Một Cuộc Hành Trình Thiêng Liêng

Tìm hiểu khóa linh thao theo thánh I-nhã

Linh Mục Ðinh Văn Trung, SJ, Việt Nam

Prepared for internet by Vietnamese Missionaries in Taiwan


II. MỤC ÐÍCH - MỐI LIÊN HỆ
VỚI HAI TUẦN TRƯỚC -
CÁC QUY TẮC

1. Mục đích của Tuần Ba

Những điều đã nói trên về hai bài tập thứ nhất và thứ hai, cách riêng ở Mào đầu ba, cho biết mục đích của Tuần Ba. Ở đây xin nhắc qua lại. Tuần Ba nhằm giúp người tĩnh tâm, qua việc chiêm ngưỡng Ðức Kitô trong cuộc Tuẫn nạn,

Cũng nói thêm là một chú thích liên quan đến Tuần Ba này, và đó là chú thích thứ ba, đặt sau bài tập hai, phù hợp với điều nói trên đây. Chú thích viết: "Khi tôi vừa thức dậy và mặc áo, tôi cố gắng làm nảy sinh nơi tôi sự buồn sầu và sự đau đớn vì Ðức Kitô Chúa chúng ta đã phải chịu đau khổ dường ấy" (s, 206,3).

Liên quan đến mục đích của Tuần này là câu hỏi phải chăng, cũng như Tuần Nhất được coi là tương ứng với thanh đạo và Tuần Hai với minh đạo, Tuần Ba (và cả Tuần Bốn) được coi là tương ứng với hiệp đạo. Một số nhà bình chú sách Linh thao nghĩ có sự tương ứng này. Thực ra sách Linh thao coi hai Tuần đầu là tương ứng với hai con đường vừa nói (s. 10,2-3) nhưng không hề nói Tuần Ba tương ứng với hiệp đạo. Vậy nếu chúng ta nhớ rằng sách Linh thao được tác giả của nó, thánh I-nhã, bổ sung dần trong nhiều năm trời, và chính Ngài đã dùng nó trong việc hướng dẫn người ta làm Linh thao, thì chúng ta khó có thể bảo rằng việc ngài không ví Tuần Ba (và Tuần Bốn) với hiệp đạo là do sơ sót, sự sơ sót này khác hẳn với sự sơ sót vật chất như viết sai chữ chẳng hạn. Nói cách khác, việc không nhắc đến hiệp đạo, chắc là việc làm hữu ý. Ở đây không tìm hiểu lý do của sự hữu ý này, nhưng thiết tưởng cũng nên nhắc lại mục đích của khóa Linh thao: "Gọi là những bài tập thiêng liêng tất cả những cách sửa soạn và chuẩn bị linh hồn để gỡ khỏi mình hết mọi ưa thích lệch lạc và để, sau khi đã gỡ bỏ chúng, thì tìm và tìm thấy ý muốn của Thiên Chúa trong việc sắp đặt cuộc đời mình nhằm sự rỗi linh hồn" (s. 1,3-4). Vì thế, việc không nói đến hiệp đạo xem ra là điều thích hợp, bởi lẽ hiệp đạo vẫn được các nhà tu đức học coi là ơn ban không đặc biệt mà Thiên Chúa ban cho một số rất ít những kẻ được Ngài tuyển chọn tùy theo thánh ý mầu nhiệm của Ngài. Vậy không phải mọi người làm Linh thao đều thuộc thiểu số được tuyển lựa đó, tuy việc làm Linh thao có thể là một cách chuẩn bị cho linh hồn được tiến vào hiệp đạo nếu Thiên Chúa muốn, và, nếu so sánh với hai Tuần đầu, thì Tuần Ba và Bốn có những điểm gần gũi hơn với hiệp đạo.

2. Mối liên hệ với Tuần Nhất và Tuần Hai

Tuy Tuần Ba được dành trọn cho việc chiêm niệm về cuộc Tuẫn nạn của Chúa, nhưng điều đó không có nghĩa là Tuần Nhất và Tuần Hai không được nhắc đến. Vậy dưới đây xin ghi lại những chỗ được nhắc đến để có cái nhìn bao quát về cuộc Tuẫn nạn của Chúa đồng thời để thấy rõ hơn sự dính kết của Tuần Ba với Tuần Nhất và Tuần Hai.

Ở Tuần Nhất, bài suy niệm đầu tiên (về tội), ở phần tâm sự, bảo người tĩnh tâm hãy tưởng tượng Ðức Kitô treo trên Thánh giá trước mặt mình, và thưa với Ngài rằng làm sao Ngài lại nhận lấy cái chết vì tội của mình, và hãy tự hỏi xem mình phải làm gì cho Ngài (s. 53,1-2).

Ở Tuần Hai, bài chiêm niệm đầu tiên, tức bài Nhập thể, ở mào đầu một, nói đến kế hoạch cứu độ của Thiên Chúa Ba Ngôi, và "Ngôi Hai sẽ làm người để cứu độ nhân loại" (s. 102,2). Vậy cuộc Tuẫn nạn với cái chết của Chúa Giêsu trên thập giá là sự hoàn thành kế hoạch cứu độ đó. Bài tiếp theo là bài Giáng sinh, ở điểm chiêm niệm ba, nói đến cái chết của Chúa Giêsu: "Và sau khi chịu bao nhiêu cực nhọc, đói, khát, nóng và lạnh, sỉ nhục và lăng mạ, Chúa chết trên thập giá; và tất cả những sự ấy là vì tôi" (s. 116,2). Bài Vương quốc nói đến việc người tĩnh tâm ước ao theo gương Chúa chịu mọi sỉ nhục và chọn sống nghèo khó (s. 98,2-3); và ở bài Hai lá cờ hiệu họ cầu xin ơn đó (s. 147). Cách riêng ở bài suy tư Ba kiểu khiêm nhường, kiểu khiêm nhường thứ ba, tức cấp hoàn hảo, cốt ở sống nghèo khó, chịu mọi sỉ nhục, bị coi là ngu dại vì Ðức Kitô, "tất cả chỉ vì để noi gương và nên giống Ðức Kitô Chúa chúng ta cách hiện thực hơn" (s. 167,2-4). Vậy Ðức Kitô ở trong cuộc Tuẫn nạn là Ðấng mà người tĩnh tâm muốn nên giống và tự đồng hóa với.

Có nhiều điều phải nói về mầu nhiệm Thánh giá, nhưng căn cứ vào chính những điều được đề cập trong Tuần Ba cùng với những điều vừa nói trên đây thuộc Tuần Nhất và Tuần Hai, chúng ta có thể tóm tắt như sau mấy ý tưởng liên quan đến chiều hướng của việc chiêm niệm về cuộc Tuẫn nạn của Chúa.

Về phía Chúa:

- Thần tính của Ngài được che giấu đi, tức Ngài tự ý che đậy quyền năng và sự vinh hiển của Ngài là Ðấng Tạo hóa, là Thiên Chúa, là Vua vĩnh cửu, để chịu đòn, chịu chế diễu và chịu chết ô nhục trên thập giá.

- Tình yêu vô biên của Thiên Chúa Ba Ngôi đối với nhân loại: tình yêu này được biểu lộ qua công cuộc cứu chuộc được thực hiện bởi Ngôi Hai làm người.

- Tình yêu của Ðức Kitô đối với mọi người và từng người.

Về phía con người:

- Ðau buồn vì các tội đã phạm.

- Thương cảm với Chúa Giêsu đau khổ. Ðây là một cách hiệp nhất tâm tình với Ngài vì lòng yêu mến Ngài.

- Ca tụng tình yêu của Ngài. Cảm tạ Ngài và quyết tâm đền đáp.

- Hiệp nhất với Ngài bằng sự cố gắng nên giống Ngài là Ðấng chịu đóng đanh, và hiệp nhất như thể vừa vì lòng yêu mến Ngài, vừa vì muốn tham dự sứ mệnh cứu độ của Ngài.

3. Các quy tắc (s. 210-217)

Ở cuối Tuần Ba có mục mang nhan đề là "Những quy tắc để tự chỉnh đốn trong việc ăn uống từ nay trở đi." Ở cuối Tuần Nhất, điều bổ di mười, khi đề cập việc đền tội, đã nói đến sự hãm mình trong việc ăn uống; điều bổ di này cũng xác định rằng bỏ cái dư thừa không phải là hãm mình, mà là tiết độ, bỏ cái thích hợp mới là hãm mình (s. 83). Vậy ở đây những quy tắc cũng nói đến việc bỏ cái thích hợp, nhưng chúng mang chiều kích rộng hơn vấn đề đền tội, như chính nhan đề của chúng cũng đã gợi ý.

Bốn quy tắc đầu xếp thành một nhóm, đề cập thẳng những đồ ăn và đồ uống. Ðây là ý tưởng tổng quát: các đồ ăn đồ uống nào càng dễ gây thèm thích thì càng nên kiêng hoặc giảm bớt; càng loại bỏ những cái thích hợp thì càng đi nhanh tới đúng mức phải giữ trong việc ăn uống; tuy nhiên phải cẩn thận để không bị bệnh do việc hãm mình.

Nhóm quy tắc thứ hai gồm những quy tắc năm, sáu và bảy, liên quan đến tâm tình nên có khi ăn. Ðại ý: đang khi ăn, thay vì để bị thu hút vào việc ăn uống hoặc bị lôi cuốn bởi sự thèm ăn, nên hướng tâm hồn lên Chúa hoặc về những vấn đề đạo đức khác, ví dụ suy nghĩ xem Chúa dùng bữa như thế nào với các môn đệ, v.v.

Quy tắc sau cùng, quy tắc thứ tám, giới thiệu một điều thực hành: sau bữa cơm hoặc vào lúc không thấy thèm ăn uống, nên quy định số lượng thích hợp về đồ ăn đồ uống cho bữa cơm sau. Về các ngày tiếp theo cũng làm như vậy. Khi đến bữa ăn thì đừng vượt quá số lượng đó, cho dù thấy thèm hoặc bị cám dỗ; tốt hơn, nếu thấy thèm hay bị cám dỗ, để thắng mình, hãy dùng ít hơn.


Back to Vietnamese Missionaries in Taiwan Home Page