Sách Linh thao, sau khi nói riêng về Tuần Bốn, còn giới thiệu bài Chiêm niệm để đạt được tình yêu, Ba cách cầu nguyện, v.v. Riêng về Ba cách cầu nguyện này, sách Linh thao nói rõ là thuộc Tuần Bốn: "Tuần thứ Bốn là sự Sống lại và Lên trời, thêm ba cách cầu nguyện" (s. 4,3). Vậy, vì lý do tiện lợi, ở phần về Tuần Bốn này, sau khi trình bày riêng Linh thao Tuần Bốn, sẽ đề cập những điều còn lại cho đến hết sách.
Tất cả những cực nhọc, những thiếu thốn, những sự sỉ nhục và khinh bỉ, những đau khổ thể xác và tinh thần mà Chúa đã chịu trong cuộc đời trần thế, cuộc đời mà người tĩnh tâm đã chiêm ngưỡng và suy gẫm (trong Tuần Hai và Tuần Ba), đều đi tới đích điểm là vinh quang, như Chúa đã giải thích cho hai môn đệ trên đường đi Emmau rằng "Thế thì Ðức Kitô lại không phải chịu khổ như thế đã rồi mới vào vinh quang của Ngài sao?" (Lc 24,26). Vậy nếu ở Tuần Ba người tĩnh tâm đã sống trong sự hiệp nhất với Chúa đau khổ, thì bây giờ, bước sang Tuần Bốn, họ sống trong sự hiệp nhất với Chúa là Ðấng hoan lạc trong sự phục sinh vinh hiển.
Sự phục sinh của Chúa xảy ra vào lúc nào, chúng ta không biết. Phúc âm theo thánh Gioan chỉ ghi rằng sáng sớm chủ nhật, bà Maria Magđala đến mồ Chúa và thấy mồ trống; bà liền đi báo tin này cho hai môn đệ Phêrô và Gioan, rồi bà trở lại mồ; và lần này bà được gặp Chúa hiện đến (Ga 20,1 tt).
Về vấn đề chiêm niệm, Tuần Bốn chỉ trình bày khá kỹ bài chiêm niệm đầu tiên có nhan đề: "Bài chiêm niệm thứ nhất: Ðức Kitô Chúa chúng ta đã hiện ra gặp Ðức Bà như thế nào" (s. 218,1). Các bài chiêm niệm tiếp theo đều được ghi ở mục về "Những mầu nhiệm của cuộc đời Ðức Kitô Chúa chúng ta" (s. 216 tt). Chúng ta tìm hiểu bài chiêm niệm đầu tiên, vì nó được coi như bài mẫu để hiểu cách chiêm niệm trong các bài khác của Tuần Bốn. Bài chiêm niệm này không được Phúc âm nói đến, vì thế mục Những mầu nhiệm của cuộc đời, v.v vừa nói tới, bảo rằng biến cố này được suy đoán dựa vào câu Thánh kinh nói rằng Chúa đã hiện ra gặp nhiều người (s. 299,2).
Ở phần nhập đề, điều đáng nói đến là mào đầu ba và ơn xin: "Xin ơn hoan hỉ và vui mừng mãnh liệt vì vinh quang và sự vui mừng dường ấy của Ðức Kitô Chúa chúng ta." Dĩ nhiên sự hoan lạc mà người tĩnh tâm xin ở đây không chủ yếu là sự hoan lạc khả giác, nhưng là sự hoan lạc siêu nhiên và nội tâm. Lý do của sự hoan lạc là việc Ðức Kitô Chúa chúng ta được vinh quang và vui mừng. Rõ ràng đây là lý do mang tính cách quy tâm Kitô: người tĩnh tâm nhìn vào Chúa là Chúa của mình, Ðấng mà họ đã quyết tâm đi theo phụng sự và noi gương; và nếu như ở Tuần Ba họ đã thương cảm với Chúa đau khổ, thì ở Tuần này họ vui mừng với Chúa vinh hiển. Xem ra đây cũng là tâm tình của bà Maria Magđala và của các môn đệ khi được gặp Chúa phục sinh, như Phúc âm theo thánh Gioan ghi vắn tắt rằng "Các môn đệ mừng rỡ vì được thấy Chúa" (Ga 20,20), và Phúc âm theo thánh Luca nói về hai môn đệ trên đường đi Emmau: "Vì mừng rỡ quá mà họ vẫn không tin, và họ kinh ngạc" (Lc 24,41). Sự mừng rỡ này đi đôi với sự bình an mà Chúa, trong vai trò của "Ðấng yên ủi" (s. 224), đem đến cho họ: "Bình an cho anh em" (Ga 20, 19. 21. 26).
Hơn các môn đệ của Chúa xưa khi được gặp Chúa phục sinh, người tĩnh tâm, với hiểu biết thần học ngày nay, có thể nghĩ đến một vài lý do khác của việc họ vui mừng với Chúa: Chúa vui mừng vì hoàn thành sứ mệnh cứu độ mà Thiên Chúa Ba Ngôi trao cho từ khi Nhập thể (xem bài Nhập thể), tức Ngài đã toàn thắng Xatan và giải thoát toàn thể nhân loại khỏi quyền lực của nó; Ngài vui mừng vì làm thỏa lòng và rạng danh Ðức Chúa Cha và vì Ngài đem lại cho con người sự sống mới vĩnh cửu; Ngài vui mừng vì giờ đây Ngài đi vào trong vinh quang của Cha Ngài.
Mào đầu không nói đến niềm hoan lạc của người tĩnh tâm trước những ơn ích vô biên mà họ nhận được từ nơi Ðấng phục sinh, đó là tội bị hủy diệt, sự sống siêu nhiên được khôi phục, v.v, như thánh Phaolô nói rằng "Ngài đã được sống lại để chúng ta được nên công chính" (Rm 4,25). Thiết nghĩ không có gì ngăn cấm người tĩnh tâm cảm nghiệm sự hoan lạc này, vì rút cục sự cảm nghiệm này cũng đưa họ lại với Ðức Kitô là nguồn mạch của sự hoan lạc mà họ đang có; xét về điểm xuất phát, sự cảm nghiệm này đi ngược chiều với sự cảm nghiệm niềm hoan lạc của Chúa, vì một đàng là hoan lạc với Chúa do thấy Chúa đang hoan lạc, một đàng là hoan lạc do nhìn thấy nơi bản thân những ích lợi thiêng liêng nhận được từ nơi Ðấng phục sinh. Nhưng để dung hòa cả hai quan điểm, chúng ta sẽ bảo rằng chúng ta hoan lạc với Chúa vì những ơn chúng ta nhận được, xét như là chiến tích lẫy lừng của Chúa.
Mỗi bài chiêm niệm của Tuần Bốn, ngoài ba điểm thông thường tương ứng với ba việc trông, nghe, nhìn, còn có thêm hai điểm, tức điểm bốn và điểm năm. Ðiểm bốn đối lập với điểm năm của bài chiêm niệm của Tuần Ba, tức trong khi điểm năm của Tuần Ba suy xét về việc thần tính của Chúa tự ẩn đi thì, ngược lại, điểm bốn của bài chiêm niệm của Tuần Bốn suy xét về thần tính của Chúa tự biểu lộ. Ở Tuần Ba, chúng ta đã trưng câu Chúa nói rằng Chúa có quyền bỏ mạng sống của Chúa, ở đây chúng ta ghi lời Chúa nói tiếp: "Và Ta có quyền lấy lại nó" (Ga 10,18).
Ðáng nói riêng đến điểm năm. Ðiểm này bảo người tĩnh tâm nhìn xem vai trò của Ðấng yên ủi mà Ðức Kitô phục sinh thực hiện. Ðể hiểu vai trò này, theo bản văn, hãy so sánh nó với cách mà các bạn hữu quen yên ủi nhau. Như vậy Chúa thực hiện vai trò Ðấng yên ủi bằng những lời nói của Chúa đầy sự yên ủi; nhưng chúng ta có quyền nghĩ thêm rằng Ngài thực hiện vai trò này bằng chính sự hiện diện của Ngài bên cạnh những người Ngài yêu mến và là những người yêu mến Ngài. Ði xa hơn nữa, chúng ta bảo rằng Ngài thực hiện vai trò Ðấng yên ủi bằng việc Ngài đưa đến cho họ Ðấng yên ủi khác là Chúa Thánh Thần, như khi hiện đến với các môn đệ, Ngài đã thở hơi vào họ và nói: "Anh em hãy nhận lấy Thánh Thần" (Ga 20,22).
Phần tâm sự Về phần tâm sự, bản văn bảo hãy kết thúc bằng một hay nhiều cuộc tâm sự (ví dụ với Ðức Mẹ, với Ðức Kitô phục sinh, với Ðức Chúa Cha) tùy theo đề tài; rồi đọc một kinh Lạy Cha. Như vậy không có gì để bàn thêm, vì điều bản văn vừa nói là áp dụng chung cho các bài suy niệm và chiêm niệm trong sách Linh thao.
Trong Tuần này người tĩnh tâm mỗi ngày nên chiêm niệm bốn lần thay vì năm lần, tức bỏ lần chiêm niệm vào ban đêm; họ cũng làm bài lặp lại và bài áp dụng ngũ quan như ở Tuần Ba (s. 226,5; 227,1-3). Riêng về việc áp dụng ngũ quan, có chú thích này mà chúng ta không đọc thấy ở Tuần Hai và Tuần Ba: "Chú ý đến và dừng lại ở những chỗ quan trọng hơn, và ở đó người ta đã cảm thấy những thúc đẩy và những thú vị thiêng liêng lớn hơn" (227,3).
Mục đích của Tuần Bốn đã được nêu rõ ở mào đầu ba của bài chiêm niệm nói trên kia, vì ơn xin của mào đầu này dùng cho các bài chiêm niệm tiếp theo. Ðó là, để nhắc lại, ơn xin "hoan hỉ và vui mừng mãnh liệt vì vinh quang và sự vui mừng dường ấy của Ðức Kitô Chúa chúng ta." Ơn này là một sự yên ủi thiêng liêng. Ðể phù hợp với sự vui mừng của Tuần này, điều bổ di thứ hai của Tuần Nhất được sửa đổi: "Ngay khi thức dậy, đặt trước mặt cuộc chiêm niệm mà tôi phải làm, ước ao được cảm kích và hoan hỉ vì sự vui mừng và sự hoan hỉ dường ấy của Ðức Kitô Chúa chúng ta" (s. 229,2); điều bổ di bảy cũng được sửa đổi là khuyên, nếu có thể, nên lợi dụng ánh sáng và thời tiết "tùy như linh hồn tưởng hoặc phỏng đoán có thể giúp mình vui mừng trong Ðấng Tạo hóa và Cứu chuộc của mình" (s. 229,4). Về việc ăn uống, trong Tuần này người tĩnh tâm được khuyên, thay vì hãm mình, nên chú ý đến sự tiết độ (s. 229,5).
Nguyên một việc khóa Linh thao dành hẳn một Tuần với mười bốn đề tài chiêm niệm được giới thiệu, tuy không nhất thiết để làm tất cả (s. 226,5), cũng đã là lời nhắc bảo rằng người tĩnh tâm cần có đủ thì giờ để chiêm ngưỡng Ðức Kitô phục sinh. Họ chiêm ngưỡng Ngài là Ðấng chiến thắng và vinh hiển với thân xác được biến đổi cách kỳ diệu, không còn bị lệ thuộc vào những điều kiện vật chất của thế giới hữu hình này, ví dụ Ngài hiện đến gặp các môn đệ trong nhà đóng kín cửa (Ga 20,19 tt). Họ chiêm ngưỡng Ngài đang hoạt động, tức Ngài đến yên ủi các môn đệ, đến đem bình an cho họ, đến dạy bảo họ và trao ban sứ vụ: "Anh em hãy đi; thu nạp các môn đệ từ khắp muôn dân, thanh tẩy họ nhân danh Cha và Con và Thánh Thần, và dạy họ giữ mọi điều Thầy đã truyền cho anh em" (Mt 28,19-20); Ngài đến chuẩn bị trực tiếp các tông đồ trở nên nền tảng Giáo hội mà ngày lễ Ngũ Tuần (Hiện xuống) sẽ được coi là ngày chính thức khai sinh. Cũng ở Tuần Bốn, người tĩnh tâm có thì giờ để thưởng thức và để sống niềm hoan lạc phục sinh của Ðức Kitô. Sống như vậy là một cách hiệp nhất với Ngài.
* * *
Có những tác giả, khi bàn về việc Linh thao, đã dùng câu dưới đây làm như công thức tóm tắt tất cả bốn Tuần.
- Tuần Nhất: deformata studet
reformare, lo cải tổ cái méo mó lệch
lạc;
- Tuần Hai: reformata conformare, làm cho cái đã
được cải tổ trở nên
phù hợp (ý nói là làm
cho cuộc đời phù hợp với
cuộc đời Ðức Kitô);
- Tuần Ba: conformata confirmare, làm cho cái đã
phù hợp trở nên vững
chắc (nhờ ở việc chiêm
niệm về cuộc Tuẫn nạn của Chúa);
- Tuần Bốn: confirmata transformare, làm cho cái
đã vững chắc được
biến đổi đi (biến đổi
theo hình ảnh Ðức Kitô phục
sinh).
Công thức này bằng tiếng la-tinh có vẻ tài tình do ở chỗ mấy động từ được dùng đến đều gồm có thành tố forma: deformare, reformare, conformare, transformare. Nhưng qua những điều đã trình bày về cả bốn Tuần Linh thao, thì công thức trên chỉ áp dụng cho Tuần Nhất và Tuần Hai; nó không áp dụng chặt chẽ được cho Tuần Ba và Tuần Bốn, vì tuy nó đúng phần nào cho hai Tuần này, những rõ ràng nó không diễn đạt nổi cái chính yếu của hai Tuần này.
Như đã nói, sách Linh thao, ở Tuần Bốn, chỉ giới thiệu một bài chiêm niệm là bài về việc Chúa Kitô phục sinh hiện đến gặp Ðức Bà, còn tất cả những đề tài khác (mười ba đề tài) phải tìm ở mục "Những mầu nhiệm của cuộc đời Ðức Kitô Chúa chúng ta" (s. 300-312). Vậy trong tổng số mười bốn bài chiêm niệm, mười ba bài nói về các cuộc Chúa hiện ra và một bài cuối cùng nói về việc Chúa lên trời. Về nguồn tài liệu, có
- tám bài lấy trong Phúc
âm, tức bài hai đến hết
bài chín;
- ba bài lấy trong thư thứ nhất
của thánh Phaolô gửi các tín
hữu Corinthô (1 Cr 15,6-8), tức những
bài mười, mười một
và mười ba;
- một bài lấy trong sách Công vụ
các tông đồ (Cv 1, 1-12), tức
bài mười bốn về việc Chúa
lên trời;
- hai bài không có trong Thánh kinh, tức
bài thứ nhất về việc Chúa
hiện đến gặp Ðức Maria,
và bài thứ mười hai về
việc Chúa hiện đến gặp ông
Giuse thành Arimathia.
Về việc Thánh kinh không nói gì đến sự kiện Chúa hiện ra gặp ông Giuse thành Arimathia, sách Linh thao nói rằng "Như người ta suy gẫm với tâm hồn đạo đức và đọc thấy trong truyện các thánh" (s. 310).
Cũng nên nói cách riêng đến bài mười ba. Bài này gồm ba điểm: Chúa hiện ra gặp thánh Phaolô, Chúa đến giải thoát các thánh tổ phụ trong lâm-bô, Chúa thường hiện ra gặp các môn đệ và nói chuyện với họ. Vậy về việc Chúa hiện đến gặp thánh Phaolô, điều này căn cứ vào câu thánh Phaolô nói về chính mình mà bài này trưng lại: "Sau cùng Ngài đã hiện ra cả với tôi, một kẻ đẻ non" (1 Cr 15,8). Việc Chúa hiện ra với ông xảy ra sau khi Chúa lên trời, khi ông đang trên đường đi Ðama lùng bắt các tín hữu Kitô (Cv 9,3-7); lại cách thức Chúa hiện đến với ông, như sách Công vụ các tông đồ mô tả, khác hẳn với cách thức Chúa hiện đến với các môn đệ theo tường thuật của Phúc âm. Vậy nếu nói Chúa lên trời là, và điều này phù hợp với quan niệm chung, hàm sự chấm dứt sự hiện diện khả giác của Chúa phục sinh ở trần gian, thì việc đưa biến cố trên vào bài chiêm niệm là một điều ngoại lệ. Phải chăng thánh I-nhã làm như vậy, vì thích cái ý tưởng rằng Chúa phục sinh đã hiện ra gặp hết các tông đồ, hoặc vì muốn nhấn mạnh rằng thánh Phaolô cũng được gặp Ðức Kitô là Ðấng thực hiện chức vụ yên ủi, là Ðấng xây nền Giáo hội trên các tông đồ, nghĩa là thánh Phaolô là tông đồ thực thụ như các tông đồ Phêrô, Gioan, v.v.!
Về việc Chúa xuống lâm-bô giải thoát các thánh tổ phụ, điều này không có trong Thánh kinh mà chỉ là thuộc quan niệm cổ truyền. Việc Chúa xuống lâm-bô cũng không phải là sự hiện ra của Chúa phục sinh, hiểu theo nghĩa thông thường; bài chiêm niệm ghi rõ là linh hồn Chúa đến: "Ngài cũng đã hiện ra, bằng linh hồn Ngài, gặp các thánh tổ phụ ở lâm-bô." Có lẽ thánh I-nhã đưa sự kiện này vào bài chiêm niệm để nhắc gợi thành quả to lớn và cụ thể mà công cuộc cứu chuộc của Chúa đem lại, tức các thánh chết trước Chúa bây giờ được vào cõi thiên đàng nhờ cái chết của Chúa.
Ðiểm ba của bài chiêm niệm mười ba đang nói ở đây là việc "Chúa hiện ra nhiều gặp với các môn đệ và nói chuyện với họ." Ðiều này có lẽ được ghi phỏng theo thánh Phaolô và đặt trước câu ông kể về việc Chúa hiện đến với ông như đã nói ở điểm chiêm niệm một (1 Cr 15,5-7). Có thể coi điểm ba này là cái nhìn tổng quát và tóm lược về các lần Chúa phục sinh hiện đến, trước khi người tĩnh tâm tiến sang bài Chúa lên trời là bài kết thúc Tuần này.
Một cách rất đại cương, từ những bài chiêm niệm của Tuần Bốn này xét như một tổng thể, trừ bài Chúa lên trời, chúng ta rút ra ba ý tưởng tổng quát:
- Ðức Kitô phục
sinh tự ý tìm gặp lại những
người của Ngài, bắt đầu
từ Ðức Maria, Mẹ Ngài;
- Ngài biểu lộ thần tính mà
Ngài đã che giấu đi suốt
trong cuộc Tuẫn nạn;
- Ngài đem nguồn an ủi siêu nhiên
(và sự bình an) cho những kẻ
Ngài gặp gỡ; cách riêng đối
với các môn đệ, Ngài
còn trao ban sứ vụ.
Sau cùng, cũng như Phúc âm theo thánh Maccô và Luca chấm hết bằng sự kiện Chúa lên trời (Mc 16,19; Lc 24,50-51), Tuần Bốn cũng dùng sự kiện này để kết thúc: bài chiêm niệm mười bốn với nhan đề "Sự lên trời của Ðức Kitô Chúa chúng ta" (s. 312). Nói đến việc Chúa lên trời, cũng nên nhắc đến bài Vương quốc và bài Nhập thể ở Tuần Hai: Chúa lên trời tức là Chúa vào trong vinh quang của Cha Ngài sau khi đã chiến thắng Xatan (bài Vương quốc), sau khi đã hoàn thành sứ mệnh cứu độ mà Ba Ngôi Thiên Chúa trao cho (bài Nhập thể).
Bài Chúa lên trời căn cứ vào sách Công vụ các tông đồ (Cv 1,1-12), và kể ra ba điểm:
- Chúa truyền cho các
môn đệ ở lại Giêrusalem để
chờ đón Chúa Thánh Thần.
- Chúa đã dẫn các môn đệ
lên núi O-liu và, trước mặt
họ, Chúa được cất lên
trời.
- Trong khi các môn đệ nhìn lên
trời thì thiên thần nói với
họ: "Hỡi các người
xứ Galilêa, tại sao các người
đứng đó nhìn trời?
Ðức Giêsu vừa được
cất khỏi mắt các người
để lên trời, sẽ trở
lại cùng một cách như khi các
người thấy Ngài lên trời."
Bài Chúa lên trời dùng kết thúc Tuần Bốn có khả năng gợi ý cho người tĩnh tâm rằng cuộc hành trình Linh thao đã xong, bây giờ là lúc họ, thay vì "đứng nhìn lên trời", họ xuống núi để, nhờ sự trợ lực của Chúa Thánh Thần mà Ðức Kitô ban xuống - như Người đã ban cho các môn đệ khi phục sinh hiện đến gặp họ (Ga 20,22) - họ dấn thân lên đường phục vụ Giáo hội của Ngài, làm chứng nhân cho Ngài "cho đến tận cùng trái đất" (Cv 1,8); và như thế, sau cùng, họ sẽ được theo Ngài vào trong vinh quang của Cha Ngài, như bài Vương quốc đã nói (s. 95,5).
* * *
Trong sách Linh thao chỉ có một lần và là ở Tuần Bốn này, danh xưng Ðấng Cứu Chuộc đi chung với danh xưng Ðấng Tạo hóa thành cụm từ Ðấng Tạo hóa và Cứu chuộc. Chúng ta gặp thấy nó trong chú thích về việc thay đổi điều bổ di bảy, theo đó người tĩnh tâm nên dùng những vật hay cảnh chung quanh nào (như ánh sáng, thời tiết, v.v) mà họ thấy "có thể giúp họ vui mừng trong Ðấng Tạo hóa và Cứu chuộc của mình" (s. 229,4). Có người cho rằng cụm từ Ðấng Tạo hóa và Cứu chuộc chỉ Thiên Chúa Ba Ngôi. Theo thiển ý, cụm từ này minh nhiên và trực tiếp chỉ Ðức Kitô, dựa vào suy luận như sau. Ơn xin của Tuần Bốn là xin được vui mừng (s. 221); chú thích bốn của Tuần này ở điều liên quan đến việc sửa đổi điều bổ di hai, cũng nói đến việc cảm thấy vui mừng vì Ðức Kitô vui mừng (s. 229,2). Vì thế, cũng chú thích bốn này, khi bảo người tĩnh tâm hãy lợi dụng những vật hay cảnh chung quanh nào giúp họ vui mừng, thì giúp họ vui mừng hiểu là giúp họ vui mừng trong Ðức Kitô (chứ không vui mừng trong các vật hay cảnh đó), cũng nghĩa là giúp họ hiệp nhất với Ðức Kitô vui mừng. Hiểu như vậy là điều hợp lý, vì phù hợp với văn cảnh và với mục đích của Tuần Bốn là vui mừng với hoặc vì Ðức Kitô vui mừng. Không lẽ gì bỗng dưng chuyển ý sang việc lợi dụng các vật hay cảnh chung quanh vào việc vui mừng trong Thiên Chúa Ba Ngôi! Giải thích trên cũng phù hợp với ý của bản Phổ thông. Bản này dùng động từ: congaudere, vui mừng với: "Per quas Creatori et Redemptori meo congaudere queam", nhờ chúng, tôi có thể vui mừng với Ðấng Tạo hóa và Cứu chuộc của tôi.
* * *
Ðoạn văn ngắn dưới đây của thánh Phaolô có thể tóm tắt cuộc đời trần thế của Ðức Kitô mà người tĩnh tâm suy ngắm trong suốt Tuần Hai, Ba và Bốn: "Ngài địa vị là Thiên Chúa, đã không nghĩ phải được ngang hàng với Thiên Chúa, nhưng đã hủy mình để nhận lấy thân phận tôi đòi, trở nên giống trần nhân; và, về hình dáng, Ngài được nhìn nhận là một người; Ngài đã hạ mình, vâng lời cho đến nỗi chịu chết, chết trên thập giá. Bởi vậy Thiên Chúa đã siêu tôn Ngài và ban cho Ngài danh hiệu vượt trên mọi danh hiệu, để khi nghe danh Giêsu thì trên trời, trên địa cầu và dưới gầm đất mọi đầu gối đều phải quỳ xuống, và mọi miệng lưỡi phải tuyên xưng rằng Ðức Giêsu Kitô là Chúa, mà làm rạng danh Ðức Chúa Cha" (Pl 2,6-11).
Cuộc hành trình thiêng liêng là khóa Linh thao, diễn tiến theo hướng Thánh kinh và tương ứng với chu kỳ phụng sự của Giáo hội. Trước hết là theo hướng Thánh kinh. Trong bộ Thánh kinh Cựu ước, sách Sáng thế tuy không phải là sách cổ nhất, nhưng được xếp ở đầu. Vậy ngay ở những chương đầu, sách Sáng thế tường thuật việc con người được dựng nên và tiếp theo là việc con người phạm tội (tội Ađam: St 3; tội Cain: St 4). Cuộc hành trình thiêng liêng cũng bắt đầu bằng bài Nguyên lý và Nền tảng về việc con người được dựng nên (để tán dương, tôn kính và phụng sự Thiên Chúa, v.v.), và dành trọn Tuần Nhất cho việc suy gẫm về tội. Thứ đến là theo chu kỳ phụng vụ: chu kỳ này được đánh dấu đặc biệt bằng ba mùa, tức mùa Giáng sinh, Mùa Chay (và Thương khó) và mùa Phục sinh để kỷ niệm ba biến cố trọng đại trong cuộc đời trần gian xưa của Chúa. Vậy biến cố Giáng sinh, trong khóa Linh thao, dành cho phần đầu của Tuần Hai - cuộc đời hoạt động công khai của Chúa dành cho phần sau của Tuần, và phần này được coi như tương ứng với "mùa thường niên" trong năm phụng vụ - hai biến cố Tuẫn nạn và Phục sinh dành theo thứ tự cho Tuần Ba và Tuần Bốn. Trong viễn tượng này, cả ba Tuần Linh thao quả là sự rút gọn chu kỳ phụng vụ của Giáo hội.
Người tĩnh tâm kết thúc khóa Linh thao bằng sự quyết tâm đem ra thực hiện trong đời sống thường nhật điều lựa chọn mà họ đã dâng lên cho Thiên Chúa chuẩn y (s. 188); và trước khi bước ra khỏi khóa Linh thao, trong khi chiêm ngưỡng Ðức Kitô phục sinh, họ được phép nghĩ rằng lời Ðức Kitô phục sinh đã nói với các môn đệ của Ngài xưa, cũng là lời Ngài nói với họ hôm nay: "Chúc anh em được bình an ! Như Cha đã sai Thầy đi, đến lượt Thầy, Thầy cũng sai anh em đi" (Ga 20,21).
Như đã rõ, khóa Linh thao không phải là một khóa thần học, giáo lý hay tu đức học, nhưng là một cuộc tập luyện của người tĩnh tâm nhằm tìm thấy thánh ý Thiên Chúa trong sự sắp đặt cuộc đời mình (s. 1,4). Trong mục đích này, những bài tập của Tuần Hai, Ba và Bốn tập trung vào việc giúp họ chiêm ngưỡng Ðức Kitô trong cuộc đời trần thế xưa của Ngài để họ hiểu biết, yêu mến, noi gương và đi theo Ngài là Ðấng đã sống trọn vẹn cho Ðức Chúa Cha để thực hiện kế hoạch cứu độ của Thiên Chúa Ba Ngôi. Như thế khóa Linh thao không nhắm vào Ðức Chúa Cha hay Chúa Thánh Thần. Nhưng điều này không có nghĩa là khóa Linh thao bỏ qua Thiên Chúa Ngôi Nhất và Thiên Chúa Ngôi Ba, như chúng ta đã có dịp nhận thấy rải rắc trong sách Linh thao. Vậy, không kể bài Nhập thể của Tuần Hai nói đến Ba Ngôi Thiên Chúa trong kế hoạch cứu độ nhân loại, dưới đây, để có cái nhìn tổng quát, xin nhắc lại những chỗ sách Linh thao đã nói đến Ðức Chúa Cha và Chúa Thánh Thần. Sau đó thêm về Ðức Maria.
- Kinh Lạy Cha được dùng để kết thúc các bài suy ngắm.
- Bài Vương quốc, ở điểm suy gẫm một, ghi: Ðức Kitô nói rằng Ngài đi vào trong vinh quang của Cha Ngài, và những ai cộng tác với Ngài cũng sẽ theo Ngài đi vào trong vinh quang đó (s. 95,4-5).
- Bài Hai lá cờ hiệu, ở phần tâm sự, bảo người tĩnh tâm hãy lần lượt cầu xin với Ðức Maria, Chúa Con và Ðức Chúa Cha (s. 147); và phần tâm sự này còn được dùng trong những bài tiếp theo của Tuần Hai.
Ở mục "Những mầu nhiệm của cuộc đời Ðức Kitô Chúa chúng ta", có những bài dưới đây.
- Bài Ðức Kitô đến Ðền thờ khi lên mười hai tuổi, có câu Ngài thưa với cha mẹ rằng "Cha mẹ không biết là con phải làm những việc của Cha con sao?" (s. 272,4).
- Bài về Chúa chịu
phép rửa có câu của Ðức
Chúa Cha: "Ðây là con rất
yêu dấu của Ta, rất đẹp lòng
Ta" (s. 273,4).
- Bài về bài giảng trên núi,
có câu: "Ánh sáng của anh
em hãy chiếu sáng trước mặt
người ta để họ trông thấy
những việc lành của anh em và
tán dương Cha anh em là Ðấng
ở trên trời" (s. 278,3).
- Bài về Chúa đổi dạng, ghi lời Ðức Chúa Cha phán: "Ðây là Con rất yêu dấu của Ta, hãy nghe lời Ngài" (s. 284,4).
- Bài về những việc xảy ra trong bữa tiệc biệt ly và trong vườn O-liu, ghi lời Chúa cầu xin cùng Ðức Chúa Cha: "Lạy Cha, nếu có thể, ước gì chén này xa khỏi con; tuy nhiên, xin đừng theo ý con, mà là theo ý Cha" (s. 290,3).
- Bài về những điều thực hiện trên Thánh giá, ghi câu Chúa thưa cùng Ðức Chúa Cha: "Lạy Cha, con trao phó hồn con trong tay Cha" (s. 297,4).
- Bài về việc Chúa phục sinh hiện ra lần thứ chín, ghi lời Chúa sai các môn đệ đi giảng dạy muôn dân và "thanh tẩy họ nhân danh Cha và Con và Thánh Thần" (s. 307,4).
Trọn cuộc hành trình Linh thao, từ khởi sự cho đến kết thúc, được diễn ra dưới sự bảo trợ của Chúa Thánh Thần, tức trong suốt cuộc hành trình thiêng liêng này, người tĩnh tâm sống và hành động dưới sự tác động của Chúa Thánh Thần, bởi lẽ, theo thần học mà mọi tín hữu đều biết, những ơn soi sáng, những hứng thú siêu nhiên, những sự yên ủi đích thực, những thúc đẩy thánh thiện trong tâm hồn, v.v., tất cả đều là những ân huệ của Chúa Thánh Thần; hơn nữa, Chúa Thánh Thần luôn luôn hành động nơi những người vì lòng mến Thiên Chúa mà đi tìm cho biết thánh ý Ngài. Nói rộng ra, đời sống của tín hữu Kitô là đời sống ân sủng, mà ân sủng là ân huệ mà Chúa Thánh Thần thông ban cho. Dưới đây là những chỗ mà sách Linh thao nhắc đến Chúa Thánh Thần mà chúng ta đọc thấy ở mục "Những mầu nhiệm của cuộc đời Ðức Kitô Chúa chúng ta".
- Bài về việc Chúa chịu phép rửa, ghi lại việc Chúa Thánh Thần đến với Ngài (s. 273,4).
- Bài về việc Chúa phục sinh hiện ra lần thứ sáu, ghi việc Chúa ban Thánh Thần cho các môn đệ (s. 304,4).
- Bài về việc Chúa phục sinh hiện ra lần thứ chín, ghi lời Chúa dạy các môn đệ hãy làm phép rửa "nhân danh Cha và Con và Thánh Thần" (s. 307,4).
- Bài về Chúa lên trời, nhắc đến việc Chúa truyền cho các môn đệ hãy ở Giêrusalem để chờ Chúa Thánh Thần (s. 321,2).
- Bài về Chúa chịu cám dỗ trong hoang địa (s. 274) và bài Chúa đổi dạng trên núi (s. 284), tuy không nhắc đến Chúa Thánh Thần, nhưng ghi rõ những đoạn Phúc âm được trích dẫn (Lc 4,1-13; Mt 4,1-11; 17,1-9), và những đoạn trích dẫn này có nói đến Chúa Thánh Thần.
Cũng nên nhắc lại ở mục đề cập công việc lựa chọn trong Tuần Hai, vai trò của Chúa Thánh Thần được ám chỉ qua câu nói rằng Thiên Chúa "đánh động và lôi kéo lòng muốn" (s. 175,2) hoặc qua những câu nói về ơn yên ủi siêu nhiên. Ngoài ra, mục "Ðể có cảm nghĩ đúng mà, ở trong Giáo hội chiến đấu, chúng ta phải giữ" (s. 352-370) nói rõ về vai trò của Chúa Thánh Thần rằng "Giữa Ðức Kitô Chúa chúng ta, Ðấng là Chồng, và Giáo hội, bạn trăm năm của Ngài, vẫn là một Thánh Thần cai quản và hướng dẫn chúng ta" (s. 365,2). Câu này bao hàm ý tưởng quan trọng là người tĩnh tâm làm công việc lựa chọn phù hợp với ý của Giáo hội là mẹ thánh của mình để đi theo và noi gương Ðức Kitô, người chồng của Giáo hội; mà sự đi theo và noi gương này là điều thực hiện nhờ ơn soi sáng, hướng dẫn và phù trợ của Chúa Thánh Thần.
Không kể mục về "Ba cách cầu nguyện" ở đó nói đến việc cầu nguyện bằng kinh Kính mừng hoặc kinh Lạy Nữ vương (s. 238-260); cũng không kể ở phần tâm sự của một số bài suy ngắm ở đó người tĩnh tâm được nhắc bảo hoặc đọc một kinh Kính mừng (s. 63,4), hoặc than thở với Ðức Maria (s. 63,1-4; 147,1; 148,2; 156; 159,3), hoặc tùy ý thêm lời than thở này (s. 109,1), người tĩnh tâm còn gặp Ðức Maria ở bài Nhập thể và Giáng sinh thuộc đầu Tuần Hai. Cũng liên quan đến Tuần Hai, mục "Những mầu nhiệm của cuộc đời Ðức Kitô Chúa chúng ta" có những bài dưới đây.
- Bài thiên thần báo tin cho Ðức Bà (s. 262).
- Bài Ðức Bà đi thăm bà Êligiabét (s. 263).
- Nội dung của hai bài vừa kể có trọng tâm là Ðức Maria được nhìn trong quan hệ với Ngôi Hai nhập thể.
- Bài Giáng sinh ở điểm chiêm niệm hai về Ðức Maria: "Ngài sinh con đầu lòng, lấy tã quấn cho và đặt trong máng cỏ" (s. 264,3).
- Bài cắt bì, ghi ở điểm chiêm niệm ba: "Người ta trao Hài nhi lại cho Mẹ Ngài, và Mẹ Ngài cảm thương về máu chảy ra từ nơi Con mình" (s. 266,4).
- Bài Chúa chịu phép rửa, ghi ở điểm chiêm niệm một: "Ðức Kitô Chúa chúng ta, sau khi từ giả Mẹ được chúc phúc của Ngài, Ngài từ Nagiarét đến sông Giođan là nơi thánh Gioan Tẩy giả đang ở đó" (s. 273,2).
- Bài phép lạ đầu tiên trong tiệc cưới ở Cana, ghi ở điểm chiêm niệm hai: Ðức Maria làm hiệu cho Chúa biết là hết rượu, và truyền cho những người giúp việc hãy làm điều Chúa sẽ bảo họ (s. 276,3).
Ở Tuần Ba, ngày thứ bảy là ngày sau cùng của Tuần và được dành cho việc chiêm niệm về toàn thể cuộc Tuẫn nạn. Vậy ở đây sách Linh thao khuyên người tĩnh tâm rằng trong cả ngày, rất nhiều lần, tùy như có thể, hãy suy xét xem thân xác cực thánh của Chúa lìa khỏi linh hồn như thế nào, thân xác đó được mai táng ở đâu và thế nào, "cùng một cách đó, suy xét về nỗi cô đơn của Ðức bà trong cảnh đau đớn và mệt mỏi dường ấy" (s. 208,10-11). Cũng liên quan đến Tuần Ba, mục "Những mầu nhiệm của cuộc đời Ðức Kitô Chúa chúng ta" có hai bài dưới đây.
- Bài "Những mầu nhiệm thực hiện trên Thánh giá", ghi ở điểm chiêm niệm một, việc Chúa phó thác thánh Gioan cho Mẹ Ngài và Mẹ Ngài cho thánh Gioan (s. 297,3).
- Bài "Những mầu nhiệm thực hiện từ trên Thánh giá cho tới tận nơi mồ", ở điểm chiêm niệm một, ghi: "Chúa được ông Giuse và Nicôđêmô đem xuống khỏi thập giá, trước mặt người Mẹ đau đớn của Ngài" (s. 298,2).
Ở Tuần Bốn, bài đầu tiên là bài chiêm niệm: "Ðức Kitô Chúa chúng ta đã hiện ra với Ðức Bà như thế nào" (s. 218-225), mặc dù Thánh kinh không nói gì đến biến cố này; và, để biện minh cho việc chiêm niệm về đề tài này, sách Linh thao bảo là đề tài này được coi như hiểu ngầm trong câu Thánh kinh nói rằng Chúa đã hiện ra gặp nhiều người; không những thế, sách Linh thao còn thêm: "Thánh kinh giả thiết rằng chúng ta có trí hiểu, theo như đã viết: "Cả anh em nữa, anh em không có trí hiểu sao?" (299,1-3). Chúng ta có quyền có thêm ý tưởng này: Ðức Maria là Mẹ của nhân loại được cứu độ bằng cái chết của con mình, giờ đây đang ở trong niềm hoan lạc là được người Con chiến thắng vinh hiển hiện đến gặp gỡ.