Cuộc tĩnh tâm theo thánh I-Nhã, hoặc khóa Linh Thao, chia thành bốn giai đoạn, gọi là Bốn Tuần. Các Tuần không nhất thiết dài bằng nhau, và có tính cách co giãn uyển chuyển tùy theo ích lợi và nhu cầu của người tĩnh tâm (s. 4,5-7). Theo sách Linh Thao, Tuần Hai kéo dài mười ngày, Tuần Ba bảy ngày; và tổng cộng thời gian của khóa Linh Thao đầu đủ, cũng gọi là khóa Ðại Linh Thao, là khoảng ba mươi ngày (s. 4,8). Trong thực hành, giữa Tuần này sang Tuần khác có xen kẽ một buổi hay một ngày nghỉ ngơi. Không kể các việc đạo đức thông thường khác, trong Tuần Nhất, Tuần Hai và Tuần Ba, người tĩnh tâm suy ngắm mỗi ngày năm lần, mỗi lần lâu trọn một giờ (s. 12,2; 13,1). Các lần chia ra như sau: lần một vào nửa đêm, lần hai sau thức dậy buổi sáng, lần ba trước hoặc sau thánh lễ buổi sáng và dù sao cũng phải trước bữa ăn trưa, lần bốn vào giờ kinh chiều, lần năm trước bữa ăn tối một giờ. Thánh I- Nhã có nói rằng tùy theo tuổi tác, thể trạng mà số lần nói trên có thể bớt đi (s. 72; 205). Riêng Tuần Bốn bỏ giờ nguyện ngắm lúc nửa đêm (s.227,1-2).
Theo thánh I-Nhã, kháo Linh Thao đầy đủ hoặc Ðại Linh Thao là dành cho những người có thì giờ và thực sự khao khát tiến bước trên con đường toàn đức (s. 20,1). Về sau người ta cũng quen rút gọn lại trong mười hoặc tám ngày, và gọi là khóa Linh Thao rút vắn. Thánh I-Nhã lại cũng đã tiên liệu trường hợp những người thiếu điều kiện chủ quan hoặc khách quan để làm Ðại Linh Thao. Ðối với những người xem ra không có hy vọng tiến xa trên đường thiêng liêng, những người không đủ sức khỏe hay khả năng trí tuệ thì việc Linh Thao được giới hạn vào nội dung của Tuần Nhất (s. 18). Ðiều này quen thấy được áp dụng cho những cuộc tĩnh tâm đại chúng. Riêng những người chỉ bị ngăn trở không thể làm được Linh Thao vì mắc bận công việc, thì nếu mỗi ngày họ có được một giờ rưỡi rảnh rỗi, họ có thể áp dụng phương thức trải dài Linh Thao (làm Tuần Nhất hay cả Bốn Tuần) ra nhiều ngày nhiều tháng (s. 19), phương thức này đã có ngay từ thời thánh I-Nhã.
Ðiều vừa nói trên là chính sự thích nghi Linh Thao, và chủ yếu là sự thích nghi về thời gian nhiều hay ít dành cho khóa Linh Thao, hoặc về số lượng các bài tập trong ngày. Nhưng, hơn thế nữa, dựa theo tinh thần của chú dẫn mười tám (s. 18) trong đó có câu nói đến việc thích nghi các bài tập tùy theo kiến thức và trí khôn của người tĩnh tâm, hướng dẫn viên có quyền thích nghi các bài tập, và đây là thích nghi về nội dung, tùy theo sự khôn ngoan và kinh nghiệm của mình và tùy theo khả năng tiếp thụ của người tĩnh tâm. Lại nữa, phần lớn các bài tập trong sách Linh Thao chỉ có nhan đề kèm theo mấy ý tưởng vắn tắt, vì thế dĩ nhiên hướng dẫn viên phải khai triển chúng. Nhưng dù sao, để ý thức về giới hạn của việc thích nghi, điều cần nhớ là, như đã nói trên kia, sách Linh Thao (và việc làm Linh Thao) có một cấu trúc riêng, một sư phạm riêng, một biện chứng riêng, một diễn tiến riêng trong đó có vấn đề thứ tự các bài tập (s. 20,1), nên nó không giống với bất cứ một tác phẩm nào khác về tĩnh tâm.
Theo thiển ý, đối với những người đã làm khóa Ðại Linh Thao hoặc đã vài ba lần làm Linh Thao theo phương thức rút vắn thì, trong những lần làm Linh Thao khác, sự thích nghi Linh Thao có thể khá tự do, nếu họ muốn, để tránh sự nhàm chán có thể có là sự nghe nhắc lại mãi những đề tài suy ngắm quen thuộc. Nhưng cũng nên nói ngay rằng, về sự nhàm chán, rất có thể đó chỉ là cảm tưởng suông hoặc chỉ là cảm giác nhất thời mà thôi. Trong đời sống công giáo, chúng ta vẫn có những việc đạo đức làm đi làm lại. Hằng ngày chúng ta nhiều lần đọc kinh Lạy Cha hoặc kinh Kính Mừng; chúng ta đọc cùng một kinh nguyện trong Phụng Vụ Thánh Lễ; mỗi ngày hay mỗi tuần vẫn suy ngắm cùng một đề tài là sự Tuẫn Nạn của Chúa Giêsu; mỗi năm, theo chu kỳ phụng vụ của Giáo Hội, chúng ta sống mùa Giáng Sinh, mùa Chay, mùa Phục Sinh, v.v... Với ơn phù trợ của Thiên Chúa kèm theo sự cố gắng của chúng ta, chúng ta vẫn có thể làm những việc đó cách sốt sắng. Bằng sự làm lại Linh Thao với những đề tài quen thuộc, chúng ta vẫn có thể nhận được những ơn đánh động mới, có những khám phá mới hoặc những đào sâu về điểm này hay điểm nọ.
Sách Linh Thao không chia thành các phần, ngoài việc phân biệt rõ rệt bốn Tuần. Nhưng chúng ta có thể căn cứ vào toàn thể nội dung của sách để chia ra ba phần như sau:
Phần nhất -- Phần nhất có thể coi như là phần mở đầu. Nó gồm hai mươi chú dẫn nhằm giúp "có được sự hiểu biết nào đó về các bài tập thiêng liêng" và "để người cho cũng như người nhận chúng tự giúp mình" (s. 1,1). Ðại ý nói về:
-- bản tính và mục đích của việc làm Linh Thao (s. 1);
-- cách thức tiến hành của hướng dẫn viên (s. 2; 4; 6-10; 14-17);
-- những thái độ và tâm tình mà người tĩnh tâm phải có (s. 3; 5; 11-13);
-- thích nghi việc làm Linh Thao theo khả năng tinh thần, khả năng thể xác, thời giờ có thể có v.v... của người tĩnh tâm (s. 18-20);
Phần hai -- Phần hai có thể coi như là phần chính, vì nó gồm cả bốn Tuần. Trước hết có bài suy tư mang nhan đề Nguyên lý và Nền tảng mở đầu cuộc Linh Thao, tinh thần của nó bao trùm toàn thể bốn Tuần. Tiếp đến là những chỉ dẫn về sự kiểm sát lương tâm hoặc xét mình, về sự xưng tội chung và chịu Mình Thánh Chúa.
Trong Tuần Nhất, người tĩnh tâm chủ yếu suy gẫm về tội. Họ được đọc các điểm bổ di là những chỉ dẫn giúp "làm các bài tập tốt hơn và để tìm thấy hơn điều mình muốn" (s. 73).
Bài Lời hiệu triệu của vua thế tục khai mạc Tuần Hai. Trong Tuần này, người tĩnh tâm chiêm ngưỡng Chúa Giêsu trong cuộc đời trần thế của Ngài, kể từ giây phút Nhập Thể cho tới giáp cuộc Chịu Nạn. Những vấn đề khác được đề cập; năm chú thích liên quan đến những điều phải giữ và phải làm trong Tuần Này; lời mào đầu nhắc bảo suy xét về các bậc sống; ba kiểu khiêm nhường; cách thức lựa chọn bậc sống; sự canh tân hoặc chỉnh đốn cuộc đời.
Tuần Ba là Tuần dành cho việc nguyện ngắm về cuộc Tuẫn Nạn của Chúa Giêsu. Những quy tắc về tiết độ trong ăn uống, về tâm hồn đạo đức khi ăn uống, đều được đề cập trong Tuần này.
Trong Tuần Bốn, người tĩnh tâm chiêm ngưỡng Chúa Giêsu phục sinh. Bài Chiêm niệm để đạt được tình yêu được coi như kết thúc Tuần Bốn và toàn thể khóa Linh Thao, đồng thời như dẫn đưa người tĩnh tâm bước vào cuộc sống thường nhật đổi mới.
Phần ba -- Phần ba là phần cuối. Ở phần này, ngoài việc giới thiệu các đề tài chiêm niệm dành cho Tuần Hai, Ba và Bốn, sách Linh Thao đưa ra:
-- những chỉ dẫn về ba cách cầu nguyện;
-- những quy tắc giúp nhận ra các thúc đẩy tốt hoặc xấu trong tâm hồn, giúp phân biệt những hành động của thiện thần và ác thần nơi tâm hồn;
-- những quy tắc về bố thí;
-- những chú thích về sự bối rối của tâm hồn và về những xúi giục ngấm ngầm của quỷ;
-- những quy tắc phải giữ để cảm nghĩ đúng theo Giáo Hội, cũng quen gọi là "những quy tắc về chính truyền".
Trên đây là trình bày sơ lược nội dung của sách Linh Thao mà những dòng đầu tiên của sách đã giải thích nhan đề và xác định mục đích: về nhan đề, gọi là những bài tập thiêng liêng để chỉ những cách kiểm sát lương tâm, suy gẫm, chiêm niệm, khẩu nghiệm, tâm nguyện và những việc thiêng liêng khác; về mục đích, đây là công việc tiêu cực và tích cực, tức nhằm gạt bỏ những ưa thích lệch lạc trong tâm hồn và đi tìm và tìm thấy ý muốn của Thiên Chúa trong sự xếp đặt cuộc đời mình để được rỗi linh hồn (s. 1).
Trong khóa Linh Thao, người tĩnh tâm xét mình, suy ngắm, cầu nguyện và làm các việc đạo đức khác (s. 1), nghĩa là họ đến gặp Thiên Chúa và trông chờ Thiên Chúa hành động nơi họ bằng "các ân sủng và các quà tặng từ nơi lòng tốt thần linh và tối cao của Ngài" (s. 20,10). Ðây là cuộc tiếp xúc thân mật và cá nhân, vì Thiên Chúa thông ban chính Ngài cho họ và không qua một trung gian nào, vì Ngài làm việc trực tiếp với họ và họ làm việc trực tiếp với Ngài (s. 15,3. 6). Nhưng cuộc gặp gỡ này với Thiên Chúa đòi họ phải hội đủ những điều kiện dưới đây vừa chủ quan vừa khách quan, gồm những điều kiện thuộc việc chuẩn bị để làm Linh Thao và những điều kiện phải giữ trong chính lúc làm Linh Thao.
Ðịa điểm -- Ðịa điểm phải là nơi cách biệt và kín đáo, như sách Linh Thao ghi: "Chẳng hạn như bỏ nhà họ đã cư trú và lấy một nhà hay một phòng khác để sống ở đó hết sức kín đáo có thể, thế nào để họ có thể mỗi ngày đi dự thánh lễ và kinh chiều mà không sợ những người quen biết làm ngăn trở" (s. 2,3-4). Chắc chắn sự thanh vắng là môi trường bên ngoài thích hợp cho những ngày tĩnh tâm. Chúa Giêsu xưa cũng đã từng tìm nơi thanh vắng tĩnh mịch để cầu nguyện (x. Mt 14,23; Lc 5,16, v.v....).
Thời gian -- Cần thu xếp trước thế nào để có thể có được thời gian sống trọn vẹn cho khóa Linh Thao, khỏi phải bận tâm về những công việc khác. Tuy nhiên, như đã nói trên kia, đối với những người chỉ có thể dành ra khoảng một giờ rưỡi để cầu nguyện, họ có thể được hướng dẫn để làm khóa Linh Thao trải dài. Dĩ nhiên sự trải dài này chỉ là một giải pháp bù đắp mà thôi vì, khách quan mà xét, trong trường hợp này, người tĩnh tâm phải bận tâm về nhiều việc khác nên khó tập trung tinh thần để sống mãnh liệt và trọn vẹn cho sự gặp gỡ Thiên Chúa. Chú dẫn hai mươi nói rõ: "Linh hồn chúng ta càng ở một mình và cách biệt thì càng trở nên thích hợp để đến gần và đạt tới Ðấng tạo hóa và Chúa của mình" (s. 20,9).
Khả năng thể xác và tinh thần, tâm hồn sẵn sàng -- Tùy như người tĩnh tâm có sức khỏe như thế nào, mức độ trí tuệ tới đâu, lòng ao ước sự thánh thiện đạt tầm cao nào mà họ sẽ được hướng dẫn viên nhận để giúp họ làm tất cả hay làm một phần khóa Linh Thao. Nếu là một phần thì phần này thu vào phạm vi của Tuần Nhất. Việc thu hẹp vào Tuần Nhất cũng là một cách thích nghi Linh Thao, như chú dẫn mười tám nói rõ (s. 18, 1).
Tìm hướng dẫn viên -- Sư phạm của Linh Thao đòi phải có vị hướng dẫn. Vì thế người muốn làm Linh Thao phải liên lạc trước với vị mà họ muốn nhận làm hướng dẫn viên. Vai trò của hướng dẫn viên sắp được đề cập dưới đây.
Quảng đại -- Người tĩnh tâm phải quảng đại với Thiên Chúa để, một cách tự do, tự nguyện và không so đo tính toán, chỉ muốn và làm điều Chúa muốn, để Ngài sử dụng mình theo thánh ý Ngài (s. 5). Ðây là điều kiện tối quan trọng vì, như đã rõ, người tĩnh tâm bước vào khóa Linh Thao là để đi tìm và tìm thấy ý Thiên Chúa trong sự sắp đặt cuộc đời của mình (s. 1,4). Cũng nên thêm: sự sắp đặt này chỉ có thể dẫn tới sự phát triển toàn vẹn con người, bởi lẽ Thiên Chúa là Ðấng đầy tình thương, Ngài chỉ muốn ban những điều tuyệt hảo cho những con cái Ngài.
Cuốn hút vào Thiên Chúa -- Người tĩnh tâm hãy để mình cuốn hút vào Thiên Chúa. Sách Linh Thao khuyên: hãy trút bỏ mọi bận tâm thế gian (s. 20,2), không để trí khôn bị phân chia bởi nhiều sự, và hãy dồn tất cả nỗ lực vào việc phụng sự Thiên Chúa và vào sự tiến bộ của linh hồn (s. 20,7). Chính nhờ vậy người tĩnh tâm mới dễ gặp gỡ Thiên Chúa và tìm thấy thánh ý của Ngài.
Trong thời gian làm Linh Thao, người tĩnh tâm lo cởi bỏ những ưa thích lệch lạc để đi tìm và tìm thấy thánh ý Thiên Chúa (s. 1,3-4). Họ tự làm lấy công việc này nhờ ở sự tác động của ân sủng Thiên Chúa, chứ hướng dẫn viên không can thiệp vào, như sách Linh Thao đã nói rõ rằng hướng dẫn viên "hãy để cho Ðấng Tạo Hóa hành động trực tiếp với hữu thể thụ tạo và hữu thể thụ tạo với Ðấng tạo Hóa và Chúa của mình" (s. 15,6). Câu này vạch rõ giới hạn của chiều kích quan hệ của hướng dẫn viên với người tĩnh tâm. Vậy trong phạm vi quan hệ này, ngay ở những trang đầu ghi các chú dẫn, sách Linh Thao đã nêu ra những việc thuộc vai trò của hướng dẫn viên như sau.
Hướng dẫn viên giới thiệu và trình bày đề tài suy ngắm cách vắn gọn và trung thực cho người tĩnh tâm (s. 2,1).
Khi thấy người tĩnh tâm ở trong tình trạng không có sự chuyển động nội tâm, như được yên ủi hoặc bị sầu khổ (khô khan), và khi thấy họ không lay động bởi các thần (thiện thần hoặc ác thần), thì hướng dẫn viên phải hỏi họ đã làm những bài tập như thế nào, có dành đủ thì giờ cho mỗi bài tập không, có giữ cẩn thận các điều bổ di không (s. 6).
Khi thấy người tĩnh tâm gặp khô khan hoặc bị cám dỗ, thì hướng dẫn viên hãy tỏ ra hiền lành dịu dàng, khuyến khích họ can đảm mạnh mẽ, vạch cho họ thấy những mưu mô của quỷ (s. 7).
Hướng dẫn viên hãy trình bày đúng lúc những quy tắc của Tuần Nhất hay Tuần Hai về việc phân biệt thần loại (s. 8-10), tức phân biệt sự lay động trong tâm hồn là do thiện thần hay ác thần gây ra.
Hướng dẫn viên nhắc bảo người tĩnh tâm dành đủ một giờ cho mỗi bài tập, tức cho mỗi lần suy ngắm (s. 12).
Hướng dẫn viên can ngăn người tĩnh tâm trong lúc họ được sự yên ủi và đầy lòng sốt sắng để họ đừng có những lời thề hứa đạo đức thiếu suy nghĩ và vội vàng (s. 14).
Hướng dẫn viên phải trung lập là không thúc giục - sự thúc giục không bị can ngăn ngoài khóa Linh Thao - người tĩnh tâm chọn bậc sống hay lối sống này nọ, nhưng hãy để mặc cho họ thực hiện sự lựa chọn này tùy theo ơn soi sáng và sự tác động của Thiên Chúa trên họ (s. 15).
Hướng dẫn viên không hỏi cũng không tìm biết những ý tưởng riêng hay những tội của người tĩnh tâm, nhưng nếu được họ cho biết cách trung thực về những lay động và những tư tưởng do các thần khác nhau gây ra hoặc đưa tới, thì đó là điều rất hữu ích, bởi lẽ hướng dẫn viên sẽ có thể tùy theo mức tiến bộ của họ mà cung cấp một số bài tập thích đáng, phù hợp với những nhu cầu hiện tại của linh hồn họ (s. 17).
Hướng dẫn viên thích nghi các bài tập và các việc khác thuộc Linh Thao cho hợp với tuổi, kiến thức, khả năng trí tuệ, sức khỏe, thì giờ, mức độ tiến bộ, v.v... của người tĩnh tâm. Ðối với người có đủ các điều kiện thì cho họ đủ hết các bài tập theo thứ tự của chúng (s. 18-20).
Sách Linh Thao đề cập vai trò của hướng dẫn viên - sách Linh Thao chủ yếu dành cho họ - và không nói gì đến vai trò của người được hướng dẫn, trừ lời khuyên họ nên cho hướng dẫn viên biết những lay động và những tư tưởng mà các thần gây ra hoặc đưa tới. Vì thế trên đây nhắc đến vai trò của hướng dẫn viên là để có thể dựa vào đó mà nhận ra mối quan hệ của người tĩnh tâm với hướng dẫn viên, bởi lẽ nói đến vai trò của hướng dẫn viên tức là gián tiếp nói đến những điều mà người tĩnh tâm với tư cách kẻ được giúp đỡ, vừa có quyền chờ đợi ở người hướng dẫn vừa phải làm để đáp ứng vai trò của người này: một bên là trao và một bên là nhận. Ví dụ nếu bảo rằng hướng dẫn viên phải trình bày vắn gọn các đề tài suy ngắm, thì điều này bao hàm rằng về phía người được hướng dẫn, họ không được đòi hỏi hay chờ đợi hướng dẫn viên trình bày về đề tài dài dòng lâu giờ; đàng khác, vì vai trò của hướng dẫn viên là trình bày đề tài, thì vai trò của người được hướng dẫn là đón nhận sự trình bày này, cũng như nếu vai trò của giáo viên đòi họ giảng bài, thì vai trò của người học sinh đòi người này nghe giảng bài. Sách Linh Thao cũng đã minh nhiên dùng cụm từ "người cho các bài tập" để chỉ hướng dẫn viên, đối lại với cụm từ "người nhận các bài tập".
Vì người tĩnh tâm là người nhận sự nâng đỡ, sự khích lệ, những lời nhắc bảo và khuyên nhủ của hướng dẫn viên, nên, để thực hiện tốt mối quan hệ với hướng dẫn viên, họ cần cởi mở và thành thực trong việc bày tỏ những điều xảy ra trong tâm hồn (sốt sắng, khô khan, dễ hay khó cầu nguyện, được ơn soi sáng, v.v...) và trong việc tường trình hoặc báo cáo cách thức mình đang làm Linh Thao.
Qua những điều nói trên đây, về sự tiếp xúc giữa hướng dẫn viên và người tĩnh tâm, chúng ta thấy có tiếp xúc sơ khởi trước khi làm Linh Thao và những tiếp xúc thường xuyên trong khi làm Linh Thao. Về tiếp xúc sơ khởi, đây là cuộc tiếp xúc thuộc riêng sáng kiến của người tĩnh tâm - để tiện, tôi xin dùng cụm từ "người tĩnh tâm", cho dù lúc này họ chỉ mới có ý định làm cuộc tĩnh tâm - và điều này hợp với các chú dẫn 18-20 trong sách Linh Thao, vì nhờ có cuộc tiếp xúc này hướng dẫn viên mới nhận được từ nơi người tĩnh tâm những chỉ dẫn của họ về chính họ để biết được họ đã đủ sẵn sàng về mặt tâm hồn chưa, có đủ khả năng tinh thần và thể xác để làm Linh Thao không hoặc làm tới mức độ nào, v.v... Dĩ nhiên những điều vừa nói là áp dụng cho người tĩnh tâm mà hướng dẫn viên chưa quen biết. Lại trong thực tế, như thấy ở một số trung tâm Linh Thao trên thế giới, nhiều khi không có cuộc tiếp xúc sơ khởi này, vì có những người chỉ căn cứ vào thông báo của trung tâm về thời gian những khóa Linh Thao và gửi thư xin đăng ký dự khóa Linh Thao mà họ chọn.
Về những tiếp xúc thường xuyên, trong khóa Linh Thao, hướng dẫn viên mỗi ngày trình bày cho người tĩnh tâm nội dung các bài tập và, tùy trường hợp, thêm những điều nhắc bảo của riêng mình nhưng phù hợp với sách Linh Thao và dĩ nhiên với tín lý cũng như với giáo huấn của Giáo Hội. Ngoài ra còn có những lần gặp gỡ riêng giữa hướng dẫn viên và người tĩnh tâm. Trong những lần gặp gỡ này, người tĩnh tâm cho hướng dẫn viên biết mình đã thực hiện Linh Thao như thế nào, và thông báo tất cả những gì xảy ra trong tâm hồn. Về số lần gặp gỡ riêng này, sách Linh Thao không nói gì; thiết tưởng mỗi ngày một lần, hoặc hai ba ngày một lần, điều đó tùy, nhưng không nên cách quãng lâu hơn; lý do dễ hiểu là vì hướng dẫn viên cần biết người tĩnh tâm đã tiếp thụ được như thế nào những điều mình trình bày cho họ về các bài tập, hoặc họ đã cảm nghiệm như thế nào những bài tập đó - đây là sự truyền đạt hai chiều hoặc vòng phản hồi - để, nếu cần, sẽ điều chỉnh lại cách trình bày, hoặc, nếu thấy hữu ích hơn, sẽ giữ người tĩnh tâm dừng lại ở những bài tập cũ, sẽ kéo dài hay rút vắn Tuần này hay Tuần nọ; lại vì, để có thể hướng dẫn thích đáng, hướng dẫn viên cần biết những điều xảy ra trong tâm hồn người tĩnh tâm (ví dụ dễ cầu nguyện, khó cầu nguyện, khô khan, sốt sắng, v.v...), mà những điều này có thể thay đổi mỗi ngày. Theo như lời ghi lại của linh mục De Vitoria, tu sĩ Dòng Tên, về điều thánh I-Nhã nhắc bảo mình, thì hướng dẫn viên thường mỗi ba ngày tới gặp riêng người tĩnh tâm một lần; và linh mục viết thêm rằng theo ý mình và theo kinh nghiệm của mình, nên mỗi ngày một lần, và chỉ một lần; riêng đối với một ít người "nghiêm trang và hoàn toàn chín chắn" thì có thể bỏ qua một ngày không gặp gỡ. Bản chỉ đạo năm 1599, bản chỉ đạo chính thức của Dòng Tên về việc Linh Thao, cũng viết tương tự ý kiến của linh mục De Vitoria.
Mối quan hệ giữa hướng dẫn viên và người tĩnh tâm quả là chặt chẽ. Tuy nhiên, không nên quên điều quan trọng này: đây không phải là mối quan hệ khép kín giữa hai người, bởi lẽ mục đích chính của người tĩnh tâm là đi tìm thánh ý Thiên Chúa, là gặp gỡ Thiên Chúa và gặp gỡ sâu xa hơn, và hướng dẫn viên là người giúp người tĩnh tâm làm công việc đó. Vì thế những tiếp xúc thường xuyên giữa hai người là những tiếp xúc mở ra và hướng về Thiên Chúa là trọng tâm.
Người tĩnh tâm nên giảm thiểu các quan hệ không cần thiết với người và vật chung quanh. Sự thanh vắng nói trên nằm trong đường hướng này. Sách Linh Thao còn nhắc không nên cười (s. 80), không nên nhìn khắp nơi (s. 81). Vậy sự giảm thiểu các quan hệ kia nhằm giúp sự trầm mặc để tâm hồn dễ được cuốn hút vào Thiên Chúa. Tưởng cũng nên thêm rằng giữ sự tĩnh lặng nội tâm là quan trọng để dễ cầu nguyện, dễ lắng nghe những lời nhủ thầm của Thiên Chúa, v.v... Sự tĩnh lặng bên ngoài chỉ cần thiết và hữu ích xét như là điều kiện để bảo vệ sự tĩnh lặng nội tâm. Có thể người ta giữ sự tĩnh lặng bên ngoài mà không giữ sự tĩnh lặng nội tâm. Người tĩnh tâm còn được khuyên nên lợi dụng thiên nhiên cách thích hợp vào việc cầu nguyện, như ánh sáng, bóng tối, thời tiết, sự mát mẻ hay sự ấm áp tùy mùa (s. 130,4; 229,4), ví dụ trong Tuần Nhất là Tuần suy gẫm về tội thì nên đóng cửa phòng để bớt ánh sáng (s. 79).
Tập trung tâm trí -- suốt ngày, người tĩnh tâm hướng tâm trí vào nội dung (những) đề tài suy ngắm của ngày. Ðó là ý tưởng tổng quát rút ra từ những chỉ dẫn dưới đây trong sách Linh Thao.
Người tĩnh tâm khi đang ở trong Tuần Nhất của khóa Linh Thao thì hãy lo làm những việc của Tuần đó, đừng nghĩ gì đến việc sẽ phải làm trong tuần kế tiếp (s. 11).
Trước khi ngủ, hãy nhớ vắn tắt đến đề tài suy ngắm sẽ làm khi thức dậy, và khi thức dậy (vào nửa đêm hay buổi sáng) hãy nghĩ đến đề tài đó kèm theo những tâm tình thích hợp với đê tài (s. 73,2; 74,1; 130,2; 229,2).
Hãy có tâm tình thích hợp với mỗi Tuần; trong Tuần Nhất (suy gẫm về tội) hãy nuôi dưỡng tâm tình đau buồn vì tội lỗi thay vì nghĩ đến những vấn đề vui mừng của Tuần Bốn (s. 78); trong Tuần Hai (cuộc đời Chúa) hãy năng nhớ đến cuộc đời Chúa từ khi Nhập Thể cho tới điểm đang chiêm niệm trong ngày (s. 130,3); trong Tuần Ba (cuộc Tuẫn Nạn) không nên có những ý tưởng vui, dù là lành thánh, như sự phục sinh và vinh quang của Chúa, nhưng hãy kích thích tâm hồn đau khổ vì nhớ đến những nỗi cực nhọc và đau khổ của Chúa (s. 206,5); trong Tuần Bốn (cuộc Phục Sinh) hãy nhớ và nghĩ đến những vấn đề đem lại niềm hoan lạc thiêng liêng, ví dụ nhớ và nghĩ đến vinh quang của Chúa (s. 229,3).
Việc hướng tâm trí vào nội dung suy ngắm của mỗi ngày còn được củng cố thêm bằng sự thay đổi mức độ hãm xác tùy theo các Tuần của Linh Thao (s. 130,5; 229,5). Lại nữa, như đã nói trên kia, người tĩnh tâm được khuyên nên biết lợi dụng bóng tối, ánh sáng, thời tiết, nghĩa là những hoàn cảnh vật lý bên ngoài, như những phương thế giúp tìm thấy điều mình mong ước (s. 130,4). Ðể cho đủ, nên nói thêm rằng riêng trong Tuần Hai, người tĩnh tâm còn nghĩ đến công việc lựa chọn bậc sống hay lối sống.
Nhân tiện cũng nói qua về sự nghỉ ngơi thư giãn trong ngày. Những giờ phút này là cần thiết vì lý do dễ hiểu là tâm trí không thể ở trong tình trạng tập trung mãi được. Ðàng khác thân thể cũng cần vận động. Làm những môn thể dục cá nhân, tắm, đi bách bộ, ngắm cảnh trời mây non nước, v.v..., đó là những cách vận động thân thể, nghỉ ngơi hoặc thư giãn. Vậy trong những giờ phút này, cố gắng giữ tâm hồn trong bầu không khí cầu nguyện là đủ rồi, và đó chính là giữ sự tĩnh lặng nội tâm. Nói cách tổng quát, bầu không khí cầu nguyện đây chính là bầu không khí của Tuần Linh Thao đang làm, điều này phù hợp với điều bổ di sáu (s. 130,3) trong sách Linh Thao. Cũng có thể nuôi dưỡng tâm hồn một cách nhẹ nhàng bằng những ý tưởng và tình cảm đạo đức đã có trong bài tập mới làm xong. Suy nghĩ và tự kiểm về những điều phải sửa và phải làm để xứng đáng là kẻ đi theo Chúa Kitô, cũng là điều tốt phù hợp với tinh thần của sách Linh Thao.
Hãm mình -- Vấn đề hãm mình hay hãm xác, hành xác, được đề cập trong Tuần Nhất (s. 82-87) (sẽ nói rõ hơn khi nghiên cứu về Tuần này). Ba thứ hành xác được nêu ra trong sách Linh Thao, là bớt ăn, bớt ngủ và gây đau thể xác. Người tĩnh tâm được khuyên nên hành xác trong cả ba Tuần Nhất, Hai và Ba, còn trong Tuần Bốn thì, thay vì hành xác, giữ sự tiết độ trong ăn uống, trừ phi có luật Giáo Hội buộc ăn chay kiêng thịt (s. 229,5). Khi nói về Tuần Hai, sách Linh Thao thêm rằng có những mầu nhiệm, tức những bài chiêm niệm, đòi sự hành xác, có những mầu nhiệm lại không (s. 130,5). Như vậy rõ ràng là hành xác hay không hành xác, điều này phải phù hợp với tinh thần của mỗi Tuần và của những ngày trong khóa Linh Thao. Lại theo tinh thần của điều nói trên về Tuần Bốn thì dù không hành xác, điều tối thiểu phải giữ là tiết độ trong ăn uống.
Riêng về việc ăn uống, xin trích dẫn ra đây lời chú thích của thánh I-Nhã mà linh mục Polanco đã trực tiếp ghi lại: "Vì chế độ ăn uống ảnh hưởng nhiều đến sự nâng cao hay suy sút của linh hồn, nên, để sự tiết độ và sự kiêng nhịn được tự nguyện và thích hợp với bản tính của mỗi người, người cho các bài tập hãy báo trước cho người tập rằng họ phải nói, sau bữa cơm trưa, cái họ muốn người ta dọn cho mình trong bữa cơm tối, và sau bữa cơm tối, cái họ muốn cho bữa cơm trưa của ngày tiếp theo. Họ (người cho các bài tập) cũng hãy bảo người dọn cơm luôn luôn, sau bữa cơm trưa vào lúc thu dọn khăn bàn và bát đĩa, hỏi xem họ (người tĩnh tâm) muốn gì cho bữa cơm trưa ngày hôm sau. Hãy đem cho họ cái họ yêu cầu, dù là đồ ăn thường hay tốt hơn thường, hay dù chỉ là bánh mì và nước hay rượu. Tuy nhiên người cho các bài tập hãy để ý xem họ (người tĩnh tâm) ăn ở như thế nào trong vấn đề ăn uống để tránh những thái quá về mặt này hay về mặt nọ". Chú thích này nhắc đến tầm quan trọng của việc ăn uống trong khóa Linh Thao, đến sự tiết độ và sự không nên kiêng nhịn quá mức, đến việc hướng dẫn viên phải quan tâm đến sự ăn uống của người tĩnh tâm vì ích lợi siêu nhiên của họ.
Tóm lại, hãm mình hay hành xác với mục đích đền tội hay tu luyện, là điều thuộc truyền thống khổ hạnh công giáo. Thánh Phaolô viết: "Tôi bắt thể xác tôi phải chịu cực và phục tùng" (1 Cr 9,27). Nhưng đàng khác, như thấy trên kia, hãm mình hay hành xác không liên hệ gì đến cái mà người ta gọi là "chủ nghĩa thiên thần" (angélisme) là chủ nghĩa muốn phủ nhận thể xác, muốn chối bỏ những quy luật và những nhu cầu sinh lý.