôi dưỡng bằng tinh thần của Linh Thao.

Sách Linh Thao của thánh I-nhã là một quyển sách nhỏ chỉ dẫn cách làm Linh Thao, chứ không phải là một tác phẩm nghiên cứu về tín lý hoặc về đời sống thiêng liêng. Nó chủ yếu là kinh nghiệm của ngài mà ngài muốn trao lại cho những người khác: cách đặc biệt nhất, đây là kinh nghiệm thuộc thời gian ngài sống cầu nguyện tại Manresa (1522-1523), tức sau thời gian ngài tĩnh dưỡng ở Loyola (1521-1522) khi bị đạn bắn gẫy chân trong vụ đứng ra bảo vệ thành Pamplona (Tây Ban Nha) bị quân Pháp tấn công. Ngài còn tiếp tục sửa chữa và bổ sung nó cho tới khoảng năm 1540-1541, nhất là trong thời kỳ ngài theo học ở trường Ðại Học Paris (1528-1535). Sau đó cuốn sách còn được thêm bớt đôi chút cho tới năm 1547 là năm nó được đem cho Tòa Thánh phê chuẩn.

Có lẽ ít người nhận ra giá trị của sách Linh Thao nếu chỉ đọc chứ không thực hành. Tuy nhiên, về mặt lý thuyết, chúng ta cũng thấy giá trị đặc thù của nó do chính cấu trúc đặc biệt và những điểm nhấn mạnh của nó. Thực vậy, nhiều hình thức tĩnh tâm đã xuất hiện trước thánh I-nhã cũng đã có từ xưa, như suy ngắm về tội, về hỏa ngục, về Ngôi Lời Nhập Thể và Giáng Sinh, vê cuộc đời và những giáo huấn của Chúa Cứu Thế. Người ta còn gặp lại trong sách Linh Thao nhiều ý tưởng có sẵn trong quyển Cuộc Ðời Ðức Kitô mà thánh I-nhã đã đọc trong những ngày tĩnh dưỡng nhàn rỗi ở Loyola. Ngay chính nhan đề Những Bài Tập Thiêng Liêng (Linh Thao) cũng không phải là mới lạ, vì, chẳng hạn trong quyển Scala claustralium (viết khoảng năm 1145), tác giả Guigo trẻ, tu viện trưởng dòng thánh Bruno (dòng Chartreux) đã dùng từ exercitum spirituale (sự thao luyện thiêng liêng) để chỉ việc đọc sách thiêng liêng, suy gẫm, cầu nguyện, chiêm niệm (xem PL. 184, 475); cuốn sách của Garcia de Cisneros, viện phụ dòng Biển Ðức, mà thánh I-nhã đọc khi ở Montserrat, mang nhan đề là Ejercitatorio de la vida esperitual (sự/bài luyện tập của đời sống thiêng liêng). Chúng ta cũng không tìm thấy tính độc đáo của sách Linh Thao của thánh I-nhã trong nội dung của nó vì, ngay trong bốn giai đoạn của cuộc hành trình Linh Thao, tức Bốn Tuần, thì Tuần Hai, Ba và Bốn, tức ba phần bốn của cuộc hành trình, là dành cho việc chiêm niệm về cuộc đời của Chúa Giêsu căn cứ vào Phúc Âm. Nhưng tính độc đáo của sách Linh Thao là ở chỗ, với cái nhìn và kinh nghiệm của mình, thánh I-nhã đã dùng cái có sẵn làm như vật liệu để xây dựng thành tòa nhà Linh Thao của mình. Vì thế trong Ðoản Sắc Pastoralis officii (đã nói tới trên kia) của Ðức Giáo Hoàng Phaolô III có câu: "con yêu dấu I-nhã Loyola của Ta, bề trên tổng quyền dòng Chúa Giêsu, dòng do Ta thiết lập trong Thành tốt lành của Ta và đã nhận được từ nơi Ta sự phê chuẩn tông đồ, đã soạn một số tài liệu hay bài tập thiêng liêng được rút ra từ Thánh Kinh và từ những kinh nghiệm đời sống thiêng liêng, và đã sắp xếp theo một thứ tự có khả năng cách đặc biệt để đánh động về mặt đạo đức những linh hồn các tín hữu".

Cấu trúc đặc biệt của sách Linh Thao cốt ở chỗ các đề tài suy ngắm được liên kết chặt chẽ với nhau một cách hữu cơ theo những mục đích nhất định. Vì thế nếu tách những đề tài suy ngắm ra khỏi cấu trúc đó để suy ngắm, thì việc suy ngắm vẫn có giá trị, nhưng không còn là làm Linh Thao theo thánh I-nhã mang tính cách sư phạm độc đáo nhằm hướng dẫn người tĩnh tâm trên con đường đi tìm và tìm thấy thánh ý Thiên Chúa qua việc đi theo và noi gương Chúa Giêsu. Tính cách độc đáo này hiện rõ trong các chỉ dẫn của ngài và đặc biệt hơn cả là trong chính tiến trình của Linh Thao gồm các bài suy ngắm mà ngài gọi là những bài tập. Ðây chính là diễn tiến của một cuộc hành trình thiêng liêng.

Ðã có nhiều tác giả nghiên cứu sâu rộng sách Linh Thao về nhiều phương diện. Riêng tôi, tôi không có tham vọng này. Tôi tự hạn chế là trình bày sơ lược những chỉ dẫn, vấn đề lựa chọn, vấn đề phân định các phần trong sách Linh Thao, v.v... để tập trung tìm hiểu diễn tiến của khóa Linh Thao bằng việc giải thích và phân tích một số những bài suy ngắm, cụ thể là những bài mà sách Linh Thao không những nêu ra đề tài, nhưng còn trình bày nội dung một cách có quy mô. Ðó hoặc là những bài mẫu hoặc những bài then chốt; gọi là then chốt, vì chúng làm thành như cái khung hay cái sườn cho tất cả các bài suy ngắm khác, chúng cho thấy những nét lớn trong tiến trình của Linh Thao. Hy vọng sự giải thích và phân tích chúng góp phần, dù là nhỏ mọn, giúp hiểu rõ Linh Thao của thánh I-nhã. Có hiểu rõ Linh Thao thì mới có thể biết nên hay cần thích nghi việc làm Linh Thao ở những điểm nào hoặc tới mức độ nào, thay vì, tuy nói là thích nghi, mà thực ra là làm biến tính Linh Thao hoặc lái Linh Thao theo hướng nhìn chủ quan của riêng mình. Ngoài ra, tác giả của tập sách này còn thầm mong giúp người đã làm xong khóa Linh Thao, khóa đại Linh Thao ba mươi ngày hay khóa Linh Thao rút ngắn (8-10 ngày), từ từ hiểu sâu rộng hơn nội dung sách Linh Thao và tiếp tục sống theo tinh thần của nó.

Sách Linh Thao dùng vào việc nghiên cứu ở đây là bản gốc bằng tiếng Tây Ban Nha, vẫn gọi là bản Thủ Bút và đã từ xưa được Dòng Tên coi như bản chuẩn hoặc bản nền tảng, bằng chứng là trong cuộc Tổng Hội của Dòng năm 1593-1594, tức ba mươi bảy năm sau khi thánh I-nhã, vị sáng lập dòng, qua đời (1556), một ủy ban đã được chỉ định để sửa lại bản dịch latinh quen gọi là bản Phổ Thông (Vulgata). Gọi là bản thủ bút, vì trong bản đó người ta đếm được ba mươi hai chỗ do chính tay thánh I-nhã sửa chữa hoặc bổ sung (ba sửa chữa khác có lẽ cũng là sửa chữa của ngài).


Back to Vietnamese Missionaries in Taiwan Home Page