Tiếp theo bài Chiêm niệm để đạt được tình yêu, sách Linh thao nói đến:
- Ba cách cầu nguyện;
- Những mầu nhiệm của cuộc đời
Ðức Kitô Chúa chúng ta;
- Những qui tắc.
Dưới đây xin trình bày sơ lược những mục đó để giúp có cái nhìn tổng quát về sách Linh thao.
Có nhiều cách hay hình thức cầu nguyện, trong đó có việc suy niệm và chiêm niệm mà người tĩnh tâm thực hiện mỗi ngày nhiều lần trong suốt khóa Linh thao. Vậy ngoài việc suy niệm và chiêm niệm như đã trình bày, ở đây sách Linh thao giới thiệu những cách cầu nguyện khác dưới nhan đề là "Ba cách cầu nguyện". Chúng ta sẽ lần lượt nói đến ba cách cầu nguyện này.
Cách cầu nguyện thứ nhất dựa vào:
- mười giới
răn,
- bảy mối tội đầu,
- ba tài năng của linh hồn,
- ngũ quan.
Trước khi bàn đến chính việc cầu nguyện, có lời chỉ dẫn: "Trước hết hãy làm điều tương đương với điều bổ di hai của Tuần Hai, đó là, trước khi bước vào cầu nguyện, hãy để cho tinh thần nghỉ ngơi một chút bằng cách ngồi hay đi tản bộ, tùy như cách nào xem ra tốt hơn, suy xét xem mình đi đâu và để làm gì. Và cũng điều bổ di này sẽ làm ở đầu tất cả các cách cầu nguyện" (s. 239,1-2). Ðiều này có nghĩa là người cầu nguyện, không nên từ chỗ đang làm một công việc nào đó đi thẳng vào việc cầu nguyện, nhưng họ hãy có một thời gian chuyển tiếp hoặc trung gian, và đây cũng chính là thời gian chuẩn bị. Chuẩn bị bằng cách để cho trí khôn được nghỉ ngơi thư thái và hướng về việc cầu nguyện sắp làm, không bận tâm đến công việc hay vấn đề nào khác. Ngồi hay đi đi lại lại là những phương thế mà sách Linh thao giới thiệu để giúp trí khôn được nghỉ ngơi.
Về câu: "Hãy làm điều tương đương với điều bổ di hai của Tuần Hai", thực ra Tuần Hai không có điều bổ di riêng, nhưng có chú thích năm đặt sau bài tập năm của ngày thứ nhất như sau: "Sẽ làm một điều tương đương với điều bổ di hai theo cách thức sau đây: ngay khi tôi nhớ đến giờ tôi phải làm bài tập, trước khi đi [làm bài tập đó], tôi hình dung ra tôi đi đâu và đến trước mặt ai, tóm tắt một chút bài tập tôi phải làm, và sau đó, làm điều bổ di ba xong, tôi đi vào bài tập" (s. 131). Vậy chú thích này nhắc đến điều bổ di hai và ba của Tuần nhất (s. 74-75). Ðiều bổ di ba, như đã rõ, bảo người tĩnh tâm, khi bắt đầu suy ngắm, hãy đứng cách chỗ suy ngắm một vài bước, dành thời gian lâu bằng thời gian đọc một kinh Lạy Cha để hướng tâm trí lên cao, suy xét xem Thiên Chúa đang nhìn mình như thế nào (s. 75).
Trong các bài suy niệm và chiêm niệm của cả Bốn Tuần, sách Linh thao ghi: "Lời nguyện chuẩn bị" hoặc "lời nguyện chuẩn bị thường lệ", còn ở đây thì ghi là "Một lời nguyện chuẩn bị". Cũng ở các Tuần, lời nguyện chuẩn bị là xin Thiên Chúa ban cho mọi ý hướng, mọi hành động của chúng ta được qui về việc phụng sự và tán dương Ngài là Ðấng uy linh (s. 46), còn ở đây là xin ơn nhận rõ những thiếu sót trong việc tuân thủ các giới răn - bản văn đang nói đến các giới răn - và xin ơn sửa mình bằng cách xin được hiểờu hoàn toàn các giới răn "để tuân thủ chúng hơn và để Thiên Chúa uy linh được vinh quang và tán dương hơn". Như vậy lời nguyện chuẩn bị này tương đương với việc xin ơn ở mào đầu hai của bài suy niệm và mào đầu ba của bài chiêm niệm trong các Tuần.
Mục về ba cách cầu nguyện không nói đến việc cấu tạo nơi chốn. Ở cách cầu nguyện thứ nhất, sau khi bảo đọc một lời nguyện chuẩn bị, bản văn đi thẳng vào nội dung của việc cầu nguyện như sau (việc cầu nguyện dựa theo giới răn).
- Bắt đầu với giới răn thứ nhất, xét xem mình đã tuân thủ nó như thế nào và đã thiếu sót ở chỗ nào.
- Dừng lại ở mỗi giới răn trong khoảng thời gian tương đương với thời gian đọc ba kinh Lạy Cha và ba kinh Kính mừng. Ðó là nói chung; trong cụ thể, không cần phải dừng lại ở giới răn nào mình không hay vi phạm, và, ngược lại, dừng lại lâu hơn ở những giới răn mình hay vi phạm. Ðiều vừa nói cũng áp dụng cho việc xét mình về các tội đầu mối.
- Nếu trong thời gian này, tìm thấy những lỗi lầm nào, thì xin "sự xá miễn và tha thứ", rồi đọc một kinh Lạy Cha. Cũng theo cách thức này mà tiến tới các giới răn khác, theo thứ tự trước sau.
- Sau khi đã xét mình về từng giới răn, đã thú nhận tội lỗi và xin ơn sửa mình, sẽ kết thúc bằng cuộc tâm sự với Thiên Chúa, phù hợp với đề tài.
Sau khi đề cập việc cầu nguyện dựa theo mười giới răn, bản văn nói vắn tắt đến việc cầu nguyện dựa theo các tội đầu mối, các tài năng của linh hồn và năm giác quan của thể xác; cách thức cầu nguyện cũng như ở trên. Riêng về các tội đầu mối, bản văn khuyên, để biết rõ hơn các lỗi đã phạm liên quan đến các tội đó, nên nhìn xem cái trái ngược lại chúng (tức bảy đức đầu mối: khiêm nhường, quảng đại, v.v.), và vì thế, để tránh chúng hơn, hãy quyết định và cố gắng tập những đức đối lập lại chúng.
Về ngũ quan, có chú thích dưới đây.
- Nếu, trong việc sử dựng ngũ quan, muốn noi gương Ðức Kitô, thì hãy dâng lên Ngài lời nguyện chuẩn bị, và sau khi đã xét mình theo từng giác quan, đọc một kinh Kính mừng hoặc một kinh Lạy Cha.
- Nếu trong việc sử dụng ngũ quan, muốn noi gương Ðức Maria, thì lời nguyện chuẩn bị là xin ngài cầu cùng Con ngài cho mình ơn noi gương đó, và, sau khi đã suy sét từng giác quan, đọc một kinh Kính mừng.
Một cách đại cương, cách cầu nguyện thứ nhất này tương tự với việc "kiểm điểm tổng quát lương tâm" hoặc xét mình chung đã được đề cập ở Tuần Nhất (s. 32-43). Nhưng có những khác nhau về chi tiết.
Về bố cục, cách cầu nguyện thứ nhất có phần chuẩn bị (để cho trí khôn nghỉ ngơi) và phần tâm sự. Ðây là bảng so sánh:
Xét mình chung:
- (không)
- Tạ ơn Thiên Chúa vì các ân
huệ đã nhận được.
- Xin ơn biết các tội và từ
bỏ chúng.
- Xét mình. - Xin ơn tha thứ. - Quyết
tâm sửa mình. Ðọc một kinh
Lạy Cha (s. 43)
Cách cầu nguyện thứ nhất:
- Ðể cho trí khôn
nghỉ ngơi một chút.
- (không)
- Lời nguyện chuẩn bị: xin ơn biết
các lỗi lầm; xin ơn sửa mình,
xin ơn hiểu rõ các giới răn,
v.v., để tuân thủ hơn.
- Xét mình: xin ơn tha thứ sau mỗi
điểm xét mình. Ðọc một
kinh Lạy Cha.
- Thú lỗi và xin ơn sửa mình
sau khi đã tự kiểm theo các giới
răn.
- Tâm sự cùng Thiên Chúa.
Về thời gian và thời điểm, việc xét mình chung cũng như việc xét mình riêng, như dã có dịp nói, cả hai lâu khoảng mười lăm phút, và làm hai lần vào khoảng cuối buổi sáng và cuối buổi chiều, trong khi cách cầu nguyện thứ nhất, nếu là cầu nguyện dựa theo mười giới răn, thì lâu ít ra phải khoảng hai mươi lăm phút, vì, theo lý thuyết, mỗi giới răn lâu bằng ba lần đọc kinh Lạy Cha và ba lần đọc kinh Kính mừng, cộng với thời gian chuẩn bị và thời gian tâm sự. Thời điểm thì không thấy được xác định.
Về mục đích, việc xét mình chung giúp "để thanh tẩy mình và để xưng tội tốt hơn" (s. 32,1), còn cách cầu nguyện thứ nhất "nhằm cho hình thức, cách thức và những bài tập để linh hồn chuẩn bị mình và tìm được ích lợi ở nơi chúng, và để lời cầu nguyện được chấp thuận, hơn là cho hình thức hay cách thức cầu nguyện nào" (s. 238,3). Như vậy việc xét mình chung và cách cầu nguyện thứ nhất, mỗi cái có hướng đi riêng hay ít ra có trọng tâm riêng.
Cách cầu nguyện thứ hai là "chiêm niệm về ý nghĩa của mỗi từ của kinh nguyện". Nên để ý: bản văn dùng từ chiêm niệm, và là chiêm niệm về mỗi từ trong kinh nguyện. Như sẽ thấy sau, bản văn còn nói là "suy xét từng từ" thay vì nói là chiêm niệm. Vậy đây cũng là dịp cho thấy sự phân biệt giữa chiêm niệm, suy niệm và suy xét là sự phân biệt không có tính cách chặt chẽ lắm, ít là trong một số trường hợp.
Chuẩn bị - Việc chuẩn bị cũng giống như ở trong cách cầu nguyện thứ nhất, tức để cho tâm trí nghỉ ngơi đôi chút, v.v.
Lời nguyện chuẩn bị. - Bản văn ghi rất trống rằng lời nguyện sẽ thay đổi tùy theo Ðấng mà lời nguyện dâng lên. Vì thế chúng ta hiểu là nếu kinh nguyện dùng vào việc chiêm niệm là kinh Kính mừng chẳng hạn, thì lời nguyện chuẩn bị sẽ là lời nguyện dâng lên Ðức Maria.
Những kinh dùng vào việc chiêm niệm. - Những kinh được nói đến gồm có kinh Lạy Cha, Kính mừng, Tin kính, Lạy linh hồn Chúa Kitô và Lạy Nữ vương (s. 252,3; 253; 256; 260). Tuy nhiên vẫn có thể dùng đến những kinh khác như chúng ta đọc thấy trong câu này: "Và người ta hãy làm cùng một cách như vậy ở mỗi từ của kinh Lạy Cha hay của bất cứ kinh nào khác mà người ta muốn (dùng để) cầu nguyện theo cách đó" (s. 252,3; xem s. 256).
Cách thức phải làm và giữ khi chiêm niệm. - Về thể xác, qùy hay ngồi, tùy như tư thế nào giúp hơn cho việc cầu nguyện; hai mắt nhắm lại hoặc nhìn vào một chỗ nhất định. Về hoạt động nội tâm, suy xét từng từ trong kinh và dừng lại ở từ đó bao lâu cảm thấy ý vị và sự yên ủi, như bản văn còn giải thích thêm khi nói về kinh Lạy Cha: "Nếu người chiêm niệm về kinh Lạy Cha tìm thấy ở một hay hai từ đề tài thật tốt cho tư duy, và ý vị và sự yên ủi, thì họ đừng bận tâm đến việc đi xa hơn, cho dù giờ cầu nguyện chấm dứt ở cái mà họ tìm thấy" (s. 254, 1-2). Ðiều này giống với điều bổ di bốn của Tuần Nhất: "Ở điểm mà tôi tìm thấy điều tôi muốn, tôi sẽ nghỉ lại, không quan tâm đến việc đi xa hơn, cho tới khi tôi được thỏa mãn" (s. 76,3). Cũng vì thế, vẫn theo bản văn, không cần trong một lần chiêm niệm, phải chiêm niệm hết cả một kinh; và trong trường hợp này, khi hết giờ, sẽ đọc trọn cả kinh đó. Lần sau sẽ làm tiếp phần còn lại, nhưng bắt đầu bằng việc đọc lại kinh đó từ đầu cho tới chỗ mình có ý chiêm niệm tiếp.
Kết thúc. - Việc chiêm niệm lâu một giờ. Bản văn nói đến trường hợp kết thúc việc chiêm niệm về kinh Lạy Cha: đọc một lần kinh Kính mừng, kinh Tin kính, kinh Lạy linh hồn Chúa Kitô, kinh Lạy Nữ vương; bản văn còn nhắc rõ là đọc ngoài miệng hay trong tâm hồn, tùy ý (s. 253). Vì đang nói đến việc chiêm niệm về kinh Lạy Cha, nên bản văn không bảo kết thúc bằng kinh Lạy cha. Vậy nếu là chiêm niệm về một kinh nào khác, thì việc kết thúc bằng một kinh Lạy Cha phải được coi là dĩ nhiên. Cũng thuộc về phần kết thúc, là than thở và cầu xin với Ðấng là trọng tâm của kinh nguyện được dùng vào việc chiêm niệm (s. 257).
Chuẩn bị. - Việc chuẩn bị cũng giống như việc chuẩn bị trong cách cầu nguyện thứ nhất (và thứ hai), và điều này đã được nói đến ngay ở cách cầu nguyện thứ nhất (s. 239,2), tức để cho trí khôn nghỉ ngơi đôi chút, v.v.
Kinh nguyện được dùng. - Kinh nguyện được dùng là những kinh nguyện đã được nhắc đến ở cách cầu nguyện thứ hai: kinh Lạy Cha, Kính mừng, Lạy linh hồn Chúa Kitô, Tin kính và Lạy Nữ vương, nhưng cũng có thể là một kinh khác nếu chúng ta căn cứ vào câu này trong bản văn: "Người ta cầu nguyện trong trí khôn bằng cách đọc một từ của kinh Lạy Cha hay của một kinh khác" (s. 258,4; xem s. 252,3).
Cách thức đọc kinh. - Cách thức này cốt ở mỗi nhịp thở tương ứng với một từ của kinh nguyện được đọc thầm trong lòng. Bản văn nói là "đọc một từ giữa một cái thở này và một cái thở khác." Trong khi đọc thầm như thế, tâm trí tập trung chủ yếu vào ý nghĩa của từ đang đọc, hoặc vào Ðấng mà mình cầu nguyện với, hoặc vào sự hèn hạ bản thân, hoặc vào sự khác biệt giữa sự cao cả của Ðấng mình cầu nguyện với và sự hèn hạ bản thân (s. 258,5-6).
Bản văn không nói là nên đọc một kinh nào đó theo cách thức trên một hay nhiều lần trong một lúc; bản văn chỉ ghi chú thích là có thể, trong một lúc dùng một phần hay tất cả những kinh nguyện đã kể trên (s. 260).
Kết thúc. - Phần kết thúc cũng giống với phần kết thúc của Cách cầu nguyện thứ hai ở chỗ là đọc các kinh nguyện đã được nêu ra trên kia, dĩ nhiên trừ kinh nguyện đã được dùng vào cách cầu nguyện này (s. 258, 6).
Thêm nhận xét. - Cách cầu nguyện thứ ba đơn giản hơn cách cầu nguyện thứ hai, nhưng mỗi cách cầu nguyện có hướng đi và mục đích riêng, lại vì cách cầu nguyện thứ ba đơn giản hơn, nên có khi nó thích hợp hơn với hoàn cảnh chủ quan hay khách quan nào đó. Xét theo lý thuyết, nếu cách cầu nguyện thứ ba sẽ sau này làm tiếp vào cách cầu thứ hai về cùng một hay nhiều kinh nguyện nào đó, thì nó bổ ích hơn là nó chỉ được làm một mình, lý do dễ hiểu là vì việc chiêm niệm kỹ và sâu về một kinh nguyện (ở cách cầu nguyện thứ hai) sẽ giúp dễ cầu nguyện hơn trong trường hợp dùng lại cũng kinh nguyện đó vào cách cầu nguyện thứ ba.
* * *
Xét về phương diện nhịp thở, cách cầu nguyện thứ ba này giống với cách cầu nguyện bằng "Kinh Giêsu" (prière de Jésus) phổ cập trong Giáo hội Phương đông. Nó là một lời than thở vắn tắt đọc thầm trong trí khôn, có thể chỉ là mấy tiếng "Lạy Chúa Giêsu", v.v; nhưng lời than thở được coi là hoàn bị và thông dụng hơn, là câu: "Lạy Chúa Giêsu Kitô là con Thiên Chúa, xin thương xót con là kẻ tội lỗi!" (Seigneur Jésus-Christ, Fils de Dieu, aie pitié de moi, pécheur!). Ở đây mỗi cụm từ nhỏ tương ứng với một thì thở (thở ra hoặc hít vào); ví dụ cụm từ "Lạy Chúa Giêsu Kitô là con Thiên Chúa": hít vào (có người còn khuyên nên tưởng tượng như mình hít Chúa vào), và cụm từ sau thở ra (tưởng tượng như thở tội ra, đuổi tội đi!). Kinh nguyện này, theo truyền thống Phương đông, nên được đọc đi đọc lại rất nhiều lần (cả nhiều nghìn lần trong ngày); nó là phương pháp giúp người đọc nó có ý thức về sự hiện diện của Chúa Giêsu và cả kết hợp với Ngài, Ðấng ngự trong "con tim" của mình - vì thế khi đọc, nên dùng tưởng tượng nhìn vào quả tim hoặc vào ngực - giúp họ nhớ đến Ngài cách liên tục và xin Ngài giúp đỡ; nó diễn đạt niềm tin tưởng rằng danh Ngài có sức mạnh vô song là khêu gợi lòng yêu mến Ngài, chống lại quyền lực Xatan, v.v. Kinh Giêsu liên quan đến giáo thuyết về đời sống thiêng liêng mệnh danh là "ẩn chiêm" (hésychasme).
* * *
Sách Linh thao nói rõ rằng Ba cách cầu nguyện trên đây là thuộc về khóa Linh thao: "Tuần Bốn là sự Phục sinh và Lên trời, thêm ba cách cầu nguyện" (s. 4,3). Nhưng điều gây thắc mắc là, không như những cách cầu nguyện khác, như xét mình hay suy ngắm của mỗi Tuần, Ba cách cầu nguyện chỉ được giới thiệu chứ không được xác định là dùng vào lúc nào. Chỉ có chú dẫn mười tám nhắc đến cách cầu nguyện thứ nhất: đối với những người không đủ điều kiện để làm trọn khóa Linh thao, có thể giúp họ xét mình riêng và xét mình chung, "đồng thời với cách cầu nguyện, ban sáng trong nửa giờ, về những giới răn, những tội đầu mối, v.v," (s. 18,4-5). Theo tinh thần của câu trích dẫn này, có thể dùng cách cầu nguyện thứ nhấtợ trong Tuần Nhất.
Theo linh mục Polanco, bí thư của thánh I-nhã, thì thời ông, một hay hai ngày cuối tuần của khóa Linh thao (ý nói khóa đại Linh thao) thường được dành cho Ba cách cầu nguyện. Bản Chỉ đạo năm 1599 nói là "Ba cách cầu nguyện được đưa ra không phải để tất cả những người đã làm xong khóa Linh thao đều tập luyện (vì điều này không cần thiết), nhưng được đưa ra để bổ túc học thuyết và để giúp những người dốt nát hơn và kém khả năng hơn."; Vậy cũng dựa vào câu trích dẫn này, nếu người tĩnh tâm, trong khóa Linh thao, không áp dụng Ba cách cầu nguyện, thì ít ra cũng nên được bảo cho biết chúng là cái gì.
Nhân tiện cũng xin giới thiệu một giải pháp. Ðó là thực hành cách cầu nguyện thứ nhất trong thời gian của Tuần Nhất; cách cầu nguyện thứ ba (theo nhịp thở) trong các Tuần tiếp theo, trong những giờ rảnh rỗi; riêng về cách cầu nguyện thứ hai thì bỏ, hoặc nếu có áp dụng thì sẽ áp dụng vào thời gian cuối cùng của khóa Linh thao, và cũng chỉ áp dụng một vài lần cho một hay hai kinh nguyện thôi, lý do là vì việc chiêm niệm về một kinh nguyện cũng đòi ít là một giờ, nên nếu chiêm niệm về bốn hay năm kinh nguyện thì phải dành trọn hay hơn một ngày cho chúng, đây là việc chiêm niệm tuy có ích, nhưng sợ là một sự lạc đề quá lâu và quá xa đối với khóa Linh thao.
Chúng ta thấy khá rõ rằng cách cầu nguyện thứ hai và thứ ba nhằm giúp người tĩnh tâm biết thêm những cách cầu nguyện để sử dụng sau khóa Linh thao, bởi lẽ hai kinh Lạy Cha và Kính mừng là hai kinh quen đọc nhất, kinh Lạy linh hồn Chúa Kitô và kinh Lạy Nữ vương cũng được coi là phổ thông (kinh Lạy linh hồn Chúa Kitô được coi là phổ thông ít là trong thời thánh I-nhã), kinh Tin kính dĩ nhiên là kinh mọi tín hữu phải biết vì là kinh tuyên xưng đức tin. Vậy trong đời sống thường nhật sau khóa Linh thao, người tĩnh tâm sẽ dễ dàng đọc những kinh đó một cách sốt sắng nếu họ đã có lần (trong hay sau khóa Linh thao), bằng cách cầu nguyện thứ hai và thứ ba, suy ngắm nội dung của chúng, thưởng thức những ý nghĩa thiêng liêng của chúng, cân nhắc từng lời từng tiếng của chúng, v.v. Cũng xin nhắc lại, là chúng ta có thể áp dụng hai cách cầu nguyện này vào những kinh nào chúng ta ưa thích, kể cả các thánh vịnh.
Mục về những đề tài chiêm niệm có nhan đề là "Những mầu nhiệm của cuộc đời Ðức Kitô Chúa chúng ta". Mục này giới thiệu tất cả năm mươi mốt đề tài chiêm niệm dành cho các Tuần Hai, Ba và Bốn: Bốn mươi chín đề tài lấy trong Tân ước (bốn mươi nhăm trong Phúc âm, ba trong thư thứ nhất của thánh Phaolô gửi các tín hữu Côrinthô, một trong sách Công vụ các tông đồ), chỉ có hai đề tài không có trong Tân ước, tức bài về việc Chúa phục sinh hiện đến gặp Ðức Maria (s. 299) và bài về việc Chúa phục sinh hiện đến gặp ông Giuse thành Arimathia (s. 310). Về mục này, chúng ta đã có dịp nói tới khi đề cập các bài chiêm niệm của các Tuần Hai, Ba và Bốn, nên không có gì cần bàn thêm, trừ một chi tiết dưới đây.
Những bài được giới thiệu, tuy là những bài chiêm niệm, nhưng lại chia thành những điểm theo thứ tự các biến cố hay các sự kiện của sử tích, chứ không chia thành những điểm xem các nhân vật, nghe các nhân vật nói và nhìn những việc các nhân vật làm, như thấy trong những bài Nhập thể và Giáng sinh là những bài được coi như những bài mẫu về cách thức chiêm niệm (nếu là những bài chiêm niệm thuộc Tuần Ba và Tuần Bốn thì còn thêm ba hoặc hai điểm khác, như đã rõ). Vậy điều chắc chắn đúng, là không được bỏ áp dụng những việc xem, nghe, nhìn này là những đặc điểm của một bài chiêm niệm Phúc âm theo sách Linh thao, khi dùng những bài được ghi ở mục Những mầu nhiệm của cuộc đời Chúa Kitô Chúa chúng ta. Chỉ còn vấn đề là nên áp dụng như thế nào những việc xem, nghe, nhìn vào những bài đó: hoặc theo kiểu thứ nhất là áp dụng việc xem cho một điểm xong, sẽ lần lượt áp dụng việc nghe và nhìn; hoặc theo kiểu thứ hai là áp dụng việc xem cho hết các điểm của bài chiêm niệm rồi trở lại áp dụng việc nghe, và sau cùng việc nhìn. Vì sách Linh thao không nói gì về vấn đề này, nên thiết nghĩ có quyền tự do dùng kiểu thứ nhất hay thứ hai. Nhưng nếu dựa vào bài Nhập thể và Giáng sinh của Tuần Hai, thì xem ra, ít là trong một số bài, nên theo kiểu thứ hai. Riêng bản Chỉ đạo năm 1599, khi nói về Tuần Hai, cho ý kiến là nên theo kiểu thứ nhất, nhưng cũng không loại trừ kiểu thứ hai: "Nhưng không cần thiết là suy gẫm hết các nhân vật của toàn thể mầu nhiệm trước, rồi đến hết các lời nói cũng của mầu nhiệm đó, và sau cùng là suy gẫm riêng biệt các việc làm; bởi vì điều này, nhất là ở một số bài suy niệm, làm sinh ra sự lộn xộn."
Mục về những quy tắc gồm những vấn đề:
- Cảm thấy và nhận
biết phần nào những thúc đẩy
trong tâm hồn;
- Biện phân các thần cách rộng
lớn hơn;
- Thi hành chức vụ phân phát
của bố thí;
- Cảm thấy và hiểu biết những
bối rối và những xúi bẩy
của kẻ thù;
- Có cảm nghĩ đúng trong Giáo
hội chiến đấu.
Chúng ta đã có dịp xét đến hai vấn đề đầu, một ở cuối Tuần Nhất và một ở cuối Tuần Hai, vì thế ở đây chúng ta không trở lại nữa để bắt đầu từ vấn đề thứ ba trở đi.
Những quy tắc về việc phân phát của bố thí là những quy tắc dành cho người (linh mục) giữ phận sự phân phát cho người nghèo những hoa lợi thuộc bổng lộc Giáo hội. Phận sự này ngày nay không còn, nhưng không phải vì thế mà tinh thần của những quy tắc kia hết giá trị, và nếu đổi những cái phải đổi thì những quy tắc đó áp dụng được cho mỗi người. Tất cả có bảy quy tắc, trong đó bốn quy tắc đầu nhắc lại khá sát bốn quy tắc về cách thứ hai thuộc thì thứ ba của công việc lựa chọn ở Tuần Hai (s. 184-187):
- Phân phát của bố thí là vì yêu mến tha nhân, nhưng lòng yêu mến này phải xuất phát từ lòng yêu mến Thiên Chúa (s. 338).
- Chọn cách hành động nào tốt nhất cho vinh quang Thiên Chúa và cho sự toàn thiện của linh hồn mình (s. 339).
- Trong mỗi lần phân phát của bố thí, hãy áp dụng cách thức tiến hành và chuẩn mực mà có lẽ tôi đã chọn trong giả sử là tôi thi hành chức vụ của tôi vào giờ chết (s. 340).
- Nếu giả sử trong ngày phán xét tôi muốn tôi đã thi hành chức vụ của tôi như thế nào và theo quy tắc nào, thì bây giờ tôi hãy làm như thế (s. 341).
- Nên suy nghĩ kỹ về bốn quy tắc vừa kể trên khi những người mình muốn phân phát của bố thí cho, là những người mình cảm thấy ưa thích. Làm như vậy để gạt bỏ mọi tình cảm lệch lạc (s. 342).
- Có thể có sự lạm dụng khi dành cho mình một phần bố thí, vậy dựa vào những quy tắc trên để sửa mình (s. 343).
- Ðối với bản thân, hãy giữ sự nghèo khó theo gương Chúa Giêsu nghèo khó. Ðiều này cũng áp dụng cho những người khác và thích nghi theo bậc sống của họ (s. 344).
Sự bối rối là vấn đề phức tạp đòi nhiều nghiên cứu công phu, và, nếu là sự bối rối nặng thì, ít là xét theo lý thuyết, nó cần đến sự chữa trị của chuyên viên tâm lý. Nhưng ở đây chỉ có sáu ghi chú - bản văn dùng từ ghi chú (nota) thay vì quy tắc - giải thích sơ lược sự bối rối và nhắc bảo cách ăn ở khi lâm tình trạng bối rối.
- Người ta quen gọi là bối rối khi, do phán đoán riêng của mình, cứ cho là mình phạm tội, trong khi thực ra không phạm tội, ví dụ vô ý đạp trên những cọng rơm đặt hình Thánh giá rồi cứ cho là mình đã phạm tội. Vậy đúng ra đây không phải là sự bối rối mà chỉ là sự phán đoán sai lầm (s. 346).
- Sau khi ví dụ đã vô ý đạp trên những cọng rơm đặt hình Thánh giá, tôi cảm thấy bối rối vì bị giằng co giữa sự hồ nghi và sự không hồ nghi mình đã phạm tội. Ðây mới đúng là sự bối rối và là sự cám dỗ của kẻ thù (s. 347).
- Về sự bối rối nói ở ghi chú một, phải gớm ghét nó vì nó chỉ là một sai lầm; còn sự bối rối nói ở ghi chú hai thì không phải là, trong một thời gian, không đem lại ích lợi nào đó cho người làm Linh thao. Hơn nữa nó thanh tẩy linh hồn bằng cách giúp linh hồn tránh tất cả những gì có dáng vẻ là tội (s. 348).
- Ðối với linh hồn tế nhị, kẻ thù sẽ cố gắng làm cho linh hồn đó trở nên tế nhị hơn, tới mức thái quá, để dễ bị rối loạn, ví dụ linh hồn đó sẽ coi hơi một tí là tội. Ðối với linh hồn thô thiển, kẻ thù sẽ hành động ngược lại, là tìm cách làm cho linh hồn đó trở nên thô thiển hơn, ví dụ trước kia linh hồn coi thường các tội nhẹ, bây giờ coi thường các tội trọng (s. 349).
- Trong cả hai trường hợp vừa nói, linh hồn nếu muốn tiến bộ trong đời sống thiêng liêng, hãy hành động ngược lại cách hành động của kẻ thù: nếu là linh hồn thô thiển, thì hãy cố gắng trở nên tế nhị; nếu là linh hồn tế nhị, thì hãy giữ mình ở mức giữa để được hoàn toàn ở trong sự bình an (s. 350).
- Khi muốn làm một việc gì rạng danh Thiên Chúa thì, sau khi đã hướng tâm hồn lên Thiên Chúa và thấy đó là việc thực sự đáng làm, hãy hành động ngược lại ý tưởng hay sự cám dỗ từ ngoài đưa ra những lý do này nọ nhằm ngăn cản (s. 351).
Nhan đề của những quy tắc này là "Ðể có cảm nghĩ đúng mà, ở trong Giáo hội chiến đấu, chúng ta phải có, hãy giữ những quy tắc dưới đây." Khi nói về công việc lựa chọn ở Tuần Hai, sách Linh thao đã nhắc đến Giáo hội khi bảo người tĩnh tâm rằng những điều họ chọn, chúng "phải thuộc về cuộc chiến đấu ở trong Mẹ thánh là Giáo hội phẩm trật, và phải là không xấu và không đi ngược lại Giáo hội" (s. 170,2). Như vậy việc lựa chọn phải thực hiện ở trong Giáo hội; nó là điều thuộc về đời sống của Giáo hội đồng thời nhằm phục vụ Giáo hội. Ðiều vừa nói này được bổ sung và thêm sáng tỏ bằng những quy tắc đề cập ở đây. Thực vậy, cuộc đời người tĩnh tâm là cuộc đời của một người xét như là thành viên của Giáo hội, là cuộc đời chiến đấu của Giáo hội chiến đấu. Cách riêng hơn, người tĩnh tâm, trong suốt cuộc hành trình Linh thao (và trong suốt cả cuộc đời), cố gắng đi theo Ðức Kitô, phụng sự và noi gương Ngài; điều này dẫn tới kết luận là dĩ nhiên họ phải ở trong Giáo hội, phải thuộc về Giáo hội, phải phục vụ Giáo hội, bởi một lẽ rất đơn giản là Giáo hội đã do Ðức Kitô thiết lập nhằm quy tụ mọi người thành một đoàn thể, trong đó chính Ngài được ví như đầu của thân thể, tức Giáo hội, và, như, Công đồng Vaticanô II nói, "Giáo hội là, ở trong Ðức Kitô, một thứ bí tích, nghĩa là vừa là dấu chỉ vừa là dụng cụ của sự hiệp nhất sâu xa với Thiên Chúa và tính duy nhất của toàn thể nhân loại" (Ánh sáng muôn dân,).
Những quy tắc về việc có cảm nghĩ phù hợp với Giáo hội, trong khi nhắc bảo người tĩnh tâm hãy vâng lời Giáo hội phẩm trật, tôn trọng những hành động, những quan điểm hay lập trường của Giáo hội phẩm trật, đã gọi Giáo hội là "Mẹ thánh" và là "Phu nhân đích thực của Ðức Kitô Chúa chúng ta" (s. 353); vậy cả hai danh xưng này gợi ý về mối quan hệ thật sâu xa giữa các tín hữu và Giáo hội; nói rõ hơn, một danh xưng bao hàm tình yêu thắm thiết mà chúng ta phải có đối với Giáo hội (là mẹ chúng ta), và một danh xưng chỉ địa vị cao trọng tuyệt vời của Giáo hội (là phu nhân của Ðức Kitô). Lý do phải tuân phục Giáo hội cũng được nêu ra, đó là việc Thánh Thần ở nơi đức Kitô và ở trong Giáo hội, chính Thánh Thần cai quản và hướng dẫn chúng ta, chính Thánh Thần "cho chúng ta mười giới luật, Ngài hướng dẫn và cai quản Mẹ thánh chúng ta là Giáo hội" (s. 365,2-3).
Qua những điều nói trên, còn có thể rút ra nhận xét này: sự nên thánh của mỗi phần tử trong Giáo hội là sự nên thánh bản thân, nhưng nó không mang tính cách cá nhân chủ nghĩa, bởi lẽ nó liên quan đến toàn thể Giáo hội, nó thuộc về nhiệm vụ và trách nhiệm của mỗi người xét như là phần tử của Giáo hội. Nói một cách tổng quát, đi theo, phụng sự và noi gương Ðức Kitô, đó là phục vụ Giáo hội; nói ngược lại, để phục vụ Giáo hội thì phải đi theo, phụng sự và noi gương Ðức Kitô.
Con số những quy tắc nói đến ở đây là mười tám. Nói chung, các nhà bình chú sách Linh thao công nhận rằng chúng phần lớn là tiếng dội lại của hoàn cảnh tôn giáo thời thánh I-nhã: có thể đó là môi trường Cải cách tôn giáo của phái Tin lành, có thể đó là những trào lưu nhân bản của Eraxmô, v.v. Dưới đây là đại ý các quy tắc:
- Vâng lời Giáo
hội (s. 353).
- Quý mến những gì Giáo hội
quý mến, sẵn sàng tìm những
lý lẽ để bênh vực các
lời dạy của Giáo hội thay vì
công kích (s. 354-361).
- Tôn trọng các vị thượng
cấp và không nói xấu các
ngài (s. 362).
- Ca tụng thần học tư biện (théologie
spéculative) và thần học kinh viện
(bản văn nhắc đích danh các
thánh Giêrônimô, Âu-tinh, Grêgoriô,
Tôma, Bonaventura và vị Tôn sư các
châm ngôn, tức Phêrô Lômbácđô)
(s. 363).
- Tránh so sánh giữa chúng ta, những
người còn sống, với các
thánh nhân trước kia, về kiến
thức, về sự thánh thiện,
v.v. (s. 364).
- Bỏ quan điểm và lập trường
cá nhân để chấp thuận quan điểm
và lập trường của Giáo
hội (s. 365).
- Thận trọng trong cách nói và diễn
đạt về vấn đề khó là
sự tiền định; thường
không nên nói nhiều về vấn
đề này (s. 366-367).
- Thận trọng khi phải nói về đức
tin và ân sủng, cách nào để
đừng làm cớ cho người
ta trở nên lười biếng và
đừng làm tổn hại vấn đề
sự tự do (s. 368-369).
- Không nên vì chú trọng đề
cập lòng yêu mến Thiên Chúa
mà bỏ qua sự kính sợ Ngài
(s. 370).