Sách Linh thao đặt bài Chiêm niệm để đạt được tình yêu, tiếp liền vào Tuần Bốn, nhưng không nói nó thuộc về Tuần Bốn. Bởi đấy có những người cho rằng nó là một tài liệu phụ thêm, không thuộc về tiến trình của khóa Linh thao. Tuy nhiên theo truyền thống từ xưa, với những chứng nhân như Nadal, Polanco, Gonzalez Davila và với những bằng cớ như bản "Directorium Granatense", bản chỉ đạo năm 1591, bản chỉ đạo chính thức năm 1599, thì bài Chiêm niệm để đạt được tình yêu được đặt vào Tuần Bốn, và nhất là ở vào thời gian cuối của Tuần này. Riêng việc đặt bài chiêm niệm vào cuối Tuần này có thể gợi ý rằng người tĩnh tâm vừa làm xong Bốn Tuần Linh thao, và bây giờ họ sửa soạn bước ra khỏi khung cảnh vật lý và xã hội khá đóng kín của những ngày tĩnh tâm để trở lại đời sống thường nhật, vì thế bài chiêm niệm sẽ giúp họ nhận ra sự hiện diện của Thiên Chúa trong các vật thụ tạo, trong môi trường sống, trong chính cuộc đời họ, trong chính con người họ để, như mào đầu hai của bài chiêm niệm nói, họ có thể "trong mọi sự, yêu mến và phụng sự Thiên Chúa uy linh".
Bài Chiêm niệm để đạt được tình yêu không phải là một bài chiêm niệm Phúc âm như những bài chiêm niệm trong suốt các Tuần Hai, Ba và Bốn. Nhưng, trừ việc bài này không chia ra thành những điểm tương ứng với ba việc xem, nghe, nhìn, nó có những nét lớn của chiêm niệm Phúc âm là xem, nhìn, ngắm (Thiên Chúa trong các vật thụ tạo và các vật thụ tạo trong Thiên Chúa) và trở về "suy nghĩ nơi tôi" (s. 234,1; 235,3; 236,2; 237,2).
Một chú thích của bài chiêm niệm. - Bài chiêm niệm, trước khi đi vào vấn đề chiêm niệm, có nêu ra một chú thích gồm hai điểm nhằm giúp hiểu rõ hơn nội dung của bài.
- Ðiểm một: tình yêu phải đặt vào trong các việc làm hơn là vào trong những lời nói. Ðiểm này sẽ gặp lại ở mào đầu hai: xin ơn phụng sự Thiên Chúa.
- Ðiểm hai: tình yêu cốt ở sự thông truyền hỗ tương, nghĩa là "người yêu thì trao tặng và thông truyền cho người mình yêu cái mình có hoặc trong số những cái mình có hay có thể". Ðiểm này sẽ là trọng tâm của nội dung bài chiêm niệm, và cách riêng, về phía người tĩnh tâm, nó được gồm tóm hoặc cô đọng trong kinh nguyện dâng hiến ở điểm chiêm niệm một, như sẽ thấy sau.
Cũng như các bài suy ngắm khác trong cả bốn Tuần đều bắt đầu bằng lời nguyện vắn, bài chiêm niệm để đạt được tình yêu bắt đầu bằng: "Lời nguyện thường lệ." Nhưng có một điều hơi khác lạ là bài này dùng cụm từ "lời nguyện thường lệ" thay vì cụm từ "lời nguyện chuẩn bị" hoặc "lời nguyện chuẩn bị thường lệ". Các bài suy niệm của Tuần Nhất đều dùng cụm từ "lời nguyện chuẩn bị". Ở Tuần Hai, bài Vương quốc cũng dùng cụm từ đó, nhưng hai bài chiêm niệm đầu tiên, tức bài Nhập thể và Giáng sinh, thêm từ thường lệ thành "lời nguyện chuẩn bị thường lệ". Ðến bài chiêm niệm ba và năm, từ thường lệ lại biến mất (bài bốn không nói gì tới lời nguyện này, mà chỉ nhắc rằng hãy làm như ở bài tập ba). Từ thường lệ tái xuất hiện ở bài Hai lá cờ hiệu, bài Ba hạng người. Tuần Ba và Bốn cũng dùng cụm từ "lời nguyện chuẩn bị thường lệ" (s. 190,2 ; 200,2 ; 218,2).
Theo điều vừa nói trên, từ Tuần Hai trở đi mới xuất hiện từ thường lệ đặt thêm vào cụm từ "lời nguyện chuẩn bị". Ðàng khác chỉ có hai cách dùng: hoặc dùng "lời nguyện chuẩn bị", hoặc dùng "lời nguyện chuẩn bị thường lệ", chứ không có "lời nguyện thường lệ" như ở bài Chiêm niệm để đạt được tình yêu. Sự khác biệt này không có gì là quan trọng, nhưng cũng xin nhắc đến là vì có thể coi đây như một dấu chỉ rằng bài Chiêm niệm để đạt được tình yêu không nằm ít là ở Tuần Nhất - một số người nghĩ rằng có thể làm bài này ngay ở Tuần Nhất.
"Nhìn xem tôi như thế nào ở trước mặt Thiên Chúa Chúa chúng ta, các thiên thần, các thánh là những đấng đang thỉnh hộ cho tôi" (s. 232).
Khung cảnh để cầu nguyện là thiên đàng: người tĩnh tâm đang ở trong đó, trước nhan Thiên Chúa, trước sự hiện diện của các thiên thần và các thánh của Ngài. Sự cấu tạo nơi chốn ở đây có điểm giống với sự cấu tạo nơi chốn của bài Ba hạng người, vì ở đó người tĩnh tâm cũng nhìn thấy mình ở trước mặt Thiên Chúa và tất cả các thánh của Ngài (s. 151). Nhưng bên cạnh cái giống nhau, có cái khác nhau. Bài Ba hạng người chỉ nhắc đến các thánh và bỏ qua các thiên thần, lại cũng chỉ dừng lại ở sự nhắc đến sự có mặt của các thánh chứ không nói gì thêm về các Ngài. Bài Chiêm niệm để đạt được tình yêu nói đến sự hiện diện không những của các thánh mà còn của các thiên thần; hơn nữa, các thiên thần và các thánh được hình dung là đang hành động giúp người tĩnh tâm: các ngài đang ở trong tương giao đầy thiện cảm và yêu thương đối với họ qua Thiên Chúa, vì các ngài đang thỉnh hộ cho họ. Sự hiệp thông giữa các ngài và họ là điều rõ ràng, và sáng kiến hiệp thông này là của các ngài. Cũng nên nhắc đến phần tâm sự của bài tập hai về tội thuộc Tuần Nhất, ở đó có nói đến mối quan hệ tích cực của các thiên thần và các thánh đối với họ, mặc dù họ là kẻ tội lỗi đáng chịu phạt: các thiên thần là lưỡi gươm của phép công thẳng của Thiên Chúa, đã chịu đựng họ, gìn giữ họ và cầu nguyện cho họ (s. 60,2-3).
Sự kiện các thần thánh đang thỉnh hộ cho người tĩnh tâm, nhấn mạnh thêm tính cách quan trọng của chính điều mà họ muốn và đi tìm trong việc chiêm niệm, những điều này sẽ được nêu rõ ở mào đầu hai và ở kinh nguyện dâng hiến ở cuối điểm chiêm niệm một.
"Xin được sự biết bên trong về ơn lành to lớn biết bao đã nhận được để, do nhận ra nó cách trọn vẹn, tôi có thể, trong mọi sự, yêu mến và phụng sự Thiên Chúa uy linh" (s. 233).
Sự biết bên trong, như đã có dịp giải thích, hiểu là sự biết sâu xa, thấu đáo. Ơn lành của Thiên Chúa mà chúng ta đã lĩnh nhận, thật là to lớn, nhưng chúng ta không nghĩ tới hoặc không biết đến, hoặc chỉ biết một cách hời hợt, vì thế chúng ta xin Thiên Chúa ban cho chúng ta có được cái biết sâu xa về nó.
"Ðể, do nhận ra nó cách trọn vẹn, tôi có thể, trong mọi sự, yêu mến và phụng sự Thiên Chúa uy linh." Việc nhận ra cách trọn vẹn ơn lành to lớn của Thiên Chúa, là điều mà người tĩnh tâm phải có để, như bản văn nói rõ, họ có thể yêu mến và phụng sự Thiên Chúa trong mọi sự. Từ mọi sự ở đây hiểu là tất cả những gì mà Thiên Chúa ban cho họ như những tặng vật của tình yêu, như sẽ thấy ở phần chiêm niệm. Nói yêu mến Thiên Chúa trong mọi sự, bởi vì, để phù hợp với câu chú thích ở đầu bài chiêm niệm nói rằng tình yêu giữa hai người cốt ở sự trao tặng và chia sẻ cho nhau, người tĩnh tâm khi nhìn thấy hay hưởng dụng các vật thụ tạo, họ nhận rằng chúng là những cái tốt lành mà Thiên Chúa thông ban cho họ; hơn nữa, như sẽ thấy ở phần chiêm niệm, họ yêu mến Thiên Chúa trong mọi sự, vì họ nhận ra sự hiện diện thân ái của Ngài nơi chúng, và vì chúng xuất phát tự Ngài xét như nguồn gốc của mọi sự tốt lành. Về việc phụng sự Thiên Chúa trong mọi sự, cũng chú thích ở đầu bài chiêm niệm đã nói rằng tình yêu cốt ở những việc làm hơn là ở những lời nói, vậy phụng sự Thiên Chúa chính là yêu mến Ngài bằng các việc làm. Người tĩnh tâm phụng sự Thiên Chúa trong mọi sự khi họ tìm ra thánh ý Ngài nơi chúng và sử dụng chúng theo thánh ý Ngài nhằm làm thỏa lòng Ngài và làm rạng danh Ngài.
Một chú thích nhỏ: ở các bài suy ngắm của Tuần Hai, Ðức Kitô là Ðấng mà người tĩnh tâm yêu mến, phụng sự, noi gương, còn ở bài Chiêm niệm để đạt được tình yêu thì thay vì Ðức Kitô, lại là Thiên Chúa: "Yêu mến và phụng sự Thiên Chúa uy linh." và có lẽ cũng vì nói đến Thiên Chúa, nên bài chiêm niệm này chỉ giữ lại hai ý tưởng yêu mến và phụng sự, và bỏ qua ý tưởng noi gương. Tuy nhiên, như sẽ thấy, điểm chiêm niệm một có nhắc riêng đến công cuộc cứu chuộc, một công cuộc được "quy cho" (appropriation) Ðức Kitô.
"Nhớ lại những ân huệ đã lĩnh nhận của việc tạo thành, của việc cứu chuộc, và các tặng vật riêng" (s. 234,1).
Mào đầu hai đã nhắc đến ơn lành thật lớn lao mà Thiên Chúa ban cho; vậy điểm chiêm niệm một này bảo người tĩnh tâm hãy nhớ lại những điều họ đã nhận được. Những điều này chia thành ba loại:
- những ân huệ thuộc
công cuộc tạo thành;
- những ân huệ thuộc công cuộc
cứu chuộc;
- những tặng vật riêng.
Chúng ta xét qua về những ơn đó.
Về ân huệ thuộc công cuộc tạo thành, người tĩnh tâm có thể nhớ lại bài Nguyên lý và Nền tảng về việc con người được dựng nên để tán dương, tôn kính và phụng sự Thiên Chúa, và nhờ đó mà họ cứu linh hồn mình; họ đã nhận ra sự trọng đại và vinh dự của ba việc tán dương, tôn kính và phụng sự Thiên Chúa; họ cũng đã nhận ra cái hạnh phúc vô song mà họ sẽ được hưởng nhờ ở sự cứu rỗi mình bằng sự thực thi nhiệm vụ kia - đây là sự đòi hỏi thuộc phía họ để họ đón nhận ơn cứu độ là ơn ban không của Thiên Chúa. Cũng như mọi người, người tĩnh tâm không có quyền chọn được sinh ra và hiện hữu để nhận ơn gọi và vận mệnh cao cả trên, vì làm gì họ có thể có hành vi chọn lựa khi chưa hiện hữu! Vậy chính Thiên Chúa, do tình yêu vô cùng của Ngài, đã tự đời đời muốn cho họ hiện hữu vào thời gian này đây trên mặt đất này. Không phải Ngài chỉ cho họ xuất hiện trong thời gian mấy chục năm để rồi tan biến trong cõi hư vô, nhưng là để họ sẽ đi vào vĩnh cửu và hưởng hạnh phúc vô biên. Lời Thiên Chúa phán với dân Israel xưa áp dụng được cho họ: "Từ đời đời Ta đã yêu con" (Gr 31,3).
Sau khi suy về ân huệ là được Thiên Chúa dựng nên, người tĩnh tâm có thể suy nghĩ rộng ra về việc muôn vật được dựng nên cho họ. Ở đây họ nhớ lại lời họ tuyên xưng trong kinh Tin kính: "Tôi tin có một Thiên Chúa, Ngài là Cha toàn năng, là Ðấng Tạo thành trời đất, mọi vật hữu hình và vô hình." Nếu trong Tuần Nhất, các vật thụ tạo bị nhìn dưới khía cạnh đen tối: thung lũng nước mắt, thân xác hư thối và xấu xa, con người ví như một ung nhọt, v.v., thì, trái lại, ở bài Chiêm niệm để đạt được tình yêu, chúng được coi như ở trong vườn Eđen đã được tái tạo nhờ cái chết và sự phục sinh của Ðức Kitô. Cái chết và sự phục sinh của Ngài đã cứu độ toàn thể nhân loại và vũ trụ để tất cả trở nên "trời mới đất mới". Người tĩnh tâm có thể nhớ lại bài tường thuật trong hai chương đầu của sách Sáng thế về công trình tạo thành vũ trụ mà Thiên Chúa đã thực hiện. Mọi vật đều do quyền năng của Ngài mà xuất hiện: "Thiên Chúa phán: "Hãy có ánh sáng!" và liền có ánh sáng" (St 1,3). Theo sách Công vụ các tông đồ, thánh Phaolô đã đứng giữa Hội đồng ở Atêna mà tuyên bố: "Thiên Chúa đã dựng nên vũ trụ và tất cả những gì ở trong đó" (Cv 17,24). Trong thư gửi các tín hữu Rôma, ông viết: "Thiên Chúa gọi vào hiện hữu cái không hiện hữu" (Rm 4,17). Phúc âm theo thánh Gioan dành công việc tạo thành cho Ngôi Lời: "Mọi vật đã do Ngài dựng nên, và không vật gì đã có mà lại không do Ngài" (Ga 1,3), nhưng Ngôi Lời cũng là Thiên Chúa (1,1). Thánh Phaolô nói rõ về Ngôi Cha và Ngôi Con: "Chúng ta chỉ có một Thiên Chúa và chúng ta đi đến với Ngài; và chỉ có một Chúa là Ðức Giêsu Kitô, nhờ Ngài mà có muôn vật, và nhờ Ngài mà chúng ta hiện hữu" (1 Cr 8,6).
Sau khi kể lại việc Thiên Chúa dựng nên ánh sáng, sách Sáng thế viết: "Thiên Chúa thấy ánh sáng là tốt" (St 1,4). Cũng vậy, Thiên Chúa thấy đất liền, biển cả, thảo mộc, hoa quả, cầm thú, v.v, do Ngài dựng nên, đều tốt; và ngày thứ sáu, sau khi dựng nên con người, "Ngài nhìn xem tất cả những cái Ngài đã làm, Ngài thấy là rất tốt" (1,31). Thánh Phaolô cũng viết: "Tất cả những vật Thiên Chúa đã dựng nên là tốt" (1 Tm 4,4). Tác giả sách Huấn ca khen các công trình của Thiên Chúa là đẹp: "Ðẹp biết bao hết các công trình của Thiên Chúa!" (Hc 39,16).
Theo sách Châm ngôn, những công trình của Thiên Chúa là những công trình của khôn ngoan và của trí tuệ: "Thiên Chúa đã dựng nên địa cầu do khôn ngoan, làm cho các tầng trời được vững chãi do trí tuệ" (Cn 3,19); thánh vịnh cũng ca tụng: "Lạy Chúa, những công trình của Chúa nhiều biết bao! Chúa đã làm nên tất cả theo sự khôn ngoan" (Tv 103,24). Theo thánh Phaolô, những công trình của Chúa biểu lộ quyền năng và thần tính của Ngài: "Quả thật, kể từ buổi tạo thành vũ trụ, những cái toàn hảo của Ngài mà mắt không thấy, tức quyền năng vĩnh cửu và thần tính, thì trí khôn nhìn thấy trong các công trình của Ngài" (Rm 1,20). Thực vậy, mặt trời chói chang ấm áp, mặt trăng chiếu sáng huyền mơ, các vì sao lấp lánh giữa thanh không bao la của đêm tối, đại dương bát ngát mênh mông, núi đồi trùng trùng điệp điệp, những đóa hoa tươi thắm tỏa hương trong gió mát ban mai, những trái cây nặng trĩu trên cành, những cánh bướm sặc sỡ chập chờn nơi đồng nội, bầy chim hót líu lo trong nắng sớm, đàn cá tung tăng bơi lội dưới khe, v.v., tất cả đều tuyệt diệu. Ngay sánh với một bông huệ ngoài đồng, như Chúa đã nói, "Chính vua Salômôn trong cảnh vinh hiển nhất cũng không mặc đẹp bằng" (Mt 6, 29). Còn phải thêm rằng các vật thụ tạo trong vũ trụ, do công cứu chuộc của Ðức Kitô, được thần hóa tùy theo mức độ khả năng tiếp thụ của chúng, và chúng được tụ hợp lại dưới quyền lãnh đạo của Ngài (Ep 1,10), được ơn làm lành với Thiên Chúa (Cl 1,20), và chúng cũng sẽ được tham dự cách nào đó vào vinh quang cánh chung của con cái Thiên Chúa (x. Rm 18,19-22) trong cảnh trời mới đất mới.
Những vật thụ tạo của Thiên Chúa đều tốt, đẹp và quý. Vậy Ngài đã dựng nên chúng như thế cho mọi người nói chung và cho mỗi người nói riêng. Theo sách Sáng thế, Thiên Chúa phán với tổ tông nhân loại rằng "Các ngươi hãy sinh con đẻ cái cho nhiều, hãy làm đầy trái đất và hãy thống trị nó. Hãy chế phục cá dưới biển, chim trên trời và mọi thú vật sống động trên đất /.../ Này đây Ta ban cho các ngươi mọi thứ rau cỏ, chúng sẽ nảy sinh trên khắp mặt đất, và mọi cây cối, chúng có quả để sinh giống: đó là lương thực của các ngươi" (St 1, 28-29).
Không kể vũ trụ bao la với tinh cầu nhật nguyệt, những cái ở gần chúng ta hơn, như của ăn, đồ uống, áo mặc, cũng là do Thiên Chúa trên trời ban cho (x. Mt 6,33). Ngay đến khí trời mà chúng ta hít thở và ít khi chúng ta nghĩ đến sự cần thiết của nó, cũng là ân huệ hay tặng vật của Thiên Chúa. Bởi đấy khi nhìn vào các vật thụ tạo, chúng ta không thể không nghĩ đến tình yêu của Ngài, tình yêu vĩnh cửu, như thánh vịnh nhắc đi nhắc lại:
"Hãy tạ ơn Chúa,
vì Ngài tốt lành,
vì tình yêu của Ngài thì vĩnh
cửu.
Hãy tạ ơn Thần linh trên các
thần linh,
vì tình yêu của Ngài thì vĩnh
cửu.
Hãy tạ ơn Chúa trên các chúa,
vì tình yêu của Ngài thì vĩnh
cửu.
Chỉ một mình Ngài đã làm
những điều kỳ diệu,
vì tình yêu của Ngài thì vĩnh
cửu.
Ngài đã làm nên các tầng
trời một cách khôn khéo,
vì tình yêu của Ngài thì vĩnh
cửu.
Ngài đã làm khô rắn đất
trên biển,
vì tình yêu của Ngài thì vĩnh
cửu.
Ngài đã làm nên những
đèn trời to lớn,
vì tình yêu của Ngài thì vĩnh
cửu;
Làm nên mặt trời cai quản ngày,
vì tình yêu của Ngài thì vĩnh
cửu;
Làm nên mặt trăng và các vì
sao cai quản đêm,
vì tình yêu của Ngài thì vĩnh
cửu"
(Tv 135,1-9).
Tới đây, chúng ta nghĩ đến địa vị của con người. Theo sách Sáng thế, con người là tột đỉnh của công việc Thiên Chúa tạo thành vũ trụ. Con người được Thiên Chúa cho làm chủ vạn vật hoặc làm quản gia của Thiên Chúa để cai quản chúng. Ađam, tổ tông loài người và đại diện loài người, được dựng nên từ bùn đất; điều này gợi ý rằng con người có liên hệ với các vật thụ tạo khác trên địa cầu. Nhưng đàng khác Ađam nhận được hơi thở của chính Thiên Chúa thở vào để thành con người sống, con người gồm có hai phần thể xác và tâm linh. Con người được dựng nên theo hình ảnh của Thiên Chúa. Với lý trí và sự tự do mà Thiên Chúa ban cho, con người vượt trên các vật thụ tạo khác trên địa cầu, và là đầu của "cộng đồng các vật thụ tạo"; cũng vì có lý trí, con người có sự liên hệ đặc biệt với Thiên Chúa, và các vật thụ tạo khác phải nhờ con người làm trung gian để hướng về Thiên Chúa là Ðấng Tạo hóa. Vì thế thánh vịnh ca tụng tình yêu thương đặc biệt mà Thiên Chúa dành cho con người:
"Khi nhìn trời,
công trình của những ngón tay
Chúa,
Khi nhìn trăng sao do Chúa định vị,
Thì hỏi xem con người là chi mà
Chúa nhớ đến,
Con của Ađam là gì mà Chúa
chăm lo?
Chúa làm nên con người kém
thần minh một chút,
Ban cho triều thiên vinh quang rực rỡ;
Chúa đặt con người cai quản
công trình của bàn tay Chúa,
Mọi sự Chúa đều đặt
dưới chân con người,
Mọi chiên cái, bò đực,
Các con vật, kể cả những dã
thú,
Chim trên trời và cá dưới
biển,
Những con vật bơi lội trong dòng
nước"
(Tv 8,4-9).
Trên kia đã nhắc đến hạnh phúc vĩnh cửu mà con người được dựng nên để hưởng thụ. Vậy nói đến hạnh phúc vĩnh cửu thì phải nói đến ơn cứu chuộc. Nhân loại ngay từ thuở ban đầu đã phạm tội và để lụy cho hết các thế hệ về sau: tương quan thân ái với Thiên Chúa bị cắt đứt, tức sự công chính nguyên thủy của con người không còn nữa, con người lâm vào vòng dục vọng (concupiscence) và phải chết là lìa bỏ Thiên Chúa. Thánh Phaolô đã nói: "Mọi người chết nơi Ađam" (1 Cr 15,22). Nhưng Thiên Chúa không để con người ở trong tình trạng đáng thương đó. Ngài ban ơn cứu chuộc bằng việc cho Con một của Ngài giáng trần và chịu chết trên Thánh giá. Trong kinh Tin kính, mọi tín hữu tuyên xưng: "Vì loài người chúng tôi và để cứu chuộc chúng tôi, Người đã nhập thể/.../ Người chịu đóng đinh vào thập giá vì chúng tôi." Nhờ ở sự cứu chuộc bằng máu của Con Thiên Chúa, con người được tha tội và nhận lại sự công chính đã mất: được hưởng sự thân mật với Thiên Chúa, được làm con cái Ngài, được Ngài ngự trị trong linh hồn, được tham dự sự sống thần linh của Ngài, v.v. Vì thế mới bảo là con người được tái sinh. Sau cùng cũng nên nhắc đến những ơn khác liên quan đến ơn cứu chuộc, như ơn Chúa Thánh Thần, các phép bí tích, Giáo hội, v.v.
Vậy công cuộc cứu độ là biểu lộ hết mức tình yêu của Thiên Chúa đối với con người. Mầu nhiệm cứu chuộc là chính mầu nhiệm tình yêu. Ðây là tình yêu của Ðức Chúa Cha: "Ngài đã yêu thương thế gian đến nỗi ban con một của Ngài" (Ga 3,16; x. 17,23; 1 Ga 4, 9; Rm 5,8; 8,39; Ep 1,3-6; 2,4; Cl 1,13). Ðây cũng là tình yêu của Ðức Kitô: "Con Thiên Chúa đã yêu tôi và nộp mình vì tôi" (Gl 2,20; x. Ep 5,2.25; Ga 10,11; 1 Ga 3,16; Kh 1,5).
Khi suy về ơn cứu chuộc, người tĩnh tâm có dịp nhớ lại cả bốn Tuần của khóa Linh thao: ở Tuần Nhất, con người tội lỗi được ơn tha thứ nhờ cái chết của Chúa Cứu thế, ở ba Tuần tiếp theo, họ đã suy ngắm về cuộc sống trần thế của Ðức Kitô, Ðấng đã sống giữa và với loài người để thực hiện sứ mệnh cứu độ.
Về các tặng vật riêng, chúng là những ơn siêu nhiên và tự nhiên; gọi là riêng là vì hoặc chúng được Thiên Chúa chỉ ban cho một cá nhân nào thôi, hoặc chúng được Thiên Chúa ban cho cá nhân đó ở mức độ không giống những mức độ mà những người khác nhận được. Một vài ví dụ về ơn riêng: chỉ một mình Ðức Maria được ơn vô nhiễm nguyên tội và được chọn làm mẹ Ðấng Cứu thế; chỉ một mình thánh Phaolô mới được ơn trở lại cách lạ thường trên đường đi Ðama, và được chọn làm tông đồ cách đặc biệt như sách Công vụ các tông đồ tường thuật. Vậy, sau khi nhắc đến những ân huệ liên quan đến việc tạo thành và việc cứu chuộc, điểm chiêm niệm một kể thêm loại ân huệ được gọi là những tặng vật riêng. Người tĩnh tâm sẽ nhớ đến hoặc nhận ra chúng bằng việc ôn lại dĩ vãng hoặc nhìn ngay vào hiện tại của đời mình. Có thể việc nhớ đến mấy ơn nhỏ và cụ thể lại kích động mạnh tâm hồn họ. Cũng không phải là thừa nếu họ nhớ lại những bài suy niệm về tội ở Tuần Nhất, ở đó họ thấy mình, tuy là kẻ tội lỗi, nhưng không bị số phận bất hạnh như bao người tội lỗi khác, họ còn đang được sống để có dịp sửa mình và trở về với Thiên Chúa.
Vài ơn riêng khác rất dễ nhận ra, như những tài năng này hay năng khiếu nọ, những ơn soi sáng, những tình cảm đạo đức, sự xác tín tôn giáo, v.v.; ngay việc đang có giờ phút và nơi chốn này để cầu nguyện và suy ngắm về tình yêu của Thiên Chúa, cũng là một ơn riêng, vì Thiên Chúa không ban cho mọi người hay nhiều người. Sự kiện họ được chịu bí tích Thanh tẩy để gia nhập Giáo hội cũng là một thứ ơn riêng nếu so sánh với trường hợp biết bao nhiêu người đang sống ngoài Giáo hội; chính ở trong Giáo hội mà họ nhìn nhận và tuyên xưng tình yêu vô biên của Thiên Chúa được biểu lộ trong công cuộc tạo thành và cứu chuộc. Vậy những tặng vật riêng mà Thiên Chúa ban cho họ góp phần làm nên đặc điểm cuộc đời họ.
"Với tâm tình yêu mến thiết tha, suy kỹ xem biết bao sự Thiên Chúa Chúa chúng ta đã làm cho tôi và biết bao cái Ngài đã ban cho tôi từ cái Ngài có, và sau nữa [suy kỹ xem] chính Chúa ước ao ban mình Ngài cho tôi, bao nhiêu có thể, theo ý định thần linh của Ngài" (s. 234,2).
Sau khi bảo hãy nhớ đến ba loại ơn nói trên kia, bản văn nói tiếp là hãy suy nghĩ kỹ về những ơn đó. Nên nhắc lại là ở bài tập hai của Tuần Nhất về tội, tôi đã nhớ lại hết các tội đã phạm chống lại Thiên Chúa, và tôi đã suy nghĩ kỹ về chúng. Tôi suy nghĩ kỹ về các ân huệ của Thiên Chúa, và, như bản văn nhắc rõ, suy nghĩ với tâm tình yêu mến thiết tha, bởi lẽ đây là suy nghĩ trước mặt Thiên Chúa, Ðấng ban tặng, và trước mặt các thần thánh của Ngài là những vị đang thỉnh hộ cho tôi. Tôi suy về số lượng to lớn của các ân huệ và tặng vật nhận được; và tất cả những ân huệ và tặng vật này mà ở đây gọi chung là ơn, được xét theo ba khía cạnh: hoặc đó là những cái Thiên Chúa làm cho tôi, hoặc đó là những cái Thiên Chúa có và Ngài ban cho tôi, hoặc chính là Hữu thể Ngài được thông truyền cho. Có thể đưa ra một gợi ý thoáng qua: vạn vật trong vũ trụ mà, theo sách Sáng thế, Thiên Chúa dựng nên cho con người, đó là những cái Thiên Chúa làm cho tôi; những cái nơi bản thân tôi, và là những cái được coi như phản ánh những ưu phẩm của Thiên Chúa, như sự hiểu biết, sự tự do, v.v., đó là những cái Thiên Chúa có và Ngài ban cho tôi. Về chính Hữu thể Ngài được thông truyền cho tôi, phải nhắc đến sự kiện là, do ân sủng thánh hóa mà Ngài ban cho tôi qua công trình cứu chuộc của Ðức Kitô, tôi được làm con cái Ngài, được tham dự sự sống thần linh của Ngài; mình và máu Ðức Kitô, tôi được tiếp nhận qua bí tích Thánh Thể, v.v.
Khi nói rằng Thiên Chúa ban mình Ngài cho tôi, bản văn thêm: "Bao nhiêu có thể theo ý định thần linh của Ngài." Nói "Bao nhiêu có thể" để nhấn mạnh sự lớn lao của tình yêu của Thiên Chúa: Ngài muốn ban ở mức tối đa, miễn là tôi, con người hữu hạn, có thể tiếp nhận; nói "theo ý định của thần linh của Ngài" để gián tiếp nhắc lại những ơn riêng mà Ngài ban cho mỗi người, và điều này thuộc thánh ý nhiệm mầu của Ngài.
Tóm lại, Thiên Chúa thông ban cho tôi chính hữu thể của Ngài, chính sự sống của Ngài, cùng với muôn vàn ơn siêu nhiên, ơn tinh thần, ơn vật chất, là vì Ngài yêu tôi.
"Rồi suy nghĩ nơi tôi, suy xét về điều mà, về phần tôi, tôi phải dâng và cho Thiên Chúa uy linh, theo đúng lẽ phải và sự công bình, nghĩa là hết mọi sự của tôi và bản thân cùng với những cái đó, như một người dâng hiến với tâm tình yêu mến thiết tha" (s. 234,3).
Trên đây, tôi nhìn vào Thiên Chúa, tôi chiêm ngưỡng Ngài trong ứng xử của Ngài đối với tôi: Ngài là Ðấng ban cho tôi muôn ơn và nhiều loại ơn. Bây giờ tôi nhìn vào bản thân để suy xét về ứng xử mà tôi phải có để đáp lại ứng xử của Ngài. Vậy việc dâng cho Thiên Chúa con người tôi cùng với tất cả những cái gì là của tôi hay thuộc về tôi, và dâng với tâm tình yêu mến thiết tha - trên kia tôi đã, với tâm tình yêu mến thiết tha, suy kỹ về những điều Thiên Chúa làm cho tôi - chính là cách tôi đáp lại tình yêu của Thiên Chúa đối với tôi. Như thế là áp dụng đúng chú thích về luật hay quy tắc về tình yêu giữa hai bên, đòi có sự thông chia và trao tặng cho nhau những cái mà mỗi bên có. Lẽ phải và sự công bình nói ở đây hiểu theo nghĩa đó. Nếu nhìn rộng ra ngoài xã hội loài người, chúng ta còn thấy kẻ thụ ân là kẻ mắc nợ đối với ân nhân, nên sự đền đáp ân nhân là điều thuộc nghĩa vụ, như luân lý tự nhiên vẫn công nhận. Tuy nhiên, nên nói thêm rằng ý niệm đền đáp này không diễn đạt hết nội dung của tình yêu hỗ tương, mà chỉ là một khía cạnh.
Người tĩnh tâm đặt mình trong tương giao trực tiếp với Thiên Chúa là giãi bày với Ngài tâm tình và ý định của mình qua lời nguyện "Xin hãy lấy" dưới đây mà người ta quen gọi là Kinh dâng hiến hoặc Kinh dâng mình của thánh I-nhã. Nhưng cũng nên để ý đến điều này: bản văn không bảo người tĩnh tâm hãy đọc kinh dâng hiến đó, mà chỉ khuyên họ hãy dâng mình và mọi sự của mình cho Thiên Chúa "như một người dâng hiến với tâm tình yêu mến thiết tha", và kinh dâng hiến đó là của người này. Vậy chắc hẳn điều này hàm ý rằng việc người tĩnh tâm dâng hiến mình cho Thiên Chúa là việc làm có tính cách hoàn toàn tự nguyện, nó tùy ở tấm lòng của họ đối với Thiên Chúa, nó vượt ra ngoài công thức hoặc không bị gò bó trong một công thức nhất định nào. Kinh dâng hiến:
"Xin hãy lấy, lạy Chúa, và hãy nhận trọn cả tự do, trí nhớ, trí hiểu và trọn cả lòng muốn của con, tất cả những gì con có và sở hữu. Chúa đã ban cho con mọi sự đó; lạy Chúa, con xin hoàn lại Chúa. Tất cả là của Chúa, xin Chúa hãy sử dụng hoàn toàn theo ý Chúa. Xin Chúa ban cho con lòng mến Chúa và ân sủng của Chúa, vì con được ân sủng này là đủ" (s. 234,4-5).
Chúng ta tìm hiểu ý nghĩa của lời nguyện này, và bắt đầu với hai từ lấy và nhận trong câu: "Xin hãy lấy, lạy Chúa, và hãy nhận." Bản Thủ bút dùng hai động từ tomar và recibir. Cả hai từ đều chỉ việc chủ thể dùng tay để cầm lấy một vật. Riêng nghĩa của từ recibir, nhận, thì đã rõ, còn từ tomar thực ra cũng có nghĩa này, nhưng nó còn có nghĩa là lấy. Ðiểm khác nhau về ý nghĩa là lấy không nhất thiết hàm ý người này trao cho (hoặc dâng) người kia một vật, còn nhận thì hàm ý này. Vậy có quyền nghĩ rằng việc dùng cả hai từ tomar (lấy) và recibir (nhận) với sắc thái ý nghĩa khác nhau, là một cách nhấn mạnh ước nguyện dâng hiến của người tĩnh tâm. Nếu chú ý đến sự khác nhau về sắc thái ý nghĩa, thì xem ra có thể phân tích thêm như sau. Khi nói lấy là có ý gián tiếp nhận quyền làm chủ của Thiên Chúa đối với mọi vật thụ tạo (không cần phải ai dâng cho Ngài!); khi nói nhận là có ý nhắc đến sự liên hệ giữa hai chủ thể là Thiên Chúa và người tĩnh tâm qua trung gian của một vật được trao, tức cái được đưa vào tay Thiên Chúa là do người tĩnh tâm chuyển tới. Vì thế ở đây lấy chỉ hành vi Ðấng xử sự như vị Chủ tể hay Ðấng Tạo hóa; nhận chỉ việc Thiên Chúa ứng xử như một Ðấng đón lấy quà tặng hay lễ vật (từ phía người tĩnh tâm). Dùng cả hai từ để phối hiệp cả hai ý vừa nêu ra.
Người tĩnh tâm dâng cho Thiên Chúa "trọn cả tự do, trí nhớ, trí hiểu và trọn cả lòng muốn". Về việc dâng sự tự do, chú dẫn năm trong sách Linh thao cũng đã nói: "Dâng tất cả ý muốn và tự do của mình cho Ngài để [Ngài là] Thiên Chúa uy linh sử dụng con người mình cũng như mọi sự mình có, theo như ý muốn rất thánh của Ngài" (s. 5,1-2). Vậy dâng sự tự do cốt ở, thay vì sống và làm theo ý riêng hay sở thích, tự ý chọn sống và làm theo như Thiên Chúa muốn, hoặc làm tất cả những gì đẹp lòng Ngài, như bài Nguyên lý và Nền tảng đã khuyên dùng sự tự do lựa chọn để chỉ ước ao lựa chọn cái gì dẫn đưa chúng ta hơn đến cứu cánh đời người (s. 23,5-7), và bài suy niệm về tội của Tuần Nhất nói đến việc các thần đã không dùng sự tự do của mình để tôn kính và phụng sự Thiên Chúa (s. 50,4).
Về trí nhớ, trí hiểu và lòng muốn, đây là ba tài năng tinh thần hoặc tâm lý theo quan niệm nhân loại học thời các giáo phụ. Ba tài năng này được coi như là chủ yếu làm nên đời sống tinh thần. Vì thế dâng cả ba tài năng này có nghĩa là dâng toàn thể đời sống tâm linh.
Tiếp theo, người tĩnh tâm dâng tất cả những gì họ "có và sở hữu". Câu này chỉ là nhắc lại ý tưởng đã được nêu ra liền trước kinh nguyện, như thấy trong câu đã được trưng dẫn, tức là dâng cho Thiên Chúa con người mình cùng với tất cả những gì mình có. Bản văn dùng hai động từ haber, có, và poseer, sở hữu hoặc chiếm hữu. Thực ra cả hai động từ Tây-ban-nha đều có chung một nghĩa chính là có, và trong thực tế chúng có thể được dùng đổi cho nhau; tuy nhiên ở một số trường hợp chúng khác nhau về chi tiết, về sắc thái ý nghĩa. Vậy nếu muốn tìm sự khác nhau giữa haber, có, và poseer, sở hữu, xem ra có thể nhận sự phân biệt dưới đây mà Roothaan đã nói tới. Nói "những gì con có" là ý nói những gì ở chính bản thân, thuộc linh hồn cũng như thuộc thể xác (ví dụ nói có tay có chân); còn nói sở hữu để chỉ những gì của tôi, nhưng ở bên ngoài con người tôi, ví dụ tiền bạc, nhà cửa. Nhưng nếu hiểu như vậy, thì phải giải thích thế nào sự kiện kinh nguyện đã nói riêng đến việc dâng sự tự do cùng với ba tài năng tâm lý? Có thể trả lời rằng bản văn nói đích xác đến những cái này hoặc vì muốn nhấn mạnh chiều kích tâm linh của con người, hoặc vì muốn coi chúng như đại diện cho chiều kích tâm linh để phân biệt chiều kích này với những cái khác cũng ở nơi con người, ví dụ đời sống sinh vật, đời sống thực vật. Và nếu đúng như thế thì xem ra còn được phép đi xa hơn nữa trong giải thích. Ðó là sự tự do và lòng muốn là thuộc riêng con người, trí nhớ và trí hiểu thì, nói cách chung, ít ra trội vượt nơi con người; những thứ đó gần gũi với những ưu phẩm của Thiên Chúa: chúng nhắc gợi sự toàn năng, toàn tri và tình yêu vô biên của Ngài. Vì thế việc nói riêng đến chúng có công dụng hoặc có mục đích cho thấy con người gần với Thiên Chúa hơn các vật thụ tạo hữu hình khác, như sẽ thấy rõ ở điểm chiêm niệm bốn. Sự gần gũi này phù hợp với sự kiện con người là đầu của toàn thể các vật thụ tạo trên địa cầu.
Tuy nhiên, không có gì chống lại một giải thích khác gần như đi ngược lại với giải thích trên, là dùng từ haber, có, để chỉ nghĩa rất rộng, bao trùm cả nghĩa poseer, sở hữu; nhưng sở dĩ thêm từ này là để nêu lên một khía cạnh nào đó của sự kiện có, và sự nêu lên khía cạnh này nhằm mục đích nhấn mạnh thêm rằng không loại trừ một cái gì mà chủ thể có. Một thứ rườm lời nhưng không thừa thãi, nó có giá trị của nó!
Dù sao, có thể nói tóm tắt rằng bản văn dùng cả hai từ có và sở hữu là để chỉ nghĩa rằng bất cứ cái gì mà người tĩnh tâm có, có cách nào, có như thế nào, có ở bản thân hay ở ngoài bản thân, v.v, nghĩa là bất cứ cái gì thuộc về họ, thuộc chủ quyền hay sở hữu của họ, họ đều dâng cho Thiên Chúa. Nhưng cũng nên xác định thêm rằng mọi sự họ có là toàn thể các vật thụ tạo trên địa cầu này, nếu chúng ta căn cứ vào câu trong bài Nguyên lý vàợ Nền tảng: "Và các sự khác trên mặt đất được dựng nên cho con người" (s. 23,3).
Chỉ nói một cách tổng quát rằng dâng con người mình cho Thiên Chúa, cũng đã đủ; hoặc nếu muốn thì nói thêm là dâng cả những cái mình có. Cũng thế, nói dâng một trong hai là hoặc sự tự do hoặc lòng muốn, cũng đủ rồi, bởi vì dâng sự tự do thì cũng hàm dâng lòng muốn, và dâng lòng muốn thì cũng hàm dâng sự tự do. Nhưng kinh nguyện kể ra những cái được dâng cho Thiên Chúa, nào là sự tự do, trí nhớ, v.v, nào là cái người tĩnh tâm có, nào là cái họ sở hữu, làm như là họ lần lượt trình bày trước mặt Thiên Chúa các thứ lễ vật. Và họ trình bày theo thứ tự: trước hết là những cái chỉ có hoặc có trổi vượt nơi con người sánh với các vật thụ tạo khác trên địa cầu, tức sự tự do, trí nhớ, trí hiểu và lòng muốn; thứ đến là những cái khác ở nơi bản thân họ (cái họ có); sau cùng là những cái thuộc về họ nhưng ở ngoài bản thân (sở hữu).
Vậy việc trình bày các lễ vật và các loại lễ vật, việc dùng từ có và sở hữu, có thể hiểu như là một lối diễn đạt ước nguyện và quyết định dâng hiến chúng cho Thiên Chúa một cách trọn vẹn.
Sau khi nói dâng cho Thiên Chúa bản thân cùng mọi sự thuộc về mình, người tĩnh tâm thưa tiếp: "Chúa đã ban cho con mọi sự đó, lạy Chúa, con xin hoàn lại Chúa." Qua câu này, họ khiêm tốn nhìn nhận sự thật này là, xét về nguồn gốc, những của dâng của họ là do chính Thiên Chúa đã ban cho họ, họ chỉ làm công việc là biến chúng thành lễ vật dâng lại cho Thiên Chúa, và vì thế, việc dâng hiến, xét về phương diện này, là việc trả lại. Vì ý thức về việc trao trả này, họ tránh được cái nguy hiểm là vô tình coi mình như kẻ làm ơn cho Thiên Chúa hoặc, đáng chê hơn nữa, đòi hỏi Thiên Chúa đáp lại mình theo quan niệm "tôi cho bạn để được bạn cho tôi" (do ut des). Nhưng họ nhớ câu: "Trả lại cho Thiên Chúa cái gì thuộc về Thiên Chúa" (Mt 22,21); và nhất là họ không quên lời Chúa Giêsu dạy các môn đệ: "Anh em cũng vậy, khi đã làm xong mọi điều truyền phải làm, anh em hãy nói: chúng tôi là đầy tớ vô dụng, chúng tôi chỉ làm những điều chúng tôi phải làm" (Lc 17,10). Cũng nên nhắc rằng bài chiêm niệm chỉ có ý nói đến việc dâng hiến là một hành vi yêu mến; còn nếu muốn xét đến giá trị của hành vi này và của những cái dâng hiến, thì phải thêm rằng chúng trở nên có giá trị trước mặt Thiên Chúa là do ở chỗ người dâng đang sống trong sự hiệp nhất với Ðức Kitô, Ðấng là người và là Thiên Chúa, Ðấng làm trung gian giữa Thiên Chúa và loài người, Ðấng là đầu của Giáo hội và là người anh cả của các tín hữu.
Trong sự dâng mình cho Thiên Chúa trên đây, người tĩnh tâm nhìn mối tương quan của mình với Thiên Chúa ở ba góc độ. Góc độ thứ nhất: Thiên Chúa là Ðấng trao ban, và do đó Ngài là vị ân nhân; người tĩnh tâm là kẻ lĩnh nhận những cái Thiên Chúa trao ban, và vì thế họ là kẻ thụ ân. Góc độ thứ hai: Thiên Chúa là Ðấng lĩnh nhận lễ vật, và người tĩnh tâm là kẻ dâng hiến lễ vật. Vậy góc độ thứ hai là sự đảo ngược góc độ thứ nhất. Ðấng trao ban trở thành Ðấng nhận lĩnh và kẻ nhận lĩnh trở thành kẻ dâng hiến. Cả hai góc độ là thuộc sự tương tác giữa hai tình yêu. Góc độ thứ ba: chỉ Thiên Chúa mới đúng thực là Ðấng cho hoặc ban phát, còn người tĩnh tâm là kẻ tay không; ý tưởng này gần gũi với ý tưởng Thiên Chúa là Tạo hóa và con người là loài thụ tạo của Ngài. Vì thế, nhìn ở góc độ thứ ba này, việc dâng hiến cho Thiên Chúa là việc trao trả lại Thiên Chúa, tức dâng cho Thiên Chúa cái mà Thiên Chúa đã ban cho mình.
Ðể nhấn mạnh quyết tâm dâng hiến trọn vẹn, người tĩnh tâm thưa cùng Thiên Chúa: "Tất cả là của Chúa, xin Chúa hãy sử dụng hoàn toàn theo ý Chúa." Ðặt mình hoàn toàn trong sự sử dụng của Thiên Chúa cốt ở sống hết mình cho Ngài, và như thế có nghĩa là, trong mọi sự, chỉ tìm thực thi thánh ý của Ngài, theo gương Chúa Giêsu là Ðấng đã phán rằng "Lương thực của Thầy là thi hành ý muốn của Ðấng đã sai Thầy đến" (Ga 4,34), và như tác giả thư gửi các tín hữu Do-thái đã áp dụng câu này cho Ngài: "Lạy Chúa, con đến để thi hành ý Chúa" (Dt 10,7). Chú dẫn một mở đầu sách Linh thao nói đến việc người tĩnh tâm làm Linh thao để đi tìm và tìm thấy thánh ý Thiên Chúa (s. 1,4), và kinh nguyện đang bàn đến ở đây bày tỏ nguyện vọng của họ là dâng tất cả cho Thiên Chúa để "Chúa sử dụng hoàn toàn theo ý Chúa". Rõ ràng điểm hội tụ quan trọng là nhận thánh ý Thiên Chúa là trên hết.
Kinh nguyện nói đến dâng mọi sự cho Thiên Chúa để Ngài tùy ý sử dụng; mào đầu hai của bài chiêm niệm nói đến phụng sự Ngài, và, trước đó, chú thích nói rằng tình yêu phải được đặt vào các việc làm hơn là vào những lời nói. Vậy chúng ta có thể dễ dàng liên kết các ý tưởng này lại với nhau. Khi người tĩnh tâm dâng mọi sự cho Thiên Chúa để Ngài tùy ý sử dụng, tức là họ đặt mình ở trong tình huống truất hữu bản thân để sống trọn vẹn cho việc phụng sự Ngài. Thế nào là phụng sự Ngài, hoặc phụng sự Ngài cốt ở cái gì, điều này họ đã tìm hiểu trong khóa Linh thao, cách riêng ở Tuần Hai. Sống trọn vẹn cho việc phụng sự Ngài, có nghĩa là phụng sự Ngài với hết mọi tài năng và khả năng mà Ngài đã ban cho; phụng sự cách nhiệt tình, can đảm và cả anh hùng, tức không từ nan, biết quên mình đi, chấp nhận mọi hy sinh và đau khổ, luôn luôn chọn con đường Chúa Giêsu đã đi. Và phụng sự như vậy chính là tình yêu đối với Thiên Chúa được thể hiện bằng hành động. Sống đúng tinh thần của kinh dâng hiến này quả thực phải là một nổ lực thường xuyên trong suốt cuộc đời.
Khi nói dâng cho Thiên Chúa tất cả những gì chúng ta "có và sở hữu", chúng ta nghĩ đến sức khoẻ, danh giá, địa vị xã hội, sản nghiệp, tiền bạc, của cải, v.v. Dâng chúng cho Thiên Chúa, điều này cốt ở sử dụng chúng phù hợp với ý muốn của Ngài là tán dương, tôn kính và phụng sự Ngài, vì như thế là sử dụng chúng theo đúng chức năng mà Ngài đã định cho chúng, tức, theo bài Nguyên lý và Nền tảng, chức năng giúp con người theo đuổi cùng đích đời mình (s. 23,3). Sự dâng hiến bao hàm cả sự sẵn sàng khước từ chúng nếu sự khước từ này làm đẹp lòng Thiên Chúa hơn, và điều này cũng phù hợp với bài Nguyên lý và Nền tảng. Cũng để sống đúng với tinh thần của kinh dâng hiến, chúng ta vui lòng đón nhận mọi cái trái ý và mọi điều rủi ro, bởi lẽ, với đức tin, chúng ta nhìn nhận rằng không có gì xảy đến cho chúng ta mà lại ở ngoài ý muốn nhiệm mầu của Thiên Chúa. Ở đây chúng ta nhớ đến trường hợp ông Gióp xưa chịu sự thử thách của Thiên Chúa là bị mất hết tài sản và con cái, bị mụn nhọt khắp mình, bị người ta khinh rẻ. Cũng trong tinh thần của kinh dâng hiến, vì chúng ta dâng chính sự sống chúng ta cho Thiên Chúa, nên khi Ngài muốn nó chấm dứt, chúng ta sẵn sàng bỏ lại thân xác thay vì quyến luyến nó, chúng ta chấp nhận việc nó trở về với đất. Sau cùng, nói một cách tổng quát, để sống đúng tinh thần của kinh dâng hiến, chúng ta phải giữ thái độ siêu thoát đối với bất cứ sự trần gian nào - thái độ siêu thoát cũng có trong bài Nguyên lý và Nền tảng, nhưng nó đặt cơ sở ở sự theo đuổi cứu cánh đời người - bởi nếu chúng ta dính bén nó, tức là chúng ta muốn dành lại cho mình quyền sở hữu và sử dụng nó.
Vừa rồi chúng ta có nhắc đến bài Nguyên lý và Nền tảng, và nói đến vài nét giống nhau giữa bài đó và kinh dâng hiến của bài Chiêm niệm để đạt được tình yêu. Vậy nhân tiện cũng ghi lại một điểm khác nhau dễ nhận ra, khác nhau ít là về sự nhấn mạnh. Trong bài Nguyên lý và Nền tảng, các vật thụ tạo được chủ yếu nhìn dưới khía cạnh chúng được Thiên Chúa dựng nên cho con người để con người sử dụng chúng vào việc theo đuổi cứu cánh đời mình. Trong bài Chiêm niệm để đạt được tình yêu, chúng được nhìn dưới khía cạnh lễ vật hay quà biếu mà con người dâng lên Thiên Chúa nhằm chứng tỏ tình yêu đối với Ngài. Vì thế có thể nói rằng ở đây chúng mang tính cách quý đẹp hơn là tính cách hữu dụng (ở bài Nguyên lý và Nền tảng), quý đẹp về ý nghĩa và vai trò được gán cho đã vậy - vai trò quà biếu của tình yêu - mà còn quý đẹp về chính bản thân chúng, tức xét như là công trình sáng tạo của Thiên Chúa.
Vậy bài Nguyên lý và Nền tảng và bài Chiêm niệm để đạt được tình yêu, bổ túc cho nhau để hoàn bị thái độ mà, căn cứ vào mối tương quan của mình với Thiên Chúa, con người phải có đối với các vật thụ tạo. Xét về một phương diện khác, cả hai bài này lại có điểm giống nhau quan trọng là cả hai, mặc dù không nhìn các vật thụ tạo dưới cùng một góc độ, đều dẫn con người tới chỗ không phải khinh rẻ chúng, nhưng biết sử dụng chúng theo đúng chức năng của chúng, và do đó vừa quy hướng chúng về Thiên Chúa, vừa qua chúng mà quy hướng mình cách trọn vẹn về Thiên Chúa bằng cách tán dương, tôn kính và phụng sự Ngài (bài Nguyên lý và Nền tảng), và yêu mến cũng chỉ một mình Ngài (bài Chiêm niệm để đạt được tình yêu). Như vậy, cũng như ở bài Nguyên lý và Nền tảng, ở bài Chiêm niệm để đạt được tình yêu người tĩnh tâm nhìn mình trong tương quan tam giác gồm bản thân, Thiên Chúa và các vật thụ tạo khác, với những vai trò hay địa vị tương ứng: tôi, tức người tĩnh tâm, là kẻ dâng hiến lễ vật, Thiên Chúa là Ðấng đón nhận lễ vật, các vật thụ tạo là lễ vật; và xét theo nguồn gốc thì chính lễ vật này lại là cái mà Thiên Chúa đã ban cho tôi do lòng yêu thương vô biên của Ngài. Ðể nói cho đủ, chính tôi vừa là người dâng lễ vật vừa là lễ vật dâng hiến, bởi vì tôi dâng cho Thiên Chúa không chỉ những gì tôi có hay sở hữu, mà còn dâng chính con người tôi, hữu thể do Ngài tạo thành. Ðộng cơ của hành vi dâng hiến của tôi là lòng yêu mến Ngài.
Sau khi đã dâng mọi sự cho Thiên Chúa, người tĩnh tâm kết thúc bằng câu: "Xin cho con lòng mến Chúa và ân sủng, vì con được ân sủng này là đủ." Xin lòng mến Chúa chứ không phải xin Chúa ban tình yêu của Ngài cho họ, tức không phải xin Ngài yêu họ, bởi vì, như đã và còn sẽ thấy, tất cả các điểm chiêm niệm đều nói đến những biểu lộ của tình yêu của Ngài đối với họ để giúp họ xác tín rằng Ngài yêu họ. Lòng mến Chúa là ơn xin, được đưa ra ngay ở mào đầu hai: xin được sự biết bên trong /.../ để có thể yêu mến và phụng sự Thiên Chúa uy linh.
Trên kia khi người tĩnh tâm tuyên bố dâng mọi sự cho Thiên Chúa, tức là họ đã làm một hành vi mến Chúa rồi. Nhưng ở đây, để kết thúc Kinh nguyện dâng hiến, họ lại xin ơn mến Chúa, như vậy phải chăng là họ gián tiếp nhận mình chưa mến Chúa, vì xin là xin cái mình không có? Chúng ta có quyền hiểu lời xin kia theo chiều hướng sau đây. Thứ nhất, xin tình yêu là một cách, sau khi suy về các ơn Thiên Chúa đã ban cho mình, xác nhận rằng Ngài là Ðấng đáng yêu mến, và việc dâng mọi sự cho Ngài để, đổi lại, xin Ngài ban cho lòng mến Ngài, là gián tiếp xác nhận chỉ có Ngài mới là Ðấng đáng yêu mến và đáng yêu mến trên hết. Vì thế chính việc xin ơn yêu mến cũng đã là một hành vi yêu mến. Thứ hai, xin tình yêu là khiêm tốn nhìn nhận sự yếu đuối của bản thân: tuy biết Thiên Chúa là Ðấng đáng yêu mến, nhưng không phải vì thế mà tự sức mình mình có thể có được lòng mến Chúa, lòng mến không phải chỉ cốt ở mấy lời nói suông, mà còn bao gồm những đòi hỏi to lớn như đã thấy trên kia, những đòi hỏi phải được thể hiện liên tục bằng các việc làm dọc suốt cuộc đời; việc đọc lên kinh dâng hiến, dù đọc với tất cả sự quyết tâm và lòng sốt sắng, cũng mới chỉ là tình yêu được biểu lộ trong lời nói, và nó có thể phai nhạt hoặc biến đi nhanh chóng. Phải có lòng mến sâu xa và bền vững mới có thể sống đúng tinh thần của kinh dâng hiến.
Ngoài việc xin được yêu mến Chúa, người tĩnh tâm xin ân sủng. Ðược ân sủng của Thiên Chúa, có nghĩa là được Ngài nâng đỡ, che chở, nhất là, như giáo lý công giáo đã dạy, được Ngài ngự nơi linh hồn họ, biến họ thành đền thờ của Ngài (1 Cr 3,16-17), cho họ tham dự chính sự sống thần linh của Ngài - Ngài ngự nơi họ tức là Ngài thông ban chính Ngài cho họ. Ðiều vừa nói còn giúp hiểu tại sao trong kinh dâng hiến có thêm câu: "Vì con được ân sủng này là đủ" (dịch sát chữ: "Vì ân sủng này đủ cho con"). Nói là đủ, một đàng vì họ chỉ yêu mến và đi tìm một mình Thiên Chúa mà thôi, đàng khác vì, cũng do lòng mến, họ đã dâng cho Ngài tất cả những cái họ có và sở hữu. Vì thế, từ đủ ở đây không hàm sự hạn chế, hiểu nghĩa là sự thu hẹp lòng ham thích vào một giới hạn nào đó, có thể đưa ra làm ví dụ trường hợp một người sống theo quan điểm "tri túc" của Lão giáo (biết coi là đủ, không đòi hỏi nhiều về vật chất, của cải); nhưng từ đủ bao hàm sự tuyển lựa và loại bỏ: chỉ chọn hoặc chỉ tìm ân sủng, và bỏ mọi sự khác.
Cả hai ơn xin vừa nói đều liên hệ trực tiếp đến mối tương quan của Thiên Chúa đối với người tĩnh tâm, vì là ơn Thiên Chúa ban cho họ. Nhưng ơn thứ nhất là sự thực hiện mối tương quan của họ đối với Thiên Chúa, tức họ yêu mến Ngài; ơn thứ hai là sự thực hiện mối tương quan của Ngài đối với họ, tức ân sủng được ban cho họ.
"Nhìn xem Thiên Chúa ngự trong các vật thụ tạo như thế nào: trong các nguyên tố bằng cách ban cho hiện hữu, trong các thảo mộc bằng cách cho tăng trưởng, trong động vật bằng cách ban cho cảm giác, trong con người bằng cách ban cho hiểu biết; và như vậy [Ngài ngự] trong tôi bằng cách cho tôi hiện hữu, sống, cảm giác và làm cho tôi hiểu biết; cũng vậy, bằng cách làm cho tôi nên đền thờ, vì tôi được dựng nên giống và theo hình ảnh Thiên Chúa uy linh" (s. 235).
Ở điểm chiêm niệm một, người tĩnh tâm nhớ lại các ơn lãnh nhận được, còn ở điểm chiêm niệm hai và các điểm chiêm niệm kế tiếp, họ nhìn vào các ơn lành đang ở trước mắt họ và họ đang hưởng thụ. Vậy họ thấy Thiên Chúa đang hiện diện trong các vật thụ tạo của Ngài, và cách thức hiện diện của Ngài thay đổi theo thứ hạng của chúng. Chúng được phân cấp theo thứ tự, từ dưới đi lên, theo một cái nhìn nào đó (khoáng vật, thực vật, động vật, con người) khá phù hợp với trình tự tạo thành theo sách Sáng thế (1, 1-31). Thiên Chúa hiện diện
- nơi các nguyên tố
bằng cách ban cho chúng sự hiện
hữu;
- nơi thảo mộc bằng cách ban cho chúng
tăng trưởng (ý nói là
cho chúng có sự sống);
- nơi loài vật bằng cách cho chúng
cảm giác;
- nơi con người bằng cách ban
cho họ sự hiểu biết (hiểu là
có lý trí).
Sau khi đưa ra sự nhận xét chung về sự hiện diện như thế của Thiên Chúa nơi các vật thụ tạo, điểm chiêm niệm nói riêng đến sự hiện diện của Ngài nơi người tĩnh tâm: "Và như vậy [Ngài ngự] trong tôi...", bằng cách lần lượt nhắc lại những cách hiện diện đã được nêu ra: Ngài hiện diện nơi tôi bằng cách:
- cho tôi hiện hữu
(như những nguyên tố);
- cho tôi sự sống (như thảo mộc
có sự sống);
- cho tôi cảm giác (như động vật);
- cho tôi hiểu biết (như những
người khác).
Không những thế, điểm chiêm niệm còn thêm sự hiện diện đặc biệt của Thiên Chúa nơi tôi, là Ngài "làm cho tôi nên đền thờ, vì tôi được dựng nên giống và theo hình ảnh Thiên Chúa uy linh". Cũng nên nhắc qua rằng sự phân cấp trên đây giữa các vật thụ tạo nêu rõ điểm này, là cái có ở vật thụ tạo cấp dưới thì cũng có ở vật thụ tạo cấp trên, và cái có nơi vật thụ tạo cấp trên nhưng không có nơi vật thụ tạo cấp dưới, chính là cái dùng làm tiêu chuẩn để phân cấp bậc. Vậy sự kiện này góp phần gợi ý tưởng đã có dịp nói đến, là toàn thể các vật thụ tạo trong thế giới hữu hình này, trong đó có con người, đều liên đới với nhau, làm thành một "cộng đồng các vật thụ tạo" mà con người là đầu.
Sự hiện diện của Thiên Chúa nơi các vật thụ tạo phù hợp với giáo lý công giáo dạy về việc Thiên Chúa ở khắp mọi nơi. Thánh vịnh nói: "Con sẽ trốn đâu cho xa mặt Chúa? Con leo lên trời, Chúa ở đó; Con nằm dưới âm phủ, thì này Chúa ở đây" (Tv 138,7-8). Sách Huấn ca nói đến sự hiện diện thường xuyên của Thiên Chúa dọc suốt thời gian: "Ngài quan sát từ khởi thủy cho đến tận cùng của thời gian, và không có gì là khác thường đối với Ngài" (Hc 39,20). Tiên tri Isaia nói: "Vinh quang Thiên Chúa ngập tràn tất cả trái đất" (Is 6,3).
Riêng về sự hiện diện đặc biệt của Thiên Chúa nơi con người bằng cách khiến con người trở thành đền thờ của Ngài, thánh Phaolô đã viết: "Chúng ta là đền thờ của Thiên Chúa hằng sống" (2 Cr 6,16), hoặc: "Anh em không biết rằng anh em là đền thờ của Thiên Chúa và Thánh Thần của Thiên Chúa ngự nơi anh em ư?" (1 Cr 3,16; x. 6,14). Theo ông, chúng ta là đền thờ của Thiên Chúa bởi vì chúng ta là chi thể của một thân thể mà đầu là Ðức Kitô. Vậy Ðức Kitô là đền thờ (x. Ga 2,19), nên mỗi tín hữu, với tư cách chi thể, được hiệp nhất với Ðức Kitô mà làm thành đền thờ của Thiên Chúa: "Chính ở trong Người mà toàn thể công trình xây dựng ăn khớp với nhau và vươn lên thành thánh đường trong Chúa. Chính ở trong Người mà anh em cũng vậy, anh em cùng được hòa nhập công trình xây dựng để trở nên nơi ở của Thiên Chúa nhờ Thánh Thần" (Ep 2,21-22).
Ở điểm chiêm niệm một, các vật thụ tạo là những quà tặng của Thiên Chúa; ở điểm chiêm niệm hai này, chúng mang thêm một giá trị khác: chúng là nơi Thiên Chúa ngự. Ðiều này làm tăng tính cách cao quý của chúng, và vì thế kẻ nhận được những quà tặng của Thiên Chúa càng nhận thấy rõ hơn tình yêu của Thiên Chúa đối với họ.
Sau khi đã suy về tình yêu của Thiên Chúa được biểu hiện như trên, người tĩnh tâm kết thúc điểm chiêm niệm hai này cũng bằng kinh nguyện dâng hiến: "Xin hãy lấy, lạy Chúa, và hãy nhận", đúng theo chú thích ở đầu bài chiêm niệm là tình yêu cốt ở sự thông truyền hỗ tương.
Xin thêm một ý kiến: ở điểm chiêm niệm này và ở những điểm chiêm niệm tiếp theo, người tĩnh tâm nên chiêm ngưỡng sự hiện diện của Thiên Chúa nơi các vật thụ tạo quanh mình, nên thưởng thức sự hiện diện của Ngài nơi chúng. Cách làm này, tuy bài chiêm niệm không nói gì đến, nhưng phù hợp với cách thức chiêm niệm Phúc âm ở các Tuần Hai, Ba và Bốn.
"Suy xét xem Thiên Chúa lao động và làm việc cho tôi như thế nào trong mọi vật thụ tạo trên mặt đất, nghĩa là Ngài hành sự theo cách một người làm việc, chẳng hạn như trong các tầng trời, các nguyên tố, thảo mộc, quả cây, các đàn súc vật, v.v., bằng cách cho chúng hiện hữu, duy trì chúng, cho chúng tăng trưởng và cảm giác, v.v." (s. 236).
Ðiểm chiêm niệm ba nói đến quan hệ tam giác chặt chẽ hơn nữa giữa Thiên Chúa, các vật thụ tạo và tôi, người tĩnh tâm, vì Thiên Chúa không chỉ hiện diện nơi các vật thụ tạo, mà còn làm việc nơi chúng cho tôi. Nên nhấn mạnh từ cho tôi: tôi ở trong cộng đồng nhân loại, tôi là thành phần của cộng đồng nhân loại, nhưng không phải vì thế mà tôi bị chìm ngập hay bị xóa nhòa đi trong cộng đồng rộng lớn này để trở thành vô danh; Thiên Chúa làm việc không phải chỉ cho cộng đồng nhân loại nói chung, mà còn cho từng người, cho bản thân tôi: Ngài và tôi ở trong tương giao trực tiếp.
Qua cụm từ "Thiên Chúa lao động và làm việc", Thiên Chúa được hình dung như một người thợ hoặc một nghệ nhân. Chúng ta liên tưởng đến hình ảnh Thiên Chúa ở trong chương hai của sách Sáng thế, ở đó Ngài lấy đất nặn hình ông Ađam, lấy xương sườn ông Ađam làm nên bà Evà, Ngài trồng cây trong vườn Eđen, Ngài lấy đất nặn nên cầm thú (St 2,8.19). Ðiểm chiêm niệm giải thích rằng khi Thiên Chúa làm cho các vật thụ tạo hiện hữu, duy trì chúng, cho chúng tăng trưởng, cho chúng có cảm giác, v.v., thì đó là Ngài làm việc.
Như vậy sự hiện diện của Thiên Chúa không phải là sự hiện diện im lìm bất động như trường hợp một người nào đó có mặt để lặng lẽ quan sát, nhưng là sự hiện diện hoạt động và tích cực như trường hợp một người ở bên cạnh người họ yêu mến để giúp đỡ. Ở đây chúng ta nhớ đến quan niệm về sự duy trì liên tục hoặc sự tạo thành liên tục các vật thụ tạo: theo quan niệm này, nhìn dưới khía cạnh thời gian, một hữu thể, một khi đã xuất hiện từ hư vô sang hiện hữu do hành vi tạo thành của Thiên Chúa, nó cần đến quyền năng của Ngài để tồn tại, bởi lẽ nếu thiếu bàn tay Ngài nâng đỡ thì sự hiện hữu của nó bị chấm dứt. Sách Khôn ngoan đã viết: "Và làm sao một vật nào tồn tại được nếu Ngài không muốn, hoặc nó được bảo tồn mà không do Ngài gọi nó?" (Kn 11,25).
Nếu chúng ta tin rằng Thiên Chúa hiện diện khắp nơi và là Ðấng đầy tình yêu thương, thì cảm nghiệm và thưởng thức sự hiện diện của Ngài nơi các vật thụ tạo, sự hiện diện thân ái và hoạt động, là điều thích đáng. Tuy bài chiêm niệm không nói đến áp dụng thính giác, tức nghe các "nhân vật" nói (như trong các bài chiêm niệm Phúc âm), chúng ta có thể, bằng tưởng tượng, "nghe" ngôn ngữ không lời của các vật thụ tạo, như có câu trong thánh vịnh: "Các tầng trời kể lại vinh quang Thiên Chúa, bầu trời tuyên bố công trình của bàn tay Ngài" (Tv 18,1).
Một lần nữa, ý nghĩa và giá trị của các vật thụ tạo mà Thiên Chúa ban cho người tĩnh tâm, được tăng lên; và điều này hẳn phải có tác dụng là kích thích họ hơn nữa để, nhờ cái biết sâu xa về "ơn lành to lớn biết bao đã nhận được", họ có thể, trong mọi sự, yêu mến và phụng sự Ngài (mào đầu hai). Ðể tỏ lòng yêu mến và quyết tâm phụng sự Ngài, họ kết thúc điểm chiêm niệm ba này cũng bằng kinh nguyện dâng hiến: "Xin hãy lấy, lạy Chúa, và hãy nhận". Bài Nguyên lý và Nền tảng đã nói đến phụng sự Thiên Chúa . Nhưng ở điểm chiêm niệm ba này người tĩnh tâm đã suy nghĩ về chính Thiên Chúa "phụng sự" họ, vì Ngài "lao động và làm việc" cho họ nơi các vật thụ tạo. Vậy việc họ dâng cho Ngài bản thân cùng với hết những cái gì thuộc về họ để phụng sự Ngài, không chỉ có ý nghĩa đền đáp Ngài, mà còn có ý nghĩa trao đổi: Thiên Chúa phụng sự họ, và họ phụng sự lại Thiên Chúa; và đây là sự trao đổi giữa hai tình yêu, đúng với chú thích ở đầu bài chiêm niệm.
"Nhìn xem mọi điều tốt lành và mọi tặng vật từ trên cao mà xuống như thế nào, chẳng hạn như quyền lực hữu hạn của tôi từ quyền lực tối cao và vô cùng mà xuống, và cũng như thế, sự công chính, lòng tốt, lòng trắc ẩn, tình thương xót, v.v., cũng như những tia sáng từ mặt trời mà xuống, nước từ suối, v.v." (s. 237).
Ở điểm chiêm niệm hai, người tĩnh tâm nhìn thấy Thiên Chúa hiện diện nơi "các vật thụ tạo"; ở điểm chiêm niệm ba, họ nhìn thấy Ngài hoạt động nơi "hết các vật được dựng nên". Và như vậy, ở cả hai điểm chiêm niệm họ đưa cái nhìn từ Thiên Chúa đến các sự vật. Bây giờ ở điểm chiêm niệm bốn, thay vì nói "các vật thụ tạo" hay "các vật được dựng nên", họ nói "mọi điều tốt lành và mọi tặng vật"; và ở đây họ đổi hướng nhìn, tức từ chúng họ nhìn trở lên nguồn gốc của chúng là Thiên Chúa. Ở điểm chiêm niệm hai và ba, vạn vật là nơi Thiên Chúa ngự và hành động, và điều này khiến chúng trở nên cao quý đặc biệt; nhưng ở điểm chiêm niệm bốn và cũng là điểm chiêm niệm cuối cùng, chúng còn mặc vẻ cao quý đặc biệt hơn nữa do ở chỗ chúng xuất phát từ chính Thiên Chúa. Thánh Giacôbê đã nói: "Mọi ơn lành và mọi phúc lộc hoàn hảo đều do từ trên, đều tuôn xuống từ Cha là Ðấng dựng nên muôn tinh tú" (Gc 1,17). Tương tự như thế, ở đây bản văn dùng hình ảnh không gian là gán vị trí trên cao cho nguồn gốc của vạn vật: "Mọi điều tốt lành và mọi tặng vật từ trên cao mà xuống." Trong sách Linh thao, mục bàn về việc lựa chọn và mục bàn về việc phân phát của bố thí, cũng nói rằng tình yêu đánh động con người và khiến họ thực hiện việc lựa chọn hay làm việc bố thí, là từ trên cao mà xuống (s. 184,2; 338,2). Nói từ trên cao là ý nói từ Thiên Chúa (là Ðấng ngự trên trời), như điều bổ di trong sách Linh thao đã viết: "Nâng trí khôn lên cao, suy xét xem Thiên Chúa Chúa chúng ta nhìn tôi như thế nào" (s. 75,2); và chính điểm chiêm niệm bốn này, sau khi nói rằng mọi sự tốt lành và mọi tặng vật đều từ trên cao mà xuống, đã đưa ra ví dụ: "Quyền lực hữu hạn của tôi từ quyền lực tối cao và vô cùng mà xuống." Quyền lực tối cao và vô cùng, dĩ nhiên là quyền lực của Thiên Chúa. Phải chăng bản văn dùng cụm từ "từ trên cao mà xuống" để gián tiếp nhắc bảo người tĩnh tâm hãy làm một chuyển động nội tâm ngược lại, là hãy vươn tâm hồn lên cao trong khi đang sống ở giữa các vật thụ tạo nơi trần gian này và đang dùng chúng!
Các vật thụ tạo mà điểm chiêm niệm hai và ba nói đến, xét như là những tặng vật của Thiên Chúa, đều xuất phát từ một nguồn gốc duy nhất là chính Ngài. Sách Giáo lý của Giáo hội công giáo đã dạy rõ: mỗi vật thụ tạo, theo cách thức riêng của nó, phản ánh một tia sáng của sự khôn ngoan và sự tốt lành vô cùng của Thiên Chúa, và cái đẹp của các vật thụ tạo phản ánh cái đẹp vô cùng của Ðấng Tạo hóa (s. 339; 341). Thánh Phaolô cũng đã nói về các tín hữu rằng "chúng ta, không màn che mặt, chúng ta phản chiếu vinh quang của Chúa như một tấm gương" (2 Cr 3,18). Vì thế hình ảnh được dùng trong điểm chiêm niệm là tia sáng phát ra từ mặt trời và dòng nước chảy ra từ nguồn mạch, không thể bị coi như một cách diễn đạt quan niệm phiếm thần theo đó các vật thụ tạo đều lưu xuất (émanation) từ một bản tính thần linh chung. Thiên Chúa là Ðấng siêu việt, vì thế Ngài vừa ở trong các vật thụ tạo của Ngài, vừa vượt ra ngoài và vượt lên trên chúng. Chúng ta sẽ bảo là các vật thụ tạo "tham dự" hữu thể tuyệt đối là Thiên Chúa. Quan niệm về sự tham dự này phù hợp với quan niệm Thánh kinh theo đó thế gian không tách biệt (séparé) khỏi Thiên Chúa, và Thiên Chúa không tự đóng kín lại trước thế gian; trái lại thế, vì "Thần khí của Thiên Chúa đầy tràn cả trái đất" (Kn 1,7), và Ngôi lời nhập thể đi vào thế gian. Như vậy chính sự tham dự này làm nên giá trị đặc thù của các vật thụ tạo ở điểm chiêm niệm bốn.
Thiết tưởng cũng nên nhắc rằng bài chiêm niệm đề cao những nét đẹp và quý của các vật thụ tạo, là nhằm giúp người tĩnh tâm xác tín về tình yêu của Thiên Chúa đối với họ mà họ nhận thấy nơi chúng, chứ không có mục đích bảo họ ham mê chúng. Dĩ nhiên không có gì ngăn cản họ dựa vào bài chiêm niệm để rút ra kết luận là hãy yêu thích chúng với thái độ siêu thoát, hiểu nghĩa là không dính bén chúng, nhưng từ chúng mà nâng tâm hồn lên chính nguồn gốc của chúng để yêu mến Thiên Chúa trên tất cả. Ngoài ra còn phải, với con mắt đức tin, nhận ra tình yêu của Thiên Chúa và ơn lành của Ngài nơi các vật thụ tạo nào mà, theo tính tự nhiên, chúng ta không ưa thích, và nơi những sự kiện hay biến cố đau buồn, như rủi ro, bệnh tật, v.v.
Sau khi nói rằng mọi điều tốt lành và tặng vật đều từ trên cao mà xuống, bản văn kể ra một ít ví dụ về những cái từ trên cao mà xuống. Những ví dụ này không lấy từ những vật chung quanh con người, mà lấy từ những phẩm tính của con người nói chung, của người tĩnh tâm nói riêng - bản văn nói rõ là "của tôi" - và đó là quyền lực, sự công chính, lòng tốt, lòng trắc ẩn, tình thương xót, v.v. Ðiều đáng lưu ý là tất cả những cái tốt này nơi con người đều tương ứng với chính những ưu phẩm của Thiên Chúa, hoặc, nói cách khác, đều xuất phát từ những ưu phẩm của Thiên Chúa, đều tham dự những ưu phẩm đó: Thiên Chúa là Ðấng có quyền năng, là Ðấng công chính, là Ðấng tốt lành, v.v. Ý tưởng về sự phát xuất hay tham dự này có nền tảng trong Thánh kinh. Chẳng hạn, về quyền bính, Chúa Giêsu đã nói khi đứng trước mặt Philatô: "Ông không có quyền gì đối với tôi, nếu không phải là do trên ban cho" (Ga 19,11). Thánh Phaolô cũng viết: "Mọi quyền bính là bởi Thiên Chúa mà đến" (Rm 13,1). Về sự khôn ngoan, sự công chính, cũng thánh Phaolô viết: "Chính do Thiên Chúa mà anh em được hiện hữu trong Ðức Kitô Giêsu là Ðấng trở nên sự khôn ngoan của chúng ta, sự khôn ngoan đến từ Thiên Chúa, Ngài làm cho chúng ta nên công chính, Ngài thánh hoá và giải thoát" (1 Cr 1,30). Riêng về sự thánh hoá, nên nhắc rằng các tín hữu thời Giáo hội sơ khai quen được thánh Phaolô gọi là các thánh (Rm 1,7; 16,2; 2 Cr 1,1; 13,12, v.v.); họ là thánh bởi lẽ họ thuộc về thân thể của Ðức Kitô, họ được tham dự sự sống của Ðức Kitô phục sinh, họ "được thánh hoá trong Ðức Kitô Giêsu" (1 Cr 1,2).
Ngoài mấy cái tốt trên đây được nêu ra làm ví dụ, bản văn thêm hai chữ vân vân. Vậy chúng ta có quyền nhớ đến điều mà sách Sáng thế nói đến khi tường thuật việc Thiên Chúa dựng nên con người: Ngài thở hơi vào hình tượng Ađam làm bằng bùn đất, khiến cho hình tượng Ađam trở thành con người Ađam. Và tất cả con cháu Ađam cũng nhận được hơi thở của Thiên Chúa. Chúng ta cũng nhớ đến điều đã có dịp nói tới, là ân sủng thánh hoá khiến chúng ta được tiếp nhận sự sống thần linh của Thiên Chúa; bằng ân sủng này Thiên Chúa trở thành Ðấng ban tặng và quà tặng. Thánh Phêrô viết: "Nhờ những cái đó, những của cải quý giá nhất được hứa trước kia đã được trao ban cho chúng ta để nhờ chúng mà anh em thông phần bản tính Thiên Chúa" (2 Pr 1,4), v.v.
Tóm lại, điểm chiêm niệm bốn nhấn mạnh hoặc đào sâu một góc độ của tình yêu mà điểm chiêm niệm một đã nhắc qua đến: Thiên Chúa không những ban cho người tĩnh tâm các vật thụ tạo như tinh tú, cỏ cây, v.v., mà còn thông cho họ những cái tốt lành ở chính nơi Ngài và, hơn nữa, chính Hữu thể Ngài. Nhìn tổng quát, cả bốn điểm chiêm niệm được coi là sự quảng diễn cách tuần tự ý tưởng này trong câu ngắn gọn của thánh Gioan: "Thiên Chúa là tình yêu" (1 Ga, 4,8).
Sau cùng, cũng như ở những điểm chiêm niệm trước, người tĩnh tâm, sau khi suy nghĩ về tình yêu của Thiên Chúa đối với mình, họ biểu đạt tình yêu của mình đối với Thiên Chúa bằng việc dâng cho Ngài bản thân và tất cả những gì thuộc về mình, cũng qua kinh nguyện dâng hiến: "Xin hãy lấy, lạy Chúa, và hãy nhận". Kinh nguyện này là thành phần của mỗi điểm chiêm niệm, và vì thế được đọc đi đọc lại tất cả bốn lần. Tầm quan trọng của nó thật là quá rõ. Riêng ở đây, kinh nguyện này mang thêm sắc thái mới. Thực vậy, khi kinh nguyện nói rằng sự tự do, trí nhớ, trí hiểu, lòng muốn, v.v., tất cả đều do Thiên Chúa ban cho, thì ở điểm chiêm niệm bốn này sự Thiên Chúa ban cho, chính là sự Thiên Chúa thông truyền cho chúng ta, tức ơn ban của Ngài được coi như cái gì phát ra tự nguồn, vì thế nó gợi ý sự gần gũi, sự gắn bó hơn nữa giữa Ðấng ban ơn và kẻ được lĩnh nhận. Cùng trong chiều hướng đó, từ hoàn lại trong kinh nguyện ("Con xin hoàn lại Chúa"), mang ý nghĩa sự trở lại nguồn là chính Thiên Chúa, và cũng vì thế việc xin ơn yêu mến Ngài mang rõ ý nghĩa sự hiệp nhất với Ngài, vì là quay trở về nguồn. Sự yêu mến Thiên Chúa ở đây rõ ràng là sự yêu mến Ngài vì Ngài là Thiên Chúa, là Ðấng tốt lành vô cùng.
Như thường lệ, bài chiêm niệm "kết thúc bằng một cuộc tâm sự và một kinh Lạy Cha". Riêng ở đây, việc xưng Thiên Chúa là Cha (trong kinh Lạy Cha) phù hợp đặc biệt với bài chiêm niệm ở chỗ nó nhắc đến một nét đặc thù và nổi bật của tình yêu mà Thiên Chúa có đối với người tĩnh tâm và người tĩnh tâm phải có đối với Thiên Chúa. Ðó là Cha - là Cha tuyệt vời, mà cha gương mẫu trần gian chỉ là một hình ảnh gợi ý xa gần - Thiên Chúa yêu họ như cha yêu con; là con, họ phải yêu Thiên Chúa như con yêu cha, tức yêu bằng tình yêu hết sức chân thành, thắm thiết và bền vững, một tình yêu có kèm theo niềm tôn kính (kính yêu) và sự tín thác (tin yêu).
* * *
Bài Chiêm niệm để đạt được tình yêu, như chính nhan đề của nó cho biết, có mục đích giúp người tĩnh tâm yêu mến Thiên Chúa, và, như chúng ta đã thấy trong nội dung của nó, nó giúp họ bằng cách đưa họ tới sự nhận ra tình yêu của Thiên Chúa được biểu hiện trong ứng xử yêu thương của Ngài đối với họ. Mào đầu hai về ơn xin, xác định mục đích hơn nữa: yêu mến và phụng sự Thiên Chúa trong mọi sự. Nói phụng sự để nêu rõ và nhấn mạnh một đặc điểm quan trọng của sự yêu mến đích thực và sâu xa. Thực vậy, tình yêu đối với Thiên Chúa là cái họ đi tìm. Nhưng, như chú thích ở đầu bài chiêm niệm đã nói, tình yêu cốt ở các việc làm hơn là ở những lời nói. Vậy thực hiện các việc làm ở đây, chính là phụng sự Thiên Chúa. Ðó là tình yêu phụng sự. Phụng sự Thiên Chúa trong chính việc theo đuổi cứu cánh đời mình (bài Nguyên lý và Nền tảng). Phụng sự Thiên Chúa nơi tha nhân, nơi các linh hồn, trong các chức vụ, trong các vai trò, v.v.; và trong trường hợp này sự phụng sự còn là một cách tham dự hoặc hòa nhập vào chính hoạt động tình yêu của Thiên Chúa đối với các con cái Ngài. Tình yêu phụng sự đồng thời là tình yêu dâng hiến: dâng hiến mọi sự và chính bản thân cho Thiên Chúa để trong mọi sự chỉ lo đến một việc là phụng sự Ngài.
Theo tinh thần của bài Chiêm niệm để đạt được tình yêu, cuộc đời người tĩnh tâm là cuộc đời đan dệt bằng các việc làm nhằm phụng sự Thiên Chúa, Ðấng mà họ yêu mến. Vậy họ là con người hành động. Cũng theo tinh thần của bài chiêm niệm này, họ là người tìm thấy Thiên Chúa trong mọi sự - và tìm thấy ý muốn của Ngài trong mọi sự, kể cả trong những cái mà, theo tính tự nhiên, họ không ưa thích - họ yêu mến Ngài trong mọi sự và mọi sự trong Ngài, vì họ xác tín hay nhận thức rằng mầu nhiệm tình yêu của Thiên Chúa bao trùm và thấm nhập toàn thể vũ trụ và cách riêng cuộc sống họ; họ chiêm ngưỡng Ngài đang ngự trị trong họ và trong các anh em của họ, đang hiện diện nơi các vật chung quanh cũng như trong khắp cả trời và đất. Vậy họ là con người chiêm niệm. Tóm lại, nếu sống theo tinh thần của bài Chiêm niệm để đạt được tình yêu, họ sẽ là người vừa hành động vừa chiêm niệm: họ là người "chiêm niệm trong hành động" (in actione contemplativus), hoặc chiêm ngưỡng Thiên Chúa trong giữa lúc hành động, giữa lúc làm việc. Sống như vậy phải chăng không là sống một lối sống thần bí (mystique) ngay trong cuộc đời thường nhật!
* * *
Như đã nói rõ, bài Chiêm niệm để đạt được tình yêu nhằm mục đích giúp người tĩnh tâm yêu mến Thiên Chúa, và yêu mến bằng một tình yêu phụng sự. Tất cả bài chiêm niệm quảng diễn và khai triển điều được nêu ra ở chú thích, đó là tình yêu giữa hai người cốt ở sự chia sẻ và trao tặng qua lại. Vậy theo chú thích này, Thiên Chúa yêu tôi, và tình yêu của Ngài được biểu lộ qua việc Ngài ban cho tôi các ơn lành, ban cho tôi các vật thụ tạo là những tặng vật của Ngài. Về phía tôi, tôi yêu lại Ngài, và cái mà tôi chia sẻ hoặc trao tặng, lại cũng chính là những vật thụ tạo mà Ngài đã ban cho tôi. Vậy các vật thụ tạo chính là những cái mà Thiên Chúa và tôi cùng dùng để biểu lộ tình yêu hỗ tương.
Như vậy, bài Chiêm niệm để đạt được tình yêu có một hướng nhìn khác với Tuần Nhất, bởi lẽ Tuần Nhất là Tuần tôi suy gẫm về các tội của tôi để tôi đi tới ăn năn thống hối. Ở Tuần này, tôi cũng suy gẫm về tình yêu của Thiên Chúa, nhưng chủ yếu là tình yêu tha thứ, và về lòng khoan dung nhân từ của Ngài; và tôi suy gẫm để giục lòng ăn năn thống hối, để quyết tâm sửa mình.
Bài Chiêm niệm để đạt được tình yêu cũng không nằm trong viễn tượng của các Tuần Hai, Ba và Bốn. Trong cả ba Tuần này tôi chiêm ngưỡng Ðức Kitô trong cuộc đời trần thế xưa của Ngài, còn ở bài Chiêm niệm để đạt được tình yêu, tôi chiêm ngưỡng Thiên Chúa (và tình yêu của Ngài) nơi các vật thụ tạo. Bài chiêm niệm nói đến Thiên Chúa thay vì nói đến Ðức Kitô. Thiên Chúa yêu tôi và ban các tặng vật cho tôi; phần tôi, tôi yêu mến lại Ngài và dâng hiến Ngài bản thân cùng với mọi sự tôi có. Dĩ nhiên không nói đến Ðức Kitô không có nghĩa là loại trừ Ðức Kitô, bởi lẽ Ðức Kitô cũng là Thiên Chúa, và khi nói đến ơn lành Thiên Chúa ban cho tôi thì cũng phải hiểu là có Ðức Kitô trong việc ban ơn, và không phải chỉ có Ðức Kitô, mà còn có cả Chúa Thánh Thần: Ðức Chúa Cha ban ơn cho tôi thông qua Ðức Kitô và trong Chúa Thánh Thần. Các vật thụ tạo mà Thiên Chúa ban cho tôi, là những vật thụ tạo đã được đổi mới hoặc tái tạo nhờ ở sự phục sinh của Ðức Kitô, chúng được tràn ngập Thánh Thần của Thiên Chúa. Ðiểm chiêm niệm bốn của bài Chiêm niệm để đạt được tình yêu còn nói tôi là đền thờ Thiên Chúa, điều này có nghĩa là Thiên Chúa ngự nơi tôi để thông ban sự sống thần linh của Ngài cho tôi. Vậy được tham dự sự sống thần linh là được sống trong tình yêu của cả Ba Ngôi Thiên Chúa. Tuy nhiên vẫn có sự khác nhau giữa việc nói đến Thiên Chúa và nói đến Ðức Kitô, ít nhất là khác nhau ở điểm nhấn mạnh. Có thể nói một cách tổng quát rằng các bài chiêm niệm của ba Tuần Hai, Ba và Bốn mang tính cách "hướng tâm Kitô" (christocentrisme), còn bài chiêm niệm để đạt được tình yêu mang tính cách "hướng tâm Thiên Chúa" (théocentrisme). Cách riêng ở Tuần Hai, Ðức Kitô là Ðấng kêu gọi tôi, và tôi đáp lại bằng việc đi theo Ngài, cộng tác với Ngài, phụng sự Ngài, noi gương Ngài sống nghèo khó và chịu sỉ nhục; và động cơ của mọi hành động này của tôi là lòng yêu mến Ngài nhờ ở sự tôi biết Ngài sâu xa, như tôi xin ở mào đầu hai của bài Nhập thể (s. 104). Ở bài Chiêm niệm để đạt được tình yêu, vấn đề minh nhiên và chính yếu đối với tôi là lấy tình yêu đáp lại tình yêu của Thiên Chúa qua việc tôi dâng mình cho Ngài.
Những điều nói vắn tắt trên đây góp phần dẫn tới kết luận rằng việc đặt bài Chiêm niệm để đạt được tình yêu vào (những) ngày cuối cùng của khóa Linh thao, như thói quen vẫn có, là điều thích đáng.
Căn cứ vào những điều nói trên đây, tôi thấy không đủ bị thuyết phục bởi ý kiến của D. Desouches cho rằng bài Chiêm niệm để đạt được tình yêu được gọi là một bài chiêm niệm là căn cứ vào nội dung hơn là vào hình thức của nó (ví dụ: xem, nghe, nhìn, "suy nghĩ nơi tôi"): xét về nội dung, nó quy chiếu minh nhiên vào Ðức Kitô trong Phúc âm (Daniel DESOUCHES, "Au - delà" du Christ, La contemplation pour obtenir l'amour", trong Chercher et trouver Dieu, Christus, n 124, 1987, 2e éd., 1987, trang 220-2). Chỉ xin nhắc qua: bài chiêm niệm nói đến Thiên Chúa ở trong các vật thụ tạo (điểm hai), mọi sự tốt lành bắt nguồn từ trời cao (điểm bốn), con người là đền thờ Thiên Chúa (điểm hai), v.v. Vậy Giáo lý công giáo vẫn nói rằng Thiên Chúa, chớ không nói rằng Ðức Kitô, ở khắp mọi nơi (trong các vật thụ tạo) và là nguồn gốc của mọi sự tốt lành; thánh Phaolô nói chúng ta là đền thờ của Thiên Chúa (1 Cr 3,16; 2 Cr 6,16), hoặc đền thờ của Chúa Thánh Thần (6,19), chứ không nói chúng ta là Ðền thờ của Ðức Kitô.
- Sách Linh thao không nói gì đến việc làm lại hay lặp lại bài Chiêm niệm để đạt được tình yêu. Theo thiển ý, xét vì bài này có tầm quan trọng đặc biệt do ích lợi thiêng liêng to lớn mà nó có thể đem lại, nó nên được làm lại hoặc lặp lại nhiều lần, và cả nên được tiếp tục như thế sau khóa Linh thao.